June 30, 2009

Cuộc Hành Trình Vượt Biên Từ Sàigòn Đến Thái Lan - 8 (Kết cuộc)

Phần 8: Trại Tị Nạn Non Samet
Trần Chí Thành

Chúng tôi ở trại này trong sự băn khoăn chờ đợi vì không biết số phận mình sẽ được định đoạt như thế nào. Trong lúc ấy, nhóm lính Para ở trại này vẫn lại tiếp tục lục xét. Cái trò lục xét và bắt nạn nhân cởi quần áo và chổng mông cho họ móc trong hậu môn đã làm cho chúng tôi chán ghét và cảm thấy tủi nhục thêm vì thấy thân phận mình còn thua một con chó. Họ muốn hành hung và hạ nhục mình lúc nào cũng được.
Trong thời gian này, tôi lân la bắt chuyện với một người lính Para và được biết trại này chỉ cách ranh giới Thái Lan có mười cây số. Tôi nghĩ thầm:
-Nếu đi mười cây số thì chỉ mất có hai tiếng đồng hồ là cùng. Mình phải đi thôi, nếu không thì cứ phải chịu đựng cái cảnh chờ đợi mỏi mòn và chịu nhục vì bị họ lục soát mãi.
Tôi bèn bàn luận với ba người bạn và rủ họ cùng trốn qua đất Thái Lan. Nhưng ba người bạn tôi lắc đầu từ chối nên tôi phải trốn đi một mình với hai bàn tay trắng. Tôi nhắm hướng theo lời chỉ dẫn của tên lính Miên để đến Thái Lan.
Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, khi đã vào trong một cánh rừng nọ, thình lình tôi gặp một nhóm lính khác, mặc sắc phục khác hẳn nhóm lính Miên ở đây. Có lẽ họ là lính Thủy Quân Lục Chiến của Thái Lan vì họ mặc quần áo rằn ri, có nón sắt và đi xe thiết giáp.
Tôi sung sướng qúa vì giây phút chờ đợi từ lâu nay đã đến. Tôi mừng rỡ chạy lại phía họ vì nghĩ rằng họ sẽ đón tiếp tôi vì tôi là người tị nạn Cộng Sản để tìm tự do. Nhưng hỡi ơi! Năm người lính Thái, với vẻ mặt hung dữ đã chiả súng vào tôi và ra lệnh cho tôi đứng yên để họ lục xét.
Có lẽ họ ngỡ tôi là dân Miên, muốn vượt biên giới để trốn qua Thái, nên họ ra lệnh cho tôi hãy trở về phiá biên giới Cambodia. Thất vọng qúa nên tôi rút giấy tờ tùy thân mà tôi vẫn giữ ở trong bóp ra để chứng minh thân thế của tôi là người Việt nam đi tị nạn Cộng Sản.
Cuối cùng, viên xếp của lính Thái lắc đầu và tiếp tục đuổi tôi về lại biên giới. Tôi đau đớn và bàng hoàng vì đã phải trải qua mười lăm ngày đường vất vả hiểm nguy, đã bỏ tất cả sự nghiệp, xa lìa cha mẹ anh em, hy sinh chính mạng sống mình để đi tìm tự do. Không ngờ khi đã đến bến bờ tự do, tôi lại bị bạc đãi và bị đuổi một cách nhục nhã. Nhưng nếu không trở về thì làm sao đây? Mà nếu liều vượt biên giới thì lính cũng sẽ bắn chết.
Thành ra, tôi buồn tủi, đau đớn, chua xót và ngậm ngùi mà phải trở lui, đi ngược về phía làng Para. Về lại chốn cũ trong mệt mỏi rã rời, tôi gặp lại ba người bạn đồng hành. May mắn là bọn lính Para không hề hay biết gì về cuộc đào thoát tới Thái của tôi. Nếu họ biết thì chết. Họ có thể hành quyết tôi ngay mà không suy nghĩ.
Thế rồi chúng tôi đành sống tiếp tục ở trại Non Samet cho đến hôm sau, vào ngày 4 tháng 5, 1980, thì một chiếc xe của hội HTTQT đến trại. Có một người Âu Châu đứng tuổi đến để lãnh dân tị nạn đến trại tị nạn.
Sau đó, chúng tôi được kêu lên phòng làm việc của viên Para chỉ huy để làm thủ tục giấy tờ, rời nơi đó mà đến trại tị nạn. Tại văn phòng của viên chỉ huy Para, tôi gặp một tốp người Việt Nam ở đó. Nhóm này gần mười người, gồm các gia đình khác nhau. Họ dường như vất vả và cực khổ hơn chúng tôi nhiều.
Chúng tôi là bốn thanh niên nên chỉ bị khám xét, lột lấy vàng bạc. Tuy tinh thần chúng tôi mệt mỏi, nhưng chúng tôi vẫn còn lành lặn. Nhóm người tị nạn Việt kia thì tội nghiệp hơn. Có ba người đàn ông trong nhóm thì một người da bị cháy nám, một ông già hơn thì không còn đi được nhưng chỉ lết mà thôi. Ba người phụ nữ trong nhóm thì da mặt đều cháy nám đen, vẻ mặt mệt mỏi và hằn đầy nét tủi nhục.
Theo lời những người đàn ông kể lại thì ba người phụ nữ này khi ở tiền đồn Para đã bị bọn lính Para làm nhục rất nhiều lần. Họ bị hãm hiếp tập thể và còn bị chúng hành hạ đớn đau. Tôi nghe mà chỉ biết đau đớn, ngậm ngùi và thương xót cho họ chứ còn biết làm gì hơn?
Trong đám người đến sau này, tôi thấy ông già bị liệt chân vì cuộc đi bộ triền miên, cứ ngồi tỉ tê khóc mãi. Tiếng khóc thổn thức làm cho người nghe phải cảm thương và xót xa cho thân phận ông. Khi hỏi ra thì mới rõ rằng ông ta đi với một con trai nhỏ và một con gái. Nhưng khi ông ta đến nơi thì chỉ còn hai cha con, còn con trai nhỏ của ông đã bị thất lạc, có thể đã bỏ xác trong rừng rồi.
Cạnh đó là một gia đình khác gồm người mẹ trên bốn mươi tuổi đi cùng ba con nhỏ. Bà L. này đến nơi thì gửi thư về Việt Nam cho chồng và hai con còn lại để họ đi sau. Vài tuần lễ sau, chỉ có hai con của bà được hội HTTQT đem vào trại ti nạn. Còn chồng bà L. thì biệt tin tức, chắc chắn ông ta đã bị giết chết hay bỏ xác trong rừng biên giới rồi. Thật đau khổ khi người cha thì mất tích, còn hai người con bơ vơ đến được trại tị nạn gặp lại mẹ.
Còn nhiều trường hợp như hoàn cảnh của anh L., anh đến bến bờ tự do cùng với đứa con ba tuổi. Còn vợ và đứa con một tuổi của anh đã bị lính Cộng Sản bắn chết ở Battambang, trên con đường vượt thoát.
Kết cuộc
Ngày 4 tháng 5, năm 1980, lúc 4:15 giờ chiều, sau mười lăm ngày dài cực khổ và hiểm nguy, chúng tôi đã được hội HTTQT đón và đưa về trại tị nạn NW 9. thoát nạn khỏi bàn tay của lính Para, một nhóm người chuyên sống bằng luật rừng xanh.
Sau khi ở trại NW 9, tôi được tới trại Pananikhom, rồi qua trại Bataan trước khi định cư ở Mỹ quốc.
Trần Chí Thành

June 23, 2009

Cuộc Hành Trình Vượt Biên Từ Sàigòn Đến Thái Lan - 7

Phần 7: Từ Sisiphôn Vượt Biên Giới
Trần Chí Thành

Sáng hôm sau, khoảng sáu giờ sáng ngày 29 tháng 4, năm 1980, chúng tôi bắt đầu lên đường qua biên giới. Trời mờ sáng nên ít người qua lại. Vì sơ ý đi quá sớm nên chúng tôi đã bị một người bộ đội Miên chận bắt. Thế là bốn chúng tôi và người dẫn đường mạnh ai nấy chạy trốn. Tôi cũng cắm đầu chạy thục mạng vào một ngã tư gần đấy, lòng bâng khuâng không biết số phận bạn mình ra sao.
Chờ đến sáng tỏ rồi tôi mới lò mò đi thì chỉ gặp người dẫn đường và một bạn trong nhóm. Anh dẫn đường giao cho tôi một chiếc xe đạp và bạn tôi một chiếc nữa. Tâm hồn chúng tôi bối rối và căng thẳng. Tình thế thật là nguy hiểm: Đi sáu người rồi còn bốn, đang bốn người nay lại còn có hai. Chúng tôi đi xe đạp về phía đường mòn để hướng về biên giới.
Khoảng 11:00 giờ trưa, chúng tôi bị toán lính Bộ đội Việt Nam chận bắt. Cả ba người: hai chúng tôi và người dẫn đường đều bị hành hạ và đe dọa đủ điều nhưng chúng tôi không chịu khai điều gì khác những gì mà họ thấy. Họ lục xét và cướp hết số vàng bạc và tiền trong người chúng tôi.
Thấy số vàng khá nhiều nên họ thả cho chúng tôi đi tiếp. Lại có một phép lạ xảy ra vì tại đây, chính mắt tôi thấy bọn ho đã bắt những người vượt biên người Việt Nam, rồi trói ké lại thật chặt như những con heo để giải họ về giam giữ ở Việt Nam. Nhìn thấy các nạn nhân trông thương tâm và đáng tội nghiệp. Thế mà bọn họ lại thả chúng tôi đi. Đúng là một phép lạ của Thượng Đế!
Sau đó, người dẫn đường vội vàng dắt hai chúng tôi vào một trạm nhà sàn ở bìa rừng gần đó. Ông ta cho tôi và Phước ăn cơm và nghỉ trưa tại nhà này. Còn ông ta đi ngược về Sway-Sisophon để kiếm hai người bạn tôi đã thất lạc trong lúc chạy tán loạn, không biết bây giờ họ ở nơi đâu.
Mãi đến ba giờ chiều hôm ấy, ông ta tới và đem theo hai người bạn đã bị thất lạc. Chúng tôi bồi hồi và sung sướng gặp lại nhau. Thật không còn nỗi mừng nào to lớn hơn. Tinh thần chúng tôi cũng lên cao hơn vì nghĩ mình có một người dẫn đường đáng tin cậy và vì tái ngộ với hai bạn tưởng đã mất đi.
Kể từ đây, theo lời ông đưa đuờng thì con đường dẫn tới Thái Lan không còn bao xa. Nếu tính theo đường chim bay thì còn cỡ hai mươi lăm hay ba mươi cây số nữa. Nhưng có hai phương cách để đi đến đích. Cách thứ nhất là đi theo đường đi buôn của dân Miên. Họ đi từng tốp xe đạp để chở hàng hoá về. Họ đi con đường thẳng, đến ngã ba thì quẹo trái để ra đường qua biên giới Thái Lan.
Nếy muốn đi lối này thì gặp rất nhiều trạm kiểm soát của Bộ đội Việt Nam cũng như Bộ đội Cộng sản Miên. Những người lính canh gác ở đây rất dữ dằn và canh gác nghiêm nhặt vì đây là những trạm gác cuối cùng để đi đến biên giới và cũng là những trạm gác địa đầu nếu từ biên giới Thái trở về Cambodia. Nếu đi vượt biên lối này thì rất khó thoát vì chính mắt tôi đã thấy rất nhiều người Việt Nam bị bắt hôm nay.
Cách thứ hai là đi tắt vào đường rừng để đến biên giới. Nhưng đi trong đường rừng rất khó mà định phương hướng. Ngoài ra ta sẽ gặp mìn, hay không thể kiếm mua lương thực và nước uống, như vậy có thể đói và chết bỏ xác dọc đường.
Sau khi bàn tính để so sánh lợi hại giữa hai cách đi, chúng tôi liền nhớ lại cảnh hai người bạn bị bắt hôm trước vì đi qua các trạm kiểm soát. Với phương cách giả dạng dân Miên đi buôn, chúng tôi không tin rằng mình có thể đi trót lọt qua nhiều trạm kiểm soát gắt gao của vùng địa đầu biên giới này.
Tính tới hôm nay, chúng tôi đã trải qua mười ngày đường đầy gian khổ và hiểm nguy. Chúng tôi đã qúa mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể xác: ăn uống thất thường, nằm bờ ngủ bụi. Thần kinh của chúng tôi đã căng thẳng đến mức tột cùng. Không một giây phút nào mà không phải lo âu và suy nghĩ. Sự đau khổ và nỗi hãi hùng cứ chồng chất thêm vào bước chân đi tới.
Lính Cộng Sản Việt Nam giăng lưới bủa vây khắp nơi. Chúng tôi khiếp hãi đến tột độ. Thôi! thà ráng chọn lối đi vào rừng, dù cho nó có dài hơn và khổ hơn nhưng vẫn tốt hơn là cứ phải đối diện với kẻ thù và không biết họ sẽ bắt mình lúc nào nữa. Do đó chúng tôi đều chọn lối đi vào rừng, dù có thể đạp mìn, có thể đói khát vì thiếu luơng thực và nước uống.
Sau khi nghỉ trưa ở trạm bên bìa rừng, vào khoảng 4:00 giờ chiều ngày 29 tháng 4, năm 1980, chúng tôi bắt đầu đi bộ tắt vào đường rừng, băng qua núi theo sự hướng dẫn của một thổ dân ở đó để tránh khỏi đạp những ổ mìn của tất cả các phe phái chính trị.
Đêm hôm ấy, chúng tôi ngủ tạm ở trong rừng biên giới. Ánh trăng sáng vằng vặc làm không khí khu rừng đỡ buồn tẻ. Chúng tôi vẫn lo sợ và cảnh giác tối đa.
Sáng hôm sau, vào đúng ngày 30 tháng 4 năm 1980, đúng 5 năm,sau khi Cộng Sản Việt Nam chiếm miền Nam Việt Nam, và cũng là ngày Quốc Hận, chúng tôi đã dậy thật sớm và bắt đầu đi băng qua đường rừng. Suốt ngày hôm ấy, chúng tôi chịu cảnh đói khát. Tay chân mỏi rã rời. Nắng cứ quái ác rót đổ trên đầu làm mồ hôi chúng tôi toát ra như tắm.
Nhưng nhất định phải cố mà đi, nếu sơ hở một chút thì chúng tôi lại có thể bị bắt ngay hay bị đạp mìn mà chết banh xác trong rừng biên giới. Sự nguy hiểm đã và đang rình rập chúng tôi trên từng bước. Con đường rừng trải dài trước mắt và chúng tôi cứ lầm lũi quyết chí tiến lên.
Sau cùng, chúng tôi cũng đã lần mò đến được con đường mòn của dân đi buôn lậu. Tới đây, người dẫn đường cười hớn hở và quay lại nói với chúng tôi rằng:
-Tới đây, các anh đã thoát khỏi tầm hoạt động của Cộng Sản Việt Nam rồi. Bắt đầu từ đây, các anh có thể gặp lính Miên của Lon Nol, Sihanouk, Son Sann hay lính Khmer Đỏ của Pol Pot. Họ có thể bắt các anh để tra hỏi và cướp của. Các anh đừng trốn tránh và cứ để cho họ bắt. Cuối cùng, họ cũng giao các anh cho người Mỹ!
Chúng tôi mừng rỡ vì đã thoát khỏi vùng kiểm soát của Bộ đội Việt nam. Thế là chúng tôi lại tiếp tục đi mãi trên con đường mòn biên giới. Người dẫn đường dặn dò chúng tôi:
-Các anh cứ đi thẳng theo đường xe bò này là tới trại tị nạn!
Rồi sau đó, anh ta bỏ rơi chúng tôi ở dọc đường. Kể từ 5:00 giờ sáng khởi sự đi trên đường mòn, chúng tôi gặp rất nhiều dân Miên đi buôn bằng xe đạp. Họ nói cười và đùa giỡn rất vui vẻ. Còn chúng tôi thì đã qúa mỏi chân và mệt nhoài. Thử đánh bạo, chúng tôi ngoắc họ lại để xin đi qúa giang nhưng tất cả đều lắc đầu từ chối. Chán nản cùng cực, chúng tôi lại tiếp tục đi bộ tiếp.
Bất ngờ, chúng tôi bị ba người lính Miên chặn lại. Những nhóm lính này không mặc quân phục giống Bộ đội Cộng sản Miên hay Bộ đội Cộng Sản Việt Nam, mà họ lại mặc quân phục rằn ri như lính nhảy dù của VNCH ngày xưa. Chúng tôi đoán đây là lực lượng kháng chiến của Lon Nol hay Sihanouk.
Đám lính này tra xét và khi biết chúng tôi là người Việt Nam thì họ cười đùa thích thú, rồi họ ra lệnh cho chúng tôi đi theo họ vào sâu trong rừng, xa khỏi đường mòn. Tại đây, họ chỉa súng vào người chúng tôi và nhanh như chớp, họ bắt chúng tôi lột trần như nhộng để họ khám xét mọi chỗ trong cơ thể và hành lý để cướp của. Sau đó, họ lại cho chúng tôi đi tiếp.
Trên suốt con đường mòn trong rừng biên giới, chúng tôi đã bị chận xét và lục soát để lấy của đến mấy chục lần, bởi hết toán lính này đến toán lính khác. Cuối cùng, chúng tôi chẳng còn một thứ hành trang nào khác, ngoài bộ quần áo đen mặc trên người.
Tiền hết, cơn đói rã rời, cơn khát cháy cổ, tất cả những lo âu và bận tâm ấy làm chúng tôi mệt đến muốn ngất xỉu. Chúng tôi bèn hỏi những người dân Miên đi buôn rằng bao giờ tới Thái Lan. Ai cũng trả lời còn năm hay mười cây số nữa thôi. Tuy nhiên, lần nào hỏi cũng chỉ nghe năm hay mười cây số. Chúng tôi tưởng chừng muốn điên lên vì qúa sức khổ và đói khát.
Trời cực nóng, nắng sôi đổ lửa trên đầu, con đường mòn như cứ kéo dài ra. Rồi cuối cùng, chúng tôi cũng đã lần mò và tìm đến gặp một đồn lính của lực lượng Para vào khoảng lúc trời nhá nhem tối, độ 6:30 giờ chiều.
Tôi tưởng rằng mình sắp đến trại tị nạn rồi nên mừng rỡ. Thế là từ đây sẽ không còn ai dám làm gì hại được chúng tôi nữa rồi. Một ngày qua đi với hơn năm mươi cây số lội bộ đường rừng, với cơn đói và khát khô cổ.
Chúng tôi đã băng qua một khu rừng đầy những quân lính của bao nhiêu phe phái, nghe nhiều tiếng súng nổ, vượt khỏi những bãi mìn giăng đầy. May là chúng tôi có người dẫn đường chỉ dẫn cho đi vào con đường mòn. Chứ nếu không, có thể chúng tôi đã chết banh xác vì đạp nhằm mìn từ lúc đi băng rừng rồi.
Thoạt đầu, chúng tôi tưởng mình sẽ được thoải mái khi được ở đồn Para vì chúng tôi đã thoát khỏi tay lính Việt Cộng. Nhưng rồi, qua kinh nghiệm, chúng tôi thấy bọn Para cũng độc ác và nguy hiểm không kém.
Bọn này không để cho chúng tôi yên, chúng cứ thay phiên nhau lục xét để cướp của. Thậm chí vào ban đêm, chúng cũng rọi đèn pin vào mặt rồi dựng đầu chúng tôi dậy đi, bất chấp cả khi chúng tôi đang ngủ ngon lành.
Chúng tôi ở tại đồn Para trong hai đêm. Đến ngày 2 tháng 5, năm 1980, lúc 9:00 giờ sáng, thình lình hai phe Para và Pol Pot đụng độ nên bắn nhau đữ đội, đạn bay vù vù trên đầu. Chúng tôi qúa sức hoảng sợ nên nhất loạt nằm cúi rạp xuống đất để tránh tầm đạn.
Lúc này, bọn Para đã hoàn toàn ở vào tư thế ứng chiến. Chúng vội vàng đeo bùa vào cổ, vào tai và tay. Bùa màu đỏ, đeo tòn ten trên người nên trông chúng còn dữ dằn hơn lúc bình thường. Nhóm Para này núp vào các bụi cây để bắn trả nhóm lính Pol Pot một cách quyết liệt. Bọn họ nằm cách chúng tôi chỉ có vài chục thước. Còn chúng tôi thì không có một tấc sắt trên tay, chỉ biết nằm úp mặt xuống đất, mặc cho định mệnh an bài.
Sau khoảng nửa giờ giao tranh, hai phe im tiếng súng. Trưa hôm đó, nhóm Para đưa bốn chúng tôi đến trại Non Samet, tức là trại 007.

June 16, 2009

Cuộc Hành Trình Vượt Biên Từ Sàigòn Đến Thái Lan - 6

Phần 6: Battambang đi Sisiphone bằng xe lôi
Trần Chí Thành
Từ Battambang, người dẫn đường thuê những chiếc xe lôi để chở chúng tôi tới Sway và Sisophon. Trước khi lên xe đi Sisophon, thì người dẫn đường dẫn chúng tôi đi ăn uống để lấy lại sức khỏe và phục hồi tinh thần sau một ngày và một đêm nhịn đói và khát.
Anh ta còn mua ba chiếc xe đạp cho chúng tôi. Lúc ấy, chúng tôi mới lấy lại tư thế thăng bằng về mặt tinh thần. Thế nhưng từ đây trở đi, vì là gần biên giới nên đường đi khá gay go. Người dẫn đường đã báo động rằng gần đây, vì tình hình biên giới sôi động nên quân lính đóng ở đây rất đông, vì thế tình trạng rất nguy hiểm.
Khoảng sáu giờ chiều hôm ấy, chúng tôi qua trạm Cầu Sắt để đi vào thành phố Sisophon. Tại trại này, lính Bộ đội Việt Nam canh gác rất cẩn thận. Vì thế, chúng tôi phải trà trộn trong đám dân đi qua lại để băng qua cầu này.
Chúng tôi chia ra nhiều tốp, mỗi tốp gồm hai người chở nhau trên một chiếc xe đạp. Bọn chúng tôi phải cố trấn tĩnh và cảnh giác tối đa để có đủ can đảm mà đi qua cầu này. Tôi và Sơn chở nhau đi qua trót lọt. Sau đó, Phước và Đông cũng trót lọt. Nhưng chiếc xe thứ ba gồm có hai bạn Đức và Hải, vì còn trẻ tuổi và khuôn mặt trắng trẻo nên họ vừa tới cầu thì bị lính Cộng Sản phát hiện và chận bắt ngay lập tức.
Lính Cộng Sản Việt Nam ở Cầu Sắt này nổi tiếng là kiểm soát chặt chẽ. Tội nghiệp cho hai người bạn bất hạnh của tôi. Sau này tôi được biết là Đức và Hải bị bắt giam sáu tháng tại Miên rồi sau đó bị chở về Việt Nam để bị tù tiếp ở khám Chí Hòa. Số mệnh thật đáng sợ. Cuộc đời thật ghê gớm và khủng khiếp qúa. Sáu người cùng đi chung mà hai người đã bị bắt, chỉ còn lại bốn người.
Sau khi biết hai người bạn đồng hành của mình bị bắt, chúng tôi đau đớn, bàng hoàng và thương xót cho nỗi bất hạnh lớn lao của bạn mình. Cuộc hành trình tìm tự do đã gần đạt đến đích, thế mà họ mãi mãi chịu số phận long đong, trở nên những tù nhân ngay trên xứ người và chính quê hương của mình. Định mệnh thật là khắt khe vì số họ chịu sự khốn khổ và kiếp lưu đày.
Nỗi bất ổn đè nặng tâm tư của chúng tôi nhiều hơn. Chúng tôi biết mình có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Thêm vào đó, cái không khí chiến tranh sôi động của một tỉnh biên giới thật căng thẳng đến phát sợ. Đêm hôm ấy, chúng tôi ngủ đêm tại vùng Sway-Sisophon, nằm trên một vỉa hè đường, nằm ngủ trà trộn với dân địa phương đi buônđi

June 08, 2009

Cuộc Hành Trình Vượt Biên Từ Sàigòn Đến Thái Lan - 5

Phần 5: Từ Nam Vang đi Sisiphon bằng xe lửa
Trần Chí Thành
Có lẽ đến suốt đời tôi, tôi không thể nào quên được chuyến xe lửa đặc biệt và kỳ lạ như thế. Hồi còn ở Việt Nam, tôi đã từng đi nhiều chuyến xe lửa chật chội và chậm rì. Nhưng nay, tôi vẫn không thể nào tưởng tượng ra được một chiếc xe lửa nào mà đông người như cá hộp, lại còng chạy chậm hơn rùa bò như chiếc xe lửa này.
Xe lửa đông và chật đến nỗi các toa tầu phía dưới đã hết chỗ chứa, mà ở trên mui cũng đông. Hàng ngàn người ngồi san sát đến nỗi không còn một chỗ chen chân. Chúng tôi đành leo hết lên mui toa xe lửa.
Khổ thật, lần này lại phải chung đụng với người bản xứ, cơ hội bị lộ đến nữa rồi. Người ta cười đùa, nói chuyện và chửi rủa nhau. Nhiều người mua bán, trao đổi và xô đẩy nhau thật là nguy hiểm. Cũng may, với vận tốc chậm rì , độ hai mươi lăm cây số một giờ, nên xe lửa không chao đảo nhiều lắm.
Bởi thế, chúng tôi dù ngồi trên mui xe lửa, dù bị xô đẩy cũng không té được. Nhưng chỉ một sơ xuất nhỏ cũng đủ để chúng tôi rớt xuống đất, nếu không bị té chết thì cũng bị thương hay gẫy tay chân. Thật sự, trên chiếc xe lửa đi từ Nam Vang đến Battambang, tôi thấy đã có nhiều người sơ xuất và lọt chân rớt xuống hai vệ đường. Tôi không được biết số phận những người đó ra sao, nhưng chắc chắn là họ bị thương nặng vì té từ trên cao xuống đất trong khi xe lửa vẫn di chuyển.
Lúc ấy trời nóng như lửa cháy, lại bị những người khách trên xe lửa xô lấn nên người dẫn đường đã ngồi xa chúng tôi, vì thế mà chúng tôi không còn liên lạc được với anh ta nữa. Khổ thay, trong túi chúng tôi lại không có một đồng nào để mua nước hay thức ăn khi tàu lửa ngừng lại ở các ga trên lộ trình.
Từ lúc rời Nam Vang vào buổi trưa đến lúc tới Battambang là vào trưa hôm sau, chúng tôi đành nhịn đói và nhịn khát nên ai cũng mệt lả, người thì khô cứng ra. Người dẫn đường không hề tiếp tế lương thực hay nước uống, còn chúng tôi thì sợ lộ tông tích nên không dám xin xỏ những người ngồi chung quanh mình.
Cuối cùng vì quá khát nên tôi đánh bạo vỗ vai một thanh niên Miên bên cạnh và chỉ vào bình nước của anh ta. May mắn thật, anh ta vui vẻ gật đầu. Thế là tôi vội vàng cầm lấy bình nước tu ừng ực.
Đêm hôm ấy, xe lửa ngừng ở Pursak nên chúng tôi tạm ngủ ở vệ đường khoảng vài tiếng đồng hồ. Chúng tôi cũng không được ăn uống gì cả. Sáng hôm sau, khoảng năm giờ sáng, chúng tôi lại leo lên xe lửa để đi tiếp. Xe chạy mãi đến khoảng một giờ trưa thì đến Battambang. Thật là một chuyến xe lửa qúa hãi hùng để rồi mãi mãi tôi sẽ không thể nào quên được cái kinh nghiệm đau khổ ấy.

June 01, 2009

Cuộc Hành Trình Vượt Biên Từ Sàigòn Đến Thái Lan - 4

Phần 4: Những Ngày Chờ Đợi tại Nam Vang
Trần Chí Thành

Suốt trong ba ngày nằm chờ đợi tại nhà của một bà Miên gốc Việt, chúng tôi không được xuất đầu lộ diện. Bà chủ nhà phải tiếp tế đồ ăn cho chúng tôi như cơm, thức ăn, cà phê sữa đá. Xóm của bà ta qúa nhỏ nên cả xóm đồn ầm lên là bà chủ nhà chứa ba người Việt Nam.
Thế là tối hôm ấy, lúc bảy giờ tối, lính du kích ấp đã phát giác ra chúng tôi. Họ bắt chúng tôi ra trụ sở ấp. Ôi, thế là đời mình tàn rồi, sự nghiệp tiêu ma hết rồi! Chúng tôi sợ đến nỗi run rẩy như bầy cừu non trước nanh vuốt cọp dữ.
Họ hỏi chúng tôi đủ thứ, nhưng vì ngôn ngữ bất đồng nên họ không thể lấy khẩu cung để làm báo cáo mà gửi lên cấp huyện được. Họ nói lõm bõm tiếng Việt rằng:
"Dzun tâu Xiêm" (Việt Nam đi Thái).
Sau đó, họ bắt chúng tôi chờ ở đấy. Chừng mười lăm phút sau, họ trở lại và đem theo một người Bộ đội Cộng Sản người Việt, nói giọng miền Bắc. Anh bộ đội tự giới thiệu mình là một sĩ quan thiếu úy. Cho đến giờ này, tôi không hiểu có phải là phép lạ, vì tình đồng hương hay vì sự thương hại trước sự run rẩy của chúng tôi mà anh Bộ đội Việt Nam ấy nói:
-Nếu các anh đã biết lỗi thì nên quay về vì người Miên ở đây đã kết tội các anh là những người vượt biên "Tâu Xiêm". Tội vượt biên có thể bị bắt giam ít nhất là sáu tháng.
Nói xong, anh ta ra mệnh lệnh cho toán lính Miên (Lúc đó, Bộ đội Cộng Sản Việt Nam có uy quyền đối với lính Miên) là hãy để cho chúng tôi tự do và rồi ngày mai chúng tôi sẽ quay trở về Việt Nam.
Tuy thế, viên trưởng ban xã ấp người Miên vẫn không tha cho chúng tôi. Hắn đặt ngay chiếc ghế bố trước nhà bà Miên để canh chừng chúng tôi phòng khi chúng tôi lén lút trốn đi.
Đêm hôm ấy, chúng tôi lòng rối như tơ vò, phần thì mừng hú hồn vì được giải thoát mà không ngờ trước, phần thì trằn trọc và lo sợ vì người Miên kia nằm canh gác ngay bên ngoài. Còn người dẫn đường thì sợ hãi quá nên không dám đến liên lạc nữa. Chúng tôi qúa sức sợ vì mình đang bị giam lỏng. Dù chúng tôi bảo rằng qua Miên để thăm bà con, nhưng họ vẫn biết ngay là chúng tôi đi vượt biên nên vẫn theo dõi và dò xét.
Sáng hôm sau, chúng tôi ra chợ, đến ngồi tại quán cà phê và gặp lại người dẫn đường. Anh này ngồi ở góc bàn phía xa, anh viết tay trên bàn chữ " Năm N". Chúng tôi về suy nghĩ và bàn luận chắc có lẽ là điểm hẹn, nhưng mình không biết tiếng Miên thì làm sao mà đi được. Chúng tôi thắc mắc mãi mà không biết câu giải đáp. Cảnh tù giam lỏng làm cho chúng tôi thấy ngột ngạt và khổ sở.
Thình lình lúc sáu giờ chiều hôm ấy, bà Miên trở về và ra dấu cho chúng tôi trốn đi bằng cửa sau. Vừa trốn ra khỏi cửa, chúng tôi đã thấy người dẫn đường đứng sẵn và ra hiệu cho chúng tôi chạy thật lẹ. Thế là chúng tôi cắm đầu chạy thục mạng về phía anh ta.
Tới nơi, chúng tôi thấy ba người đạp xe đạp thồ đang chờ sẵn. Thế là cả ba anh em tôi nhào lên xe. Ba anh đạp xe thồ đạp thật mau. Chúng tôi lại tẩu thoát lần nữa. Đi lòng vòng một hồi lâu thì chúng tôi được chở tới một công trường bên cạnh nhà ga.
Nơi sân ga, có rất đông người Miên nằm, ngồi la liệt để chờ đợi xe lửa đến. Họ trải chiếu rồi bạ đâu nằm đó. Cũng tại đây, tôi gặp lại nhóm ba người bạn kia. Thế là sáu người lại gặp nhau. Cẩn thận một chút, chúng tôi ngồi thụp xuống, và cố gắng trà trộn trong đám người dân Miên để mong khỏi bị lộ.
Bất thình lình, người bạn tôi nhìn ra và bắt gặp một người đang lái xe Vespa Sprint vòng quanh công trường, mắt ngó dáo dác như đang tìm bắt một người nào đó. Chúng tôi đồng loạt ngó ra và hoảng hốt khi nhận ra đó chính là tên trưởng ban xã ấp người Miên đã rình rập chúng tôi. Chắc hẳn hắn đã khám phá ra rằng chúng tôi đã trốn thoát nên giờ này hắn đi tìm để bắt lại.
Nhanh như một mũi tên bắn, chúng tôi vội nằm thụp xuống và bò đi theo người dẫn đường để đào tẩu lần thứ hai. Thật giống như tình tiết éo le trong một câu chuyện mạo hiểm phiêu lưu hay phim gián điệp. Chúng tôi bò đi và phóng thật mau vào một con đường nhỏ ở gần đó rồi đi bộ rải rác hai bên vệ đường theo dấu người dẫn đường.
Cũng may, lúc đó trời vừa sập tối nên không ai để ý. Chúng tôi cứ lếch thếch đi theo người dẫn đường mãi đến khi rã rời hai đầu gối. Lúc này, ai cũng đi như lết qua khắp các nẻo đường của thành phố Nam Vang để mong đánh lạc hướng tên trưởng ban xã ấp kia. Cứ thề mà đi lòng vòng mãi gần khắp các nẻo đường.
Cuối cùng khi biết chắc chắn là người kia đã không thể theo dõi được nữa thì người dẫn đường đưa chúng tôi vào ngủ trên những sạp hàng của người Miên ở giữa chợ. Những sạp bán thịt cá ban ngày nên tối đến mùi hôi thối bay lên. Không còn có sự lựa chọn nữa nên bọn tôi đành leo lên các sạp hàng để ngủ. Đêm hôm đó thật hãi hùng, tôi thiếp đi và ngủ quên bên cạnh tiếng những con chuột tranh ăn kêu chí chóe, tiếng dế gáy và tiếng côn trùng kêu rỉ rả suốt đêm.

Sáng hôm sau, 27 tháng 4 năm 1980, chúng tôi thức dậy sớm, trước khi buổi chợ họp nhóm. Theo quy ước, chúng tôi phân tán đi lang thang trong chợ để chờ đến mười giờ sáng thì tập trung ở cổng chính của ngôi chợ này. Lại một lần nữa, chúng tôi phải trà trộn trong đám người Miên, giả dạng đi ngắm hàng hóa hoặc mua bán. Tuy vậy, chúng tôi vẫn phải đề cao cảnh giác vì mình có thể bị phát hiện bất cứ lúc nào và bị nguy hiểm bất cứ ở đâu, nếu có người nào chận lại hỏi mình vài câu tiếng Miên.
Khoảng mười giờ sáng, chúng tôi tập trung tại cổng chính của chợ để đi bộ theo người dẫn đường tới nhà ga. Khoảng 11:00 giờ trưa, chúng tôi được luồn dưới một cổng nhỏ vào ga. Có lẽ người dẫn đường đã mua bằng vé chợ đen để vào nhà ga. Đúng 12:00 giờ trưa, chúng tôi leo lên xe lửa để đi từ Nam Vang đến thành phố Battambang.

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes