BS Nhiều tại trại tị nạn Dongrek trước khi tham gia kháng chiến Chụp tại bệnh xá Dongrek nhân dịp sinh nhật cô y tá Martine (Hình từ anh Lê Văn Hưng) |
Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều, Ông Là Ai? Một Kháng Chiến Quân Và Cũng Là Vị Trí Thức Đã Bị Định Đoạt Số Phận Như Thế Nào Trong Khu Chiến Cách Mạng!?
(Trích trang 428-431, cuốn Hồi Ký "Hành Trình Người Đi Cứu Nước" của anh Phạm Hoàng Tùng , và từ blog của anh tại
(Trích trang 428-431, cuốn Hồi Ký "Hành Trình Người Đi Cứu Nước" của anh Phạm Hoàng Tùng , và từ blog của anh tại
**
Tôi biết chiến hữu Nhiều qua khóa học Quân Chính, đây cũng là lần đầu và lần cuối gặp anh tại khu chiến. Sau khi thụ huấn xong khóa Quân Chính II, tôi trở về căn cứ 27 tiếp tục công tác tại đài Phát Thanh Việt Nam Kháng Chiến trong một thời gian ngắn nữa. Còn chiến hữu Nhiều trở về công tác y tế tại căn cứ 81 như trước đây. Bẵng đi một thời gian, chừng vài tháng sau, tin anh Nhiều bị MT tử hình tại căn cứ 81, có lẽ vì chống đối và định bỏ trốn, được khẩu truyền âm thầm trong mọi anh em kháng chiến quân ở khu chiến.
Những tin tức xuất phát từ căn cứ 81, nơi có chiến hữu Nhiều đang công tác, đặc biệt là tin do các anh em trong toán công tác thi hành kỷ luật được tiết lộ thì thầm ra cho anh em kháng chiến quân, đã cho thấy nhiều tình tiết chung quanh vụ Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều bị xử bắn.
Cái chết của ông Nhiều sau này cũng được báo chí Cộng Sản khai thác, nhắc đến như bằng chứng về chính sách “khắc nghiệt và tàn ác” của MT là tổ chức có số vụ thanh toán nội bộ cao bất thường, chưa từng có.
Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều, theo những thông tin từ khu chiến thời đó, anh tốt nghiệp Bác Sĩ y khoa tại Sài Gòn trước năm 1974 và làm việc tại Bịnh Viện Nguyễn Văn Học tại tỉnh Gia Định thuộc khu vực Sài Gòn - Gia Định. Có thể anh Nhiều đã tham gia quân đội VNCH với cấp bậc Đại Úy Quân Y.
Khoảng cuối năm 1984 đầu năm 1985, Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều cùng gia đình vượt biên đến trại tỵ nạn đường bộ sát biên giới Thái - Cambodia. Tại đây đại diện MT có những cuộc tiếp xúc với anh. Thường vào thời đó, tại trại tỵ nạn đường bộ hoặc đường biển, đại diện MT hay vào trại để tuyển mộ người đi theo kháng chiến, đây là cơ sở cung cấp nhân lực cho MT hầu như duy nhất vào thời điểm các năm 1980.
Cũng theo tin ghi nhận từ MT tại khu chiến, Bác Sĩ Nhiều có đặt vấn đề với MT, nếu MT đồng ý giúp cho vợ con anh định cư tại hải ngoại, anh sẽ lên đường vào khu chiến. MT đồng ý việc này, không biết trong các cuộc nói chuyện có thêm những chi tiết gì hay không. Vì thói quen của lãnh đạo MT là bảo mật tuyệt đối, bất kể cả việc phải chôn sự thật vào lòng đất lạnh miên viễn, không muốn đối diện, đối thoại với lịch sử.
Từ lúc vào khu chiến, Bác Sĩ Nhiều được điều động tới căn cứ 81 công tác trong lĩnh vực y tế, trước đó cũng phải trải qua khóa học người kháng chiến quân Việt Nam, bình đẳng như các tân khóa sinh mới bước vào môi trường khu chiến. Có thể vì anh Nhiều là một Bác Sĩ dân sự mới tham gia đời sống khu chiến mang tính bất thường so với đời sống xã hội bình thường, một phần vì khi công tác tại trạm xá căn cứ 81, anh Nhiều có huấn luyện một ít kiến thức chuyên môn cùng một số thực hành căn bản cho các kháng chiến quân đang công tác như là y tá tại khu chiến nên anh Nhiều được cấp trên trọng dụng.
Tại trạm (bịnh) xá căn cứ 81, có những kháng chiến quân đang điều trị bịnh sốt rét, cho nên khẩu phần dinh dưỡng cho khu vực này tương đối đặc biệt, so với những đơn vị khác hay các tiền đồn, căn cứ khác trong khu chiến, được tiếp tế rau cải tươi đều đặn, có phần thịt tươi hàng ngày hoặc hàng tuần, thêm ít bánh trái, đường cát trắng, sữa hộp, quà cáp.
Riêng chiến hữu Nhiều được cung cấp cả thuốc thơm Samit, một loại thuốc lá nổi tiếng, mắc tiền ở đất Thái vào thời đó, một cách thường xuyên theo nhu cầu của anh.
Theo nhiều kháng chiến quân công tác tại căn cứ 81, về sau này, anh Nhiều có vẻ bất mãn khi không được MT giao cho nhiệm vụ tương đương với chức vụ Ngoại Trưởng? Đây không biết là do những lời tâm tình của chiến hữu Nhiều với số chiến hữu gần gũi quanh mình, khi bị xúc động vì không được thỏa ý nguyện hay là lãnh đạo MT phao tin để gây tiếng xấu cho anh?
Tuy nhiên có một điều rất rõ là sau một thời gian được trọng đãi đặc biệt lúc mới vào khu chiến, nay chiến hữu Nhiều đang bị “thất sủng”! Có một điều chưa rõ là do MT thất hứa với chiến hữu Nhiều khi đối chiếu lại với nội dung các câu chuyện trước đây đã được hai phía bàn thảo khi còn ở trại tỵ nạn, hay là tại chiến hữu Nhiều đòi hỏi quá đáng, so với khả năng đáp ứng của MT.
Do tính tự cao tự đại, nông nổi của một trí thức, trong nơi chốn mà tìm kiếm được một trí thức có bằng cấp đại học chịu dấn thân là điều khá hiếm hoi, đã khiến cho lãnh đạo MT ngày càng khó chịu với anh và sau cùng phải chọn biện pháp xử lý trong quyền hạn - và cũng không ngoài thói quen - của MT thời đó.
Không loại trừ, anh Nhiều có thể biết một ít bí mật quanh cái chết của chiến hữu Lê Hồng, vì lúc chiến hữu Tư Lịnh bị mắc bịnh sốt thất thường tại căn cứ 81, chiến hữu Nhiều đang làm công tác y tế.
Sau khi cơm không lành, canh không ngọt, chiến hữu Nguyễn Hữu Nhiều bị hạ tầng công tác. Anh không còn được làm việc tại trạm xá căn cứ 81 trong tư cách như là một Bác Sĩ chuyên nghiệp với nhiều phụ cấp ưu đãi mà ít ai có được. Căn cứ trưởng căn cứ 81 theo lịnh của Kháng Đoàn, sắp xếp chiến hữu Nhiều về làm công tác gác cửa hàng ngày ở vòng rào của căn cứ 81. Việc kỷ luật hạ tầng công tác, hay hoán chuyển vị trí làm việc như thế này, là không lạ gì trong khu chiến.
Chính tôi cũng đã từng bị hạ tầng công tác khi có những lời nói hoặc bài viết đụng chạm tới cung cách của lãnh đạo MT, theo suy nghĩ chủ quan của người lãnh đạo.
Cách điều phối nhân sự, thuật dụng nhân như thế của MT là để thử thách thêm ý chí theo đuổi cuộc đấu tranh của kháng chiến quân, vừa có tính cách huấn nhục người chiến hữu, nhất là vừa đo lường thêm sự trung thành (tiêu chuẩn đạo đức) của kháng chiến quân với MT.
Từ khi bị hạ tầng công tác như là một người kháng chiến quân hàng ngày cầm cây súng carbin cũ mèm, ngồi gác ở các cửa ra vào khu vực 81, chiến hữu Nhiều lại càng sa sút tinh thần, sắc diện anh ngày một buồn chán, anh hay kêu than với đồng đội chung đơn vị.
Có một sự kiện, chưa rõ đó là âm mưu cài người của MT để theo dõi lấy tin hay là sự trung thực khai báo của người kháng chiến quân ở sát cạnh anh Nhiều. Kháng chiến quân này còn rất trẻ độ 17 tuổi, được cử làm việc chung với anh Nhiều hàng ngày, đã mang câu chuyện của anh Nhiều tâm tình riêng với anh báo cho cấp trên. Theo chiến hữu này, chiến hữu Nhiều đã mang ý định trốn khỏi khu chiến ra hỏi ý kiến đồng thời rủ anh này cùng trốn để tìm cuộc sống khác. Khi nhận được báo cáo và có bằng chứng sống trong tay, lãnh đạo MT tại khu chiến quyết định thi hành kỷ kuật chiến hữu Nhiều.
Theo khẩu truyền của anh em kháng chiến quân tại căn cứ 81, một hôm khi đang ngồi gác cổng như thường lệ, chiến hữu Nhiều được một toán công tác đến nói, có lịnh bảo anh phải đi công tác xa với toán này. Một người trong toán công tác thi hành kỷ luật này, có thể là chiến hữu Trần Văn Quốc. Anh Quốc người tỉnh Sông Bé(Bình Phước hiện nay), thuở nhỏ từng làm giao liên cho Việt Cộng, sau này anh bỏ đảng và vượt biên qua Thái, sau đó tham gia MT. Anh Quốc gan dạ, khỏe mạnh, chấp hành kỷ luật tốt, giỏi nghề đi rừng và bẫy thú rừng.
Toán này đi càng ngày càng tiến vào sâu trong rừng rậm, đến một chỗ thấy có một cái hố đã đào sẳn, chiến hữu Nhiều mới được chiến hữu toán trưởng thông báo cho biết là MT đã quyết định tử hình anh. Và trước khi thi hành lịnh, người toán trưởng mời anh hút một điếu thuốc cuối cùng.
Khi biết tin như vậy, chiến hữu Nhiều đã quì xuống khóc than, van xin các kháng chiến quân đang nhận nhiệm vụ đừng bắn anh.
Nhưng lịnh phải được thi hành tuyệt đối, bởi vì 3 kháng chiến quân trong toán hành quyết là 3 chiến hữu đã được MT chọn lựa kỹ càng để làm công tác này. Nếu có một anh vì lòng nhân từ muốn tha chết chiến hữu Nhiều và bảo anh trốn vào rừng sâu tìm sinh lộ, thì hai anh kia sẽ không chịu, hoặc về báo cáo lại, thì chắn chắn chiến hữu có lòng nhân từ này có một định mệnh tồi tệ như anh Nhiều. Còn nếu trông mong cả 3 kháng chiến quân thuộc toán hành quyết đều có lòng thương người cả thì rất khó xảy ra.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Nhiều, người trí thức trẻ chưa quá 40 tuổi, vị Bác Sĩ duy nhất vào sống trong khu chiến, đã nằm xuống mãi mãi trong cái huyệt được đào vội vã giữa rừng sâu như thế, chỉ vì có những bất đồng với lãnh đạo MT về quan điểm nội bộ mà xem ra có thể giải quyết được bằng thảo luận dân chủ.