(Truyện Ngắn)
*HOÀI-CẨM Lê văn Hưng
(Tất cả mọi tình-tiết và nhân-vật trong truyện đều là sản-phẩm của tưởng-tượng.)
5/24/2002
1978
Mọi người đã đi về hết.
Nắng cuối ngày rơi lổ-đổ trên nắm đất mới lấp. Những giọt nắng vàng màu lúa chín từ bên kia sông, phía sau chùa Thiên-Mụ, trải lấp-lánh trên mặt nước của giòng Hương, rồi chiếu xuyên qua cành lá để cuối cùng đậu lại nơi khoảng đất của khu vườn nầy của làng Kim-Long.
Gió hiu-hiu từ dưới sông đưa lên. Lành-lạnh. Tôi cài lại cái nút trên cùng của chiếc áo sơ-mi. Trời cuối hè, sắp sang thu nên hơi rét đã bắt đầu len-lỏi trong không-khí. Cái lạnh ở Huế thật kinh-khủng, không biết phải so-sánh thế nào với cái rét tê-tái ở miền Bắc. Lần tìm bao thuốc lá Hoa Mai và chiếc hộp quẹt dẹp bằng nhôm trong túi quần. Chỉ còn điếu chót. Điếu thuốc cong queo, nhăn-nhúm nằụm ép sát trong góc của cái bao thuốc nội-hóa bằụng giấy màu vàng ngà, không có được lấy một lớp giấy thiếc hoặc bao giấy bóng kiếng để giữ mùi thuốc. Lấy tay vuốt vuốt để cho điếu thuốc thẳng lại, rồi bật hộp quẹt. Năm bảy lần mà vẫn bị gió bạt đi, không tài nào đốt được thuốc. Tôi phải đi lại một gốc cây và lấy tay che, ngọn lửa mới lóe lên được một chút, đủ thời-gian để mồi điếu thuốc, rồi tắt lịm ngay.
Đứng trầm-ngâm nhìn mấy cây nhang lập-lòe trong gió. Mùi khói lan tỏa làm ấm vùng không-gian nhỏ hẹp giữa vòm cây lá đang đứng rầu-rầu. Hình tháp chuông Thiên-Mụ ở hướng tây sẫm màu uy-nghi in bóng sừng-sững vào bầu trời tím đỏ đầy mây. Bóng tối buông dần, nhưng trên mặt sông ánh vàng vẫn còn rực-rỡ. Thỉnh-thoảng một con đò lướt qua từ-tốn và mái chèo khua nước làm vụn vỡ bóng chiều đang hấp-hối trên giòng sông. Khúc sông nầy cũng rộng như khúc sông gần chợ Đông-Ba mà ngày xưa tôi đã ngồi trên chiếc đò ngang đi qua Vĩ-Dạ để tìm Liên-Hạ trước khi tập-kết ra Bắc.
Thời-gian nhiều khi như sương khói đã che mờ quá-khứ, thế nhưng cũng lắm lúc không xoá nhòa nỗi kỷ-niệm một thời hoa-niên. Tôi còn nhớ như in ngôi nhà cổ-kính của nàng có đôi mái rêu-phong tọa-lạc gần Đập Đá. Hàng rào chè xanh ngăn-cách thế-giới bên ngoài với không-khí u-mặc bên trong của căn nhà. Mấy cây cau già nơi góc vườn đong đưa lơi-lả những tàu lá trong gió sớm. Những năm đi xa, mấy câu thơ của Hàn-Mạc-Tử lúc nào cũng như thúc-giục tôi trở lại chốn cũ, Sao anh không về chơi thôn Vĩ, nhìn nắng hàng cau nắng mới lên ... Lời thơ nghe ray-rức, trách-móc làm sao!
Giòng Hương lặng-lờ trôi trước mắt hiện giờ như một giải lụa để những thước phim đời của tôi chầm-chậm dàn trải lên. Mắt nhìn xuống giòng sông mà lòng thì trỉu nặng một mối u-hoài ...
1954
Đám cưới đã qua đi trên 5 tháng rồi mà tôi chưa hề một lần trò chuyện với Hạnh, vợ tôi ! Chưa một lần nằm ngủ chung giường, kể cả đêm động phòng. Nói cho đúng, không phải vì giận gì vợ tôi, mà chỉ vì tôi bất-mãn gia-đình. Tôi chưa muốn bị trói buộc vào vòng thê thằng, tử phược vội. Với lứa tuổi 20, tôi đang còn thích bay nhảy, nhất là trong tình-hình như dầu sôi lửa bỏng hiện nay của đất nước.
Lòng tôi nôn-nóng, suốt ngày đứng ngồi không yên. Sau Hiệp-Định Genève chia đôi đất nước tại lằn ranh của vĩ-tuyến 17, lực-lượng hai bên chỉ có 300 ngày để di-chuyển về vùng của mình kiểm-soát. Một số thanh-niên được chọn lựa đã lên đường ra Bắc. Trong nhóm bạn của tôi ở Quảng-Điền có mấy thằng vắng bóng rồi. Đồng thời tôi nghe nói nhiều chiếc tàu “há mồm” cũng đang chở đồng-bào miền Bắêùc di-cư vào trong Nam. Điều đó có thật không? Tại sao họ lại bỏ vào Nam? Trong khi tôi thì chỉ muốn được đi làm “bộ-đội cụ Hồ” mà thôi. Theo lời của các anh Cán-Bộ phụ-trách Thanh-Niên, có đôi lần kéo tôi ra một góc riêng, thì tuy tôi chưa thuộc thành-phần Thanh-Niên Cứu-Quốc nhưng tư-tưởng đã có phần tiến-bộ. Các anh cũng khuyên tôi nên đi ra Bắc vì đó là môi-trường thích-hợp cho những người yêu nước như tôi sinh-hoạt và tăng-trưởng. Lời khen làm tôi ngây-ngất như vừa được uống ruợu mạnh. Tại sao tập-thể không chọn các anh em khác mà lại chọn tôi? Điều nầy khiến tôi cảm thấy mình quan-trọng thêm lên. Cọng vào đó, hào-quang của chiến-thắng Điện-Biên Phủ từ tháng 5-1954 đang còn chói sáng trong tâm-hồn một thanh-niên mới lớn như tôi. Từ đó, tôi lúc nào cũng hướng về miền Bắc. Vậy mà bây giờ lại bị cột cẳng ở Sịa, tên gọi địa-phương của Quảng-Điền, với một cô vợ do sự dàn xếp trước của gia-đình, chứ không phải vì yêu-thương.
Tôi bỏ nhà đi suốt ngày. Khi thì vào Huế, lên núi Ngự Bình ngồi một mình bó gối nhìn lan-man. Hết nhìn sang núi Ba Tầng, lại trông qua núi Tam Thai, trông xuống lăng Dục Đức, trông qua nóc nhà thờ Phú Cam ở tuốt đằng xa kia mà thở dài thườn-thượt ! Khi thì ở lại nhà bạn bè để bàn chuyện chính-trị, chuyện tập kết, và bình-luận xôn-xao về tin tổng tuyển cử vào tháng bảy năm 1956, tức là còn tới hai năm nữa ... và nghe các anh cán-bộ thanh-niên nói về sự tốt đẹp của xã-hội miền Bắc.
Trong thời-gian đi lang-thang tôi có quen với một cô bạn gái. Hai chúng tôi rất hợp ý nhau. Tuy nhiên, có vài đôi lần, tôi tỏ lộ khuynh-hướng chính-trị của mình những khi trò chuyện, thì cô có vẻ do-dự, vì từ nhỏ đến lớn, cô chưa hề rời xa cha mẹ một bước, chứ đừng nói chi đến việc mạo-hiểm. Nhưng cuối cùng thì tình yêu đã giữ vai trò quyết-định tất-cả. Cô đồng-ý đi theo con đường tôi đã vạch.
Sau đó, tôi và cô bạn tìm cách liên-lạc với địa-điểm tập-kết và hẹn sẽ lên đường chung. Tới ngày đi, tôi đến điểm hẹn gần cửa Thượng Tứ chờ mãi mà không thấy Liên-Hạ, cô bạn gái. Nóng ruột quá, tôi rảo bước về phía cầu Trường Tiền rồi đi thẳng đến chợ Đông Ba để thuê đò ngang qua Vĩ Dạ. Gõ cửa nhà của Liên-Hạ thì được người nhà cho hay là nàng đã ra khỏi nhà cách đây khoảng nửa giờ. Tôi tái mặt. Không biết tìm Liên-Hạ ở đâu bây giờ ! Thế nầy thì trễ giờ lên đường mất rồi, nhưng tôi cũng cố-gắng quay trở về điểm hẹn với hi-vọng mỏng-manh là sẽ gặp người yêu ở đó. Không thấy nàng, tôi đành lên đường trước khi trời tối vì đoạn đường trước mắt còn dài. Tôi phải đi vào Liên khu 5, tức các tỉnh Nam Ngãi Bình Phú, gặp một người bạn thân ở Bồng-Sơn để cùng xuống tàu Ba-Lan tại Qui-Nhơn. Đi làm cách-mạng mà có đồng-chí đi cùng thì cũng cảm thấy ấm lòng.
Quay nhìn qua Vĩ Dạ về phía Đập Đá, nơi có căn nhà của Liên-Hạ mà lòng tôi hiu-hắt ! Giờ nầy không còn chuyến đò nào trên sông. Chỉ thấy một chiếc, có lẽ là chuyến cuối, đang đỗ khách lên bờ phía bên kia. Những chiếc đò gieo neo dọc theo hai bên bờ sông bắt đầu lên đèn leo-lét. Ánh lửa chiếu chập-chờn trên sóng nước nơi bến sông vào buổi hoàng-hôn khiến lòng người sắp tha-hương cũng cảm thấy một nỗi dùng-dằng, bước đi không đành.
1956
Ra đến đất Bắc, sau thời-gian học-tập và làm lý-lịch, tôi được chấp-thuận gia-nhập bộ-đội.
Ngoài giờ giấc huấn-luyện, chúng tôi phải tham-gia công-tác tu-bổ đê-điều, canh-tác, làm đường sá cầu cống, đặc-biệt là hệ-thống đường bộ và đường sắt quanh Hà-Nội cũng như ở vùng Việt-Bắc hầu như bị hư hại hoàn-toàn, để phụ giúp dân chúng tái-thiết miền Bắc, trong khi chờ Tổng tuyển cử thống-nhất đất nước.
Viễn-ảnh ấy tốt đẹp biết là chừng nào! Tôi lại sẽ được gặp lại Liên-Hạ của tôi !
Thế nhưng hai năm trôi qua nhanh chóng mà Tổng tuyển cử không thành. Sau một thời-gian dài tranh-giành ảnh-hưởng, phe Lê-Duẩn thắng thế với chủ-trương dùng quân-sự để đẩy mạnh công cuộc cách-mạng ở miền Nam. Đảng và nhà nước quyết-định chuyển từ đấu-tranh chính-trị sang đấu-tranh võ-trang.
Cả nước chuẩn-bị chiến-tranh .... Vì thế vào tháng 7 năm 1957, hơn 4.000 quân tập-kết đã được điều-động xâm-nhập trở vô Nam, tạo hạt nhân để xây-dựng lực-lượng. Vậy mà mãi đến 1962, tôi mới có mặt trong toán quân hồi kết trở về. Biết con đường về Nam rất chông gai nguy-hiểm, nhưng sao lòng tôi thấy phơi-phới ! Có lẽ hình ảnh Liên-Hạ và gia-đình đang đón chờ tôi cuối con đường thiên-lý ấy. Mà cũng có thể tôi thấy mình mang hình ảnh của một người anh-hùng nhận lãnh sứ-mạng trừ gian diệt bạo như trong tích xưa. Trước ngày lên đường, tôi chạy vội đi mua một cây bút máy Hồng-Hà để làm quà cho Liên-Hạ sau nầy.
Bắt đầu xuất-phát từ trại Xuân-Mai, bước chân tôi, đã in dấu suốt dọc dài đoạn đường Xuyên Việt vào đến Quảng-Bình, Thừa Thiên. Đoàn Cán-Bộ mùa thu của tôi phải mất hết hơn một năm trời mới đặt được chân đến A Lưới ở biên-giới Lào Việt.
Trên đường đi, có nhiều lúc tôi phải dừng lại dọc đường mòn vì cơn sốt rét rừng ập đến bất-ngờ. Các tốp cán-binh khác đi ngang qua, tuy ái-ngại dùm, nhưng cũng chỉ lấy mắt mà nhìn vì chính bản-thân của họ cũng không khá hơn tôi là mấy. Có những buổi chiều mắc võng nằm bệnh trên Trường-Sơn, xung quanh khói núi dâng lên dày đặc, nhìn mặt trời lặn trên đất Lào, vài sợi khói lam chiều uốn-éo vươn mình lên không từ những mái nhà sàn của người Thượng ở thôn bản xa-xôi dưới kia, đâu đó vài tiếng chó vu-vơ sủa hoặc tiếng gà tre eo-óc gáy... nhắc tôi đến làng Khuôn-Phò hẻo-lánh và nghèo-khổ của mình và càng làm tôi nôn-nóng sớm được đặt chân lên miền Nam thân yêu. Thời-gian đó tôi cứ bị sốt en-en thật khó chịu. Không cắt được cơn sốt vì phải trèo đèo, lội suối mà lại ăn uống thật kham-khổ. Không thiếu những lần nấu cơm không được vì mưa làm ướt hết củi, tôi đành nhai gạo sống để cầm hơi. Có lần sốt mê man, nằm đong đưa trên võng chịu đựng trận mưa rừng lạnh buốt xương da đang đổ xuống tấm ni-lông che trên võng, mà thèm làm sao một muỗng chè đậu xanh ngọt lịm ngày xưa mẹ hay nấu cho ăn. Những lần như thế, nếu không có sự động-viên của anh em, chắc tôi đã nản lòng và bỏ rơi lý-tưởng từ lâu!
Lúc bấy giờ tôi là một C Trưởng với 28 tuổi đời.
Chiến cuộc trong Nam đã bắt đầu sôi bỏng. Trước đó một năm, thị trấn Phước-Bình nằm cách Saigon 40 dặm về hướng Bắc đã bị quân đội miền Bắc tấn-công nặng-nề.
Trải qua bao lần vào sinh ra tử, bao lần đổ máu tại các chiến-trường B, nhưng tôi vẫn không sờn vì đinh-ninh rằng mình đang làm một nghĩa-vụ cao-cả, thần-thánh của người thanh-niên yêu nước, theo như lời giảng của các đồng-chí ở Tổng Quân Ủy trước ngày lên đường vào Nam. Đó là sứ-mệnh giải-phóng nhân-dân miền Nam, trong đó có Liên-Hạ, ra khỏi gông xiềng của Mỹ-Ngụy. Thế nên, cho dù có phải
- ... “ Rải-rác biên-cương mồ viễn-xứ, ”
thì tôi vẫn một lòng
- “ Chiến-trường đi chẳng tiếc đời xanh ...”
Còn hình ảnh nào kiêu hùng mà lãng-mạn cách-mạng hơn hình ảnh người chiến-binh, mà nhà thơ Quang-Dũng Bùi-đình-Diệm đã phát-họa trong bài Kẻ Ơ,ỹ đứng canh giặc giữa mùa đông rét mướt nơi vùng đất lạ,ỉ lòng vẫn khắc-khoải không biết người yêu có vì thương nhớ mình mà để mắt phải vướng sầu hay chăng :
- ... “ Mắt kia em có sầu cô-quạnh,
Khi chớm heo về một sớm mai ?
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự,
Bên nầy em có nhớ bên kia ?
Giăng-giăng mưa bụi qua phòng tuyến,
Quạnh vắng chiều đông lạnh đất Tề ”...
1968
Đơn-vị tôi, đa-số là dân miền Trung hồi-kết nên được đưa về hoạt-động trong địa-bàn của Quảng-Trị, Thừa-Thiên.
Không biết tình-hình chiến-trường như thế nào mà những tháng giáp Tết Mậu-Thân, các cấp Ủy họp hành liên-tục, trông có vẻ nghiêm-trọng lắm. Các đơn-vị được lịnh nâng cao cảnh giác. Vào dịp Tết, thông-thường hai bên thỏa-thuận đình chiến để dân chúng được ăn Tết và yên-tâm cúng tế tổ-tiên. Thế nhưng lúc nào lệnh trên cũng bảo chúng tôi phải trong tư-thế sẵn-sàng, đề-phòng sự-cố xãy ra hoặc bọn Mỹ Ngụy vi-phạm lệnh ngưng bắn. Và cũng thông-thường thì tôi không thấy Mỹ Nguỵ vi-phạm đâu hết, mà chỉ thấy thủ-trưởng đơn-vị lợi-dụng thời-cơ ngưng bắn, lính miền Nam đi phép, để đưa lính đi công đồn bất-ngờ. Tôi không ngạc-nhiên về điều nầy lắm, vì chế-độ ta chẳng chủ-trương “Cứu cánh biện-minh cho phương-tiện” là gì? Và sau đó là súng nổ, đạn bay và miền Bắc cứ hô-hoán lên rằng Mỹ Nguỵ vi-phạm lệnh ngưng bắn.
Mọi việc không như tôi tưởng. Năm nay khác với mọi năm.
Trước đó khoảng 1 tuần, Trung-Đoàn 6 của tôi được lệnh di-chuyển về gần Huế.
Ngày 31 tháng giêng năm 1968. Thành-phố Huế đang yên ngủ. Thỉnh-thoảng chỉ có vài người lầm-lủi đạp xe trên đường phố vắng-vẻ chạy dọc theo sông Hương.
3 giờ 40 sáng. Chúng tôi được lịnh khai hỏa rồi mở đợt tấn-công từ hướng Văn-Thánh về phía cửa Chánh Tây theo hai ngã. Với quân-số áp-đảo, Trung-Đoàn 6 Bắc-Việt, kết-hợp với hai tiểu-đoàn 800, 802 và tiểu-đoàn 12 Công-binh, đã đẩy lui Đại-đội Hắc Báo của Tướng Ngô-Quang-Trưởng của miền Nam. Trận chiến xãy ra rất ác-liệt. Hai bên giành từng tấc đất, từng căn nhà, từng khu phố một. Nhiều khi phải đánh xáp lá cà với dao găm, lưỡi lê và mã-tấu!
Sau 5 ngày giao-tranh đẩm máu, chúng tôi hầu như kiểm-soát toàn-bộ thành-phố Huế. Và sau đó lá cờ của mặt trận Giải-phóng miền Nam đã được cắm trên hoàng-thành.
Tuy vậy, chúng tôi vẫn không được nghỉ-ngơi để lấy sức, mà phải thi-hành công-tác ở trên giao-phó một cách rất gấp rút. Lệnh cho thi-hành ngay những bản án đối với những cán-bộ hành-chánh, cảnh-sát viên, thầy giáo, những kẻ phản-động có nợ máu đối với nhân-dân ...
Trong cặp mắt của người Cộng-Sản chúng tôi, thì những giáo-viên là những người hữu khuynh và có kiến-thức sâu rộng về chính-trị,ỉ thường lãnh-đạo việc chống lại phong-trào Cộng-Sản trong địa-phương, vì vậy họ được xếp vào Việt gian nguy-hiểm.
Danh-sách đưa ra dài dằng-dặc! Đây là công đầu của những điểm-chỉ viên. Họ là thành-phần được cài lại từ 1954, là những thanh-niên được móc-nối, những người có thân nhân đi tập-kết ... Trong số đó bất ngờụ tôi nhận ra một người bạn thân từ hồi còn học trung-học. Bây giờ anh ta là một giáo-viên. Thật ra, anh vào nghề nầy là để trốn quân-dịch và dùng nó như một lớp vỏ bọc hầu dễ bề hoạt-động mà thôi. Sau khi bị lộ diện, anh ta đã nhảy núi cách đây vài tháng, và bây giờ trở về để “ ân đền oán trả! ”
Thành-phần mà đơn-vị tôi có nhiệm-vụ phải trừng-trị gồm những viên-chức cao-cấp của nhà cầm quyền thuộc tỉnh Thừa-Thiên. Qua những lần học-tập chính-trị, tôi được biết rất nhiều tổ-chức Cách-mạng của ta đã bị bàn tay bọn chúng phá vỡ , và tôi tin rằng đây đúng là những kẻ có tội với nhân-dân ! Dứt-khoát bọn chúng phải đền tội trước nhân-dân! Lời của đồng-chí Tố-Hữu văng-vẳng bên tai càng giúp cho tôi nâng cao tính Đảng thêm lên:
- ... “ Căm-hờn lại giục căm-hờn,
Máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu ! ...”
Sau khi nhận công-tác, với một lòng nhiệt-thành cách-mạng, tôi cho lịnh tập-trung bọn đó lại để làm việc. Thế là chỉ nội trong một đêm, tỉnh-trưởng, phó tỉnh, trưởng phòng, phó phòng, quận-trưởng ... đều bị gom lại, nhưng tôi ngạc-nhiên thấy cả vợ con họ cũng bị trói đi theo! Những đứa bé 6, 7 tuổi thấy cả gia-đình bị trói nên sợ quá khóc như ri. Bọn trẻ làm tôi lại nhớ đến lũ cháu của tôi ! Nhìn gương mặt trong trắng thất thần, cặp mắt đen láy ngây thơ đầy ngấn lệ của chúng, tôi không tài nào tìm được một mảy dấu vết tội ác hoặc nợ máu.
Nghĩ có lẽ đây là một sự lầm-lẫn, vì nếu có nợ máu thì chỉ người lớn bị xử chứ trẻ con thì có tội tình gì, nên tôi chạy đi hỏi Chính trị viên đơn-vị. Y không thèm trả lời ngay mà rít một hơi thuốc Điện-Biên dài, thả khói lên trời, rồi mới đanh nét mặt lại bảo, giọng Nghệ-An nặng trịch:
- “ Tư-tưởng Đồng-chí chưa thông! Đồng-chí có biết rằng thà
giết lầm còn hơn bỏ sót hay không ? ”
Từng kề cận cái chết, thế mà lần nầy nghe trả lời như vậy tôi cảm thấy bủn-rủn cả tay chân. Còn đang do-dự thì tên nầy gằn giọng kèm theo một cái lừ mắt,
- “ Đồng-chí còn nghi-ngờ về sự lãnh-đạo sáng-suốt của Đảng
và nhà nước ta hay sao? Tôi thấy có mầm xét lại trong tư-tưởng của đồng-chí rồi đó. Để chiến-dịch xong, tôi sẽ đề-nghị tập-thể có hướng giúp đỡ đồng-chí về mặt nầy mới được! ”
Sau đó, tất-cả nạn-nhân được xích lại thành một xâu dài bằng dây kẽm gai và dẫn ra ngoại-ô, phía nam thành Huế. Cả đoàn người, thất-thểu như những bóng ma trơi giữa lòng địa-ngục, đi về hướng lăng Gia-Long, quận Nam-Hòa. Tiếng kêu khóc, tiếng van xin, tiếng cầu kinh vang trong đêm tối lạnh-lẽo của ngày cuối năm!
Tại địa-điểm hành-quyết, Khe Đá Mài, bọn họ được lịnh tự đào một hố lớn, xong đứng xếp thành hàng ngang bên miệng hố để nghe bản án, hai mắt bị bịt kín. Tiếng súng lên đạn lách-cách. Mấy đứa bé kinh-hãi khóc không thành tiếng, ôm cứng lấy cha mẹ chúng ! Một người đàn bà sợ quá không đứng nổi phải quị xuống trên hai đầu gối run lẩy-bẩy, chồng bà ta một tay giữ con, còn một tay cố xốc nách vợ mình đứng thẳng lên.
Một tràng AK vang lên giòn tan, vết đạn ghim lỗ chỗ trên thân-thể các nạn-nhân trước khi họ ngã nhào xuống hố! Tôi còn nghe tiếng trẻ con khóc thét, “Chết con rồi mẹ ơi!”
Trong tình-cảnh ấy, tôi không dám nhìn. Mồ-hôi vả đầy cả người, tay chân lập-cập lạnh toát ! Tình-cờ quay lại, tôi bắt gặp tia mắt đăm-đăm của Chính-Trị viên. Ánh sáng chập-chờn do những đám cháy trong thành-phố chiếu lại càng làm gương mặt của y thêm phần ma quái.
- “ Đã nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc. Bọn nhãi mà sống sót, sau
nầy chúng sẽ chống phá Đảng và nhà nước. ” Y nói với một giọng trầm đục.
Nghe vậy, bất chợt những lời thơ của Xuân-Diệu hiện về trong trí nhớ tôi lúc nầy:
- “Máu kêu máu trả thù
Súng đâu, anh em đâu
Bắn nó thủng yết-hầu
Bắn tỉa bắn dài lâu.”
Chúng tôi đi làm cách-mạng, theo như Đảng dạy, là để cởi bỏ xích-xiềng nô-lệ, là đem lại hạnh-phúc cho nhân-dân miền Nam ruột thịt. Có lần Đồng-chí Tố-Hữu đã viết:
- “ ... cho dân tiến, nước còn,
Dân làm chủ, không làm nô-lệ nữa !”
Niềm hạnh-phúc chưa thấy đâu, mà giờ nầy họ đã thịt nát xương tan, gia-đình ly tán. Ừ, mà cũng phải! Hôm nay người dân Huế không làm nô-lệ nữa vì thân xác của họ đã được bàn tay của chúng tôi giải-phóng mất rồi, lấy đâu mà làm nô-lệ! Trong 25 ngày chiếm giữ Huế, tôi thật khâm-phục Tố-Hữu, ngay từ 1945 mà đã có một viễn-kiến vô-cùng chính-xác khi viết bài thơ “Huế Tháng Tám”:
- “ Hãy mở mắt: quanh hoàng-cung biển lửa
Đã dâng lên, ngập Huế đỏ cờ sao. ”
Và trong thời-gian ấy, tôi không có thì-giờ để thắc-mắc về phải và trái, đúng và sai, chính-nghĩa và gian-tà, giải-phóng và xâm-lăng ... vì những công-tác trừng-trị “ Việt gian phản-động ” của bên trên đưa xuống tới tấp, lại thêm cặp mắt cú vọ của tên Chính trị viên lúc nào cũng theo dõi tôi một cách lén-lút ! Gương mặt xương xẩu của y với cặp mắt sâu, hàm răng hô vàng khói thuốc, chiếc nón cối ... là biểu-tượng đầy đe-dọa của Đảng ám-ảnh và đè nặng tâm-trí tôi từng giờ. Ngày tôi quyết-định thoát-ly gia-đình theo cách-mạng, Đảng là biểu-tượng của lý-tưởng cao-đẹp, của lòng yêu nước thương nòi, chứ chưa khoác lấy bộ mặt sắt máu gớm-ghiếc như bây-giờ! Cho nên, những việc làm hiện nay của Đảng đã làm người dân xa rời lý-tưởng đã đề ra, nhưng họ vẫn phải nhất-nhất tuân lệnh và bấm bụng để cho con cái đi Nam chiến-đấu, dầu biết là chúng sẽ bỏ mình nơi xứ xa, vì bàn tay bọc nhung của Đảng đã nắm chặt lấy yết-hầu và bao-tử của họ rồi. Lại thêm bộ máy Công-An trị “phục-vụ” nhân-dân rất năng-nổ ! Muốn làm một việc gì đó có ý-nghĩa để giúp đỡ, và để cứu vớt đồng-bào vô tội, nhất là trẻ con, nhưng vòng tay tôi nhỏ bé quá !
Tôi cố-gắng dò-la tin-tức của Liên-Hạ, nhưng không dám để lộ cho mọi người biết. Nhìn thấy cảnh tượng xử-tử hàng loạt mỗi ngày mà lo-sợ cho nàng. Rùng mình không dám nghĩ tiếp nếu chẳng may nàng rơi vào tay đồng-đội của tôi! Khi tôi tìm tới căn nhà ngói cũ-kỹ bên Vĩ-Dạ thì căn nhà đã bị đạn pháo kích phá sập, bây giờ chỉ còn là một đống gạch vụn! Hàng rào chè tươi xơ-xác. Những cây cau đã gãy ngang, cháy sém, đứng trơ vơ, nghiêng-ngả !
Chiến trận vẫn tiếp-diễn với cường-độ leo thang mỗi ngày một khốc-liệt, vì lực-lượng của Mỹ và quân-đội miền Nam cương-quyết chiếm lại cố-đô Huế ! Kết-quả là chúng tôi phải tháo chạy ra khỏi thành-phố trong đêm 27 tháng 2, bỏ lại nhiều tổn-thất về nhân-mạng cũng như vũ-khí, đạn dược ! Cho tới lúc ấy, tôi vẫn không tìm thấy Liên-Hạ.
Hình ảnh của nàng cứ đeo-đuổi tâm-trí tôi suốt trên đường rút lui! Một mục-đích lớn của chuyến về Nam là tìm gặp lại nàng, thế nhưng tôi đã thất-bại. Tôi đã đóng quân ngay tại địa-phương nàng ở, đi lại trên những con đường cũ của ngày xưa mà không thể tìm được cố-nhân. Định-mệnh ngang trái nào đã được đặt để lên hai chúng tôi? Nếu có chăng một định-mệnh! Sự sống chết của Liên-Hạ vẫn còn là một dấu hỏi lớn trong tôi !
Tuy bị đánh bại, nhưng tôi cảm thấy vui mừng nhẹ-nhõm ở trong lòng vì không còn phải nhúng tay vào máu nữa. Nhưng lần rút lui nầy số điểm- chỉ-viên cũng chạy đi theo, vì họ đã bị lộ diện nên không thể nào ở lại được. Họ hiểu nếu ở lại, họ sẽ phải trả lời một cách thích-đáng cho hành-vi phản-bội của mình. Hơn ai hết, họ biết họ đã góp một phần không nhỏ trong việc làm cho giòng máu của người dân hiền-hòa đổ ra trên mãnh đất thần-kinh giữa những ngày thiêng-liêng nầy ! Tuy họ bỏ chạy về cùng giới-tuyến với mình, nhưng không hiểu sao, tôi cảm thấy trong tim dấy lên một sự khinh-bỉ, lợm giọng. Thế mới hay, những kẻ phản-bội, tuy được trọng-dụng trong một giai-đoạn nào đó vì quyền-lợi của người chủ mới, nhưng muôn đời vẫn không thể nào chiếm được sự kính-trọng trong lòng của người khác ! Hơn lúc nào hết, bài học ngày xưa vang lên mạnh-mẽ trong đầu làm tôi thấy chấn-động sâu xa:
- “ Ta thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc !”
Câu nói nghe ra đơn-giản, tưởng chừng ai cũng có thể nói được. Nhưng ngẫm cho kỹ, chỉ những người có nghĩa khí, có lòng tự-trọng, có đức-độ cao mới có thể thốt nổi lên điều đó! Đó là nói làm Vương đất Bắc. Đằng nầy có được làm Vương đất Bắc đâu! Nhìn vào đám người lúc-nhúc chạy theo, thú-thật tôi nghi-ngờ về các tư-cách ấy vô cùng!
Sau vụ tổng nổi dậy tết Mậu Thân thất-bại, đơn-vị tôi phải củng-cố lực-lượng trở lại. Tinh-thần toàn quân bị giao-động đến cùng-cực. Biết được điều đó, Trung-ương đã cho mở ra nhiều lớp học để rèn quân chỉnh cán. Một loạt tân binh được bổ-sung. Toàn là một bọn con nít miệng còn hôi sữa! Cũng như lính miền Bắc của những đợt trước, trên tay họ cũng có xăm hàng chữ “ Sinh Bắc, Tử Nam.” Như vậy rõ-ràng là nguồn nhân-lực của miền Bắc đã được tận-dụng tối-đa rồi! Lớp thanh-niên bị vét sạch hết để đưa vào lò lửa miền Nam, bây giờ đến lượt thiếu-niên ! Hiện-tượng nầy càng làm cho sự tin-tưởng của tôi vào chế-độ bị lung-lay nhiều!
1975
Sau một thời-gian, tôi được bổ-sung vào một đơn-vị có địa-bàn hoạt-động tại biên-giới Kampuchea, gần Phước-Bình, An-Lộc. Tháng 4 năm 1975, tôi theo đơn-vị đánh chiếm An-Lộc, rồi từ đó tiến về Saigon.
Khi vào Saigon, tôi sững người khi thấy những điều tôi được tuyên-truyền từ trước đến nay về miền Nam, vùng đất bị Mỹ Nguỵ kềm-kẹp, đều là những sự lừa dối dân chúng và cán-binh miền Bắc một cách qui-mô ! Tôi chua-chát thầm nghĩ người đáng được giải-phóng là chúng tôi chứ không phải nhân-dân miền Nam. Thực-tế quá phủ-phàng đến nỗi trong dân chúng đã truyền miệng nhau câu nói mĩa-mai, “Miền Nam đón họ, miền Bắc đón hàng.”
Nhưng, “trót vì tay đã nhúng chàm”, tôi phải làm sao bây giờ? Mọi việc đã quá muộn !
1977
Khi Ủy-Ban Quân-Quản được thành-lập, và tình-hình an-ninh ở miền Nam đã ổn-định, bộ-đội được đi phép về thăm gia-đình. Tôi xin phép về Quảng-Điền, luôn tiện thăm lại Huế.
Trên đường về, tôi không ngớt băn-khoăn. Biết Huế có chấp-nhận và tha-thứ cho đứa con lầm-lạc nầy hay không? Một đứa con chỉ vì lòng yêu nước chơn-chất mà phải sa chân. Dầu nói gì đi nữa, tôi vẫn không gột rửa được mặc-cảm góp phầụn vào việc thảm-sát đồng-bào dạo tết Mậu-Thân. Tuy biết rằng, bất-cứ ai ở trong hoàn-cảnh tôi lúc đó cũng khó mà làm khác đi được. Điều đau-đớn là một người được sông núi của Huế ôm-ấp, nuôi-đưỡng cho lớn lên như tôi mà lại đem tang-thương phủ lên đầu chính người dân của miền sông Hương núi Ngự. Mãnh đất hiền-hòa nầy có còn một chỗ nào cho kẻ cùng-tử nầy trở về hay chăng? Sau bao năm đi xa, ôm-ấp giấc mơ khi trở về sẽ đem lại cơm no áo ấm cho người dân xứ tôi, người dân mà một thời tôi được tuyên-truyền là bị đè nặng dưới “3 tầng áp-bức.” Nào ngờ, ngày trở về, tôi lại là người bị phá-sản về mọi mặt. Từ vật-chất, thể-xác, tinh-thần cho đến lý-tưởng! Tôi đã trở thành một kẻ Vô Sản thật sự !
Những ngày ở Huế, tôi đi tìm thăm những người quen trước kia. Họ đón tiếp tôi với một vẻ e-dè, xa cách!
Một hôm, nhân nhắc lại những ngày trước tập-kết, cô em họ của tôi buộc miệng:
- “ À, anh còn nhớ o Liên-Hạ hồi nớ không? Chừ o có sạp
vải nho-nhỏ ở chợ Xép, gần cửa Đông-Ba trong Thành Nội.”
- “ Rứa à? Anh tìm o nớ bao nhiêu năm rồi mà không gặp.
Không biết sống chết ra răng !” Tôi trố mắt.
*
* *
- “ Nầy chị! Chị bán cho tui một xấp vải.”
Người đàn bà, dáng gầy-gầy co-ro, đầu đội một cái khăn đen vì trời cuối năm ở Huế lạnh buốt, từ-từ quay lại, đồng-thời buộc miệng, kèm vài tiếng ho khúng-khắng, theo thói quen bán hàng thường ngày:
- “ Ôn (1) muốn loại vải mô? Vải hoa hay vải trơn? Hàng ngoại
còn sót lại, tốt lắm đó. ”
Tới khi ấy, tôi – phải, người đàn ông hỏi mua vải là tôi – lấy cặp kính đen xuống, hồi-hộp như thuở vừa mới lớn:
- “ O có nhớ tui khôn (2) ? ” Nói xong, tôi mới chợt nhận ra
tiếng “nhơ ù” có thể làm cho người khác hiểu cách nào cũng được. Có lẽ tình-cảm giấu kín trong vô-thức từ bao năm nay, khi gặp phút xúc cảm, đã tìm cách len-lỏi sống lại dưới hình-thức ngôn-ngữ chăng? Và, càng ngạc-nhiên hơn nữa, tôi cũng chợt nhận ra đó là câu hỏi quen thuộc mà cách đây hai mươi mấy năm tôi thường âu-yếm hỏi Liên-Hạ mỗi khi hai đứa gặp nhau.
- “ Tời ơi (3) ! En (4) về hồi mô rứa !? ” Người đàn bà khuỵ
xuống sạp gỗ, ôm mặt khóc nức-nở. Đôi bàn tay, bây giờ gầy-guộc, để những dòng nước mắt len qua kẻ những chiếc ngón khẳng-khiu, chai sạn! Đôi bàn tay, một thời tôi đã ôm-ấp như ôm-ấp một giấc mơ hạnh-phúc cho tương-lai mình!
*
* *
Gian nhà chật hẹp, vừa đủ để kê hai cái giường, một cái bàn và cái tủ thờ nhỏ.
- “ Không tìm thấy o, tui phải đi đò qua Vĩ-Dạ để tìm. Tìm cũng
không gặp, nên tui đành phải ra Bắc một mình !”
- “ Tời ơi, có phải chiếc đò của mệ (5) Gái khôn? Em qua gặp en
tễ (6) vì ôn chủ đò của em ráng đón thêm khách. Đó là chuyến chót của ôn hôm nớ ! Ra tới giữa giòng thì gặp đò của mệ Gái từ bên Vĩ-Dạ qua. Thảm chi mà thảm rứa nì (7) tời ! ”
..........
- “ Rứa o chồng con ở mô ? ”
- “ Em ở lại, rồi lấy chồng, có 2 trai, 1 gái. ” Người đàn bà,
hay đúng ra là Liên-Hạ, vừa nói vừa cúi đầu vân-vê vạt áo đã sờn rách.
- “ Ảnh đó ! Ảnh làm quận-trưởng. Năm Mậu Thân, ảnh bị Việt-
Cộng, à quên, mấy anh đem đi đập đầu ! Trước đó, em đem 3 đứa con đi Saigon mua hàng rồi bị kẹt lại nên mới thoát chết đó chớ !” Nàng chỉ lên bàn thờ. Giọng đầy nước mắt !
Sững sờ ! Tôi nhìn bức ảnh ngờ-ngợ! Khi hỏi lại tên người chồng thì ... trời ơi ! ... Oan-nghiệt đến thế nầy thì thôi! Tôi đã giết người em chú bác của tôi rồi còn đâu!
*
* *
1978
Nắng đã tắt hẳn trên ngọn cây. Gió trở lạnh hơn.
Điếu Hoa Mai sắp tàn, tôi cung ngón tay búng điếu thuốc ra xa. Tàn thuốc bay bổng lên trời, tạo thành một chiếc cầu vồng bằng lửa trong đêm đang xuống.
Tôi vừa đáp chuyến tàu lửa Thống-Nhất ra Huế hôm nay để kịp đưa Liên-Hạ đến nơi yên nghỉ. Nàng đã bị lao phổi đến thời-kỳ cuối, nhưng tôi bận công-tác nên khó có dịp về thăm.
Sau khi gặp nhau tại chợ Xép lần đầu tiên đó và thêm một vài lần nữa, thì tôi không đến thăm nàng thêm. Biết phải ăn nói làm sao với mấy đứa con của nàng khi chúng biết ai là kẻ đã góp phần vào việc thảm-sát cha của chúng?!
Lấy chân di di chiếc lá khô duới đất trong cái tĩnh-mịch của buổi chiều. Nhìn đàn kiến bò chậm-rãi trên mặt đất để về tổ. Tôi mơ ước có được một sự an-bình như chúng. Tuy không phải là kiến nhưng tôi tin rằng chúng có một nỗi bình-an. Chứ không như tôi! Những năm sau nầy, tôi thường có thói quen hay cúi đầu trầm-ngâm, suy-nghĩ vẫn-vơ. Người ta nói, nhìn thấy một người hay cúi đầu thì ta có thể đoán biết được người đó đang nghĩ về quá-khứ. Nếu điều đó đúng, thì đa-số thời-gian trong ngày tôi đã sống trong quá-khứ. Sống như một kẻ mộng du. Sống một đời Từ-Thức lạc Thiên-Thai! Đời sống bây-giờ còn gì để hướng tới? Tình yêu đã mất, lý-tưởng cũng băng-hoại ! Chỉ còn dĩ-vãng là nơi tôi có thể nương-tựa vào để sống, vì đó là quãng đời duy-nhất đẹp. Không có hối-hận, không có phản-trắc, không có lầm lỗi, không có lừa lọc, chưa có tội ác ! Một tuổi trẻ phơi-phới, một ước mơ được làm cho đời đẹp thêm, một nỗi-niềm dâng hiến cho tha-nhân. Tất-cả những yếu-tố ấy đan kết với nhau, tạo nên vàng son cho một thời thanh-xuân đã qua! Đã qua, và không còn níu kéo lại được!
Vĩnh-biệt Liên-Hạ ! Em đã may-mắn hơn anh khi ở lại miền Nam !
Trong bóng tối mờ-mờ, một ánh đèn leo-lét từ con thuyền nào đó thấp-thoáng ở bên kia sông. Hai mươi mấy năm xưa, con thuyền và bến nước đã là hình ảnh cuối-cùng tôi mang đi theo trên đường mưa gió với niềm nuối tiếc đeo-đẳng. Không biết những chuyến đò ngang và sóng nước sông Hương đã là chứng-nhân của bao nhiêu cuộc tình ly tan, trong đó có cuộc tình của hai chúng tôi? Dòng sông nhuốm vị mặn mỗi khi thủy-triều dâng lên vì nước từ biển theo vào. Nhưng tôi lại cho rằng đó là vị nước mắt của những cuộc tình không trọn, tự bao giờ cho mãi đến bây giờ, đã xảy ra nơi đất Thần Kinh nầy, trên dòng Hương Giang!
Chú-thích:
(1) Ông.
(2) không.
(3) Trời ơi!
(4) Anh
(5) Bà
(6) trễ
(7) nè
PRPC Maps
-
PRPC Maps, from " ICMC Orientation Packet for Local Hire Album.
Courtesy of Emmanuel Jesus Villanueva
7 years ago
0 comments:
Post a Comment