Trong lá thư sau đây, ông Trần Văn Phước, một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, diễn tả lại kinh nghiệm tủi nhục của ông cũng như các bộ nhân khác ở Thái Lan.
'Tôi là một cựu quân nhân QLVNCH tên là Trần Văn Phước thuộc SÐ 18 BB.. Tôi vượt biên đường bộ vào tháng 5/82 khi đến biên giới Thái Lan và Kampuchia, tôi rất mừng là mình đã trốn thoát khỏi địa ngục CSVN. Nhưng cái mừng của tôi chưa kịp thốt ra khỏi cửa miệng thì ôi thôi thật là chua chát, chua chát đến nổi tôi không thể ngờ rằng vào thế kỷ thứ 20 này lại có những con người dã man hơn loài thú rừng xanh, thú của rừng xanh là những con vật không nói chi nhưng mà họ là loài người mà lương tâm của họ không có... đó là bọn Mên được mệnh danh là 'Kampuchia dân chủ kháng chiến quân Khờ Me.' Chúng bắt chúng tôi trói lại và xách búa đem tôi ra đập đầu, lúc đó tôi tưởng rằng mình đã chết nhưng cuối cùng chúng thấy nghĩa khí của người VN chết mà không hề van xin nên chúng đã ngưng tay. Cuối cùng chúng nhốt tôi lại.. chung với người tù Mên của chúng.. Bọn tù Mên đánh tôi và sỉ nhục dân tộc VN.
Chúng cầm tù tôi đến ngày thứ 7 thì chuyển đến nhà tù mới. Ở đây tôi được gặp một số ít người VN. Như gia đình chị Nguyễn Thị Bê tất cả là 4 người, 2 đứa con gái và 1 đứa con trai nhỏ. Ôi có cảnh nào khổ hơn làm thân gái sống với những con người Mên lòng lang dạ thú! Chúng hành hạ đàn bà con gái có thể nói là mang thai với chúng, rất là dã man chưa từng thấy: hết đứa này rồi đứa khác vùi dập thân xác. Tôi nhìn thấy cảnh tượng đó mà đau lòng chỉ vì hai chữ TỰ DO mà tất cả người Việt ly hương phải trả giá rất đắt, phải tủi nhục và phải căm hờn những quân khốn kiếp..
Ðối với thanh niên chúng tôi, chúng bắt đi lao động rất hãi hùng: 5 giờ sáng đến 12 trưa mới cho nghỉ, chúng cho chúng tôi ăn toàn là cháo với muối, xong phải tiếp tục làm nữa đến 6 giờ chiều mới được nghỉ. Nhưng điều mà chúng tôi lo lắng là chúng muốn thủ tiêu chúng tôi giờ nào cũng được.
Chúng tôi ở đó một thời gian thì có Hồng Thập Tự Quốc Tế (ICRC) đến thăm và cho chúng tôi gạo, cá hộp, mỗi tuần đến thăm chỉ một lần. Khi ICRC về thì bọn Mên lấy hết tất cả thực phẩm nên chúng tôi vẫn chịu đói như thường, chỉ ăn toàn là cháo nên không đủ no.. Khi đồng bào đến, thì vàng, quần áo, giầy dép đều bị chúng lấy tất cả. Ðã lấy còn đánh đập dã man và bóc lột sức người tận xương tủy..
Khi chúng tôi được chuyển vào trại tị nạn chánh thức là trại NW82 ngày 14/7/82 tôi nghĩ rằng mình đến trại 82 là thoát nạn. Nhưng không ngờ hãi hùng vẫn còn đè nén mọi người. Trại nằm cách biên giới Thái-Kampuchia một cây số, trại này có tất cả 30 tent (lều) toàn là tent dã chiến của quân đội.. Ðàn bà con gái ở đây vẫn bị bọn lính Thái Lan hãm hiếp rất là dã man. Nếu ai chống cự là chúng thủ tiêu liền.
Ở đó có một người lính Thái tên John, những người VN gọi nó là cọp. Nó rất dữ, đánh người VN rất dã man.. Tôi xin kể những trận đòn mà tên cọp đánh người VN: Như vụ Liên Thị Kim Tụng, cô ta mua bánh bò nên bị tên cọp bắt được và nó đổ bánh bò xuống đất và bắt cô phải ăn, nếu không ăn thì chúng đánh nên bắt buộc chị phải ăn. Và vụ thứ hai là anh Thạch Can mua 2 bọc kẹo, chúng bắt được, đánh anh và bắt anh phải ăn kẹo không lột giấy cho hết 2 bọc. Vụ thứ ba là anh Hồng mua một gói thuốc Samit, tên cọp bắt được và bảo anh xé ra để vào một cái thao và đổ nước vào uống và ăn thuốc. Vụ thứ 4 là anh Sơn Hương mua một con lươn chúng bắt được, bắt anh phải ăn sống, nếu không thì chúng đánh, nên bắt buộc anh phải ăn..
Tên cọp bữa nào cao hứng muốn đánh người tị nạn thì nó đi một vòng coi lều nào có chỉ một cọng rác là nó kêu mỗi người 2 roi, đánh như thế có khi tới 200 hoặc 300 người..
Cảnh đánh đập ở trại NW82 hôm nào cũng diễn ra. Còn tệ nạn nữa là chúng bắt đàn bà con gái hãm hiếp hàng đêm.
Thư từ đến thì chúng kiểm duyệt, cắt ra xem có money order thì lấy tất cả, tiền mặt cũng vậy.. Chúng làm những vụ kiểm kê y hệt như cộng sản vậy, chúng lấy tất cả gần 10 lượng vàng và 600 dollars. Có một anh bị lấy 2 lượng rưỡi lên xin lại chút ít thì bị tên đại úy trưởng trại bắt đem nhốt chuồng cọp 6 ngày và còn hăm dọa nếu mà còn đến xin nữa thì chúng sẽ đuổi ra khỏi trại..
Ở trại tị nạn NW82 tất cả có 1800 người nhưng người Việt Nam thuần túy chỉ có 300, còn 1300 toàn là Kampuchia, 200 chà và...'
Trong tập thể bộ nhân Việt Nam bị cầm tù dọc biên giới Thái Lan có nhiều thanh niên vốn là bộ đội nằm trong guồng máy quân sự của Hà Nội tại Cam Bốt. Một số anh em từng đào tẩu khỏi quân đội Hà Nội và một số là tù binh của Khờ me đỏ may mắn sống sót và sau đó được dùng để đổi gạo với Hồng Thập Tự Quốc Tế. Ða số các thanh niên này không muốn quay về với guồng máy đàn áp của Hà Nội cho nên xin tị nạn nhưng họ lại bị Bangkok đối xử như tù binh.
Vào cuối năm 1981, 400 thanh niên Việt Nam đào ngũ từ Cam Bốt đã bị giam cầm trong trại Sikhiu ở Nakhon Ratchasima. Tập thể này có 26 bộ đội từ miền Bắc, và số còn lại là thanh niên miền Nam. Họ phải đợi một thời gian rất dài (ít nhất là sau 2 năm 'nghỉ mát' do Bangkok quy định vào tháng 7-1981) thì mới được hy vọng được cấp quy chế tị nạn; nhưng chặng đường định cư của họ sau đó còn dài đăng đẳng bởi vì quá khứ liên hệ với bộ máy chiến tranh của Hà Nội.
Trong khi chờ đợi được hưởng quy chế tị nạn, những thanh niên này bị bỏ tù như bọn tội nhân hình sự mặc dầu họ chỉ có tội duy nhất là không trốn được sự bố ráp 'nghĩa vụ quân sự' của Hà Nội. Ða số thanh niên Việt Nam không ai muốn trở thành bộ đội cộng sản và hình như không ai dại dột muốn đi Cam Bốt để trở thành những tên cướp ngày dễ mất mạng. Họ đã dám hy sinh tất cả để đào tẩu hoặc từ chối không trở về phục vụ guồng máy xâm lược của Hà Nội với mục đích duy nhất là có được một đời sống tự do không bị ý thức hệ kềm kẹp. Họ thực ra chỉ là những nạn nhân của hoàn cảnh như nhiều đồng bào tị nạn Việt Nam khác.
PRPC Maps
-
PRPC Maps, from " ICMC Orientation Packet for Local Hire Album.
Courtesy of Emmanuel Jesus Villanueva
7 years ago
0 comments:
Post a Comment