Tại ngày hội ngộ, thầy Thích Thiện Tâm đã chia xẻ cảm tưởng mình với những ngừơi tị nạn đường bộ. Xin post lên đây để mọi người cùng đọc.
Thầy Thích Thiện Tâm chia xẻ cảm tưởng tại buổi sáng hội ngộ |
Kính thưa quý quan khách,
Kính thưa quý vị ân nhân của trại tỵ nạn đường bộ Thái Lan,
Kính thưa quý đồng hương trại tỵ nạn đường bộ Thái Lan, và kính thưa quý thân hữu.
Đây là buổi họp mặt thâm tình lần đầu tiên sau 30 năm chia tay nhau ở trại tỵ nạn đường bộ Thái Lan để đi định cư ở các nước tự do trên thế giới.
Kính thưa quý liệt vị,
Gặp mặt hôm nay tay bắt mặt mừng, hàn huyên tâm sự, để tưởng nhớ lại những kỷ niệm sâu xa đầy cảm xúc, đầy nước mắt đã chôn kính trong lòng gần 30 năm qua thật là một điều đáng được trân trọng, đáng được bày tỏ dù là muộn màn.
Tôi rất hân hạnh được ban tổ chức cho cái danh dự đại diện quý Cô Bác anh chị em cùng trại tỵ nạn đường bộ lên đây phát biểu cảm tưởng, nếu có điều gì thiếu sót kính mong quý vị đồng hương tha thứ cho.
Kính thưa quý liệt vị,
Thời gian qua mặc dù thật bận rộn với công việc mưu sinh, tạo dựng sự nghiệp cho bản thân và gia đình nhưng có lẽ trong mỗi chúng ta ai ai chắc cũng không thể quên được những tháng ngày “thừa sống thừa chết” trên chặn đường lưu lạc trong vùng biên giới Thái, sau khi tìm cách trốn thoát giữa hai lằn lửa đạn để đến bến bờ tự do.
Trại tỵ nạn đường bộ Thái Lan là một trại nguy hiểm nhất trong các trại tỵ nạn của người Việt lúc bấy giờ. Tôi đến trại Nong Samit vào cuối năm 1982, đầu năm 1984 mới được vào trại Dangrek do cơ quan Hồng Thập Tự ICRC bốc đi. Kể ra tôi là một trong những người may mắn là vì người nam giới và chỉ đi một mình. Tội nghiệp một số người vì cả gia đình cùng đi nên đôi khi còn bị kẹt lại người vợ bị bắt làm con tin hay làm vợ của những người lính biên giới, có các phụ nữ chưa lập gia đình đã bị giữ lại ở biên giới rất nhiều năm, bên cạnh đó có nhiều hoàn cảnh thương tâm vì không may mắn thoát khỏi vùng giao tranh đành phải bỏ lại những người thân chưa kịp chôn cất giữa chốn rừng sâu.
Khi vào đến trại tỵ nạn rồi mà vẫn chưa an toàn. Nhiều phen phải dời trại vì đạn pháo kích của bộ đội VN từ Campuchia. Cơ quan Hồng Thập Tự ICRC đã đến nhiều trại tỵ nạn Campuchia để cứu thoát những người Việt bị bắt, bị giam giữ như tại trại Nong Chan, Nong Samit, Khau-y-Dang để đưa đến trại Dangrek, Site Two, Bangthat rồi cuối cùng mới được đưa đến trại chuyển tiếp Panatnikhom học đời sống trước khi đi định cư ở nước thứ ba.
Kính thưa quý vị,
Suốt thời gian sống trong các trại tỵ nạn tôi nhận nhấy có rất nhiều vị linh mục là đại ân nhân của trại, và một số nhân viên của các cơ quan từ thiện như hội Hồng Thập Tự ICRC, và Hội Thánh Tin Lành, Hội Thánh Mẫu Phật Giáo Nhật Bản… cũng đã tận tình giúp đở, trong đó có cả những sinh viên còn đang đi học mà tình nguyện vào các vùng biên giới để dạy Anh Văn cho người tỵ nạn. Hiện nay tôi biết có một số các vị đã qua đời như đức Cha Pierre, Cha John…hiện chỉ còn lại Cha Thomas… Cô Susan, Cô Mary, Anh Bob, Anh Peter…
Tôi không quên hình ảnh của Cha Pierre, một vị cha già được tôn kính nhất của người Việt tỵ nạn Dangrek và Site Two mà tôi đã từng ở vào lúc đó. Đức Cha tuổi đã ngoài 75 mà hàng tuần đều lái chiếc xe con ra vào trại tỵ nạn đường bộ bằng con đường rừng ngoằn ngoèo nguy hiểm của biên giới Thái để mang thư tín cho những người dân tỵ nạn liên lạc với thân nhân của họ, việc làm này không phải là dễ vì các đồn lính Thái biên giới được lệnh lục soát và cấm người tỵ nạn liên lạc ra bên ngoài, bởi họ sợ người tình báo CS Campuchia và Việt Nam xâm nhập vào trại lấy tin tức. Có lần Cha bị bắt vì mang quá nhiều thư dấu trong áo và bị vị sĩ quan Thái bắt phạt Đức Cha đứng phơi nắng ngoài trời suốt gần 3 tiếng đồng hồ, làm cho ông phải mang bệnh suốt cả tuần. Nhưng rồi ông vẫn tiếp tục việc làm này vì không còn cách nào khác hơn để giúp người tỵ nạn liên lạc với thân nhân và các cơ quan từ thiện bảo lãnh từ nước thứ ba.
Tôi cũng không quên Cô Susan một người phụ nữ trẻ, mảnh khảnh trưởng cơ quan ICRC, có lần khi thấy người tỵ nạn VN bị lính Thái đánh đập tàn nhẫn cô vội vả lái chiệc xe Hồng Thập Tự đến chùa Vạn Hạnh trong trại Tỵ nạn cho gọi tôi khẩn cấp: Help me… help me…, một danh từ mà làm tôi vô cùng cảm kích lúc bấy giờ, vì đây là việc của người tỵ nạn mà Cô luôn luôn xem đó như là việc của chính cô. Thật tình Cô đến nhờ tôi là vì hai lý do: một là vì tôi là một tu sĩ Phật giáo, hai là vì tôi thường đắp chiếc Y vàng, mà người lính Thái họ tôn trọng luật của nhà vua ban hành là không được xúc phạm các tu sĩ Phật giáo đang đắp y vàng, cho nên khi tôi đến với chiếc Y vàng và van xin họ thì dù lúc đó họ có nóng giận thế nào cũng phải bỏ đi, cho nên cứ mỗi lần có người Lính Thái nào vào cưỡng hiếp người dân trong trại tỵ nạn thì Cô liền chạy đến chùa để cầu cứu tôi. Tôi không biết hiện nay Cô có còn làm việc trong cơ quan Hồng Thập Tự ICRC nữa hay không? Vì từ khi Cô lập gia đình ở Thụy Sĩ, Cô có gửi cho tôi một thiệp báo tin, đó là vào năm 1989, rồi mất liên lạc luôn cho đến nay.
Kính thưa quý liệt vị,
Những câu chuyện kỷ niệm vui buồn nhưng đầy nước mắt tương tự như thế không bút mựt nào diễn tả cho hết được. Ngày nay được sống trong một đất nước tự do chúng tôi mới thấy được giá trị của những mãnh tình thật cao quý của thời gian sôi bỏng đó, nó vẫn còn nằm sâu trong ký ức mà mỗi lần khi nhắc đến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi rơi lệ.
Hôm nay chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến quý vị đại ân nhân, đức cha Pierre, cha John, cha Thomas, cô Susan, cô Mary, anh Bob, anh Peter… những người hiện còn hay đã mất, cảm ơn Chính phủ Thái Lan đã mở rộng vòng tay cho chúng tôi tạm dung thân trong những tháng ngày ở trại Tỵ Nạn. Cảm ơn các cơ quan từ thiện như Hội Hồng Thập Tự ICRC, Phủ cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR. Cảm ơn Chánh phủ Canada mở rộng vòng tay tiếp đón người tỵ nạn Việt Nam sang định cư tại đây. Cám ơn các tổ chức tôn giáo như Công Giáo, Tin Lành, Phật giáo Nhật Bản hay những cá nhân đã đứng ra bảo trợ người Việt tỵ nạn.
Với lòng chân thành, thay mặt toàn thể người dân tỵ nạn đường bộ chúng tôi xin được ghi tạc những ân sâu nghĩa nặng đó đời đời. Đồng thời cũng để tưởng nhớ đến những người đã bỏ mình trên đường vượt biên bằng đường bộ đi tìm tự do, chúng tôi muốn mời toàn thể quý liệt vị hãy cùng chúng tôi dành một phút cầu nguyện cho họ được ơn trên cứu độ, hay siêu sanh về miền lạc cảnh.
Trân trọng cảm ơn và kính chào quý liệt vị.
Tu Sĩ Thích Thiện Tâm
Thầy Thích Thiện Tâm và cha Thomas Dunleavy tại ngày hội ngộ. |
0 comments:
Post a Comment