December 24, 2008

Chúc Mừng Giáng Sinh

December 15, 2008

Kép Độc Cứu Nguy - DD-2nd G



December 09, 2008

Nhung Cuoc Hoi Ngo

Goi cac ban nhung tam hinh hoi ngo, ban be Huong Dao, gia dinh Phomchat....
Ai nho ngay thang thi xin cho hay nhe.
Uyen



Huan, Hoai, Thanh, Uyen, Hieu, Tai Dang


Ton, Huan, Phuong, Uyen Tai Kien, Tai Dang, Hoan, Dai, Dung, Thanh, Duc


Chup voi nNhung nguoi tu Phomchat
Huan, Hoai, Thanh, Uyen, Hieu, Tai Dang


Hoai, Uyen, Hung, Trong

Hướng Đạo ở Dongrek & Site II - 18 ( Last Posting)



December 08, 2008

Hướng Đạo ở Dongrek & Site II - 17




December 04, 2008

Hướng Đạo ở Dongrek & Site II - 16




November 25, 2008

Hướng Đạo ở Dongrek & Site II - 15




November 23, 2008

Hướng Đạo ở Dongrek & Site II - 14





November 17, 2008

Hồi ký tị nạn của ông Lê Tấn Lý - Trại Tù Ở Non Chan


Khi chúng tôi tới Non Chan là vào buổi trưa ngày 22, tháng 4, năm 1982. Từ xa, chúng tôi thấy những căn nhà lụp xụp làm bằng cỏ tranh, trên có che những tấm ni lông màu xanh da trời. Xa xa, tôi thấy một lá cờ của lính giải phóng Miên, có màu xanh, đỏ và một hình tháp chính giữa. Tôi vì quá mệt nên cũng không còn đủ sức mà nhìn rõ xem màu sắc và hình vẽ của lá cờ như thế nào.

Khi đến nơi, tôi nghĩ là mình đã đến vùng tự do rồi nên lòng mừng khấp khởi. Thế nhưng lại bị một bọn lính Para khám xét nữa để cướp đồ quý. Bọn chúng hỏi tôi bằng một tràng tiếng Miên. Tôi không hiểu mà chỉ ra dấu rằng tôi quá khát và cần nước uống. Nhưng thay vì cho tôi uống nước, chúng lại bắt chúng tôi cởi quần áo để chúng moi móc tìm mọi chỗ, kể cả chỗ kín trong người.

Lúc ấy tôi chỉ còn vỏn vẹn có một bộ đồ mặc trong người và một đôi dép râu quai bố (loại dép Bình Trị Thiên). Dù vậy, bọn Para cũng không tha vì chúng nghĩ rằng tôi có thể dấu vàng bạc ở đôi dép ấy. Chúng lấy luôn đôi dép râu của tôi và trao cho tôi một đôi dép Nhật khá tốt.

Sau này, tôi đã khốn khổ vì đôi dép ấy trong những tháng ngày dài sống thiếu thốn ở trại tù Non Chan và trại tị nạn NW 82. Đôi dép cũ mòn hư hao. Tôi đã phải tìm mọi cách để cột đôi quai dép lại cho có thể đi tạm được. Đi chân trần khổ lắm, vừa đau, vừa đạp gai, đạp miểng chai, sâu bọ hay phân người. Tôi cứ tiếc hùi hụi cho đôi dép râu bền chắc đã bị bọn Para lấy mất.

Bọn Para mới dữ dằn vô cùng. Chúng hạch hỏi đủ thứ, kể cả ngày sinh tháng đẻ và cả nơi sinh của chúng tôi để làm thủ tục giấy tờ. Bà chị tôi lúc ấy quá sức sợ hãi nên khai bậy bạ. Chị khai nhiều tuổi hơn tuổi thật. Chị khai lộn xộn hết mà từ đó, tôi không dám điều chỉnh lời khai nữa vì sợ chúng nghĩ rằng mình có ý man trá nên khai tầm bậy. Chính vì thế mà kẹt luôn cho đến khi khai để xin được bảo lãnh, tôi cũng phải khai như lời chị khai.

Làm thủ tục xong, bọn chúng lại giao chúng tôi cho một tên lính dắt đi đến một văn phòng khác ở rất xa. Chúng tôi đi mãi, băng qua một khu chợ. Ở đấy, người ta che các căn nhà lụp xụp bằng lớp cỏ tranh hay bằng tấm vải ni lông xanh.

Khi tới một văn phòng khác của Para, chúng tôi phải ngồi chờ rất lâu ở đó. Thế rồi lại một màn cởi quần áo để khám xét kỹ lưỡng nữa. Bao nhiêu nỗi tủi nhục và cực lòng làm chúng tôi đau đớn vô cùng. Thân phận mình còn bị bạc đãi và coi thường hơn một con chó hay con kiến nữa.

Sau đó, chúng dắt chúng tôi vào một trại tị nạn. Thoạt đầu, chúng tôi tưởng bở, lòng mừng rỡ vì ý nguyện đã thành tựu. Trại tị nạn đây rồi! Ôi ba chữ ” Trại tị nạn” sao nghe vui tai và hay ho đến thế. Nhưng hỡi ôi! khi đến nơi mà gọi là trại tị nạn thì đó chỉ là một nhà tù nhỏ làm bằng tranh, chung quanh đóng cột gỗ và có hàng rào đầy thép gai.

Nhìn vào trong nhà thì thấy rất nhiều người đứng lố nhố, đặc biệt là đàn ông và con nít đều ở trần. Mọi người đứng trong vòng rào kẽm gai nhìn ra. Trông ai cũng đen đúa như một đám mọi đen đói vì ai cũng ốm dơ xương ra. Tôi thấy mình chới với ngay:

”Trại tị nạn gì mà kỳ cục quá, khủng khiếp quá!”

Hình ảnh thực tế của trại tù Non Chan đập mạnh vào mắt tôi.

”Đây là trại tị nạn đó sao? Trại chỉ toàn kẽm gai và đám người bị tù túng, đói khổ như thế này! Thôi rồi, thiên đường của dân tị nạn đường bộ là đây sao?”

Mộng ước sụp đổ tan tành ngay lập tức. Chúng tôi bị xúc động về hình ảnh đau thương trước mắt. Chúng tôi không thể mở miệng mà hỏi han hay nói chuyện với ai cả, chỉ còn biết đứng ngây ra nhìn mà thôi. Sự thật phũ phàng quá! Bao nhiêu cực khổ dọc đường không làm cho chúng tôi chán ngán bằng hình ảnh cái trại tù Non Chan ấy.

Liền đó, tên lính mở dây xích khóa cửa tù để tống ba chúng tôi vào đó. Tống giam xong, hắn cẩn thận khóa cửa để đi về. Địa ngục là đây rồi! Lúc ấy, nhằm lúc bọn tù đàn ông đi làm lao động hết rồi, chỉ còn bọn tù đàn bà, con nít và một số đàn ông bịnh hoạn ở lại trại giam này mà thôi.

Khi chúng tôi bị tống vào trại, trong đó ai cũng nhìn chúng tôi bằng đôi mắt thương hại. Họ ở đó lâu qúa rồi, và họ đã nếm đủ mùi cực khổ rồi. Bây giờ chúng tôi cũng lại lao đầu vào chốn địa ngục trần gian ấy nên họ thương hại.

Lúc chúng tôi nhập trại thì trời đã quá trưanên ai cũng ăn cơm hết rồi. Theo lời họ kể thì cơm là do bọn tù đàn ông đi làm lao động khổ sai rồi để dành cơm đem về cho vợ con ở kẹt trong tù. Cơm chỉ ăn với muối trắng mà thôi.

Chúng tôi quá tuyệt vọng và mỏi mệt nên chẳng ăn được mà chỉ khát nước mà thôi. Một vài người đàn bà tốt bụng đã cho chúng tôi vài ngụm nước. Sau này tôi mới thấy rằng họ đã quá tốt với chúng tôi, vì nước trong tù rất hiếm và qúy còn hơn là vàng nữa.Tình đồng hương, đồng cảnh ngộ thật đáng ngợi khen. Ở trong tù không có nước, không có muối và không có đồ ăn. Mỗi bữa mọi người chỉ được ăn cháo do bọn lính Para phát cho mà thôi.

Uống vài ngụm cũng chưa đã khát, nên sau đó chúng tôi được các bà ấy rót nước cẩn thận ra ba lon sữa bò và trao cho ba chúng tôi. Hết thẩy mọi người ở đó đều nhìn chúng tôi với sự xót thương, nhưng không ai vội vàng kể cho chúng tôi những chuyện khổ cực trong tù. Có lẽ họ nghĩ rằng chúng tôi vừa mới đến nơi, kể ngay sợ chúng tôi đau khổ sớm.

Trong nhà tù ấy rất dơ dáy, toàn là đất bụi, chiếu thì rách te tua. Người ở trong tù đã quá quen với cảnh dơ bẩn đó, còn chúng tôi thì còn ngại dơ nên đứng lóng ngóng ở đó và không dám ngồi. Mọi người cứ mời chúng tôi ngồi mãi. Cuối cùng chúng tôi đành ngồi nhẹ xuống vì ngồi mạnh lại sợ dơ.

Sau đó chúng tôi mới hỏi thăm tình hình trong nhà tù và được biết rằng căn nhà tù này rất nhỏ, mỗi cạnh độ chừng bốn thước mà được ngăn làm hai: Một bên chứa người Miên hay lính Miên phạm pháp. Một bên chứa người Việt tị nạn. Số người Miên bị giam chiếm hai phần ba, còn số người Việt chiếm một phần ba dân số.

Trước đó, phiá giam người Việt tị nạn có đến bốn mươi hay năm mươi người. Lúc tôi đến thì có khoảng hai mươi hay ba mươi người. Mọi người chen chúc sống trong căn nhà chật hẹp. Khổ một nỗi là ngay trong phòng có một cầu tiêu, chiếm một phần tư diện tích căn phòng. Người ta bài tiết ngay ở đó, mà lại không có nước để dội. Vì thế, mùi hôi thối bay ra nồng nặc, lại thêm ruồi bọ nhiều như ong. Ruồi nhiều đến nỗi chúng bu vô cơm, cá khô và tất cả mọi thứ. Con nít đi tiêu chảy tung tóe đến nỗi phân dính đầy trên chiếu.

Tối đến, chúng tôi cũng vẫn phải ngủ trên chiếc chiếu có dính phân. Phòng vừa chật vừa hôi thối, người ta chen chúc như nêm cối. Lúc đầu, chúng tôi thấy phòng dơ, ruồi nhiều nên không dám ăn cơm nữa vì chưa ăn đã ớn và sợ đến tận cổ rồi. Cơm nước thì do bọn dân tù nấu ở một nhà bếp làm phía ngoài. Mấy ngày đầu chúng tôi mới đến thì bọn Para cho ăn vài bữa cơm. Sau thì toàn cho ăn toàn là cháo trắng và muối hột mà thôi.

Sau đó, bọn Para cho tôi nhập vào đám tù đàn ông để làm công tác nặng như đào giếng, làm đường, cưa cây xẻ gỗ, làm nhà, đào mìn hay gỡ mìn. Còn đàn bà thì làm những việc nhẹ chung quanh trại. Khổ một điều là đàn bà bị hãm hiếp thường xuyên. Ban ngày, bọn Para kéo đàn bà vào ngay văn phòng của chúng để hành lạc tập thể. Ban đêm lại còn kinh khủng hơn vì chúng lôi phụ nữ đi hãm hiếp từng đêm.

Bọn chỉ huy của Para thường mang danh là chống Cộng, là lực lượng giải phóng, nhưng thực chất, chúng chỉ là bọn thảo khấu, ăn cướp và hãm hiếp phụ nữ mà thôi. Chính những tên được gọi là ”Ông lớn”, hay ”Lục thum” là những tên tai quái nhất.

Ban đêm chúng cho người đem một mảnh giấy gọi hết cô này đến cô kia lên văn phòng cho ”Ông lớn điều tra”. Như vậy ai cũng hiểu là chuyện gì sẽ xảy ra cho những cô gái ấy rồi. Ở văn phòng các ”ông lớn” thường có sẵn bốn, năm tên lính Para ngồi chờ. Khi các cô trở về thường là đi hết nổi, có cô bại liệt hẳn và phải có người dắt nách hai bên.

Còn những tên lính ”tép riu” Para thì hay làm càn. Chúng kéo các cô vào cầu tiêu ngay trong phòng. Có khi chúng hãm hiếp các cô gái ngay trước mặt bọn tù tị nạn người Việt. Cả con nít cũng phải chứng kiến cảnh đốn mạt ấy. Hội Hồng Thập Tự Quốc tế (HTTQT)có can thiệp xin lãnh mọi người tị nạn, đặc biệt là xin cho các cô gái được dời đi đến các trại khác, nhưng lính Para cũng không tha cho họ ra đi.

Thường thường thì các cô gái đẹp mà không có chồng hay không có gia đình đi chung thì bị chúng giữ lại rất lâu để hành lạc. Tôi có quen hai cô gái tị nạn. Sau này một cô được chấp nhận cho tới Mỹ, còn một cô được đi Canada. Hai cô này bị hãm hiếp hàng đêm đến nỗi trở thành ngơ ngẩn nhưng may mà chưa điên. Đàn ông khỏe mạnh thì bị giữ lại ở trại tù rất lâu để làm lao công. Cơ hội đi thoát cũng rất là khó.

Gia đình tôi kể ra là may mắn nhất. Chúng tôi ở trại tù khoảng một tháng rồi được chuyển qua một khu khác gần nhà thương Non Chan. Tụi Para chơi bùa nhiều nên có đứa ngán, không dám hãm hiếp vợ người vì sợ bùa hành. Do đó những gia đình có vợ và con nhỏ thường dễ được đi nhanh hơn các trường hợp khác. Chúng tôi khai là vợ chồng có con nhỏ nên được hội HTTQT can thiệp mạnh và cho đi sớm.

Mỗi tuần, vào sáng thứ tư là ngày hội Hồng thập Tự Quốc tế tới. Ở trong tù, ai cũng mong đợi cho mau đến ngày thứ tư. Đến ngày ấy, không ai phải đi làm lao động cả mà chỉ ở nhà nằm chờ cho hội HTTQT đến lấy danh sách tên tuổi của người tị nạn. Lấy danh sách là một chuyện còn khi nào bọn Para Miên cho đi thì hội HTTQT mới có thể ”bốc” dân tù tị nạn đi được. Nếu bọn Para không cho dân tị nạn đi thì đành phải chờ cho dù mấy tháng, mấy năm vẫn phải chịu.

Như thế số phận dân tị nạn như cá nằm trong rọ, sống khắc khoải dưới sự đàn áp và cưỡng bức tàn bạo của bọn Para. Có nhiều người đã phải chờ cả hai năm. Có người bị giết chết cách tức tưởi nên chẳng bao giờ còn dịp gặp được hội HTTQT cả.

Những người tị nạn nào đã được gặp hội HTTQT thì vẫn tiếp tục đi làm. Còn những người khác vì lý do nào đó như gái đẹp, trai khỏe mạnh, hay tỏ ý chống cự lại bọn Para thì đến ngày hội HTTQT đến, bọn Para bắt họ đứng riêng, không cho gặp mặt nhân viên của hội.

Cũng có người bị bọn Para nghi là Cộng sản, gián điệp, không thành thật hay còn giấu diếm tiền bạc, vàng nên không được chúng cho gặp nhân viên hội HTTQT. Đã có hai người đến trước chúng tôi khoảng mấy tháng và ở trong trường hợp bị chúng tách riêng không cho gặp nhân viên hội HTTQT. Chúng giữ hai người này cả năm trường. Hai ông này rất sợ hãi vì không biết bị bọn chúng đập đầu giết chết lúc nào.

Một điều lạ là bọn Para Miên ghét Cộng sản Miên đã đành , nhưng chúng cũng rất ghét sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa của chế độ cũ. Các vị cựu sĩ quan như đại tá hay trung tá mà vượt biên đến đó cũng bị bọn chúng chúng hành hạ, đầy ải đến nỗi họ ăn ngủ không yên. Tinh thần họ bị khủng hoảng vô cùng. Vì thế tôi lấy làm thắc mắc, chẳng hiểu lý tưởng của bọn Para như thế nào nữa.

Ở trong tù mà không biết tiếng Miên thì thật là khổ. Như trường hợp của tôi: Hôm đó có một đám lính Para tới phòng tôi và nói một tràng tiếng Miên. Chúng tôi chẳng hiểu gì cả, may mà có một phụ nữ tị nạn biết tiếng Miên nên dịch ra tiếng Việt cho chúng tôi hiểu. Chúng bảo:

”Ai có gia đình thì ở lại phòng này, còn ai không có gia đình thì qua bên phòng kia ở với tù người Miên.“

Vì thế, chúng tôi yên trí ở lại phòng đó. Tối đến lại có một nhóm Para khác đến cũng nói một tràng tiếng Miên. Tôi cũng không biết chúng nói gì. Thế là một lần nữa, người đi qua, kẻ ở lại, còn chúng tôi ngơ ngác đứng xớ rớ. Liền đó, một thằng Para giận dữ đá ngay vào mặt tôi và nạt lớn. Sau đó, nó còn đá bồi vào ngực vào lưng tôi rồi kéo đầu tôi qua phía phòng bên kia.

Những người ở cùng phòng hoảng hốt hét to:

”Đi ra đi! Đi ra đi!”

Tôi hốt hoảng và chạy ”dọt” ra ngoài. Như vậy là đàn ông dù có gia đình hay không gia đình đều phải qua phòng đó. Thế là chúng muốn tách tất cả đàn ông ra một phòng riêng.

Tôi vội vàng chạy chúi đầu vào phòng của người Miên và không dám ngóc đầu lên nữa. Tối đó, tôi phải nằm trên một chỗ đất lồi lõm, không bằng phẳng mà ngủ. Vì vào phòng sau cùng, nên ai cũng dành chỗ tốt hơn, còn tôi chỉ có chỗ nằm tệ nhất thôi.

Đêm hôm đó, tôi đau lưng cả đêm, lại thêm bị tức ngực và đau mặt ê ẩm vì những cái đá của thằng lính Para độc ác. Dù đau và nằm không thoải mái, tôi cũng chịu trận vì hễ trở mình, lỡ đụng bọn tù Miên bên cạnh là chúng đạp lại và đánh tôi ngay. Thật là khổ ải, hết bị bọn này hành hạ lại đến bọn khác đánh đập. Ngay cả đến chút nước uống của mình, bọn tù Miên cũng cướp lấy, không cho chúng tôi uống.

Ban ngày, đàn ông tù tị nạn đi làm, được nấu cơm ăn bên ngoài. Ăn xong, bọn họ gói cơm và để dành nước đem về cho tù đàn bà và con nít ở nhà. Cứ chiều đến, những người tù ở nhà đứng bu bên cạnh hàng rào kẽm gai, ngóng mắt chờ mong những người tù nam về để xin cơm và nước mà sống qua ngày.

Vì sống trong cảnh khổ đau cùng cực nên chúng tôi thương yêu nhau như trong tình gia đình: chia cho nhau từng chén cơm và ngụm nước. Lúc ấy mới thấy thấm thía câu ca dao:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”

Khi đám tù đàn ông chúng tôi đi ra ngoài làm lao động, chúng tôi vẫn tiếp xúc với dân chúng Miên. Họ có vẻ thông cảm và thương hại chúng tôi. Hình như họ cũng bị ép buộc ở vùng đó. Họ cũng buôn bán cò con, lẻ tẻ như dân nghèo Việt nam. Họ bán ổi, xoài, kẹo và bánh. Đôi khi vì thấy chúng tôi quá cực khổ nên họ lén cho chúng tôi một trái xoài hay một cây kẹo.

Nhiều người Miên ở đấy biết tiếng Việt nhưng không dám nói tiếng Việt với chúng tôi vì họ sợ bọn Para ghét. Cho đến nay tôi vẫn còn thương một người lính Miên tên là Khíp. Mẹ anh ta là người Việt. Có lẽ vì thế mà anh thương bọn tù chúng tôi. Đôi lúc, anh ta cho chúng tôi ít nước uống hay dấm dúi cho con nít vài cái kẹo. Khíp không hề đánh dân tị nạn Việt mà còn giúp chúng tôi những thứ lặt vặt trong khả năng của anh ta nữa.

Có lần vì thấy bọn tù chúng tôi ở dơ, không có nước tắm nên anh Khíp xin cấp trên cho anh dẫn từng năm người đi tắm. Không hiểu anh này có biết tiếng Việt hay không, có thể anh ta biết nhưng vì sợ bị bọn Para kia kiếm chuyện nên không dám nói tiếng Việt với chúng tôi.

Các câu chuyện về lao động khổ sai:

Có nhiều trường hợp mà dân tị nạn phải đi gỡ mìn và chết oan vì mìn nổ. Một người bạn của tôi tên là Dũng. Dũng và người anh trai cùng đi vượt biên đường bộ và cùng bị tù ở Non Chan. Tại đây, có một phái đoàn Phục quốc người Việt đến chiêu mộ binh sĩ. Người anh của Dũng đã tình nguyện gia nhập đoàn quân phục quốc, còn Dũng thì ở lại, chịu cảnh làm lao động khổ sai.

Dũng còn trẻ là học sinh, cả đời không biết gì về súng đạn hay bom mìn gì cả. Một hôm Dũng đang làm lao động thì bọn Para kêu anh ta ngồi riêng ra một chỗ. Rồi bọn chúng cho Dũng ăn một nồi cơm nguội và cá khô. Điều này rất hiếm vì ở trong tù chỉ được ăn cháo trắng, đôi khi còn không có muối mà ăn chứ đừng nói đến chuyện ăn cá khô.

Khi Dũng ăn no nê xong, chúng còn cho Dũng ngồi nghỉ thật lâu và còn cho hút thuốc lá nữa. Dũng rất ngạc nhiên nên cứ thắc mắc mãi. Chừng một lát sau, mười tên lính Para Miên đội mười quả mìn từ đâu đến để trước mặt Dũng. Rồi thằng chỉ huy Para vừa nói vừa ra dấu cho Dũng cách thức tháo ngòi nổ. Hắn nói bằng tiếng Miên nên Dũng không hiểu mà chỉ biết nhìn theo cách hắn dạy để làm thôi.

Tên Para lấy một cái búa và một cái đục để ra dấu chỉ cho Dũng đục qủa mìn theo hình chữ thập. Phải đục thật cẩn thận và khéo léo. Đục xong thì cậy lên để tháo ngòi nổ. Sau đó rút chốt quả lựu đạn rồi nhét và qủa mìn. Cần nhất là làm nhẹ nhàng kẻo mìn nổ.

Sau khi nhắc đi nhắc lại nhiều lần, bọn lính Para chạy dạt ra xa hết vì sợ nổ. Thế là còn lại chỉ có Dũng với mười trái mìn. Nhát búa đầu tiên mà Dũng đóng vào quả mìn làm tim anh nhói lên vì sợ hãi. Anh sợ vì lỡ nó nổ thì anh ta chết tan xác ngay. Anh ta cố gắng đến tột độ nên làm xong quả mìn đầu tiên thì người Dũng ướt đẫm hết vì mồ hôi toát ra như tắm.

November 05, 2008

Hồi Ký Của Ông Trần Chí Thành

Cuộc Hành Trình Vượt Biên Từ Sàigòn Đến Thái Lan.

Nhóm chúng tôi ra đi từ Sàigòn đến Thái Lan. Chúng tôi có sáu thanh niên đi theo sự hướng dẫn của người đàn ông Miên gốc Việt. Chúng tôi khởi hành từ Sàigòn lúc 8:00 giờ sáng ngày 20 tháng 4, năm 1980.

Vượt biên bằng đường bộ là một điều hoàn toàn mới lạ với chúng tôi. Chúng tôi đã tiên liệu trước những nguy hiểm mà mình sẽ đối đầu: phải đi băng qua một đất nước lạ là xứ Cambodia với ngôn ngữ khác hẳn tiếng mẹ đẻ. Trời nước mênh mông mà mình lại không hiểu được tiếng nói của dân địa phương.

Đã ra đi là chúng tôi chấp nhận hai điều: một là thành công, hai là chịu hậu qủa thật thảm khốc như bị bắt giữ, cầm tù hay bị chết, bỏ xác trên quê người.

Tuy đã dự đoán những nguy hiểm trước mặt, nhưng xuyên qua cuộc hành trình vượt biên đường bộ gian nan trong mười lăm ngày, rồi xuyên qua kinh nghiệm xương máu ở trại tị nạn, tôi đã gặp phải nhiều sự khó khăn, nguy hiểm, đau khổ và chua xót mà không thể ngờ trước được.

Từ Sàigòn, chúng tôi khởi hành tại Xa cảng miền Tây để đến Long Xuyên và Châu Đốc. Sáu chúng tôi phải hóa trang giả làm công nhân và dùng những giấy tờ giả mạo để đi đường. Thời ấy, dân chúng không được tự do đi lại mà phải trình Công an quận, nếu họ cho phép mới được đi đến tỉnh khác.

Vì thế sự nguy hiểm đã đến với chúng tôi ngay từ phút đầu tiên, vào sáng hôm ấy, ngày 20 tháng 4 năm 1980. Chúng tôi có thể bị bắt bất cứ lúc nào, bất cứ ở trạm gác nào nếu bị Công An Việt nam phát hiện ra là giấy giả hay nếu họ tìm thấy một điều khả nghi nào nơi chúng tôi.

Từ Xa Cảng miền Tây, chúng tôi ngồi xe đò đi qua Long An, rồi Bắc Mỹ Thuận, nơi mà dòng sông Cửu Long chảy qua, nơi có những vườn cây xum xuê đầy trĩu trái. Cứ thế, chúng tôi đến Long Xuyên và Châu Đốc vào buổi xế chiều.

Đêm ấy, chúng tôi nghỉ ngơi tại nhà của người dẫn đường. Đêm đầu tiên xa nhà, lại nằm trên chiếc ghe đậu bên bờ sông bến vắng. Tôi trằn trọc mãi, nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ nhất là mẹ tôi. Hơn nữa, tôi lại phải lo nghĩ vẩn vơ đến việc ra đi trước mặt của mình.

Chung quanh tôi đầy những âm thanh của tiếng dế gáy, tiếng ễnh ương kêu, tất cả hòa lên một điệu nhạc buồn thê lương và áo não. Tôi nghe hồn mình bồng bềnh theo nhịp sóng êm đềm vỗ nhẹ bên bờ ghe. Thế rồi lâu lắm tôi mới chợp mắt và thiếp đi một lúc.

Hôm sau, khoảng mười hai giờ trưa ngày 21, tháng 4, năm 1980, chúng tôi dùng ghe đến Tân Châu. Khi tới nơi thì vì ghe hư nên chúng tôi buộc lòng phải ngủ đêm tại Tân Châu, một thị trấn sát biên giới Việt Miên.

Nơi đây, dấu vết của chiến tranh vẫn còn vì cách đó vài tháng vừa có cuộc giao tranh giữa hai lực lượng Cộng Sản Việt và Miên: Nhà cửa đổ nát, tường nhà loang lổ ghi đầy vết đạn. Tình hình thành phố căng thẳng, sự nguy hiểm như rình rập đó đây. Quân đội của Cộng Sản Việt Nam giăng đầy khắp thành phố. Do đó, chúng tôi đã hạn chế đến mức tối đa việc di chuyển.

Lại một đêm xa nhà thứ hai. Tâm sự tôi ngổn ngang trăm mối. Tôi nhớ mẹ tôi vô vàn, người mẹ già suốt đời tận tụy hy sinh cho đàn con và chồng mình. Chắc hẳn giờ này mẹ tôi cũng đang thao thức vì lo cho tôi và nhớ đến tôi. Mẹ ơi! biết đến bao giờ con mới được gặp lại mẹ lần nữa?

Sáng hôm sau, ghe máy đã được sửa xong, nên khoảng mười giờ sáng ngày 22 tháng 4, năm 1980, chúng tôi đi bằng ghe đến Vĩnh Xương, một quận lỵ sát biên giới Việt và Cambodia. Không khí chiến tranh ở quận này càng rõ rệt và căng thẳng hơn bao giờ hết.

Chiếc ghe của những người dẫn đường vẫn thong thả ngược dòng sông MéKong để đi qua nhiều trạm kiểm soát rất chặt chẽ của Công an Biên phòng Việt Nam. Trong lúc đó, người đưa đường đưa sáu chúng tôi xuống phà đi vào phía rừng để bọc trong rừng hầu tránh các trạm kiểm soát. Chúng tôi đi qua phà khoảng nửa giờ thì đến khu rừng.

Sau đó, chúng tôi xuống phà và đi bộ lặng lẽ trong rừng, tiến sâu hơn vào những cánh rừng chừng hai tiếng đồng hồ. Đến khoảng 1:30 giờ trưa, chờ khi lính Cộng sản Việt Nam canh gác lơ là, thì chúng tôi đã vượt biên giới một cách chớp nhoáng.

Qua khỏi bìa rừng, chúng tôi đi về phía bờ sông để tìm về ghe cũ. Các người đưa đường đã đi ghe qua các trạm gác dễ dàng vì họ là người Việt gốc Miên, có giấy phép đàng hoàng, nên họ không bị trở ngại. Chúng tôi lúc này chia làm hai nhóm, rồi leo lên hai chiếc ghe để đi tiếp.

Lúc qua khỏi biên giới Việt và Cambochia, tôi cố trấn tĩnh tâm hồn để đè nén những nỗi cảm xúc đang dâng lên dào dạt trong lòng. Từ đây tôi sẽ rời bỏ quê hương, gia đình và kỷ niệm để đi nơi vùng đất Cambodia xa lạ. Tôi đã thực sự bắt đầu cuộc sống xa quê hương.

Chúng tôi phải thay đổi quần áo để cải trang thành dân quê người Miên. Chúng tôi quăng hết quần áo công nhân xuống sông và mặc những bộ đồ đen, có những khăn quàng cà ma để che đầu cho giống người bản xứ một chút.

Kể từ giây phút này trở đi, chúng tôi phải cảnh giác tối đa, không được nói bất cứ một tiếng Việt nào. Mọi sự hướng dẫn đều phải thầm lặng. Chúng tôi theo dõi lẫn nhau, phải khôn ngoan và nhanh trí để sẵn sàng đối phó với tình thế mới. Chúng tôi nhất trí phải bám sát nhau và tuân theo sự chỉ dẫn của người dẫn đường.

Hai chiếc ghe của chúng tôi đi ngược dòng sông MéKông vào chiều hôm đó. Chúng tôi phải đi qua rất nhiều trạm gác. Hễ thấy trạm gác có cờ đỏ là chúng tôi phải cho ghe tấp vào để trình giấy. Hai ghe của chúng tôi đều giả làm ghe buôn có chở đầy trái cây như dừa, chuối, cam, xoài và bánh kẹo.

Hễ tới mỗi trạm gác thì người dẫn đường vừa lên trình giấy, vừa phải hối lộ cho lính Cộng Sản Miên vài trái dừa khô, vài nải chuối hay ít bánh kẹo. Có những trạm gác khó thì lại phải hối lộ vàng và tiền nữa.

Cứ mỗi lần đến trạm kiểm soát là chúng tôi run lên, hồi hộp và nơm nớp lo sợ. May nhờ người dẫn đường có giấy tờ hợp lệ, nên chúng tôi không gặp trở lại mà êm xuôi. Ghe đi mãi trong đêm khuya vắng vẻ. Tiếng ghe chèo đập trên mặt sông nghe thật êm tai. Giá như đi chơi trên sông như thế này vào những ngày thanh bình thì còn cái thú nào bằng.

Nhưng tiếc nỗi, con sông MéKong lúc đó không phải là hồ Động Đình để cho người thi sĩ đối ẩm vịnh thơ, mà tôi cũng chẳng phải là một thi nhân hay văn nhân hưởng nhàn, mà chỉ là một thanh niên trốn chui, trốn nhủi để đi tìm tự do.

Đến nửa đêm, người dẫn đường cho thuyền dừng bên bờ sông vắng. Ông ta bảo đi ban đêm rất nguy hiểm. Vì thế, chúng tôi lặng lẽ tìm đến một ngọn đồi hoang để ngủ đỡ. Đêm trở nên vắng lặng đến rùng mình. Chúng tôi không dám nổi lửa hay chuyện trò to nhỏ vì sợ bị lộ.

Tờ mờ sáng hôm sau, 23 tháng 4, năm 1980, vào lúc năm giờ sáng, hai chiếc thuyền của chúng tôi lại tiếp tục lên đường, và lại vượt qua nhiều trạm gác ven sông nữa. Bất ngờ, khoảng sáu giờ sáng, khi trời còn tờ mờ chưa sáng rõ, hai chiếc ghe của chúng tôi bị một chiếc thuyền kiểm soát của lính Cộng Sản Miên đuổi theo và bắt lại.

Họ ra lệnh kéo hai chiếc thuyền của chúng tôi chạy ngược về phía sau, nơi chúng tôi đã đi qua. Thế rồi, họ kéo hai chiếc ghe chạy khoảng nửa tiếng đồng hồ để về một đồn canh gác của họ. Chúng tôi tái mặt, điếng hồn và lo sợ, chờ đợi sự trừng phạt. Tôi nghĩ thầm có lẽ cuộc ra đi đã chấm dứt, lại cảnh tù đày và lao động khổ sai.

Khi về đến đồn canh gác, người dẫn đường đã khôn khéo hối lộ vàng cho lính canh. Nên sau đó, họ lại cho phép chúng tôi đi tiếp. Cho đến lúc ấy, bọn chúng tôi vẫn không hề nói lời tiếng Việt nào cả nên có lẽ họ không biết chúng tôi là người Việt mà giữ lại. Chúng tôi lại tiếp tục đi ghe cho đến 9:00 giờ sáng thì chúng tôi đến bến phà Hố Lương.

Khi đến bến phà này, chúng tôi bỏ ghe đi bộ lên bờ. Ở đây, cách thức sinh hoạt của người Miên thật từng bừng và tấp nập. Chúng tôi thấy bóng dáng lính Bộ đội Việt Nam rất nhiều. Các xe vận tải chở gạo của công ty hợp doanh số năm đậu ở đây nhiều để chờ phiên qua phà đi Nam Vang.

Người đưa đường ra hiệu cho chúng tơi tìm cách đứng hay ngồi xa nhau, cứ rải rác ở những ngã tư vắng vẻ gần đó. Thế rồi, ông ta thì đi tìm các tài xế xe vận tải để móc nối cho chúng tôi lên xe vận tải đi tiếp đến Nam Vang.

Trong lúc chờ đợi, chúng tôi rất lo sợ vì hễ một người Miên đến hỏi chuyện mà chúng tôi không biết tiếng Miên để trả lời là bị lộ ngay lập tức. Vì thế, chúng tôi càng ẩn mình chừng nào thì càng tốt. Chúng tôi không dám lộ vẻ gì đặc biệt để khỏi bị chú ý. Riêng tôi thì dùng khăn cà ma quấn nhiều vòng để che mặt hay cột đầu, hay quấn quanh cổ để dấu khuôn mặt mình lại.

Sau một hồi lâu, người đưa đường đi về phía chúng tôi và dùng mắt ra hiệu cho chúng tôi theo sau ông ta để leo lên một chiếc xe vận tải. Các xe vận tải này đều chở gạo từ Sàigòn đến Nam Vang rồi qua Battambang.

Chúng tôi hồi hộp leo lên xe vận tải này. Sàn xe rất dơ, người và súc vật đều ngồi trên sàn xe. Chúng tôi ngồi lẫn lộn trong đám người Miên, lưng đụng lưng nhau. Ai nấy nói cười và chen lấn nhau. Xe thì chật mà số người ngồi thì đông đúc.

Chúng tôi rất lo ngại vì các người bạn đồng hành cứ tìm cách gợi chuyện với chúng tôi. Nếu nói thì không biết tiếng Miên để mà bắt chuyện. Mà nếu im lặng thì sợ họ nghi là người Việt Nam đi trốn. Xe chật chội và ngột ngạt vì mùi mồ hôi người. Người ta cứ thích chen lấn và cạ sát lưng vào chúng tôi, rồi họ xấn đến hỏi chuyện và nói cười thoải mái. Cực chẳng đã, chúng tôi cứ giả bộ nhắm mắt ngủ hay giả bộ ngu dốt để tránh những sự giao thiệp khó khăn và bất lợi.

Trong chuyến xe ấy, có một thanh niên người Việt Nam mà sau này tôi đoán hắn là lính Quân báo của Cộng Sản Việt Nam. Hắn cứ lăm lăm nhìn và quan sát chúng tôi. Chừng như thấy chúng tôi không giống người Miên nên hắn vỗ vai một người trong nhóm chúng tôi và gặn hỏi:

-Anh có phải là người Việt Nam không?

Anh bạn tôi giật nẩy mình, và vì theo quy ước là tuyệt đối không được nói năng một tiếng Việt Nam nào, nên anh đã làm thinh và giả bộ quay mặt đi chỗ khác. Hắn ta bèn quay qua tôi và giáng ngay một chưởng:

-Nếu các anh đi vượt biên thì phải coi chừng. Ở đây có lính Quân báo của Việt Nam nhiều lắm!

Tôi hoảng hồn nhưng cố giữ vẻ thản nhiên và im lặng. Không hiểu xuất xứ của hắn ra sao vì hắn dám nói tiếng Việt công khai giữa đất Miên mà không sợ hãi gì cả. Tôi đoán hắn có thể là một bộ đội Việt Nam được về phép hay cũng có thể hắn là công nhân viên của nhà nước Việt Nam mà được biệt phái sang làm việc ở đất Miên. Tựu trung, hắn không thể là bạn của mình được. Chúng tôi rất lo sợ nhưng vẫn im lặng, không hé ra một tiếng Việt Nam nào.

Trong suốt lộ trình từ Hố Lương đi Nam Vang, chúng tôi lo sợ vô cùng, lòng chỉ mong cho chóng đến nơi để tìm cách thoát khỏi sợ dòm ngó của anh chàng người Việt tò mò ấy.

Chừng 12:00 giờ trưa, xe đến Nam Vang nên chúng tôi xuống xe từ ngoài thành phố để nối đuôi nhau đi vào thành phố Nam Vang. Chúng tôi cũng đã đi ngang qua những trạm gác của lực lượng lính hỗn hợp Việt Miên mà lòng thì hồi hộp và bất an.

Sau cùng, chúng tôi đi rải rác theo nhau vào một ngôi chợ ở Nam Vang để ăn trưa. Trong lúc chúng tôi đang tụ họp ăn uống thì anh thanh niên Việt Nam hồi nãy từ đâu đi tới, hắn vỗ vai tôi và nói:

-Những người vượt biên qua đây bị lính quân báo bắt nhiều lắm!

Hắn gằn giọng từng tiếng một. Mỗi câu nói của hắn dường như những mũi tên găm sâu và trái tim bồi hồi của chúng tôi. Sau đó, hắn bỏ đi. Ngay lập tức, tôi vội vàng chạy tới phiá người đưa đường để trình bày mọi việc và cũng để kiếm cách đào thoát. Ông dẫn đường cũng tái mặt vì sợ hãi.

Thế là chúng tôi vạch kế hoạch để lẩn trốn, phân tán mỏng và đánh lạc hướng nhóm lính quân báo ấy, nếu có. Ngay sau đó, người dẫn đường đứng lên, ra dấu bằng mắt để chúng tôi bám đuôi nhau đi lần lượt ra phiá cửa chính của chợ. Chúng tôi đứng lấp ló để chờ đợi ông ta hành động.

Khoảng mười lăm phút sau, khi ông dẫn đường thuê xe đạp thồ xong, ông ta trở lại ra dấu cho chúng tôi leo lên sáu chiếc xe đạp thồ để đi. Như đã thỏa thuận trước, những người Miên đi xe thồ chờ chúng tôi leo lên xe là họ phóng xe đi như bay.

Dọc đường họ cứ tưởng chúng tôi là người Miên nên nói liên tiếp và đấu hót tưng bừng. Riêng chúng tôi thì cứ ú ớ như người câm. Chúng tôi sợ phát rét trong khi ấy, cơn nắng và nóng của bầu trời Nam Vang thật dữ dội. Chỉ cần một kẻ đạp xe thồ nhiều chuyện mà muốn kiếm điểm là có thể sáu chúng tôi vào ngay trong trạm kiểm soát của lính Cộng sản Miên ngay lập tức.

Theo sự chỉ dẫn của người dẫn đường, sáu chiếc xe đạp chở chúng tôi chạy lòng vòng trên các đường phố của Nam Vang. Chúng tôi cũng chẳng còn lòng dạ nào để mà ngắm nghía và quan sát cái thủ đô đẹp đẽ của xứ Chùa Tháp này nữa.

Sau cùng, khi đến một khu nhà thật vắng vẻ ở Nam Vang, người dẫn đường ra hiệu cho chúng tôi xuống xe. Thế là cả bọn lục tục nhảy xuống xe đạp và phân tán mỏng ngay tại một ngã tư. Chúng tôi chia nhau ngồi ở ghế đá, ở vệ đường, ở gốc cây để chờ đợi. Tuy ngồi rải rác và làm bộ như không biết nhau, nhưng thần kinh chúng tôi căng thẳng, lúc nào cũng nhìn dáo dác để quan sát chung quanh.

Người dẫn đường cũng có những ưu tư và lo lắng riêng. Ông ta nghĩ rằng làm theo cách này là để tránh được sự theo dõi của lính Quân Báo Cộng Sản, và đánh lạc hướng những kẻ muốn theo dõi chúng tôi.

Đến độ ba, bốn tiếng đồng hồ sau, nhóm chúng tôi được chia ra làm hai nhóm. Mỗi nhóm ba người để đến hai trạm quen của người dẫn đường tại Nam Vang. Đó là đêm 24 tháng 4, năm 1980 , nhằm ngày thứ hai trong tuần.

Suốt trong ba ngày nằm chờ đợi tại nhà của một bà Miên gốc Việt, chúng tôi không được xuất đầu lộ diện. Bà chủ nhà phải tiếp tế đồ ăn cho chúng tôi như cơm, thức ăn, cà phê sữa đá. Xóm của bà ta qúa nhỏ nên cả xóm đồn ầm lên là bà chủ nhà chứa ba người Việt Nam.

Thế là tối hôm ấy, lúc bảy giờ tối, lính du kích ấp đã phát giác ra chúng tôi. Họ bắt chúng tôi ra trụ sở ấp. Ôi, thế là đời mình tàn rồi, sự nghiệp tiêu ma hết rồi! Chúng tôi sợ đến nỗi run rẩy như bầy cừu non trước nanh vuốt cọp dữ.

Họ hỏi chúng tôi đủ thứ, nhưng vì ngôn ngữ bất đồng nên họ không thể lấy khẩu cung để làm báo cáo mà gửi lên cấp huyện được. Họ nói lõm bõm tiếng Việt rằng:

”Dzun tâu Xiêm” (Việt Nam đi Thái).

Sau đó, họ bắt chúng tôi chờ ở đấy. Chừng mười lăm phút sau, họ trở lại và đem theo một người Bộ đội Cộng Sản người Việt, nói giọng miền Bắc. Anh bộ đội tự giới thiệu mình là một sĩ quan thiếu úy. Cho đến giờ này, tôi không hiểu có phải là phép lạ, vì tình đồng hương hay vì sự thương hại trước sự run rẩy của chúng tôi mà anh Bộ đội Việt Nam ấy nói:

-Nếu các anh đã biết lỗi thì nên quay về vì người Miên ở đây đã kết tội các anh là những người vượt biên ”Tâu Xiêm”. Tội vượt biên có thể bị bắt giam ít nhất là sáu tháng.

Nói xong, anh ta ra mệnh lệnh cho toán lính Miên (Lúc đó, Bộ đội Cộng Sản Việt Nam có uy quyền đối với lính Miên) là hãy để cho chúng tôi tự do và rồi ngày mai chúng tôi sẽ quay trở về Việt Nam.

Tuy thế, viên trưởng ban xã ấp người Miên vẫn không tha cho chúng tôi. Hắn đặt ngay chiếc ghế bố trước nhà bà Miên để canh chừng chúng tôi phòng khi chúng tôi lén lút trốn đi.

Đêm hôm ấy, chúng tôi lòng rối như tơ vò, phần thì mừng hú hồn vì được giải thoát mà không ngờ trước, phần thì trằn trọc và lo sợ vì người Miên kia nằm canh gác ngay bên ngoài. Còn người dẫn đường thì sợ hãi quá nên không dám đến liên lạc nữa. Chúng tôi qúa sức sợ vì mình đang bị giam lỏng. Dù chúng tôi bảo rằng qua Miên để thăm bà con, nhưng họ vẫn biết ngay là chúng tôi đi vượt biên nên vẫn theo dõi và dò xét.

Sáng hôm sau, chúng tôi ra chợ, đến ngồi tại quán cà phê và gặp lại người dẫn đường. Anh này ngồi ở góc bàn phía xa, anh viết tay trên bàn chữ ” Năm N”. Chúng tôi về suy nghĩ và bàn luận chắc có lẽ là điểm hẹn, nhưng mình không biết tiếng Miên thì làm sao mà đi được. Chúng tôi thắc mắc mãi mà không biết câu giải đáp. Cảnh tù giam lỏng làm cho chúng tôi thấy ngột ngạt và khổ sở.

Thình lình lúc sáu giờ chiều hôm ấy, bà Miên trở về và ra dấu cho chúng tôi trốn đi bằng cửa sau. Vừa trốn ra khỏi cửa, chúng tôi đã thấy người dẫn đường đứng sẵn và ra hiệu cho chúng tôi chạy thật lẹ. Thế là chúng tôi cắm đầu chạy thục mạng về phía anh ta.

Tới nơi, chúng tôi thấy ba người đạp xe đạp thồ đang chờ sẵn. Thế là cả ba anh em tôi nhào lên xe. Ba anh đạp xe thồ đạp thật mau. Chúng tôi lại tẩu thoát lần nữa. Đi lòng vòng một hồi lâu thì chúng tôi được chở tới một công trường bên cạnh nhà ga.

Nơi sân ga, có rất đông người Miên nằm, ngồi la liệt để chờ đợi xe lửa đến. Họ trải chiếu rồi bạ đâu nằm đó. Cũng tại đây, tôi gặp lại nhóm ba người bạn kia. Thế là sáu người lại gặp nhau. Cẩn thận một chút, chúng tôi ngồi thụp xuống, và cố gắng trà trộn trong đám người dân Miên để mong khỏi bị lộ.

Bất thình lình, người bạn tôi nhìn ra và bắt gặp một người đang lái xe Vespa Sprint vòng quanh công trường, mắt ngó dáo dác như đang tìm bắt một người nào đó. Chúng tôi đồng loạt ngó ra và hoảng hốt khi nhận ra đó chính là tên trưởng ban xã ấp người Miên đã rình rập chúng tôi. Chắc hẳn hắn đã khám phá ra rằng chúng tôi đã trốn thoát nên giờ này hắn đi tìm để bắt lại.

Nhanh như một mũi tên bắn, chúng tôi vội nằm thụp xuống và bò đi theo người dẫn đường để đào tẩu lần thứ hai. Thật giống như tình tiết éo le trong một câu chuyện mạo hiểm phiêu lưu hay phim gián điệp. Chúng tôi bò đi và phóng thật mau vào một con đường nhỏ ở gần đó rồi đi bộ rải rác hai bên vệ đường theo dấu người dẫn đường.

Cũng may, lúc đó trời vừa sập tối nên không ai để ý. Chúng tôi cứ lếch thếch đi theo người dẫn đường mãi đến khi rã rời hai đầu gối. Lúc này, ai cũng đi như lết qua khắp các nẻo đường của thành phố Nam Vang để mong đánh lạc hướng tên trưởng ban xã ấp kia. Cứ thề mà đi lòng vòng mãi gần khắp các nẻo đường.

Cuối cùng khi biết chắc chắn là người kia đã không thể theo dõi được nữa thì người dẫn đường đưa chúng tôi vào ngủ trên những sạp hàng của người Miên ở giữa chợ. Những sạp bán thịt cá ban ngày nên tối đến mùi hôi thối bay lên. Không còn có sự lựa chọn nữa nên bọn tôi đành leo lên các sạp hàng để ngủ. Đêm hôm đó thật hãi hùng, tôi thiếp đi và ngủ quên bên cạnh tiếng những con chuột tranh ăn kêu chí chóe, tiếng dế gáy và tiếng côn trùng kêu rỉ rả suốt đêm.

Sáng hôm sau, 27 tháng 4 năm 1980, chúng tôi thức dậy sớm, trước khi buổi chợ họp nhóm. Theo quy ước, chúng tôi phân tán đi lang thang trong chợ để chờ đến mười giờ sáng thì tập trung ở cổng chính của ngôi chợ này. Lại một lần nữa, chúng tôi phải trà trộn trong đám người Miên, giả dạng đi ngắm hàng hóa hoặc mua bán. Tuy vậy, chúng tôi vẫn phải đề cao cảnh giác vì mình có thể bị phát hiện bất cứ lúc nào và bị nguy hiểm bất cứ ở đâu, nếu có người nào chận lại hỏi mình vài câu tiếng Miên.

Khoảng mười giờ sáng, chúng tôi tập trung tại cổng chính của chợ để đi bộ theo người dẫn đường tới nhà ga. Khoảng 11:00 giờ trưa, chúng tôi được luồn dưới một cổng nhỏ vào ga. Có lẽ người dẫn đường đã mua bằng vé chợ đen để vào nhà ga. Đúng 12:00 giờ trưa, chúng tôi leo lên xe lửa để đi từ Nam Vang đến thành phố Battambang.

Có lẽ đến suốt đời tôi, tôi không thể nào quên được chuyến xe lửa đặc biệt và kỳ lạ như thế. Hồi còn ở Việt Nam, tôi đã từng đi nhiều chuyến xe lửa chật chội và chậm rì. Nhưng nay, tôi vẫn không thể nào tưởng tượng ra được một chiếc xe lửa nào mà đông người như cá hộp, lại còng chạy chậm hơn rùa bò như chiếc xe lửa này.

Xe lửa đông và chật đến nỗi các toa tầu phía dưới đã hết chỗ chứa, mà ở trên mui cũng đông. Hàng ngàn người ngồi san sát đến nỗi không còn một chỗ chen chân. Chúng tôi đành leo hết lên mui toa xe lửa.

Khổ thật, lần này lại phải chung đụng với người bản xứ, cơ hội bị lộ đến nữa rồi. Người ta cười đùa, nói chuyện và chửi rủa nhau. Nhiều người mua bán, trao đổi và xô đẩy nhau thật là nguy hiểm. Cũng may, với vận tốc chậm rì , độ hai mươi lăm cây số một giờ, nên xe lửa không chao đảo nhiều lắm.

Bởi thế, chúng tôi dù ngồi trên mui xe lửa, dù bị xô đẩy cũng không té được. Nhưng chỉ một sơ xuất nhỏ cũng đủ để chúng tôi rớt xuống đất, nếu không bị té chết thì cũng bị thương hay gẫy tay chân. Thật sự, trên chiếc xe lửa đi từ Nam Vang đến Battambang, tôi thấy đã có nhiều người sơ xuất và lọt chân rớt xuống hai vệ đường. Tôi không được biết số phận những người đó ra sao, nhưng chắc chắn là họ bị thương nặng vì té từ trên cao xuống đất trong khi xe lửa vẫn di chuyển.

Lúc ấy trời nóng như lửa cháy, lại bị những người khách trên xe lửa xô lấn nên người dẫn đường đã ngồi xa chúng tôi, vì thế mà chúng tôi không còn liên lạc được với anh ta nữa. Khổ thay, trong túi chúng tôi lại không có một đồng nào để mua nước hay thức ăn khi tàu lửa ngừng lại ở các ga trên lộ trình.

Từ lúc rời Nam Vang vào buổi trưa đến lúc tới Battambang là vào trưa hôm sau, chúng tôi đành nhịn đói và nhịn khát nên ai cũng mệt lả, người thì khô cứng ra. Người dẫn đường không hề tiếp tế lương thực hay nước uống, còn chúng tôi thì sợ lộ tông tích nên không dám xin xỏ những người ngồi chung quanh mình.

Cuối cùng vì quá khát nên tôi đánh bạo vỗ vai một thanh niên Miên bên cạnh và chỉ vào bình nước của anh ta. May mắn thật, anh ta vui vẻ gật đầu. Thế là tôi vội vàng cầm lấy bình nước tu ừng ực.

Đêm hôm ấy, xe lửa ngừng ở Pursak nên chúng tôi tạm ngủ ở vệ đường khoảng vài tiếng đồng hồ. Chúng tôi cũng không được ăn uống gì cả. Sáng hôm sau, khoảng năm giờ sáng, chúng tôi lại leo lên xe lửa để đi tiếp. Xe chạy mãi đến khoảng một giờ trưa thì đến Battambang. Thật là một chuyến xe lửa qúa hãi hùng để rồi mãi mãi tôi sẽ không thể nào quên được cái kinh nghiệm đau khổ ấy.

Từ Battambang, người dẫn đường thuê những chiếc xe lôi để chở chúng tôi tới Sway và Sisophon. Trước khi lên xe đi Sisophon, thì người dẫn đường dẫn chúng tôi đi ăn uống để lấy lại sức khỏe và phục hồi tinh thần sau một ngày và một đêm nhịn đói và khát.

Anh ta còn mua ba chiếc xe đạp cho chúng tôi. Lúc ấy, chúng tôi mới lấy lại tư thế thăng bằng về mặt tinh thần. Thế nhưng từ đây trở đi, vì là gần biên giới nên đường đi khá gay go. Người dẫn đường đã báo động rằng gần đây, vì tình hình biên giới sôi động nên quân lính đóng ở đây rất đông, vì thế tình trạng rất nguy hiểm.

Khoảng sáu giờ chiều hôm ấy, chúng tôi qua trạm Cầu Sắt để đi vào thành phố Sisophon. Tại trại này, lính Bộ đội Việt Nam canh gác rất cẩn thận. Vì thế, chúng tôi phải trà trộn trong đám dân đi qua lại để băng qua cầu này.

Chúng tôi chia ra nhiều tốp, mỗi tốp gồm hai người chở nhau trên một chiếc xe đạp. Bọn chúng tôi phải cố trấn tĩnh và cảnh giác tối đa để có đủ can đảm mà đi qua cầu này. Tôi và Sơn chở nhau đi qua trót lọt. Sau đó, Phước và Đông cũng trót lọt. Nhưng chiếc xe thứ ba gồm có hai bạn Đức và Hải, vì còn trẻ tuổi và khuôn mặt trắng trẻo nên họ vừa tới cầu thì bị lính Cộng Sản phát hiện và chận bắt ngay lập tức.

Lính Cộng Sản Việt Nam ở Cầu Sắt này nổi tiếng là kiểm soát chặt chẽ. Tội nghiệp cho hai người bạn bất hạnh của tôi. Sau này tôi được biết là Đức và Hải bị bắt giam sáu tháng tại Miên rồi sau đó bị chở về Việt Nam để bị tù tiếp ở khám Chí Hòa. Số mệnh thật đáng sợ. Cuộc đời thật ghê gớm và khủng khiếp qúa. Sáu người cùng đi chung mà hai người đã bị bắt, chỉ còn lại bốn người.

Sau khi biết hai người bạn đồng hành của mình bị bắt, chúng tôi đau đớn, bàng hoàng và thương xót cho nỗi bất hạnh lớn lao của bạn mình. Cuộc hành trình tìm tự do đã gần đạt đến đích, thế mà họ mãi mãi chịu số phận long đong, trở nên những tù nhân ngay trên xứ người và chính quê hương của mình. Định mệnh thật là khắt khe vì số họ chịu sự khốn khổ và kiếp lưu đày.

Nỗi bất ổn đè nặng tâm tư của chúng tôi nhiều hơn. Chúng tôi biết mình có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Thêm vào đó, cái không khí chiến tranh sôi động của một tỉnh biên giới thật căng thẳng đến phát sợ. Đêm hôm ấy, chúng tôi ngủ đêm tại vùng Sway-Sisophon, nằm trên một vỉa hè đường, nằm ngủ trà trộn với dân địa phương đi buôn.

Sáng hôm sau, khoảng sáu giờ sáng ngày 29 tháng 4, năm 1980, chúng tôi bắt đầu lên đường qua biên giới. Trời mờ sáng nên ít người qua lại. Vì sơ ý đi quá sớm nên chúng tôi đã bị một người bộ đội Miên chận bắt. Thế là bốn chúng tôi và người dẫn đường mạnh ai nấy chạy trốn. Tôi cũng cắm đầu chạy thục mạng vào một ngã tư gần đấy, lòng bâng khuâng không biết số phận bạn mình ra sao.

Chờ đến sáng tỏ rồi tôi mới lò mò đi thì chỉ gặp người dẫn đường và một bạn trong nhóm. Anh dẫn đường giao cho tôi một chiếc xe đạp và bạn tôi một chiếc nữa. Tâm hồn chúng tôi bối rối và căng thẳng. Tình thế thật là nguy hiểm: Đi sáu người rồi còn bốn, đang bốn người nay lại còn có hai. Chúng tôi đi xe đạp về phía đường mòn để hướng về biên giới.

Khoảng 11:00 giờ trưa, chúng tôi bị toán lính Bộ đội Việt Nam chận bắt. Cả ba người: hai chúng tôi và người dẫn đường đều bị hành hạ và đe dọa đủ điều nhưng chúng tôi không chịu khai điều gì khác những gì mà họ thấy. Họ lục xét và cướp hết số vàng bạc và tiền trong người chúng tôi.

Thấy số vàng khá nhiều nên họ thả cho chúng tôi đi tiếp. Lại có một phép lạ xảy ra vì tại đây, chính mắt tôi thấy bọn ho đã bắt những người vượt biên người Việt Nam, rồi trói ké lại thật chặt như những con heo để giải họ về giam giữ ở Việt Nam. Nhìn thấy các nạn nhân trông thương tâm và đáng tội nghiệp. Thế mà bọn họ lại thả chúng tôi đi. Đúng là một phép lạ của Thượng Đế!

Sau đó, người dẫn đường vội vàng dắt hai chúng tôi vào một trạm nhà sàn ở bìa rừng gần đó. Ông ta cho tôi và Phước ăn cơm và nghỉ trưa tại nhà này. Còn ông ta đi ngược về Sway-Sisophon để kiếm hai người bạn tôi đã thất lạc trong lúc chạy tán loạn, không biết bây giờ họ ở nơi đâu.

Mãi đến ba giờ chiều hôm ấy, ông ta tới và đem theo hai người bạn đã bị thất lạc. Chúng tôi bồi hồi và sung sướng gặp lại nhau. Thật không còn nỗi mừng nào to lớn hơn. Tinh thần chúng tôi cũng lên cao hơn vì nghĩ mình có một người dẫn đường đáng tin cậy và vì tái ngộ với hai bạn tưởng đã mất đi.

Kể từ đây, theo lời ông đưa đuờng thì con đường dẫn tới Thái Lan không còn bao xa. Nếu tính theo đường chim bay thì còn cỡ hai mươi lăm hay ba mươi cây số nữa. Nhưng có hai phương cách để đi đến đích. Cách thứ nhất là đi theo đường đi buôn của dân Miên. Họ đi từng tốp xe đạp để chở hàng hoá về. Họ đi con đường thẳng, đến ngã ba thì quẹo trái để ra đường qua biên giới Thái Lan.

Nếy muốn đi lối này thì gặp rất nhiều trạm kiểm soát của Bộ đội Việt Nam cũng như Bộ đội Cộng sản Miên. Những người lính canh gác ở đây rất dữ dằn và canh gác nghiêm nhặt vì đây là những trạm gác cuối cùng để đi đến biên giới và cũng là những trạm gác địa đầu nếu từ biên giới Thái trở về Cambodia. Nếu đi vượt biên lối này thì rất khó thoát vì chính mắt tôi đã thấy rất nhiều người Việt Nam bị bắt hôm nay.

Cách thứ hai là đi tắt vào đường rừng để đến biên giới. Nhưng đi trong đường rừng rất khó mà định phương hướng. Ngoài ra ta sẽ gặp mìn, hay không thể kiếm mua lương thực và nước uống, như vậy có thể đói và chết bỏ xác dọc đường.

Sau khi bàn tính để so sánh lợi hại giữa hai cách đi, chúng tôi liền nhớ lại cảnh hai người bạn bị bắt hôm trước vì đi qua các trạm kiểm soát. Với phương cách giả dạng dân Miên đi buôn, chúng tôi không tin rằng mình có thể đi trót lọt qua nhiều trạm kiểm soát gắt gao của vùng địa đầu biên giới này.

Tính tới hôm nay, chúng tôi đã trải qua mười ngày đường đầy gian khổ và hiểm nguy. Chúng tôi đã qúa mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể xác: ăn uống thất thường, nằm bờ ngủ bụi. Thần kinh của chúng tôi đã căng thẳng đến mức tột cùng. Không một giây phút nào mà không phải lo âu và suy nghĩ. Sự đau khổ và nỗi hãi hùng cứ chồng chất thêm vào bước chân đi tới.

Lính Cộng Sản Việt Nam giăng lưới bủa vây khắp nơi. Chúng tôi khiếp hãi đến tột độ. Thôi! thà ráng chọn lối đi vào rừng, dù cho nó có dài hơn và khổ hơn nhưng vẫn tốt hơn là cứ phải đối diện với kẻ thù và không biết họ sẽ bắt mình lúc nào nữa. Do đó chúng tôi đều chọn lối đi vào rừng, dù có thể đạp mìn, có thể đói khát vì thiếu luơng thực và nước uống.

Sau khi nghỉ trưa ở trạm bên bìa rừng, vào khoảng 4:00 giờ chiều ngày 29 tháng 4, năm 1980, chúng tôi bắt đầu đi bộ tắt vào đường rừng, băng qua núi theo sự hướng dẫn của một thổ dân ở đó để tránh khỏi đạp những ổ mìn của tất cả các phe phái chính trị.

Đêm hôm ấy, chúng tôi ngủ tạm ở trong rừng biên giới. Ánh trăng sáng vằng vặc làm không khí khu rừng đỡ buồn tẻ. Chúng tôi vẫn lo sợ và cảnh giác tối đa.

Sáng hôm sau, vào đúng ngày 30 tháng 4 năm 1980, đúng 5 năm,sau khi Cộng Sản Việt Nam chiếm miền Nam Việt Nam, và cũng là ngày Quốc Hận, chúng tôi đã dậy thật sớm và bắt đầu đi băng qua đường rừng. Suốt ngày hôm ấy, chúng tôi chịu cảnh đói khát. Tay chân mỏi rã rời. Nắng cứ quái ác rót đổ trên đầu làm mồ hôi chúng tôi toát ra như tắm.

Nhưng nhất định phải cố mà đi, nếu sơ hở một chút thì chúng tôi lại có thể bị bắt ngay hay bị đạp mìn mà chết banh xác trong rừng biên giới. Sự nguy hiểm đã và đang rình rập chúng tôi trên từng bước. Con đường rừng trải dài trước mắt và chúng tôi cứ lầm lũi quyết chí tiến lên.

Sau cùng, chúng tôi cũng đã lần mò đến được con đường mòn của dân đi buôn lậu. Tới đây, người dẫn đường cười hớn hở và quay lại nói với chúng tôi rằng:

-Tới đây, các anh đã thoát khỏi tầm hoạt động của Cộng Sản Việt Nam rồi. Bắt đầu từ đây, các anh có thể gặp lính Miên của Lon Nol, Sihanouk, Son Sann hay lính Khmer Đỏ của Pol Pot. Họ có thể bắt các anh để tra hỏi và cướp của. Các anh đừng trốn tránh và cứ để cho họ bắt. Cuối cùng, họ cũng giao các anh cho người Mỹ!

Chúng tôi mừng rỡ vì đã thoát khỏi vùng kiểm soát của Bộ đội Việt nam. Thế là chúng tôi lại tiếp tục đi mãi trên con đường mòn biên giới. Người dẫn đường dặn dò chúng tôi:

-Các anh cứ đi thẳng theo đường xe bò này là tới trại tị nạn!

Rồi sau đó, anh ta bỏ rơi chúng tôi ở dọc đường. Kể từ 5:00 giờ sáng khởi sự đi trên đường mòn, chúng tôi gặp rất nhiều dân Miên đi buôn bằng xe đạp. Họ nói cười và đùa giỡn rất vui vẻ. Còn chúng tôi thì đã qúa mỏi chân và mệt nhoài. Thử đánh bạo, chúng tôi ngoắc họ lại để xin đi qúa giang nhưng tất cả đều lắc đầu từ chối. Chán nản cùng cực, chúng tôi lại tiếp tục đi bộ tiếp.

Bất ngờ, chúng tôi bị ba người lính Miên chặn lại. Những nhóm lính này không mặc quân phục giống Bộ đội Cộng sản Miên hay Bộ đội Cộng Sản Việt Nam, mà họ lại mặc quân phục rằn ri như lính nhảy dù của VNCH ngày xưa. Chúng tôi đoán đây là lực lượng kháng chiến của Lon Nol hay Sihanouk.

Đám lính này tra xét và khi biết chúng tôi là người Việt Nam thì họ cười đùa thích thú, rồi họ ra lệnh cho chúng tôi đi theo họ vào sâu trong rừng, xa khỏi đường mòn. Tại đây, họ chỉa súng vào người chúng tôi và nhanh như chớp, họ bắt chúng tôi lột trần như nhộng để họ khám xét mọi chỗ trong cơ thể và hành lý để cướp của. Sau đó, họ lại cho chúng tôi đi tiếp.

Trên suốt con đường mòn trong rừng biên giới, chúng tôi đã bị chận xét và lục soát để lấy của đến mấy chục lần, bởi hết toán lính này đến toán lính khác. Cuối cùng, chúng tôi chẳng còn một thứ hành trang nào khác, ngoài bộ quần áo đen mặc trên người.

Tiền hết, cơn đói rã rời, cơn khát cháy cổ, tất cả những lo âu và bận tâm ấy làm chúng tôi mệt đến muốn ngất xỉu. Chúng tôi bèn hỏi những người dân Miên đi buôn rằng bao giờ tới Thái Lan. Ai cũng trả lời còn năm hay mười cây số nữa thôi. Tuy nhiên, lần nào hỏi cũng chỉ nghe năm hay mười cây số. Chúng tôi tưởng chừng muốn điên lên vì qúa sức khổ và đói khát.

Trời cực nóng, nắng sôi đổ lửa trên đầu, con đường mòn như cứ kéo dài ra. Rồi cuối cùng, chúng tôi cũng đã lần mò và tìm đến gặp một đồn lính của lực lượng Para vào khoảng lúc trời nhá nhem tối, độ 6:30 giờ chiều.

Tôi tưởng rằng mình sắp đến trại tị nạn rồi nên mừng rỡ. Thế là từ đây sẽ không còn ai dám làm gì hại được chúng tôi nữa rồi. Một ngày qua đi với hơn năm mươi cây số lội bộ đường rừng, với cơn đói và khát khô cổ.

Chúng tôi đã băng qua một khu rừng đầy những quân lính của bao nhiêu phe phái, nghe nhiều tiếng súng nổ, vượt khỏi những bãi mìn giăng đầy. May là chúng tôi có người dẫn đường chỉ dẫn cho đi vào con đường mòn. Chứ nếu không, có thể chúng tôi đã chết banh xác vì đạp nhằm mìn từ lúc đi băng rừng rồi.

Thoạt đầu, chúng tôi tưởng mình sẽ được thoải mái khi được ở đồn Para vì chúng tôi đã thoát khỏi tay lính Việt Cộng. Nhưng rồi, qua kinh nghiệm, chúng tôi thấy bọn Para cũng độc ác và nguy hiểm không kém.

Bọn này không để cho chúng tôi yên, chúng cứ thay phiên nhau lục xét để cướp của. Thậm chí vào ban đêm, chúng cũng rọi đèn pin vào mặt rồi dựng đầu chúng tôi dậy đi, bất chấp cả khi chúng tôi đang ngủ ngon lành.

Chúng tôi ở tại đồn Para trong hai đêm. Đến ngày 2 tháng 5, năm 1980, lúc 9:00 giờ sáng, thình lình hai phe Para và Pol Pot đụng độ nên bắn nhau đữ đội, đạn bay vù vù trên đầu. Chúng tôi qúa sức hoảng sợ nên nhất loạt nằm cúi rạp xuống đất để tránh tầm đạn.

Lúc này, bọn Para đã hoàn toàn ở vào tư thế ứng chiến. Chúng vội vàng đeo bùa vào cổ, vào tai và tay. Bùa màu đỏ, đeo tòn ten trên người nên trông chúng còn dữ dằn hơn lúc bình thường. Nhóm Para này núp vào các bụi cây để bắn trả nhóm lính Pol Pot một cách quyết liệt. Bọn họ nằm cách chúng tôi chỉ có vài chục thước. Còn chúng tôi thì không có một tấc sắt trên tay, chỉ biết nằm úp mặt xuống đất, mặc cho định mệnh an bài.

Sau khoảng nửa giờ giao tranh, hai phe im tiếng súng. Trưa hôm đó, nhóm Para đưa bốn chúng tôi đến trại Non Samet, tức là trại 007.

Trại Tị Nạn Non Samet

Chúng tôi ở trại này trong sự băn khoăn chờ đợi vì không biết số phận mình sẽ được định đoạt như thế nào. Trong lúc ấy, nhóm lính Para ở trại này vẫn lại tiếp tục lục xét. Cái trò lục xét và bắt nạn nhân cởi quần áo và chổng mông cho họ móc trong hậu môn đã làm cho chúng tôi chán ghét và cảm thấy tủi nhục thêm vì thấy thân phận mình còn thua một con chó. Họ muốn hành hung và hạ nhục mình lúc nào cũng được.

Trong thời gian này, tôi lân la bắt chuyện với một người lính Para và được biết trại này chỉ cách ranh giới Thái Lan có mười cây số. Tôi nghĩ thầm:

-Nếu đi mười cây số thì chỉ mất có hai tiếng đồng hồ là cùng. Mình phải đi thôi, nếu không thì cứ phải chịu đựng cái cảnh chờ đợi mỏi mòn và chịu nhục vì bị họ lục soát mãi.

Tôi bèn bàn luận với ba người bạn và rủ họ cùng trốn qua đất Thái Lan. Nhưng ba người bạn tôi lắc đầu từ chối nên tôi phải trốn đi một mình với hai bàn tay trắng. Tôi nhắm hướng theo lời chỉ dẫn của tên lính Miên để đến Thái Lan.

Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, khi đã vào trong một cánh rừng nọ, thình lình tôi gặp một nhóm lính khác, mặc sắc phục khác hẳn nhóm lính Miên ở đây. Có lẽ họ là lính Thủy Quân Lục Chiến của Thái Lan vì họ mặc quần áo rằn ri, có nón sắt và đi xe thiết giáp.

Tôi sung sướng qúa vì giây phút chờ đợi từ lâu nay đã đến. Tôi mừng rỡ chạy lại phía họ vì nghĩ rằng họ sẽ đón tiếp tôi vì tôi là người tị nạn Cộng Sản để tìm tự do. Nhưng hỡi ơi! Năm người lính Thái, với vẻ mặt hung dữ đã chiả súng vào tôi và ra lệnh cho tôi đứng yên để họ lục xét.

Có lẽ họ ngỡ tôi là dân Miên, muốn vượt biên giới để trốn qua Thái, nên họ ra lệnh cho tôi hãy trở về phiá biên giới Cambodia. Thất vọng qúa nên tôi rút giấy tờ tùy thân mà tôi vẫn giữ ở trong bóp ra để chứng minh thân thế của tôi là người Việt nam đi tị nạn Cộng Sản.

Cuối cùng, viên xếp của lính Thái lắc đầu và tiếp tục đuổi tôi về lại biên giới. Tôi đau đớn và bàng hoàng vì đã phải trải qua mười lăm ngày đường vất vả hiểm nguy, đã bỏ tất cả sự nghiệp, xa lìa cha mẹ anh em, hy sinh chính mạng sống mình để đi tìm tự do. Không ngờ khi đã đến bến bờ tự do, tôi lại bị bạc đãi và bị đuổi một cách nhục nhã. Nhưng nếu không trở về thì làm sao đây? Mà nếu liều vượt biên giới thì lính cũng sẽ bắn chết.

Thành ra, tôi buồn tủi, đau đớn, chua xót và ngậm ngùi mà phải trở lui, đi ngược về phía làng Para. Về lại chốn cũ trong mệt mỏi rã rời, tôi gặp lại ba người bạn đồng hành. May mắn là bọn lính Para không hề hay biết gì về cuộc đào thoát tới Thái của tôi. Nếu họ biết thì chết. Họ có thể hành quyết tôi ngay mà không suy nghĩ.

Thế rồi chúng tôi đành sống tiếp tục ở trại Non Samet cho đến hôm sau, vào ngày 4 tháng 5, 1980, thì một chiếc xe của hội HTTQT đến trại. Có một người Âu Châu đứng tuổi đến để lãnh dân tị nạn đến trại tị nạn.

Sau đó, chúng tôi được kêu lên phòng làm việc của viên Para chỉ huy để làm thủ tục giấy tờ, rời nơi đó mà đến trại tị nạn. Tại văn phòng của viên chỉ huy Para, tôi gặp một tốp người Việt Nam ở đó. Nhóm này gần mười người, gồm các gia đình khác nhau. Họ dường như vất vả và cực khổ hơn chúng tôi nhiều.

Chúng tôi là bốn thanh niên nên chỉ bị khám xét, lột lấy vàng bạc. Tuy tinh thần chúng tôi mệt mỏi, nhưng chúng tôi vẫn còn lành lặn. Nhóm người tị nạn Việt kia thì tội nghiệp hơn. Có ba người đàn ông trong nhóm thì một người da bị cháy nám, một ông già hơn thì không còn đi được nhưng chỉ lết mà thôi. Ba người phụ nữ trong nhóm thì da mặt đều cháy nám đen, vẻ mặt mệt mỏi và hằn đầy nét tủi nhục.

Theo lời những người đàn ông kể lại thì ba người phụ nữ này khi ở tiền đồn Para đã bị bọn lính Para làm nhục rất nhiều lần. Họ bị hãm hiếp tập thể và còn bị chúng hành hạ đớn đau. Tôi nghe mà chỉ biết đau đớn, ngậm ngùi và thương xót cho họ chứ còn biết làm gì hơn?

Trong đám người đến sau này, tôi thấy ông già bị liệt chân vì cuộc đi bộ triền miên, cứ ngồi tỉ tê khóc mãi. Tiếng khóc thổn thức làm cho người nghe phải cảm thương và xót xa cho thân phận ông. Khi hỏi ra thì mới rõ rằng ông ta đi với một con trai nhỏ và một con gái. Nhưng khi ông ta đến nơi thì chỉ còn hai cha con, còn con trai nhỏ của ông đã bị thất lạc, có thể đã bỏ xác trong rừng rồi.

Cạnh đó là một gia đình khác gồm người mẹ trên bốn mươi tuổi đi cùng ba con nhỏ. Bà L. này đến nơi thì gửi thư về Việt Nam cho chồng và hai con còn lại để họ đi sau. Vài tuần lễ sau, chỉ có hai con của bà được hội HTTQT đem vào trại ti nạn. Còn chồng bà L. thì biệt tin tức, chắc chắn ông ta đã bị giết chết hay bỏ xác trong rừng biên giới rồi. Thật đau khổ khi người cha thì mất tích, còn hai người con bơ vơ đến được trại tị nạn gặp lại mẹ.

Còn nhiều trường hợp như hoàn cảnh của anh L., anh đến bến bờ tự do cùng với đứa con ba tuổi. Còn vợ và đứa con một tuổi của anh đã bị lính Cộng Sản bắn chết ở Battambang, trên con đường vượt thoát.

Kết Luận.

Ngày 4 tháng 5, năm 1980, lúc 4:15 giờ chiều, sau mười lăm ngày dài cực khổ và hiểm nguy, chúng tôi đã được hội HTTQT đón và đưa về trại tị nạn NW 9. thoát nạn khỏi bàn tay của lính Para, một nhóm người chuyên sống bằng luật rừng xanh.

Sau khi ở trại NW 9, tôi được tới trại Pananikhom, rồi qua trại Bataan trước khi định cư ở Mỹ quốc.”

Trần Chí Thành

October 22, 2008

Tên từ trái qua phải
Hàng 1 : Hồng (nhỏ), Quang, Bà An, Thành (em cô Oanh ở chung với Linh) ,
Chiến, Lâm (họa sĩ) ???, Hoàng, somene???
Hàng 2: Huân, so???, A Muối (em cô Chen), so ??? , Phong

Có thể hình này chụp lúc mới tới RedHill
Thời gian vừa chạy từ Phnon Chat ra không
có tấm bạt Xanh này, và lúc đó cũng chưa
có thì giờ để dựng lều như vậy.

Nong Samet thì có nhà đã dựng sẵn

Thành

October 21, 2008

Nhu vay la tam hinh nay chup ngay talup, luc chay loan tu Phnomchat qua
Thailand do ha! Truoc khi chay loan ve Red Hill?
Chac la nhu vay....
Oh, quy hoa qua! Nguoi anh em nao post tam hinh nay vay? XIn cho biet
ten voi, con hinh nao nhu vay nua khong?
That la quy qua
Hinh nay hinh nhu khong phai o NongSamet. Nhung nguoi trong hinh toi tu
Phnomchat (co A muoi, ba An, Tuan con). Duong nhu la hinh chup o Red
Hill (chi co Red Hill co leu xanh nhu vay)
AI viet chu nan not dep qua vay? Hinh nay qua la tuyet voi... Hiem quy
Cam on ban nao da goi nhe.

Photo of Vietnamese Refugees at Nong Samet, 1983

The photographer is Patrick Chauvel, and the photo is dated April 10, 1983. The caption reads “at Nongsa Camp”, but I suspect that it was Nong Samet and the photographer misunderstood the name.

 

Recognize anyone here?

 

October 17, 2008

Dongrek


Goi tang cac ban.
Nhan ra ai trong tam hinh nay khong? XIn cho biet ten voi nhe

October 12, 2008

Hướng Đạo ở Dongrek & Site II - 13






October 03, 2008

Hồi Ký Của Ông Lê Tấn Lý - Trại Tị Nạn Nw 9

Trại Tị Nạn Nw 9

Đoàn sáu trăm người này do anh Vinh làm đại diện gọi là trại B. Khi đến trại NW 9 thì ở nơi đó chỉ là một rừng cây, có rải rác vài tấm lều ni lông xanh của lính Thái canh gác. Tại đó có ba trăm người tị nạn vừa ở Non Samet đến vào ba ngày trước. Đoàn ba trăm người này gọi là trại A, do anh PNB làm trưởng trại. Anh B. là cựu trung úy, rất giỏi Anh văn.

Khi chúng tôi đến nơi thì được anh B. và ba trăm người tị nạn đến trước ra chào đón. Họ cũng đã cất một số lều, nấu cơm nóng và cá hộp để đón chúng tôi. Sau đó, cứ mỗi ba người lại được phát một tấm vải ni lông màu xanh để trải ra ngủ tạm trên đất đầy cỏ và cây cối. Cũng đêm ấy, một con rắn bò qua tay cô Oanh. Cô này hốt hoảng la hét lên, thế là cả trại cũng hốt hoảng hét to theo.

Lúc đầu, ông George Verheil, nhân viên hội HTTQT đã chuyển lời của viên đại úy TháiLan có tên là Viroj để dằn mặt chúng tôi:

“Các bạn được ở tạm đây và được coi như là những người nhập cư bất hợp pháp. Cuộc sống của các bạn sẽ không có ai bảo đảm. Các bạn không được đi ra khỏi giao thông hào chống chiến xa ở trước trại, cũng không được đi ra khỏi vòng dây giới hạn làm vòng rào. Nếu ai cãi lệnh sẽ bị xử bắn ngay.”

Các binh lính Thái Lan thì đóng rải rác ngay chung quanh trại này. Từ tháng 4 năm 1980 đến tháng 6, năm 1980, không có phái đoàn nào tiếp đón chúng tôi. Đến tháng 6 năm 1980, viên đại úy Thái là Viroj cho biết là nếu đến ngày 31 tháng 7, năm 1980 mà không có phái đoàn nước nào nhận chúng tôi thì tất cả mọi người sẽ bị đuổi về lại biên giới Thái và Cambodia, chứ không được ở nơi đây nữa.

Ban đại diện và các thân hào, nhân sĩ bèn họp nhau quy tụ những người giỏi sinh ngữ để viết thư cho ba mươi bốn nơi trên thế giới để xin cầu cứu. Chúng tôi viết thư đến các chính quyền Thái Lan, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp và Anh, kể cả việc việt thư cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II ở La Mã, Ý và Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng.

Sau đó, chúng tôi họp tất cả khoảng ba ngàn người tị nạn trong trại NW 9, đọc cho họ nghe và xin thêm ý kiến. Rồi chúng tôi nhờ nhân viên hội HTTQT là ông Leon de Riedmatten chuyển thư đi.

Vì tuyệt vọng và lo sợ bị trả về biên giới rồi sẽ bị nhóm lính Para, Pol Pot hay Việt cộng bắn giết, hãm hiếp và bỏ tù, nên một số chúng tôi trong ban đại diện đã bàn với nhau để thống nhất một kế hoạch chung, chuẩn bị nếu người tị nạn bị trả về vùng biên giới sôi động.

(Lúc ấy, các người đàn ông và thanh niên chúng tôi sẽ trở về đầu quân cho cho quân Kháng Chiến chống Cộng Sản của người Cambodia. Sau khi được phát súng để chiến đấu, chúng tôi sẽ tìm đường vượt biên giới Thái, đi về hướng đông nam của đất Thái, lấy tàu bè của của dân Thái để vượt biển lần nữa đi đến Mã Lai hay Singapore. Lý do là vì lúc ấy đâu còn tiền để mua thuyền được. Có thể vào giờ cuối, chính quyền Thái vì lý do nhân đạo sẽ chỉ cứu vớt những gia đình có con nhỏ. Còn đám đàn ông, thanh niên như chúng tôi thì luôn chịu sự thiệt thòi.)

Sau đó một tháng thì có một phái đoàn của vị thứ trưởng bộ Ngoại Giao Mỹ đến thăm trại chúng tôi. Tất cả dân tị nạn trại NW 9 mừng rỡ vô cùng vì nghĩ rằng trại sắp được giải quyết. Khoảng hai tuần lễ sau thì có một danh sách gồm một trăm bốn mươi mốt người được phái đoàn Mỹ chấp nhận cho rời NW 9 để đến trại Panatnikhom ở sâu trong nội địa Thái, gần Bangkok.

Vào giờ chót, chính quyền Thái Lan gạt ra một số người để buộc họ ở lại, chỉ còn hơn một trăm người được tiếp tục đi. Trong số người bị gạt lại đó có tên ba cha con tôi vì chúng tôi không có trẻ con và phụ nữ.

Khi chúng tôi đến trại NW 9 thì nhân số vào khoảng chín trăm người. Nhưng khi chúng tôi rời trại thì nhân số lên đến ba ngàn người. Dân tị nạn đến rải rác hàng ngày và đều do xe của hội HTTQT chở đến từ các trại thuộc quyền kiểm soát của Para và Pol Pot. Mỗi ngày người tị nạn đến chừng vài ba chục người. Lúc ấy có tôi, ông C. và anh H. làm giấy tờ lý lịch (Tracing cards) cho những người mới đến.

Sau khi bị gạt tên trong danh sách, mãi đến hai tháng sau, gia đình tôi mới được đi tới trại Panatnikhom. Chúng tôi còn phải qua trại Galang ở Indonesia cho đến ngày 10 tháng 7, năm 1981 mới được đặt chân lên Oakland, San Francisco thuộc tiểu bang California.”

October 01, 2008

Hướng Đạo ở Dongrek & Site II - 12





September 26, 2008

Hồi Ký Của Ông Lê Tấn Lý - Phần 1

Cuộc Hành Trình Vượt Biên Bằng Đường Bộ Từ Việt Nam Qua Thái Lan.

Ông Lê tấn Lý vượt biên bằng đường bộ cùng với hai con trai. Ông cùng hai con đến trại Non Chan, sau đó qua trại NW 9,rồi trại Panatnikhom và một vài trại khác trước khi đến Hoa Kỳ vào tháng 7, năm 1981.

Ba cha con tôi ra đi từ Sàigòn vào ngày 2 tháng 4, năm 1980. Mỗi đầu người phải trả bốn lạng vàng cho ban tổ chức. Tôi bắt liên lạc với đoàn xe vận tải chuyên chở gạo từ Sàigòn đến Battambang ở Cambodia.

Tổ chức này làm giấy giả cho tôi để giả dạng làm lơ xe và phu khuân vác gạo. Đoàn xe này khi rời Sàigòn đến Nam Vang thì có mười lăm chiếc. Nhưng từ Nam Vang đến Battambang thì chỉ có ba chiếc xe thôi. Vì thế, con đường đi của chúng tôi rất gian nan và nguy hiểm. Lý do chính là nếu đi mười lăm chiếc thì dễ trà trộn hơn là chỉ có ba chiếc thôi.

Khi tới Nam Vang thì xe vận tải đậu ở ngoại ô thành phố. Chúng tôi ở tại đây được hai ngày. Sau đó thì đi Battambang. Tới Battambang, chúng tôi sợ luôn những người tổ chức trong đoàn xe vận tải ấy. Lý do vì họ không phải là người nhận tiền của chúng tôi.

Người nhận tiền vì lý do nào đó đã kẹt ở Sàigòn, nên anh ta giao chúng tôi cho một nhóm người khác để họ đưa chúng tôi đi. Nhóm này hỏi chúng tôi có vàng thêm thì đưa cho họ. Dù trong túi còn vàng, chúng tôi vẫn làm bộ hết tiền để khỏi chi thêm cho họ.

Vì thế, họ để cho nhóm lính kiểm soát thẳng cánh xét hỏi chúng tôi mà họ không hề binh vực chúng tôi điều gì. Trên đoạn đường đi từ Nam Vang đến Battambang dài độ hai trăm năm mươi cây số, mỗi lần gặp trạm kiểm soát, chúng tôi phải đưa giấy tờ giả ra cho họ xem. May mắn là qua thoát được hết cả. Chúng tôi run sợ trong suốt cuộc hành trình đó.

Khi đến Battambang, cha con tôi rời ngay đoàn xe vận tải để tìm đến địa điểm hẹn mà người trong ban tổ chức đã chỉ dẫn. Chúng tôi đến được một quán ăn có bán hủ tiếu và nước ngọt. Nơi đây, tôi gặp người dẫn đường là một người Miên nhưng có vợ là người Việt Nam. Ông này nói tiếng Việt rất giỏi. Ông ta đưa chúng tôi đi từ Battambang đến Sisophon bằng xe mô tô ba bánh, kiểu xe thồ.

Dọc đường, có hai trạm kiểm soát của người Miên, chúng tôi cũng giả làm người Miên nên đi qua trót lọt. Đến thành phố Sisophon, người dẫn đường dắt chúng tôi vào nhà một người quen để ăn uống và chuẩn bị cho cuộc đi bộ vào ban đêm. Họ nói từ Sisophon đến biên giới Thái độ chừng tám mươi cây số. Nhưng tôi tính ra thì chỉ độ khoảng năm mươi hay sáu mươi cây số mà thôi.

Chúng tôi nhập bọn với bảy người đàn ông trai tráng nữa . Trong số ấy cũng có người lớn tuổi như tôi, cỡ trên năm mươi tuổi. Thế là chúng tôi đi bộ trong rừng mà không có đường mòn. Mỗi lần đi phải vạch cây lá mà đi.

Từ Sisophon đến Non Chan, chúng tôi phải đi trong bốn đêm. Cứ tối, độ 7:00 giờ hay 8:00 giờ tối là bắt đầu đi cho đến độ 5:00 giờ sáng thì được nghỉ. Thường thì người dẫn đường dắt chúng tôi gửi vào nhà người quen để khỏi bị lộ, và để ăn uống và ngủ lấy lại sức, chờ đến tối thì đi tiếp.

Tối đến thì chúng tôi lại được giao cho một toán dẫn đường khác. Như thế họ cứ thay đổi người dẫn đường mãi. Nhờ chúng tôi đi số đông, hết thảy là mười người đàn ông nên chúng tôi bênh vực và bảo vệ cho nhau, do đó những kẻ dẫn đường dù có tà tâm cũng không thể giết chúng tôi được.

Sau ba đêm, đến một chỗ vắng, chúng tôi bị giao cho một nhóm dẫn đường khác. Nhóm người này cầm búa và rìu trông vẻ mặt thì dữ tợn và bất lương. Họ đưa chúng tôi vào rừng rồi bắt cởi hết quần áo để họ xét và ăn cướp tất cả.

Lúc đầu họ còn nói ngọt ngào để chúng tôi viết giấy về gia đình nói là đã đến biên giới rồi. Như quy ước, nếu đến nơi, nếu như viết đúng nội dung mật hiệu đã quy định thì người nhà tôi mới giao đủ số vàng còn lại. Tôi đã dùng mật hiệu báo cho vợ tôi biết là tôi chưa đến nơi. Chứ nếu không viết thư thì chúng làm khó dễ và bỏ rơi mình.

Ở tại khu rừng ấy, có lẽ chỉ cách trạm gác của Bộ đội Việt Nam độ vài cây số, thì bọn cướp này cướp tất cả mọi thứ của cải của chúng tôi. Khi chúng tôi vùng vằng phản đối thì bọn chúng dọa sẽ tố cáo với Bộ đội Việt Nam để chúng tôi bị bắt.

Vì thế, chúng tôi nghi là bộ đội Việt nam chắc là ở không xa nơi này là bao. Bọn chúng cướp tất cả những quần áo lành lặn mà chúng tôi đang mặc trên người. Khi thấy chúng tôi trần truồng, trông khó coi qúa thì chúng bèn vứt cho chúng tôi vài cái quần đùi, vài cái áo rách rưới và hôi hám, và vài khăn quàng của người Miên.

Lúc ấy, chúng tôi thấy cái chết trước mắt, không còn cách gì mà đến được biên giới nữa rồi. Chỉ còn một hy vọng mong manh làkhi bọn hắn đã lấy khá nhiều vàng, đồng hồ và quần áo rồi, chắc là chúng sẽ tiếp tục dắt mình đi nữa.

Khoảng 7:00 giờ tối, bọn cướp bèn dùng đèn pin dắt chúng tôi đi tiếp độ hơn nửa cây số. Đến một lộ đất, chúng nói gạt chúng tôi rằng chỉ còn có hai cây số nữa là đến trại của quân Kháng Chiến chống Cộng sản Việt nam, đó tức là lực lượng Para. Nghe như vậy, chúng tôi rất nôn nóng và thèm khát được đến đó vô cùng.

Khi vừa ra khỏi lộ đất thì bọn chúng tắt đèn và rút lui mất dạng hồi nào mà chúng tôi không hay biết. Chỉ còn mười người chúng tôi tiếp tục lần mò đi theo hướng mà chúng đã chỉ. Đi độ chừng một cây số thì con tôi là cháu Tiến bị xỉu ngay tại chỗ mà không còn đi được nữa. Có lẽ Tiến bị xáo trộn tinh thần qua việc bị cướp bóc mà xỉu.

Tôi bèn yêu cầu cả đoàn ở lại nghỉ mệt để chờ con tôi bớt mệt rồi cùng đi tiếp. Ban đầu, bọn họ làm thinh. Sau đó, họ bàn bạc và quyết định để ba cha con tôi ở lại, còn họ đi tiếp vì họ không thể vì một người xỉu để mà ở lại hết.

Thế là họ chào chúng tôi và tiếp tục lên đường vào lúc độ 9:00 giờ tối. Buồn tủi và bàng hoàng, ba cha con tôi đành ở lại vì không còn đi được nữa. Chúng tôi đi sâu vào trong rừng, rồi đạp cỏ tranh dẹp xuống để làm thành một chỗ mà nằm ngủ tạm. May là không bị rắn cắn trong đêm ấy.

Đêm đó, tôi sợ hãi mà không dám ngủ, trong khi hai cậu con trai của tôi ngủ say và ngáy vang trời. Vốn là sĩ quan của chế độ VNCH, tôi đã biết cách di chuyển ở những vùng biên giới nguy hiểm. Lại nữa, tôi nghĩ rằng nơi đây là vùng ranh giới, nơi có nhiều lực lượng quân sự khác nhau như quân đội của Cộng Sản Việt nam, của Cộng Sản Miên, của lực lượng Kháng chiến, và của Khmer Đỏ tức là Pol Pot. Ngoài ra, còn có lực lượng du kích hoạt động về đêm và cả dân buôn lậu nữa.

Chính vì tính cách đa dạng và nguy hiểm của vùng biên giới, bởi bất cứ lực lượng nào cũng có thể bắn mình nếu họ khám phá ra có bóng người di chuyển. Vì vậy tới đây, ta không thể di chuyển ban đêm được nữa, mà phải di chuyển vào ban ngày để bảo đảm sự an toàn hơn.

Sẵn dịp Tiến bị xỉu, tôi phải chờ đến lúc rạng đông có mặt trời lên để biết hướng tây mà đi. Tôi nghĩ mình cứ chực chỉ hướng tây thì thể nào cũng đến được biên giới Thái. Lúc ấy tôi cũng chưa biết gì về lực lượng lính Para cả.

Sáng 10 tháng 4, năm 1980, lúc đi dọc đường, chúng tôi thấy từ xa có đoàn xe bò từ biên giới về, nên cha con tôi lại nhảy vào bụi rậm để trốn núp. Đoàn xe đi ngược lại hướng chúng tôi đang đi. Khi họ đi qua, chúng tôi thấy trên xe bò chỉ có đàn bà và con nít chứ không có vũ khí. Biết họ chỉ là dân lành nên tôi cũng yên tâm. Tuy nhiên chúng tôi cũng chờ họ đi qua một đoạn khá xa rồi mới đi tiếp nữa.

Vì thế nên chúng tôi đi rất lâu. Độ một tiếng sau, tôi quay lại dặn hai con:

- Ba đã lớn tuổi rồi có chết cũng được, không sao cả. Còn hai con còn trẻ, chết sớm tội nghiệp lắm. Bây giờ ba đi trước, còn tụi con đi sau khoảng vài trăm thước. Nếu thấy ba bị bắt thì tụi con phải nhảy vào rừng trốn ngay, chứ để bị bắt chung cũng không có lợi gì. Rồi từ từ, các con đi sau. May ra thì cũng tới nơi!

Các con tôi không chịu, chúng sợ tôi đi một mình nguy hiểm nên chúng cứ đi theo sát tôi. Vì thế tôi lại càng phải cẩn thận hơn. Đi độ một lúc nữa, chúng tôi vì khát qúa mà lại ở trong rừng khô, không có nước, nên chúng tôi phải đi tiểu vào bi đông để uống lại nước tiểu của mình.

Một chập, chúng tôi thấy bóng năm, sáu người đi bộ từ đàng xa. Họ đang gánh một cây sào dài, trên đó có bao gạo, sô nước và đồ dùng. Chúng tôi lại trốn núp chờ họ đến gần. Biết chắc là nếu gặp họ thì cũng không có gì nguy hiểm, nên tôi bèn nhảy ra chận họ lại để xin nước uống. Ban đầu họ nghi ngờ tôi, mà tôi cũng sợ họ.

Sau họ thấy tôi ra dấu muốn xin nước uống, họ liền cho tôi uống ngay. Tôi bèn đổ bi đông nước tiểu để xin họ cho một bi đông nước uống. Họ cũng vui vẻ cho tôi nước. Trông họ rất thật thà và tử tế, khác hẳn với những người Miên cầm quân và những kẻ dẫn đường đã cướp hết của cải của chúng tôi. Lũ người kia thật là ác độc và tham lam.

Vừa khi ấy, hai con trai tôi lững thững từ trong rừng bước ra. Tôi đưa tay chỉ con đường phía trước và hỏi họ:

”Xiêm?”

Họ bèn gật đầu và hỏi tôi xem phía sau lưng tôi có Bộ đội Việt Nam hay không? Họ nói được bốn tiếng ”Bộ đội Việt Nam” bằng tiếng Việt. Chúng tôi hỏi đường rồi tiếp tục đi nữa.

Đi chừng vài cây số thì đau đớn thay, chúng tôi thấy xác chết của bảy người bạn đồng hành trên chuyến đi ấy. Đây là những người bạn đã từ giã chúng tôi để ra đi đêm hôm trước. Họ bị giết chết bằng súng vì chỉ nhìn các vết thương của họ, chúng tôi cũng đoán được.

Thường thì người Miên giết người bằng giáo mác hay dao búa, nhưng bảy người này bị bắn chết. Có lẽ họ bị một trong các lực lượng chiến đấu bắn chết. Nạn nhân không nằm gần nhau: Bốn người thì nằm cách gần nhau, còn ba người kia thì nằm chết cách xa đó độ hai trăm thước. Có lẽ họ đã chạy được mà bị đuổi theo để bắn chết.

Tôi không thể gom họ lại và chôn xác họ được, mà chỉ biết van vái cho họ giúp chúng tôi đến nơi chốn bình yên. Chỗ họ chết chỉ cách biên giới Thái chừng mười lăm cây số mà thôi! Ôi, giá của tự do qúa đắt! Họ đã trả giá bằng chính mạng sống của chính mình! Định mệnh thật đáng sợ. Tôi chợt nhớ đến số phận mình. Nếu Tiến không xỉu đêm ấy, chắc ba cha con tôi cũng chịu chung số phận bất hạnh như họ rồi.

Thế rồi chúng tôi lại đi tiếp, mỗi lần gặp những người đi ngược chiều với mình, thì đó là những người đi buôn lậu và xin gạo từ Miên về, là chúng tôi hỏi tiếp đường đi. Đến khoảng 10:00 giờ sáng thì chúng tôi gặp một người đàn ông Miên đang đi ngược chiều với chúng tôi, tay anh ta cầm chiếc búa đẽo cây.

Một điều lạ lùng là khi anh ta thấy chúng tôi thì vội xoay người lại để đi cùng chiều với chúng tôi. Dáng vẻ anh như đang suy tính điều gì quan trọng. Chừng như anh ta là quân thám thính và đang muốn trở về báo cáo với cấp trên về sự hiện diện của ba người lạ mặt là chúng tôi. Lúc ấy, chúng tôi sợ hãi vô cùng. Muốn chạy mà chạy cũng không được. mà muốn trốn thì sợ họ nghi. Tôi còn một niềm hy vọng là sớm gặp các lực lượng binh sĩ chống Cộng.

Đi khoảng nửa cây số thì tôi gặp một đám lính tóc dài, mặc quần áo dù rằn ri như quân phục của Quân đội VNCH ngày xưa. Tôi mừng thầm vì nghĩ rằng họ là lực lượng chống Cộng Sản, tức là đồng minh của mình. Bọn họ chận chúng tôi để lục xét tiền bạc và quần áo. Con trai tôi là Nhân còn giữ được một miếng vàng nhờ nó kẹp giữa bó vải bó cái chân bị sưng phồng.

Thế là họ cướp miếng vàng ấy và dặn chúng tôi khi vào trong trại Para thì không được khai là đã bị họ cướp vàng. Nếu khai đã bị họ cướp thì họ sẽ giết chúng tôi ngay. Cũng may là chúng tôi còn chút vàng để cho họ cướp thì họ mới cho đi ngay. Còn nếu không, chúng tôi không biết sẽ bị đối xử ra sao.

Sau đó, đám lính Para này cho chúng tôi vào trại Para. Tại văn phòng của lực lượng nàycó một vài người biết nói tiếng Anh và tiếng Pháp. Họ vặn hỏi lý lịch của chúng tôi. Họ còn hỏi xem chúng tôi có thân nhân ở nước ngoài không. May cho tôi là xấp giấy tờ tùy thân còn nguyên vì bọn cướp đường không thèm lấy. Họ lục coi từng chữ một, xong họ cho chúng tôi ra ngồi phía trước văn phòng. May là tôi có thân nhân ruột thịt ở Mỹ quốc nên họ cũng không đối xử tử tế hơn với chúng tôi.

Sau đó, họ cho chúng tôi ra ngoài bụi tre. Tại đây tôi gặp gia đình ông Mỹ là bốn nguời, gia đình ông Nê là bốn người, anh em anh Hoà, anh Trung, vợ chồng anh Cho, vợ chồng anh Vĩnh (gia đình Kim Hà). Còn cô Oanh đến trước và bị nhốt ở trại bên kia. Cô ta tới trại lúc 12:00 giờ khuya.

Tại đây, nhóm lính Para phát gạo cho dân tị nạn ăn và cho muối để làm thức ăn. Sau đó, khoảng ba, bốn giờ chiều, cả đoàn tị nạn gồm ba mươi tư người được đưa qua nhà thương Non Chan.

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes