Truyện Ngắn
HOÀI-CẨM Lê văn HưngXin kính gửi đến gia-đình để đánh dấu một giai-đoạn đen tối của chúng ta. Tặng đồng-bào Tị-Nạn đường bộ tại các trại Nong-Chan, Nong-Samet trong những năm 80’s.
Thay đổi nhiều quá!
Thành-phố bây giờ xơ-xác, ủ-dột. Dân chúng mặt mày ngơ-ngác, mệt mõi. Suốt ngày đi đâu cũng thấy mọi người sắp hàng để được mua một nhúm lương thực. Cái không-khí sinh-động ngày trước của nơi đây không còn nữa. Trên đường phố, xe đạp đã dần-dần thay thế xe gắn máy, xe hơi. Mọi người cong lưng trên yên xe mãi-miết đạp. Vẻ mặt đăm-chiêu.
Thỉnh-thoảng vài người đàn ông, đôi khi có cả phụ-nữ nữa, áo quần dính đầy sình đất đạp xe đi qua. Vịnh chợt nhớ ra “nhà nước” đang “phát-động” phong-trào làm thủy-lợi!
Từ khi vào được miền Nam, nhà cầm-quyền mới đã mở ra nhiều nông-trường. Họ huy-động những người thanh-niên “trên răng, dưới bút chì” đến đó, phát cuốc xẻng, và trang-bị cho những người nầy một câu “thần-chú” để họ cướp quyền tạo-hóa giùm cho đảng Cộng-Sản, “Với sức người sỏi đá cũng thành cơm.” Hách thật! Sau nầy Vịnh được biết những nông-trường Trần-Quang-Cơ, Phạm-văn-Cội ... đã bị bỏ hoang, cây cỏ mọc đầy trở lại, sau khi đã phung-phí sức lực, có khi cả xương máu của không biết bao-nhiêu thanh-niên miền Nam. Thế chứ cũng đã một thời rầm-rầm rộ-rộ, náo loạn thiên-cung. Cũng cuốc, cũng xẻng, cũng “Đâu cần, thanh-niên có. Đâu khó, có thanh-niên”, và cái câu thần-chú nói về sức vô-địch của con người cũng đã có đất dụng võ, dầu là trong một thời-gian ngắn. À, thì ra sau cùng mới biết là sỏi đá mãi-mãi vẫn không thể nào thành cơm được như một số người lúc đầu vẫn tự ru ngủ mình và lường-gạt người khác. Những ai còn ngây-thơ về Việt-Cộng nghe nói tưởng thật nhai vào có mà gẫy toi mất mấy cái răng khốn-khổ còn sót lại!
Số phận của Vịnh và của biết bao nhiêu người khác cũng bị cuốn theo vận nước. Bỗng dưng mà chàng trở thành một kẻ vô gia-cư, vô nghề nghiệp. Gia-tài duy-nhất của chàng ngày hôm nay là tờ giấy ra trại. Người vợ đầu ấp tay gối, người vợ đã chia xẻ những ngày giờ cơ-hàn cùng những tháng năm sung-sướng với chàng cũng bỏ ra đi! Lúc còn ở trung học, khi đọc truyện người đàn bà quạt mồ, chàng thường xem đó là một câu chuyện để nhàn lãm thôi, và nghĩ rằng làm gì có một người như thế ở trên cõi đời nầy, hoặc nếu có thì sự bất hạnh ấy chỉ xãy ra cho ai kia chứ chắc sẽ không xãy ra cho mình.
Hơn một tháng rồi từ khi ra khỏi trại tập trung, Vịnh đã đi qua đi lại căn nhà cũ của chàng nhiều lần, căn nhà mà chàng đã gầy dựng nên bằng mồ-hôi nước mắt của chính mình ngày trước. Mình là chủ mà không thể đặt chân vào nhà của mình. Vợ của mình mà bây giờ lại ở trong tay người khác. Tệ hơn nữa là trong vòng tay của kẻ thù!
Vịnh phải trú-ngụ nhờ ở nhà của một số bạn bè và bà con thân thuộc. Sống ngày nào hay ngày nấy! Danh-từ “ngày mai” không tạo nên một ý-nghĩa nào rõ-rệt trong tâm-trí của Vịnh trong những ngày tháng nầy. Đầu óc của chàng lúc nào cũng bận-rộn tìm cách giải-quyết bài toán gai-góc là làm sao cho có chỗ ăn, chỗ ngủ đêm nay. Nó gai-góc là vì không có cái gọi là “hộ-khẩu” trong tay thì khó mà có cơm gạo hay chỗ ở hợp với pháp-luật của nhà cầm-quyền đương thời.
Trong khi ở lang-bang chỗ nầy, chỗ nọ, những người quen cho chàng biết sau khi Vịnh đi tù một thời-gian, vợ chàng, vì miếng cơm manh áo, vì ăn quen mà nhịn không quen, và vì bị áp-lực nên đã ngã vào vòng tay của một nhân-viên công-an thành-phố. Bây giờ Vịnh mới vỡ lẽ tại sao chàng đã không được thăm nuôi trong thời-gian đó, thế mà lúc ấy chàng lại đi lo-lắng cho người ở nhà, vợ mình chân yếu tay mềm lo ăn cũng đã khó, còn nói chi đến việc đủ điều-kiện tài-chánh để đi thăm. Đường sá lại xa xôi cách trở! Đi từ Saigon ra Hoàng-Liên-Sơn là cả một vấn-đề, trong khi nàng không phải là người tháo-vát cho lắm. Nghĩ vậy Vịnh tự an-ủi, thôi, không sao, miễn nàng khỏe mạnh để có sức chống chỏi chờ ngày vợ chồng đoàn-tụ là mừng rồi. Người ta sống được thì mình cũng sống được.
Đưa tay vuốt giọt nước mưa vừa lăn xuống gò má phong sương, chàng cảm thấy có vị mặn. Đêm nay Vịnh muốn nhìn lại căn nhà cũ một lần trước khi lên đường. Hi-vọng sẽ thấy được bóng dáng của người đã một thời yêu dấu. Trong nhà không thấy đèn sáng. Chàng chợt nhớ, giờ nầy khuya quá rồi. Chắc mọi người đang yên giấc. Chỉ có mình là đội mưa mà đi.
Thôi, chào em! Chào một thời hoa-mộng. Vĩnh-biệt một thuở yêu thương đằm-thắm.
Vịnh quay ra sau khi ngoái nhìn lần chót con hẽm nhỏ quen thuộc.
Mưa bắt đầu nặng hạt.
* *
*
Cả tháng nay Vịnh không muốn gia-đình gặp khó khăn nên không ở tại nhà cha mẹ chàng. Nhưng đêm nay là đêm cuối. Ra đi lần nầy không biết còn có ngày trở lại hay không, nên chàng đến để từ-giả hai bậc sinh thành và ngủ qua đêm để sáng mai sớm người anh thứ đưa ra bến xe. Cha của chàng muốn chàng ngủ chung giường để hai cha con tâm-sự và để ông dặn-dò một số điều. Nhưng sau một ngày dài lo đủ thứ chuyện, chàng chỉ trao-đổi được vài câu với cha là chàng đã thiếp đi một cách mê mệt.
Bốn giờ sáng hôm sau, mẹ chàng đánh thức dậy. Mọi người đã sẵn-sàng, chỉ còn chờ Vịnh mà thôi. Bên ngoài trời tối đen như mực. Đâu đó có tiếng bước đi lẹp-xẹp của vài người đi tới nhà thờ trong xóm để dự lễ sớm, hoặc tiếng quang gánh kẽo-kẹt của mấy bà bán bánh mì, bán xôi trên đường đến khu chợ nhỏ ở đầu hẽm. Lâu-lâu vài tiếng chuông ngân-nga của thời kinh công-phu buổi sáng từ ngôi chùa gần nhà đánh thức bầu không-khí còn ngái ngủ của khu xóm lao-động. Nhưng tiếng động làm chàng ngại nhất là tiếng chó sủa. Không hiểu chó nhà ai cứ một lúc lại sủa từng hồi làm chàng giật mình ngay-ngáy. Nói lỡ dại, kế-hoạch mà vỡ-lỡ ra thì chỉ có đi tù “mút chỉ cà-tha.”
Người anh đã dẫn chiếc xe Suzuki màu đen ra khỏi nhà. Tuy bản thân đã từng vào sinh ra tử và đã từng bị tù ngục khổ sai, nhưng trong tình-thế nầy, tim Vịnh vẫn đập như trống trận. Tay chân ra mồ-hôi lạnh ngắt. Chàng luống-cuống chào mẹ và người chị bạn dì, nhưng lại quên không ôm người cha già đang đứng khuất trong bóng tối phía sau. Có lẽ ông lùi lại phía sau để dấu cơn xúc-động. Người chị phải nhắc để chàng tới từ-biệt cha. Chàng chỉ còn đủ can-đảm nói lí-nhí vài tiếng và bóp chặc vai của cha rồi quay đi. Viễn-ảnh của những hiểm-nguy, đe dọa và tù ngục phía trước đã không chừa một khoảng trống nào trong tâm-não của chàng cho sự bịn-rịn trước khi quăng thân vào nơi gió cát! Chàng đâu biết đây là lần cuối còn nhìn thấy mặt cha, vì sau khi được định-cư ở Mỹ một, hai năm thì cha mất mà chàng không về được để gặp mặt người! Sau nầy Vịnh ân-hận và đau khổ mãi về sự vô tâm ấy!
Người anh đưa Vịnh đến chờ ở điểm hẹn trước rạp hát Vĩnh-Lợi trên đường Lê-Lợi. Hàng cửa sắt đóng im-ỉm. Vé hát của ngày hôm trước chưa được quét dọn vất bừa-bãi trên đất. Tấm bảng quảng-cáo to của rạp với dàn đèn xanh đỏ tắt chớp chạy xung-quanh vẽ hình một cảnh xây-dựng đường xe lửa ở Nga-Sô với tựa đề “Thép Đã Tôi Thế Đấy.” Bên trong rạp, gần quầy bán vé có một tấm bích-chương quảng-cáo cho phim của tuần tới “Đến Hẹn Lại Lên.” Những cái tên phim nghe chẳng ra làm sao cả !!
Trời chỉ mưa rất nhẹ nhưng cũng đủ làm ướt áo nếu đứng chờ hơi lâu. Hai anh em bận áo mưa đứng trên hè đường nhìn ngược nhìn xuôi để mong nhận diện người của đường dây. Đường phố hãy còn vắng lắm. Vài chiếc xe xích-lô đạp vội-vã về hướng đường Nguyễn-Thái-Học, chắc là trên lộ-trình đi đến chợ Cầu muối hay Cầu Ông Lãnh để đón khách. Nội tâm giằng xé thật nhiều trong khoảnh khắc ấy. Nửa thì mong tới giờ sớm để lên đường, nửa thì mong cho người dẫn đường đừng đến để chuyến đi bị hủy bỏ hầu chàng lại được về với gia-đình.
Khoảng 6 giờ Vịnh để ý thấy một người vận áo mưa sùm-sụp từ đàng xa đi lại một cách chậm-rãi. Chàng đề-phòng quay mặt qua hướng khác làm như không để ý, và chuẩn-bị cách đối-phó. Biết đâu chương-trình đã bị bể, và tên nầy là công-an. Khi đến gần, người nầy cho biết anh ta tên Chanh, là con của người tổ-chức vượt biên. Vịnh đã được cho biết về điều nầy trước rồi, nên thở phào nhẹ-nhõm.
Món hàng vượt biên là Vịnh được trao qua cho người của đường dây. Hai anh em chia tay trong im lặng nhưng đầy xúc động. Một trang nữa của quyển sách đời Vịnh đã được giở qua.
* *
*
Chanh đưa Vịnh về nhà y ở gần bên hông của Quốc-Hội cũ để căn-dặn cách-thức sinh-hoạt trên đường đi. Khi đi qua công-viên chỗ có bức tượng hai người lính Thủy Quân Lục Chiến trong tư-thế xung-phong lúc trước, chàng cảm thấy bùi-ngùi. Bức tượng đã bị giật sập và họ thay vào đó bằng bồn hoa và mấy cái ghế đá trơ-trẽn.
Theo chân Chanh, chàng bước vào nhà. Mẹ của y thấy cách ăn mặc của chàng thì tỏ vẻ tức giận, bà ta cằn-nhằn, “Tôi đã nói ‘dới’ cậu là hãy bận cái ‘huần din’ hồi hôm ‘hoa’ tới đây, sao bi giờ lại bận cái ‘huần’ nầy?” Tối hôm trước Vịnh đã đoán được ý đồ của bà ta là muốn chiếm cái quần Jean mới sau khi chàng lên đường, nên chàng đã thay bằng cái quần rách cũ. Vã lại cũng hợp lý mà thôi, vì đi vượt biên qua Miên mà bận quần áo mới để dễ bị nhận diện à? Cái quần Levi nhãn đỏ ấy, cha mẹ chàng có thể bán đi để có chút ít chi xài cho gia-đình trong hoàn-cảnh khó khăn nầy cũng đỡ lắm chứ.
Thời ấy phong-trào bài Mỹ vẫn còn cao và “nhà nước ta” vẫn còn ngây-ngất trong cái hào-quang nhân-tạo lấp-lánh sau khi “đánh cho Mỹ cút”, nhưng hàng Mỹ thì không hề bị chê, mà thậm chí chúng còn có giá hơn cả hàng của các nước xã-hội chủ-nghĩa anh em tiến-bộ. Hàng hóa của “vùng được giải-phóng” không biết tốt xấu ra sao mà điều-kiện sống của “người đi giải-phóng” từ khi vào tới Saigon lại được dựa vào tiêu-chuẩn “Đài, Đổng, Đạp” (Radio, Đồng-hồ, Xe đạp.) Đồng-hồ thì phải “nà” đồng-hồ hai cửa sổ, không người “nái”, 12 cái đèn pha cơ! Ô-tô con thì “núc” ấy chưa dám nghĩ tới. “Thế nà thế nào?!!!” Chàng nói dối, “Ồ, tại tối hôm qua đi về nhà bị mưa ướt nên tôi phải bận cái quần nầy đó mà!” Bà Tư, mẹ của Chanh, còn cự-nự dai-dẳng tới cả mấy phút sau mới thôi.
Bà bảo Vịnh ở nhà chờ, xong bỏ đi khoảng hai tiếng đồng-hồ mới trở lại. Móc từ trong túi áo bà-ba ra một cái ve nhỏ đựng một chất nước trong như nước lã, bà bảo Vịnh xoa lên mặt và những chỗ da thịt phơi ra ngoài nắng. Sau đó bà ta thắp nhang, miệng đọc rì-rầm một tràng tiếng Miên cúng vái ngoài sân. Khói nhang nghi-ngút cộng với âm-thanh ngang-ngang lạ tai của ngôn-ngữ nước láng-giềng càng làm tăng thêm vẻ huyền-bí của khung-cảnh căn phòng khách. Cả bọn lên đường vào xế trưa hôm ấy.
Đoàn người gồm bà Tư, cô con gái, anh chàng Chanh và Vịnh ra bến xe miền Tây để đón xe đò xuôi về Châu-Đốc. Trên đường, xe ngừng lại ở một bến để đổ thêm xăng dầu và để cho hành-khách nghĩ-ngơi ăn uống. Vịnh chỉ ăn lấy lệ vì không thấy đói. Xe lại tiếp-tục lên đường đến Bắc Mỹ-Thuận. Trong khi chờ để lên bắc, Vịnh ghé ngồi trên thành cầu nhìn đồng-bào buôn-bán hàng rong cho qua thì giờ: mía ghim, trà đá, ổi ... mà lòng buồn rười-rượi. Đời sống người dân càng ngày càng vất-vả. Cái ăn, cái mặc đã làm cho họ lo đến chóng mặt, làm sao còn có thể nghĩ đến chuyện cao xa gì khác được! Phải chăng đó cũng là ý muốn của nhà cầm-quyền mới. Xét cho kỹ, đường lối đó có khác gì chủ-trương của Đức-Quốc-Xã. Bọn Nazi đã chẳng quan-niệm rằng tuyệt đại đa-số dân chúng nên bằng lòng sống trong sự ngu dốt đó sao? Dân mà ngu thì dễ trị! Dân trí thấp thì nhà nước mặc tình nói huơu nói vượn cũng không ai biết mà thắc-mắc hay phản-kháng, các cấp dưới chỉ lặp lại như một con vẹt tập nói và nhắm mắt làm theo mà thôi. Có biết bao nhiêu việc xãy ra nhan-nhản trước mắt đã chứng-minh điều nầy: trong một lớp chính-trị, một cán-bộ giảng-huấn thừa thắng xông lên tuyên-bố một cách rất ư là “đỉnh cao trí-tuệ”:
-“May cho bọn Mỹ đấy, chúng nó mà còn ngoan-cố một chút nữa thôi, là chỉ trong vòng 24 tiếng đồng-hồ, quân-đội nhân-dân anh-hùng của ta đã đánh thẳng đến Oa-Sinh-Tơn!”
Hoặc:
- “Máy bay Mỹ Ngụy chưa tới là máy bay của quân-đội nhân-dân đã biết trước và bay lên nằm sẵn trên mây phục-kích rồi.”
Ai đã sống thời tản-cư chống Pháp cũng đều biết câu chuyện “Tề Thiên” Bác Hồ là người siêu phàm vì “Người” có tới 4 con ngươi !! ...
Tiếng còi chát-chúa vang lên báo-hiệu phà tới đã lôi Vịnh trở về thực-tế. Mọi người lục-tục chen lấn nhau đi xuống. Theo lời dặn của người dẫn đường, chàng đứng cách xa họ, ra vẻ như không quen biết để qua mặt đám công-an chìm. Qua bên kia bờ của bến bắc, mọi người lại đáp xe đò đi Châu-Đốc.
Tới bến xe Châu-Đốc thì trời đã xế. Càng đi thì quang-cảnh càng thay-đổi dần. Đường nhựa vắng bớt để nhường chỗ cho những con đường đất nhỏ nhiều ổ gà. Bụi bặm bay tung lên mỗi khi có xe chạy qua. Cách ăn mặc của dân chúng cũng khác. Người Chàm và người Miên sống lẫn với người Việt ở đây, nên dân chúng phục sức bằng xà-rông và đội khăn rất nhiều. Xe lôi, xe đò đã vào bến nghĩ-ngơi hết vì không còn khách nữa. Phải chật-vật lắm anh chàng Chanh mới tìm được một chiếc xe lôi đón khách trễ để chở cả bọn đi về nhà bàụ con của anh ta trong một xóm nhà sàn.
Vịnh rửa mặt xong ra ngồi nghỉ ở tấm phản dưới mái hiên trước nhà. Nhiều đám mây xám buổi chiều giăng ngang bầu trời trong xanh, những con chim vừa chao cánh qua lại trên mấy khu nhà sàn trong xóm vừa kêu xao-xác trước khi bay về tổ ở bên kia sông, đây đó ánh đèn dầu leo-lét chiếu qua kẻ ván của vài căn nhà, chốc-chốc lại thấy đôi ba người đàn bà vận xà-rông đi qua, cơn gió hiu-hiu từ mặt sông thổi vào làm cho chàng buồn rả ruột!
Không biết giờ nầy gia-đình đang làm gì ở nhà? Chắc là buồn lắm vì thiếu mình! Vịnh hình-dung thấy cha, gầy ốm, đang ngồi ở ngạch cửa nhìn lên bức tường rêu của trạm gác Nhân-Dân Tự-Vệ cũ ở trước nhà, thỉnh-thoảng lại buông tiếng thở dài! Mẹ có lẽ vẫn lui-cui dọn chén bát của bửa cơm tối. Thằng cháu nhỏ sắp đi ngủ chưa? Hàng xóm đã lên đèn chưa? Không biết họ có nghi là mình đã vượt biên? Chắc là thằng Mành ở sát bên đang ghé qua nhà đấu láo với ông anh và đánh cờ tướng như mọi ngày. Nó lại không đợi người trong nhà ra mở cửa mà lại thò ngón tay dài ngoằng qua mắt cáo của khung lưới để khều cái chốt cửa, rồi nhe răng ra cười hi-hí ra vẻ khiêu-khích rằng cái khóa mà ông anh cả làm không ăn thua gì với nó. Nhắm mắt Vịnh cũng thấy rõ mồn-một khuôn mặt xương-sương và giọng nói ồ-ồ vừa vỡ tiếng, miệng thì phì-phèo điếu thuốc rê của nó. Thằng nầy đang tập làm người lớn.
Buồn!
Bà Tư bảo Vịnh vào ngủ lấy sức để sáng mai đi Nam-Vang. Vừa nằm xuống là chàng đã ngáy như kéo gỗ.
* *
*
Hôm sau mặt trời vừa lên là Vịnh đã dậy vì trong nhà tiếng người đi tới lui và tiếng nói chuyện ồn-ào nhắc chàng biết giai-đoạn gay-go của cuộc hành-trình đã bắt đầu! Ăn uống qua-loa xong, bà Tư lại lấy ra một lọ nước nữa bảo chàng làm y như lần trước.
Cả nhóm đi xe hàng qua Tân-Châu để đến bến đò. Đến nơi khách thương buôn đã tấp-nập lắm rồi. Họ đã tới đó từ sớm để chất mía, dừa, chuối, tô chén ... lên đầy khoang ghe. Bà Tư đưa cả nhóm vào trong cùng của khoang và dành một góc gần khung cửa sổ nhỏ cho Vịnh. Chàng rất mừng vì từ đó có thể nhìn ra sông để đầu óc được thoải-mái, chứ cứ nhìn mãi đám dân buôn ồn-ào nói nói chuyện, ăn uống cũng mệt. Sau khi đám công-an và thuế-vụ xem-xét xong, chiếc ghe máy lên đường.
Dọc đường có rất nhiều trạm xét nhưng không đáng kể. Trên sông nước, ghe thuyền ngược xuôi tấp-nập. Kẻ thì mang hàng-hóa từ Việt-Nam ngược lên xứ Chùa Tháp, người thì đem cá khô, vải vóc từ Nam-Vang xuôi về Châu-Đốc, Tân-Châu. Trông ra khoang cửa sổ, Vịnh thấy những con sóng lăn-tăn xô-đẩy nhau chạy mãi tới nơi vô-tận và nước thì cứ mấp-mé mạn ghe, chứng tỏ ghe chở rất “khẳm”. Thật đáng ngại! Rác rến và củi mục trôi bập-bềnh trên mặt sông. Tâm-trạng của Vịnh lúc nầy không khác nỗi lòng của Huy-Cận mấy, khi ông viết bài Trường Giang:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp-điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song-song,
Thuyền đi nước lại, sầu trăm ngả,
Củi một cành khô lạc mấy giòng.”
Cứ thế ghe chạy mãi đến tối. Khi mặt trời lặn thì Vịnh mõi-mệt, vã lại không thể nào trông thấy cảnh-vật hai bên bờ sông được nữa, chàng quay vào nhắm mắt nghĩ ngơi. Đến khoảng 12 giờ đêm, mọi người nghe có tiếng hô to ở trên bờ lẫn với tiếng la hét, ai cũng mở mắt ngơ-ngác. Vịnh chột dạ! Kẻ đã qua lại lộ-trình nầy nhiều lần ra vẻ hiểu biết, bảo lính biên-phòng ở bến đò Nek-Luông ra lịnh ghe phải ghé vào để xét. Bà Tư đưa cho chàng một ve nước nhỏ bảo bôi lên mặt, lấy khăn che, và quay lưng vào vách. Trạm gác nầy xét rất lâu. Mãi hơn nửa tiếng sau công-an mới xuống khoang ghe. Tay công-an đi sục-sạo khắp chỗ để xét giấy thuế và giấy tờ tùy thân của hành-khách. Đến chỗ Vịnh nằm, nhân-viên công-an không hiểu sao lại không thèm hỏi-han gì đến chàng, mà lại đi hỏi người khác. Đến bây giờ đôi khi Vịnh vẫn tự hỏi có phải nhờ công-năng của chai nước phép ấy mà chàng thoát nạn hay chỉ là do sự ngẫu-nhiên. Nhưng sau nầy còn nhiều việc khiến chàng tin rằng rất có thể những chai nước ấy đã giúp cho chàng thật. Sau đó thì ghe đã đi trót lọt đến Nam-Vang vào sáng hôm sau.
Bước lên bến, Chanh chaỵ đi mua vé xe đò cho cả bọn, trong khi Vịnh co duỗi tay chân cho đỡ mõi. Chàng lúc nào cũng bị căng-thẳng nên không còn tâm-trí đâu để thưởng-thức cảnh-vật của xứ Chùa Tháp. Trên xe hành-khách ngồi chật như nêm cối. Tài-xế mở radio hay cassette hát những bản nhạc bản-xứ thật ầm-ỉ. Thân xe thì được sơn vẽ màu-mè, những khung cửa hay cửa sổ xe được trang-trí bằng những bức sáo nhỏ hay bức màn sặc-sỡ có ren đong-đưa. Nói tóm lại, trông rất là “cải-lương.”
Xe chạy qua một cái cầu gần khu buôn-bán sầm-uất. Chanh quay qua Vịnh nói nhỏ, “Đây là cầu Saigon.” Thì ra đảng Cộng-Sản Việt-Nam đã có “lòng tốt” muốn đồng-hóa người anh em láng-giềng ngay từ khi đó rồi. Một lúc sau, xe chạy qua nhà ga xe lửa của thành-phố Nam-Vang. Khoảng 4, 5 tháng trước, người anh cả cùng với người chị cô cậu và đứa cháu nhỏ cũng đi vượt biên qua đây đã gặp khốn-đốn tại ga nầy, cho nên hôm nay Vịnh phải đi xe đò cho chắc ăn, Chanh bảo thế.
Sau cùng, xe ngừng lại trước một dãy phố. Mọi người xuống xe đi vào. Căn nhà có lầu, cũng khá khang-trang, tuy-nhiên nhiều cây xà ngang đã bị mất và tường nhiều chỗ bị bể, có lẽ do sự phá hại từ thời quân-đội Pol-Pot chiếm đóng! Vịnh ở đó hết một tuần.
Đúng ra, nếu tình thế thuận-tiện chàng đã có thể lên đường ngay, nhưng theo sự thăm dò của người dẫn đường thì tình-hình chiến-sự đang căng-thẳng tại vùng biên-giới. Lực-lượng Para của Son Sann và quân-đội áo đen của Sihanouk đang đụng-độ với lính của phía chính-phủ do Việt-Nam hỗ-trợ. Vịnh thì không muốn ở lại đó một ngày nào cả, lý-do thứ nhất là vì vấn-đề ăn uống. Thành-phần tư-sản, tiểu tư-sản, trí-thức đã bị Pol-Pot giết hết ngày trước, chỉ những giai-tầng thấp của xã-hội là còn sống sót. Gia-đình nầy thuộc vào giai-cấp đó, cho nên cách-thức ăn uống rất là bình-dân. Ngồi quanh mâm cơm có đông người, nhưng họ dùng tay để bốc thức ăn thật tự-nhiên, thỉnh-thoảng lại bưng tô canh lên húp đánh “sụp” một cái xong để xuống cho người khác ăn. Vịnh không chịu được cách ăn uống đó. Thường chàng chỉ ăn một chén xong là đứng dậy. Lý-do thứ hai là, theo tâm-lý chung, khi đã đi vượt biên thì ai cũng muốn lên đường ngay chứ không muốn chờ đợi. Chờ lâu thì thường có nhiều bất-trắc xãy ra. Đến ngày thứ 7, thứ 8, anh chàng Chanh bảo chuẩn-bị để sáng mai sớm lên đường, vì chiến-tranh tại biên-giới đã lắng dịu.
Thế là, một lần nữa, bà Tư và Chanh dẫn Vịnh ra bến xe hàng để đi Battambang. Rất nhiều trạm gác nằm suốt đoạn đường. Mỗi khi đến trạm, hành-khách đều phải xuống xe đi bộ ngang qua trạm. Có hai lần Chanh bảo Vịnh cứ đi trước rồi anh ta đi sau, lẫn trong đám đông. Mặc dù nước da của chàng trắng hơn những người dân xung-quanh nhưng chàng đều đi trót lọt, trong khi Chanh đã bị chận lại cả hai lần, và bị xét hỏi rất nhiều. Đi thoát một đỗi xa, Vịnh đứng lại để chờ Chanh. Thấy anh ta bị làm khó dễ lâu-lắc, chàng lo sợ không ít. Nhưng có lẽ Chanh đã đút lót cho lính trạm, nên rồi mọi việc cũng êm.
Dọc đường đi, Vịnh đưa mắt ngắm nhìn phong-cảnh đồng nội của đất Miên mà thương thầm cho đất nước Việt-Nam. Hai xứ-sở không khác gì nhau mấy. Cũng ruộng đồng, cũng những con trâu dầm mình trong vũng bùn để tắm mát, cũng những con đường quê với những bông hoa dại mọc ven lề đường phất- phơ trong cơn gió nóng buổi trưa. Khi xe chạy qua mấy cái “phum” (1) , Vịnh thấy những con chó ốm đói nằm lười-biếng dưới bóng cây để trốn cơn nắng hè, lưỡi thè dài để thở một cách nhọc mệt. Heo quéo, gà vịt, trâu bò ... lội lầy cả miếng đất nhỏ dưới sàn nhà. Vài đứa trẻ bụng ỏng, ở trần trùng-trục, đi chân đất, chắp tay sau đít đứng trước căn nhà sàn nhìn theo chiếc xe đò chở đầy khách khuất dần sau đám bụi đỏ.
Xế chiều, hành-khách bước xuống bến xe Battambang. Vì công-an Miên và bộ-đội Việt-Nam đóng đầy ở đây nên Chanh nhảy xuống trước lo mướn xe. Khi có xe lôi xong, bà Tư liền đẩy Vịnh lên xe ngay và bảo tài-xế lái đến địa-chỉ của một người quen với bà. Nhà nầy tọa-lạc tại một đường phố buôn bán thịnh-vượng. Bên kia đường, Vịnh để ý thấy có một tiệm chụp ảnh với tấm bảng hiệu kẻ chữ Miên khá mỹ-thuật với nhiều màu sắc sặc-sỡ.
Chàng nghĩ đây là căn nhà mà mình sẽ nghĩ-ngơi chờ vượt biên thật sự. Do đó hi-vọng họ chỉ cho một chỗ để chàng được ngã lưng sau một ngày dài nóng nực, bụi bặm trên xe đò để lấy lại sức cho chuyến đi quan-trọng sắp tới. Nhưng, không! Vào tới nhà, bà Tư cứ mãi nói chuyện với gia-đình bà kia, để mặc Vịnh ngồi ngáp ngắn ngáp dài ở một góc. Đến 7 giờ tối, mặt trời vừa lặn, bóng tối chập-choạng bao-phủ, bà Tư và Chanh mới dẫn Vịnh ra khỏi nhà để tránh cặp mắt theo dõi của đám công-an và hàng xóm.
Họ đưa chàng đi quanh-co qua vài đường phố, xong là bắt đầu đặt chân vào những con đường đất nhỏ ướt-át đầy sình bùn. Một bên là ruộng thấp hơn mặt đường, một bên là những bụi rậm um-tùm. Đi sâu vào đồng ruộng, khung cảnh trở nên tối đen như mực vì không có đèn điện. Gần đó lại không có làng mạc cho nên thậm-chí một ánh đèn dầu leo-lét cũng vắng bóng. Vịnh phải bám chặt lấy tay của Chanh để khỏi bị té xuống sình và khỏi đi lạc qua lối khác. Đom-đóm bay lập-lòe trên những đám ruộng. Mùi đất ẩm và mùi cỏ ngai-ngái xông lên nồng-nàn. Thỉnh-thoảng có tiếng chó sủa từ các “phum” xa vọng lại mơ-hồ.
Cuối cùng rồi cũng tới nhà của Chanh. Một căn nhà sàn nằm khuất sau các lùm cây. Tầng trên để ở, tầng dưới trống trải không có vách, có để một cái giường. Ở phía sau, bên tay phải dưới gốc thốt-nốt có một cái lu nước. Vịnh được dẫn lên trên nhà sàn, và cơm tối đưa lên để chàng ăn riêng trên đó cho kín đáo. Chàng ngỏ ý muốn được đi tắm vì cả người đầy bụi-bặm. Chanh bảo chờ trời khuya đã, rồi hẵng tắm vì sợ hàng xóm để ý.
Đêm đó Vịnh ngủ như chết. Ngày hôm sau, gia-đình Chanh bảo phải chờ người dẫn đường. Anh ta vừa mới đưa một toán người đi Xiêm trong tuần trước chưa về tới. Suốt ngày Vịnh không được léo-hánh ra ngoài, mà chỉ lúc-thúc trong mùng ở trên nhà sàn. Ban ngày cũng phải treo mùng vì nếu không, muỗi sẽ tha đi mất. Trời mùa hè ở đất Miên nóng không thể tưởng! Phải bó gối trong một cái mùng chỉ rộng hơn nửa thước với khí-hậu như vậy thật là một cực hình! Thế mà cũng không yên thân với bầy muỗi đói. Không biết chúng làm thế nào mà rồi cũng len-lõi vào được. Quanh quẩn trong căn buồng nhỏ ấy, chàng đưa mắt xem xét mọi thứ cho qua ngày giờ. Bỗng chàng giật mình khi thấy hai cuốn sách bằng tiếng Việt dành cho trẻ con đã bị rách bìa nằm lăn-lóc ở góc phòng. Đó là hai cuốn sách mà người anh cả của chàng đã mua đem theo trước khi lên đường khoảng 4 tháng trước cho thằng cháu nhỏ ôn tiếng Việt. Tò-mò lật ra xem. Tim chàng chùng xuống vì thấy nét chữ tập viết nguêch-ngoạc của thằng cháu.
Ngày nào cũng như ngày nấy. Vậy mà nấn-ná, Vịnh cũng đã sống hết một tuần trong hoàn-cảnh không khác tù là mấy nầy!
* *
*
Hôm nay, bà Tư cùng với mẹ và Chanh quyết-định lên đường. Họ đưa Vịnh ra bến xe Battambang sớm. Không hiểu sao chàng có cảm-giác không được yên-tâm. Chàng cố-gắng ghi nhớ càng nhiều càng tốt những chi-tiết con đường đã đi qua và cảnh vật quanh đó. Họ đưa chàng lên mui xe ngồi quay qua phía trái và trao cho một cái khăn rằn gọi là Kroma (cà-ma) bảo quấn lên che mặt, vì tình-cờ họ thấy một tay công-an đang ngồi ở phía bên tay mặt. Xe lại phải chạy qua bao-nhiêu là trạm gác, bao-nhiêu là cầu cống, là đồng ruộng ... Càng về trưa, quang-cảnh càng hoang-vắng. Xe đang đi dần vào vùng nông-thôn của biên-thùy Thái-Miên.
Khoảng 1 giờ trưa, xe đổ hành-khách xuống bến xe Swai Sisophon. Từ đây cả bọn lại đón xe lôi chạy lên một cái dốc. Dọc đường Vịnh thấy có rất đông bộ-đội Cộng-sản Việt-Nam đi lôi-thôi lếch-thếch lẫn-lộn trong dân chúng. Đang chạy ngon trớn, bỗng chiếc xe lôi tắt máy, trong khi một tên bộ-đội đang tiến lại gần. Bà Tư bảo Vịnh che mặt và quay về phía trước, còn Chanh nhảy vội xuống cong lưng đẩy phụ với tài-xế. May thay, máy xe nổ trở lại. Chanh đu lên ngồi cạnh Vịnh, mồ-hôi nhễ-nhại. Khi xe lên gần tới đỉnh dốc, cả 4 người xuống xe đi vào ngồi ở một quán nước nhỏ giống như xe bán đậu đỏ bánh lọt củaViệt-Nam. Lúc bà Tư nói chuyện với cô gái Miên chủ quán, Vịnh để ý thấy cô ta có hỏi về chàng, nhưng trông cách bà Tư trả lời thì chàng đoán là không có gì nguy-hiểm vì thấy cô ta cười có vẻ thân-thiện. Chanh đã đi đâu 15 phút trước đó, vừa mới quay về và đang nói nhỏ gì đó với bà Tư. Sau đó Chanh quay qua bảo:
- “Thôi, mình đi.”
Bà Tư ở lại, còn Chanh dẫn Vịnh đi tiếp lên phía trên con dốc. Đến một chỗ có ít nhà cửa, Chanh dắt chàng quẹo vào con đường đất nhỏ bên trái và đi thẳng ra khoảnh đất có cây cối tương-đối um-tùm, bảo chàng ngồi thụp xuống và chờ ở đó. Xong anh ta bỏ đi.
Vừa quan-sát chung-quanh vừa lo-ngại, nhỡ họ bỏ rơi mình ở đây thì làm sao! Hi-vọng là không, vì họ đã có thiện-chí đưa mình băng bộ từ Saigon lên tới biên-giới rồi, chỉ còn một chút nữa thôi là hoàn-thành công việc, nếu muốn lừa mình thì họ đâu cần phải đi xa thế nầy. Họ có thể bỏ mình ngay tại Tân-Châu, hay bất-cứ nơi nào trên đường là xong. Vịnh tự trấn an như thế!
Đang suy-nghĩ miên-man, Vịnh bỗng chột dạ vì thấy một ngưới đàn ông Miên khoảng 40 tuổi, ở trần, từ một căn nhà ở ngoài đường xuất-hiện. Ôâng ta vừa quấn lại cái xà-rông vừa đi về phía bụi rậm mà chàng đang nấp một cách chậm-rãi, trông không có vẻ gì là đe-dọa cả. Vịnh đành phải ở yên đó chờ đợi xem việc gì sẽ xãy ra, rồi tùy cơ ứng biến. Khi đến trước mặt Vịnh, ông ta dơ tay ra nắm chặt lấy tay của chàng, ra dấu bảo đi vào nhà. Chàng đành phải thúc-thủ, riu-ríu theo. Vào nhà, Vịnh ra dấu bảo chàng đi với hai người đàn bà và một thanh-niên nữa. Hi-vọng ông ta tìm ra họ thì mới mong giải-quyết được vấn-đề. Ngôn-ngữ bất đồng thế nầy thì thật là bế-tắc.
Ông ra hiệu cho chàng ở lại trong nhà, xong bỏ đi ra ngoài. Chàng đưa mắt nhìn quanh. Tình-cảnh thật là thảm-não. Mái tranh đã nát nhiều, có chỗ thấy được cả bầu trời trên kia. Vách che bằng những tấm phên rách, gió từ bên ngoài thổi vào lồng-lộng. Dưới cái chỏng tre Vịnh đang ngồi, gà vịt lội dọc ngang. Có tiếng bước chân. Chàng mong ông chủ tìm được Chanh. Nhưng không phải. Một cô gái. Chàng hơi yên lòng. Sau khi ra dấu chào, và dùng vốn liếng tiếng Miên ăn đong của mình để hỏi, Vịnh mới biết gia-đình nầy không phải người Miên, mà là người Chàm. May thay, trong thời-gian làm việc tại ga xe lửa Saigon trước kia, chàng có biết lõm-bõm một số tiếng Chàm mà chàng đã học từ đám hành-khách Chàm đi buôn than và cà-phê từ Phú-Kiết, Phan-Rang, Sông Pha ... vào. Vịnh tự nhủ, đây đúng là dịp cho mình sử-dụng kiến-thức nhỏ-nhoi ấy để tranh-thủ tình-cảm của gia-đình nầy hòng sống còn đây! Quả thế, sau khi chàng quơ tay, múa chân một hồi, cọng với ít tiếng Chàm, cô gái có cảm-tình ngay với chàng. Sau khi cô bỏ đi một lúc, ông chủ nhà và Chanh vào thật. Hú vía! Chanh bảo đừng lo, anh ta đã nói chuyện với ông chủ nhà để chàng ở đỡ tới khuya, chờ hai thanh-niên khác tới để đưa chàng lên đường. Chanh chờ ông chủ nhà không có mặt mới trao cho chàng một gói lá chuối, trong có cơm và thịt heo kho, bảo nhỏ rằng gia-đình nầy người Chàm, đừng cho họ thấy mình ăn thịt heo. Trước khi đi, Chanh bảo Vịnh ăn xong hãy nghĩ-ngơi lấy sức, anh ta sẽ trở lại.
Trời vừa sụp tối, Chanh xuất-hiện. Anh ta bảo Vịnh viết mật-mã ngay lúc nầy để đem về Saigon cho gia-đình chàng thì anh ta mới lấy tiền được. Vịnh viết câu mật-mã mà chỉ có chàng và gia-đình biết mà thôi vào bao thuốc lá và trao cho Chanh.
Hai người từ-giả ông chủ rồi rời khỏi căn nhà mà Vịnh đã ẩn-náu nửa ngày trời.
* *
*
Vịnh theo Chanh đi quanh-co dưới các lùm cây, tới một căn chòi nhỏ cất trơ-trọi giữa ruộng, nước xâm-xấp dưới chân. Cả hai leo lên sàn ngồi nói chuyện thì-thào với chủ của căn chòi. Chanh thông-dịch lại cho Vịnh biết là phải chờ một chốc nữa, hai người dẫn đường mới đến. Khoảng một giờ sau, có tiếng lội bì-bõm và hai thanh-niên leo lên sàn. Bốn người bàn-tán to nhỏ bằng tiếng Miên với nhau, Vịnh không hiểu, chỉ thấy hai thanh-niên mới tới nhìn chàng dò-xét rồi gật đầu lia-lịa kèm theo những tiếng “Bạt, Bạt.” (2) Sau khoảng nửa tiếng đồng-hồ, ý chừng đã thỏa-thuận xong, mọi người từ-giả nhau. Vịnh bùi-ngùi chia tay Chanh, và theo chân hai người thanh-niên lẫn vào bóng đêm dày đặc của vùng đất Battambang xa-lạ!
* *
*
Sau khi rời khỏi căn chòi, trong trí tưởng, Vịnh cứ nghĩ rằng cả ba sẽ dùng đường đất để đến biên-giới. Nhưng chàng đã lầm. Trên con đường vượt thoát, không ai có thể biết trước được điều gì sẽ xãy ra kế tiếp. Nhất là trong hoàn-cảnh hiện-tại, hai người dẫn đường không nói được tiếng Việt, và Vịnh thì cũng không đủ khả-năng để hỏi bằng tiếng Miên, cho nên chàng cứ phải đành lầm-lủi theo đuôi họ, mà trong đầu không có lấy một ý niệm nào về lộ-trình đang đi, và về phương-tiện sẽ sử-dụng. Do-đó, chàng cảm thấy bất-an vì bị đặt vào tình-trạng bị động.
Khi còn ở tại căn chòi thì nước chỉ ngập trên mắt cá chân một chút, nhưng càng đi thì Vịnh càng lo ngại vì thấy nước cứ dâng lên mãi, trong khi chàng không biết bơi. Tới một khoảng, nước lên cao quá, gần ngập đầu, lúc đó chàng liền bị hỏng chân và bị chìm. Hai thanh-niên Miên bèn xốc nách dìu Vịnh đi. Có khi cả ba bị kẹt lùng-bùng trong một đám cây mắc-cở tây đầy gai nhọn mọc chìm dưới mặt nước, bao-phủ cả 6, 7 thước vuông. Phải tốn cả nửa tiếng đồng-hồ mới thoát ra được, quần áo rách bươm, da thịt bị cào nát ngang dọc!
Cả ba cứ lội nước như vậy mà đi cho tới gần nửa khuya thì tới đoạn lội ruộng.
Trên ruộng có những dây cước do những người giăng câu đặt, cho nên rất vướng mắc bước chân, hơn nữa nước ruộng không cao lắm, mỗi khi nhấc bước lên hay đặt bước xuống không khéo sẽ gây ra tiếng động bì-bõm rất lớn, mà ở đó lại gần đồn công-an biên-phòng của Việt-Cộng. Trong khi đi, Vịnh nghe có tiếng Việt nói cười, chửi thề ầm-ỉ từ trong đồn vang ra. Thỉnh-thoảng có những trái đạn pháo từ phía biên-giới bắn về bay sát ngang đầu. Mỗi lần như thế chàng lại hoảng-hốt ngồi thụp xuống, làm hai người thanh-niên bật cười. Khi nào Vịnh bước đi hơi ồn vì cố bắt cho kịp hai người dẫn đường thì họ lại bảo đi nhẹ bước lại. Khổ nỗi khi đi nhẹ chân thì tốc-độ bị chậm lại và bị họ bỏ rơi khá xa. Họ là dân quen lội ruộng, Vịnh tuy là lính nhưng làm sao bì kịp.
Đến khoảng đi trên các bờ đất để ngăn chia các thửa ruộng với nhau cũng lại là một thử-thách khác nữa. Vì để làm dấu các thửa ruộng, các nông-dân Miên chừa các gò mối lại. Ban đêm không thấy đường, Vịnh vì phải đi nhanh cho kịp hai người Miên nên cứ phang thẳng cánh hai ống quyển vào các gò mối đó. Đau không chịu được! Sức của chàng đã yếu nhiều so với đầu hôm. Hai chân bị sưng đau, các kẻ ngón chân bị cỏ “3 khía” bén như dao cạo cắt đứt chi-chít.
Khoảng cách giữa Vịnh và hai người dẫn đường càng lúc càng xa dần. Lúc đầu khi chàng lên tiếng gọi thì họ còn trả lời và đứng lại đợi, mãi về sau họ không thèm trả lời mà cứ lầm-lũi đi. Phía chân trời đã hơi có ánh sáng nhợt-nhạt. Một ngày mới sắp bắt đầu, mà theo hai người đẫn đường ra dấu lúc nãy, thì “Para Nong-Chan” hãy còn xa (Sau nầy Vịnh mới biết lính của Son Sann mặc đồ rằn-ri của nhảy dù nên gọi là Para, còn Nong-Chan là tên trại tị-nạn.)
Lúc nầy thì Vịnh chỉ còn nghe tiếng bước chân bì-bõm của hai người dẫn đường xa dần ... xa dần ...! Vịnh cố gọi nhưng vô-ích. Rõ-ràng là chàng đã bị bỏ rơi! Bây giờ thì không còn nghe thấy tiếng bước chân của họ nữa! Biết có gọi nữa cũng không kéo họ lại được, nên chàng đành đứng lại suy-nghĩ tìm cách giải-quyết.
Sau khi cân nhắc lợi, hại của những tình-huống khả-dĩ xãy ra, Vịnh dứt-khoát tư-tưởng rằng điều xấu nhất có thể xãy ra là sẽ bị bắt đưa về Việt-Nam và ở tù tiếp, chứ không thể nào chết được. Và như thế biết đâu lại còn có cơ may gặp lại gia-đình. Mà cùng lắm có chết thì cũng phải chịu, vì khi liều mình ra đi là kể như đã tham-dự vào một cơn may rủi, một trò chơi mà trong đó mạng sống và cái chết được đem ra để đánh cuộc. Như vậy thì dẫu sống hay chết, nghĩ cho cùng, cũng chỉ là một kết-quả. Đã nhập cuộc để làm dân chơi, dầu là miễn-cưỡng, thì phải chấp-nhận luật chơi. May, thì thoát; còn không may thì ôm vài cuốn lịch để gỡ từ-từ chơi cho qua ngày tháng, hoặc là nhận lấy cái chết! Tuy nghĩ thế nhưng Vịnh vẫn còn nuôi hi-vọng. Chàng ngước nhìn lên bầu trời đêm đen thăm-thẳm của Kampuchea mà cầu-nguyện thật lớn tiếng. Vịnh hết cầu Phật lại cầu tới Chúa, cầu Mẹ Maria rồi sang cầu Phật Quán-Thế Âm xin cho chàng một giải-pháp tốt nhất theo ý của Ơn Trên. Nếu Ơn Trên thấy rằng chàng phải trở về để vào tù là cách giải-quyết tốt đẹp hơn là cái chết, thì xin cho được như thế. Lúc đó, những nhãn-hiệu tôn-giáo mà thế-gian đặt ra không có ý-nghĩa gì đối với Vịnh nữa, mà chàng chỉ còn nhìn thấy một Đấng Thiêng-Liêng duy-nhất ở trên trời. Tiếng chàng cầu-nguyện liên-tục, lẫn trong tiếng dế nỉ-non, tiếng nhái rền-rĩ cho đến khi trời hửng sáng.
Khi ngày mới vừa đến, Vịnh bàng-hoàng vì thấy mình đang đứng trơ-trọi giữa một ruộng nước mênh-mông! Ruộng nước chạy mút mắt đến tận chân trời! Không một mái nhà. Không một làn khói bếp. Không cả một lũy tre!
Bất chợt có tiếng tụng kinh trên loa vang lên lồng-lộng trong không gian của buổi sáng còn vương-vất sương mai. Như vậy ít ra cũng còn có người ở gần đâu đây! Chắc chắn là một ngôi chùa! Chàng lắng tai nghe để định hướng nơi phát ra tiếng tụng kinh. Thật là khó! Hình như tiếng loa phát ra từ hướng trước mặt. Vịnh hăng-hái cất bước. Đi một hồi chàng ngạc-nhiên nghe thấy tiếng loa vang lại từ sau lưng. Vịnh đứng khựng lại lắng nghe và thấy quả như thế, thật kỳ lạ! Chàng quay ngược lại và cương-quyết bước đi. Một lúc sau, không hiểu sao chàng lại có cảm-giác là tiếng tụng kinh ấy phát ra từ bên phải. Cứ thế chàng di-chuyển vòng vòng như một con kiến bò trên miệng chén, không đi đến đâu cả! Thì ra giữa đồng trống, âm-thanh bị dội đi nhiều phía nên rất khó định hướng. Vịnh thấy nếu cứ tiếp-tục thế nầy thì có khác gì dậm chân tại chỗ. Thật ra còn tệ-hại hơn thế nữa, vì chàng sẽ phung-phí sức-lực trong khi bụng đang đói cồn-cào!
May thay lúc ấy chàng thấy có bóng mấy người vác cuốc từ sau lùm cây ở đàng xa đi lại. Chàng tiến tới gần và ra dấu hỏi đường đi Nong-Chan. Họ ra dấu bảo xa lắm và hỏi có vàng không. Chàng lắc đầu. Họ cười lớn rồi bỏ đi. Sau đó có một người khác đi tới, bảo chàng đứng đợi ở đó, rồi quay bước đi một cách vội-vã về hướng hồi nãy. Nghi anh ta đi báo công-an, nên chàng hối-hả bỏ đi theo hướng ngược lại để chạy trốn. Trong lúc đi băng qua nhiều thửa ruộng, những nông-dân đang cấy lúa nhìn chàng chằm-chặp một cách tò-mò. Sau cùng Vịnh đến một cái ‘phum” chỉ có vài căn rải-rác trông rất tiêu-điều! Vài con gà ốm đói đang bươi thóc trước sân. Gặp một bà già. Vịnh, lúc nầy đã đói quá rồi, vã lại không biết Nong-Chan và “phum” Chang-Ha nầy cách nhau bao xa nên không muốn chạy trốn nữa, bèn ra dấu xin bà già chỉ đồn công-an để chàng ra đầu thú. Bà ta lắc đầu không cho, và kêu chàng lên nhà sàn cho một chén cơm hẩm chan chút nước mắm. Mặc dù đói, Vịnh không thể nào nuốt nổi vì thấy lối sống “bầy-hầy” của bà già. Sau đó bà bảo chàng hãy ở lại với bà và đứa con gái. Vịnh nhìn kỹ thì thấy đó là một cô gái có vẻ bị bệnh tâm-thần đang ngồi trong một cái thùng carton. Hoảng quá, chàng cáo lui và bỏ đi.
Lại tiếp-tục đi lòng-vòng giữa đám ruộng nước. Ánh mặt trời phản chiếu trên mặt nước ruộng làm chàng hoa cả mắt. Nhìn bóng nắng, Vịnh đoán chừng đã khoảng 3 giờ chiều. Đi dưới cái nắng chói-chang suốt từ sáng nên mặt và tay chàng gần như bị cháy nắng! Trông da tay đỏ như một con tôm luộc!
Mắt chợt sáng lên! Vịnh thấy có những chấm đen nhỏ đang di-chuyển như một đàn kiến tuốt ở chân trời phía xa. Chàng đi như bay về phía ấy. Thì ra đó là đám dân Miên đi buôn lậu từ Thái về. Kẻ thì thồ hàng-hóa bằng xe đạp, người thì đội từng bao lớn trên đầu.
Bây giờ thì Vịnh đành từ bỏ ý định đi Thái, mà chỉ mong dò đường về lại Battambang để tìm người của đường dây, nếu không thì chắc-chắn sẽ bị chết đói giữa đồng quê Kampuchea nầy mất thôi. Hỏi đám dân buôn, họ cho biết hướng Battambang là hướng họ đang đi. Nghe thế Vịnh mừng quá, bèn xin nhập bọn. Một người cho chàng ít tiền. Không ngờ đi một đỗi, bọn họ lần-lượt mỗi người tẻ qua một ngã khác, chứ không phải hướng
Battambang mà họ đã nói. Thế là trên đường chỉ còn trơ-trọi một mình chàng! Lúc nầy Vịnh đã muốn lã đi rồi. Đầu váng. Mắt hoa. Những ảo-giác bắt đầu xuất-hiện. Chàng thấy bầu trời có lúc rộng thăm-thẳm ra mãi, và mây thì bay vùn-vụt về phía sau với một tốc-độ kinh-hồn! Bước chân của Vịnh có những lúc hụt-hẫng. Thấy một người đạp xe đạp đi đến, trên tay lái có treo tòn-teng một nãi chuối quắt-queo, chàng chạy lại xin mua. Ông ta bẻ đưa hai trái, chàng móc đại tiền ra, không biết bao-nhiêu riels (3), trao cho ông ta. Ăn xong đã không thấy đỡ đói mà bao-tử lại cồn-cào dữ-tợn hơn. Thế nầy thì không xong rồi! Chàng chạy bay tới cái mương bên đường, vục nước đầy lăn-quăng, nòng-nọc uống cho đỡ bị xót ruột rồi uể-oải đứng lên bước thấp bước cao đi tiếp. Vịnh có thể nghe được tiếng nước chao đi chao lại róc-rách trong cái bao-tử trống trơn của mình.
Lúc nầy trên đường hầu như chỉ còn Vịnh. Chợt nghe có tiếng bước đằng sau, chàng quay lại thì thấy một tên bộ-đội Việt-Cộng không biết từ đâu xuất-hiện đang đi cùng chiều. Trên vai có đeo khẩu súng, tên ấy làm như không thấy chàng và đi vượt qua mặt. Nghĩ thầm chắc y tưởng mình cũng là dân buôn như những người kia, chàng lấy làm mừng là đã thoát, và tiếp-tục đi.
Không ngờ một lát sau, tên ấy quay trở lại cùng với hai tên khác. Chúng tiến thẳng lại phía chàng và xét hỏi giấy tờ. Vịnh nói dối là đi Battambang để thăm bà cô, và bị lạc. Dĩ-nhiên lời nói dối đó khó thuyết-phục được ai, nhưng trong lúc ấy bắt buộc phải có một lý-do, chứ không lẽ làm thinh, do-đó chúng lôi chàng vào bụi sậy cao lút đầu dưới ruộng nước bên đường để khảo vàng. Một tên lên đạn và chỉ mũi súng ngay màng-tang của Vịnh:
- “Mầy mà còn ngoan-cố là tụi tau cắt cơm mầy đó. Mầy biết từ ‘cắt cơm’ (4) nghĩa là gì không?”
Tuy không hiểu, nhưng thấy tình-trạng đã đến chỗ nguy-hiểm, mạng mình chắc chi đã bảo-toàn mà lại đi sợ mất mấy cái “khoen” (5), Vịnh bèn lấy chiếc nhẩn đã được ngụy-trang trong lưng quần ra đưa cho hai tên bộ-đội.
Sau khi lấy được vàng, hai tên bộ-đội thay đổi thái-độ từ thù địch sang thân-thiện. Chúng giả-vờ đạo-đức giả:
- “Đám cán-bộ Bắc chèn-ép quá, tụi em đói nên mới làm bậy, bây giờ biết anh cũng ở Saigon như tụi em, thì thôi, em trả cái khoen lại cho anh. Nhớ nhà quá anh ơi!”
Dĩ-nhiên là Vịnh phải từ-chối. Chúng cho lại 40 riels. Sau đó chúng dẫn chàng về một quán cơm nhỏ bên lề đường ở ngả ba Sla Cahom (6), cho chàng một chén cơm và một ly rượu nhỏ. Chàng ngủ chung với chúng trên một sạp chợ ở giữa trời vì chúng có nhiệm-vụ đi kích đêm đó.
Sáng hôm sau, đám bộ-đội gọi một chiếc xe ngựa bảo đưa Vịnh ra bến xe Swai Sisophon. Tới nơi chàng trả đại 10 riels cho tài-xế. Có nhiều xe đò tại bến xe, nhưng rủi thay không có xe nào đi Battambang, mà chỉ có xe đi Siem-Riep. Chàng đành phải thuê Honda ôm với giá 30 riels. Về tới Battambang lúc 11 giờ sáng.
Vịnh nhận ra mang-máng khung-cảnh của bến xe, rồi dựa theo trí nhớ chàng tìm cách về căn nhà sàn của bà Tư. Nhưng lúc ra đi thì trời chưa sáng, cảnh vật còn nhá-nhem. Bây giờ trời nắng như thiêu đốt nên quang-cảnh bến xe, con đường đất trông cũng khác! Vì vậy chàng lội tới, lội lui trên những con đường bùn lầy hàng chục bận mà vẫn không làm sao nhận ra lối nào dẫn đến nhà.
Quá bế-tắc, chàng tìm cách trở lại nhà người quen của bà Tư đối-diện với tiệm chụp ảnh. Căn nhà nầy dễ tìm vì nằm ngay mặt tiền của khu phố thương-mại chứ không nằm sâu trong đồng ruộng. May thay sau một thời-gian dài đi tìm, Vịnh tìm được nhà ấy. Chàng nói tình-trạng bị bỏ rơi nửa đường cho họ biết và nhờ họ dẫn về nhà bà Tư giùm, nhưng họ thoái-thác là không biết. Chàng phải năn-nỉ ỉ-ôi mãi họ mới cho thằng cháu nhỏ đạp xe đạp đi báo. Nhưng rồi một hồi lâu nó chạy về bảo là không tìm ra nhà. Trong lúc ngồi chơ,ụ chàng thấy thái-độ không mấy thân-thiện của người trong nhà, khác lúc chàng tới đây lần đầu. Chắc không hi-vọng nhờ vã gì được, Vịnh từ-giã ra đi để tự tìm nhà bà Tư một lần nữa.
Đi luồn quanh-quẩn trong xóm tới xế chiều mà vẫn không tài nào thấy được cảnh-vật quen thuộc của chỗ mình đã ngụ, mà lúc nầy bụng đã đói cồn-cào, chàng đành làm mặt dày trở lại căn nhà ấy một lần nữa. Mặt mày của chàng đã bị cháy nắng đỏ như say ruợu. Vừa bước vào chưa kịp nói thì bà chủ nhà đã hầm-hầm:
- “Cậu đừng tới đây nữa. Cậu vừa đi khỏi là công-an tới hỏi tụi tui đủ thứ, phiền quá!”
Thế là chàng phải đi ngay trước thái-độ trở mặt như vậy mà không dám nói một tiếng nào nữa.
Một liều ba bảy cũng liều, Vịnh đành quay trở về cái “phum” mà chàng nghĩ là có nhà bà Tư ở trong đó. Đi sục-sạo một lúc chẳng tới đâu, chàng vào đại một căn nhà xin rửa mặt và uống nước, trong lúc ngồi nghỉ, Vịnh lắp-bắp vài tiếng Miên và ra dấu hỏi thăm về một gia-đình có hai đứa bé con với tên như thế, như thế … Trời xui đất khiến, hay là lời cầu-nguyện liên-tục của chàng đã được đáp-ứng, ông chủ nhà kéo tay Vịnh ra cửa và chỉ về hướng một căn nhà chỉ cách nhà ông ta có một hàng rào cây xanh. Trời ơi! Tưởng là đâu xa, chàng đã đi qua, đi lại hàng rào nầy biết bao-nhiêu lần rồi mà đâu có ngờ nhà bà Tư lại ở ngay đây!!! Hai mẹ con Chanh đang ngồi nói chuyện ở tầng dưới của căn nhà sàn bỗng giật bắn người khi tấy Vịnh bơ-phờ bước tới, giống như người về từ địa-ngục, với quần áo lấm lem bùn đất, mặt mày đỏ gay!
* *
*
Chanh đưa chàng lên trên sàn để nghỉ. Vừa nằm xuống một phút là Vịnh đã thiếp đi, không còn biết trời trăng gì nữa. Dường như bao-nhiêu sức khỏe và nghị-lực đã được tận-dụng cả rồi, cho nên đến phút này chàng như một trái bóng bị xì hết hơi. Khi tĩnh dậy thì trời đã tối. Không ngờ đã mê đi gần 4 tiếng đồng-hồ. Vịnh cố-gắng ngồi dậy nhưng khám-phá ra rằng nửa thân dưới của chàng bị bất-động, không có cảm-giác gì hết! Hoảng hốt, chàng ráng sức chỗi dậy bằng sức đẩy của hai tay, rồi ra sức xoa-bóp hai chân. Nửa tiếng sau, các ngón chân bắt đầu cựa quậy, rồi dần-dần đến cả hai chân.
Thấy tình-trạng sức khỏe của Vịnh bi-đát như vậy, bà Tư đề-nghị chàng nên ở lại đây khoảng 3 tháng để dưỡng sức, đồng thời để học tiếng Miên, ban ngày thì làm rẫy để cho da sạm lại. Có như vậy thì đi Xiêm mới dễ-dàng được. Nghĩ lại đoạn đường đã qua, cảm thấy vô-cùng ngao-ngán, chàng cần một thời-gian để hoàn-hồn, do-đó khi nghe bà Tư nói thế, Vịnh đồng-ý ngay không cần đắn-đo. Nhưng họ lại bàn tán thầm-thì với nhau một hồi lâu bằng tiếng Miên, có vẻ rất gay cấn, rồi xoay qua chàng bảo rằng ở laị đây lâu không có lợi, lý-do là nhà hàng-xóm bên tay phải cũng là một đường dây dẫn người vượt-biên, đã từ lâu họ ganh-tị với gia-đình bên nầy vì họ không có khách nhiều, cho nên sợ họ sẽ tố-cáo. Tốt nhất là nên đi càng sớm càng tốt!
Để Vịnh nghĩ-ngơi 2 ngày xong, họ quyết-định cho chàng lên đường. Một yếu-tố nữa, không kém phần quan-trọng, khiến họ phải đi gấp-rút như vậy là vì chiến-cuộc đang lắng dịu. Nếu lần-lữa, mùa khô lại tới, Cộng-Sản sẽ mở nhiều cuộc càn-quét qua biên-giới, như chúng vẫn thường làm trong những năm qua. Lúc đó sẽ rất khó đi.
* *
*
Lần nầy, bà ngoại của Chanh, người anh rễ và chính anh chàng Chanh sẽ đích thân đưa Vịnh đi. Họ đưa chàng tới Swai lần nữa và từ đó đi suốt đêm tới “phum” Sang vào buổi sáng. Vịnh lại kiệt sức vì bắp thịt nơi háng đã bị sưng đau do vận-động quá sức trong mấy ngày liên-tiếp lội bộ! Họ đành giấu chàng trên một gò mối cao độ hơn một thước, rộng khoảng 8 thước vuông, xong đi mất.
Mãi xế chiều Chanh mới trở lại đem cho chàng một gói lá chuối, trong có cơm và trứng gà chiên, bảo chàng ăn, kèm theo vài lời trấn-an, xong lại bỏ đi tiếp. Suốt ngày đó, Vịnh thèm ngủ mà không dám nhắm mắt. Trong khi chập-chờn thì chàng nghe có tiếng người lội nước càng lúc càng tới gần nơi gò mối. Thì ra đó là một nông-dân Miên ở trần trùng-trục, chỉ vận mỗi chiếc xà-rông, với cái rựa trên tay, ra vẻ tìm-tòi một cái gì đó. Anh ta lội quanh gò mối một lúc lâu, đôi lông mày rậm nhíu lại trên cặp mắt trắng dã cứ đão đi đão lại tìm kiếm. Bất thình-lình anh ta leo hẳn lên trên gò với một vẻ quả-quyết. Tim Vịnh như muốn ngừng đập! Không lẽ y là tai mắt của địa-phương có nhiệm-vụ đi tìm chàng? Vịnh phải nấp sau một thân cây để người Miên ấy không trông thấy. Y cứ đi lẩn-quẩn mãi trên gò mối thật lâu. Mỗi một phút đối với chàng lúc ấy giống như một năm! May sao, cuối cùng y bỏ đi. Vịnh thở phào như trút đi gánh nặng ngàn cân. Khi y đi đã xa, Vịnh ngồi phịch xuống gốc cây, tất-cả sức lực tan biến mất sau cơn căng-thẳng cao-độ!
Mặt trời sắp lặn mà mãi vẫn không thấy Chanh trở lại! Chàng nghĩ thầm, không lẽ lần nầy lại bị bỏ rơi ở đây? Nếu vậy thì thật khó mà thoát chết! Sức Vịnh đã kiệt, sự phấn-đấu sẽ không còn dẽo-dai như lúc đầu mới bước chân lên đường vượt biên nữa.
Trời vừa sụp tối, Vịnh mừng vô-hạn khi thấy Chanh trở lại với hai thanh-niên khác có trách-nhiệm đưa chàng đến lãnh-thổ Para. Lại một lần nữa chia tay với Chanh để theo hai người dẫn đường nầy. Một ván cờ sinh tử mới được bày ra trên bàn cờ biên-giới, mà phần thắng vẫn không do chàng chủ-động. Âu là:
- “Cũng đành nhắm mắt đưa chân,
Thử xem con tạo xoay vần tới đâu!”
Đi với họ gần tới nửa khuya thì Vịnh không nhấc chân nổi lên khỏi bờ ruộng. Mà bờ ruộng đâu có cao chi cho cam, chỉ chừng một gang tay. Hai người ấy phải xốc nách để giúp chàng bước đi, nhưng rồi cũng không được lâu. Sau cùng cả 3 phải tấp vào một cái chuồng bò dột nát bị bỏ hoang giữa ruộng để chợp mắt một tí. Bầy muỗi đói tấn-công liên-tục, không chịu nỗi, họ lại đứng lên dìu Vịnh đi tiếp. Trời mưa lâm-râm, mà mồ-hôi của Vịnh ra ướt áo. Thấy tình-hình không khá, hai thanh-niên đưa chàng về “phum” Roun của họ để nghỉ. Trời mưa trở nên nặng hạt hơn. Ba người đứng lại trú mưa dưới mái tranh của một căn nhà, nhưng lũ chó trong ‘phum” cứ sủa vang rân lên, nên hai người liền đưa Vịnh đi gấp về nhà họ. Chàng được đưa vào trong một cái buồng, có lẽ là một lẫm lúa, để ngủ. Một phút sau là Vịnh đã ngủ mê-man với vộ quần áo ướt đầm nước mưa trên người. Chàng được nghỉ-ngơi thêm suốt một ngày hôm sau nữa. Đến tối, họ đem “rơtê-cú” (7) tới chở Vịnh đi tiếp.
Ngồi lắc-lư trên xe bò, chàng đưa mắt quan-sát. Chỉ có rừng là rừng với bóng tối vây quanh. Nhịp xe chầm-chậm được điểm-xuyết bằng tiếng chân bò loc-cọc và những vòng bánh xe khua nước trên con đường rừng ngập nước. Mùi thuốc đen khen-khét một cách đặc-biệt do hai người Miên phì-phèo, theo cơn gió ngược bay hắt lại đàng sau phà vào mũi Vịnh. Đôi khi Vịnh phải cúi rạp đầu xuống sàn xe để tránh những nhánh tre gai mọc de ra ngoài. Thế nhưng lưng áo của chàng cũng bị cào rách toạt một đường dài!
Trên đường đi, mỗi khi gặp một ngã ba họ thường bảo chàng xuống vốc một vốc nước uống, trong khi họ cầu khấn lâm-râm. Có khi cả bọn đi ngang qua lãnh-thổ của quân kháng-chiến Sihanouk, bất thình-lình một người bận quần áo đen, đạn lên nòng, từ trong bụi rậm bước ra xét hỏi. Khi biết là cả bọn muốn đi Xiêm, họ ra hiệu cho đi qua.
Chiếc xe do bò kéo lóc-cóc đi len-lỏi trong các con đường rừng rồi cuối-cùng cũng tới được lãnh-thổ Para lúc 3 giờ sáng. Có tiếng hô to và đạn lên nòng lách-cách. Chiếc xe bò đứng lại theo lịnh. Một toán lính rằn-ri xuất-hiện. Vịnh thấy vui thầm! Màu áo quen thuộc đây rồi. Bao-nhiêu năm nay mới lại gặp! Hai người dẫn đường bảo ngắn gọn vào tai chàng, “Para Nong-Chan!” rồi bảo chàng hãy đưa mật mã cho họ để làm bằng, chàng bèn bứt một hột nút áo theo sự thỏa-thuận riêng từ trước với Chanh để đưa họ. Sau khi giao chàng cho đám lính, hai người dẫn đường vẫy tay chào Vịnh, rồi quay xe bò đi trở lại vào rừng mất hút theo lối cũ.
* *
*
Chàng ở ngoài rừng cùng với toán lính Para cho đến sáng để họ đưa về căn-cứ. Càng đi tới gần trại, nhà cửa càng san-sát nhiều hơn, tất-cả đều làm bằng tranh và tre. Dân Miên đứng lố-nhố hai bên đường trố mắt tò-mò nhìn. Tới cổng Vịnh thấy một tấm bảng lớn đề “NONG-CHAN.” Chàng được đưa tới văn-phòng “đờ bê” (8). Một sĩ-quan, tự xưng tên là Kim Sầm-Nang, cho gọi chàng vào để điều-tra. Sau nầy Vịnh mới biết anh ta là Khmer Krom (9) gốc Trà-Vinh, chứ không phải người Khmer Lơ (10) . Thảo nào y nói tiếng Việt quá sỏi! Trong khi điều-tra, y quan-sát chân của Vịnh xem có vết chai trên lưng bàn chân hay không. Nếu có tức là chàng đã mang dép râu, nghĩa là đã đi bộ-đội. Có một tên thanh-niên Miên, da trắng trẻo chứ không đen như đa-số dân Miên khác, phụ với Sầm-Nang để hỏi cung, đã đánh Vịnh một bạt tai tóe lửa. Sau khi điều-tra xong họ áp-tải chàng xuống trại.
Vịnh vẫn đinh-ninh, khi còn ở trong nước ngay từ những ngày đầu tính chuyện vượt biên, rằng “Trại Tị-Nạn” sẽ là một dãy lều ngay hàng thẳng lối, và người tị-nạn sẽ được lãnh khăn, bàn chải đánh răng ..., sẽ được Mỹ hay Pháp ... làm thủ-tục giấy tờ đi định-cư. Nếu ai đã từng ở trong trại mà biết được ý nghĩ nầy của chàng, chắc họ sẽ cười đến vỡ bụng mất. Chàng đã lạc-quan tếu! Vừa bước vào cổng trại, Vịnh tái mặt vì trại chỉ là một căn nhà tranh mà vách làm bằng những thân cây rừng ghép lại với nhau, hai thân cây cách nhau nửa gang tay, nhốt đầy những con người xăm từ đầu cho đến chân. Trông họ chàng liên-tưởng đến người dân nước Văn-Lang đã xăm mình để săn thuồng-luồng trong thời-kỳ tiền-sử! Ở lâu chàng mới biết đây là trại tù C.3 (Camp 3) của lực-lượng kháng-chiến Son Sann, chứ không phải trại tị-nạn!
Lúc đã vào hẳn bên trong, bọn người đó chạy tới bao vây Vịnh vào giữa. Kẻ thì ngắt véo, người thì bóp mũi, tên thì tước đôi dép chàng đang mang ... Đến giờ ăn trưa, một em nhỏ người Chàm tên Phatá cho chàng một dĩa nhôm và một cái muỗng gảy cán để đi lãnh cơm. Đúng ra chỉ là cháo loãng ăn với một ít muối hột. Buổi cơm chiều, lãnh phần cơm xong, đang ngồi xổm dưới đất cố nuốt cho xong bửa, chợt Vịnh thấy một cánh tay xăm đầy những chữ bùa từ phía trên thọc xuống bốc vào phần cơm của mình. Chàng ngước lên thì thấy một tên Miên với vẻ mặt thách-thức, đang đứng nhai ngồm-ngoàm phần cơm vừa bốc được.
Trời sụp tối, ai cũng lo trải những tấm ni-lông của riêng mình xuống nền đất lồi-lõm để làm chỗ ngủ. Vịnh phải làm quen để mong được ngủ ké. Chỗ ngủ của chàng có một gốc cây bị chặt không sát xuống mặt đất nên cấn ngay giữa lưng. Thế thì làm sao mà ngủ được? Thảo nào họ nhường chỗ “tốt” nầy cho Vịnh. Trong khi chờ giấc ngủ đến, những người Việt hay những người Khmer Krom đã ở đây lâu dạy truyền-khẩu cho chàng mấy câu tiếng Miên cần-thiết để sử-dụng ban đêm. Chẳng hạn, khi muốn đi cầu, nếu không muốn lính gác nổ súng, thì phải la to:
- “Bòn ơi, kh-nhom xom bọtchơn!” (11)
Ngủ ở rừng như thế mà không có mùng cho nên mới nhập trại có 7 ngày Vịnh đã lên cơn sốt rét! Ai sờ vào người chàng cũng thấy nóng như một khối than hồng, trái lại chính chàng lại cảm thấy lạnh run lên từng lúc, hai hàm răng đánh “bò-cạp” liên hồi. Rủi thay, trong thời-gian nầy Hồng Thập Tự Quốc-Tế không được vào thăm những người tù của C.3, nên ít có người còn giữ thuốc trị sốt rét Quinine hay Chloroquine. Vịnh đành nằm chịu trận. Một anh bạn tù tìm đâu được một viên Quinine đưa cho chàng. Không uống cũng khổ vì cơn sốt, mà nuốt viên thuốc vào cũng khổ vì tác-dụng của thuốc. Khoảng một tiếng sau, Vịnh bị cơn buồn nôn ập tới hành-hạ, tay chân rũ-liệt. Mở mắt nhìn lên chàng thấy một người thành 3, 4 người. Mặt đất, chỗ cao trông thành chỗ thấp, nơi lõm xuống hóa thành vồng cao. Bây giờ chàng mới hiểu vì sao những người uống thuốc vào thường hay bị té khi đi đứng.
Trong thời-gian bị bệnh chàng không thể ăn uống được, một cô gái chừng 23 tuổi nhìn Vịnh ái-ngại. Cô thường giúp lấy nước uống, giặt khăn lau mặt để đắp lên trán chàng những khi lên cơn sốt. Mỗi khi tĩnh dậy chàng thường bày tỏ lòng biết ơn, cô gái lúng-túng cúi đầu và tìm cách nói lãng sang chuyện khác. Những lúc như vậy, chàng thấy lòng mình chợt xao-xuyến. Một cảm-giác mà chàng ngỡ đã không còn, từ khi biết người vợ mà mình hết lòng yêu thương đã đành tâm bỏ rơi chồng trong lúc anh ta lâm vào cảnh cá chậu chim lồng. Chàng có cảm-tưởng như là một anh học-trò vừa mới lớn đang trao thư tình lần đầu. Nhìn gương mặt hơi cúi, nước da bánh mật khỏe mạnh, cặp mi dài cong vút với đôi mắt đen thăm-thẳm chứa một vẻ huyền-bí ngàn đời của người dân xứ Chùa Tháp, Vịnh chợt khám-phá nét thu hút ẩn-tàng của người con gái đối-diện, mặc dù y-phục tả-tơi. Vịnh hỏi thăm về hoàn-cảnh mới biết cô gái tên Thạch Sarươn. Cha mẹ cô ở Tân-Châu cũng có của dư của để nên đã cho cô lên Cần-Thơ học. Chưa xong Tú-tài thì biến-động 1975 xãy đến. Cô theo dì vượt biên đường bộ. Người dì đạp phải mìn trên đường đi nên đã chết. Sarươn một thân một mình tìm đến được Nong-Chan 3 tháng trước.
Một đêm, đang ngủ giấc ngủ mệt nhọc sau một ngày lao-động khổ sai cho chính-quyền kháng-chiến Kampuchea, thì mọi người nghe có tiếng nói lè-nhè và tiếng chìa khóa khua loảng-xoảng. Đám lính gác mở cửa nhà tù. Tên Đum, trưởng ban 2, tiến vào! Y đảo mắt nhìn khắp tù. Ánh mắt của y dừng lại chỗ của Sarươn! Mấy tên lính hiểu ý, túa đến xốc nách cô lôi ra cửa. Cô gái cố trì kéo và la khóc, mong mọi người can-thiệp, nhưng đâu có ai dám đứng lên! Tiếng khóc của Sarươn xa dần. Trong cơn sốt, Vịnh nghe loáng-thoáng, “Anh Vịnh ơi, cứu em với!” Từ phút đó, chẳng ai chợp được mắt.
Gần 5 giờ sáng, bọn lính gác dìu Sarươn về tù. Cô không đi nổi, tấm xà-rông vấy máu. Vịnh chồm dậy. Mặc dù sức còn yếu, chàng cũng ráng kéo cô gái về tới chỗ nằm của cô. Sau khi uống vài ngụm nước do Vịnh đổ cho, Sarươn hơi hồi tĩnh. Cô khóc không thành tiếng. Không biết làm sao hơn, Vịnh chỉ im lặng để cô gái úp mặt vào vai mình nức-nở!
Sáng hôm sau, đến lượt Sarươn lên cơn sốt do tai-nạn vừa xãy ra đêm qua! Vịnh xin phép ra bếp nấu được một lon cháo đút cho cô. Suốt gần hai tuần như thế, mỗi khi tĩnh dậy là cô khóc ngất, Vịnh không thể nào dỗ-dành gì được. Thỉnh-thoảng tên Đum và đám thuộc-hạ lãng-vãng bên ngoài nhà tù đưa những đôi mắt như mắt những con chó dại lom-lom nhìn vào. Vịnh cảm thấy uất nghẹn và ghê tởm khi phải nhìn những con vật đi bằng hai chân ấy!
Đến tuần thứ 3, Sarươn đã hơi hồi-phục. Với sự săn-sóc và an-ủi của Vịnh, cô cũng nguôi dần. Nhưng từ đây, ánh mắt tội-nghiệp của cô đã đượm một vẻ nhẫn-nhục chịu đựng. Sau biến-cố đó, không biết vì sao, những người tù Việt- Nam và những người Khmer Krom được di-chuyễn qua nhà tù sát bên, còn nhà tù cũ chỉ chứa người Khmer Lơ mà thôi. Nhưng nhờ thế mà tù-nhân Việt-Nam tránh được tệ-trạng ỷ thế hiếp cô của đám tù Miên.
Từ đó trở đi, hai người thường giúp-đỡ nhau trong đời sống tù đày đó, và họ cảm thấy có một sự ràng-buộc đang từ-từ hình-thành. Đó cũng là điều tự-nhiên vì những tâm-hồn khốn-đốn trong cùng một hoàn-cảnh đau-khổ thường tìm thấy ở nhau một chỗ để tựa nương. Các bạn tù cũng nhận ra điều đó và họ thường đánh cặp hai người với nhau để cười đùa. Những khi đi lao-động cho các “lục-thum” (12) về, Vịnh đã thấy bửa cơm tù đạm-bạc do Sarươn làm sẵn chờ chàng. Nhìn vào có ai dám bảo hai người không phải là vợ chồng.
Đời sống tù ở biên-giới nầy quanh đi quẩn lại cũng chỉ chừng đó việc: đào giếng, đốn cây, chặt gai, cất nhà, đắp đường ... và trùm mền run bần-bật mỗi khi cơn sốt rét rừng ập đến hành-hạ người tù khốn-khổ! Họ đếm từng ngày trong sự chờ đợi vô-vọng!
Người vượt biên đường bộ bị khốn-đốn đến từ mọi phía. Đói khát, bệnh tật, chiến-tranh, chết chóc và bị lính Miên hay lính Thái hãm-hiếp là những giá mà họ phải trả trên đường đi đến Tự-Do. Trong những điều đó, có những tai-họa do người dị chủng gây ra, nhất là người Miên, vì họ tự xem là kẻ thù truyền kiếp của chúng ta sau những xung-đột lâu đời trong lịch-sử dựng nước và giữ nước của Việt-Nam. Tuy vậy, cũng còn những đe-dọa ở trại lại do chính những người đồng-bào của chúng ta đem đến!
Có lần, anh em đang đi lao-động bên ngoài, thì có lịnh phải về ngay, và thanh-niên phải tập-trung lại. Sau một lúc chờ đợi, một người đàn ông trung niên Việt-Nam mang kính cận, vóc dáng hơi thấp, xuất hiện, ông ta tự giới-thiệu:
-“Tôi là đại-úy L., thành-viên của tổ-chức A. Hôm nay xin đến gặp anh em để trình-bày cơ-cấu tổ-chức, đường lối hoạt-động, cương-lĩnh, mục-đích của tổ-chức. Sau khi nghe chúng tôi trình-bày, và xem các tài-liệu mà chúng tôi có mang theo đây, hi-vọng anh em thanh-niên sẽ cùng hợp-tác với tổ-chức của chúng tôi để sớm giải-phóng đất nước khỏi bàn tay thống-trị của Cộng-Sản.”
Nghe tới đó, anh em đang ngồi xỗm ngay hàng thẳng lối trên nền đất quay lại kín đáo nhìn nhau.
Trong lúc người tự xưng là đại-úy nói chuyện thì anh em tù được chuyền tay nhau những tập tài-liệu, hình ảnh ấn-loát rất đẹp nói về tổ-chức nầy. Vịnh để ý thấy vị lãnh-tụ là một ông già bận bà-ba đen, có quấn khăn rằn, dáng vẻ khắc-khổ, gương mặt xương xương nhưng đầy cương-nghị với chòm râu dưới cằm trông hao-hao Hồ-Chí-Minh. Tài-liệu còn đề-cập đến những chiến-dịch số 1, số 2, ... ở biên-thùy Đông-Dương.
Để kết-thúc buổi nói chuyện, viên đại-úy cho biết rằng các anh em tù không có cơ-hội đi định-cư đâu, vì họ đã can-thiệp với chính-quyền Thái và Khmer để giữ dân tị-nạn tại biên-giới. Cách duy-nhất để anh em ra khỏi trại tù nơi đây là gia-nhập kháng chiến quân mà thôi. Không gia-nhập trước thì cũng phải gia-nhập sau. Vấn-đề chỉ là thời-gian. Ông ta nói sẽ quay lại một ngày gần đây để đón anh em tân-binh, ông còn hứa rằng ai xin gia-nhập thì sẽ được biếu 300 bahts (Tiền Thái) để nấu chè “liên-hoan” trước khi lên đường và bảo-đãm vợ con được đưa lên Bangkok ở, con cái sẽ được đi học đàng-hoàng!
Trong các anh em tham-dự hôm đó, có người đã ở trại quá lâu, phần thì không được tin-tức hay giấy tờ bảo-lãnh, phần thì bị sốt rét, kiết-lỵ ... hành-hạ, nên có người đã liều đứng lên ghi tên. Khi về đến trại C.3, anh Danh đã bị người bạn gái ôm khóc:
-“Anh nói anh thương tui, tui mới bỏ hết để cùng đi với nhau tới đây, vậy mà bây-giờ anh nỡ bỏ tui một mình ở đây hay sao?”
Anh ta cũng khóc ràn-rụa, không nói được một lời với cô bạn. Sau cùng quay qua Vịnh phân-trần:
-“Em cũng muốn được đi định-cư lắm chớ anh, nhưng mà bây giờ em bịnh quá thế nầy thì làm sao? Không đi thì trước sau gì em cũng chết ở xó rừng nầy thôi!”
Bẵng đi một thời-gian, không nghe ai đả động gì về kháng-chiến nữa. Anh em lại chú tâm vào công-việc hàng ngày như trước để chờ đi định-cư. Lại đào giếng, lại cất nhà, lại đắp đường ...
Một hôm, vào lúc chạng-vạng, dân tị-nạn chuẩn-bị ăn tối, thì có một chiếc xe truck màu xanh nước biển do hai tên lính Thái lái, đến gặp ông già Lâm-Nê --viên trưởng trại người Khmer Krom-- để xin một số thanh-niên khỏe mạnh đi sửa đường nơi ngả 3. Họ hứa sẽ trả công bằng gạo và cá mòi hộp dẹp. Anh em thanh-niên tranh nhau lên xe. Chiếc xe quay đầu lao về phía “tà-nụp”, bụi đất cuốn tung lên phía sau. Khoảng một giờ sau, đám thanh-niên hớt-hơ hớt-hãi chạy bộ trở về, mồ-hôi mồ-kê nhễ-nhại. Gạo cá trả công đâu chẳng thấy, mà có người lại còn mất cả dép nữa! Dân-chúng xúm lại hỏi thì mới biết khi đổ quân tại “tà-nụp” xong, chiếc truck đậu chắn ngang con đường độc đạo dẫn về trại. Trong lúc đó, không biết từ đâu xuất-hiện một chiếc xe “van” và một số người được ông đại-úy L. cầm đầu. Chiếc “van” de lại, mở cửa ra và người của ông đại-úy nhảy xuống bao-vây để lùa đám thanh-niên lên xe “van.” Họ bỏ chạy tán loạn, mạnh ai nấy tìm đường thoát thân, trong khi hai tên lính Thái đứng khoanh tay trước ngực cười ngặt-nghẽo coi bộ thích-thú lắm!
Vài tháng sau, chiến-tranh bắt đầu leo thang. Có lẽ đây là thời-cơ thuận lợi cho việc tuyễn quân, vì tinh-thần dân tị-nạn bị giao-động và họ sẽ dễ-dàng gia-nhập kháng-chiến, nên đại-úy L. trở lại để tiếp-nhận lính mới. Một ngày trước hôm giao quân, đại-úy L. đến trại để cho mỗi tân-binh 300 bahts như đã hứa. Tối hôm đó, những người ấy nấu một nồi chè đãi các anh em còn ở lại trước khi chia tay. Có người còn cố nói đùa:
-“Chúng tôi đi trước, các anh đi sau. Hi-vọng sẽ gặp lại nhau trong chiến-khu một ngày gần đây!”
Đến sáng hôm sau, việc tuyễn quân gặp trở-ngại. Số là có anh Hào mấy tháng trước đã ghi tên vì chờ quá lâu mà không nhận được giấy bảo-lãnh của gia-đình bên Mỹ. Gần đây, anh nhận được hồ-sơ do cha anh gửi qua, và anh đã đổi ý, không muốn tham-gia kháng-chiến nữa. Khi đại-úy L. đến, anh trốn trong cầu xí của trại không chịu ra trình-diện. Ông L. cùng với lính Thái đã vào tận nơi bắt buộc anh phải lên xe.
Sau nầy, nghe đâu anh Danh đã bị bắn chết trong khi tìm cách trốn. Còn anh Hào thì bặt vô âm tín, không biết sống chết ra sao! Còn các anh em khác như anh D.B.Thố, anh D.X.Trường, ... bị Việt-Cộng bắt đưa về Việt-Nam. Người thì lãnh án 10 năm, người thì 20 năm, người thì chung thân ...!
* *
*
Trở lại đời sống ở C.3.
Hai tuần trước, Vịnh cùng với 9 anh em khác bị bắt đem hai xác Việt-Cộng đi chôn ngoài ruộng, sau khi lính Para đã trưng-bày chiến-tích tại sân vận-động của trại gần 4 ngày. Hai cái xác đã sình chương, bốc mùi không chịu được, ruồi nhặng bay vo-ve. Vừa nhấc lên, Vịnh nghe có tiếng gân bị đứt “bực-bực” và tiếng “ộc-ộc” vang lên. Thì ra là máu đã đóng cục rơi ra khỏi hai vết thương to mằng miệng chén do đạn công-phá ra sau lưng!
Mấy anh em cố sức khiêng hai xác chết ra một cánh đồng ngập nước để chôn. Hai cái tử thi nặng một cách lạ thường, cho nên mọi người chỉ có thể đi-chuyển là-đà trên mặt nước mà thôi. Khi đã tới địa-điểm ấn-định, anh em thay phiên nhau để đào một cái hố. Hố hơi ngắn so với hai xác chết, nên mọi người phải cố ép đầu nầy, đẩy đầu nọ để hai cái xác được đặt ngược đầu nhau nằm lọt xuống hố!
Vừa lấp xong đất thì nghe dân Miên gọi nhau ơi-ới, “Prặng mo!” (13) Vịnh và các bạn nhìn lên thì thấy mấy chiếc xe của Hồng-Thập-Tự chạy vào. Ai cũng mừng rỡ vì Hồng-Thập-Tự có được vào, thì tù mới có gạo, muối, đậu xanh, cá hộp, và thuốc men, mặc dù sau khi Hồng-Thập-Tự đi khỏi thì đa-số những thứ ấy sẽ bị lấy bớt để nuôi lính Para. Và nhất là mới có hi-vọng đi định-cư! Mấy anh em bị hối-thúc phải đi về tù ngay, nếu thiếu người thì chính-quyền Para sẽ gặp khó khăn với Hồng-Thập-Tự. Không nói ra nhưng ai cũng nôn-nao. Nghị-lực của Vịnh như được tăng lên vì đây là lần đầu chàng được tiếp-xúc với một tổ-chức của quốc-tế. Mọi người xin xà-phòng cục của dân Miên gần đó để rửa tay tại một cái mương nước. Tuy rửa đi rửa lại thật kỹ rồi, mà mùi hôi của hai xác chết vẫn cứ bám mãi trên tay của Vịnh.
Tại nhà tù, Sarươn đứng nép vào vách đàng sau, có vẻ bồn-chồn lo-lắng, nhưng ánh mắt chợt sáng lên khi thấy Vịnh về. Điểm danh xong, tên của hai người được thêm vào danh-sách của những người cũ.
Ở vùng biên-giới nầy, khi trời sụp tối thì tất-cả Volags (14) đều rút vào các thị-trấn an-toàn của Thái-Lan. Đó là lúc tác yêu tác quái của đám lính Miên. Qua kinh-nghiệm khủng-khiếp vừa rồi, Vịnh bàn với Sarươn rằng hai người nên xin Hồng-Thập-Tự cho được kết-hôn để Sarươn tránh sự khuấy-nhiểu của lính Miên. Kỳ thật trong lúc bế-tắc, không có cách gì khác để bảo-đảm an-ninh cho Sarươn nên Vịnh mới tính đến kế sách ấy, chứ đã có lần chính mắt chàng chứng-kiến bọn Miên bắt người vợ ra hãm-hiếp trước mặt chồng đang bị trói chặt. Thế là tuần sau, trong danh-sách tù, tên hai người được ghi-chú là vợ chồng.
Và chuyện gì phải tới đã tới.
Một đêm, Sarươn bảo nhỏ vào tai Vịnh rằng cô có thai. Tim chàng như đứng lại. Vừa mừng, vừa lo! Mừng vì hai người sắp có con đầu lòng. Lo vì không biết làm sao mà săn-sóc cho con được chu-đáo trong hoàn-cảnh tù-đày thế nầy ! Tuy biết là không nên để chuyện nầy xãy ra, nhưng Vịnh không cưỡng được. Ngày thứ hai, Hồng-Thập-Tự vào thăm tù như định-kỳ. Vịnh báo cho họ hay để Sarươn được khám. Sau khi xác-định nàng đã mang thai, họ vin vào cớ nầy để can-thiệp với chính-quyền Para xin cho hai người di-chuyển ra trại tị-nạn gần bệnh-viện lớn hầu nàng được săn-sóc đầy đủ hơn. May thay chính-quyền đồng-ý. Thật là hi-hữu, vì đã hơn nửa năm nay không ai được chuyển ra đó cả. Nhiều khi sự liều mạng cũng có cái hay.
* *
*
Mùa khô năm nay lại tới. Những cơn gió oi nồng thổi như vũ bão qua vùng biên-giới. Theo lời xầm-xì của người Miên thì bộ-đội của Việt-Cộng và của chính-quyền Hun-Sen sẽ đem xe tăng lên vùng biên-giới nầy để quyết đánh tan các trại kháng-chiến của Khmer Srây (15) nội trong năm nay! Chắc tin đồn đó có căn-cứ vì Vịnh thấy lính Para lúc nầy gia-tăng mức-độ hành-quân nhiều hơn trước. Mới hôm qua đây, họ kéo một khẩu súng phòng không về bố-trí ngay tại trụ cờ của trại. Mọi người sống trong lo sợ từng ngày! Nhiều tin đồn khác cũng được chuyền tai nhau trong trại. Nhưng toàn là do “tù” nói cho “tội” nghe. Tuy-nhiên quả có đụng-độ lẻ-tẻ thật. Nằm trong trại có thể nghe thấy tiếng súng nhỏ vọng lại ngày đêm.
Cứ theo tình-hình ấy không biết Sarươn có sinh kịp trước khi chiến cuộc xãy ra hay không. Bụng mang dạ chửa mà phải chạy giặc băng rừng thì làm sao nàng chịu đựng nổi. Càng nghĩ chàng càng tự trách mình đã không suy-nghĩ chín chắn để phải ra nông-nổi nầy!
Một buổi tối, Sarươn lay Vịnh dậy và báo là nàng đang chuyển bụng. Chàng quơ vội cái mền rồi đỡ vợ đi lên phòng hộ-sinh tọa-lạc gần trại. Tuy là con so nhưng nàng sanh rất mau. Bé Việt trông thật bụ-bẩm. Nước da hơi ngăm, cặp mắt đen láy giống mẹ.
Năm ngày sau, hai mẹ con được cho về nhà. Sarươn còn yếu lắm vì tiêu-chuẩn dinh-dưỡng trong trại tị-nạn quá thấp, mà nàng lại còn phải cho con bú. Vịnh kiếm thêm việc đào giếng, làm nhà cho mgười Miên để có gạo và cá mòi cho Sarươn bồi-bổ.
* *
*
Buổi sáng hôm nay Vịnh dậy sớm hơn mọi bữa để nấu nước nóng cho Sarươn tắm bé Việt, và chàng chuẩn-bị sẵn-sàng, đang còn chờ người chủ nhà tới lãnh chàng ra khỏi trại để tiếp-tục đào cái giếng còn bỏ dở hôm qua. Ở nơi biên-giới nầy có cái lạ là đánh nhau thì cứ đánh, mà làm nhà hay đào giếng thì vẫn cứ làm. Bao giờ chạy thì hẵng hay. Hôm nay mà đào xong cái giếng thì người chủ sẽ cho chàng ít đường theo lời ông ta đã hứa. Cả tháng nay Sarươn thèm ngọt mà chàng không chạy đâu ra đủ gạo để đổi lấy đường. A, ông chủ nhà tới kia rồi! Vịnh quay lại vuốt má Sarươn và hôn bé Việt trước khi đi làm.
Tới nơi ông chủ trao cho Vịnh một gói đường nhỏ và bảo ông ta phải đi hành-quân ngay nên đưa cho chàng trước. Vịnh và 3 người nữa mê-mãi đào tiếp cái giếng cho đến chiều. Dưới đáy giếng không-khí thật nóng bức và ngộp thở. Thường thì với độ sâu như thế nầy là đã có nước rồi, thế nhưng mùa nầy nắng quá nên có lẽ phải đào thêm chút nữa mới được.
Đang còn tính nghỉ mệt một chút rồi sẽ đào tiếp thì Vịnh nghe một tiếng rít dài xé gió và tiếp theo là một tiếng nổ chát-chúa. Sau đó là những tràng tiếng nổ nối nhau vang dội làm đất trên miệng giếng rơi xuống đầu chàng lộp-độp. Kinh-nghiệm của những năm chiến-đấu đã cho chàng biết chuyện gì đang xãy ra trên mặt đất. Cuối cùng thì phía bên kia đã tấn-công vào biên-giới thật. Họ áp-dụng chiến-thuật pháo bầy như thế nầy thì dân chúng làm sao mà chạy cho được.
Vịnh hối-hã leo lên miệng giếng, đão tia mắt một vòng để lượng-định tình-hình rồi phóng chạy thật nhanh về hướng trại nơi vợ con chàng đang mong đợi trong nỗi kinh-hoàng. Không có chàng bên cạnh trong giây phút nầy thì thật là tội cho Sarươn! Vịnh thấy có lửa cháy từ hướng cuối trại. Tiếng la hét gọi nhau vang trời. Những chiếc xe của UNBRO và ARC tháo chạy về phía “tà-nụp” (16) một cách hỗn-loạn. Một tiếng nổ lớn vang lên nơi cổng trại, gần văn-phòng, Jean Franẫois, đại-diện của Hồng-Thập-Tự, phóng một bước vào chiếc xe màu trắng có huy-hiệu của Red Cross, chưa kịp đóng cửa , đã tống ga chạy thẳng một mạch không kịp ngoái lại!
Vịnh phải khó-khăn lắm mới di-chuyển về gần túp lều của mình được vì đoàn người chạy loạn cứ như một dòng lũ trôi ngược về phía chàng. Trong lớp khói, chàng thấy một bên mái tranh của căn lều đã bị xiêu, còn một số lều quanh đó thì đã bị sụp đổ hoàn-toàn.
Lòng nóng như lửa đốt, Vịnh xô dạt mọi người để lấy đường chạy tới chỗ của gia-đình chàng. Mọi người trong lều đã di-tản hết, thế nhưng có tiếng trẻ con đang khóc. Tim Vịnh co thắt lại khi thấy bé Việt đang khua tay đập chân khóc bên cạnh mẹ. Cái sạp giường bị nghiêng một phía. Đầu Sarươn chúc xuống, đôi mắt đen huyền của nàng đang mở lớn như ngạc-nhiên, hai tay giang ra bất động. Một giòng máu từ thái dương chảy ra bết vào mái tóc rũ-rượi đang buông thỏng. Trên nền đất đen, máu đọng thành vũng. Vịnh nhào tơi ôm lấy vợ. Thân thể của nàng đang còn ấm, nhưng hơi thở đã ngưng!
Tình-cờ gói đường từ trong túi áo của Vịnh rơi ra trên sạp. Chàng nhìn theo thẫn-thờ! Em ơi! Anh đã đem đường về cho em đây! Sao em không chờ? Em thèm đường mấy hôm nay mà!
Tiếng khóc oe-oe của Việt vang lên, Vịnh vội quay lại bế con vào lòng. Chàng đứng đó bất-động, nhìn vào khoảng không trừng-trừng! Không còn một giọt lệ nào để khóc nữa! Bao-nhiêu đọa-đày, ngang trái đã làm khô hết giòng nước mắt ở trong chàng!
Tiếng súng AK lốc-bốc vang lên khô-khốc, ngắn gọn. Lần nầy nghe có vẻ gần hơn. Vịnh đưa bàn tay xương xẩu, thô nhám vuốt cặp mắt và hôn lên làn môi lạnh ngắt của vợ một lần chót. Hai mắt của Sarươn đã khép kín, nhưng một giòng nước mắt chợt tuôn ra từ bên khóe!
Xin em đừng buồn, lẽ ra anh phải ở lại lo cho em được mồ êm mã đẹp, nhưng không có đủ thì giờ nữa, chúng ta phải vì con của chúng ta. Em đã không còn, anh có thể chết, nhưng giọt máu của chúng ta, bé Việt, phải sống! Em cũng muốn thế cho con của chúng ta, phải không em?!
* *
*
Cả khu trại bây giờ chỉ còn là một đổ nát, hoang-tàn! Đây đó vài mái tranh đang bốc cháy. Những ống nứa nổ lốp-bốp. Khói cuồn-cuộn bốc lên. Mùi khen-khét quyện trong không-khí đến nghẹt thở. Son nồi, quần áo ... vất ngổn-ngang lẫn với những vỏ lon cá mòi. Dân tị-nạn đã đi hết. Một sự yên-tĩnh đầy đe dọa đang bao-trùm cả khu vực. Vịnh bế con đi băng qua khoảng đất trống dùng làm sân đá banh trước kia. Chỗ nầy, hàng ngày đã từng là nơi thanh-niên tụ tập đông-đảo biết là bao nhiêu để chơi banh, thế mà giờ đây lại bắng lặng, tiêu-điều bấy nhiêu!
Đi hết khoảng sân, gần tới bìa rừng chàng quay lại nhìn về căn lều lần cuối, chỉ cho bé Việt, mẹ của con đang nằm ngủ ở đó, con hãy ngoan, đừng khóc, để mẹ được ngủ yên! Bất chợt nước mắt trào ra trên gương mặt khắc-khổ, Vịnh nấc lên, thôi em ở lại, anh và con đi! Từ nay mỗi khi chiều xuống, anh và em sẽ không còn ngồi cạnh nhau nữa để cùng nhìn lên dãy núi chạy dài sừng-sững phía trước mặt mà mơ đến ngày được định-cư! Nhưng cũng từ nay, lòng anh sẽ ở bên em trong mỗi làn gió sớm, trong từng vệt nắng chiều, trong mỗi giọt mưa đêm lạnh-lẽo vỗ trên mái tranh, trong từng tiếng chim não-nuột kêu sương dưới ánh trăng tàn mỗi đêm về sáng tại vùng biên-địa hoang-vu nầy ...
Một cơn lốc lớn nổi lên quyện lớp đất cát và rác rến trên mặt đất bay tung mờ-mịt. Dáng nghiêng-nghiêng, gầy-gò của người đàn ông ôm đứa con mồ-côi sơ-sinh, đi loạng-choạng về hướng Tây mờ dần vào giữa đám bụi mù nơi cánh rừng trơ-trụi lá của biên-giới khô cằn Thái-Miên.
Tiếng xích sắt xe tăng nghiến rào-rạo trên những căn lều khi chúng tiến vào từ nơi cuối trại.
Mặt trời buổi chiều chìm xuống sau dãy núi Dongrek (17) xanh đen. Cả một vùng không-gian đỏ màu máu!
Hè Garden Grove, tháng 7, 2001
(Có thể nói truyện nầy là sản-phẩm của tưởng-tượng cũng đúng, mà nói là truyện có thật cũng không sai. Vì “cùng một lứa bên trời lận-đận”, biết đâu mỗi người trong chúng ta chẳng là mộtVịnh, một Sarươn hay là một Việt!)
Chú thích:
(1) Làng.
(2) “Dạ, Dạ.” Đàn ông thì nói “Bạt”, đàn bà thì nói “Cha.”
(3) Đơn-vị tiền tệ của Miên.
(4) Giết.
(5) Cà-rá, nhẫn.
(6) Có nghĩa là “Trường Đỏ.”
(7) Xe bò.
(8) Deuxième bureau (Phòng Nhì).
(9) Người Miên sống trên đất nước Việt-Nam.
(10) Người Miên sinh ra trên đất nước Kampuchea.
(11) “Anh ơi, tôi xin đi cầu.”
(12) Ông lớn.
(13) “Pháp tới” Dân Miên gọi bất-cứ người phương Tây nào cũng bằng một danh-từ chung là “Pháp” cả.
(14) Tên gọi các tổ-chức thiện-nguyện.
(15) Khmer Tự-Do.
(16) Bờ đập để ngăn chia lãnh-thổ Thái-Lan và Kampuchea.
(17) Còn có tên Dãy Núi Đòn Gánh, nằm dọc theo biên-giới Thái-Lan và Kampuchea.
0 comments:
Post a Comment