Phần 3: Từ Hố Lương đến Nam Vang bằng xe hàng
Trần Chí Thành
Khi đến bến phà này, chúng tôi bỏ ghe đi bộ lên bờ. Ở đây, cách thức sinh hoạt của người Miên thật từng bừng và tấp nập. Chúng tôi thấy bóng dáng lính Bộ đội Việt Nam rất nhiều. Các xe vận tải chở gạo của công ty hợp doanh số năm đậu ở đây nhiều để chờ phiên qua phà đi Nam Vang.
Người đưa đường ra hiệu cho chúng tơi tìm cách đứng hay ngồi xa nhau, cứ rải rác ở những ngã tư vắng vẻ gần đó. Thế rồi, ông ta thì đi tìm các tài xế xe vận tải để móc nối cho chúng tôi lên xe vận tải đi tiếp đến Nam Vang.
Trong lúc chờ đợi, chúng tôi rất lo sợ vì hễ một người Miên đến hỏi chuyện mà chúng tôi không biết tiếng Miên để trả lời là bị lộ ngay lập tức. Vì thế, chúng tôi càng ẩn mình chừng nào thì càng tốt. Chúng tôi không dám lộ vẻ gì đặc biệt để khỏi bị chú ý. Riêng tôi thì dùng khăn cà ma quấn nhiều vòng để che mặt hay cột đầu, hay quấn quanh cổ để dấu khuôn mặt mình lại.
Sau một hồi lâu, người đưa đường đi về phía chúng tôi và dùng mắt ra hiệu cho chúng tôi theo sau ông ta để leo lên một chiếc xe vận tải. Các xe vận tải này đều chở gạo từ Sàigòn đến Nam Vang rồi qua Battambang.
Chúng tôi hồi hộp leo lên xe vận tải này. Sàn xe rất dơ, người và súc vật đều ngồi trên sàn xe. Chúng tôi ngồi lẫn lộn trong đám người Miên, lưng đụng lưng nhau. Ai nấy nói cười và chen lấn nhau. Xe thì chật mà số người ngồi thì đông đúc.
Chúng tôi rất lo ngại vì các người bạn đồng hành cứ tìm cách gợi chuyện với chúng tôi. Nếu nói thì không biết tiếng Miên để mà bắt chuyện. Mà nếu im lặng thì sợ họ nghi là người Việt Nam đi trốn. Xe chật chội và ngột ngạt vì mùi mồ hôi người. Người ta cứ thích chen lấn và cạ sát lưng vào chúng tôi, rồi họ xấn đến hỏi chuyện và nói cười thoải mái. Cực chẳng đã, chúng tôi cứ giả bộ nhắm mắt ngủ hay giả bộ ngu dốt để tránh những sự giao thiệp khó khăn và bất lợi.
Trong chuyến xe ấy, có một thanh niên người Việt Nam mà sau này tôi đoán hắn là lính Quân báo của Cộng Sản Việt Nam. Hắn cứ lăm lăm nhìn và quan sát chúng tôi. Chừng như thấy chúng tôi không giống người Miên nên hắn vỗ vai một người trong nhóm chúng tôi và gặn hỏi:
-Anh có phải là người Việt Nam không?
Anh bạn tôi giật nẩy mình, và vì theo quy ước là tuyệt đối không được nói năng một tiếng Việt Nam nào, nên anh đã làm thinh và giả bộ quay mặt đi chỗ khác. Hắn ta bèn quay qua tôi và giáng ngay một chưởng:
-Nếu các anh đi vượt biên thì phải coi chừng. Ở đây có lính Quân báo của Việt Nam nhiều lắm!
Tôi hoảng hồn nhưng cố giữ vẻ thản nhiên và im lặng. Không hiểu xuất xứ của hắn ra sao vì hắn dám nói tiếng Việt công khai giữa đất Miên mà không sợ hãi gì cả. Tôi đoán hắn có thể là một bộ đội Việt Nam được về phép hay cũng có thể hắn là công nhân viên của nhà nước Việt Nam mà được biệt phái sang làm việc ở đất Miên. Tựu trung, hắn không thể là bạn của mình được. Chúng tôi rất lo sợ nhưng vẫn im lặng, không hé ra một tiếng Việt Nam nào.
Trong suốt lộ trình từ Hố Lương đi Nam Vang, chúng tôi lo sợ vô cùng, lòng chỉ mong cho chóng đến nơi để tìm cách thoát khỏi sợ dòm ngó của anh chàng người Việt tò mò ấy.
Chừng 12:00 giờ trưa, xe đến Nam Vang nên chúng tôi xuống xe từ ngoài thành phố để nối đuôi nhau đi vào thành phố Nam Vang. Chúng tôi cũng đã đi ngang qua những trạm gác của lực lượng lính hỗn hợp Việt Miên mà lòng thì hồi hộp và bất an.
Sau cùng, chúng tôi đi rải rác theo nhau vào một ngôi chợ ở Nam Vang để ăn trưa. Trong lúc chúng tôi đang tụ họp ăn uống thì anh thanh niên Việt Nam hồi nãy từ đâu đi tới, hắn vỗ vai tôi và nói:
-Những người vượt biên qua đây bị lính quân báo bắt nhiều lắm!
Hắn gằn giọng từng tiếng một. Mỗi câu nói của hắn dường như những mũi tên găm sâu và trái tim bồi hồi của chúng tôi. Sau đó, hắn bỏ đi. Ngay lập tức, tôi vội vàng chạy tới phiá người đưa đường để trình bày mọi việc và cũng để kiếm cách đào thoát. Ông dẫn đường cũng tái mặt vì sợ hãi.
Thế là chúng tôi vạch kế hoạch để lẩn trốn, phân tán mỏng và đánh lạc hướng nhóm lính quân báo ấy, nếu có. Ngay sau đó, người dẫn đường đứng lên, ra dấu bằng mắt để chúng tôi bám đuôi nhau đi lần lượt ra phiá cửa chính của chợ. Chúng tôi đứng lấp ló để chờ đợi ông ta hành động.
Khoảng mười lăm phút sau, khi ông dẫn đường thuê xe đạp thồ xong, ông ta trở lại ra dấu cho chúng tôi leo lên sáu chiếc xe đạp thồ để đi. Như đã thỏa thuận trước, những người Miên đi xe thồ chờ chúng tôi leo lên xe là họ phóng xe đi như bay.
Dọc đường họ cứ tưởng chúng tôi là người Miên nên nói liên tiếp và đấu hót tưng bừng. Riêng chúng tôi thì cứ ú ớ như người câm. Chúng tôi sợ phát rét trong khi ấy, cơn nắng và nóng của bầu trời Nam Vang thật dữ dội. Chỉ cần một kẻ đạp xe thồ nhiều chuyện mà muốn kiếm điểm là có thể sáu chúng tôi vào ngay trong trạm kiểm soát của lính Cộng sản Miên ngay lập tức.
Theo sự chỉ dẫn của người dẫn đường, sáu chiếc xe đạp chở chúng tôi chạy lòng vòng trên các đường phố của Nam Vang. Chúng tôi cũng chẳng còn lòng dạ nào để mà ngắm nghía và quan sát cái thủ đô đẹp đẽ của xứ Chùa Tháp này nữa.
Sau cùng, khi đến một khu nhà thật vắng vẻ ở Nam Vang, người dẫn đường ra hiệu cho chúng tôi xuống xe. Thế là cả bọn lục tục nhảy xuống xe đạp và phân tán mỏng ngay tại một ngã tư. Chúng tôi chia nhau ngồi ở ghế đá, ở vệ đường, ở gốc cây để chờ đợi. Tuy ngồi rải rác và làm bộ như không biết nhau, nhưng thần kinh chúng tôi căng thẳng, lúc nào cũng nhìn dáo dác để quan sát chung quanh.
Người dẫn đường cũng có những ưu tư và lo lắng riêng. Ông ta nghĩ rằng làm theo cách này là để tránh được sự theo dõi của lính Quân Báo Cộng Sản, và đánh lạc hướng những kẻ muốn theo dõi chúng tôi.
Đến độ ba, bốn tiếng đồng hồ sau, nhóm chúng tôi được chia ra làm hai nhóm. Mỗi nhóm ba người để đến hai trạm quen của người dẫn đường tại Nam Vang. Đó là đêm 24 tháng 4, năm 1980 , nhằm ngày thứ hai trong tuần.
PRPC Maps
-
PRPC Maps, from " ICMC Orientation Packet for Local Hire Album.
Courtesy of Emmanuel Jesus Villanueva
7 years ago
0 comments:
Post a Comment