(Loạt bài này lấy từ sách online "Vượt biên đường bộ tìm tự do" từ website http://memaria.org)
Part 4: Trại Tị Nạn Ở Gần Nhà Thương Non Chan, Khu Thứ Hai
Lúc ấy là ngày thứ tư 22 tháng 5, năm 1982. Từ trại tù đến nhà thương Non Chan chỉ độ một cây số. Nhà thương này được hội HTTQT cấp thuốc men và y sĩ để chữa bịnh cho nhân dân Miên. Khu trại chứa dân tị nạn Việt Nam này nằm ở sát bên cạnh nhà thương, nhưng ở về phía sau của nhà thương.
Trại này chứa những người tị nạn từ các trại tù ở Non Chan hay ở Pnom Chat mà đã được bọn Para chấp thuận cho hội HTTQT mang đi. Tại trại mới này có một nhân viên hội HTTQT người Thái rất tốt. Ông ta căn dặn chúng tôi chớ nên ra khỏi vòng rào trại vì nếu ra đó sẽ bị bọn Para bắt nhốt vào tù là khỏi đi được nữa.
Chỉ có một số những người tị nạn người Việt gốc Miên, thường được gọi là ”Chrom” là có thể lén ra đi lại vì họ biết tiếng Miên nên không ai biết họ là dân tị nạn. Số người Việt gốc Miên này đã bị bọn Para dụ dỗ để ở lại đó làm việc cho chúng. Để làm cho họ vững tâm ở lại, Para đồn là ở trại NW 82 cũng rất khổ cực, lại không được cứu xét cho đi Mỹ, rằng đã có người ở trại NW 82 mấy năm vẫn không được đi, vậy thì đến đó để làm gì? Rồi lại còn bị nạn lính Thái hành hạ nữa.
Chính vì đòn tâm lý ấy nên một số đông người Việt gốc Miên đã ở lại làm việc cho bọn Para. Nếu họ chọn ở lại với chúng mà sau này họ trốn đi thì cũng bị Para giết chết.
Tại trại tị nạn gần nhà thương Non Chan này, lúc đầu chúng tôi tưởng là đã an toàn hơn nhưng khi nghe ông nhân viên HTTQT tên là Kông, người Thái Lan dặn dò là con gái không nên sửa soạn son phấn, không nên đi ra ngoài và cũng không nên nằm sát cửa là chúng tôi sợ rồi. Ông Kông lo nhiệm vụ phát mền, chiếu, thực phẩm cho dân tị nạn.
Thế là ảo tưởng tan tành rồi, những tưởng là có tai mắt của Hội HTTQT thì đỡ hơn. Nơi này, từ 4:00 giờ chiều trở đi, khi nhân viên hội HTTQT rút về biên giới Thái, thì lại thuộc quyền sinh sát của bọn Para người Miên.
Y như rằng, tối hôm ấy, bọn Para vào lều lôi kéo và bắt phụ nữ đi hãm hiếp. Nơi trại này có một tên Para phụ trách an ninh tên là Thi. Hắn nổi tiếng là hung thần. Hễ nghe đến tên hắn là dân tị nạn ”tản thần”, sợ rởn tóc gáy. Thi chuyên môn ”điều tra” vào ban đêm, ngay lúc nửa khuya. Cũng nên hiểu việc ”điều tra” là hãm hiếp, hành hạ, đánh đập để thỏa mãn thú tính và để khảo của.
Hễ nửa đêm là giờ quỷ sống Para tung hoành. Đối với tù nhân đến từ Non Chan qua thì ít bị đánh đập và khảo của vì chúng đã lột sạch tiền của từ lâu rồi. Nhưng đối với những nạn nhân tị nạn từ các nơi khác đến như từ Pnom Chat hay những trại khác thì bị chúng đánh đập tàn nhẫn để cướp tiền và khảo của. Chúng dùng đinh đóng vào thân thể người ta để tra tấn cho bao giờ thò vàng và tiền ra mới thôi.
Các phụ nữ tị nạn bị hãm hiếp như cơm bữa, nhưng phụ nữ người Miên gốc Hoa thì đỡ bị hành hạ hơn. Cứ đêm đến là những tiếng khóc than nổi lên nghe ai oán và ghê rợn. Nhiều nạn nhân có con nhỏ, khi họ bị lôi kéo để bọn Thi hãm hiếp thì con cái họ khóc la dậy trời.
Hành tung của Thi và đồng bọn thật kinh tởm và khủng khiếp. Đồng bọn của hắn gồm thêm bốn, năm đứa nữa. Vẻ mặt Thi rất dữ dằn. Hắn vừa là y tá trưởng của nhà thương Non Chan, lại vừa là người phụ trách an ninh. Có thể hắn làm việc cho hội HTTQT nên mới giữ được chức vụ y tá trưởng. Nhưng hội không hề biết gì về bộ mặt sát nhân và đểu cáng của hắn khi đêm đến.
Mỗi khi có nhóm dân tị nạn Việt Nam mới tới là bọn lính Para tổ chức hội họp và ra thông cáo. Mục đích của chúng là để nhìn mặt xem nếu có cô thiếu nữ nào đẹp thì ban đêm, chúng sẽ vào lôi kéo để thỏa mãn thú tính. Khi mắt chúng láo liên đảo quanh thì không có con mồi nào thoát khỏi nanh vuối độc hiểm của chúng.
Nạn nhân phụ nữ từ trại tù Non Chan qua cũng vẫn chưa được buông tha. Có một cô gái ở trại tù đã bị chúng hãm hiếp nhiều lần đến bại chân. Nay cô qua trại này và được đi bệnh viện và chữa lành. Còn nhiều cô gái khác thì trở nên bất bình thường vì khủng hoảng tâm lý.
Gia đình tôi sống lây lất nơi trại Non Chan này được khoảng một tháng nhưng cứ tưởng như thiên thu vì bị khủng hoảng đến phát bịnh. Chẳng hiểu tại sao mà Para đối xử tàn tệ với người tị nạn như là kẻ thù truyền kiếp của chúng. Trong khi ấy, các dân tị nạn người Miên gốc Hoa hay người Miên thì được đối đãi tử tế hơn. Chúng luôn luôn đe dọa người Việt tị nạn như sau:
”Hễ Việt cộng mà tấn công thì tụi bay biết tay chúng tao!”
Ngày chúng tôi đến trại này thì nhân số tị nạn chỉ có khoảng hai mươi người. Dần dần nhân số tăng lên rất mau vì dân tị nạn từ các nơi khác đến. Cũng có người may mắn được người dẫn đường đưa thẳng tới khu trại ở gần nhà thương Non Chan nên không phải ở tù như chúng tôi. Nói chung, dù từ bất cứ từ nơi nào đến trại này, kể cả từ các trại của lính Sihanouk, Sonn San hay Pol Pot đều bị chung số phận đen tối như nhau.
Khi gia đình tôi rời trại Non Chan để qua trại NW 82 thì nhân số tị nạn đã lên đến hơn 200 người.
0 comments:
Post a Comment