Câu chuyện này nhiều người biết đến, và đả được tả lại trong truyện "Về Nơi Gió Cát" của anh Hòai Cẩm Lê Văn Hưng. Xin đăng lại đây để nhớ lại vài anh em cùng trại đả không may mắn
...........................................................
Người vượt biên đường bộ bị khốn-đốn đến từ mọi phía. Đói khát, bệnh tật, chiến-tranh, chết chóc và bị lính Miên hay lính Thái hãm-hiếp là những giá mà họ phải trả trên đường đi đến Tự-Do. Trong những điều đó, có những tai-họa do người dị chủng gây ra, nhất là người Miên, vì họ tự xem là kẻ thù truyền kiếp của chúng ta sau những xung-đột lâu đời trong lịch-sử dựng nước và giữ nước của Việt-Nam. Tuy vậy, cũng còn những đe-dọa ở trại lại do chính những người đồng-bào của chúng ta đem đến!
Có lần, anh em đang đi lao-động bên ngoài, thì có lịnh phải về ngay, và thanh-niên phải tập-trung lại. Sau một lúc chờ đợi, một người đàn ông trung niên Việt-Nam mang kính cận, vóc dáng hơi thấp, xuất hiện, ông ta tự giới-thiệu:
-“Tôi là đại-úy L., thành-viên của tổ-chức A. Hôm nay xin đến gặp anh em để trình-bày cơ-cấu tổ-chức, đường lối hoạt-động, cương-lĩnh, mục-đích của tổ-chức. Sau khi nghe chúng tôi trình-bày, và xem các tài-liệu mà chúng tôi có mang theo đây, hi-vọng anh em thanh-niên sẽ cùng hợp-tác với tổ-chức của chúng tôi để sớm giải-phóng đất nước khỏi bàn tay thống-trị của Cộng-Sản.”
Nghe tới đó, anh em đang ngồi xỗm ngay hàng thẳng lối trên nền đất quay lại kín đáo nhìn nhau.
Trong lúc người tự xưng là đại-úy nói chuyện thì anh em tù được chuyền tay nhau những tập tài-liệu, hình ảnh ấn-loát rất đẹp nói về tổ-chức nầy. Vịnh để ý thấy vị lãnh-tụ là một ông già bận bà-ba đen, có quấn khăn rằn, dáng vẻ khắc-khổ, gương mặt xương xương nhưng đầy cương-nghị với chòm râu dưới cằm trông hao-hao Hồ-Chí-Minh. Tài-liệu còn đề-cập đến những chiến-dịch số 1, số 2, ... ở biên-thùy Đông-Dương.
Để kết-thúc buổi nói chuyện, viên đại-úy cho biết rằng các anh em tù không có cơ-hội đi định-cư đâu, vì họ đã can-thiệp với chính-quyền Thái và Khmer để giữ dân tị-nạn tại biên-giới. Cách duy-nhất để anh em ra khỏi trại tù nơi đây là gia-nhập kháng chiến quân mà thôi. Không gia-nhập trước thì cũng phải gia-nhập sau. Vấn-đề chỉ là thời-gian. Ông ta nói sẽ quay lại một ngày gần đây để đón anh em tân-binh, ông còn hứa rằng ai xin gia-nhập thì sẽ được biếu 300 bahts (Tiền Thái) để nấu chè “liên-hoan” trước khi lên đường và bảo-đãm vợ con được đưa lên Bangkok ở, con cái sẽ được đi học đàng-hoàng!
Trong các anh em tham-dự hôm đó, có người đã ở trại quá lâu, phần thì không được tin-tức hay giấy tờ bảo-lãnh, phần thì bị sốt rét, kiết-lỵ ... hành-hạ, nên có người đã liều đứng lên ghi tên. Khi về đến trại C.3, anh Danh đã bị người bạn gái ôm khóc:
-“Anh nói anh thương tui, tui mới bỏ hết để cùng đi với nhau tới đây, vậy mà bây-giờ anh nỡ bỏ tui một mình ở đây hay sao?”
Anh ta cũng khóc ràn-rụa, không nói được một lời với cô bạn. Sau cùng quay qua Vịnh phân-trần:
-“Em cũng muốn được đi định-cư lắm chớ anh, nhưng mà bây giờ em bịnh quá thế nầy thì làm sao? Không đi thì trước sau gì em cũng chết ở xó rừng nầy thôi!”
Bẵng đi một thời-gian, không nghe ai đả động gì về kháng-chiến nữa. Anh em lại chú tâm vào công-việc hàng ngày như trước để chờ đi định-cư. Lại đào giếng, lại cất nhà, lại đắp đường ...
Một hôm, vào lúc chạng-vạng, dân tị-nạn chuẩn-bị ăn tối, thì có một chiếc xe truck màu xanh nước biển do hai tên lính Thái lái, đến gặp ông già Lâm-Nê --viên trưởng trại người Khmer Krom-- để xin một số thanh-niên khỏe mạnh đi sửa đường nơi ngả 3. Họ hứa sẽ trả công bằng gạo và cá mòi hộp dẹp. Anh em thanh-niên tranh nhau lên xe. Chiếc xe quay đầu lao về phía “tà-nụp”, bụi đất cuốn tung lên phía sau. Khoảng một giờ sau, đám thanh-niên hớt-hơ hớt-hãi chạy bộ trở về, mồ-hôi mồ-kê nhễ-nhại. Gạo cá trả công đâu chẳng thấy, mà có người lại còn mất cả dép nữa! Dân-chúng xúm lại hỏi thì mới biết khi đổ quân tại “tà-nụp” xong, chiếc truck đậu chắn ngang con đường độc đạo dẫn về trại. Trong lúc đó, không biết từ đâu xuất-hiện một chiếc xe “van” và một số người được ông đại-úy L. cầm đầu. Chiếc “van” de lại, mở cửa ra và người của ông đại-úy nhảy xuống bao-vây để lùa đám thanh-niên lên xe “van.” Họ bỏ chạy tán loạn, mạnh ai nấy tìm đường thoát thân, trong khi hai tên lính Thái đứng khoanh tay trước ngực cười ngặt-nghẽo coi bộ thích-thú lắm!
Vài tháng sau, chiến-tranh bắt đầu leo thang. Có lẽ đây là thời-cơ thuận lợi cho việc tuyễn quân, vì tinh-thần dân tị-nạn bị giao-động và họ sẽ dễ-dàng gia-nhập kháng-chiến, nên đại-úy L. trở lại để tiếp-nhận lính mới. Một ngày trước hôm giao quân, đại-úy L. đến trại để cho mỗi tân-binh 300 bahts như đã hứa. Tối hôm đó, những người ấy nấu một nồi chè đãi các anh em còn ở lại trước khi chia tay. Có người còn cố nói đùa:
-“Chúng tôi đi trước, các anh đi sau. Hi-vọng sẽ gặp lại nhau trong chiến-khu một ngày gần đây!”
Đến sáng hôm sau, việc tuyễn quân gặp trở-ngại. Số là có anh Hào mấy tháng trước đã ghi tên vì chờ quá lâu mà không nhận được giấy bảo-lãnh của gia-đình bên Mỹ. Gần đây, anh nhận được hồ-sơ do cha anh gửi qua, và anh đã đổi ý, không muốn tham-gia kháng-chiến nữa. Khi đại-úy L. đến, anh trốn trong cầu xí của trại không chịu ra trình-diện. Ông L. cùng với lính Thái đã vào tận nơi bắt buộc anh phải lên xe.
Sau nầy, nghe đâu anh Danh đã bị bắn chết trong khi tìm cách trốn. Còn anh Hào thì bặt vô âm tín, không biết sống chết ra sao! Còn các anh em khác như anh D.B.Thố, anh D.X.Trường, ... bị Việt-Cộng bắt đưa về Việt-Nam. Người thì lãnh án 10 năm, người thì 20 năm, người thì chung thân ...!
PRPC Maps
-
PRPC Maps, from " ICMC Orientation Packet for Local Hire Album.
Courtesy of Emmanuel Jesus Villanueva
7 years ago
0 comments:
Post a Comment