November 30, 2007

Thơ anh Lê Văn Hưng từ trại Site II- 1985

Ngày 17 tháng 3, năm 1985.

“Ở vùng biên giới Thái và Miên này, hai tiếng ”mùa khô” dù được nói lên bằng một giọng dịu dàng và nhẹ nhàng thế mấy cũng vẫn mang một âm hưởng đe dọa, một âm hưởng có khả năng tạo kinh hoàng cho dân tị nạn Việt Miên.

Mùa khô năm 1983, tôi đứng bên bờ đập O Bychon, dưới mây trời nắng lóa. Toàn vùng chỉ là một cánh đồng cỏ tranh bị đốt cháy đến tận gốc. Dân tị nạn ngơ ngác đứng chờ đợi cơn pháo kế tiếp đuổi theo từ sau lưng.

Bên này là khốn khổ, là chết chóc, còn bên kia là tự do, là an bình. Hai bên chỉ cách nhau có một bờ đất cao một thước. Tôi và đồng bào tôi ở bên này đứng ngóng cổ nhìn sang bên kia với những đôi mắt thèm khát. Ôi những tàn cau lung lay trước gió, những tàu dừa lả ngọn, những thôn xóm ẩn hiện sau lũy tre kia. Chúng tôi đã tìm thấy ở đó hình ảnh quê hương thanh bình thuở trước.

Mùa khô năm 1984, tại Non Samet, chúng tôi lo âu lắng nghe tiếng ”depart” của Việt cộng và nhìn theo những lằn đạn pháo bay qua đầu, rơi vào đất Thái. Chúng tôi, những người làm ở phòng y tế (Việt Nam Outpatient Department) lo di tản những người bệnh nặng và tàn tật đi trước, vì ARC (American Red Cross?) được biết Việt cộng đã dàn xe tăng chuẩn bị tấn công lớn vào chỗ dân tị nạn Việt Miên.

Chúng tôi thức hầu như suốt đêm trong đợt tấn công mùa khô 1984. Sự ồn ào cũng như sự yên tĩnh làm chúng tôi lo sợ và bực bội trong tình huống ấy.

Hạnh phúc đối với tôi bây giờ thật là đơn giản và nhỏ nhoi. Tôi không mơ đi định cư. Tôi cũng không mơ những tiện nghi vật chất. Tôi đang chờ hứng đủ một xô nước để dội mạnh đi những mồ hôi và đất cát đã bám trên cơ thể sau một ngày và một đêm chạy giặc từ Dongrek Platform (Site A) rồi sau đó nằm dài trên mặt đất ngủ để lấy lại sức.

Dưới ánh nắng gay gắt của buổi chiều, dân tị nạn Việt lẫn Miên bu đen nghẹt quanh những bồn nước của UNBRO. Suốt một ngày và một đêm, chúng tôi không có một hạt cơm hay một giọt nước để uống.

Những đôi mắt héo hắt nhìn một cách vô-cảm-ứng về những diễn biến chung quanh vì quá mệt mỏi. Chúng tôi đi lấy nước vì thấy mọi người lũ lượt đi, và vì một ý thức mờ mờ chứ không rõ ràng, rằng đi lấy nước cốt để làm việc này hay việc kia.

Ngay từ những tiếng pháo đầu tiên, khu vực Site I dành cho dân Miên đã di tản vào Site II, còn chúng tôi chạy theo dân Miên ở Site A hướng về Site II. Đến nửa đường, lính Thái bảo chúng tôi dừng lại ngủ qua đêm ở đó.

Gần sáng ai cũng hy vọng Cộng quân đã ngưng đánh. Một số người trở về Site A để lấy đồ đạc. Bất ngờ, Cộng sản dùng ”Pháo bầy” bủa xuống hướng Dongrek cũ. Dân tị nạn tốc cả đồ đạc, bỏ gạo, bỏ hành lý để chạy lấy thân. Có người lạc cả vợ con.

Tiếng pháo lúc gần, lúc xa, kéo dài đến khoảng trưa. Dân tị nạn đã tiến về tới Site II. Xế chiều, chúng tôi lo ổn định lều ở tạm. Vài ngày sau, ban đại diện phân lô và sắp xếp lều thành đường lối.

Mặc dù thỉnh thoảng vẫn còn nghe tiếng súng và có nhiều tin đồn không lành rằng Việt Cộng sẽ đánh vào Site II để lùa dân về đất Cambodia, chính quyền Thái vẫn cho rào trại Việt và Miên lại một cách quy mô bằng trụ xi măng và kẽm gai. Một hình thức trại tù theo khuôn mẫu NW 82 chăng?

Nhiều lần tôi hỏi các giới chức hội HTTQT về tình hình an ninh ở Site II, họ trấn an rằng:

”Đây là đất Thái rồi, anh cứ yên tâm!”

Nhưng dân Việt nam chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm về Cộng sản rồi, làm sao chúng ta tin rằng Cộng sản sẽ tôn trọng lằn biên? Hằng đêm chúng tôi cứ sống trong lo sợ và phập phồng. Không biết ngày nào Site II lại phải bỏ chạy dưới lằn đạn pháo.

Đầu mùa khô năm 1985, chúng tôi cũng sống trong lo âu như thế. Dân chúng bỏ nhà, bỏ cửa lên ODP, nhà CARE, và ban đại diện để ngủ cùng với hành lý vì họ sợ rằng nếu ở quá xa ngoài bìa trại, họ sẽ khó thoát ra ngoài khi bị pháo kích.

Có lần mọi người la hét một cách kinh hoàng vì họ nghe thấy tiếng xe tăng, nhưng sau đó, lính Thái đến xác nhận đó là xe tăng của Thái. Có đêm chúng tôi bỏ chạy vào chân núi khi có tiếng pháo, vì lúc chiều có tin báo cho biết Cộng sản chuẩn bị tấn công. Vị trí của chúng chỉ cách Dongrek có hai hay ba cây số.

Nhưng chiến tranh đã không xảy ra mãi đến một buổi chiều thật yên tĩnh. Vào lúc 5 giờ chiều hôm đó, mọi người đang lo sửa soạn ăn tối, thì sau một hai tiếng ”depart”, đạn đã rơi chớp nhoáng vào Dongrek.

Trại Việt nam chỉ bị pháo xung quanh, ông già Nê đã cầm loa đốc thúc mọi người ra khỏi trại. Dân tị nạn đã theo con đường độc nhất vào đất Thái. Đến nửa đêm, Thái ra lệnh ngừng lại chờ lệnh trên. Suốt đêm ấy, hội HTTQT đã phái cô Eureka và Dr. Ian đi cứu thương ở Dongrek. Chỉ có mội ít người bị thương nhẹ về phía Việt nam. Một người Việt ra khu Miên chơi, bị trúng pháo và chết trên trại Khao Y Dang.

Về phía Khmer thì có khoảng ba mươi người chết. Đến trưa hôm sau, có một số người được đi Panatnikhom Transit Center. Họ được tập trung tại bãi đất trống trong rừng rồi đi bộ qua Site II. Ở đó, xe buýt đón họ đi Panatnikhom. Tình trạng đó đã làm những người ở lại tủi thân và xuống tinh thần.

Trước khi Dongrek mất, tôi đã gửi một lá thư để có đôi lời biết ơn các vị ân nhân đã lên tiếng nói giúp đỡ trại Dongrek, và một thư kêu cứu, báo động rằng Dongrek đang hấp hối. Bây giờ thì Dongrek đã thực sự chết, và những người ở Dongrek còn sống sót sau cơn bão lửa đang chờ đợi một phát ân huệ. Dân tị nạn đang sống trong ngắc ngoải vì chờ được định cư quá lâu, vì đau khổ ở biên giới, vì bệnh tật, vì thiếu dinh dưỡng.

Còn một nơi chốn nào để dân tôi đến hay không? Thế giới tự do hãy nói đi! Hãy cho chúng tôi biết một cách thành thật về lý tưởng, quan đểm của quý vị đi. Chúng tôi là những người yêu tự do đã từ chối Cộng sản và cũng đã bị Cộng sản từ chối, không lẽ cũng bị đồng minh mình từ chối nốt hay sao?

Tôi tin tưởng nơi thế giới tự do và nhất là người Mỹ, vì người Mỹ có liên hệ trực tiếp vào cuộc chiến Việt Nam. Người Mỹ phải có trách nhiệm đối với dân tị nạn ba nước Đông Dương. Chúng tôi ngày nay phải lãnh chịu những cơ cực thế này, một phần cũng vì chính sách buông tay của người Mỹ.

Tuy là tin tưởng vậy, nhưng không khỏi có những lúc tôi phải băn khoăn, liên tưởng đến câu nói của thủ tướng Sirik Matak của Cambodia lúc mà ông từ chối chạy trốn khỏi nước:

”Chúng tôi cầu chúc qúy vị được vui vẻ hạnh phúc. Chúng tôi chỉ phạm một lỗi, đó là lỗi quá tin tưởng nơi người Mỹ!”

Ở đây, chúng tôi cũng xin cầu chúc Mỹ quốc được hạnh phúc, bình an, để trong sự yên vui ấy, người Mỹ sẽ có đủ lòng quảng đại và quay nhìn lại một trách nhiệm mà họ đã lơ là: đó là trách nhiệm đối với dân tị nạn Đông Dương nói chung và dân tị nạn đường bộ Việt nam ở Dongrek nói riêng.

Cuối thư, tôi xin gửi đến thế giới tự do lời kêu cứu này:

-Nếu Dongrek không được giải quyết sớm, e rằng đồng bào tị nạn sẽ gánh chịu một trận chiến lùa dân, và lần này ai có thể cả quyết rằng chúng tôi sẽ may mắn hơn những lần trước? Nếu Cộng sản thành công, một thảm kịch O'Smack năm 1982 lại tái diễn như cảnh một đoàn tị nạn bị xâu thành xâu bằng giây kẽm gai, lùa xuống bunker rồi bị ném lựu đạn giết chết.

Tôi biết rằng dù việc ấy có xảy ra cũng chẳng có một tổ chức nào đụng đến lông chân của các nước tự do. Nhưng tôi nghĩ rằng LƯƠNG TÂM của các vị lãnh đạo, của từng người dân tự do, là lịch sử thế giới trong cuối thế kỷ 20 này sẽ đeo đưổi phê phán những người có trách nhiệm đến muôn niên.

Xin qúy vị cầu bình an cho đồng bào tị nạn chúng tôi tại trại Site II này!”

Lê Văn Hưng

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes