December 18, 2007

Châu Về Hiệp Phố

(Truyện Ngắn)
HOÀi-CẨM Lê văn Hưng

(Đây là một câu chuyện dựa trên sự thật trộn lẫn với hư cấu. Nhưng nghĩ cho cùng, nhiều khi hư cấu và sự thật cũng khó phân-biệt. Nếu câu chuyện ngắn-ngủi nầy đem lại được cho người đọc một vài rung cảm thì đó là hạnh-phúc của người viết vậy.)
Tháng 5, 2001.

Bầu trời đã kéo mây đen nhiều, những đám mây như những lọn bông gòn thấm đầy nước. Gió lạnh bắt đầu vần-vũ làm mớ lá vàng rụng trên mặt đất xoắn vào nhau tạo thành những con trốt nhỏ. TV thông-báo rằng tuyết sẽ rơi tối nay. “Mom” đi Seattle từ sáng để lo giấy tờ và vé máy bay không biết có về kịp Tacoma trước khi trời đổ tuyết hay không? Nếu không thì thật là nguy-hiểm? Tôi cứ đi ra đi vào từ nãy đến giờ để trông ra đường, hi-vọng sẽ thấy xe của Mom về tới.

Căn nhà lớn thế nầy mà chỉ có hai mẹ con. Mỗi khi một trong hai người đi vắng thì căn nhà dường như rộng mênh-mông thêm ra. Riêng tôi vốn đã sợ ma, những lúc như thế tôi không dám ở trong phòng mà chỉ “tử thủ” ở phòng khách và vặn nhạc thật to lên, cứ làm như là ma sợ tiếng ồn lắm vậy!

Những năm gần đây, Mom khuyến-khích tôi học tiếng Việt. Tôi không có khiếu về ngôn-ngữ, nên tập nói tiếng Việt quả là một cuộc chiến-đấu gay-go, nhưng khi đã biết nói được chút đỉnh tôi cũng cảm thấy thích-thú phần nào, có thế tôi mới có thể tiếp-tục cho đến ngày hôm nay. Bây giờ thì gặp người Việt tôi đã không còn ngại nữa. i survived after all those challenges!

Tôi còn nhớ mang-máng tám năm trước đây, khi Mom đem tôi về tiểu-bang nầy, mỗi khi phải tiếp-xúc với ai tôi rất nhút nhác vì trở ngại ngôn-ngữ, cảm-giác của tôi lúc đó là cảm-giác của một người khách lạ. Thế rồi chỉ vài năm, sau khi hội-nhập với đời sống ở đây và sau khi đã quên đi rất nhiều tiếng Việt, tôi lại có cùng cảm-giác như vậy khi tiếp-xúc với người Việt. Nhớ khi còn trong viện mồ-côi, tôi cũng chỉ sống bên lề cuộc đời, sống nhờ lòng thương hại của người khác, thân-phận tôi có khác chi một người khách trọ. is that my karma?

Ồ! Có tiếng xe chạy vào cổng, chắc Mom đã về. Tôi chạy ra mở cửa. Tuyết bắt đầu rơi lất-phất. Mom tay xách, nách mang, tôi bước vội tới để phụ. Bà vừa thở vừa nói:

-“Thật là may, nếu mẹ về chậm một chút nữa là bị tuyết rồi! Freeway 5 South kẹt xe quá trời, ai cũng muốn về cho sớm nên họ cứ tranh nhau chạy.”

Tôi hỏi:

-“Mẹ có đói không? Để con dọn cơm nghe?”

Tuy hỏi thế, nhưng tôi vẫn cứ dọn cơm trong khi bà đi tắm.

Trong khi ăn, bà hỏi tôi về học hành, về việc làm, về hướng đi trong tương-lai một khi tôi lên Đại-Học ... rồi bà nói về chuyến đi Việt-Nam của hai chúng tôi trong kỳ nghĩ hè nầy.

Bà thương tôi không khác con ruột, không ai chối-cải điều đó và nó cũng làm tôi ấm lòng không ít. Riêng tôi, để đáp lại tình thương đó, tôi đã sống xứng-đáng là một đứa con hiếu-thảo trong gia-đình. Không bao-giờ tôi làm bà buồn phiền về bất-cứ một điều gì. Thử hỏi ngoài người chị bị kẹt lại ở Việt-Nam và Mom, còn ai là người cho tôi một tình thương không điều-kiện như vậy? Năm tôi lên 10, Mom đã vào viện mồ-côi nhận tôi làm con và bảo-lãnh cho đi Mỹ. Biến-cố đó đã thay đổi cả cuộc đời của tôi sau nầy. Khi tôi khôn lớn bà tâm-sự về cuộc đời của bà, nghe mà tôi muốn khóc. Chồng bà mất tích trong một trận đánh ở Thường-Đức thuộc tỉnh Quảng-Nam, Việt-Nam trong khi bà sắp sanh đứa con đầu lòng. Đau đớn thay, nguồn hi-vọng duy-nhất của bà là đứa con chưa sinh cũng tiêu-tan vì đứa bé không sống được do hậu-quả của những ngày đau-khổ, than khóc vật vả khi biết chồng mình đã ra đi không trở về.

Tôi lên đường bỏ lại người chị ruột sống hẩm-hiu trong viện. Tuy còn nhỏ không đỡ-đần gì cho chị được, nhưng dầu sao có tôi là người ruột thịt duy-nhất ở bên cạnh thì chị cũng có thêm sức mạnh để đứng vững trong cơn bão-táp của cuộc đời. Nghe nói sau khi tôi đi rồi, những trẻ em mồ-côi còn lại đã bị ăn uống rất thiếu-thốn và bị ngược-đãi rất nhiều. Nghĩ đến đó, tôi nôn-nóng muốn về ngay Việt-Nam để thăm lại người chị ruột và những bạn-bè cũ của mình. Mong rằng tất-cả đều còn sống sót sau những trận đói khát và những cơn bệnh ngặt-nghèo không đủ thuốc men sau năm 1975!

Chuyến máy bay của Hàng-Không Phi-Luật-Tân đưa hai mẹ con tôi tới phi-trường Tân-Sơn-Nhất vào một ngày tháng 8 nắng gay-gắt. Hành-khách được những chuyến xe “buýt” đưa từ phi-cơ vào phòng đợi của phi-trường để làm thủ-tục khám xét hành-lý. Trước khi lên máy bay ở phi-trường Sea-Tac của tiểu-bang Washington, hai mẹ con chúng tôi đã được “thụ-huấn từ những hành-khách một khoá orientation truyền-khẩu” về thủ-tục “đầu tiên” (1) của một xứ-sở tự phong cho mình là đỉnh cao trí-tuệ và luôn tự-hào về quyền làm chủ của những người dân mà những người dân ấy đã bị chính-quyền chọn để quản-lý, cho nên mọi việc đều êm-thắm. (“Có tiền việc ấy mà xong nhỉ ??!!”)

Việc đầu tiên là chúng tôi đi tìm một khách-sạn để tắm cho mát và nghỉ-ngơi cho lại sức sau mười mấy tiếng đồng-hồ ngồi bó gối trên chiếc phi-cơ chật cứng của Phi. Cung-cách phục-vụ của nhiều tiếp-viên Phi khá lỗ-mãng, nhưng đã lỡ rồi, lần sau xin lạy các ngài Phi-Luật-Tân cả nón, cho vàng em cũng chả thèm đi phi-cơ của các ngài nữa! Salamat !! (2)

— Saigon 2 hôm. Chúng tôi đáp phi-cơ ra Đà-Nẵng rồi từ đó thuê xe Honda ôm vào Hội-An. Đường sá quá tệ! Xe tránh ổ gà bên nầy thì lại suýt sụp vào ổ gà bên kia. Bụi bặm thì thôi khỏi nói!! Khi xuống xe ở Hội-An, tôi tháo mắt kính ra thì chợt thấy Mom chỉ vào mặt tôi và ôm bụng mà cười, chưa biết “mô-tê” gì thì tôi cũng phá ra cười vì thấy mặt Mom giống như mặt của người Phi-Châu, chỉ còn hai con mắt và hàm răng là trắng thôi. Trông thật là funny!

Mom giao cho tôi nhiệm-vụ hỏi thăm đường. Hai mẹ con lê-thê lếch-thếch lội bộ đến viện mồ-côi. Viện tọa-lạc gần nhà thờ Chánh-Tòa của thị-xã.

Mặc dầu đã đi xa từ nhỏ, tôi vẫn nhận ra chốn cũ, vì thật ra quang-cảnh vẫn không thay đổi gì cả. Vẫn khoang tường sơn màu vàng, loang-lổ rêu phong, có nhiều chỗ đã tróc cả lớp xi-măng để lộ ra gạch ống ở bên trong. Mái ngói âm dương đỏ đã trở màu đen, và những hạt cỏ dại do gió hay chim mang lại bây-giờ đã mọc thành cây đầy trên mái. Hai mái oằn cong xuống, có lẽ những kỹ-niệm, thời cuộc, và những thăng-trầm của cuộc đời qua nhiều năm tháng nơi thành-phố cổ nầy đã đè nặng xuống từng viên ngói nhỏ. Tôi thầm hỏi không biết đời ngói có nhiều điêu-linh và thống khổ như đời tôi hay không! Có lẽ có, vì nhìn lên mái ngói, dường như tôi cảm nhận một sự ẩn-nhẩn, an-phận và hiu-hắt, trầm-mặc giống như cuộc đời của lũ trẻ mồ-côi chúng tôi. Chính dưới mái ngói nầy, nhiều đêm, nằm trên tấm phản gỗ của viện, tôi lắng nghe tiếng guốc của những thiếu-nữ đi xem hát về khuya khua rộn-rã trên hè vắng cùng với những tiếng cười khúc-khích vô-tư, hoặc tiếng rao chè đậu ván vang-vang nơi cuối đường Nguyễn Thái Học. Những âm-thanh trong trí nhớ non dại của tôi ngày đó vẫn còn đây cho tới bây giờ! Lúc đó tôi ước chi hai chị em tôi cũng có một mái gia-đình, có cha, có mẹ và những hạnh-phúc nhỏ-nhoi bình-thường như bao-nhiêu đứa trẻ khác để không phải sống thui-thủi đơn lạnh trong viện mồ côi như thế nầy! Những niềm hạnh-phúc ấy tuy nhỏ-nhoi, bình-thường nhưng đối với chị em tôi, đó là cả một thiên-đường ngoài tầm tay với! Những lần như vậy, tôi thường quay sang phía chị tôi, nhưng đều thấy chị ngủ im, nên đành quay lại. Một lúc sau tôi mới nghe tiếng thở dài nhè-nhẹ, và khi liếc mắt sang tôi thấy một giòng nước mắt của chị tôi âm-thầm lăn dài xuống gối! Thì ra chị vẫn còn thức!

Bước vào trong, chúng tôi tự giới-thiệu với cán-bộ của viện. Mọi người kéo tới vây quanh, lũ trẻ trố mắt ra nhìn, có đứa đưa tay sờ quầo áo, có đứa nắm tay tôi một cách tò-mò. Một ít người nhận diện ra con bé mồ-côi tên Hạ ngày nào, và dần-dần tôi cũng nhớ ra họ, trong số có nhiều người đã từng đối-xử rất cay-nghiệt với bọn trẻ chúng tôi.

“Khúc ruột non ngàn dặm” là tôi đã trở về, và được những khúc ruột già trong viện mồ-côi, ngày xưa từng đánh đập khúc ruột non nầy đến bầm-dập máu me, đón-tiếp rất niềm-nở. Mom, đã chuẩn-bị sẵn, tặng mỗi người một món quà nhỏ ra mắt. Họ “sướng rên mé đìu-hiu” (3)ra mặt, vì đồng lương chết đói của một cán-bộ không cho phép họ tơ-tưởng đến những xa-xí phẩm đó! Ôi, thiên-đường Cộng-Sản !!!

Sau đó, Mom hỏi thăm về chị tôi. Thật là bất-ngờ: chị tôi đã lập gia-đình và quay trở lại làm việc trong viện để giúp-đỡ cho đám trẻ, nhưng hôm nay chị ấy nghỉ. Chúng tôi hỏi địa-chỉ của chị rồi cáo-từ. — viện mồ-côi ra, hai chúng tôi rẽ qua đường Chùa Cầu để đến nhà chị tôi. Nhà cửa ở Hội-An không được cất theo một khuôn mẫu nào nhất-định cả. Cả thị-xã hầu như không được sửa sang từ nhiều năm nên trông thật cũ-kỷ, cái thì nhô ra đường, cái thì thụt sâu vào trong, đường phố lại rất hẹp và ngắn. Tuy vậy điều đó đã tạo ra nét đặc-thù của phố cổ nầy như thi-sĩ Bùi-Giáng và Đông-Trình đã nói:

- “Mơ màng phố cũ hoang-liêu ...”

-“ Đường phố ngắn em chưa đi đã tới ...”

Đến nơi, tôi gõ cửa. Một người phụ-nữ gầy ốm ẳm một đứa bé trai mặt mũi lem-luốt ra mở cửa.
Tôi nói:
-“Xin chị cho gặp chị Trang.”
-“Tôi đây”
Người phụ-nữ trả lời với ánh mắt dò hỏi, hết nhìn tôi rồi lại quay qua nhìn Mom.
Tôi đưa tay lên chận ngực, tim đập dồn-dập, “Trời ơi, chị của tôi. Sao chị xanh và ốm quá! Có phải những tháng năm cực-khổ đã làm chị tiều-tụy thế nầy!”
-“Em là Hạ đây, chị Trang! Chị không nhận ra sao ?”
Hai chị em ôm nhau khóc. Mom đứng yên-lặng chặm nước mắt. Giây phút xúc-động qua đi, tôi quay lại Mom với ánh mắt biết ơn: chúng tôi đã đạt được mục-đích của chuyến đi. Sau nhiều năm mất liên-lạc với chị tôi, Mom rất trăn-trở cố tìm cách giúp tôi tìm lại gia-đình, và bây-giờ bà đã trút đi được nỗi lo-nghĩ đó! Bà cho biết không hiểu vì sao chỉ nhận được vài lá thư của chị tôi trong thời-gian đầu rồi thôi. Bà nghĩ là viện mồ-côi đã dời đi nơi khác. Bây giờ thì tôi có thể đoán ra được nguyên-do: Chị tôi sống trong hoàn-cảnh như vậy thì lấy đâu ra tiền để mà mua tem gửi thư ra nước ngoài. Chị Trang lúng-túng mời hai chúng tôi vào nhà.
...
Sau hôm ấy, Mom ra Đà-Nẵng mướn khách-sạn và bà muốn đi thăm một vòng địa-phương nơi mà ngày xưa chồng bà từng đóng căn-cứ trong thời-gian chiến-tranh Việt-Nam. Bà khuyến-khích tôi ở lại Hội-An chơi với chị Trang vài ngày, vì hai chúng tôi đã lâu không gặp nhau.

Thiếu nữ đang ngồi trước mặt tôi, dáng bạo-dạn, không như những người con gái cùng lứa tuổi ở đây. Mái tóc cắt ngắn, gương mặt tròn-trịa, ánh mắt nhìn thẳng người đối thoại, chiếc váy ngắn trên đầu gối, giọng nói lơ-lớ mặc dầu cô đã cố-gắng hết sức, lại đôi khi vô-tình chêm thêm những chữ Mỹ như “and ”, “but”, “you know”… chừng ấy thứ đã làm cho những người hàng xóm tò-mò, nhất là đám trẻ con, bu quanh xem chật kín lối đi vào nhà. Đối với dân-chúng ở cái thành-phố nhỏ miền Trung nầy, đây là một hiện-tượng lạ.

Tôi vẫn chưa bình-tĩnh trở lại được. Bao nhiêu tình-cảm khác nhau pha-trộn trong lòng đã làm tôi cười mà miệng thì méo xệch, nước mắt ràn-rụa.

Không bao giờ tôi nghĩ sẽ có ngày hôm nay! Người thiếu-nữ nầy là em ruột tôi thật

sao? Trong lòng, hình ảnh em tôi vẫn luôn-luôn là con bé Hạ ốm-yếu, đầu có nhiều ghẻ chốc, ruồi nhặng bu đầy, thân-thể với những vết roi vọt, khác hẳn với hình ảnh trong hiện-tại, đó là ký-ức cuối cùng mà tôi còn giữ được về em trước khi hai đứa chúng tôi rời xa nhau, và tôi cũng không tin rằng chúng tôi lại còn được cái may mắn đoàn-tụ như thế nầy. Thời thơ-ấu khổ cực, đói khát, côi-cút, đòn vọt trong viện mồ-côi tưởng đã bị những thúc-bách của đời sống đẩy lùi vào trong sâu thẳm của trí nhớ, thì hôm nay nó đã sống lại một cách sinh-động. Tôi thầm cám-ơn Trời Phật đã cho em tôi được khỏe mạnh và nên người.

-“Chị Trang nghĩ cái chi trong đầu rứa ?”

Câu hỏi của Hạ đã đánh thức tôi ra khỏi quá-khứ. Tôi mĩm cười:

-“À, chị đang nhớ lại hồi nhỏ hai đứa tụi mình sống trong viện mồ-côi. Em còn nhớ lúc nớ không?”

-“Em chỉ nhớ là mình hay bị ăn đói và bị đòn hoài, nhiều khi họ còn đánh tụi mình tới chảy máu. Mấy bà cán-bộ nớ ác quá!”

-“Thôi, đừng nghĩ tới ba cái chuyện nớ nữa. Đi kiếm cái chi ăn rồi đi thăm mộ ba me. Nhờ có tiền em gởi chị đã xây mộ và dựng lại bia cho ba me rồi. Tội me quá, hồi nớ nếu có ba thì chắc me không chết, mà tụi mình cũng không đến nỗi khổ. Ba bị “mấy ổng” tới nhà vào ban đêm mời đi họp rồi không thấy về. Me hỏi thì mấy ổng nói phỉnh(4) là vài hôm nữa sẽ về. Nghĩ lại ngày tìm thấy xác của ba mà chị thương ba quá chừng! Khổ chi mà khổ rứa(5)! Cả đời ba có làm chi ác mô(6) mà phải chết thảm rứa hè ?!! Tới khi chết mà cũng không được nằm trong nhà, mấy ổng vùi xác ba cạn-cạn ở bờ sông An-Hội, nhờ thấy ống tay áo màu nâu may bằng vải ta mà ba thường ngày hay mặc trồi lên trên mặt đất, me với chị mới biết mà bới lên đem xác ba đi chôn. Hồi năm Mậu Thân nớ em mới có 1 tuổi, đâu đà biết chi mô!!! Người ta chết biết bao nhiêu mà kể! Như ở Huế họ giết người hàng loạt rồi chôn đồng-bào mình trong mấy nấm mồ tập-thể, mùi hôi thúi xông lên nồng-nực!! Mị chưa(7) ? Chị biểu em đừng nhắc tới chuyện cũ mà chị lại đi kể dông dài hồi nãy chừ.”

Nhìn qua tôi thấy đôi lông mày của Hạ hơi nhíu lại, một giọt nước đang chực trào ra nơi khoé mắt. Tôi chợt ân-hận vì đã nhắc lại chuyện buồn của gia-đình trong ngày vui nầy.

Dẫn Hạ tới một gánh mì gần bờ sông, hai chị em ngồi xuống kêu hai bát. Hạ vừa ăn vừa xuýt-xoa vì cay. Tôi quên không bảo bà chủ đừng bỏ ớt trong bát của Hạ . Xa Việt-Nam lâu ngày, con bé không quen ăn cay. Tuy vậy tôi cũng phải bật cười khi thấy Hạ toát cả mồ-hôi trên trán sau khi ăn xong.

-“Để mai chị cho em ăn cao-lầu. Đây là món ăn mà chỉ Hội-An mới có. Ngày xưa ở Hội-An nầy, Cao-Lầu Ông Cảnh là nổi tiếng nhất.” Tôi bảo.

Trong khi uống nước, tôi chỉ sang bên kia sông và bảo:

-“Bên ni là Hội-An, còn bên tê sông là An-Hội. Chỉ đổi hai chữ qua lại thôi mà thành địa danh của hai nơi khác nhau. Chắc em ít biết về ý-nghĩa trong tên tiếng Việt nên khó hiểu. Mỗi khi đọc hai tiếng Hội-An lên, chị có cảm-tưởng là ngày xưa ở đây chắc là đông-đúc và yên-lành. Tiếc là ba lại chết tức-tưởi bên An-Hội, một cái tên nghe ra cũng thanh-bình lắm! Coi tề(8), chị lại nhắc tới chuyện buồn nữa rồi! À, mà đố Hạ biết ở Hội-An mình có thứ chi nổi tiếng nữa?”

Hạ ngước lên nhìn quanh-quất, rồi nhớ tới bát mì nên buộc miệng:

-“Rau thơm.”

Tôi ngớ ra vì không nghĩ tới điều đó, Hạ đã nhận-xét quá đúng. Mà lạ thật, cũng cùng là một thứ rau, mà chỉ có rau trồng ở Hội-An mới có mùi thơm ngon, có lẽ vì phong-thổ, giống như trái quít trồng ở đất Hoài-Nam thì ngọt mà đem sang trồng ở Hoài-Bắc thì chua.

-“Cũng đúng, nhưng chị muốn hỏi một thứ khác kia.”

-“Em chịu thua!”

-“Hến! Về Hội-An mà không ăn hến là thiếu sót lắm. Mà em biết con hến lớn chừng nào không?”

Hạ nhìn tôi chờ câu trả lời. Tôi làm thinh không nói gì cả, nắm tay em dẫn ra bờ sông gần đó chỉ cho Hạ thấy những cái vỏ hến nhỏ như nút áo. Hạ trố mắt ra nhìn:

-“Vậy mà em tưởng nó to như con oyster ở bên Mỹ chớ.”
Đến phiên tôi ngạc-nhiên:
-“Oyster là con chi rứa?”
Hạ lấy một cái que ở dưới đất vừa vẽ vừa diễn-tả cho tôi về “cái con oyster” ở bên Mỹ.
Hai đứa chúng tôi đi tìm mua đèn sáp và hương hoa, luôn tiện tôi dẫn Hạ đi dạo một vòng thị-xã. Khi đi ngang một căn nhà trên đường Nguyễn Thái Học tôi cho Hạ biết trước đây là tiệm bán vải Phi-Anh, rồi chỉ xế về phía bên kia đường bảo đó là tiệm tạp-hóa Phi-Yến, ai cũng tưởng hai tiệm ấy là bà con họ hàng với nhau, nhưng thật ra họ không có liên-hệ gì với nhau cả, rồi lúc quẹo vào đường Trần-Phú, tên cũ là Cường-Để, tôi kéo Hạ dừng lại nơi một căn nhà và bảo trước 1975 đây là tiệm sách Bình-Minh, một tiệm sách lớn nhất trong 5 tiệm ở Hội-An, và đàng kia là chùa của bang Phúc-Kiến. Mua xong cả hai sánh vai nhau ra bến xe để đón Honda ôm đi Điện-Dương thăm mộ. Ngày trước, việc thăm-viếng rất tiện vì nghĩa-địa còn tọa-lạc trong thị-xã Hội-An, sau nầy khi dời ra làng Điện-Dương rồi, mỗi lần đi “dẫy mả” có hơi vất-vả một chút.

Xế chiều hôm đó tôi lại dẫn Hạ qua An-Hội. Từ Hội-An chúng tôi phải đi qua cầu để tới bờ sông nơi ba tôi bị chôn sống với hai tay trói trật cánh khuỷu vào năm Mậu-Thân. Ngồi bên một gốc cây cạnh bờ sông, hai chị em thẩn-thờ nhìn dòng nước mà nhớ về chuyện cũ! Ước chi con người có khả-năng kéo thời-gian lùi trở lại để thay đổi những bất hạnh trong đời mình thì hạnh-phúc biết bao-nhiêu!

Nước cứ dững-dưng trôi, dường như không cần biết đến những biến-động, khổ đau xung quanh. Tôi, mắt vẫn không rời dòng sông, thầm-thì, như nói với chính mình:

-“Không biết đây là lần thứ mấy chị đã ngồi ở đây. Chị thường cầu xin ba me nơi thế-giới bên kia phù-hộ cho em khoẻ mạnh. Ngày em đi, chị ở lại một mình, nhiều khi sống như người điên dại, vừa nhớ em mà vừa thương cho thân mình, nhưng chị chỉ giữ trong lòng chớ không nói với ai, vì có lần ai đó đọc cho chị nghe một câu nói, đại ý là “nếu anh cười thì sẽ có người cười cùng với anh, còn khi anh khóc thì anh sẽ phải khóc một mình!”

Đối với tôi, đến hôm nay chuyến đi “NAM” nầy chỉ mới giải-quyết được một nửa mục-đích, đó là tìm được chị của Hạ. Một nửa còn lại không kém phần quan-trọng: về thăm khu-vực Joe đã đóng quân. Thời-gian như bóng câu qua cửa sổ, mới đó mà chúng tôi đã xa nhau 17 năm rồi! Mười bảy năm là một thời-gian đủ dài cho một người đàn bà có thể nguôi-ngoai quá-khứ để làm lại cuộc đời. Nhiều bạn bè cùng chung hoàn-cảnh như tôi đã đi thêm bước nữa. Thấy tôi lẻ-loi, họ tìm cách mai-mối. Tôi cũng chỉ là một phụ-nữ như trăm ngàn người phụ-nữ khác, cũng có những nhu-cầu tâm-sinh-lý như họ, nhưng không hiểu sao tôi không thấy hào-hứng trong việc tìm kiếm cho mình một người đàn ông khác.

Tôi và Joe gặp nhau trong thư-viện của UC Berkeley trong một kỳ hè.

Tôi từ Washington xuống, nghe sinh-viên trường nầy rất phản chiến nên tò-mò muốn đến tìm hiểu.

Cuộc chiến Việt-Nam trong những thập niên 60’s, 70’s là một nỗi ám-ảnh đè nặng trên tâm-trí của người Mỹ chúng tôi thuộc cả hai phe ủng-hộ lẫn chống đối. Thời-kỳ đó là cao-điểm của phong-trào Hippies, của hưởng-thụ, của thuốc kích-thích, rượu, thần nhục-thể, của thụ-động, buông xuôi ...Khẩu-hiệu “MAKE LOVE, NOT WAR!” rất phổ-biến lúc bấy-giờ, giống như một câu thần-chú trên đầu môi của giới trẻ. Đi đâu cũng thấy câu ấy và biểu-tượng của hòa-bình với nhiều màu sắc sặc-sỡ. Những khẩu-hiệu đó càng phát quang chói-lọi hơn dưới ánh-sáng của đèn black light trong các bars.

Như nhiều thanh thiếu niên Hoa-kỳ, tôi sinh ra và kớn lên trong một đất nước được ưu-đãi. Tôi cũng lao mình vào những cuộc biểu-tình, xuống đường chống lại cuộc chiến ở Việt-Nam, một xứ-sở chúng tôi chưa hề nghe tên. Nhiều người bạn tỏ ra thông-thạo giảng cho tôi nghe rằng dân xứ đó rất bán-khai vì họ là montagnards! Nghe thế tôi lấy làm bất-mãn lắm! Mà không bất-mãn sao được khi phải hi-sinh đời sống sung-túc của mình ở Mỹ để chiến-đấu và chết cho một đất nước vô-danh tại một xó-xỉnh nào đó của địa-cầu. Cuộc chiến đó có ăn nhập gì đến chúng tôi đâu!? WHY ? WHY ? Có nhiều hôm, ban ngày thì biểu-tình, ném đá, ăn dùi-cui, lựu-đạn cay, còng số 8, bị u đầu, sứt trán ..., tối đến là lao ngay vào những clubs hay những chỗ tụ-họp riêng của bọn trẻ chúng tôi để bàn-luận về chiến-tranh, hòa-bình, triết hiện-sinh ...và sau đó là thâu đêm suốt sáng với nhảy đầm, rượu, nhạc, grass, angel dust, LSD, sex ...Một trong những thần-tượng của giới trẻ thời ấy là giáo-sư đại-học Harvard, và cũng là người cổ-súy việc sử-dụng LSD, Timothy Leary đã kêu gọi thanh-niên sử-dụng ma-túy, yêu cuồng sống vội, và bỏ học bằng khẩu-hiệu “turn on, tune in and drop out”.

Joe cư-ngụ ở San Diego, California. Anh còn hai năm nữa là tốt-nghiệp Sư-Phạm, giấc mơ của anh là đi dạy Sử tại một thành-phố nhỏ gần miền quê. Sau nầy khi quen thân, Joe cho biết cha của anh đã vượt thoát khỏi nước Nga vì không thể sống nổi duới sự cai-trị của đảng Cọng-Sản Sô-Viết. Mẹ của Joe là một thư-ký của một cơ-quan di-trú nơi cha anh đến làm giấy tờ, và hai người quen nhau ở đó.

Joe đúng là một ông thầy giáo tương-lai, trông rất chửng-chạc. Anh “đạo-mạo” bao nhiêu thì tôi lại “lóc-chóc” bấy nhiêu. Hôm ấy tôi bận một cái áo T-shirt màu sắc sặc-sỡ với lai áo có tua, và một quần jean xanh phai màu cố-tình xé rách một mảng ở đầu gối bên trái, còn đầu thì quấn băng vải màu đỏ ngang trán và dán một đóa hoa hippy trên má. Khi vừa bước vào, tôi thấy một thanh-niên “mặt búng ra sữa” nhìn lên một cách nghiêm-nghị, thấy mà phát ghét, làm cứ như là ông cụ non ấy! Tôi cứ vờ đi, i don’t care! Sau khi đi một đổi, không hiểu sao tôi quay lại nhìn, tình-cờ thanh-niên ấy cũng ngoái lại nhìn theo tôi. Tôi đỏ mặt như bị ai bắt gặp mình làm điều không phải! Vậy mà từ lâu tôi cứ tưởng là mình “tough” lắm. Đang lúng-túng thì con nhỏ bạn nắm tay kéo về kệ sách Lịch-Sử. Chúng tôi lôi hết quyển nầy tới quyển kia ra chỗ ngồi, nhất là sách của Douglas Pike về Việt-Nam, đọc say mê. Thì ra lũ bạn xuống đường chống chiến-tranh Việt-Nam đều láo hết! Bây giờ tôi mới biết Việt-Nam là một quốc-gia có một nền văn-minh lâu đời, một văn-hóa uyên-thâm. Dân-tộc đó là một dân-tộc dũng-cảm, bất-khuất tuy-nhiên rất hiếu hòa, thế nhưng bất hạnh thay, họ đang phải chịu một cái nạn rất tàn-khốc: nạn Cọng-Sản, và Hoa-Kỳ đang hổ-trợ họ để bảo-vệ cho nền Tự-Do, Dân-Chủ trên mãnh đất nầy.

-“Xin lỗi mấy cô, thì ra là các cô đã dành hết mấy cuốn sách nầy rồi. Làm tôi tìm nãy giờ muốn chết.” Một tếng nói vang lên kèm theo tiếng cười nhẹ làm hai đứa chúng tôi giật mình ngẩng lên. Thì ra đó là người thanh-niên đã nhìn theo tôi lúc nãy. Anh ta mĩm cười nói tiếp:

-“Trông các cô, tôi cứ nghĩ là các cô thích đọc những tạp-chí về mỹ-phẩm, về ăn mặc, mua sắm như các cô gái khác chứ không phải những đề-tài khô-khan như thế nầy, thật là một điều ngạc-nhiên. À, quên, tôi tên Joe.”

-“Tôi tên Lisa. Bạn tôi là Beth.”

Thế là chúng tôi quen nhau. Mọi chuyện chỉ bắt-đầu có thế. — Joe, tôi học hỏi được nhiều điều mới lạ về lịch-sử. Một quan-niệm khách-quan, đúng đắn hơn về cuộc chiến Việt-Nam đã thay thế cho một cái nhìn vị-kỷ, hưởng-thụ và bị bóp méo của tôi do nhóm bạn-bè phản-chiến nhồi sọ. Joe đã kéo tôi ra khỏi lối sống bế-tắc ấy. Sau một thời-gian tìm-hiểu, chúng tôi quyết-định làm đám cưới trước khi Joe ra trường. Anh ấy dọn lên Tacoma ở vì tôi muốn sống gần ba mẹ của tôi.

Ra trường xong, Joe dạy tại một trường trong thành-phố. Hàng ngày sau khi ở trường về, Joe chăm-sóc khu vườn sau nhà, chàng rất yêu thiên-nhiên cho nên phong-cảnh thành-phố nhỏ nầy của tiểu-bang Washington rất thích-hợp với Joe. Cuộc sống được gói trọn trong phạm-vi gia-đình và cứ thế êm-đềm trôi.

Chúng tôi quyết-định sẽ có con đầu lòng vào năm 1968. Nhưng không may chiến cuộc ở Việt-Nam càng ngày càng leo thang nên Joe được gọi nhập ngũ vào khoảng cuối năm 1967 và đi “NAM”. Nhiều bạn bè của anh bỏ trốn qua Canada để khỏi phải đi đánh ở Việt-Nam, nhưng Joe tâm-sự rằng, qua ba của anh, anh hiểu thế nào là Cọng-Sản rồi nên anh rất thông-cảm với dân-chúng miền Nam Việt-Nam, vã lại anh phải làm bổn-phận của một người công-dân mặc dầu anh rất buồn khi phải xa tôi. Anh hẹn một năm nữa sẽ về. Joe lên đường trong khi phong-trào phản-chiến tại Mỹ lên cao-độ vào ngày 21 tháng 10 năm 1967 khi 50.000 người biểu-tình trước Ngũ Giác Đài.

Trong những lá thư, Joe kể về nơi anh đóng quân. Căn-cứ của Joe đóng tại Hill 55. Đi trên Quốc-Lộ i từ Đà-Nẵng vào Vĩnh-Điện, sau khi qua Cầu Đỏ có lối rẻ về phía Tây Nam, đồn tọa-lạc tại đó, ngày xưa là đồn Bồ-Bồ của quân Pháp. Anh cũng nói nhiều về Việt-Nam với khí-hậu rất khắc-nghiệt đối với người Mỹ, nhất là trong những cuộc hành-quân vào mùa mưa nhiệt-đới. Đó là chưa nói đến muổi, vắt, đỉa, rắn ... khi phải lội qua những cánh rừng hay đầm lầy. Nghe những nỗi gian-truân, chưa kể tính mạng bị đe dọa từng phút, mà người lính chiến, trong đó có Joe của tôi, phải chịu đựng, tôi xúc-động vô-cùng. Từ cảm- thông ấy mà những suy-nghĩ và lý-tưởng của Joe đã thành của tôi. Vì vậy, sau nầy vào tháng 7 năm 1972 tôi và nhiều người rất tức-giận khi nghe Jane Fonda lên tuyên-truyền không công cho Cọng-Sản Bắc-Việt trên đài phát-thanh Hà-Nội, rồi lại còn đứng dưới họng súng phòng không chụp hình chung với đám lính Bắc-Việt! Đó là một hành-động phản-bội lại máu xương của biết bao thanh-niên Mỹ đã bỏ mình trên chiến-trường Việt-Nam. Cô ta đã dùng xác chết của họ để làm cho mình nổi tiếng. Hành-vi đó không thể nào tha-thứ!

Cuộc sống của tôi là những chuổi ngày lo-âu và chờ đợi! Căn nhà tuy không rộng cũng đã trở thành thênh-thang khi không có Joe bên cạnh. — mỗi chỗ ngồi, mỗi gốc cây, mỗi lối đi trong vườn tôi đều mường-tượng bóng dáng của anh ngày nào. Rất ít khi để mắt đến TV hay báo-chí, thế mà bây giờ có thể nói tôi là người biết tin-tức sớm nhất. Người đưa thư đã trở thành một nhân-vật cực-kỳ quan-trọng. Một biến-động nhỏ ở Việt-Nam cũng có thể làm cho tinh-thần tôi phấn-chấn hay ủ-dột. Mỗi địa-danh ở Việt-Nam như Đại-Lộc, Quế-Sơn, Điện-Bàn, Nông-Sơn, Đà-Nẵng, Sơn-Chà ... một khi được Joe hay báo-chí đề-cập đến tôi đều vào thư-viện tra-cứu, bỗng nhiên mà tôi trở thành một cuốn tự-điển sống về vùng đất Joe đang trú-đóng, và đất nước xa lạ đối với tôi một thời phút chốc đã trở thành một nỗi gắn-bó quan-tâm! Tôi yêu-thương xứ sở và người dân Việt-Nam lúc nào không hay.

Một ngày vào đầu tháng 7, tôi còn nhớ, đi làm về trễ, vì sau khi tan sở tôi ra một công-viên gần nhà như thường-lệ để ngắm cảnh chớm thu. Vã lại, có về nhà sớm cũng thế mà thôi, vì tôi biết chẳng có ai đợi chờ tôi ở đó! Những lá phong đã hơi trở vàng làm cả một góc trời héo-úa. Thảm lá khô dưới chân cựa mình xào-xạc khi có một chú sóc nâu nào đó băng qua. Những cơn gió trở mùa thổi tới làm tôi co-ro, phải chi có anh bên cạnh em lúc nầy, Joe ơi! Trong giây phút nầy anh đang hành-quân hay đang ở tại căn-cứ ? Em mong là anh đang nghỉ dưỡng quân vì em không muốn anh bị nguy-hiểm đâu! Bất-giác một giọt nước mắt lăn dài xuống má! Tôi thẩn-thờ, nặng-nề đứng dậy đi về phía chỗ đậu xe. Mặt trời mùa nầy lặn sớm. Bóng tối và cảnh-vật bắt đầu trộn lẫn vào nhau. Lối cỏ đã hơi ướt sương đêm.

Mở cổng rào xong, tôi phải ngừng lại để thở. Chỉ còn 1 tháng nữa thôi là con gái đầu lòng của chúng tôi ra đời nên việc đi đứng có hơi khó-khăn. Tôi lúi-húi lục ví để tìm chìa khóa vào nhà, chợt giật mình vì có tiếng đàn ông tằng-hắng:

-“Xin chào bà.”

Ngước vội lên tôi thấy một người đàn ông cao lớn, tóc cắt ngắn vận quân-phục Thủy Quân Lục Chiến, đang nghiêng mình chào. Tôi linh-tính sắp nghe một tin chẳng lành. Đôi môi lạnh ngắt. Tay run lẩy-bẩy. Tôi chờ đợi. Mặt khác tôi lại mong giây phút ấy sẽ kéo dài bất-tận để niềm hi-vọng của tôi không bị chết yểu!

-“Xin chia buồn cùng bà ...”

Người đàn ông ấy còn nói thêm vài điều gì đó nhưng tôi không còn nghe được nữa. Tôi cảm thấy chóng mặt nên phải tựa vào cánh cửa. Một hồi lâu sau khi tỉnh-táo, tôi thấy mình đang ngồi tại sofa trong nhà, còn người lính đã đi từ lúc nào không hay!

Tôi đang cầm trên tay một lá thư ướt đẫm nước mắt báo tin chồng tôi đã mất tích trong khi thi-hành công-vụ. Joe ơi, sao anh bỏ em đi? Còn mộng-ước của hai đứa mình? Còn con đầu lòng của chúng ta sắp ra đời? Joe ơi! ...

Đứa con gái đầu tiên mà cũng là cuối cùng của hai vợ chồng tôi đã mất trước khi ra đời do những phiền-muộn và sự ra đi của Joe. Sau hai mất mát to lớn đó, cuộc sống của tôi đã trở thành vô-vị. Tôi đã bán căn nhà rồi dọn ra chung-cư ở để chạy trốn ký-ức đau-thương. Ngày đón toán quân đầu tiên từ Việt-Nam về, tôi có mặt trong đám đông. Nhìn cảnh sum-họp của mọi người mà thương cho Joe và tủi cho phận mình. Tôi lặng-lẽ quay về khu chung-cư đơn-chiếc và dấu mình trong căn phòng lạnh lẽo như loài đà-điểu vùi đầu vào cát để tránh một thực-tại phủ-phàng! Bên ngoài mưa gió đang đập vào khung cửa kính xào-xạc. Có tiếng gió mưa nào át dùm tiếng giông bão trong lòng tôi lúc nầy được không? Ngày mai khi ánh nắng đầu ngày dâng lên có làm cho lòng tôi ấm lại chút nào chăng, hay cũng vẫn lạnh giá như những ngày mùa đông Tây Bắc?

May mà hôm nay tôi còn có Hạ.

Chiều nay tôi vào Hội-An để đón Hạ vì ngày mốt cả hai phải đi Saigon để chuẩn-bị lên phi-cơ về Mỹ.
Đến nhà của Trang thì may thay cả hai chị em vừa mới đi đâu về, nếu không tôi đã phải đứng chờ ở ngoài cửa mất.

Hạ trông không còn là Hạ với vẻ trầm-lặng, kín-đáo của thời-gian trước nữa, mà là một Hạ nhảy chân sáo trên mỗi bước đi, và miệng thì lúc nào cũng liếng-thoắng nói cười. Thế mới biết tình gia-đình quan-trọng là dường nào. Nó có thể thay đổi một người từ nếp sống khép kín, bi-quan thành ra một người cởi-mở, vui sống. Thấy thế tôi rất mừng cho Hạ. Tôi cũng cảm thấy nhẹ-nhõm vì mình đã thực-hiện được một việc làm có ý-nghĩa. Đem lại hạnh-phúc cho người khác phải chăng là đã gián-tiếp làm cho chính mình được hạnh-phúc? Những đức-tính Bác-Ái, Vị Tha đã được các giáo-chủ dạy từ hàng ngàn năm trước mà mãi đến giây phút nầy tôi mới cảm thấy thấm-thía.

Sau khi ăn chiều xong, Trang dẫn tôi và Hạ đi hóng mát ở cửa Đợi. Sóng nhấp-nhô từ biển đưa những cánh buồm no gió vào bờ. Những khoang thuyền đầy ắp cá tôm nặng-nề di-chuyển trên những lượn sóng nhồi. Gió biển mang theo một mùi mằn-mặn và cảm-giác ram-ráp trên da thịt. Ba người phụ-nữ trầm-ngâm nhìn ra khơi, không ai nói với ai một lời vì mỗi người đều bận theo đuổi những ý-nghĩ riêng tư trong đầu.

Đứng trước cảnh trời nước nầy, tôi chợt nhớ đến truyện ngắn “The Open Boat” của Stephen Crane, nhưng khác ở chỗ, tôi, đang đứng trên bờ lúc nầy, là người đang chết đuối giữa những luợn sóng bi-quan, tuyệt-vọng của biển đời, và người tôi đang trông-cậy đến cứu lại là Joe, người chồng biệt tăm trong chiến-cuộc đã 17 năm rồi. Tôi hi-vọng, mặc dầu biết là vô-lý, rằng một ngày nào đó, chồng tôi sẽ về với tôi để tiếp-nối những ước mơ còn dang-dở. Mà biết đâu đấy, họ đã chẳng nói Joe mất tích là gì! Biết đâu, phải đấy, biết đâu anh ấy đang bị cầm tù trong một trại lao cải nào đó của Việt Cọng. — xã-hội Cọng-Sản lãnh một bản án 15, 20 năm là chuyện rất thường! Nếu ngày về của Joe xãy đến thật, có lẽ đầu của hai chúng tôi đã bạc. Mới bây giờ mà trên tóc của tôi, màu trắng đã chiếm nhiều hơn màu đen rồi! Nhưng chẳng sao, Joe vẫn là Joe của tôi như ngày nào hai đứa mới gặp nhau ở thư-viện. Còn, nếu không có đứa con đầu lòng thì chúng tôi đã có Hạ.

Mặt trời đang xuống dần. Màu ráng đỏ rực-rỡ trong buổi chiều nắng tắt. Những đàn chim giăng hàng lả cánh bay về tổ. Gió từ biển thổi vào lạnh hơn, mọi người co-ro kéo cao cổ áo. Bóng tối chập-choạng lan dần làm nổi bật hình dáng mảnh-khảnh của 3 người trên một bầu trời lãng-đãng nhiều mây xám.

Thủy-triều đang dâng. Sóng vỗ vào bờ xao-xác.
Thoảng trong gió chiều, nghe có tiếng thở dài ...

Chú-thích:

(1) Thủ-tục “tiền đâu”

(2) “Cám ơn” (Tiếng Tagalog)

(3) Ngôn-ngữ của Duyên-Anh.

(4) Nói láo.

(5) Thế, vậỵ

(6) Đâu

(7) Lạ chưa?

(8) Coi kìa!

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes