June 27, 2013

Còn Lại Gì Sau Ngày Hội Ngộ…

Sau gần ba thập niên định cư tại các nước thứ ba, lần đầu tiên những người Việt đã từng sống trong các trại tị nạn đường bộ dọc biên giới Thái-Miên đã thực hiện một buổi Hội Ngộ tại Montreal, Canada. Ngày 22/6/2013 đã trở thành một ngày lịch sử trong đời tôi cũng như trong lòng của bao bạn bè tị nạn.

Đền thánh Giu-se nổi tiếng tại Montreal được chọn làm nơi hội ngộ đầu tiên, vì những người tị nạn muốn bày tỏ lòng biết ơn của họ với các vị ân nhân đã cứu vớt họ ra khỏi cuộc sống khốn khổ của những ngày tị nạn, và đưa họ đến bến bờ tự do; trong số các vị ân nhân vĩ đại ấy, các linh mục và nữ tu dòng Thánh Giá Montreal là những tấm lòng vàng đã bảo trợ hằng ngàn người Việt tị nạn ngày nay đang sinh sống tại Montreal, Toronto, Ontario và rải rác nhiều thành phố khác. Hơn nữa, nối tiếp truyền thống cao đẹp của linh mục Andre Lamothe đã khuất, cha Pierre Dufour giám quản Đền Thánh đã ưu ái và dành mọi sự dễ dãi cho bà con tị nạn Việt sử dụng khu vực Đền Thánh cho cuộc hội ngộ này.

Vì thế, từ đêm thứ Sáu 21/6/2013, hằng trăm người Việt từ Toronto, Ontario, Ottawa, Quebec, Connecticut (Mỹ), Boston (Mỹ) đã lái xe suốt đêm nhiều trăm cây số để tuốn về Đền Thánh Giu-se, nơi họ nao nức gặp lại các bạn bè đã một thời cộng khổ và gần 30 năm xa cách. Ngoài ra, có những tốp người khác đến từ Hoa-Kỳ như Los Angeles và San Francisco, Stockton (California), Florida, Dallas & Houston (Texas), Washington D.C., Boston (Massachusetts), Philadelphia, Seattle (Washington), Atlanta (Georgia), New York, Louisiana… Xa hơn nữa, có những người đến từ Pháp quốc, Thụy-sĩ, Thái-lan để tham dự cuộc hội ngộ này. Con số tham dự lên đến gần 300 người gồm các anh chị em tị nạn và con cái cũng như một số bạn bè của họ. Phần lớn họ đã trải qua những ngày tháng kinh hoàng của các trại tị nạn NW82, Nong Chan, Nong Samet, Aran, Red Hill, Dongrek, Site A, Site 2 và Ban Thad.

Có thể nói gạch nối quan trọng nhất của buổi hội ngộ này không ai khác hơn là cha Thomas Dunleavy, một linh mục hội thừa sai Maryknoll đã và còn đang tận tụy cống hiến cuộc đời cho biết bao người tị nạn, chẳng những từ Việt Nam, mà con bất kỳ từ nơi nào trên thế giới không phân biệt tôn giáo. Sau hơn 30 năm với người tị nạn, ngài vẫn đang phục vụ những người tị nạn khác tại Thái-lan trong tuổi bát tuần. Con người nhân ái vĩ đại này đã đem đến cho người tị nạn chẳng những các nhu yếu phẩm để vượt qua tháng ngày kham khổ mỏi mòn trong các trại tị nạn biên giới, mà còn nhen nhúm lên trong lòng họ một niềm tin và hy vọng nơi sự cứu vớt quan phòng của Thiên Chúa nhân từ. Bởi thế, anh em ban tổ chức đã muốn dùng cơ hội này để cùng với các anh chị em tị nạn đường bộ bày tỏ lòng tri ân ngài cũng như các vị ân nhân khác bằng việc quyên góp nhỏ bé hầu hỗ trợ ngài trong những công tác bác ái cứu trợ còn dang dở.

Ai đã từng trải qua cuộc đời tị nạn, mới thấy trân quý cuộc sống tự do giờ đây họ đang được hưởng trên xứ người, mà nếu không có những con người suốt đời xả thân sống cho người khác như các linh mục đã khuất (cha Pierre Ceyrac, S.J., cha Martin Jenco, O.S.M., cha André Lamothe, S.J., cha John Birmingham, S.J….) và những tấm lòng vàng vẫn đang sống và vẫn chưa mệt mỏi với lý tưởng phục vụ như cha Tom Dunleavy, cô Martine Bourquin (một người nữ y tá thuộc hội Hồng Thập Tự Quốc Tế cũng có mặt trong dịp này)… có lẽ họ đã không thể có ngày hôm nay.

Giấc mơ của ba người bạn tị nạn –Trịnh Huy Chương (Montreal), Vũ Hoàng Quân (Laval), và Nguyễn Phan Hưng (Seattle)– từng tạm dung trong trại tị nạn Dongrek với những cuộc tản cư kinh hoàng cuối cùng đã thành sự thật. Dưới làn mưa mỏng của bầu trời Montreal như dấu hiệu của ân phước cho ngày hội ngộ, những người bạn của 30 năm xa cách đã tây bắt mặt mừng với những cái ôm thắm thiết, hàng trăm trái tim đã đập cùng một nhịp thổn thức ôn lại những ngày tháng điêu linh nơi vùng biên giới, và cùng hòa lên một khúc hát tri ân Thiên Chúa cũng như các vị ân nhân đã giúp họ đến được bến bờ tự do để có được cuộc sống như hôm nay. Mười hai tiếng đồng hồ gặp gỡ trôi nhanh nhưng cũng đủ nói lên mối giao cảm diệu kỳ nếu không nói là vĩnh cửu của những người tị nạn với các ân nhân của họ. Những giọt nước mắt cảm động hòa lẫn với những nụ cười giòn dã đã kết thành một giai điệu tuyệt vời của đồng hương tị nạn Việt, những người dù thành công trên đất khách vẫn không quên nguồn gốc của mình.

Cho đến giờ phút này, ngày Hội Ngộ đã qua rồi, ai cũng đã về nhà nấy và trở lại với công việc thường nhật. Nhưng lòng tôi như vẫn còn vương vấn ở Montreal, với hình ảnh của biết bao người bạn thân mến của 30 năm về trước.

Đối với tôi, đây không chỉ là cuộc Hội Ngộ đặc biệt sau 30 năm xa cách, để gặp lại các bạn thân đã một thời cùng khổ, gặp lại các ân nhân đã tận tụy và vẫn còn miệt mài với những người cùng khốn. Cuộc Hội Ngộ đã đến thật nồng nhiệt, nhưng khi chia tay tôi mới cảm nhận được đây là dịp bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Bừng tỉnh, vì tôi đã quá bận rộn với cuộc sống trên xứ người, vùi đầu trong công việc và những bổn phận, đến nỗi quên đi những gì mình đã trải qua. Có những thứ cần phải quên để có thể tiến tới và sống. Song có những thứ phải nhớ để thấy giá trị cuộc sống hiện tại. Những ngày tháng tị nạn bên nhau và những ân phước đã lãnh nhận trong quãng thời gian ấy là những thứ không được phép quên.

Cuộc Hội Ngộ cũng là một cơ hội chữa lành cho một số người mà các vết thương thời gian tị nạn quá đậm sâu khiến ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống nơi định cư. Chia sẻ được những đau đớn của mình cho những người bạn cùng cảnh ngộ, lòng họ như trút được bao dằn vặt chôn kín từ nhiều năm qua, để khởi đầu lại một cuộc sống mới có anh chị em thấu hiểu và nâng đỡ.

Tôi không có được cái hạnh phúc của những anh chị em mang theo con cái mình đến nơi Hội Ngộ. Thế hệ thứ hai cần phải biết và hiểu được cha mẹ chúng đã trả giá cho tự do thế nào, để ngày nay chúng được hưởng cái tự do mà không cần phải tranh đấu ấy. Các bạn ấy đang để lại cho con cái mình một di sản quý báu, một di sản được tạo nên bằng chính công cuộc vượt biên gian khổ, và những ngày tháng phấn đấu trong trại tị nạn để sống còn hầu chờ ngày định cư lúc ấy dường như rất xa vời.

Số tiền anh chị em tị nạn quyên góp được, từ những người có mặt đến những người vắng mặt, thật là nhỏ bé khiêm tốn, $19 ngàn đô-la không thấm vào đâu so với những gì đã đón nhận từ các tấm lòng vàng 30 năm trước. Tuy nhiên, phải có một khởi đầu như vậy, dù là khá muộn màng, và còn phải được nuôi dưỡng mãi, hầu đáp trả phần nào lòng bác ái vô biên của các ân nhân.

Montreal, các bạn bè thương mến, các ân nhân mà cuộc sống vẫn rất hào hùng... xin cảm ơn tất cả, vì đã để lại trong tôi một kỷ niệm tuyệt vời. Tôi lên máy bay về Cali như một chuyến định cư lần thứ hai, mang theo rất nhiều thương mến và cảm xúc, để khởi đầu lại một cuộc sống định cư thật ý nghĩa và có định hướng hơn lần thứ nhất, có các bạn bè tị nạn và các ân nhân mãi đồng hành, mơ ước nối vòng tay cho một tương lai mới…

Phạm Đình Đài
California, USA

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes