Vượt Biên Đường Bộ
Tác giả: Huyên Chương Quí
Tác giả Huyên Chương Quí, tên thật là Khải Huy, là một sinh viên Saigon, sau tháng Tư 1975, tác giả từng bị chế độ cộng sản xua đi làm “nghĩa vụ quân sự” tại chiến trường Kam Pu Chia. Cuối năm 1980, Quí một mình vượt biên đường bộ, qua biên giới Thái Lan, hai lần vượt ngục khi bị quân của Khờ Me Đỏ và sau đó là Khờ Me Tự Do bắt giam, định cư tại Mỹ từ 1982. Hồi ký sau đây trích từ sách Khát Vọng Tự Do, kể lại những gian nan của người vượt biên đường bộ, từng chứng kiến thảm cảnh người vượt biên bị quân Khờ Me Đỏ cướp bóc, hãm hiếp, tàn sát.
***
Vượt Biên Giới
Nước Thái ở
hướng Tây Campuchia. Khi mới vào rừng, tôi cứ nhắm hướng Tây đi tới, gần
gần con đường mòn, để tránh bị lạc hướng. Lần lần, có nhiều cây rừng
rậm rạp che khuất, hoặc nhiều vũng bùn lầy rộng chắn lối, tôi phải đi
vòng đến những nơi thưa cây nên xa dần đường mòn, bị lạc luôn trong
rừng.
Trời không trăng. Trong đêm tối, tôi phải vẹt cây gai, cây dại
dầy đặc nên tốc độ đi rất chậm. Thời khắc trôi qua theo từng bước chân,
tôi chẳng biết đi được bao xa rồi. Nếu muốn quay về cũng không biết đi
theo hướng nào. Thôi, cứ bước tới. Tối nay tìm chỗ ngủ sớm, đợi ngày mai
xem mặt trời, sẽ dễ định ra hướng Tây.
Rán đi tiếng nữa, bụng cồn
cào. Tôi chợt nhớ từ
xế chiều đến giờ chưa ăn gì. Nhịn đói thôi. Mai tìm trái cây rừng để ăn.
Đến một vũng nước, tôi vốc nước uống đầy bụng rồi đi tiếp. Hai năm
trước theo đơn vị hành quân, vài lần đóng quân trong rừng, nhưng có đồng
đội chung quanh, nên không có gì sợ hay buồn. Bây giờ, một mình trơ
trọi, chung quanh là màn đêm thăm thẳm, tôi thấy sợ sợ. Thêm cái cảm
giác thật cô đơn, buồn bã khi nhìn lại mình như một bóng ma trơi trong
rừng đêm. Thấm mệt rồi, nhịn đói ngủ thôi.
Tôi bứng nhiều bụi cỏ đem
đến lót nơi một lùm cây rậm rạp. Tiết trời mùa đông ban đêm, lúc đi
không thấy lạnh, nhưng khi nằm xuống cỏ, thấy lạnh kinh khủng. Chỉ mặc
cái quần sọt và áo thun ngắn tay mỏng manh, nên cả người tôi run lên cầm
cập. Tôi nằm co quắp
người lại cố dỗ giấc ngủ. Cái lạnh, cái đói hành hạ, lại có nhiều tiếng
ù u, ù u vang vang ở xa xa, và tiếng sột soạt của thú rừng đi ăn đêm,
tôi không thể nhắm mắt.
Thao thức đến trời tờ mờ sáng, tôi ngủ luôn
một giấc say sưa. Thức dậy, đã 12 giờ trưa. Nắng chang chang chói hai
con mắt. Tội tìm vũng nước rửa mặt và vốc nước uống. Mặt trời ngay trên
đỉnh đầu. Thế này, biết hướng nào là hướng Tây?
Giải quyết cái đói
trước đã. Tôi đi vòng vòng tìm trái cây rừng. Tìm cả tiếng vẫn không
thấy một loại cây nào có trái. Mặt trời đã hơi nghiêng về phía Tây. Nhịn
đói đi vậy. Tôi phải luồn lách qua nhiều khu cỏ gai, tránh những đám cây
rậm, vòng qua những đầm nước rộng, nên có lúc phải rẽ sang Nam, lúc
quẹo qua Bắc,
rồi mới tiếp tục đi theo hướng Tây. Mệt thì ngồi nghỉ chút, thấy đói thì
uống nước vũng cầm hơi. Đi sáu tiếng rồi vẫn không thấy biên giới Thái
đâu.
Mặt trời dần tắt nắng. Bóng tối dần phủ xuống cả khu rừng.
Tôi lại phải dò dẫm đi từng bước. Gai cào sước khắp tay, chân, đau buốt.
Bao tử, ruột, gan muốn nát vụn vì sự cào cấu của cơn đói. Hai ngày
rồi không ăn gì. Lần đầu tiên tôi mới thấm thía cái đói thật sự như thế
nào. Thèm cho vào bụng bất cứ cái gì, dù là vỏ cây, lá cây hay cỏ dại để
có thể qua được cơn đói. Tôi còn đủ lý trí không làm như vậy vì sợ bị
trúng độc, sẽ ngã bệnh. Bệnh nặng trong cảnh một thân, một mình nơi rừng
sâu lạnh lẽo thế này đồng nghĩa với cái chết. Sẽ bỏ xác trong rừng sâu
không
ai biết đến. Chỉ còn biết uống nước vũng dằn bụng. Rán đi thêm hai tiếng
nữa, tôi lại bứng cỏ lót chổ nằm trong lùm cây rậm.
Vừa chợp mắt
ngủ được một chút thì mưa gió trùm phủ khu rừng. Tôi ngồi dậy, co rúm
người vì lạnh. Nước mưa tạt xối xả lên người. Tôi chui vào một bụi cây
rậm nhất, vẫn không tránh được nước mưa. Người tôi run lên từng hồi như
bị mắc kinh phong. Mưa càng lúc càng to. Gió rít liên hồi, cây rừng
nghiêng ngả. Đến sáng, mưa bớt dần, không dứt hẳn.
Suốt đêm không
ngủ, phải chịu đựng mưa gió, tôi mệt quá, nhưng cũng cố gắng lên đường.
Đi loanh quanh suốt buổi trong trời mưa rỉ rả. Lại xui, đôi dép bị đứt
quai. Đành đi chân không. Rừng thẳm âm u trong cảnh trời tù mù không
thấy mặt trời kéo dài năm
ngày liền. Tôi không phân biệt được phương hướng, cứ đi lòng vòng mãi.
Chỉ thấy rừng tiếp nối rừng. Đi chân không trong rừng là cả một cực
hình. Hai chân chảy máu, bắt đầu sưng lên. Tôi đi cà nhắc từng bước một.
Nhịn ăn bảy ngày rồi. Bao tử đã tê liệt nên tôi không còn cảm giác
biết đói nữa. Nước vũng kéo dài sinh mạng tôi. Thân xác rã rời, nhiều
khi ngất xỉu, không biết bao lâu, tỉnh dậy lại loang choạng bước đi. Tôi
không còn ý thức ngày và đêm nữa, có lúc cảm thấy tuyệt vọng lắm. Quý ơi
! Mày không thể chết lặng lẽ trong rừng sâu thế này. Phải sống, phải
tiến tới để tìm được bến bờ tự do. Tôi quỳ xuống khấn nguyện Ơn Trên
thiêng liêng phù hộ cho tôi vượt thoát khu rừng. Với ý chí sinh tồn mạnh
mẽ, cùng với niềm
tin có Ơn Trên cứu độ, tôi cứ cà nhắc từng bước đi tới.
Mưa đã dứt
hẳn. Tôi có được một đêm ngủ thật say đến 2 giờ trưa hôm sau. Có sức
lực, thêm trời nắng tốt và mặt trời chỉ hướng Tây, tôi lần ra được dấu
vết xe bò hằn trên cỏ. Đi theo đường xe bò bốn tiếng, rừng thưa dần, và
trước mặt tôi là một khu vườn chuối. Đã ra khỏi rừng.
Tính ra, tôi
bị lạc trong rừng tám ngày, đêm. "Được sống rồi...Được sống rồi !" Tiếng
reo to của tôi đem đến sự hiểm nguy. Hai tên lính Polpot không biết từ
đâu lù lù hiện ra. Tôi bị chúng chỉa súng đưa đến một căn lều tranh lụp
xụp trong vườn chuối. Lúc đó, có sáu người vượt biên khác cũng đang bị
một toán lính Polpot dẫn tới. Chúng tôi bảy người, bốn đàn ông và ba phụ
nữ
trẻ đẹp bị chúng bắt cởi hết quần áo. Hai tên đứng chĩa súng, bốn tên
lục các quần áo tìm vàng, bạc. Còn ba tên lần lượt khám xét từng người
chúng tôi để lấy nữ trang, đồng hồ. Tôi chỉ có cái đồng hồ đeo tay bị
chúng lột ngay. Ba người phụ nữ bị hai tên lính vừa khám xét lấy nữ
trang vừa mò mẫm khắp chổ kín. Lục xét xong, chúng cho bốn đàn ông được
mặc đồ lại và ngồi xuống một góc nhà, còn ba phụ nữ vẫn bị bắt đứng trần
truồng như nhộng trước mắt mọi người.
Trời chạng vạng, bọn lính
Polpot tụm lại ăn cơm. Họ không cho chúng tôi ăn uống gì. Cơm nước xong,
ba tên cầm súng ra đứng canh trước cửa, sáu tên còn lại trong nhà kéo ba
cô gái nằm xuống đất để thỏa mãn dục vọng. Các cô dẫy dụa, la hét, van
xin. Nghe
tiếng nói, tôi nhận ra hai cô người Việt, một cô người Tàu.
Mặc cho
các cô kêu gào, khóc lóc thảm thiết, chúng vẫn tiếp tục hành vi cầm thú.
Một anh trong nhóm ba đàn ông bị bắt chung bổng hét lên "Đ.M... Tao
liều chết với tụi mày" rồi nhảy vào kéo bật hai tên lính Miên ra khỏi
thân thể trần truồng của hai cô gái Việt. Một người đàn ông Việt khác
cũng nhảy ào tới giúp sức cho anh. Có lẽ hai anh là người thân của hai
cô gái. Cả ba, bốn tên lính Miên cùng nhào vào đấm, đá túi bụi hai anh.
Sự uất ức biến thành sức mạnh, hai anh can đảm chống đỡ và đánh trả lại.
Thấy cảnh hổn chiến kéo dài, một tên lính Miên cầm súng gác ở cửa chạy
vào dùng báng súng nện liên tục lên đầu một anh. Máu trên đầu anh tuôn
xối xả; anh ngã lăn kềnh ra
mặt đất, nằm bất động. Tiếp theo là hai, ba tiếng súng nổ. Anh thứ hai
bị trúng đạn cũng đổ nhào cả thân người xuống đất. Tên lính Miên còn
điên cuồng dí họng súng gần mặt xác chết bắn thêm vài phát nữa. Bấy giờ,
tôi đã ngồi thụp xuống ở xó lều. Thừa lúc lộn xộn đó, trong màn đêm bao
phủ, tôi từ từ bò ra vườn chuối. Khi bò khá xa căn lều tranh, tôi đứng
dậy đi cà nhắc theo đường xe bò. Nhiều tiếng súng nổ sau lưng. Với lòng
cầu sống, dù chân bị sưng, tôi vẫn chạy thục mạng, nhanh như gió. Không
biết bao lâu, đuối sức, tôi nằm ngã ra trên một bãi cỏ. Máu chảy dầm dề ở
hai bàn chân, nhức nhối không tả xiết.
Trời tối đen. Chung quanh yên
tĩnh. Giờ này cũng khuya. Tôi cố gắng vẹt cỏ tranh bò tới. Đường xe bò
được tiếp
nối bằng một con đường đất khá rộng. Tiếp tục bò theo con đường đất,
khoảng tiếng sau, trước mắt tôi hiện ra một bờ hào cao, dài tít tắp, có
bóng người lính cầm súng đứng trên một vọng gác. Tôi đoán đây là biên
giới Thái. Lòng mừng rỡ như được thấy cha mẹ sống lại, tôi chậm chạp bò
đến gần bờ hào. Nhờ trời tối, lính Thái không nhìn thấy, tôi vượt qua
biên giới Thái dễ dàng. Con đường dẫn đến bến bờ tự do đang thênh thang
phía trước. Tôi không ngờ... vẫn còn nhiều hiểm nguy đang chờ đón tôi !
Vướng Cảnh Lao Tù
Qua
khỏi biên giới, trước mắt tôi là đường lộ nhựa. Quên hẳn cơn đau của hai
bàn chân, tôi đứng dậy đi tới. Khoảng 30 phút sau, thấy có nhiều ánh đèn
leo lét trong những ngôi nhà ở xa xa hai bên đường, tôi đoán là nhà dân
nên quẹo vô một lối mòn, đi đến khu nhà bên trái. Tôi vào trúng một căn
nhà bếp, có sẵn cơm, thức ăn trong vài cái nồi trên bếp. Đã nhịn đói
suốt tám ngày, nên quên chuyện phải xin phép chủ nhà, tôi vội lấy dĩa,
muỗng bới cơm, lấy thức ăn. Trong lúc vội vàng, tôi làm rớt cái nắp nồi
gây nên tiếng động lớn trong đêm. Có tiếng người chạy đến. Tôi nhảy ngay
xuống đường mương sau bếp. Vài phút sau, một họng súng M16 chỉa xuống
đầu tôi. Thì ra đây là trại lính
Thái. Tôi bị bắt, đưa vào một ngôi nhà rộng. Tôi nói bằng tiếng Anh là
tôi đói bụng lắm, họ lấy cho tôi dĩa cơm với trứng chiên. Tôi ăn ngấu
nghiến thoáng cái đã sạch dĩa. Vừa ăn xong, tôi bị một anh lính Thái
chỉa súng lục vào đầu, tra khảo :
- Are you vi xi ? ( VC )
Hiểu họ đoán tôi là bộ đội Việt cộng, tôi vội trả lời :
- No vi xi. I am student from Saigon.
- Why you coming here?
- I’m looking for freedom. I just want to go to America
Anh lính Thái gằn giọng:
- I don t believe. You are vi xi.
Ngay sau câu nói là anh đấm vào mặt tôi, và hét lớn:
- You, vi xi., vi xi.
Tôi cũng hét lên :
- No ! I am not a vi xi.
Người
lính Thái càng tức giận, đấm, đá tôi liên tục, còn lấy súng lục nện vào
đầu tôi. Vừa khi thấy máu
đầu chảy xuống lênh láng trên mặt, trên áo thì tôi ngất xỉu. Sáng tỉnh
dậy, đã thấy một người lính Thái già đứng trước mặt. Ông nói tiếng Việt :
- Tôi là trung tá, tư lệnh ở đây. Sao em bị đánh như vầy?
Tôi mếu máo :
- Dạ. Họ nói em là Việt cộng nên đánh em. Em là sinh viên ở Sài Gòn đi tìm tự do.
Vừa nói, tôi vừa lấy ra bọc ni long có vài hình ảnh người thân và thẻ sinh viên đưa cho ông, nói tiếp:
- Ông xem giùm, em là sinh viên trường đại học Văn khoa. Em vượt biên qua đây để xin đi Mỹ.
Ông trung tá Thái xem qua giấy tờ, gật đầu :
- Được
rồi. Em chờ đây, chút có xe đến chở em vào trại tị nạn. Hồi trước tôi
có tham chiến tại miền Nam Việt Nam. Tôi có vợ Việt ở Gia Định. Em an
tâm nhé.
Mừng quá,
tôi yên trí ngồi chờ. Khoảng nửa tiếng sau, xe đến chở tôi đi, nhưng
không chở đi trại tị nạn mà chở đến Ty công an A Ran. Công an Thái tịch
thu hết giấy tờ, hình ảnh trong bọc ni long của tôi và tống tôi vào nhà
tù.
Sau ba ngày giam giữ, họ chở tôi vào trại lính Khmer Tự do ở
trên phần đất Campuchia sát biên giới Thái. Tôi cứ đinh ninh đây là thủ
tục phải như vậy trước khi được cho vào trại tị nạn. Ngờ đâu, lính Khmer
Tự do đem nhốt tôi vào một cái chuồng gỗ thấp lè tè, phải khom khom
người khi xê dịch. Trong chuồng gỗ đã có hai thanh niên người Việt gốc
Hoa. Một người có vẻ lớn tuổi hơn cho biết họ là anh em ruột, ở Chợ Lớn,
bị bắt nhốt vào đây nửa tháng rồi.
Hàng ngày, chúng tôi bị lính
Khmer Tự do bắt đi lao động, đào
hầm, hố, đốn cây, chẻ củi. Họ cho chúng tôi ăn ngày hai bửa cơm trắng
với muối. Mỗi cuối tuần được ăn một bửa cơm với cá hộp. Tôi lo lắng,
không biết phải chịu đựng kiếp lao tù này đến lúc nào?!.
Một buổi trưa, sau khi đào xong cái mương, được cho ngồi nghỉ, tôi hỏi một anh lính Khmer Tự do biết tiếng Việt :
- Anh có biết chúng tôi chừng nào được cho vào trại tị nạn không ?
- Không biết nữa. Khi nào "ông lớn" thấy vui thì thả các anh.
Tôi than thở :
- Tôi bị nhốt ở đây gần tháng rồi. Biết chừng nào "ông lớn" vui đây? Anh có thể thả tôi đi không ?
- Đâu được. Anh muốn tôi bị nhốt như anh hở? Ông lớn nghiêm lắm.
Tôi hỏi dò :
- Hình như trại tị nạn ở gần đây phải không anh?
- Ừa.
Có trại tị nạn NW9 cách đây hai cây số.
Tôi chỉ ra hướng con đường ở xa xa ngoài trại lính, hỏi :
- Thỉnh thoảng tôi thấy có xe Jeep cắm cờ thập tự đỏ chạy ngang. Họ là ai vậy?
- Là
Hồng thập tự Quốc tế. Họ lo cho dân tị nạn trại NW9, và cũng thường
cung cấp gạo cho trại lính chúng tôi để đổi lấy người tị nạn bị "ông
lớn" bắt giữ.
- Vậy sao "ông lớn" các anh không trao đổi chúng tôi ?
- Thì vừa rồi tôi có nói, khi nào ông lớn" vui sẽ trao đổi các anh để lấy gạo.
Được anh nói chuyện cởi mở, tôi hỏi thêm :
- Các anh có phải lính của chế độ Lonnol không ?
- Phải, nhưng bây giờ là lực lương Khmer Tự do của tướng Sonsann.
- Tôi cũng có người anh rễ phục vụ trong chế
độ Lonnol từ năm 1970. Anh rễ tôi tên Thạch Vọng, cấp bực sau cùng là thiếu tá.
Anh lính Miên ngạc nhiên :
- Hả? Thiếu tá Thạch Vọng hả? Phải ổng có vợ người Việt không? Bả tên Mùi, có hai con trai.
Tôi muốn hét lên, nhưng kịp ngăn lại, nói trong xúc động:
- Đúng rồi. Đúng rồi... Anh chị của tôi đó. Rồi tôi hỏi dồn dập :
- Anh quen với ảnh chỉ hở? Bây giờ ảnh chỉ ở đâu ? Có ở đây không ?
Người lính Miên lắc đầu:
- Chết
hết rồi. Khi Polpot vào Nam Vang, đơn vị do ông Vọng chỉ huy rút vào
rừng kháng chiến, đóng trại gần biên giới Thái. Được một thời gian, lính
Polpot tấn công vào trại, tiêu diệt tất cả. Ông bà thiếu tá Vọng và
hai con trai đều bị chúng giết.
ôi sững sờ trước cái tin buồn bất
ngờ này. Niềm hy vọng có ngày anh chị em được trùng phùng đã tan thành mây khói! Tôi bật khóc nức nở.
Tối
hôm đó, tôi không ngủ được. Hình ảnh chị Mùi, anh Vọng và hai cháu cứ
chập chờn trong đầu tôi. Vậy là hết, anh Phùng, anh Thiện, em Hỷ đã mất
vì đất nước, bây giờ thêm tin chị Mùi chết thảm cùng với gia đình, tôi
thật sự không còn người thân ruột thịt nào nữa ở trên đời!
Biết được
ngoài trại có xe Hồng thập tự thường chạy ngang qua, tôi lập kế hoạch
trốn thoát. Sau hơn một tháng bị nhốt, lao động khổ sai, tôi không thể
chờ đợi thêm cái ngày được "ông lớn" của trại Khmer Tự do này vui vẻ tha
cho.
Một buổi chiều, sau giờ lao động gần con đường lớn ngoài trại,
tôi giả vờ đau bụng và xin phép người lính Miên cho
tôi đi giải quyết. Người lính Miên đứng chờ. Tôi chui vào một lùm cây
rậm. Khi thấy người lính Miên châm thuốc hút và lơ đãng nhìn đi nơi
khác, tôi vụt chạy ào ào một quãng xa rồi phóng ra khỏi hàng rào trại.
Vài tiếng súng nổ ở phía sau, nhưng tôi đã chạy tới đường lớn cách trại
khoảng trăm mét. May mắn thay, từ xa có xe Jeep cắm cờ Hồng thập tự chạy
tới. Tôi đứng giữa đường, giơ hai tay lên. Xe ngừng lại trước mặt tôi.
Hai người Mỹ xuống xe hỏi:
- Are you Vietnamese?
Tôi mau mắn trả lời:
- Yes! I am Vietnamese. I came from Saigon. I looking for freedom. Please help me.
- OK! We help you.
Tôi
mừng rỡ như chết đi sống lại, nhảy lên xe Jeep. Nghe tôi khai bị đói,
lạnh trong rừng suốt tám ngày đêm, Hồng thập tự chở tôi vào một bệnh
viện dã chiến trong vùng Khmer Tự do, nằm dưỡng bệnh ba ngày. Tôi được
cho uống thuốc, ăn cháo và các trái cây bổ dưỡng. Đươc sự che chở và
chăm sóc của Hồng thập tự, tôi đã thật sự hồi sinh, nhìn thấy trước mắt
một tương lai tươi sáng. Tôi thầm cảm tạ Trời cao thiêng liêng và Ông
Bà, Cha Mẹ, Anh Chị Em linh hiển đã phù hộ cho tôi được chuyển nguy
thành an.
Sau khi khỏe mạnh, tôi được Hồng thập tự chở vào trại tị
nạn NW9. Bấy giờ là giữa tháng 1/1981. Tôi mừng rơi nước mắt. Cảm ơn
Hồng thập tự Quốc tế. Cảm ơn những tấm lòng nhân ái của nhân viên Hồng
thập tự và Cao ủy Liên hiệp quốc.
Trại Tị Nạn
Trại NW9 là trại tị nạn dành cho người vượt biên đường bộ. Trại nằm
trên lãnh thổ Campuchia nhưng ở sát bờ hào biên giới Thái. Một cây cầu
nhỏ bắc ngang từ bờ hào biên giới qua đến cổng trại. Hàng ngày, nhân
viên Hồng thập tự từ bên đất Thái chỉ bước vài bước trên cầu nhỏ này là
vào trại để làm việc. Ngày đầu được vào trại, lòng rộn ràng vui sướng,
tôi hớn hở nhìn những người tị nạn khác đang tập trung ở gần văn phòng
trại xem bảng niêm yết tin tức hay thư từ. Đồng bào Việt Nam tôi đây.
Tôi có cảm giác thân thiết với tất cả mọi người, luôn miệng cười với
người này, người nọ. Tôi được xếp cho một chổ ngủ trong một dãy lều dài
thuộc khu dân sự. Vài hôm sau, được vài thanh niên cho biết, nếu là bộ
đội Việt
cộng tị nạn chính trị sẽ được cứu xét cho đi Mỹ nhanh hơn. Tôi lên văn
phòng khai mình đã từng là bộ đội, được chuyển ngay qua một dãy lều
trong khu bộ đội. Tất cả bộ đội nơi đây đều từ các đơn vị Việt cộng ở
gần biên giới đào ngũ chạy qua Thái.
Dân tị nạn trong trại sinh hoạt
rất vui vẻ. Dù việc ăn uống có hơi thiếu thốn, nhất là nước, mỗi người
chỉ được bốn lít mỗi ngày để uống và tắm rửa, nhưng ai ai trong trại
cũng được yên ổn sống qua ngày. Vài ba tối thì có nhiều người tụ tập
liên hoan đưa tiễn người được xuất trại. Chỉ với nước trà và bánh, kẹo
đơn sơ, họ mời nhau và đàn ca, nhảy nhót với nhau thật vô tư. Họ an tâm
từ nay không còn phải sống với cộng sản nữa. Qua những buổi liên hoan
đó, tôi
quen thân với một người bạn tên Khúc duy Viễn, cũng là bộ đội tị nạn
chính trị.
Tôi viết thư thăm anh chị Hải Vân và các bạn thân ở thương
xá Rex như Phuợng, Đức, Minh... Một tháng sau, nhận được thư anh Vân và
các bạn, tôi nhảy tưng tưng. Ở trại tị nạn, người ta rất khát khao thư
từ người thân. Nhận được thư là người ta vui lắm. Vui nhất là những
người có thân nhân ở các nước tự do gửi cho tiền. Nhờ đọc báo Văn nghệ
tiền phong, tôi liên lạc được một hội thiện nguyện ở bang Kansas, xin
hội làm hồ sơ bảo lãnh. Tháng rưởi sau, tôi nhận được giấy tờ bảo lãnh
của bà hội trưởng Mai Liên. Nhờ có hồ sơ bảo lãnh này, sau bốn tháng ở
trại NW9, tôi được chuyển đến trại Sikiu, cũng là trại tị nạn đường bộ
nhưng ở sâu trong
đất Thái.
Trại Sikiu được chia thành hai khu. Khu gia đình và phụ
nữ ở chung. Khu khác dành cho thanh niên độc thân, có hai building giống
như nhà tù, bị cách biệt với khu gia đình bằng một vòng rào kẻm gai cao
lút đầu. Building 1 gồm nhiều thanh niên ở trại trên một năm vì không có
thân nhân bảo lãnh, là building nhà giàu, có bàn đánh ping pong và ai
cũng có máy hát nghe nhạc, tiền bạc tiêu xài rủng rỉnh. Đời sống họ sung
túc trong hoàn cảnh tị nạn nhờ họ, ai cũng giả tên con gái đăng báo
Văn nghệ tiền phong, mục tìm bạn bốn phương, dụ dỗ đàn ông độc thân ở Mỹ
gửi tiền, quà cho họ. Tên cô "đực rựa" nào cũng đẹp: Hồng Ngọc, Thu
Thảo v.v... Rồi họ gửi hình của thiếu nữ xinh đẹp nào đó mà họ có được,
làm cánh đàn ông ở Mỹ chết mê,
chết mệt. Thời đó, đàn ông độc thân bên Mỹ chịu cảnh khan hiếm đàn
bà, khao khát tình cảm lắm, nên dốc túi gửi tiền và quà lia chia cho các
cô
bạn "đực rựa” này, hy vọng sẽ bảo lãnh được một cô vợ đẹp như tiên.
Building
2 là building nhà nghèo gồm những bộ đội tị nạn chính trị mới đến như
tôi. Đa số là dân bộ đội có gốc rễ ở Sài Gòn hay miền Tây, trong hoàn
cảnh tị nạn nghèo rớt mùng tơi vẫn còn tánh ăn chơi. Hàng đêm các chàng
ta tụ tập thành từng nhóm ca hát, ôm nhau nhảy đầm, rồi kết bè, kết đảng
quánh lộn, thường bị an ninh trại kéo ra ngoài building đánh cho một
trận. Tôi cứ an phận sống qua ngày tháng. Ban ngày thì lặng lẽ đi vòng
vòng trong khu độc thân, nhìn cảnh sinh hoạt mua bán nơi cổng trại, hoặc
trò chuyện với Viễn. Mỗi tối, tôi thui thủi một mình trên cái chiếu trải
trên sàn nhà ở một góc building. Đi tìm đời sống tự do, không phải là
tự do kết bè đảng để đánh người hay bị người đánh !.
Hai tháng sau, tôi được phái đoàn Mỹ vào trại làm hồ sơ phỏng vấn, chụp hình. Thêm
ba tháng rưởi nữa, tôi được chuyển đến trại Phanatnikhom. Được rời trại
Sikiu, tôi mừng như người vừa ở tù ra.
Trại Phanatnikhom là trung
tâm tị nạn lớn nhất ở Thái Lan, gồm người vượt biên từ các trại đường bộ
và đường biển đã có hồ sơ bảo lãnh của thân nhân hay hội đoàn. Họ được
chuyển đến đây để chờ được phái đoàn các nước thứ ba phỏng vấn chính
thức, quyết định cho đi định cư hay không. Ở trung tâm này có đủ các sắc
dân tị nạn: Việt, Miên, Lào. Vì quá đông nên trại không tổ chức phát cơm
canh nấu sẵn cho người tị nạn, mà mỗi tuần phát thực phẩm cho từng tổ
độc thân hay từng gia đình để tự nấu ăn. Tổ độc thân tôi có năm thanh
niên. Cả tổ lãnh thực phẩm về rồi chia nhau ai muốn nấu ăn sao thì tùy.
Sinh hoạt ở trung tâm vui nhộn như trong một thị trấn. Có chợ bán đủ
loại hàng hóa và nhiều hàng quán bán thức ăn, thức uống như cơm dĩa, hủ
tíu, cà phê, bánh mì, nước sinh tố... Dân tị nạn có thân nhân gửi tiền
thì tha hồ vui chơi, tiêu xài ở chợ và các hàng quán này. Phượng, Đức ở
thương xá Rex giới thiệu tôi với người bạn của hai cô ở bang California
tên Nguyễn ngọc Lưu. Tôi được Lưu gửi cho 50 dollars. Nhờ vậy, thỉnh
thoảng tôi cũng vào quán
phong lưu chút đỉnh sau gần một năm gian truân khổ ải trong hành trình
viễn xứ.
Giữa tháng 11 / 1981, tôi được phái đoàn INS Mỹ chính thức
phỏng vấn và chấp thuận cho tôi đi Mỹ. Nhìn hai chữ OK của nhân viên INS
phê vào hồ sơ, tôi mừng quá cỡ, cả người nhẹ hẫng như muốn bay lên trời.
Tình Đầu Đời Tị Nạn
Nỗi
mừng được phái đoàn Mỹ chấp thuận chưa tiêu hóa xong thì qua hôm sau tôi
lại có thêm một niềm vui khác không thể nào ngờ trước được. Tôi từ cửa
phòng thư tín chen ra khỏi đám đông, vừa đi vài bước thì gặp một thiếu
nữ đang đi tới. Cô mặc áo thun trắng ngắn tay bó sát thân mình và cái
quần Jean xanh. Nhìn phục sức trẻ trung và khuôn mặt kiều diễm của cô,
trông quen quá. Tôi ngẩn người nhìn cô một thoáng và bật reo lên :
- Trời ơi...Diệu !
Cô gái ngỡ ngàng nhìn tôi rồi cũng reo lên :
- Anh Quý ! Sau tiếng reo là Diệu nhào tới quàng hai cánh tay qua hai vai tôi, ôm chặc lấy tôi và nói trong xúc động :
- Anh Quý. Em không ngờ được gặp anh ở đây.
Tôi
cũng ôm chặt
cô, lòng bồi hồi, vui sướng. Trong hoàn cảnh tị nạn xa xứ này lại được
gặp cố nhân. Người con gái xinh đẹp ở Thị Nghè ngày nào có với tôi tình
thân thiết, và một thời gian tôi đã nhớ nhung cô muốn phát điên vì ám
ảnh nụ hôn đầu đời do cô chủ động ban cho. Buông nhau ra, tôi mời Diệu
vào quán. Chúng tôi ngồi sát bên nhau, vừa ăn uống vừa chuyện trò vui
vẻ. Tôi nói :
- Từ sau tháng 4 / 1975, không còn gặp Diệu, anh nhớ quá chừng.
- Sao anh không đến gặp em?
- Ngay ngày 1 tháng 5 anh có đến tìm Diệu mà cả nhà Diệu đi vắng. Sau đó,
phải lo toan đời sống mới nhiều khó khăn, anh không có dịp đến thăm em.
Khoảng tháng 11 / 1975, anh nhớ em quá nên đến nhà em ở xóm chợ Thị Nghè thì em đã dọn nhà đi đâu rồi. Thấm thoát đã năm
năm rưởi rồi hở Diệu.
- Đời sống mới trong chế độ Việt cộng khó khăn
thiệt. Bố em bị đi tù "cải tạo". Mẹ bán nhà để lấy tiền nuôi Bố, nên dọn
đến căn nhà nhỏ khác. Em sống đời con gái nhà nghèo, hết vui chơi phóng
túng như trước.
Tôi nhìn Diệu mỉm cười :
- Đời sống con gái nhà nghèo mà Diệu vẫn đẹp. Bây giờ Diệu đẹp hơn xưa nhiều lắm.
Diệu cũng mỉm cười, không phủ nhận sắc đẹp của mình :
- Có đẹp hơn mà tình thì thiếu vắng !...
Sau
câu nói, Diệu nhìn tôi với ánh mắt long lanh. Tôi muốn chìm sâu vào đôi
mắt đẹp của Diệu. Sự rung động của cái tình nam nữ mà từ lâu tôi đã quên
đối với Diệu bây giờ lại nổi lên mạnh mẽ trong tim tôi...
Ăn uống xong, Diệu nói :
- Thôi, mình đi anh. Về
chổ em chơi nhé. Gặp mẹ em luôn. Mẹ em cũng hay nhắc đến anh.
Ra tới đường, Diệu nhoẻn miệng cười nhìn tôi :
- Anh nắm tay em đi. Như hồi ở Thị Nghè vậy.
Tôi
nắm lấy bàn tay mềm dịu, mịn màng của Diệu, lòng lâng lâng vui sướng.
Trời buổi chiều mùa Đông se se lạnh. Diệu đi nép vào tôi như người tình
bé bỏng. Diệu hỏi :
- Anh Quý đã có vợ chưa?
- Đã ai yêu anh đâu mà có vợ.
- Vậy anh đi Úc với em nhé.
- Hôm qua, anh mới được INS phỏng vấn cho đi Mỹ.
- Tiếc quá! Em cũng thích đi Mỹ lắm. Nhưng em có người chị ruột ở Úc, nên
mẹ muốn đi Úc. Vài ngày nữa mẹ và em sẽ được phái đoàn Úc phỏng vấn.
Về
tới chổ Diệu ở, dì Sáu, mẹ Diệu, cũng vui mừng khi bất ngờ gặp lại tôi.
Nói
chuyện một hồi, dì Sáu nói : "Hai con cứ nói chuyện đi, mẹ qua thăm bà
bạn mới đến trại". Khi dì Sáu đi rồi, Diệu kéo tấm màn che chổ ngủ của
cô. Hai đứa tôi có khoảng không gian riêng tư để tâm tình. Tôi hỏi : -
- Còn bố đâu Diệu ?
Diệu buồn rầu trả lời:
- Bố em mất rồi. Bố chết rất thảm trên biển...
Diệu
lấy tay dụi đôi mắt vì xúc động rồi kể cho tôi nghe hành trình vượt biển
của cô : "Bố em đi tù cải tạo về vài tháng thì cùng mẹ và em vượt biên.
Thuyền em có 43 người, gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Đi được sáu ngày,
tàu chết máy, lênh đênh trên biển. Rồi một tàu hải tặc Thái áp sát.
Chúng 13 tên trang bị nhiều vũ khí nhảy sang tàu em. Chúng lục soát
tất cả mọi người, cướp hết mọi thứ vàng, bạc, nữ
trang. Sau đó, chúng lôi các cô trẻ đẹp ra để thỏa mãn thú tính. Em
cũng..." Diệu ngập ngừng không nói tiếp, rồi gục vào vai tôi. Tôi hiểu
chuyện gì đã xảy ra cho Diệu. Tôi xúc động nắm chặt bàn tay Diệu, im
lặng. Vài phút trôi qua, Diệu kể tiếp "Bố thấy em bị làm nhục thì nhào
tới chống cự, bị hai tên hải tặc túm đánh, lấy súng nện liên tục lên đầu
bố rồi ném xác bố xuống biển. Sau khi thỏa mãn, chúng về lại tàu rồi cho
tàu húc lủng thuyền em. Nước tràn vào và thuyền lật. Em và mẹ mỗi người
may mắn bám được một mảnh gỗ trôi vào bờ, được người Thái đưa vào trại
Songkhla. Vào trại rồi em mới được gặp lại mẹ. Nghe mẹ nói, số người
trên thuyền bị chết hết 23 người".
Kể xong chuyện buồn, Diệu im
lặng, mắt có ngấn lệ.
Tôi không biết nói gì để an ủi Diệu, chỉ biết bóp nhẹ bàn tay Diệu, im
lặng cảm thông. Một lát sau, bổng Diệu ôm ghì lấy tôi, đôi mắt lá răm
tuyệt đẹp nhìn sâu vào mắt tôi như hớp hồn tôi, rồi hôn tôi say đắm. Lần
thứ hai tôi được Diệu chủ động hôn. Nụ hôn lần này kéo dài càng ngọt lịm
bờ môi, truyền dẫn vào người tôi cảm giác đê mê, ngây ngất. Không tự
chủ được trước hương sắc và sự nồng nàn của Diệu, tôi cũng ôm chặt cô,
say sưa hôn lại. Diệu thỏ thẻ ngọt ngào bên tai tôi:
- Anh Quý. Em đã yêu anh từ hồi còn ở Thị Nghè.
Tôi cảm động :
- Sao em không nói cho anh biết ?
- Tại em thấy anh có vẻ
không yêu em. Anh chỉ coi em như bạn. Anh có hỏi em, người em thật sự yêu là ai. Em không nói vì... chính là anh đó.
Lòng xao xuyến, tôi nói với giọng run run :
- Anh cũng yêu em... Chẳng qua hồi đó... anh có nhiều mặc cảm...
- Vậy bây giờ...anh yêu em đi...
Diệu vừa nói với giọng nhiều cảm
xúc vừa quàng hai cánh tay trắng nõn nà quanh cổ tôi, kéo tôi cùng nằm
xuống...Từ hôm đó, tôi luôn khăng khít
bên Diệu. Một tuần sau, tôi có tên trong danh sách xuất trại đi đảo
Galang, Indonesia. Ngày cuối ở bên nhau, Diệu tha thiết nói:
- Chúng mình đã có với nhau kỷ niệm đẹp tuyệt vời. Mai đây mỗi người một phương trời, chúng mình sẽ vẫn luôn nhớ đến
nhau. Nha anh.
Tôi xúc động :
- Anh cảm ơn em...Anh sẽ nhớ mãi về tình yêu em dành cho anh.
Hôm
sau, Diệu tiễn tôi lên đường. Phút biệt ly giữa hai người yêu nhau buồn
não nuột. Diêu rươm rướm nước mắt. Chúng tôi ôm nhau thật lâu lần cuối.
Tôi hôn lên hai má Diệu rồi lặng lẽ đi theo đoàn người chuyển qua Transit Center, đối diện với Trung tâm Phanatnikhom.
Ngoái
nhìn lại,
thấy Diệu vẫn còn đứng nhìn theo với đôi mắt buồn vời vợi, tôi giơ tay
vẫy vẫy. Diệu vẫy tay lại. Chào biệt Diệu. Chào biệt cuộc tình đầu đời
tị nạn !...
Tự Do Ơi...Tự Do !
Sau bốn ngày ở Transit Center, tôi và nhiều người được xe Bus chở đến một trạm chuyển tiếp gần thủ đô Bangkok, nằm chờ ba ngày.
Khi
có chuyến bay, chúng tôi được phát mỗi người một túi thức ăn và lên xe
Bus đến phi trường Bangkok. Cảnh đêm thủ đô Bangkok thật đẹp với muôn
ánh đèn màu. Ngồi chờ ở phi trường hai tiếng thì đoàn người tị nạn lần
lượt lên máy bay. Nửa tiếng sau, máy bay cất cánh. Lòng tôi phơi phới,
vui như ngày lễ hội. Khoảng ba tiếng sau, máy bay đáp xuống phi trường
Singapore. Hôm sau, chúng tôi được chuyển đến đảo Galang, Indonesia bằng
thuyền lớn. Tại đảo, tôi gặp lại Viễn, đến trước tôi một tháng. Chúng
tôi càng thân với nhau hơn. Rồi Viễn cũng lên đường đi
Mỹ trước tôi. Nghe theo lời Viễn, tôi chuyển hồ sơ đi theo bảo lãnh của
người anh bà con Viễn là anh Dương Minh Hiệp ở bang South Dakota.
Sau
bốn tháng rưỡi ở Galang 2, học văn hóa Mỹ và thêm chút tiếng Anh, tôi
được rời đảo ngày 21/4/1982. Ở thêm ba ngày trong trạm chuyển tiếp
Singapore, tôi chính thức được lên đường đi định cư tại Hoa Kỳ ngày
24/4/1982.
Hành trình viễn xứ của tôi đã tới đích. Khát Vọng Tự Do
của tôi giờ đây được toại nguyện. Tôi đã thật sự đặt bước chân lên miền
đất Tự Do mà tôi hằng mong ước từ bao năm qua. Xin chào UNITED STATES OF
AMERICA - Đất nước tự do, dân chủ, văn minh, nhân bản và giàu mạnh nhất
thế giới. Một lần nữa, tôi thầm cảm tạ Trời cao thiêng liêng, Ông Bà,
Cha Mẹ, Anh Chị Em linh hiển đã phù hộ
cho tôi, trong hành trình nhiều gian truân, trắc trở, được may mắn
chuyển nguy thành an. Tự Do ơi...Tự Do ! Tôi đã có được Người !
....
Xin cảm ơn Chính phủ Mỹ, Nhân dân Mỹ đã nhân ái dang rộng vòng tay đón nhận tôi và cưu mang tôi 28 năm qua.
Trưa
nay, trời cuối thu se se lạnh, tôi đến viếng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân
Việt Nam trong khuôn viên nghĩa trang Westminster, tọa lạc trên đại lộ
Bolsa góc đường Hoover, quận Cam. Tôi cúi đầu thật lâu trước Tượng Đài
để tưởng niệm tất cả vong linh Đồng bào Việt Nam đã bỏ mình trong Hành
Trình Tìm Tự Do.
Đã có khoảng 200 ngàn người Việt tử nạn trên biển
cả trùng khơi hay nơi rừng sâu, nước độc bởi đói khát, bão tố, biển
động, hay hải tặc hãm hiếp, giết chết. Trước Tượng Đài có tấm
bảng đồng ghi:
"Tưởng niệm đến hàng trăm ngàn Thuyền Nhân, Bộ Nhân
Việt Nam đã chết trên đường tìm Tự Do, Nhân Phẩm, Nhân Quyền. Gợi nhớ về
cuộc hành trình đầy đau thương và khổ nạn của hàng triệu người Việt rời
bỏ Quê Hương sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 vì không chấp nhận chế độ Cộng
sản. Lưu truyền chứng tích đến các thế hệ mai sau về nguyên nhân sự
hiện hữu của người Việt tại Hoa Kỳ và các quốc gia Dân Chủ, Tự Do trên
thế giới".
Tôi lại cúi đầu thật lâu trước Tượng Đài. Những
Thuyền Nhân, Bộ Nhân đã chết trên đường vượt biển hay đường bộ để cho
nhiều người thân ruột thịt được sống, được đến bến bờ Tự Do an toàn.
Nhờ đó, ngày nay đã có hơn ba triệu
người Việt được sống đời an bình, thăng tiến tại hải ngoại. Và mai đây,
sẽ có biết bao nhiêu người con ưu tú của Tổ quốc Việt thuộc thế hệ thứ
hai, thứ ba trở về quê hương Việt không cộng sản, đem tài năng, kiến
thức học được nơi xứ người để xây dựng nước Viêt nhanh chóng trở thành
cường quốc.
Cá nhân tôi ngày rời xa quê hương, hành trang lên đường
là ý chí của Tống Biệt Hành : "Ly khách! Ly khách! con đường nhỏ. Chí
lớn không về, bàn tay không. Thì không bao giờ nói trở lại...". Nên tôi
cũng đang âm thầm hoạt động trong một tổ chức chính trị, với hoài bão
được đóng góp tất cả tâm trí, tài sức vào công cuộc đấu tranh chung của
toàn dân Việt trong và ngoài nước, nhằm xoá tan bóng tối đêm đen trên
quê hương Việt Nam. Cho
những đau thương, thù hận của một thời nô lệ ngoại bang sẽ bị nhạt nhòa,
tiêu tán vào dĩ vãng của lịch sử đã sang trang. Cho những xiềng xích,
chuyên chế, hung tàn, bạo ác của cộng nô phải bị sụp đổ, tiêu vong. Cho
viết lên trang sử mới của bình minh nước Việt ngày xanh tươi rạng rỡ,
huy hoàng, kiến tạo nên một xã hội mới thật sự dân chủ, tự do, văn minh,
nhân bản, công bình, bác ái để toàn dân Việt mãi mãi được sống
an hòa, vui sướng, hạnh phúc.
Kính nguyện cầu Đấng Thiên Thựợng Đế tối cao và Hồn thiêng sông núi phù hộ cho toàn dân Việt sớm có ngày "đắc
lộ thanh vân", đưa nước Việt lên đỉnh đài vinh quang thịnh trị ngàn đời.
- Ghi dấu 30 năm rời xa quê hương: 1980 - 2010