Phần 2: Từ Tân Châu đến Hố Lương bằng ghe
Trần Chí Thành
Sáng hôm sau, ghe máy đã được sửa xong, nên khoảng mười giờ sáng ngày 22 tháng 4, năm 1980, chúng tôi đi bằng ghe đến Vĩnh Xương, một quận lỵ sát biên giới Việt và Cambodia. Không khí chiến tranh ở quận này càng rõ rệt và căng thẳng hơn bao giờ hết.
Chiếc ghe của những người dẫn đường vẫn thong thả ngược dòng sông MéKong để đi qua nhiều trạm kiểm soát rất chặt chẽ của Công an Biên phòng Việt Nam. Trong lúc đó, người đưa đường đưa sáu chúng tôi xuống phà đi vào phía rừng để bọc trong rừng hầu tránh các trạm kiểm soát. Chúng tôi đi qua phà khoảng nửa giờ thì đến khu rừng.
Sau đó, chúng tôi xuống phà và đi bộ lặng lẽ trong rừng, tiến sâu hơn vào những cánh rừng chừng hai tiếng đồng hồ. Đến khoảng 1:30 giờ trưa, chờ khi lính Cộng sản Việt Nam canh gác lơ là, thì chúng tôi đã vượt biên giới một cách chớp nhoáng.
Qua khỏi bìa rừng, chúng tôi đi về phía bờ sông để tìm về ghe cũ. Các người đưa đường đã đi ghe qua các trạm gác dễ dàng vì họ là người Việt gốc Miên, có giấy phép đàng hoàng, nên họ không bị trở ngại. Chúng tôi lúc này chia làm hai nhóm, rồi leo lên hai chiếc ghe để đi tiếp.
Lúc qua khỏi biên giới Việt và Cambochia, tôi cố trấn tĩnh tâm hồn để đè nén những nỗi cảm xúc đang dâng lên dào dạt trong lòng. Từ đây tôi sẽ rời bỏ quê hương, gia đình và kỷ niệm để đi nơi vùng đất Cambodia xa lạ. Tôi đã thực sự bắt đầu cuộc sống xa quê hương.
Chúng tôi phải thay đổi quần áo để cải trang thành dân quê người Miên. Chúng tôi quăng hết quần áo công nhân xuống sông và mặc những bộ đồ đen, có những khăn quàng cà ma để che đầu cho giống người bản xứ một chút.
Kể từ giây phút này trở đi, chúng tôi phải cảnh giác tối đa, không được nói bất cứ một tiếng Việt nào. Mọi sự hướng dẫn đều phải thầm lặng. Chúng tôi theo dõi lẫn nhau, phải khôn ngoan và nhanh trí để sẵn sàng đối phó với tình thế mới. Chúng tôi nhất trí phải bám sát nhau và tuân theo sự chỉ dẫn của người dẫn đường.
Hai chiếc ghe của chúng tôi đi ngược dòng sông MéKông vào chiều hôm đó. Chúng tôi phải đi qua rất nhiều trạm gác. Hễ thấy trạm gác có cờ đỏ là chúng tôi phải cho ghe tấp vào để trình giấy. Hai ghe của chúng tôi đều giả làm ghe buôn có chở đầy trái cây như dừa, chuối, cam, xoài và bánh kẹo.
Hễ tới mỗi trạm gác thì người dẫn đường vừa lên trình giấy, vừa phải hối lộ cho lính Cộng Sản Miên vài trái dừa khô, vài nải chuối hay ít bánh kẹo. Có những trạm gác khó thì lại phải hối lộ vàng và tiền nữa.
Cứ mỗi lần đến trạm kiểm soát là chúng tôi run lên, hồi hộp và nơm nớp lo sợ. May nhờ người dẫn đường có giấy tờ hợp lệ, nên chúng tôi không gặp trở lại mà êm xuôi. Ghe đi mãi trong đêm khuya vắng vẻ. Tiếng ghe chèo đập trên mặt sông nghe thật êm tai. Giá như đi chơi trên sông như thế này vào những ngày thanh bình thì còn cái thú nào bằng.
Nhưng tiếc nỗi, con sông MéKong lúc đó không phải là hồ Động Đình để cho người thi sĩ đối ẩm vịnh thơ, mà tôi cũng chẳng phải là một thi nhân hay văn nhân hưởng nhàn, mà chỉ là một thanh niên trốn chui, trốn nhủi để đi tìm tự do.
Đến nửa đêm, người dẫn đường cho thuyền dừng bên bờ sông vắng. Ông ta bảo đi ban đêm rất nguy hiểm. Vì thế, chúng tôi lặng lẽ tìm đến một ngọn đồi hoang để ngủ đỡ. Đêm trở nên vắng lặng đến rùng mình. Chúng tôi không dám nổi lửa hay chuyện trò to nhỏ vì sợ bị lộ.
Tờ mờ sáng hôm sau, 23 tháng 4, năm 1980, vào lúc năm giờ sáng, hai chiếc thuyền của chúng tôi lại tiếp tục lên đường, và lại vượt qua nhiều trạm gác ven sông nữa. Bất ngờ, khoảng sáu giờ sáng, khi trời còn tờ mờ chưa sáng rõ, hai chiếc ghe của chúng tôi bị một chiếc thuyền kiểm soát của lính Cộng Sản Miên đuổi theo và bắt lại.
Họ ra lệnh kéo hai chiếc thuyền của chúng tôi chạy ngược về phía sau, nơi chúng tôi đã đi qua. Thế rồi, họ kéo hai chiếc ghe chạy khoảng nửa tiếng đồng hồ để về một đồn canh gác của họ. Chúng tôi tái mặt, điếng hồn và lo sợ, chờ đợi sự trừng phạt. Tôi nghĩ thầm có lẽ cuộc ra đi đã chấm dứt, lại cảnh tù đày và lao động khổ sai.
Khi về đến đồn canh gác, người dẫn đường đã khôn khéo hối lộ vàng cho lính canh. Nên sau đó, họ lại cho phép chúng tôi đi tiếp. Cho đến lúc ấy, bọn chúng tôi vẫn không hề nói lời tiếng Việt nào cả nên có lẽ họ không biết chúng tôi là người Việt mà giữ lại. Chúng tôi lại tiếp tục đi ghe cho đến 9:00 giờ sáng thì chúng tôi đến bến phà Hố Lương.
PRPC Maps
-
PRPC Maps, from " ICMC Orientation Packet for Local Hire Album.
Courtesy of Emmanuel Jesus Villanueva
7 years ago
0 comments:
Post a Comment