July 18, 2018

Hồi Ký “VỀ MỘT CUỘC RA ĐI" - Giáo sư Trịnh xuân Đính: Đi Nam Vang



Chương Ba
Đi Nam Vang





Hai Học báo cho tôi biết là bác Lũy, hai anh em Hinh-Huân và hai người nữa đã xuống đến Châu Đốc và sẽ cùng đi với hai cha con tôi. Hai Học không giới thiệu với chúng tôi hai người lạ kia nhưng sau đó bác Lũy  cho tôi hay là họ chỉ nhờ chở đến Nam Vang và sau đó họ sẽ tự túc đi đến biên giới. Bác nói rằng họ trước kia là phi công trực thăng đã trốn không đi học tập cải tạo và do đó không muốn gặp chúng tôi .
Hai Học bảo tôi chuẩn bị để ba giờ khuya đêm nay lên đường. Sau đó Hai Học, Sơ Rin, Bê, Xinh họp nhau lại bàn kế hoạch. Họ nói gì tôi chẳng hiểu vì họ dùng tiếng Miên nhưng tôi thấy vẻ mặt của ai nấy đều căng thẳng. Điều này chứng tỏ rằng cuộc hành trình của chúng tôi không đơn giản, không dễ dàng, mặc dù bọn này đã làm nhiều lần. Tôi đã nghe Xinh kể cho tôi rằng chuyến đi kỳ trước của Hai Học đã bị bể. Y đã mất hết tiền bạc vì phải chạy cho khách khỏi bị tù. Trong chuyến đi lần này, nghe nói hắn phải cho một người đã đi chuyến trước đi bù. Sau
này tôi được biết đó là Hinh, lần trước đi đường Tây Ninh đã bị kẹt lại ở đó và phải trở về
Saigon chờ đi chuyến này cùng với em nó là Huân. Khoảng mười giờ đêm hôm đó, Hai Học đã rời chúng tôi và nói cần đi gặp bác Lũy, hai anh em Hinh Huân và hai người kia để báo cho họ biết rằng cuộc khởi hành sẽ diễn ra đêm nay.Trước khi đi, hắn dặn chúng tôi đi ngủ sớm, cứ yên tâm khi đi thì Bê và Xinh sẽ đánh thức chúng tôi dạy.

Quả thật vào ba giờ sáng đêm đó, Bê đã lên đánh thức chúng tôi. Chúng tôi hớt hãi ôm gói quần áo và gom mấy đồ dùng vặt nhẩy xuống ghe của Xinh. Trời tối đen như mực. Chẳng có ánh trăng và cũng chẳng có sao. Để tránh sự để ý của các ghe bên, bọn này cũng không dám đốt đèn và cuộc khởi hành được thực hiện mò trong bóng tối của đêm khuya. Các ghe được tháo gỡ dây chằng với nhau và được chèo ra giữa sông từng chiếc một. Trong tĩnh mịch của đêm khuya, chỉ có tiếng nói nhỏ của bọn Miên liên lạc với nhau bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng nước vổ bì bạch vào con thuyền, tiếng mái chèo khuấy động nước sông. Tôi chẳng thấy Hai Học đâu mà cũng chẳng thấy bác Lũy hay ai khác. Ngồi thẫn thờ trên ghe tôi nhìn các bóng người lờ mờ chạy qua lại từ đầu ghe đến cuối ghe, nghe những mệnh lệnh trao đổi khẽ với nhau giữa ghe này với ghe kia.  Chẳng bao lâu thì cả ba chiếc ghe đã ra được giữa sông và hai chiếc của Bê và Sơ rin được cột song song bên nhau. Bổng nhiên có tiếng máy nổ rồi chiếc ghe thứ nhất từ từ vượt đi. Sau đó Bê cho nổ máy theo và cả hai chiếc ghe cột chặt vào nhau bắt đầu chuyển động. Rồi tiếng máy thứ hai nổ ròn và hai chiếc ghe vọt tới, lướt nhanh trên mặt nước, làm sóng bắn tung lên ghe.

Trời về khuya lạnh dữ. Tôi im lặng tham dự cuộc ra đi, lòng vừa bồi hồi vừa thích thú. Tôi không còn nhớ rõ tất cả những cảm giác mà tôi nhận thức được vào cái phút trang nghiêm và lịch sử đó của đời tôi. Tôi chỉ biết rằng tôi bồi hồi xúc động nhiều, tôi thấy như tim tôi ngừng đập, phổi tôi ngừng thở, đầu tôi trống trải lạ lùng. Tôi thấy đau lòng, một nổi đau đớn nhen nhúm như một ngọn lửa nhỏ của một que diêm đốt cháy tim gan tôi. Nhưng tôi không buồn, cũng chẳng khóc. Có lẽ tôi quá đau đớn? Một sự đau đớn thầm kín mà mình phải đè nén, phải chặn lại? Đau đớn vì biết rằng bây giờ thì đã quá trễ để có thể làm bất cứ một việc gì! Quá trễ để có thể thối lui, quá trễ để có thể quyết định khác hơn là chấp nhận ra đi, lìa bỏ quê hương thương yêu và những người thân yêu quí. Đau đớn vì thụ động, thụ động chấp nhận cho cuộc đời mình được giải quyết theo định mệnh. Rồi cuộc đời tôi sẽ trôi về đâu? Tôi sẽ ra sao, sẽ làm gì, sẽ sống như thế nào? Những gì tôi mơ ước có đến với tôi chăng? Cô đơn trên con đường thênh thang trước mắt trải dài đến vô tận, tôi sẽ là người lữ hành đơn độc. Ai cùng đi với tôi trên con đường ấy, con đường đưa tôi đến những chân trời lạ, đến tương lai, đến ao ước mộng mơ hay đến bỡ ngỡ tuyệt vọng? Thật là một cuộc phiêu lưu. Tôi đây, vốn là một kẻ không thích mạo hiểm và đổi thay, nay phải chấp nhận như vậy vì bị dồn vào đường cùng, vì đời tôi đã ở trong một ngõ bí, vì tôi không còn tìm ra được một lối thoát nào khác hơn cho chính mình. Tôi sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy, chấp nhận phiêu lưu, chấp nhận những gì sẽ xảy ra cho tôi
trên quãng đường đưa tôi không biết về đâu. Nhưng tôi không chịu được sự cô đơn, tôi sợ phải một mình tranh đấu với cuộc đời. Không phải tôi hèn nhát. Chẳng phải tôi yếu đuối, không có ý chí và nghị lực. Chỉ vì tôi thấy thiếu một rường cột để được nương tựa vào những lúc mỏi mệt, thiếu một thương yêu để an ủi tôi những khi thất bại, khuyến khích tôi những khi chùn bước tiến, khen tôi khi thành công. Tôi cần đến sự ấm áp cho tâm hồn, tôi cần một quen thuộc, một hiện diện bên cạnh để tôi can đảm bước tới, can đảm chấp nhận mọi khó khăn, vượt mọi trở ngại, mọi chông gai sau này.
Trong suốt mười mấy năm trước đây, vợ tôi đã là chất xúc tác, đã là cái ngòi nổ châm đốt ý chí tôi, kích thích tôi làm việc. Nàng đã là lý lẽ của mọi cố gắng của tôi, nàng đã là nguyên nhân đẩy tôi bước tới, thúc tôi đi, ngăn cản tôi thoái lui, buộc tôi tiếp tục con đường mà tôi đã tự vẽ cho mình. Không có nàng thì chắc tôi đã chẳng làm được gì nên chuyện. Vì nàng mà tôi nổ lực. Và tôi đã hãnh diện có được nàng bên tôi như nàng đã hãnh diện có được tôi bên nàng. Có lẽ đó là định mệnh. Trời đã muốn cho có tôi phải có nàng. Vì tôi mà thiếu nàng thì tôi đã không còn là tôi nữa. Nàng đến với tôi và đã làm thay đổi đời tôi, làm cho đời tôi mang một ý nghĩa, cuộc sống có thi vị. Không bao giờ tôi đã lại thoáng có ý nghĩ có tôi mà không có nàng. Không bao giờ tôi lại hình dung được cuộc đời của tôi thiếu bóng người tôi yêu tha thiết đó. Hai chúng tôi gắn bó với nhau vì thiên định. Làm sao có thể có được tôi một mình và nàng một mình, mà chỉ có thể có chúng tôi, hai người như là một thực thể, là chung, là hai nhưng là một.
Vậy mà giờ đây nàng đâu còn bên tôi trên con đường gay go đang chờ đón tôi, trên con đường tràn ngập khó khăn và trở ngại? Ai sẽ thì thầm bên tai tôi những lời khuyến khích, những lời nhắn nhủ đầy chân tình? Ai sẽ cổ động tôi bằng những lời khen chân thật đượm yêu thương? Hết rồi dĩ vãng ấm áp đó, hết rồi quá khứ êm đẹp đó! Tôi sẽ phải cô đơn từ đây, phải cô đơn vì tôi biết không ai có thể thay thế được nàng , không gì có thể bôi được hình bóng nàng trong tâm trí tôi. Trời ơi! Liệu tôi có đủ can đảm, có đủ nghị lực để đi con đường mà tôi đã chọn lựa hay không?
Cả ba chiếc ghe chạy như vậy, một chiếc đi trước, hai chiếc kia đi sau, khoảng nửa tiếng đồng hồ thì chúng tôi đã ra khỏi Châu Đốc khá xa. Rồi đến một khúc sông vắng, tôi bổng thấy chiếc ghe chạy trước tắt máy, chạy chậm dần rồi ngừng lại. Bê cũng liền tắt cả hai máy và chiếc ghe trôi thêm một quãng. Trên sông nước đen như mực, ghe chúng tôi từ từ tiến đến gần ghe kia rồi cả ba ghe đậu sát cạnh nhau bên bờ lau sậy cao gần bằng mui ghe. Bê và Sơ rin lấy mái
chèo cắm xuống lòng sông, cột ghe lại rồi nhẩy qua ghe bên kia. Tôi thấy Hai Học ló khỏi
khoang ghe, nhìn trước nhìn sau rồi chui ra ngoài. Cả ba người ngồi thì thầm  bàn tính chuyện gì một chập. Trong bóng đêm các điếu thuốc trông như ba đốm lửa, lúc cháy sáng rực, lúc dịu đi, cùng với những bàn tay đưa lên miệng và hạ xuống, tạo thành những hình ảnh kỳ diệu. Tôi ngồi nhìn hai bờ sông rất xa, nhất là bờ sông bên kia cách ghe chúng tôi cũng đến hai ba trăm thước, mà chẳng thấy gì. Bên tôi, cháu bé nằm ngủ say trên chiếc chiếu trải trên những lá dừa khô.

Chúng tôi đậu lại như vậy rất lâu, có đến cả tiếng đồng hồ. Dường như chúng tôi chờ sáng để cuộc di chuyển dễ dàng hơn và không bị nghi ngờ. Rồi Hai Học từ ghe bên nhẩy sang đến gần tôi nói nhỏ "Lát nữa khởi hành, thằng bé sang với tôi bên ghe kia. Anh ở lại đây với ông già Lũy. Khi nào Bê hay Xinh bảo anh xuống hầm thì anh phải xuống liền, không chậm trễ, nếu bị lộ, kẹt luôn hết đi".
Tôi muốn cháu bé ở bên này với tôi nhưng Hai Học không chịu. Tôi hỏi bác Lũy đâu thì mới hay bác ấy đang nằm dưới hầm. Hai Học bảo Xinh mở nắp hầm cho bác chui lên. Mọi người đều cười rộ khi thấy bác vì nghĩ rằng Xinh đáng lẽ phải cho bác lên từ sớm, lúc ghe mới đậu lại. Nhưng chẳng ai để ý đến bác cả, cũng như chẳng ai để ý đến tôi suốt từ lúc khởi hành. Cả Hai Học lẫn bọn bộ hạ của hắn ai nấy đều bận rộn trong việc đưa những ghe này rời khỏi châu thành Châu Đốc mà không bị để ý, không bị lộ và xét hỏi. Như vậy là chúng tôi đã an toàn đi được bước đầu. Từ đây trở đi tuy còn nhiều trạm kiểm soát nhưng dù sao việc lưu thông cũng ít bị theo dõi hơn, ít bị chặn xét hơn.
Bác Lũy lại ngồi bên tôi trên đống dừa khô. Thật là thiếu tiện nghi khi phải ngồi và nhất là phải nằm trên những trái dừa vừa cứng vừa gồ ghề vừa rậm. Nhưng chúng tôi không thể đòi hỏi gì hơn. Tôi và bác Lũy nắm tay nhau mừng rỡ. Chúng tôi hỏi nhau những câu hỏi thông thường
như xuống hồi nào? Đi trên đường xuống Châu Đốc có bị xét hỏi không? Đêm qua ở đâu? v...v...Bác kể cho tôi nghe bác đã được chị Hòa cho hay là tôi đã bằng lòng đi trong chuyến này từ bốn hôm trước đây và đã xuống Châu Đốc. Bác lấy làm ngạc nhiên khi thấy tôi đã quyết định quá đột ngột, trái với dự tính trước đây khi gặp bác ở Saigon. Tôi chỉ cười mà chẳng nói gì. Thế rồi bác cho tôi hay rằng cả nhóm đã tính đi Châu Đốc chiều hôm trước đấy hai hôm nhưng vì ra bến xe quá trễ nên không kiếm được xe đi. Họ đã phải trở về nhà để sáng sớm hôm sau đi lại. Và họ đã đến Châu Đốc lúc năm giờ chiều hôm qua. Hai học đã đưa họ đến ở khách sạn vì bác Lũy và mấy người kia đều đã mua giấy phép đi đường giả.

Kể từ ngày Cộng sản chiếm chính quyền ở Miền Nam quê hương tôi thì người dân đã mất hết tự do. Hết tự do làm ăn sinh sống vì làm gì phải "đăng ký hành nghề", phải khai báo, kể cả các nghề tầm thường nhất như nghề đạp xích lô của tôi hay nghề thợ sửa đồng hồ, thợ hớt tóc, thợ máy, thợ may v...v... Buôn bán thì tất nhiên phải xin phép và phải đóng thuế. Thậm chí làm nghề dạy học cũng phải đăng ký và sau này nhiều người vì đã không đăng ký nên đã không được Sở Giáo Dục thâu dụng và phải bỏ nghề. Giáo sư cũng đăng ký, bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư cũng đăng ký. Đăng ký để bọn chính quyền kiểm soát, theo dõi, ngăn chặn hay cấm đoán.

Hết tự do ngôn luận vì tất cả các báo chí đều phải đình bản chỉ còn lại tờ Saigon Giải Phóng, tờ báo chính thức của mặt trận giải phóng miền Nam, và tờ Tia Sáng do bọn nhà báo bồi bút chủ trương và được phép ấn hành để làm một bình phong che đậy sự đàn áp ngôn luận, đàn áp báo chí. Cộng sản cho ra tờ Tia Sáng chẳng qua là vì muốn lấy lòng người dân miền Nam và muốn mua chuộc một số nhà trí thức miền Nam bằng cách dựng ra một môi trường viết lách cho họ tỏ lòng "biết ơn", "trung thành" với "Bác và Đảng", với mặt trận. Thật là nhục nhã cho nhân dân miền Nam khi thấy những tên tuổi được biết đến ở Saigon viết những bài báo bôi nhọ tên tuổi mình, xóa nhòa danh dự mình, để tưởng rằng được bọn cộng sản khen tặng, nhưng thực tế chỉ bị nhân dân phỉ nhổ coi thường. Sau này mỗi lãnh vực hoạt động đều có ra những tờ báo bôi nhọ danh dự của ngành hoạt động của mình. Tôn giáo ra báo, khoa học ra báo, văn nghệ ra báo, phụ nữ ra báo. Cũng lắm báo nhưng chỉ là báo mua về để lấy giấy bán ký lô vì ở Saigon thời đó có hiện tượng là dân mua báo về với giá chính thức, tích trữ để bán ký cho ve chai với giá giấy phế thải chợ đen cao hơn nhiều. Vì vậy mà các sạp báo thường đi lãnh báo về chỉ bán làm vì một số ít, còn bao nhiêu đem về nhà để một hai tuần cho cũ rồi đem bán ký, lời gấp hai ba lần hơn bán báo.

Tự do tín ngưỡng thì càng không có thể có được khi mà chủ thuyết mác xít đã gọi tôn giáo là "thuốc phiện đầu độc nhân dân". Từ ngày cộng sản chiếm miền nam thì hoạt động tôn giáo đã bị giới hạn rất nhiều. Các chùa và các nhà thờ đều bị kiểm soát và chỉ được phép làm lễ giảng đạo theo những quy định của nhà nước. Rất nhiều nơi tôn nghiêm đã buộc phải đóng cửa. Các tu sĩ buộc phải đi lao động sản xuất, rời khỏi cuộc sống tu hành để bước vào cuộc đời trần tục. Vì cộng sản chủ trương có lao động sản xuất mới có ăn nên các nhà tu đâu có thể ở yên mà tu được. Nhất là đối với những tu sĩ trẻ. Các tu viện đều bị đóng cửa lần lượt, các chương trình đào tạo huấn luyện con người để trở thành tu sĩ bị giới hạn triệt để. Thậm chí các buổi giảng đạo cũng bị kiểm soát chi phối. Các tu sĩ bị buộc phải lồng vào trong các bài giảng của mình những tư tưởng cộng sản hoặc những lời tuyên truyền cho nhà nước. Tu sĩ được phép duy trì hoạt động của mình phần lớn bị buộc phải tham gia các tổ chức tôn giáo "yêu nước" hay "tiến bộ".

Còn tự do cư trú và tự do đi lại thì càng bị giới hạn. Công dân của một nước được gọi là độc lập, tự do, dân chủ mà chẳng có quyền công dân chân chính trên đất nước mình nữa. Người Việt đã mất tổ quốc ngay trên đất nước mình. Họ không được cư ngụ ở nơi nào họ muốn mà bị chỉ định nơi cư trú. Ở đâu phải ở đó, di chuyển chỗ ở cực kỳ khó khăn, phải thuộc những thành phần quy định, phải quen biết và nhất là phải mua chuộc những cán bộ địa phương, phải đút lót mới xin đổi được chỗ ở. Mà có đổi được cũng phải mất một thời gian rất lâu. Vì nhà cửa là bất động sản nên trên nguyên tắc thuộc quyền sở hữu của nhà nước, quyền sở hữu mà bọn cộng sản mỹ miều gọi là quyền sở hữu chung, quyền sở hữu tập thể của toàn dân, nên không hẳn
nhà cửa của mình lại thuộc sở hữu của mình. Nếu căn nhà nhỏ bé, không có giá trị thì chẳng ai ngó ngàng đến làm gì, chủ nhân có thể yên tâm cư ngụ ở đó đến khi chết. Nhưng ngược lại nếu đó lại là một căn nhà lớn có giá trị kinh tế lớn thì không dễ gì sở hữu chủ còn được quyền sở hữu như cũ. Hoặc giả nhà nước đề nghị chủ nhân biết điều thì hiến cho nhà nước hoặc là chủ nhân bị đưa đi kinh tế mới, căn nhà bị tịch thu và thuộc sở hữu của nhà nước. Vả lại quyền sở hữu của chủ nhà đâu có được công nhận tuyệt đối, vì ngoài quyền cư ngụ chủ nhà đâu còn quyền gì khác. Muốn cho thuê lại hay muốn bán lại phải được sự chấp thuận của nhà nước, của chính quyền địa phương và phải thuộc thành phần nhà nước qui định. Người thuê hay mua cũng phải thuộc loại được thuê hay mua vì nếu không được phép chuyển nơi cư trú đến nhà mới thì cũng như không.
Gọi là để hạn chế số dân tại các thành thị, cộng sản cấm mọi sự chuyển dịch từ thôn quê về thành thị, nhất là từ các tỉnh về Saigon. Người dân có thể dễ dàng bỏ Saigon và các thành thị về quê sinh sống hay về những khu kinh tế mới gọi là để tăng gia, sản xuất vì nhà nước khuyến khích mọi người xử dụng “lao động chân chính” tức là dùng sức lực tay chân mà làm việc đổi lấy chén cơm manh áo. Đó là chủ trương "lao động là vinh quang" mà bọn thiển cận phổ biến và hô hào một cách ngu xuẩn.
Cũng vì để kiểm soát người dân, bảo đảm an ninh của chế độ và bọn cầm quyền mà người dân bị kiềm chế trong tự do đi lại. Người dân làm chủ đất nước một cách chân chính lại không được phép đi bất cứ đâu nếu không có sự thỏa thuận của công an. Muốn về quê ăn giổ cha mẹ hay ông bà phải xin phép. Muốn đi thăm một người bà con ở nơi khác cũng phải xin phép. Muốn đi làm ăn buôn bán cũng phải xin phép. Rời khỏi phạm vi tỉnh mình ở là phải xin phép. Cái "giấy phép đi đường" có giá trị như một giấy chứng minh cho sự chính đáng của cuộc di chuyển. Vì phải có lý do chính đáng mới được cấp giấy phép đi đường. Không phải dễ dàng mà người dân xin được cái giấy đó.
Trong cái xã hội thối nát, khi mà bọn cầm quyền độc đoán cai trị, kiềm chế người dân thì chỉ có cán bộ chính quyền địa phương là thủ lợi. Vì đảng và nhà nước ban cấp cho chúng quyền đại diện mình để quyết định cho phép hay không cho phép mà lại không ban cấp cho chúng một đời sống vật chất tạm đủ thì tất nhiên sinh ra nạn thối nát, lạm quyền. Chúng chẳng có gì để đổi chác hơn là cái quyền ưng thuận của chúng. Vì vậy mà muốn được cấp một giấy đi đường thì người dân phải đút lót, phải cho bọn công an một số tiền thường là năm mươi đồng, số tiền đó tương đương với cả tháng lương của tên cán bộ đó. Đó là trường hợp người dân ở địa phương muốn xin giấy phép do phường khóm mình cấp. Người dân cũng có thể mua những giấy đi đường từ địa phương khác. Với năm mươi đồng, ta được một giấy đi đường ký sẵn và có dấu mộc đóng sẵn, chỉ việc về nhà đề tên họ, địa chỉ, lý do xin di chuyển, thời gian xin đi v... v... Lẽ dĩ nhiên như vậy ta có thể khai tên, địa chỉ và nghề nghiệp giả, không nhất thiết phải khai thật.

Còn một trường hợp khác nữa là mua luôn giấy giả. Giấy do một bọn chuyên làm giấy tờ giả sản xuất và đem bán với một giá thấp hơn, thường là 30 đồng mà thôi. Không phải chỉ có giấy tờ đi đường, bọn này làm đủ mọi giấy tờ giả từ giấy nghỉ phép, giấy công tác, giấy phép vận chuyển hàng hóa v...v..., đến cả những bằng lái xe giả, bằng cấp giả v...v...
Bằng lái giả của thời trước là món hàng bán chạy nhất. Các Việt kiều đang tị nạn ở ngoại quốc thường viết thơ về gia đình nhờ làm bằng lái xe hơi giả gởi sang để đổi lấy bằng lái xe tại nơi họ đang cư trú. Với một số tiền thay đổi tùy theo nơi và sự quen biết thì một bằng lái giả như vậy có đủ dấu chìm dấu nổi bán từ 300 đến 1500 đồng. Giá cả xê dịch như vậy một phần là vì có qua trung gian hay không qua trung gian và tùy theo sự khéo léo của người làm bằng giả. Có người đã lấy nguyên được các giấy in từ thời trước, các dấu nổi và dấu chìm về nhà. Các bằng làm nơi đó không khác gì bằng chính thức vì nó được thực hiện trên những vật liệu chính thức chứ không phải là giả. Chỉ có chữ ký của người cấp bằng là giả mạo.

Như vậy, theo lời bác Lũy kể lại thì cả nhóm đã đến ở khách sạn cho đến đêm hôm đi thì lặng lẽ rời khỏi phòng ngủ ra bờ sông để xuống ghe. Bác nói cả bọn đã hồi hộp rất nhiều khi phải liều mình đi giữa đêm tối, chỉ sợ bị an  ninh địa phương chặn xét thì bại lộ mọi chuyện. Bác đã đi sau cùng và đi cách xa các người khác để đề phòng trường hợp bị xét hỏi bác có thể trả lời
bác là khách ở Saigon xuống tạm ngủ tại khách sạn đêm hôm đó và vì trời nóng bức nên bác đi dạo quanh để tìm cơn ngủ. Bác đã khôn ngoan như vậy.
Tôi nghĩ đến trường hợp của tôi và cháu bé mà chột dạ. Tôi đã ra đi không đem theo một giấy tờ gì, dù là giấy giả, không có một kế hoạch gì trong đầu để dự phòng trường hợp nguy biến. Tôi đã ra đi trong sự buông thả bất cần, hoàn toàn để cho số phận chi phối. Tôi đã sống bốn ngày ở Châu Đốc mà rất may mắn không bị để ý dò xét, không bị nghi ngờ hay chặn xét giấy tờ. Thật là hú hồn! Đến giờ đây nghĩ lại tôi mới thấy mình cẩu thả, thiếu đắn đo, thiếu suy xét.

Và trong khi cả bọn xuống ghe, chui vào hầm nằm chờ  khởi hành thì chúng tôi còn ngủ. Hai Học đã chỉ kêu chúng tôi vào phút chót khi mọi việc đã chuẩn bị xong. Chúng tôi xuống ghe còn đang ngái ngủ thì ghe rời bến đậu ra đi. Khi trời tờ mờ sáng thì Hai Học cho lệnh đi tiếp. Chiếc ghe trở Hai Học và cháu bé của tôi đi trước dò đường. Bác Lũy và tôi vẫn được ngồi trong khoang ghe, không phải chui xuống hầm. Còn hai anh em Huân và Hinh thì tôi vẫn chưa thấy mặt mũi đâu mặc dù ở ngay ghe bên cạnh. Cả hai máy F10 được Bê cho chạy hết ga, hai chiếc ghe chẻ nước lao về phía trước vùn vụt. Nước sông bắn lên tung toé cả vào ghe, mũi ghe nhồi lên nhồi xuống.
Đêm nay phải chi có trăng thì tôi nhớ buổi ly biệt này nhiều hơn, ký ức tôi ghi nhận được nhiều chi tiết ngoại cảnh hơn. Tôi chỉ còn giữ lại được từ đêm ra đi đó những cảm xúc của tâm hồn, những gì tôi không được thấy bằng mắt, không được quan sát, được nhìn mà chỉ được cảm thấy bằng con tim và bằng khối óc, những tình cảm và suy tư. Trời tối đen làm mất đi những lý thú của cuộc ra đi. Chúng tôi đã chìm đắm trong bóng tối, Sơ Rin và những tên Miên đã phải đốt một ngọn đèn lên để báo hiệu và đầu ghe đã cắm một chụm nhang đốt cháy để những ghe khác và du kích hai bên bờ sông có thể nhận biết được.

Giờ thì trời đã hơi sáng, những hình ảnh hai bên bờ sông đã hiện lờ mờ như những đám đen nổi bật trên nền trời và phân biệt được với giòng sông mênh mông. Chúng tôi đi được độ một tiếng đồng hồ thì trời đã sáng. Chắc lúc này phải năm giờ sáng rồi. Giòng sông vắng tanh ít ghe qua lại. Có lẽ vào lúc này trời còn sớm quá nên ghe thuyền chưa lưu thông nhiều hay tại vì con sông nối liền Châu Đốc với Nam Vang ít ghe qua lại, tôi cũng chẳng hay nữa. Chỉ biết khi trời sáng rồi, khi chúng tôi phân biệt được rõ ngoại cảnh, khi hai bên bờ sông bát ngát lau sậy và không thấy một bóng người hay nhà cửa, chỉ toàn những bụi cây khô cằn là lúc chúng tôi, tôi và bác Lũy, bị Xinh dồn xuống hầm ghe. "Sắp qua trạm kiểm soát. Cậu hai và bác xuống hầm mau đi".
Chúng tôi lục đục quay người lại, hốt hoảng bò giữa hai hàng thơm, chui xuống chiếc lỗ nhỏ vừa bề ngang cho vai chúng tôi lọt. Bác Lũy vừa thò được hai chân xuống chưa kịp tụt xuống thì Xinh ở phía sau tôi hối hả thúc: "Mau, cậu hai, mau đi". Tôi thọc hai chân ưỡn cong mình chui xuống. Đầu tôi chưa lọt thì Xinh đã đậy nắp hầm lên làm tôi đau điếng, đã vậy lại còn bị gai của những trái thơm đâm khắp tay, mặt, mũi. Lần đầu tiên tôi phải chui xuống hầm ghe.

Hầm cũng khá rộng, có thể để bốn người nằm song song nhưng không thể ngồi dạy được vì trần quá thấp. Hầm ghe tối om và sặc mùi thơm vì hai đầu hầm Bê đã xếp thơm để ngụy trang và không có không khí vào được nhiều, chỉ có vài khe nhỏ giữa hai bên ghe nơi chiếu vào chút tia sáng là có không khí mới. Chúng tôi nằm xuống dưới sàn hầm, trên chiếc chiếu do Bê đã trải cho chúng tôi. Bác Lũy liền cởi chiếc quần tây và chiếc áo sơ mi ra và nói: "Nóng lắm và thở không được! Đêm qua tôi có một mình mà còn không chịu nổi, bây giờ lại thêm ông nữa!" Tôi nằm yên không nói, định lấy thuốc ra hút thì bị bác Lũy gạt ngang bảo nếu hút thuốc thì làm sao thở được nữa. Tôi đành cất gói thuốc vào túi, nằm nhắm mắt tìm giấc ngủ. Sự rung chuyển đều đặn của vỏ ghe, tiếng máy ghe nổ đều và tiếng sóng nước vổ vào vỏ ghe đáng lý phải ru chúng tôi ngủ, nhưng chúng tôi vẫn không làm sao nhắm mắt được. Nổi lo âu đè nén chúng tôi làm cho chúng tôi càng có một cảm giác ngộp thở. Tôi chồm dậy cởi áo quần ra, chỉ mặc chiếc xà lỏn và chiếc mai ô (maillot). "Ông thấy chưa! Tôi bảo nóng lắm chịu không nổi mà!" bác Lũy nói.

Tôi bò lại gần bác Lũy gợi chuyện. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện từ chuyện gia đình đến việc đi học tập của bác Lũy, đến việc trước giải phóng chúng tôi làm gì ... Và như vậy, tôi được biết
bác Lũy trước kia là dân biểu ở Vũng Tàu, nhiệm kỳ một của quốc hội lập pháp. Bác chỉ ra có một nhiệm kỳ đó mà thôi và sau bẩy mươi lăm bác đã phải đi học tập vì là trung tá trong quân đội chế độ cũ. Bác đã phải ra ngoài Bắc học tập suốt sáu năm trời và mới được thả về trước Tết năm nay. Bác chỉ mới về được có hơn hai tháng mà đã đi vượt biên ba lần mà không thành. Vì dân Vũng Tàu mang ơn và vẫn còn cảm tình với bác nên bác đã có thể đi được bằng đường biển dễ dàng nếu bác chịu khó chờ đợi. Cũng như tôi, bác nóng lòng ra đi và cũng như tôi, bác nuôi dưỡng những ý chí cao thượng. Bác muốn ra đi để nói lên cho thế giới biết sự đau đớn quằn quại của nhân dân Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Bác muốn nói lên sự uất hận của mấy trăm ngàn người đang bị đày ải và hành hạ tại mấy chục trại học tập cải tạo khắp nước. Bác muốn cho thế giới biết đến những cái chết anh hùng của những cải tạo viên, đã bất chấp sự đe dọa và cường lực, đứng lên chống lại bọn cộng sản, tố cáo chúng trước tập thể để rồi chịu cái chết, chịu hy sinh, chịu sự trả thù ác độc của bọn cán bộ dã man. Nhiều người đã chết trong thương đau, trong cực hình, trong sự hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần của bon cai tù, chết dần chết mòn, chết trong sự tàn tạ, trong sự suy xụp của cả thân thể lẫn tâm hồn, chết trong sự tra tấn man rợ, vô nhân đạo của bọn quỷ đỏ, như chết vì bị nhốt trong hố phân, người chìm trong phân đến tận cổ, như vậy ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng kia. Chết vì bị còng chân còng tay suốt cả một năm trời trong xà lim, không được nhúc nhích, chết mà người ghẻ lở, thịt thối rữa, sống mà như chết, chết mà còn sống mãi trong lòng những người đồng chí, những người thân, những bạn bè, chết trong gương sáng chói của người chiến sĩ Việt Nam yêu nước và chống cộng. Còn bao nhiêu cái chết tức tưởi, những cái chết đầy thương tâm, những cái chết lên án bọn cộng sản muôn đời, lên án chúng cả về không gian lẫn thời gian. Những vết ô uế mà bọn chúng đã bôi lên lịch sử nước ta sau này mãi mãi còn và đó chính là những chứng tích lên án chúng muôn đời. Sau này đời con, đời cháu, đời chắt chít chúng ta dở lại những trang lịch sử làm sao có thể hình dung được bọn người dã man, tàn bạo như chúng, làm sao có thể tin được rằng mảnh đất Việt Nam thân yêu này lại đẻ ra một lũ quái vật như vậy? Và mãi mãi sau này con cháu chúng ta sẽ rùng mình khi nghe kể lại sự tàn bạo mà bọn cộng sản đã áp dụng, những sự vô lương tâm mà bọn chúng đã bắt dân ta phải chịu đựng. Và con cháu ta sẽ lên án chúng, kinh tởm chúng, và hổ thẹn vì chúng.

Chúng tôi đang nói chuyện thì thấy tiếng máy ghe nổ chậm dần. Chúng tôi đoán ngay được rằng ghe đang qua một trạm kiểm soát. Thế rồi nhiều tiếng máy đuôi tôm khác vang lên bên cạnh ghe chúng tôi, rồi đến tiếng người nói chuyện lớn tiếng với nhau, nhưng vì trong hầm kín chúng tôi không nhận định được rõ họ nói những gì. Thế rồi tiếng máy ghe của chúng tôi tắt đi, cái trước rồi đến cái sau, ghe còn chờn tới một khoảng nữa, rồi thấy tiếng khua của mái chèo, tiếng nước vổ mạnh vào thành ghe, sự chòng chành của chiếc ghe lắc qua lắc lại. Chúng tôi nằm yên nhịn thở không dám ho he, chỉ nhìn nhau và ra dấu với nhau băng mắt, bảo cho nhau biết rằng ghe đang ngưng ở một trạm kiểm soát để cho bọn an ninh xét. Có tiếng hỏi từ trên bờ sông, tiếng Xinh trả lời, tiếng người nhẩy xuống ghe, bước đi qua lại phía ngay trên đầu chúng tôi, tiếng nói chuyện, tiếng cười dòn của Xinh và của ai đó. Giây phút ngộp thở đó kéo dài bao lâu tôi không nhớ, chỉ biết rằng nó chấm dứt vào lúc có tiếng máy ghe phát nổ trở lại. Chúng tôi thở phào. Chiếc ghe chòng chành, chao qua chao lại rồi lướt tới. Rồi tiềng máy thứ hai nổ vang, chiếc ghe bị đẩy mạnh tới. Chúng tôi nằm dưới hầm chỉ qua cảm giác chuyển động của ghe mà đoán chừng rằng chúng tôi đã thoát được trạm kiểm soát đầu tiên. Quả nhiên chỉ độ năm phút sau thì Xinh mở nắp hầm thò đầu xuống kêu: "Lên được rồi cậu hai, lên đi!" và Xinh nhoẻn miệng cười cho thấy những chiếc răng vàng óng ánh "Cực lắm không cậu hai?" Tôi ưỡn mình chui ra. Bác Lũy theo sau tôi.

Chúng tôi đã phải ở dưới đó hơn nửa tiếng đồng hồ, nghẹt thở phần vì hồi hộp phần vì mùi thơm bốc ra nồng nặc. Chiếc mai ô tôi đang mặc ướt đẫm mồ hôi. Ra khỏi hầm chúng tôi thở hít không khí một cách khoan khoái. Tôi và bác Lũy nhìn nhau nửa cười nửa mếu, nửa vui nửa buồn. Chúng tôi đã phải chịu sự thử thách đầu tiên trong chuyến đi này, tuy không lấy gì làm mệt tâm trí lắm nhưng vẫn là một thử thách cho chúng tôi, một sự hồi hộp lo âu mà chúng tôi phải chịu đựng. Nhưng chúng tôi không dè là chúng tôi chỉ phải ở dưới hầm một thời gian ngắn như vậy. Chúng tôi tưởng rằng đoạn đường nguy hiểm phải dài lắm và thời gian chúng tôi phải
ở lại dưới hầm trốn ít ra cũng là vài ba tiếng đồng hồ. Tôi đã chuẫn bị tư tưởng để chấp nhận sự chịu đựng kéo dài.

Tôi nhớ năm trước khi chúng tôi vượt biển, từ lúc xuống ghe tại ngay sông Saigon cho đến khi ra đến biển kéo dài tám tiếng đồng hồ, chúng tôi đã phải chịu sự khổ sở vô cùng vì bị nhốt trong hầm ghe nơi có luôn một chiếc máy lớn bốn bloc phun khói dầu cặn (diesel) liên tục. Các cháu bé đã ngộp thở, tưởng như sẽ ngất xỉu. Mẹ các cháu đã phải liên tục lấy khăn ướt lau mặt cho các cháu vì khói vào mắt vào mũi làm chảy nước mắt và làm hết thở nổi. Tôi thì cầm chiếc quạt giấy quạt luôn tay để đuổi khói đi nơi khác. Chính nhà tôi và tôi còn không chịu nổi sự ngộp thở và sức nóng của căn phòng nhỏ. Gần tám chục người nhét vào chiếc hầm bề ngang ba thước, bề dài năm thước, đóng kín mít cửa vì sợ ánh sáng của chiếc ghe trong ca bin làm lộ diện cuộc chạy trốn của chúng tôi. Tôi đã tranh đấu để cho bọn thợ máy tắt ngọn đèn trong ca bin đi và mở hai chiếc cửa vách (paneaux) ở hai bên cho không khí luồn vào, thổi bớt khói mù mịt đi nhưng bọn chúng ngoan cố nhất định không chịu. Nhiều lần thấy cháu bé đã gần xỉu tôi đã phải bế cháu lại gần những khe nhỏ nơi gió thổi vào để cháu có thể hít ít không khí tỉnh lại. Nhưng biết bao người dành nhau đến gần những khe gổ nứt nẻ đó! Thật là quí giá vô cùng, ít không khí không mất tiền mua đó!

Chúng tôi ngồi trên khoang ghe nhìn con sông trôi ngược về phía sau. Hai bên bờ chỉ có lau sậy và cỏ khô, những bụi rậm khô cằn, chẳng thấy nhà cửa hay dân chúng. Đây đã là vùng cận biên giới và có lẽ vì vậy mà không thấy có dân cư.
Và cho đến trưa hôm ấy, cho đến khi chúng tôi vượt được biên giới qua bên đất Miên thì chúng tôi đã phải liên tục chui lên chui xuống hầm cả thẩy sáu lần. Cứ mỗi lần qua một trạm kiểm soát là chúng tôi lại phải chui xuống, khi đi khỏi nơi nguy hiểm Xinh lại mở nắp hầm cho chúng tôi lên ngồi trong khoang ghe. Tuyệt đối chúng tôi không được ló mặt ra ngoài vì sợ bị lộ.
Có lần chúng tôi bị nhốt suốt hai tiếng đồng hồ, lúc chui lên mới được Xinh cho hay là vì có lính biên phòng xin quá giang, đi từ trạm kiểm soát này đến trạm kiểm soát kia. Xinh nói không thể từ chối và ghe chở cả chục tên bộ đội trên đầu chúng tôi mà chúng tôi đâu có hay. Nằm dưới hầm chúng tôi vẫn nói chuyện vẫn cười, bác Lũy vẫn đằng hắng. Khi biết rằng ghe chở bộ đội quá giang chúng tôi hết hồn, nhìn nhau mà cười rộ. May mà tiếng máy ghe đã làm át đi tiếng
nói chuyện của chúng tôi. Vả lại hầm cũng kín, nói ở dưới trên không nghe được, mặc dù nằm
ở dưới có thể nghe được loáng thoáng tiếng người nói chuyện phía trên.

Một vụ cho chúng tôi hú hồn nữa là lần kiểm soát chót trước khi qua đất Miên. Công an biên phòng đã nghi ghe chở gạo ở phía dưới hầm nên đã lấy lưỡi lê đâm qua khe hở giữa hai ván. Chúng tôi thật may mắn vì khi kéo chiếc lưỡi lê lên, tên công an thấy có nước thơm dính ở dao nên mới chịu thôi. May hơn nữa là hắn đâm vào đúng chỗ ở phía dưới hầm để thơm chứ nếu đâm lệch sang phía chúng tôi nằm thì chúng tôi có thể bị đâm trúng hoặc đâm xuống không thấy đụng gì phía dưới, hắn sẽ nghi và đòi mở nắp hầm lên xem thì nguy to. Khi nghe Xinh kể lại câu chuyện này chúng tôi hoảng đã đành mà nhìn mặt Xinh xanh ngắt cũng đủ thấy lúc đó ai nấy trên ghe đều lo sợ biết chừng nào! Rõ ràng là chúng tôi đã may mắn thoát hai lần nguy hiểm.

Nhưng kể từ khi đi qua đất Miên thì sự nguy hiểm bớt đi nhiều. Xinh bằng lòng cho chúng tôi ra khỏi khoang, tới ngồi cùng với nó và Sơ Rin ở mũi ghe. Chúng tôi lấy khăn lau mặt, rửa chân tay, lau mình. Sơ Rin tắm ngay trên ghe và bảo chúng tôi nếu muốn thì cứ tắm như hắn. Trời về trưa nắng chiếu xuống gay gắt, nóng như thiêu như đốt. Tôi cởi chiếc áo mai ô, thả xuống sông giặt rồi phơi lên trên mui ghe. Cả chiếc sơ mi mà tôi đã mặc mấy ngày rồi, tôi cũng giặt bằng nước sông Cửu Long. Ỡ đây dân địa phương kêu là sông Bát sắc.
Tôi cũng không rành những danh từ địa dư nên không biết rõ có đúng là sông Bát sắc hay không và cho đến khi viết những dòng hồi ký này tôi cũng chưa có dịp kiểm chứng lại. Tôi cũng chẳng muốn kiểm chứng làm gì. Nhiều địa danh Xinh nói cho tôi biết, tôi cũng đã quên mất rồi. Từ ngày tôi ra đi đến nay đã gần sáu tháng. Tôi chỉ muốn kể lại trung thực những gì tôi còn nhớ, chẳng muốn coi tập hồi ký này như một công trình khảo cứu phải chính xác, mà chỉ muốn
rằng nó phản ảnh những cảm nghĩ và suy tư của tôi vào lúc viết. Tôi muốn kể lại những hình ảnh còn ghi trong ký ức của tôi và những gì tôi muốn bộc lộ từ đáy lòng, từ con tim, từ thâm tâm tôi. Tôi chẳng quan tâm đến sự chính xác của các địa danh hay sự mô tả đúng đắn những nơi tôi đã đi qua trên tuyến đường dài hàng mấy ngàn cây số đưa tôi từ đất mẹ Việt Nam đến ngưỡng cửa của Tự do là biên giới Thái.

Và như thế, đến trưa hôm đó chúng tôi đã có thể thảnh thơi ngồi trên ghe dùng bữa cơm và nhìn quang cảnh mới hiện ra hai bên bờ sông. Không còn là những cánh đồng hoang, cỏ khô và những bụi cây cằn cổi nữa. Quang cảnh đã đổi thay, hai bên sông là những cạnh sườn cao của một vùng đất xanh tươi, có trồng rau cỏ hay hoa màu thành những nấc thang. Nhà cửa đã thấy xuất hiện trở lại. Lâu lâu lại thấy một con trâu hay một con bò, hoặc một con chó chạy tung tăng. Những dân cư cũng thấy được lác đác. Cảnh nông dân cày bừa hay canh tác mảnh ruộng nhỏ hay mảnh vườn, cảnh những ngôi làng nhỏ không khác gì những ngôi làng ở Việt Nam bao nhiêu, cũng lũy tre xanh, cũng trẻ em đi lại, chạy chơi. Nhưng có hai điều khác biệt nổi bật là những cây thốt nốt và những nhà sàn. Sang đến đất Kămpuchia thì dọc theo hai bờ sông, hàng ngàn cây thốt nốt được trồng rải rác và cách vài trăm thước lại thấy vài căn nhà sàn, những nhà sàn mà chúng tôi thấy từ khi đến Châu Đốc.

Xinh đã làm cơm ngay trên ghe. Chúng tôi ăn cơm gạo trắng với cá kho, canh chua nấu bằng thơm và cá khô theo kiểu người Miên. Ăn cơm rồi muốn uống nước chỉ việc đưa chiếc chén ăn cơm xuống giòng sông, múc nước sông lên uống. Lúc đầu tôi và bác Lũy nhìn nhau với ánh mắt e ngại. Nhưng sau đó thì chúng tôi cũng phải uống mặc dù trong bụng rất sợ bị kiết lỵ hay thổ tả. Tuy nhiên các dân Miên sống trên ghe vẫn uống nước sông như vậy thì có bị gì đâu? Tắm, giặt, rửa, nấu ăn, uống đều là nước giòng sông Cửu Long rộng mênh mông này.

Chúng tôi tưởng sang đến đất Miên rồi thì thoát cái cảnh phải chui xuống hầm ghe trốn. Ai dè cũng vẫn phải chui như vậy nhiều lần nữa. Nhưng cũng may cho chúng tôi là chỉ phải chui xuống ít phút rồi lại được chui lên. Bây giờ thì chúng tôi đã quen chui lên chui xuống lắm rồi. Tôi và bác Lũy mỗi khi thấy dấu tay của Xinh hay Sơ Rin là  bò nhanh nhẹn đến cửa hầm chui tọt xuống. Chúng tôi cong người như con tôm, thụp mình xuống ngồi bệt và ngả mình nằm trên chiếc chiếu. Nhưng có một nổi khổ là nước đã vào nhiều trong ghe và chúng tôi phải chịu bị ướt đẫm quần áo. Xinh thường hay để đến phút chót mới ra dấu cho chúng tôi phải chui xuống hầm nên nhiều khi chúng tôi bị gai của những trái thơm đâm cả vào mặt mũi đau điếng. Nắng trưa gay gắt làm cho hầm càng nồng nặc mùi do thơm tỏa ra, làm cho chúng tôi khó thở vô cùng. Do vậy việc ở dưới hầm ghe trở nên một cực hình đối với chúng tôi. Sau đó bác Lũy đã nẩy ra ý kiến bỏ bớt một số trái thơm sang một bên và bảo Sơ Rin hé mở nắp hầm phía đầu ghe để cho gió thổi thốc vào cho bớt ngộp.

Ghe chạy như vậy liên tục không nghỉ cho đến chiều khoảng năm giờ thì chúng tôi đã đi sâu vào đất Miên nhiều lắm rồi. Tôi hỏi Xinh khi nào đến Nam Vang thì y nói mai, khoảng giữa trưa. Như vậy là chúng tôi phải đi một ngày rưỡi mới đến nơi.
Khi chiều về, những ánh nắng cuối cùng còn rọi trên con sông bao la thì cũng là lúc chúng tôi đến khoảng con sông chia làm hai nhánh và giữa giòng sông có những cồn cát lớn. Cả ba ghe chúng tôi đều đậu lại nghỉ ở đó. Trong khi Xinh chuẩn bị bữa cơm chiều, chúng tôi lội xuống những cồn cát tắm, thật là vui vẻ. Các dân địa phương cũng tắm rất đông ở nơi đây. Xinh lấy rất nhiều trái thơm liệng ra xa cho các em nhỏ đua nhau lội tới lấy. Sau khi tắm, chúng tôi lên ghe ăn bữa cơm chiều, thật là ngon miệng. Tôi không biết bằng cách nào mà Xinh đã mua
được những con cá chép to lớn bằng cái mẹt nhỏ, hấp cho chúng tôi ăn. Thịt cá tươi thật là
ngọt, chấm nước mắm me chua và uống nước thốt nốt để lên men thành một thứ rượu chua loét. Tôi và bác Lũy ăn riêng bên ghe chúng tôi còn Hai Học và bọn Miên tay chân của hắn ăn với nhau bên ghe bên cạnh. Cháu bé và hai anh em Huân Hinh thì ăn bên ghe ngay bên cạnh ghe tôi cùng với Xinh và mấy người đàn bà Miên. Hai Học đã không cho cháu và hai anh em Huân Hinh rời khỏi ghe. Y muốn buộc mấy cháu nhỏ luôn luôn phải ở trong khoang vì sợ các cháu có nước da trắng, ra ngoài mấy dân ở địa phương nhìn thấy là biết ngay không phải dân
Miên. Do vậy mà hầu hết suốt cuộc hành trình cháu phải ở dưới hầm ghe, chỉ lúc ăn cơm mới
được lên trên khoang, hoặc lúc chiều nay cháu mới được lên ngồi trong khoang chơi.

Tôi thấy cháu rất nhẫn nại và chịu đựng rất giỏi sự thử thách. Cháu không hề hỏi đến tôi, không tìm cách nhìn xem tôi hiện ở đâu hoặc tỏ vẻ lo âu sợ sệt gì. Thật là đáng khen đối với một đứa bé mới mười hai tuổi đầu, đã phải ý thức được sự nguy hiểm và trách nhiệm của mình. Tôi đã dặn cháu là đừng tìm cách liên lạc với tôi hoặc nói chuyện với tôi. Tôi muốn tập cho cháu tự chủ vì khi lên đất liền, khi chúng tôi phát xuất từ Nam Vang Hai Học sẽ không cho hai chúng tôi đi cùng với nhau nữa để tránh mọi sự để ý của mọi người. Chúng tôi sẽ luôn luôn bị tách rời xa nhau và như vậy cháu phải tập cho quen ngay từ bây giờ.

Ăn cơm xong Xinh bảo chúng tôi đi ngủ. Trời đã xẩm tối. Hai Học, Xinh, Bê, Sơ Rin, và hai ba tên người Miên nữa ngồi bên ngọn đèn dầu uống rượu bàn tính chuyện gì tôi không hay. Tôi và bác Lũy trải chiếu ở mũi ghe ngủ. Trời về đêm rất mát. Trăng chưa có nhưng sao thì đầy trời. Trong tĩnh mịch của đêm tối, không một tiếng động nào, không một bóng ghe nào qua lại trên khúc sông lớn mênh mông này. Tôi nằm bên bác Lũy tâm sự với bác.

Bác Lũy là một người đàn ông khác thường. Nhìn bác không sao đoán được bác là người thế nào. Năm nay bác đã hơn sáu chục tuổi, tóc bạc phơ, đầu hói, má hóp vì răng đã rụng gần hết. Vẻ mặt bác có nét hao hao giống người tây phương, mũi nhọn, mắt to hơi sâu, mới nhìn thoáng qua tưởng bác là một ông tây già ở lâu năm tại Việt Nam. Chính vì điểm này mà chúng tôi sau này mới gặp tai họa. Nhìn bác ngồi sau chiếc xe đạp do một tên dẫn đường người Miên lái người ta đã tưởng bác là người Mỹ và đã bắt lại để điều tra. Thế là cả bọn chúng tôi đã bị chặn lại theo và bị bắt vào tù. Không phải bác chỉ có nét mặt giống người phương tây mà nước da bác lại còn trắng lạ thường, không giống như nước da của người Việt Nam.
Vì tuổi đã cao mà lại phải chịu sáu năm trong nhà tù cộng sản nên về mặt thể xác thân hình bác đã bị suy tàn nhiều. Gầy gò ốm yếu, tay chân khẳng khiu, bác lại còn bị hai bệnh mãn tính là bệnh đau dạ dầy và bệnh phong thấp khớp xương. Đi vượt biên mà bác mang theo một đống thuốc tây và một cây ba toong để chống! Vậy mà bác đã chuẩn bị tư tưởng để đi bộ khoảng ba mươi cây số. Nếu không ngồi nói chuyện với bác, không nghe bác bộc lộ những ý nghĩ cao
thượng và đầy nhiệt tình, tôi đã không hiểu bác đã nghĩ gì mà lại quyết định dấn thân vào cuộc
phiêu lưu đầy nguy hiểm, đầy khó khăn, đầy trở ngại này. Chính tôi đây lúc đầu cũng ngạc nhiên rất nhiều khi thấy một cụ già ốm yếu như bác mà lại chịu dấn thân vào cuộc ra đi nhọc nhằn này. Sau đó thì sự ngạc nhiên của tôi đã biến thành sự thán phục và kính trọng bác.
Bác đã kể cho tôi nghe về cuộc đời của bác từ khi còn nhỏ đến khi lớn. Bác đã phải rời gia đình từ lúc mới lên mười, đi lang thang khắp nơi để mưu sinh. Bác đã được các cha cố thương đem về nuôi. Đến năm mười sáu tuổi bác đã vào trường thiếu sinh quân do bọn Pháp mở ra ở Hà Nội hay Nam Định, tôi không nhớ rõ. Sau đó, bác đã đi sang Pháp học lớp hạ sĩ quan ở Thon. Bác đã ở trong quân đội suốt bốn mươi năm, lăn lộn hết binh chủng này đến binh chủng kia, tham dự các mặt trận ở Lào và Cao Miên để rồi chỉ lên được đến chức Trung Tá. Bác đã được giải ngũ và đã tham dự vào cuộc bầu cử dân biểu Quốc hội lập pháp kỳ một, đại diện cho đơn vị Vũng Tàu. Bác đã đắc cử và đã phục vụ cho nhân  dân đắc lực trong suốt nhiệm kỳ của mình. Do vậy mà dân nghèo ở đơn vị của bác vẫn còn nhớ thương bác mặc dù bác đã rời chức vụ của mình hơn mười năm rồi. Khi đi học tập cải tạo trở về, bác đã trở xuống Vũng Tàu và đã được nhiều người sẵn sàng giúp đỡ nếu bác muốn ra đi qua ngả đó. Nhưng bác, vốn thận trọng, sợ vì ai ở đó cũng biết mặt bác nên ra đi sẽ rất dễ bị lộ và bị bắt trở lại.
Và đối với một người đã bị bắt ở tù ra thì vấn đề bị bắt trở lại là một việc tối kỵ. Thứ nhất vì đã nếm qua mùi nhà tù cộng sản rồi thì tởn đến già, không bao giờ lại còn muốn phải trở lại nơi đó lần nữa. Thứ hai là đã được tha tù tức là đã biết "hối cải", đã "tiến bộ" rồi mà bây giờ lại bị bắt về tội vượt biên thì chỉ có mà đi tù "mút mùa". Chính vì vậy mà việc vượt biên đối với người dân thường đã khó, đối với kẻ đi học tập cải tạo về lại còn khó hơn, phải tính kỹ hơn, thận trọng hơn.
Thế nhưng chính những người đã từng bị tù, từng bị cộng sản lôi đi học tập cải tạo là những thành phần cương quyết ra đi nhất. Vì họ không còn hy vọng gì sống được ở Việt Nam. Trong
xã hội cộng sản họ không còn chỗ đứng. Họ phải ra đi để tìm cho mình một cuộc sống vừa yên bình, vừa có ý nghĩa. Họ ra đi vì thù cộng sản. Họ sẽ là những thành phần chống cộng sản hăng hái hơn ai hết. Họ nuôi dưỡng ý chí trở về, quyết tâm phục thù cho dân tộc, giành trở lại quê hương. Chính vì họ đã bị dồn vào trong đường cùng mà họ phải phản ứng lại. Vì cộng sản không chấp nhận họ, nên họ cũng không chấp nhận cộng sản. Không thể có hòa giải dân tộc giữa cộng sản và quốc gia vì cộng sản đâu có khi nào nghĩ đến quyền lợi của dân tộc? Chúng chỉ nghĩ đến quyền lợi của đảng, của bọn chúng, của bọn ăn trên ngồi chốc, những thành phần thuộc cái mà người ta gọi là "giai cấp mới". Làm gì có quyền lợi của nhân dân, của đất nước hay dân tộc đối với bọn vô nhân tính, vô đạo đức, vô luân lý như cộng sản? Người đi cải tạo chẳng phải là dân Việt hay sao? Chẳng phải máu mủ, đồng bào cùng một nước, thành phần cùng một dân tộc hay sao? Cớ sao họ lại bị đầy đọa, chà đạp, áp bức cả về mặt tinh thần lẫn thể xác? Tại sao họ lại bị mất quyền công dân? Tại sao họ lại không được cái quyền sống tại nước mình khi mà hòa bình đã trở về trên quê hương mẹ? Tại sao họ lại không mảy may được một tí hy vọng nào sống tại nơi chôn rau cắt rốn của họ để phải tức tưởi ra đi tìm cuộc sống ở nơi xa lạ? Thật là vô lý!
Chúng ta đã làm gì mà phải lìa quê hương ra đi? Tại sao Việt Nam lại không là của chúng ta, những người Việt yêu nước, yêu dân tộc? Chúng ta đã mắc phải tội gì mà phải mất quê mẹ mà chúng ta thương yêu vô bờ, vô bến? Ra đi mà lòng như bị cắt ra thành từng khúc, tim như thắt, gan như xé! Buồn tủi mà ra đi, lưu luyến mà ra đi, nhơ thương mà ra đi. Ra đi để hy vọng có ngày về nhưng ngày về đó có chăng? Nó có tùy thuộc chăng nơi chúng ta, ngày về đó, ngày mà bao nhiêu con tim thổn thức chờ đợi, bao nhiêu đôi mắt đẫm lệ mong chờ?

Và bác Lũy thuộc những con người như thế, như chúng ta, những kẻ quyết ra đi để đi tìm cho bằng được ngày trở về. Hay nói cho đúng hơn để làm cho được cái gì cho quê hương yêu quí để góp phần cho sự hiện thực của cái ngày mong chờ đó. Ý định của bác là ra đi để tố cáo với thế giới, với dư luận quốc tế những tội ác tầy trời mà bọn cộng sản đã gây ra cho nhân dân Việt Nam nói chung và cho những thành phần cải tạo nói riêng. Ý định của bác là lấy chính bản thân mình để làm nhân chứng cho những lời buộc tội mà bác muốn đưa ra. Ý định của bác là muốn viết một cuốn sách để đời, một cuốn sách để vạch rõ tất cả những mưu mô thâm độc của cộng sản, tất cả những gì ác độc nhất, bất nhân nhất, tàn bạo nhất mà bọn cộng sản đã chủ tâm gây ra cho nhân dân Việt Nam.
Khi nghe bác kể lại mục đích ra đi của bác tôi đã bị kích động. Một cảm giác lành lạnh, rờn rợn đã chạy nơi cột sống của tôi, làm dựng đứng những chân tóc gáy của tôi. Tôi đã cảm thấy vui mừng và hãnh diện được đi cùng chuyến với bác Lũy. Vui mừng vì có được người đồng hành mà là đồng chí. Hãnh diện vì được biết bác Lũy là một con người phi thường. Phải, phi thường vì ở cái tuổi của bác, cái tuổi gần đất xa trời ấy, thì mấy ai còn những ý tưởng cao thượng và bất vụ lợi như bác? Phi thường vì bác là một người bệnh hoạn, ốm yếu về thể xác nhưng mạnh, hùng mạnh, về tinh thần. Tôi không hiểu khi tôi đến tuổi bác tôi còn được cái nhiệt huyết, cái nhiệt tình đối với quê hương, đối với dân tộc như bác nữa hay không? Phi thường hơn nữa là bác đã đi học tập sáu năm, để bác gái phải ở nhà đơn côi, lạnh lẽo, buồn khổ. Nay mới trở về với người bạn đời của mình được hơn sáu mươi ngày đã lại ra đi. Ra đi không phải vì dứt tình dứt nghĩa với người duy nhất trên cõi đời này còn lại với bác, người đã không quên mệt, quên mỏi đi thăm nuôi bác suốt bao nhiêu năm bác nằm tù. Mà có phải đơn giản đâu? Phải lặn lội hàng ngàn cây số ra đến tận Hà Nam Ninh mới thăm được người chồng già. Bác gái cũng không phải còn khoẻ gì cho cam. Bác cũng đã sáu mươi tuổi rồi, sức khoẻ lại còn yếu hơn bác trai. Vì vậy mà bác Lũy đã không thể đưa vợ đi cùng. Sáu mươi ngày về nhà với vợ rồi lại ra đi, ra đi rồi có thể vĩnh viển không bao giờ gặp lại được người mình phải để lại tại quê nhà. Ra đi dù đau đớn nhận thức rằng ở nhà chẳng còn ai để mà chăm sóc lo lắng cho người mình thương yêu nhất đời. Thật là một sự hy sinh cao cả vô cùng, thật là can đảm, thật là phi thường.

Bác Lũy có hai người con trai và chỉ có hai người con trai đó mà thôi. Năm một ngàn chín trăm sáu mươi ba, sau khi đứa con đầu lòng của bác đậu tú tài thì bác đã xin được học bổng cho con mình đi ngoại quốc du học. Trước khi đi du học mấy ngày bác đã cho hai đứa con đi lên
Đàlạt nghỉ vài ngày, đồng thời để thăm nơi thắng cảnh thần tiên đó của quê nhà. Khi hai đứa con bác lấy xe đò trở về Saigon để đứa lớn chuẩn bị lên đường đi du học thì lúc đến Bảo Lộc, xe bị Việt cộng chặn lại và hai đứa con của bác đã bị bắn chết cùng với một số thanh niên khác. Chẳng cần nói chúng ta cũng đủ hiểu rằng cái chết của hai đứa con duy nhất của bác đã làm cho bác đau đớn biết chừng nào. Vốn đã căm thù cộng sản bác lại càng thêm căm thù chúng. Nhưng bác đã can đảm nén được thương đau, quên được sự không may đến với gia đình mình để mà lăn xả vào những công tác xã hội. Bác đã tranh đấu cho những người khổ sở, những người nghèo, những người bất hạnh trong xã hội, bất hạnh như bác kể từ khi còn nhỏ. Do vậy mà bác Lũy đã kiêu hãnh nói rằng đời bác không đáng kể, mạng sống của bác không có giá trị gì. Bác muốn dành những ngày còn lại của cuộc đời bác cho quê hương thân yêu, cho dân tộc mà bác đã gởi vào tất cả tình thương, tất cả nhiệt tình, tất cả những ao ước và mong đợi.

Bác cho tôi hay rằng bác đã có ý định bỏ nước ra đi từ lâu, từ những ngày còn nằm tù. Bác đã có quyết tâm vượt biên, quyết tâm để lại bác gái ở quê nhà, quyết tâm thực hiện những gì bác hoạch định và ao ước làm được. Do vậy mà khi về đến nhà, từ trại cải tạo, bác đã dành hết thời gian bên vợ để nói hết cho bác gái nghe những ý định của mình, những suy nghĩ của mình, những ước vọng của mình. Bác đã phải từ từ, nhẫn nại thuyết phục người mình thương yêu, phải giải thích phải trái, phải đau đớn nói lên quyết tâm ra đi của mình mặc dù trong thâm tâm bác không thể không có một sự dằng co, một sự dày vò, một sự lưỡng lự nào đó. Bác cũng có con tim như ai. Vả lại tình thương mà bác đã dành cho quê hương, cho dân tộc  bao la đó chẳng là một chứng cớ cho sự đa cảm, sự yếu đuối về con tim của con người bác hay sao? Tôi nghĩ như vậy vì tôi nhận thức rằng chính những kẻ mang nhiều yêu thương là những kẻ yếu đuối nhất. Ít ra là về mặt con người. Yếu đuối hiểu theo một mặt nào đó, yếu đuối vì luôn luôn có sự dằng co giữa lý trí và tình cảm, yếu đuối vì là con người. Là con người tất nhiên phải yếu đuối, phải tình cảm, phải biết yêu thương, phải trọng tình hơn lý. Chỉ những kẻ bất nhân mới ác độc, mới vô tình, mới sắt đá, mới không có con tim.
Và bác Lũy đã thuyết phục được vợ bác để ra đi một mình. Bác đã thuyết phục được chính mình để đừng bị tình cảm níu kéo ở lại. Bác đã cam đảm đi theo con đường mà bác đã tự vạch ra cho mình. Bác đã say sưa với lý tưởng cao đẹp mà bác đã đề ra trong đầu bác. Được soi sáng bởi Đức Mẹ và Chúa, theo như lời bác nói, bác đã hy sinh tất cả những gì riêng tư dù là quý giá nhất.



Trời càng về tối càng lạnh. Gió sông thổi lồng lộng. Bên ghe bên kia bọn Hai Học vẫn cười cười nói nói, ăn nhậu vui vẻ, chẳng buồn để ý gì đến chúng tôi. Trong cơn vui của buổi nhậu, chúng đã thả hồn vào quên lãng, vào bản năng và tự nhiên tính của con người Khờ me.
Dân tộc Khờ me, sau này tôi mới thấy, là một dân tộc sống gần thiên nhiên, bản tính mộc mạc, nhiều tình cảm và rất thương người. Họ không cần cù như dân Việt. Họ không lo làm ăn, làm giàu như người Hoa. Họ chỉ lo có ăn chơi, chỉ hội hè với lễ lạc, ca hát với nhảy múa. Nghe tiếng nhạc và nhìn điệu nhảy của họ cũng thấy được ngay cái tính chất thiên nhiên mộc mạc của con người họ. Dân Khờ me sống theo bản năng và họ còn giữ được những nét nguyên thủy của con người, chưa bị văn hóa hay văn minh tiến bộ đầu độc. Họ là những người dễ được thương nhưng cũng dễ bị ghét vì họ thường có phản ứng tự nhiên. Những đáp ứng của họ mang tính chất phản xạ, tình cảm, không suy nghĩ đắn đo, không tính toán, không mưu đồ. Do vậy mà họ thường là những người chân thật, chân tình nhưng cũng dễ nổi nóng, dễ có những phản ứng đột ngột làm cho người đối diện không ưa. Họ không phải con người xã hội, không có nhiều ý thức xã hội, phần lớn ít học và hiểu biết kém. Hay tại vì do sự tàn sát của tập đoàn Khờ me Đỏ, tất cả những thành phần ưu tú, trí thức hay những thành phần hiểu biết, có học đều đã bị thủ tiêu, tàn sát?

Bác Lũy không chịu được lạnh nên đã trở vào trong khoang ghe. Nhưng nằm trên những trái dừa thì làm sao mà có thể ngủ được? Bác đành chui xuống hầm ghe nhưng nơi đó giờ đây đã ngập nước. Bác gọi Xinh bảo cho biết và Xinh đã chui xuống lấy gầu múc nước đưa lên. Bê và
Sơ Rin ở trên phụ với Xinh đổ nước đi. Mười phút sau thì nước trong ghe đã được tát sạch. Bác Lũy xuống hầm ghe nằm ngủ. Tôi nghe bác than chiếu ướt hết và càu nhàu tỏ vẻ khó chịu. Tôi mặc quần áo trở ra nằm ở mũi ghe. Tôi không muốn chui xuống hầm mặc dù buổi tối hầm không còn ngộp thở. Hồi chiều Bê đã lấy bớt thơm lên và đã mở cửa hầm để gió luồn vào. Trời óng ánh những sao, nằm ngửa mặt lên trời sao tôi thấy quang cảnh thật thần tiên.

Tôi vẫn thích những cảnh thiên nhiên nhất là những đêm sáng trăng. Khi ở trại NW9, tôi thường bắc ghế ra sân trại ngồi một mình gần như suốt đêm dưới ánh trăng, nghĩ đến quá khứ, hiện tại và tương lai nhớ những người thân còn lại ở Saigon, nhớ đến những bạn bè còn ở lại đang ao ước ra đi. Trong khi đó thì tôi lại ao ước trở về.
Tôi không hiểu tại sao tôi yêu ánh trăng một cách kỳ lạ! Nhìn trăng trên bầu trời, tôi không ngủ được. Ánh trăng đã làm tôi thao thức bao đêm khi tôi bị bắt ở nhà tù của bọn pa ra, bọn lính Miên man rợ hoạt động ở vùng biên giới Thái. Tôi đã đứng hàng giờ ở trên boong tầu suốt bốn ngày đêm trong cuộc hành trình trên biển Java đưa chúng tôi từ Băng Cốc đến Tân Gia Ba, đứng như thế ngắm trăng, ngắm ánh trăng nô đùa với sóng biển đen như mực. Tôi đã đứng như thế một mình, chỉ một mình trên boong tàu vắng lặng để suy tư, để buồn, nhưng cũng có lúc hứng chí để hát nghêu ngao cho quên hiện tại, hát cho lên tinh thần, hát cho ước vọng tương lai. Mười mấy năm rồi tôi không mở miệng hát bao giờ. Thế rồi đột nhiên   trên con đường tị nạn, trong sự cô đơn và nhất là trong cuộc đời đổi mới, tôi đã trở về quá khứ, tôi đã lại hát, hát cho quên đi nổi buồn ray rứt trong lòng, hát để tự lừa gạt mình, lừa gạt những người xung quanh. Và những người quen trong trại tị nạn nhìn tôi nghêu ngao bảo rằng tôi yêu đời, tôi vui, tôi sung sướng, tôi đã thấy lại được hạnh phúc.  Không, đó chỉ là cái vỏ bên ngoài, tôi chẳng yêu đời, tôi chẳng vui, tôi chẳng sung sướng, tôi chẳng thấy hạnh phúc. Tôi chỉ buồn, buồn vì bao nhiêu chuyện vẫn còn đè nặng lên tâm trí tôi, buồn vì bao nhiêu trở ngại còn giăng mắc trên con đường đưa tôi đến nơi nào tôi chưa biết, buồn vì không còn ai thân thuộc sánh vai cùng tôi đi trên con đường ấy. Tôi đã cảm thấy cô đơn lạ! Chưa bao giờ tôi sống bên bao nhiêu người, sống hổn độn, sống bừa bãi, tạp nhạp, sống chung đụng và kề nhau như lúc ấy! Thế mà tôi lại cảm thấy cô đơn. Bao nhiêu người ở quanh tôi, đến thăm tôi, thương tôi, giúp đỡ tôi mà sao tôi vẫn cảm thấy đơn độc riêng một mình, một mình đi trên con đường dài bất tận.
Vì thế mà tôi tôi thích những đem sáng trăng. Tại trại tị nạn ở Ga Lăng, một hòn đảo của Nam Dương, những đêm rằm trăng sáng tỏa khắp đảo, chiếu sáng núi rừng cây cối xanh tươi rậm rạp, tôi ngồi ở cửa phòng trên dãy nhà sàn ngắm trăng, uống cà phê, hút thuốc lá. Tôi đã tiếc không có một người bạn ngồi bên tôi trong những giây phút thần tiên ấy, một người bạn có tân hồn như tôi, hoàn cảnh giống tôi. Một người bạn để hiểu tôi, để chúng tôi chia sẻ với nhau những giây phút buồn tê tái ấy, những giây phút đau thương nhưng bất hủ, không bao giờ quên và không bao giờ có lại. Bởi vì một lần ly hương, một lần đi tị nạn, trên con đường khốn đốn đưa chúng tôi đến xa lạ, tôi thấy đã quá thấm thía, quá nhọc nhằn, quá cay đắng rồi!



Đến khoảng hai giờ sáng đoàn ghe lại tiếp tục cuộc hành trình đi Nam Vang. Phải thêm một đêm và buổi sáng hôm sau nữa mới đến nơi. Tôi thấy Hai Học lăng xăng nhẩy từ ghe này sang ghe kia, nói với tên này một câu, nhìn chỗ nọ một chốc, bảo những đứa bé xuống hầm, nói tôi vô ngồi trong khoang ghe, rồi trở về ghe mình. Rồi tiếng máy ghe của Hai Học bổng nổ ròn phá vỡ sự tĩnh mịch của đêm tối. Chiếc ghe vọt đi trước khá xa, rồi Bê nổ máy theo sau. Hai ghe từ từ lướt tới, rồi máy thứ hai phát nổ vang dội, hai chiếc ghe phóng tới như muốn đuổi kịp ghe kia. Trong đêm tối, tôi chỉ nhìn thấy ngọn đèn leo lét phiá sau ghe đi trước. Sơ Rin và một tên Miên nữa mà tôi không biết tên lấy điếu thuốc đang hút đưa lên cao, lắc đi lắc lại để chỉ đường cho Bê ngồi sau ghe cạnh hai chiếc máy đuôi tôm chạy. Khi qua những ngôi làng ở hai bên bờ sông, Sơ Rin đốt một bó nhang rồi đưa nhang qua lại trước mắt để làn dấu cho du kích gác dọc theo bờ con sông Bát sắc (Bassac) này. Đôi khi có tiếng quát lớn bằng tiếng Miên vọng ra từ trong bờ, như thể để kiểm tra, và Sơ Rin hay tên Miên kia đứng lên đưa hai tay lên miệng làm loa, lớn tiếng trả lời lại. Những khi đó ghe chạy chậm lại một khoảng khá lâu rồi lại tăng tốc độ lướt tới. Ở đuôi ghe, ngồi trên một cái thùng bằng gổ, tay để trên bộ phận lái, Bê làm việc không biết mệt. Đôi khi Sơ Rin lái thế khoảng mươi phút, để Bê nghỉ. Tôi thấy mỗi lần như vậy,
Bê đi ra mũi ghe phiá trước, lấy nước sông dội lên người. Tôi thấy Bê tắm như thế ngày đêm, có đến mấy chục lần.

Bê gầy gò nhỏ con, mặt chuột, tôi thấy tuy hắn lầm lì ít nói nhưng dễ thương. Hắn ít khi cười, và nếu có cười thì cũng chỉ cười mỉm. Khi họp với Hai Học và đồng bọn, Bê chỉ ngồi nghe chăm chú chẳng có ý kiến nào. Xinh, vợ hắn, trái lại nói năng hoạt bát, hành động nhanh nhẹn, mặc dù hơi mập. Xinh đã có nhiều cử chỉ coi thường chồng và thường ngồi cạnh Sơ Rin để nghe những lời tan tỉnh của hắn, cười tình với nhau. Bê không tỏ vẻ ghen dù hắn biết rõ Sơ Rin đang theo đuổi vợ mình. Hay Bê đã chán không muốn quan tâm nữa? Một hôm tôi chứng kiến Xinh la lối om xòm vì không không tìm ra cái quần mới của chồng. Bê chỉ ngồi ôm chiếc cát sét nghe nhạc mà chẳng buồn nói câu nào. Mấy hôm sau tôi thấy Xinh dẫn chồng vào chợ Nam Vang, mang tên là chợ Saigon, mua vải và đưa Bê đi may quần. Thế là thế nào?

Nghe tiếng máy đuôi tôm nổ đều, bị ru ngủ bởi sự rung chuyển của thành ghe, tôi đã thiếp đi lúc nào mà không hay. Xinh lại vổ vào người tôi nói “ Cậu Hai vào trong kia ngủ. Ngoài này lạnh lắm!” Tôi nhỏm dậy, lồm cồm bò vào trong khoang ghe, chui xuống hầm. Bác Lũy tiếp tục ngủ say sưa, còn tôi thì hết ngủ. Tôi nằm hàng giờ nhắm mắt mà không sao tìm lại được giấc ngủ. Tôi đành chui lên ngồi trong khoang ghe nhìn nước trôi về phiá sau, nhìn hai bóng đen nhẩy múa qua lại, nhìn những đầu thuốc cháy sáng, những cây nhang đốt quay cuồng trong đêm, trông thật lạ lùng. Tôi tưởng như đang sống trong một thế giới xa lạ, huyền bí, môt thế giới của ma quái dị thường. Trước mắt tôi là vô tận đen mịt mờ, không sao thấy được quá mười thước. Bê lái ghe thật tài tình, chỉ nhìn những đốm lửa mà Sơ Rin làm dấu mà biết đi lối nào.
Thế rồi khi đến chỗ sông Bát Sắc chẻ đôi ra thành hai ngánh, Bê phải tắt máy rồi cùng Xinh và hai người kia lấy mái chèo ra đẩy cho ghe chạy tới. Khúc sông này có nhiều cồn cát. Ghe chậm chạp lên giữa những bãi sậy, tôi ngồi nhìn mà phát sốt ruột. Thật là khó nhọc mới đẩy được ghe đi, và mặc dù trời lạnh, cả ba người đàn ông đều ướt đẫm mồ hôi. Những lời họ nói với nhau vang dội trong đêm tĩnh mịch. Tại nơi hoang vắng này chẳng còn nguy hiểm. Nhiều lần Sơ Rin phài nhẩy xuống dùng hết sức lực đẩy vì ghe bị mắc cạn. Hơn nửa tiếng đồng hồ sau, ghe qua được khúc sông đó, máy lại nổ dòn, ghe lại phơi phới lướt trên mặt sông phẳng lặng, nước tung tóe lên hai bên ghe.
Nước trào vào làm cho hầm ghe đầy ngập, có cả gang tay. Bác Lũy và tôi phải ngủ ngồi dựa lưng vào thành ghe, nửa người ngâm trong nước sông. Đến lúc trời ửng sáng, tôi thấy thân tôi rã rời. Đêm không ngủ được, cả ngày thần kinh căng thẳng, tôi thấy đuối hẳn sức, không còn chịu nổi. Sơ Rin và bạn hắn xuống hầm tát hết nước ra. Sau đó bác Lũy và tôi lại phải xuống hầm vì sắp qua trạm kiểm soát và tôi đã ngủ thiếp đi cho tới sáng.
Khi tôi thức dậy thì trời đã sáng và ghe đã tắt máy. Có tiếng nói, tiếng cười, tiếng rao hàng của những người bán rong. Nhìn ánh sáng chui qua ván ghe tôi đoán chắc đã phải quá tám giờ rồi.
Nắp hầm vẫn đóng kín và tôi không nghe tiếng động trên khoang ghe. Bác Lũy cũng đã thức và đang im lặng lắng tai nghe một cái gì tôi không biết. Thấy tôi, bác bèn đưa ngón tay lên miệng làm dấu bảo tôi đừng nói, rồi chỉ chỏ lên phía trên khoang ghe, môi mấp máy ý muốn nói đang có ai lạ trên đó. Tôi đoán bác đã dậy từ lâu và đã theo dõi mọi chuyện từ lúc đầu. Sự căng
thẳng kéo dài rất lâu có lẽ hơn nửa giờ và chúng tôi cứ hồi hộp chờ tiếng máy nổ báo hiệu ghe
đã rời nơi nguy hiểm này. Thế rồi ghe lạy chạy, tiếng nước lại vổ vào thành ghe trôi rào rào. Chúng tôi hoan hỉ, khoan khoái nhìn nhau cười, rồi nói chuyện. Bác Lũy nhịn đằng hắng từ lâu, bây giờ tha hồ mà ho mà sặc.
Chúng tôi nói chuyện với nhau cho qua giờ. Bác Lũy tỏ ra là người biết nhiều do tự học. Bác thông thạo nhiều vấn đề trên nhiều lãnh vực. Chúng tôi bàn xem nên đi nước nào một khi thoát nạn đến được đất Thái. Bác Lũy nghĩ nên đi Mỹ hoặc đi Úc. Bác bảo không nên đi Gia Nã Đại (Canada) vì nơi ấy quá lạnh. Còn đi Pháp cũng không nên, không những vì đời sống khó khăn mà còn vì đảng xã hội có thể sẽ thắng cử khi liên minh với đảng cộng sản. Sau này quả thật Mitterand của đảng xã hội đã lên làm tổng thống. Tôi nói xã hội chủ nghĩa bên Pháp không như xã hội chủ nghĩa của chế độ cộng sản, không có chuyên chính vô sản, không độc tài bóc lột nhân dân. Về mặt tư tưởng có thể mục đích giống nhau, nhưng về cách thức thực thi thì hai bên dùng những phương tiện khác nhau hoàn toàn. Măc dù có sư liên minh giữa hai đảng xã
hội và cộng sản để tranh cử nhưng thực sự hai đảng này không khắng khít với nhau. Đảng cộng sản Pháp đã từng lên tiếng công khai chỉ trích, lên án gay gắt đảng xã hội và buộc tội đảng này là đã phản bội quyền lợi của giai cấp công nhân, từ bỏ những nguyên lý căn bản nguyên thủy của chủ nghĩa xã hội, và nay đảng này không còn đi đúng con đường chân chính của chủ nghĩa mình nữa.

Thực sự tôi không còn nhớ những chi tiết về đảng xã hội Pháp như thế nào. Đại khái tôi chỉ còn nhớ những nét chính yếu đó vì năm trước mặc dù ở Saigon, tôi vẫn được đọc những tuần báo Pháp Paris Match và Express ở nhà chị Hòa. Gia đình chị quen với một vài người Pháp làm việc ở tòa tổng lãnh sự pháp và mỗi khi họ đến nhà chị thì họ lại mang cho ít báo cũ. Như trời hạn gặp mưa, mỗi lần tôi đến thăm chị, tôi đã say sưa đọc những tuần báo ấy, hết trang này sang trang kia, đọc cả những trang không đáng đọc, đọc vì đã quá khao khát thèm biết tin tức từ những nước tự do.
Nay ngồi bàn luận với Bác Lũy, tôi không còn những khái niệm chính xác trong đầu. Từ mấy năm nay trí nhớ của tôi sút kém đi nhiếu mặc dù tôi chưa đến bốn mươi, đọc xong là quên, không nhớ cả đọc ở đâu. Nhiều khi đang nói chuyện, tôi hụt trí nhớ, quên bẳng đi một tên gọi hay hay một từ cần dùng. Tôi không hiểu tại sao, có thể là vì thiếu dinh dưỡng, hay vì thần kinh suy nhược? Sau bẩy năm buồn khổ lo âu, sợ hãi ưu tư, bất mãn vô hy vọng, tâm trí tôi không còn bình thường nữa. Bộ não tôi đã làm quá nhiều công việc vô ích trong  thời gian đó nên có thể tôi đã bị suy nhược thần kinh.

Bác Lũy bảo rằng nếu đảng xã hội thắng cử thì một số ghế trong chính phủ sẽ rơi vào tay đảng viên cộng sản và chúng có thể làm áp lực trên đảng xã hội  và áp dụng một số biện pháp phản dân hại nước. Cộng sản mưu mô quỷ quyệt và thâm độc, chúng có trăm phương ngàn kế lôi ra để đạt được mục tiêu của chúng. Bác Lũy còn sợ rằng bang giao giữa Pháp và Việt Nam sẽ khắng khít hơn, không có lợi cho người Việt tị nạn tại nước đó. Do đó, không nên đi Pháp. Tôi thì nghĩ rằng bần cùng lắm thì mới đi Pháp vì tình trạng kinh tế tại đó không tốt đẹp và không thuận tiện cho người tị nạn. Pháp lúc đó đang có tỉ lệ thất nghiệp cao, và công nhân hay đình công, rất khó mà kiếm đươc việc làm tốt.

Càng đến gần Nam Vang các trạm kiểm soát càng nhiều. Cứ đi muời lăm hai mươi phút thì lại phải ghé trạm. Khi ghé, ghe phải đậu lại rất lâu, có khi cả nửa tiếng đồng hồ. Bác Lũy và tôi tuy đã quen ở dưới hầm nhưng chúng tôi sốt ruột vô cùng. Chúng tôi lo sợ bị bắt khi bọn an ninh lên ghe sục sạo, lấy lưỡi lê ở đầu súng AK chọc vào đống thơm để xem có gì dưới đó không. Rất may là chúng không chui xuống hầm ghe. Và khi ghe ra đi, chúng tôi cũng chẳng còn dám nói chuyện vì sợ trên ghe có người đi quá giang.
Thế rồi lúc mười giờ hơn, tôi tưởng đã đến Nam Vang rồi vì sau khi ghe táp vào bến tôi nghe thấy nhiều tiếng máy ghe nổ, tiếng cười nói, gọi nhau, kêu la, tiếng nói chuyện, tiếng đùa rỡn của trẻ con rất gần, như thể chúng đang bơi lội bên ghe chúng tôi. Có tiếng Xinh. Bê, Sơ Rin nói chuyện với ai đó, giọng nói líu lo vui vẻ. Tò mò, tôi ghé mắt sát khe trên nóc hầm nhưng chẳng thấy được gì trừ những tia ánh sáng mặt trời. Năm mười phút sau đó, ghe lại nổ máy
chạy tiếp.

Khoảng hơn mười một giờ, chúng tôi đến Nam Vang. Ghe vừa vào đến bến thì Xinh mở cửa hầm bảo chúng tôi lên mặc quần áo để chuẩn bị lên đất liền. Xinh lấy mền che kín khoang, rồi chúng tôi ăn bữa cơm chót trên ghe.
Tôi hé mền nhìn ra ngoài. Trên khúc sông đó, ghe thuyền đậu la liệt. Con sông chảy qua Nam Vang cũng lớn ngang sông Saigon. Nhìn bên kia sông tôi thất những tòa nhà lớn, có lẽ là một nhà máy hồi xưa, nay bỏ hoang. Bên này sông là một bãi đất rộng, sâu bên trong là một dẫy nhà lụp xụp một từng. Những xe mô bi lét (Mobylette) và xe đạp lôi túc trực sẵn ở bờ sông để chở hàng. Ngay lúc đó, người ta đang chuyển những va li lên bến và chở đi. Trên ghe chúng tôi, Xinh cũng đang sửa soạn cho dỡ hàng.
Lúc một giờ trưa, sau khi hàng đã được dỡ và chở đi hết, Hai Học vén mền lên và bảo chúng tôi theo Bê và Xinh xuống bến. Tôi theo Bê đi lên bờ, leo qua những cầu khỉ bắc ngang giữa hai
ghe, mấy lần tưởng té xuống sông. Lên đến đất liền, chúng tôi len lỏi qua những hẻm nhỏ khu dân nghèo. Chẳng bao lâu chúng tôi đến một con đường nhỏ hai bên có những tiệm bán tạp hoá hay cà phê, sửa máy ghe, sửa ra đi ô hay đồng hồ, may quần áo,... Chủ những tiệm đó phần đông là những người hoa. Nhiều tiệm trên bảng hiệu có ghi cả tiếng Việt.
Bê thoăn thoắt đi trước, tôi lẽo đẽo đằng sau. Vì tôi không đeo kính nên không thấy rõ đường đi, chẳng bao lâu tôi không còn thấy Bê đâu nữa. Tôi đang phân vân đứng bên vệ đường thì Sơ Rin đi tới. Hắn nháy mắt ra dấu cho tôi đi theo hắn. Chúng tôi đi vào một quán nước nhỏ uống nước trà đá và hút thuốc. Sơ Rin trả tiền xong thì Xinh xuất hiện và nói với hắn câu gì  rồi bỏ đi. Trông Sơ Rin thật buồn cười vì hắn ăn mặc rất chỉnh tề, quần tây, sơ mi trắng dài tay, mà lại đi chân đất.
Chúng tôi đi khoảng hai trăm thước nữa, Sơ Rin đi trước, tôi đi sau và đến ngã ba, hắn quẹo trái rồi mở cửa bước vào một căn nhà. Tôi vào theo thì thấy Bác Lũy đã ở đó từ bao giờ, cây ba toong gác góc tường và chiếc mũ nỉ có vành móc trên tường. Tôi lấy làm ngạc nhiên vì lúc tôi ra khỏi ghe bác vẫn còn ở đó.
Căn nhà này bỏ hoang nên rất dơ bẩn, gần mái nhà có những lỗ lớn trên tường để có thể chui qua nhà bên cạnh, và trần nhà bằng cạc tông ép (carton isorène) đã bị gỡ xuống để trơ ra những cây xà bằng gổ. Có lẽ lúc có chiến tranh, dân đã leo lên trần nhà, chui qua những lỗ tường để luồn đi từ nhà này sang nhà kia.
Phiá sau nhà có một bể nước. Vì tường thấp nên tôi có thể nhìn được sang những nhà xung quanh. Căn bên phải đã có người ở, căn bên trái tường lỗ chỗ vết đạn vẫn còn bỏ hoang. Xa
đằng sau là một nhà kho lớn lợp tôn đã bị bắn phá dữ dội. Mái tôn bị lủng những lỗ lớn, có lẽ do đạn B40 bắn, tường bị phá những lỗ lớn, người có thể chui ra vào. Sáu năm sau ngày giải phóng, Nam Vang vẫn còn hoang tàn, đổ nát. Nhà cửa vẫn còn dấu vết của súng đạn bắn phá và nhiều căn vẫn còn bỏ hoang.
Tôi và bác Lũy trải xuống đất một chiếc pông sô (poncho) tìm được ngay trong nhà và chúng tôi nằm nghỉ mệt. Ngay gần chỗ chúng tôi nằm có một túi đồ nghề, một cuốn tiểu thuyết của Bắc
Việt, chăn mền, và một quần din (jean) đã sờn rách. Những vật dụng đó chứng tỏ rằng căn nhà
đang có ai tạm ở, hoặc dang có thợ đến sửa.
Sơ Rin đưa tôi đến rồi lại mở cửa ra đi. Tôi hỏi bác Lũy ai đã dẫn bác đến đấy thì bác trả lời
Xinh. Chúng tôi nằm đó, tôi thì hút thuốc, bác ta thì trầm ngâm.

Sau đó mươi phút, có tiếng cửa mở rồi một thanh niên bước vào. Bác Lũy và tôi nhìn nhau chẳng biết phải phản ứng ra sao, đành lại nằm xuống như thể không có chuyện gì. Người thanh niên trải một chiếc chiếu phiá nhà trước, đi xuống nhà dưới rồi lại đi lên, đi qua chúng tôi mà chẳng thèm nhìn hay hỏi câu gì. Hắn ra chiếc chiếu nằm xuống tỉnh bơ đôi mắt lim dim như thể đang suy nghĩ điều gì. Bác Lũy và tôi cũng hơi chột dạ nhưng không biết phải làm gì bấy giờ. Tôi nghĩ hắn là người Miên không nói được tiếng Việt nên không chào hỏi gì chúng tôi. Chúng tôi bèn ngồi dậy, nhìn nhau chờ đợi, chẳng ai nói được câu gì để trấn an nhau. Chúng tôi không biết rồi chuyện gì sẽ xẩy ra nên càng thêm lo.

Tôi không biết Hai Học đâu, đang làm gì, tự hỏi sao y không ở đây với chúng tôi. Hay là y bỏ rơi chúng tôi? Hay là y nhốt chúng tôi một vài ngày rồi bắt chúng tôi ký giấy để y về Saigon lấy nốt số vàng còn lại? Những ý nghĩ đó càng làm cho tôi lo. Không hiểu lúc đó, bác Lũy có những suy nghĩ như tôi không, có lo sợ như tôi không? Sau nay tôi cũng chẳng buồn hỏi.
Khoảng nửa giờ sau Xinh đến dẫn theo cháu bé, Hinh và Huân. Thế là năm người trong bọn tôi đã có mặt đầy đủ. Lúc trước đó tôi đã sợ Hai Học để bác Lũy và tôi một nơi , Hinh, Huân và cháu bé một nơi. Xinh lăng xăng chạy ra chạy vào. Bác Lũy kêu khát nước và đòi uống cà phê đá. Tiện thể tôi bảo Xinh mua cho tôi một gói thuốc. Lát sau đó Sơ Rin đến và Xinh sai hắn đi mua, chỉ một chốc sau chúng tôi có cà phê uống và thuốc lá hút. Xinh lấy chiếc chổi cùn quét nhà rôi bảo chúng tôi cởi quần áo ra nằm nghỉ. Sơ Rin ngồi nói chuyện với người thanh niên lúc nảy. Hinh, Huân và cháu bé đùa rỡn với nhau, cả Hinh đã mười tám tuổi cũng  tỏ vẻ hồn nhiên và ngây thơ như hai đứa bé kia.
Khoảng năm giờ thì Hai Học xuất hiện. Y mang theo mấy khăn ô vuông đen đỏ mà dân Khờ me thường đeo quanh cổ hoặc thắt trên đầu. Ngoài đường ở Nam Vang đàn ông nào cũng có chiếc khăn ấy.
Y ngồi xuống đất, gọi chúng tôi lại ngồi gần, rồi dõng dạc nói “có ai còn tiền Việt không? Từ giờ trở đi không còn xài được nữa, đưa đây tôi đem đổi lấy tiền Miên xài!” Nghe vậy bác Lũy là người xung phong, bác đưa ra ba trăm tiền Việt cộng, Tôi cũng đưa cho y mấy trăm và Hinh Huân đưa trăm mấy. Tôi còn giữ trong người bốn trăm đề phòng trường hợp không đi đựơc phải trở về Saigon. Rồi Hai Học thu hết đồng hồ, nhẫn vàng của chúng tôi, nói rằng để giữ hộ, sợ đi đường bị xét hõi lôi thôi, đến biên giới Thái sẽ trả lại. Tôi tưởng thật đưa cho y chiếc nhẫn
vàng mang theo. Bác Lũy thấy tôi đưa, cũng đưa chiếc đồng hồ và nhẫn mà bác đã dấu kỹ từ
lúc khởi hành. Chỉ có Huân Hinh là ranh, chúng không đưa và còn giữ được chiếc nhẫn cho
đến lúc chúng tôi bị bắt ở Si So Phon.
Sau đó Hai Học sai Xinh đi mua cho chúng tôi mỗi người một đôi dép nhật là thứ dép ai nấy đều đi ở Kămpuchia. Y nói đi dép da, dép mủ, hay dép râu, loại dép làm bằng vỏ xe hơi cũ mà bọn lính Việt cộng vẫn dùng, sẽ lộ ngay. Vì đồ đạc của chúng tôi vẫn còn để trên ghe Hai Học sai người đi mua sà bông, kem đành răng, bàn chải đánh răng, khăn mặt cho chúng tôi. Chiều hôm đó, khoảng bảy giờ tối, Hai Học trở lại đón chúng tôi đi phố ăn cơm. Hinh Huân và cháu bé đi trước với Xinh và Bê, còn bác Lũy và tôi đi sau với Hai Học.

Nam Vang không hoang vắng điêu tàn như báo chí đã mô tả. Một phần của thành phố cũng sống, cũng nhộn nhịp, cũng vui tươi như xưa! Đâu phải là một Nam Vang hoàn toàn im lìm, hoàn toàn chết? Tôi chưa bao giờ được đến Nam Vang trước đấy nên không có một khái niệm nào về thành phố được ca tụng là rất đẹp này, đẹp hơn cà Saigon thời xưa. Nay thì Nam Vang chỉ có những tiệm buôn bán nhỏ, nhưng ngoài đường đi vẫn tấp nập, nào đi bộ, nào xe đạp, nào mô bi lét, nào Honda, nào xe chở hàng nhỏ mới tinh do chính phủ các nước viện trợ theo chương trình cứu đói nhân dân Kămpuchia.
Phần lớn những tiệm ăn, tiệm cà phê là của người hoa đã sinh sống ở Nam Vang từ lâu đời. Họ biết nói cả tiếng Việt.

Sự thể nhiều người ở Kămpuchia nói được tiếng Việt là vì sự có mặt của bộ đội viển chinh Việt Nam mời đây, hoặc vì ảnh hưởng văn hóa và thương mại của Việt Nam xưa kia. Sau này trên tuyến đường đi trốn, tôi còn gặp nhiều người khác nói được tiếng Việt. Tuy họ nói không rành rẽ nhưng hiểu được và họ phát biểu được ý định của họ. Có một điều là khi mới gặp, khi chưa biết mình thế nào, họ giấu nói rằng không biết tiếng Việt. Sau khi tin tưởng rồi thì họ mới dùng tiếng Việt nhưng cũng ít khi dám dùng công khai. Sự dè đặt này có thể vì họ biết mình  đi trốn và không muốn bị liên lụy, và cũng có thể vì vốn dĩ họ căm thù oán ghét dân Việt nam nói chung và bộ đội Việt nam nói riêng. Sự căm thù này tiềm tàng trong đầu dân kămpuchia, nhất là dân có ít nhiều học thức và tinh thần dân tộc. Mặc dù quân Việt Nam giải cứu họ khỏi sự tàn bạo của chế độ Khờ me đỏ, nhưng họ vẫn không thích sự có mặt của bộ đội Việt trên lãnh thổ họ và nhất là sự kiểm soát của Việt Nam. Họ sợ rằng bộ đội Việt Nam sẽ vĩnh viển chiếm đóng Kămpuchia và thống trị dân nước họ.
Tôi thông cảm với dân Miên vì quê hương tôi cũng đã từng bị đế quốc Pháp thống trị cả trăm năm trời. Hình ảnh một thằng Tây đá  đít một công nhân người mình, mà tình cờ tôi đã thấy khi tôi mười tuổi, vẫn còn ám ảnh thâm tâm tôi. Là công dân một nước ai chẳng muốn quốc gia mình độc lập tự do? Ai chẳng căm thù bọn xâm lăng quê hương mình? Ai lại chịu sự đô hộ của nước khác? Ai lại muốn dân tôc mình bị ách đô hộ của quân thù? Tôi nhiệt liệt ủng hộ sự giải phóng Kămpuchia, ủng hộ tinh thần yêu nước của nhân dân khờ me, ủng hộ sự đòi hỏi Việt
Nam triệt thoái khỏi lãnh thổ Kămpuchia của họ. Tôi đã cảm thông với họ, tôi đã thấu hiểu sự
đau khổ của họ vì lúc đó chính tôi cũng đã là một kẻ mất nước, là kẻ phải từ bỏ quê hương ra đi, chỉ khác là nước tôi đang bị thống trị bởi một số người đồng hương đã lợi dụng chủ nghiã cộng sản để bóc lột nhân dân, làm giầu trên xương máu của chính dân nước mình.

Chúng tôi bước vào một tiệm cơm tầu. Hai Học nhìn quanh, thấy hai thanh niên quen biết, kéo họ sang ngồi cùng bàn. Đó là hai người Việt biết nói tiếng Miên. Một người nói với chúng tôi
rằng anh trước kia là học sinh ở Long Xuyên, đã đi vượt biên cùng một số bạn nhưng không thành công và ở lại Nam Vang để tiếp tục tìm đường đi. Anh ta đã mua giấy tờ giả và sống bằng những nghề tầm thường như phụ thợ hồ, phu khuân vác, làm công cho những cửa tiệm. Anh đã ở lại Nam Vang hơn bốn tháng và đã học nói tiếng Miên để đồng hoá với người bản sứ và bớt bị để ý. Tôi thấy anh nói đã khá trôi chảy và anh nói tối tối vẫn còn đi học tiếng Miên. Tôi nghĩ có lẽ tiếng Miên cũng dễ học.

Chúng tôi đã được ăn một bữa cơm khá ngon. Hai Học đã đãi chúng tôi bằng tiền y đã khôn khéo lấy của chúng tôi. Bia hộp, gà hấp muối, lẩu thập cẩm, thịt bò lúc lắc, cơm chiên, chúng tôi ăn no nê, men rượu lâng lâng, chúng tôi cười nói thỏa thích vì ở Nam Vang có nhiều cán bộ, bộ đội Việt ngoài đường, trong những tiệm ăn, tiệm cà phê và những rạp hát. Do đó, chúng tôi tha hồ mà nói tiếng Việt vì ai có thấy chúng tôi thì cũng tưởng là cán bộ Việt cộng, nhất là tôi và bác Lũy lại nói giọng bắc.
Cán bộ, bộ đội Việt cộng được đối xử như quân Mỹ ở miền nam Việt Nam thời trước. Tôi thấy nhiều toán bộ đội Việt đi nghênh ngang ngoài phố, đi đến đâu cũng được trọng vọng, kính nể và biệt đãi. Họ thường áp phe với nhưng người Miên làm ăn buôn bán hay có quyền hành. Có lẽ Hai Học cũng đã từng làm ăn với họ. Y có vẻ là một tay anh chị , một tay giang hồ, một tên bất lương. Trông y giống hệt những tay làm ăn móc ngoặc, đàn em của những tay tổ Việt cộng đang lợi dụng thời cơ để vơ vét làm tiền. Nhìn cách đối xử của y với Bê, Xinh, Sơ Rin và nhữ tên Miên khác là biết. Đi bên cạnh y, tôi không thấy thoải mái nhưng rất may là y cũng nể tôi và cư xử tương đối tốt với tôi.

Và như vậy, hết lon này đến lon kia bia Nhật được mở ra, chúng tôi cứ uống, cứ ăn, cứ nói, cứ đùa, ăn uống nói chuyện đùa rỡn cho quên sự đời, quen cái nhọc nhằn của chuyến đi vừa qua, cho quên đi những khó khăn của bước đường những ngày sau đó, dù cho rằng chỉ là quên tạm, quên trong một thời gian ngắn, quên trong lúc đó.
Bia đối với tôi chẳng thấm vào đâu. Hai Học tuy thường uống rượu nhưng lài dễ say. Tửu lượng của y kém xa tôi. Làm cái nghề mà lúc nào cũng bị ám ảnh lo sợ, lúc nào tinh thần cũng căng  thẳng, lúc nào nguy hiểm cũng trực chờ, y thường xuyên phải uống để lên tinh thần, để bớt sợ hãi, để mà còn dám tiếp tục làm cái nghề nguy hiểm này.

Tôi thì khác. Sáu năm qua tôi đã uống rượu để giải sầu, uống nhiều, uống cả nửa lít, không phải uống để thêm can đảm, để lên tinh thần, mà là uống để đi vào quên lãng, để rồi lúc tỉnh rượu lại thấy buồn hơn và nhớ hơn bao giờ hết. Đó là cái sai lầm của những kẻ như tôi tưởng rằng rượu là phương thức đưa mình thoát khỏi sự cô đơn buồn bực chán nản, tưởng rằng rượu sẽ đưa mình vào quên lãng, vào vô nhận thức. Chẳng có lúc nào buồn thê thảm hơn là lúc mới tỉnh rượu, khi nhận thức lại cái thực tế và hiện tại đang đè nén mình. Và khi đó, mình lại thấy thấm thiá hơn, thấy chán nản hơn bao giờ hết. Để rồi lại rượu, lại u mê, lại tỉnh, lại rượu, lại u mê… Thật là cái vòng luẩn quẩn, cái vòng luẩn quẩn triền Miên chẳng giải thoát được ta, chẳng cứu được ta khỏi nổi buồn khổ, mà trái lại càng đưa ta đi sâu hơn vào con đường không lối thoát. Ai có thể chịu hộ cho con người nổi thống khổ của cuộc đời ngoài Thượng Đế? Trên cõi trần gian này chỉ có can đảm chịu đựng hay hèn nhát đầu hàng, không thể chạy trốn vào đâu được vì những buồn khổ vô hình đó theo ta như cái đuôi đằng sau mình chẳng có thể chặt bỏ mà cũng chẳng cất giấu ở đâu được. Tôi chẳng biết tôi có bất thường, có bịnh hoạn, có khác mọi người hay không? Tôi chỉ biết rằng tôi như thế đó và tôi muốn viết ra ở đây để tìm hiểu chính mình, tự cứu xét tâm trạng mình, để biết xem có ai giống mình hay không. Tôi đi tìm một sự cảm thông, một tình bạn, một sự hiểu nhau để lám giảm đi nổi buồn ray rứt của kẻ đang phải đi một mình trên con đường tranh tối tranh sáng này.

Sau bữa cơm, Hai Học ra đi với tên Miên lai Việt còn bác Lũy và tôi lững thững trở về nhà với người thanh niên đã toan vượt biên mà không thoát. Trời oi ả khó chịu. Bụng no, ngà ngà say, tôi đã không muốn về nhà, vì biết về nhà cũng chẳng ngủ được. Chúng tôi ra bờ sông ngồi hóng gió vì nơi đó không khí dễ thở hơn. Hàng mấy chục người đang tắm ở dưới sông, hổn độn  đàn ông đàn bà trẻ con. Trời thì tối mà không có đèn, ánh sáng duy nhất  rọi từ bên kia
sông sang do những đèn pha của những trạm canh gác. Có thể bên đó là một trại lính hay một
đồn bót công an.
Mùi hôi hám bốc lên làm chúng tôi phải bỏ đi nơi khác. Bác Lũy cảm  thấy mệt nên tôi và anh bạn kia phải dìu đi. Thế nhưng bác vẫn không muốn về nhà. Chắc giờ đó bác cũng buồn và nhớ bác gái. Chúng tôi đến một khu nhà lụp xụp và ra ngồi đằng sau một căn nhà nhìn xuống bờ sông. Những người gánh nước theo hàng dài nối đuôi nhau đi lên ngang qua mặt chúng tôi.

Người thanh niên nói đi tới Bát Tam Băng (Battambang) và ngay cả đến Soay tức là Xi xô phôn (Sisophon) không gì khó khăn nếu biết chút ít tiếng Miên. Chúng tôi nói chúng tôi không biết tiếng nào thì anh ta thao thao bất tận dậy chúng tôi nói một số câu thông dụng như “Cho tôi môt vé đi Soay”, “Bao nhiêu tiền?”, “Tôi muốn về Nam Vang”, “Chuyến xe lửa về Nam Vang bao giờ chạy?”, “Tôi muốn bán một chỉ vàng”, “Mua bao nhiêu một chỉ?” và hàng chục câu khác mà tôi không nhớ. Bác Lũy chịu khó lập lại những câu nói đó, đầu gật gù, còn tôi chỉ ngồi nghe. Rồi anh ta khuyên chúng tôi phải cẩn thận không để bị lừa vì nhiều người đến tận Xi xô phôn rồi mà còn bị bỏ rơi và nói rằng chúng tôi phải nhớ đường mà tự về lấy. Lúc đó tôi chẳng biết Xi xô phôn hay Soay ở đâu vì đi khỏi Saigon quá đột ngột, tôi đã không nghiên cứu bản đồ Kămpuchia. Hỏi anh Xi xô phôn ở đâu thì anh trả lời “gần biên giới Thái”. Anh ta còn bảo chúng tôi rất nhiều người đi vượt biên đã bị bắt ở Xi xô phôn vì bộ đội Việt Nam canh rất kỹ và xét hỏi từng người. Bác Lũy và tôi nghe anh ta nói mà lo hết sức.
Thế rồi quay sang chúng tôi, nghiêm mặt lại, anh hỏi làm sao chúng tôi biết Hai Học. Trước đó tôi đã tưởng anh cũng là một tên bộ hạ của Hai Học, ai ngờ? Tôi bèn trả lời rằng Hai Học là bà con của một người bạn thân của chúng tôi. Tôi nói y giúp chúng tôi đi, đến nơi viết giấy về thì mới chồng tiền. Anh ta hỏi chúng tôi tốn mất bao nhiêu? Tôi nói năm chỉ. Biết chúng tôi giấu không nói thật, anh ta bảo “Hai Bác đừng ngại cháu. Cháu cũng như hai bác tìm đường đi. Cháu biết gì, nói với hai bác để hai bác đề phòng chứ không có ý gì xấu cả. Cháu chỉ muốn
giúp hai bác mà thôi.” Tôi nói chúng tôi rất cảm ơn lòng tốt của anh ta, chúng tôi chẳng biết phải
làm gì mà hoàn toàn trông cậy vào sự hướng dẫn và giúp đỡ của Hai Học. Anh ta liền lên giọng dạy đời “Hai bác không nên nhắm mắt tin người. Ở đây ai cũng có thể là người đi lường gạt người khác. Cháu thấy Hai Học không phải là người đàng hoàng. Hai bác nên cẩn thận. Nếu có phải trở về Nam Vang, hai bác hãy tìm cháu. Cháu sẽ giúp hai bác!” Chúng tôi lại cám ơn anh ta. Thấy chúng tôi không tin anh ta và anh ta không thể lợi dụng được chúng tôi, anh đứng dậy đưa chúng tôi về nhà.
Khi chúng tôi về gần đến nơi thì gặp người thanh niên đã cùng ăn cơm lúc nãy. Anh ta thì thầm câu gì với người thanh niên dẫn chúng tôi về và anh này cho chúng tôi hay là đêm nay an ninh sẽ tới kiểm soát khu vực có căn nhà nơi chúng tôi tính về ngủ. Rồi anh hỏi tôi ghe chúng tôi đậu ở đâu đẽ đưa chúng tôi về đó. Bác Lũy nhớ mang máng nơi ghe đậu còn tôi thì đã quên tịt.
Tôi vốn dĩ  không có khả năng định hướng, đi không nhớ đường về, hoặc phải tìm mãi mới tìm được đường về. Có thể tôi vốn đãng trí, không hay để ý đến những chi tiết, không quen nhận diện những tiêu mốc trên đường đi? Khi nói chuyện với người mới quen, tôi ít lưu ý đến bề ngoài nên không nhớ người ấy ra sao, có cử chỉ gì, ăn nói thế nào. Có người đã trách tôi vô tình, gặp lại không chào hỏi mà lờ họ đi.

Chúng tôi tìm lại được nơi ghe đậu. Tối đến nước sông dâng lên cao, không còn cầu ván đưa ra ghe. Từ bờ sông ra đến ghe rất xa nên chúng tôi đứng trên bờ cố kêu Xinh lớn tiếng hy vọng nó sẽ nghe. Gọi đến cả chục lần mới thấy Xinh ló đầu ra. Người thanh niên đi cùng với chúng tôi nói một tràng tiếng Miên và chúng tôi thấy Bê và Sơ Rin chui ra, gỡ dây cột ghe, rồi lấy mái chèo đưa ghe lại gần bờ. Chúng tôi bước xuống ghe trong khi Xinh hỏi người thanh niên tại sao không đưa chúng tôi về nhà kia. Hai Học cũng tức tốc thay quần áo đi theo người thanh niên, sau khi dặn dò chúng tôi tạm ngủ đêm nay dưới ghe. Hai Học vừa đi khỏi thì ghe được chèo ra giữa sông, rồi Bê mở máy cho ghe chạy tới một nơi cách đó khoảng ba trăm thước mời đậu lại bên ba bốn ghe khác. Xinh chuẩn bị chiếu mùng cho chúng tôi ngủ.
Bê hỏi chúng tôi sáng giờ đã tắm chưa và khi tôi trả lời chưa hắn lấy xà bông và múc nước sông cho chúng tôi tắm. Trời hơi lạnh và những ánh đèn pha từ bờ sông bên kia và từ cầu Saigon rọi lại làm thành những vệt sáng nổi bật trên mặt nước, trông thật lạ mắt.
Tôi nhớ mãi buổi tắm trên ghe đêm đó. Đứng ở mũi ghe trần truồng, gió lạnh làm nổi da gà, tôi vừa dội nước ào ào lên người, vừa nhìn những ánh đèm đêm của Nam Vang, một thành phố xưa kia được coi đẹp nhất Đông Dương.  Tôi chưa đi hết Nam Vang nhưng chợ Saigon chẳng có gì đặc biệt. Saigon của tôi còn đẹp hơn Nam Vang nhiều, Saigon hoa lệ thời trước, quê hương thứ hai của tôi, nơi giữ bao nhiêu kỷ niệm của tôi.
Tắm xong, tôi mặc quần áo rồi chui vào khoang ghe ngủ cạnh bác Lũy. Chúng tôi nằm mãi mà không chợp được mắt bèn thì thầm nói chuyện bằng tiếng Pháp. Bác Lũy khoe đã ở Pháp mấy năm, đã đi khắp nơi từ bắc chí nam, và kể cho tôi những kỷ niệm thời xa xưa, những chuyện mà nếu không có tôi, chắc bác không bao giờ kể lại. Rồi hai anh em chúng tôi bàn tính những chuyện phải làm những ngày sau đó.
Bác bảo tôi sáng hôm sau phải đòi Hai Học trả lại chiếc nhẫn, và phân công cho tôi công việc đó. Bác là người khôn ngoan tế nhị, không muốn làm mất lòng Hai Học. Bác đã hứa với Hai Học và Xinh là nếu đến được biên giới an toàn thì bác sẽ thưởng cho họ chiếc nhẫn. Tôi thì muốn giữ chiếc nhẫn đề phòng trường hợp không đi được thì còn phương tiện trở về. Cả hai chúng tôi đều nghĩ rằng mình đã quá khờ, quá dại khi đưa nhẫn cho Hai Học trong khi thằng nhỏ Huân không đưa. Tôi không hiểu tại sao tôi lại ngu muội chià ra chiếc nhẫn, tại sao tôi lại không giữ nó phòng thân, tại sao tôi lại không suy nghĩ trước khi đưa.

Đêm hôm đó là đêm chót chúng tôi ngủ dưới ghe. Tờ mờ sáng hôm sau Hai Học trở lại và bảo chúng tôi chuẩn bị đi. Tôi tưởng chúng tôi sẽ ra thẳng nhà ga để đi xe lửa đến Bát Tam Băng (Battambang). Hai Học, Xinh, Bê, và Sơ Rin dẫn tôi và cháu bé đi ra chợ ăn sáng. Đến gần khu chợ, Hai Học bảo tôi là y phải đi lo công chuyện, chút nữa y về tiệm ăn, tôi không đựơc tiếp xúc với y. Tôi đoán y đi mua vé xe lửa.
Chúng tôi ăn sáng xong thì Hai Học lù lù bước vào, lẳng lặng đến ngồi ở bàn bên cạnh, nhìn quanh một vòng, rồi kêu cà phê uống. Lát sau y bước sang bàn chúng tôi ngồi thì thầm với Xinh và Sơ Rin. Tôi vừa mở miệng tính hỏi xem có đi Bát Tam Băng sáng hôm đó không thì y trừng mắt ra hiệu cho tôi không được nói.
Sau đó Xinh và Sơ Rin đưa  chúng tôi đi một vòng chợ. Sơ Rin bổng kêu đau bụng. Hắn đi tìm chỗ mua thuốc uống, rồi vào trong một tiệm kêu hủ tiếu ăn vì lúc nãy hắn không ăn. Tôi phải ngồi chờ hắn ăn, bụng thì đang khó chịu vì buồn đi tiểu. Rồi chúng tôi lại ra phố. Tôi hỏi Xinh đi đâu thì nó im lặng  không trả lời. Chúng tôi đi hết phố này đến phố nọ, Xinh mua hết đủ thứ đồ còn Sơ Rin gặp mấy đứa bạn, cười cười nói nói. Toàn là những đứa đầu trâu mặt ngựa, tướng ăn cướp ăn trộm, mắt thì gườm gườm xoi mói nhìn tôi như muốn dò xét.
Sau cùng thì chúng tôi trở về căn nhà hôm trước nơi chúng tôi đã tạm trú mấy giờ đồng hồ. Bác Lũy, Hinh và Huân đã ở sẵn đó. Lát sau Hai Học xuất hiện và bảo chúng tôi theo mấy tên Miên đi tới một căn nhà ở ngoại thành Nam Vang. Y nói sáng hôm sau mới đi Bát Tam Băng.
Chúng tôi chia ra làm hai toán , tôi và cháu bé theo Bê và Xinh, còn bác Lũy, Hinh và Huân đi theo Sơ Rin.  Chúng tôi đi xe lôi qua một phố lớn của Nam Vang mà bây giờ tôi không còn nhớ tên, chỉ biết rằng đó là một đại lộ với những tòa nhà cao đồ sộ, dường như qua cả khu hành chánh tỉnh, nơi có treo cờ đỏ giữa có tháp chùa vàng và những đại sảnh có thềm cao, giống như toà nhà quốc hội hay tòa thị sảnh ở Saigon.
Thành phố Nam Vang vẫn còn những nét tiêu điều, những vết tích của chiến tranh, của bom
đạn, nhiều toà nhà xụp đổ, cháy nám, vách tường phá xập, lỗ chỗ vết đạn, những lỗ hổng lớn do B40 tạo nên. Nhìn cảnh này sao tôi thấy đau lòng nhớ đến quê hương tôi cũng đã bị ba mươi năm chiến tranh mà đến nay vẫn chưa thật sự thanh bình. Tim tôi thổn thức khi nghĩ quê mẹ vẫn quằn quọai, chưa được xây dựng lại, nhân dân chưa hạnh phúc, thanh niên vẫn phải cầm súng bảo vệ quê hương thay vì cắp sách đến trường miệt mài học. Bao giờ các bà mẹ Việt Nam mới thôi lo âu vì con mình đang phải xông pha ngoài chiến trường ? Bao giờ những người vợ trẻ, đáng lẽ phải được hưởng hạnh phúc bên chồng, mới thôi khóc chồng chết ngoài mặt trận cho một chủ nghiã ngoại lai vô loài? Tôi chẳng biết bao giờ.

Mà làm sao biết được bao giờ khi tôi cũng như trăm, ngàn, vạn, triệu người khác còn là nạn nhân của một âm mưu quốc tế có suốt từ bao nhiêu thập niên? Làm sao biết được bao giờ khi mà nước tôi nhỏ bé yếu đuối không nói lên được tiếng nói của mình trong một thế giới mà
những kẻ cuồng dại đòi thống trị và áp đảo? Làm gì có “quyền tự quyết của các dân tộc” đối với những quốc gia nhỏ bé? Tôi chẳng ngại ngùng nói ra sự thật đó vì ngoài nước Việt Nam thân yêu của tôi còn cả trăm nước nhỏ bé khác trên hoàn cầu cũng đang bị sự đàn áp của những nước “đàn anh”.
Làm gì có tình anh em giữa các cường quốc và những nước nhược tiểu? Có chăng là sự bóc lột tinh vi xảo trá, sự thống trị ngầm. Ngoài mặt thì xem ra tử tế nhưng bên trong thì ác độc. Làm sao có sự ngang hàng khi một bên là trăm, ngàn kí và một bên là nửa cân? Làm gì có tình nghiã giữa chủ và tớ? Tôi chẳng bao gìờ tin được rằng lòng người thôi ích kỷ, thôi tham lam, thôi xấu xa, thôi vụ lợi. Dân tộc nào chẳng muốn hùng cường, muốn thống trị?
Quê hương tôi đã là mảnh đất chịu sự tranh giành giữa bao nhiêu cường quốc rồi? Bao nhiêu loại thực dân đã dầy xéo lên mảnh đất thân yêu này của tôi?  Và còn bao nhiêu loại thực dân khác đang dòm ngó thèm muốn nhẩy vào nơi đó? Phải chăng nước tôi được lập nên để chịu sự thống trị của những nước khác? Tại sao suốt giòng lịch sử dân nước tôi cứ phải khổ sở chiến đấu chống ngoại xâm? Bao giờ chúng tôi mới được sống yên bình?
Tôi không muốn dân tộc tôi bị thống trị, bị nô lệ hóa. Do vậy tôi cũng không muốn những dân
tộc khác rơi vào hoàn cảnh của dân tộc tôi. Tôi muốm bầy tỏ ở đây sự phản kháng của tôi đối với sự có mặt của bộ đội Việt Nam trên đất Kămpuchia và Lào. Việt Nam, quê hương tôi không thể nhẫn tâm giầy xéo lên hai nước láng giềng nhỏ bé hơn mình. Tôi hoàn toàn thông cảm sự thù ghét của người Kămpuchia đối với người Việt vì chính tôi cho đến ngày nay vẫn thù ghét bọn pháp thực dân. Tất nhiên tôi không thương bọn lính Miên đã giữ tôi trong tù và bắt tôi lao động không công. Nhưng tôi thương những người dân Kămpuchia mộc mạc, những người dân quê nghèo đói mà tôi đã gặp trên con đường đi tìm tự do. Họ tuy nghèo nhưng nhân từ, đầy lòng bác ái, giầu tình nhân đạo. Họ cận cù, môc mạc nhưng rất can đảm.

Tôi đã nghe bao nhiêu mẩu truyện của những người Việt đi vượt biên đường bộ kể lại rằng họ đã được những dân Miên giúp đỡ hay cứu cho thoát chết. Không biết lối đi họ chỉ, không còn tiền họ cho, đói khát họ thổi cơm múc nước cho mà ăn mà uống, không có chỗ nghỉ chân họ mở cửa cho vào nhà họ ngủ qua đêm, bênh hoạn giữa đường họ cứu giúp. Họ biết chúng tôi đối với cộng sản là những kẻ phạm pháp nhưng họ không sợ bị liên lụy. Ôi tấm lòng cao thượng đó, tôi nhớ suốt đời. Chính Lon, người dẫn đường, và tôi cũng đã đi lạc không biết lối ra nên phải ghé vào trong những làng nhỏ để hỏi đường đi và được những người dân ở đó cho cơm, cá khô, và cho uống nước mưa chứa trong hàng chục cái chum lớn. Thương làm sao cái tình gắn bó con người với con người, những kẻ cùng khổ nhưng lại không ích kỷ, lại giúp đỡ nhau! Tình nhân đạo đó đã sưởi ấm lòng tôi vào những lúc khốn cùng và làm cho tôi còn tin tưởng ở con người, làm cho tôi còn mong muốn sống khi mà tôi đã gần hết hy vọng thoát và chỉ muốn chết đi cho rồi.

Chúng tôi ở lại căn nhà đó một ngày. Đêm hôm đó tôi không ngủ được vì bồn chồn. Chúng tôi phải đi sớm sáng ngày hôm sau. Chưa bao giờ tôi thấy nhiều muỗi như thế! Bác Lũy và tôi ngủ trên chiếc phản trước nhà còn cháu bé, Hinh và Huân ngủ với Hai Học trên sân thượng.
Tối hôm đó, Hai Học họp bàn với Xinh, Bê, Sơ Rin và hai người đàn bà Miên mà tôi không biết tên. Một người được giới thiệu là cô giáo trước kia và biết tiếng pháp, còn người kia nói được tiếng Việt thành thạo. Tôi thấy họ làm một lô giấy tờ giả rồi phân phát cho nhau. Mỗi người chúng tôi được cho biết là sẽ phải đi với ai. Hai Học lấy nhọ nồi trộn với phấn rôm của trẻ em thoa lên tay lên chân của chúng tôi, nói để hóa trang vì nước da chúng tôi quá trắng, dễ bị để ý. Riêng tôi lại thấy bôi như vậy còn dễ lộ hơn vì chỗ đen chỗ trắng, nhìn kỹ biết liền là hoá trang. Tôi nói với Hai Học nhưng y cứng đầu cứng cổ không chịu nghe, nói rằng tất cả những người đi trước vì bôi như thế mà thoát.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes