April 08, 2008

Hồi Ký Của Ông Lê Bá B - Phần 1

(Loạt bài này lấy từ sách online "Vượt biên đường bộ tìm tự do" từ website http://memaria.org)


Phần 1:

CUỘC HÀNH TRÌNH VƯỢT BIÊN ĐẦY GIAN KHỔ

Sau rất nhiều lần mưu tính vượt biên bằng đường thủy bị thất bại, chúng tôi đành quyết định đi vượt biên bằng đường bộ để tìm đến Thái lan.

Sau khi tìm được mối xong, chúng tôi thỏa thuận giá cả. Cuối cùng, chúng tôi phải đóng mỗi đầu người hai cây (lượng) vàng cho người dẫn đường. Ba người là sáu cây. Chúng tôi phải trả trước một nửa số vàng là ba cây. Nếu đến trại tị nạn thành công thì chúng tôi sẽ viết mật hiệu về nhà ở Sàigòn thì người nhà của tôi sẽ trả đủ số vàng cho người dẫn đường.

Ngày khởi hành: Ngày 6, tháng 4, năm 1982.

Khởi đầu, chúng tôi từ Sàigòn đến xa cảng miền Tây để đi về Châu Đốc. Từ Châu Đốc, chúng tôi theo người dẫn đường lên tàu gỗ rồi ngược giòng sông Mêkông để đến Nam Vang (Phnom Penh). Có lẽ nhờ sự hoá trang khéo và nhờ ơn trên che chở nên trên đoạn đường từ Châu Đốc đến Nam Vang, chúng tôi không bị trở ngại gì cả, dù có rất nhiều trạm kiểm soát của Cộng sản Việt và Khmer ở dọc giòng sông.

Khi đến Nam Vang, chúng tôi ở lại nhà người dẫn đường trong khoảng một tuần lễ để họ dò đường kỹ rồi mới dẫn chúng tôi đi tiếp. Ngày khởi hành, chị họ tôi và cháu nhỏ thì đi xe đò, còn tôi được người dẫn đường dẫn đi bằng xe lửa lên thành phố Battambang để tránh sự kiểm soát và dòm ngó.

Khi chúng tôi vừa đến ga xe lửa ở Nam Vang thì bị một tên Miên mặc thường phục nhận ra tôi không phải là người Miên nên hắn chận tôi lại để làm khó dễ. Hắn hỏi tôi bằng một tràng tiếng Miên, thế là lộ ngay. ”Thừa nước đục thả câu,” hắn bắt bí tôi rồi vặn hỏi tôi xem ai là người dẫn đường cho tôi đi. Buộc lòng, tôi phải chỉ người dẫn đường ra. Thế là anh chàng dẫn đường plhải dắt hắn qua toa xe lửa gần đó để hối lộ cho hắn. Vì thế hắn làm ngơ cho chúng tôi đi.

Sau đó, hai chúng tôi ngồi ở toa chở hàng sát đầu máy xe lửa. Toa này không có mui và được chất đầy hàng hóa. Trong chuyến đi ấy, tôi thấy rất nhiều bộ đội Việt Nam nên tôi phải trùm khăn để che mặt cho khỏi lộ diện. Nhưng nếu ai chịu khó chú ý kỹ sẽ thấy rõ sự khác biệt giữa người Việt và người Miên từ nét mặt, màu da đến bàn tay và bàn chân.

Ở trên xe lửa, mỗi lần ghé trạm ga dọc đường, tôi đều được người dẫn đường dắt đi ăn uống một cách vội vã. Lần đầu tiên ăn đồ ăn Miên, ngửi mùi đồ ăn tanh quá nên tôi ăn không nổi. Nhưng khi nghĩ ra là mình phải ăn nhiều cho có sức chịu đựng gian khổ nên tôi cố gắng ăn và nuốt trộng cho đầy cái bao tử.

Ăn xong, thấy chậu nước dơ, có mẻ dừa múc nước đã đóng rêu xanh, tôi ngần ngại không dám uống. Nhưng dần dần, thấy mọi người múc nước đó uống lấy uống để, nên tôi cũng uống đại.

Khi ăn xong, chúng tôi lại leo lên xe lửa, quanh tôi có bộ đội Việt Nam rất nhiều. Vừa leo lên toa xe lửa, thì tôi bị một tên người Miên biết tiếng Việt lõm bõm chận lại. Hắn trừng mắt nhìn tôi và hỏi vặn tôi bằng tiếng Việt:

-Việt Nam hả, đi đâu? Đi Thái Lan hả?

Tôi hoảng quá, kiếm cách chống chế:

-Tôi đi với người anh em bạn lên Battambang chơi.

Hắn không tin nên hỏi tiếp:

-Không phải đâu! Đi Thái Lan, đi Mỹ mà!

Thế là cả đám người ngồi trong toa xe nhốn nháo đứng lên rồi dáo dác nhìn tôi. Tôi sợ quá vì một bọn đồng bọn với hắn bu đến. ”Không khá rồi!” Nhanh trí, tên dẫn đường nói ngay một tràng tiếng Miên rồi móc túi, lấy ra một gói thuốc lá hiệu Samit để mời bốn năm người ấy và các người khác trong toa cùng hút.

Thật là lạ, vừa hút xong có hai hơi thuốc, cả bọn tản mạn đi hết. Còn những người khác ngồi trong toa cũng im lặng hẳn đi, chẳng còn đếm xiả gì đến tôi nữa. Sau này, hỏi chuyện kỹ ra, tôi mới biết là tên dẫn đường này đã dùng gói thuốc lá có trộn bùa ngải để sai khiến bọn người kia.

Trông thấy tận mắt, tôi mới thấy bùa ngãi của người Miên linh thật. Trọn một ngày, chúng tôi ngồi chịu trận dưới cơn nắng. Mãi đến 4:00 giờ chiều thì tới trạm ga Pursat, một tỉnh lớn nằm giữa đoạn đường từ Nam Vang đi Battambang.

Khi đến Pursat, người dẫn đường vội vàng dắt tôi vào một nhà người Miên ở gần ga xe lửa để dấu tôi nằm ở đấy. Trên đường đi từ ga đến chỗ tạm trú, tôi thấy rất nhiều người Việt vượt biên bị bộ đội Việt Cộng bắt. Họ đứng quây quần thành một đám đông. Theo sự quan sát và kinh nghiệm của người tị nạn thì có thể nói đến tám mươi phần trăm (80%) người Việt đi vượt biên bị bắt giữ tại ga Pursat này.

Nói chung, có rất nhiều người vì bị người dẫn đường bỏ rơi tại đây nên họ đứng xớ rớ, không biết phải làm sao, “Tiến thoái lưỡng nan.” Thế là sớm hay muộn, họ cũng bị bộ đội Việt cộng bắt được để giải về lại Việt nam rồi vào tù. Thấy họ khóc lóc và sầu khổ bi thương, tôi không ngăn được giòng lệ rơi. Thương cho họ mà sợ cho mình nên tôi phải vội vã quày qủa đi như chạy để khỏi bị phát hiện và để dấu những giọt nước mắt của mình.

Đến nhà người Miên chủ nhà trọ của tôi thì tôi càng sợ đến rụng rời tay chân vì ông này kể rằng vừa mới rồi, có ba người Việt vì bị bỏ rơi nên họ bơ vơ không biết đi về đâu, cuối cùng họ bị bắt. Tin ấy làm cho tim tôi đập loạn cả lên, còn tay chân thì run lẩy bẩy, mặt thì tái xanh lại. Thế là sau khi ăn qua loa bữa cơm chiều, tôi dấu mình trong xó kẹt nhà trọ để mong được yên thân.

Sáng hôm sau, khoảng 7:00 giờ sáng, khi xe lửa chuẩn bị khởi hành thì có một lực lượng công an Miên Việt hỗn hợp túa ra đi lên các toa xe lửa xét lục kỹ lưỡng. Rối họ bao vây quanh chiếc xe lửa. Thế là lại có một số người Việt tị nạn bị bắt giữ nữa.

Vì đã có kinh nghiệm, nên người dẫn đường ra dấu bảo tôi núp mình trong khu nhà dân cư để chờ bọn chúng xét xong xuôi. Đến khi tàu lửa vừa chạy là chúng tôi phóng lên toa xe thật mau. Tôi vốn có tật ở chân nhưng không hiểu sao lúc ấy, tôi chạy lẹ đến thế.

Trên xe lửa, tôi cố gắng giả đò ngủ hay ngó đi hướng khác để tránh sự tiếp xúc hay phải trò chuyện với đám hành khách người Miên. Cơn nắng thiêu đốt, cơn khát bỏng cổ. Cơn sợ hãi đầy tràn. Đến khoảng trưa thì xe lửa đến Battambang. Người dẫn đường và tôi là hai hành khách nhảy xuống đất đầu tiên ở ga đó. Tôi phải thu hết can đảm để đưa trình vé cho người soát vé. Nếu chậm trễ thì sẽ bị công an hay bộ đội Miên Việt bắt giữ.

Sau đó, anh Miên dẫn đường đưa tôi đi bộ thẳng về nhà anh ta. Anh dặn dò tôi ở lại Battambang để anh về lại Nam Vang đón chị và cháu tôi lên Battambang luôn. Chỉ ngày hôm sau thì mọi người đã tề tựu ở nhà anh ta tại Battambang. Gia đình tôi gặp lại nhau tại đó, kể cả mẹ và em gái người dẫn đường cũng đến từ Nam Vang.

Lúc ấy là 12 tháng 4, năm 1982, đúng và dịp tết của người Miên. Vì thế, gia đình người dẫn đường tổ chức ăn uống và đánh bạc tưng bừng, đến nỗi họ chẳng còn đả động đến chuyện đưa gia đình tôi đi tiếp để đến biên giới Thái.

Chúng tôi lo sợ vô cùng vì đã giao hết vàng cho họ rồi. Chúng tôi cứ nhấp nhỏm như ngồi trên đống lửa, bụng bảo dạ chắc là họ không muốn giúp mình đi tiếp nữa. Nhắc nhở vặn vẹo hoài thì sợ họ giận mà im thì lòng bồn chồn và lo lắng.

Cuối cùng, tôi hỏi lại lần nữa thì bọn họ giải thích rằng bây giờ là tết Miên, ai cũng nghỉ ở nhà để ăn tết nên không ai đi buôn bán ở biên giới. Nếu mình mà đi là lộ ngay vì bọn lính kiểm soát rất kỹ trong mấy ngày tết. Bởi vậy chúng tôi ngậm cay nuốt đắng để nằm chờ tại Battambang.

Qua ngày tết Miên thì người dẫn đường bắt đầu đi dò đường để kiếm xe đi tiếp. Tôi có dặn anh từ trước rằng tôi bị tật ở chân nên không thể đi bộ lâu được. Đến mấy ngày sau, anh ta trở về và nói là thuê xe không được vì họ đòi giá quá cao. Thế là, chị em tôi nghi là hắn kiếm chuyện để đòi thêm tiền. Chị tôi bèn rút hết số vàng đem theo là một chỉ rưỡi để đưa luôn cho hắn.

Nhờ vậy hôm sau nữa, hắn mới thuê được xe. Gia đình tôi ba người và gia đình anh dẫn đường đều chất lên một chiếc xe của bộ đội Miên. Bọn bộ đội này dùng công xa để mánh mung chở hàng hoá và đồ ăn như rau, cá, gạo... cho thường dân Miên rồi lấy tiền chia chác bỏ vào túi riêng. Vì là xe của bộ đội, nên qua bao nhiêu trạm là bọn lính gác ở các trạm đều mở cổng cho xe đi, nên chúng tôi đỡ phải lo nạn bị bắt. Còn bọn dẫn đường vì đã quen cái trò đưa người đi nên họ giả đò dẫn gia đình riêng của họ gồm mẹ, em gái và các cháu nhỏ để đánh lạc sự nghi ngờ của mọi người.

Tất cả các phụ nữ và con nít thì ngồi trong xe, còn tôi, người dẫn đường và các đàn ông Miên thì phải ngồi trên nóc mui xe. Đoạn đường đi từ Battambang đến Sway (Soai) đầy ổ gà nên xe dằn quá sức, chịu không nổi. Riêng tôi, tôi mệt đến độ có thể chết ngay tại đó. Nắng, khát, bụi đất, đường ổ gà dằn làm tôi mệt lả người.

Lúc ấy, tôi chẳng còn tha thiết điều gì nữa. Chân tôi tê cứng lại nên tôi đành phải tháo đôi dép cao su cho đỡ đau. Hễ mỗi lần tôi tháo dép ra là người dẫn đường lại vội vàng lượm dép mang vô lại trong chân tôi. Vì tôi mang giày nhiều nên chân rất trắng, nay nếu bỏ dép ra thì lòi đôi chân trắng, khác biệt ngay với những người Miên ngồi chung xe. Vì thế, tôi đành mang dép để che đôi chân trắng của mình.

Khi tới Sway, chúng tôi đều mệt nhừ tử. Ở đó, người dẫn đường bắt liên lạc được với một người quen của anh, hình như anh ta cũng đến từ Battambang.

Trong khi người dẫn đường đi thuê xe bò thì tôi được giao cho một xe đạp cũ để cùng người dẫn đường thứ hai, mà tôi sẽ gọi là Su, đạp xe tới lui trong vùng đó cho khỏi ai nghi ngờ.

Chúng tôi tạm chia ra hai cánh: gia đình tôi và gia đình người dẫn đường đi bộ tới một góc đường đứng chờ. Tôi và Su thì đi xe đạp. Còn người đưa đường kia thì đi cùng với bọn người lái xe bò lượn tới lượn lui. Chờ đến thời điểm thích hợp, chiếc xe bò đang từ đường nhựa, quẹo gấp lại vào con đường đất đỏ. Thế là gia đình tôi từ hai cánh được ngồi lên cùng một xe bò.

Tới đây, gia đình người dẫn đường từ giã ra về. Họ nói là nhiệm vụ của họ đã hết, còn những người đi trên các xe bò là những người chuyên môn đi qua biên giới nên họ sẽ đưa chúng tôi đi tới Thái. Lúc ấy, chúng tôi hoang mang và hồi hộp vô cùng.

Hành trang của gia đình chỉ gồm có hai giỏ chứa đủ thứ thuốc men và quần áo. Thế mà lúc ấy, chúng tôi chỉ còn có một giỏ thôi vì giỏ thứ hai thì bị bọn người dẫn đường giữ giùm và lấy luôn.

Anh dẫn đường đạp xe đạp đi đường khác và hẹn sẽ gặp lại gia đình tôi sau. Khi ấy chỉ còn một người đánh xe bò, vợ anh đang bồng con nhỏ của chị. Gia đình tôi thì lớ ngớ, lòng muốn hỏi thăm tình hình đường xá ra sao nhưng không biết tiếng bản xứ để hỏi, mà họ thì không biết tiếng Việt. Đành chịu chết!

Lúc đó trời đã xế chiều, trên xe bò chỉ gồm có một chiếc chiếu rách còn thì trống trơn. Xe bò vừa đi được khoảng nửa cây số thì đến một trạm gác của du kích Miên. Xui quá, xe vừa vượt qua khỏi cổng thì bọn lính Miên kêu giật lại. Chúng nói một tràng tiếng Miên với người đánh xe bò. Anh chàng này lắc đầu, ý như anh không biết gì cả còn bọn chúng muốn làm gì thì làm.

Thế là bọn du kích Miên kêu nạt lớn chúng tôi một câu:

-Xuống xe!

Chúng tôi y lệnh theo chúng vào nhà. Chúng ra lệnh cho chúng tôi cởi hết đồ để lục xét, xong rồi chúng lấy hết tất cả đồ đạc trong giỏ của chúng tôi gồm thuốc men, khăn rằn, quần áo, đến cả cây viết ”Bic” nữa. Từ đấy, chúng tôi chẳng còn gì ngoài một bộ đồ cũ ở trên người. Chị tôi vừa lo sợ vừa đau khổ nên khóc tức tưởi. Đứa cháu nhỏ của tôi cũng khóc nức nở. Còn tôi, cơn đau làm tôi uất ức, kêu trời không thấu. Tôi nghĩ thôi thế là hết.

Màn đêm đã bao trùm khắp nơi, nếu ở đây là còn sợ chúng hãm hiếp chị tôi nữa. Bọn chúng lôi súng ống và dao búa ra dọa nạt chúng tôi và đòi phải lột vàng ra để giao hết cho chúng thì mới được đi tiếp. Chúng còn ra lệnh cho anh đánh xe bò đánh xe đi. Chúng tôi tuyệt vọng đến tột độ rồi. Chắc đời tàn tại đây thôi. Thật kêu trời cũng không thấu nữa.

May thay có một người Miên đi bộ theo xe bò đem một nắm tiền Miên tới giao cho bọn chúng và ra dấu chỉ còn chừng đó thôi. Tôi nghĩ có lẽ đây là tay chân của người dẫn đường kia. Bọn lính Miên làm bộ khó dễ một hồi, rồi hất tay la lên:

”Đi!”

Chúng tôi mừng rỡ, lật đật bước đi. Tôi bèn đưa tay lấy lại chiếc khăn quàng của tôi thì bị chúng giật khăn lại. Nhưng chúng cho lại chị tôi một chiếc khăn quàng cũ rách để chị đội trên đầu.

Trời lại đổ mưa tầm tã. Cháu tôi chỉ còn một chiếc áo mỏng trên người. Chúng tôi đi lần tìm về phía xe bò ở xa xa. Lòng buồn não nuột lại hoang mang vô vàn, phần khác lại lo sợ cho đứa cháu có thể mắc bịnh vì trúng mưa. Sau này, tôi được biết trạm này rất nguy hiểm vì đã có rất nhiều người Việt bị chận bắt tại đây. May cho chúng tôi là không có bộ đội Việt nam ở trạm kia trong giây phút ấy. Mọi ngày vẫn có quân đội Việt nam ở đó. Họ không ăn hối lộ ít như lính Miên mà ăn rất nhiều. Nếu không có tiền thì tiêu đời.

Trở lại chuyện gia đình tôi lúc ấy, chị tôi vẫn khóc rưng rức trong cơn mưa triền miên. Chúng tôi ngồi chịu trận dưới cơn mưa đêm. Ai cũng run cầm cập. Lại muốn hỏi nhưng đành chịu vì ngôn ngữ bất đồng. Anh đánh xe bò cũng muốn nói với tôi điều gì đó nhưng rồi anh cũng im lặng luôn.

Cứ thế, chúng tôi vừa lạnh run, vừa lo âu. Chúng tôi ngồi trên xe bò đi suốt đêm. Tiếng xe bò lạch cạch vang lên trong đêm vắng cộng với tiếng khóc thổn thức của chị tôi, càng làm cho lòng tôi lo sợ và bâng khuâng:

”Mình sẽ đi về đâu? Tới bến bờ tự do hay bị bỏ rơi giữa đường?”

Xe bò băng qua một cánh đồng để đến một cái vườn hoang có trồng dừa và nhiều loại cây cối. Tự nhiên, chiếc xe bò đứng dừng lại như để chờ đợi một điều gì. Xa xa có tiếng súng nổ dòn, có ánh lửa sáng rực, có làng mạc nhà cửa, và có các luỹ tre rậm rạp...

Trong lúc đó, chúng tôi thắc mắc vô cùng nhưng không thể hiểu được. Khi ấy, người đánh xe bò ra hiệu cho chúng tôi xuống xe đi tiểu. Còn anh thì chạy vào bụi rậm, lấy mấy đống rơm cho trâu bò ăn. Số rơm còn lại thì anh ta bỏ lên xe bò để lót cho chúng tôi ngồi. Hình như anh ta đã quá quen với lộ trình đi, với nơi dấu rơm và cách dấu rơm.

Sau đó, chúng tôi tiếp tục đi suốt đêm. Chị tôi và cháu nhỏ được ngồi lại trên xe bò. Còn tôi phải đi bộ với người Miên khác và theo một lộ trình khác. Gia đình tôi lại phải xé lẻ ở đoạn đường đó, để chia làm hai nhóm. Theo lối diễn tả của họ thì nếu tôi mà ngồi chung với gia đình là bị lộ ngay lập tức.

Từ khi ấy, tôi và người Miên dẫn đường phải lội sình lầy qua các cánh đồng đầy nước. Về sau này, tôi mới biết rằng cái làng xa xa đó là làng mạc của Khmer Đỏ, tức là lực lượng Pol Pot. Do đó, tên dẫn đường cứ tìm cách dắt tôi tránh né ngôi làng của Khmer Đỏ.

Mỗi khi có tiếng súng nổ là tên dẫn đường lại dừng ngay lại để nghe ngóng, còn tôi thì hồi hộp lo lắng, vì không biết điều gì sẽ xảy tới cho mình. Đêm như dài vô tận. tôi phần sợ lạc gia đình, phần hoang mang lo âu, phần mệt mỏi vì phải đi bộ suốt đêm trường, qua các vũng sình lầy nước đọng nên tôi cứ đi như lết theo dấu chân người dẫn đường.

1 comments:

Anonymous said...

Đọc qua bài viết cũa ông Lê Bá B, tôi rất súc động, và chia sẻ sự gian nan, hy inh và có phần may mắn, qua lời kể cũa ông tôi tin chắc đây là chuyện có thật. Chào ông

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes