May 18, 2009

Cuộc Hành Trình Vượt Biên Từ Sàigòn Đến Thái Lan

Phần 1: Từ Sài Gòn tới Tân Châu, Châu Đốc
Trần Chí Thành

Nhóm chúng tôi ra đi từ Sàigòn đến Thái Lan. Chúng tôi có sáu thanh niên đi theo sự hướng dẫn của người đàn ông Miên gốc Việt. Chúng tôi khởi hành từ Sàigòn lúc 8:00 giờ sáng ngày 20 tháng 4, năm 1980.
Vượt biên bằng đường bộ là một điều hoàn toàn mới lạ với chúng tôi. Chúng tôi đã tiên liệu trước những nguy hiểm mà mình sẽ đối đầu: phải đi băng qua một đất nước lạ là xứ Cambodia với ngôn ngữ khác hẳn tiếng mẹ đẻ. Trời nước mênh mông mà mình lại không hiểu được tiếng nói của dân địa phương.
Đã ra đi là chúng tôi chấp nhận hai điều: một là thành công, hai là chịu hậu qủa thật thảm khốc như bị bắt giữ, cầm tù hay bị chết, bỏ xác trên quê người.
Tuy đã dự đoán những nguy hiểm trước mặt, nhưng xuyên qua cuộc hành trình vượt biên đường bộ gian nan trong mười lăm ngày, rồi xuyên qua kinh nghiệm xương máu ở trại tị nạn, tôi đã gặp phải nhiều sự khó khăn, nguy hiểm, đau khổ và chua xót mà không thể ngờ trước được.
Từ Sàigòn, chúng tôi khởi hành tại Xa cảng miền Tây để đến Long Xuyên và Châu Đốc. Sáu chúng tôi phải hóa trang giả làm công nhân và dùng những giấy tờ giả mạo để đi đường. Thời ấy, dân chúng không được tự do đi lại mà phải trình Công an quận, nếu họ cho phép mới được đi đến tỉnh khác.
Vì thế sự nguy hiểm đã đến với chúng tôi ngay từ phút đầu tiên, vào sáng hôm ấy, ngày 20 tháng 4 năm 1980. Chúng tôi có thể bị bắt bất cứ lúc nào, bất cứ ở trạm gác nào nếu bị Công An Việt nam phát hiện ra là giấy giả hay nếu họ tìm thấy một điều khả nghi nào nơi chúng tôi.
Từ Xa Cảng miền Tây, chúng tôi ngồi xe đò đi qua Long An, rồi Bắc Mỹ Thuận, nơi mà dòng sông Cửu Long chảy qua, nơi có những vườn cây xum xuê đầy trĩu trái. Cứ thế, chúng tôi đến Long Xuyên và Châu Đốc vào buổi xế chiều.
Đêm ấy, chúng tôi nghỉ ngơi tại nhà của người dẫn đường. Đêm đầu tiên xa nhà, lại nằm trên chiếc ghe đậu bên bờ sông bến vắng. Tôi trằn trọc mãi, nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ nhất là mẹ tôi. Hơn nữa, tôi lại phải lo nghĩ vẩn vơ đến việc ra đi trước mặt của mình.
Chung quanh tôi đầy những âm thanh của tiếng dế gáy, tiếng ễnh ương kêu, tất cả hòa lên một điệu nhạc buồn thê lương và áo não. Tôi nghe hồn mình bồng bềnh theo nhịp sóng êm đềm vỗ nhẹ bên bờ ghe. Thế rồi lâu lắm tôi mới chợp mắt và thiếp đi một lúc.
Hôm sau, khoảng mười hai giờ trưa ngày 21, tháng 4, năm 1980, chúng tôi dùng ghe đến Tân Châu. Khi tới nơi thì vì ghe hư nên chúng tôi buộc lòng phải ngủ đêm tại Tân Châu, một thị trấn sát biên giới Việt Miên.
Nơi đây, dấu vết của chiến tranh vẫn còn vì cách đó vài tháng vừa có cuộc giao tranh giữa hai lực lượng Cộng Sản Việt và Miên: Nhà cửa đổ nát, tường nhà loang lổ ghi đầy vết đạn. Tình hình thành phố căng thẳng, sự nguy hiểm như rình rập đó đây. Quân đội của Cộng Sản Việt Nam giăng đầy khắp thành phố. Do đó, chúng tôi đã hạn chế đến mức tối đa việc di chuyển.
Lại một đêm xa nhà thứ hai. Tâm sự tôi ngổn ngang trăm mối. Tôi nhớ mẹ tôi vô vàn, người mẹ già suốt đời tận tụy hy sinh cho đàn con và chồng mình. Chắc hẳn giờ này mẹ tôi cũng đang thao thức vì lo cho tôi và nhớ đến tôi. Mẹ ơi! biết đến bao giờ con mới được gặp lại mẹ lần nữa?


(còn tiếp)

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes