November 23, 2015

Làm Sao Mà Quên Được (HOÀI CẨM Lê văn Hưng)

Chuyện về trại tị nạn của anh Lê Văn Hưng, được đăng ở đây:

http://hclvh.blogspot.com/2015/11/lam-sao-ma-quen-uoc.html


Tất cả những biến cố trong truyện nầy hoàn toàn dựa trên sự thật, ngay cả tên một số nhân vật, vì những cá nhân đó đã chôn xác nơi rừng sâu xứ người mà thân nhân không biết nơi nào để cải táng, hoặc đã, đang bị tù đày. Tác giả chỉ lồng một ít hư cấu vào câu chuyện tình của nhân vật Dung. Dung cũng là tên khác của một nhân vật có thật. Xin ai đó hãy dừng tay lại, đừng sống trên xương máu của đồng bào mình nữa






Dung quay đầu nhìn bãi đất rộng trước mắt. Mọi người đi lại tấp nập. Tiếng kêu nhau ơi ới. Những lời chúc tụng, những câu dặn dò vang lên không ngớt. Bao bị và ba-lô nằm ngổn ngang trên mặt đất. Những con người và những mái lều tạm làm bằng những tấm plastic xanh, cùng với đồ đoàn lỉnh kỉnh chen chúc nhau dưới ánh nắng gay gắt của mé rừng thưa dưới chân rặng núi Dongrak. Bây giờ thời tiết đã vào mùa khô của năm 1982. Ánh nắng lấp loáng trên cảnh vật trông đến nhức mắt. Hơi nóng khô khan ngùn ngụt bay lên từ mặt đất đỏ nứt nẻ. Nhìn về phía xa, cảnh vật lung linh huyền ảo như trong cơn say. Khí hậu đầu hè nơi biên địa nầy đã làm cho cây cỏ phải trơ trụi, vàng khô. Ngay đến đất đá cũng không còn một giọt nước để mà đổ mồ hôi. Ở hướng trại về phía sau kia, vài cụm khói xám vẫn còn vươn lên, uốn éo một cách mệt nhọc vào không gian xanh ngát không một cụm mây. Hậu quả cuộc pháo kích của Việt Cộng vào trại đêm qua.

Trại đã bị đánh vỡ. Dân chúng lại gánh gồng, lại bồng bế nhau chạy giặc. Giống như những mùa khô trước! Đó là một chu kỳ tự nhiên ở chốn biên giới nầy. Nó cứ thế lặp đi lặp lại mãi. Mọi người, từ lãnh đạo kháng chiến đến người dân, mặc nhiên xem đó là một sinh hoạt ắt có của đời sống họ. Đã chấp nhận tới đây là chấp nhận chạy giặc, là chấp nhận chết chóc, mất mát. Thế thôi. Không một ai bận lòng đưa ra câu hỏi, "Tại sao?" Vì một khi vẫn còn quân kháng chiến chống lại chính phủ Nam-Vang thì nhà cầm quyền nầy, với sự giúp sức của Việt Cộng, vẫn còn truy quét những lực lượng đối kháng. Dân chúng cư ngụ trong vùng nầy vẫn cứ phải đeo mang một kiếp sống đọa đày hết năm này sang năm khác. Trẻ con sinh ra trên những cánh rừng cằn cỗi, sống lê la không tương lai. Còn nói gì đến giáo dục. Cực khổ nhất luôn luôn là mùa khô, vì xe tăng chỉ có thể đánh tới biên giới khi đất đã cứng. Chỉ tội cho dân tị-nạn Việt-Nam, trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết! Có ai ngờ sống trong chiến tranh bao nhiêu năm trong đất nước mình, đến khi bỏ nước ra đi lại phải tiếp tục chạy giặc mỗi mùa khô.

Trên con đường độc đạo chạy dài từ trại vào "tà-nụp" (Bờ đê), mấy chiếc xe buýt đang sắp hàng nối đuôi nhau, quay đầu về phía đất Thái. Nhân viên ICRC bận rộn tíu tít làm nhiệm vụ săn sóc sức khoẻ cho dân tị-nạn chạy giặc, đồng thời điều hành để đưa người lên xe buýt.

"Ông già Nê" đang dùng loa cầm tay, nhắn nhủ bà con ở lại. Âm thanh của tiếng loa hòa lẫn vào tiếng ồn ào của dân chúng, tiếng kêu khóc của trẻ con tạo nên một bầu không khí nôn nao, náo nhiệt. Hôm nay, giữa cơn chạy giặc, số phận dân chúng không biết sẽ về đâu, thì ông già Nê, vị trưởng trại đáng kính người Khmer Krom, nguyên là một Trung Tá của Quân Lực VNCH, mà mọi người đã tự động thăng chức cho ông và thân mật gọi là Colonel, đã cùng lăn lóc với bà con tị nạn trong nhiều năm qua, được đi định cư cùng với một số nhỏ dân trong trại. Dung là một trong những người may mắn đó!

Những cảm xúc trong Dung thật phức tạp. Mừng vui, bùi ngùi lẫn lộn. Cuối cùng thì ngày này, một ngày mà người dân tị-nạn nào cũng mong chờ mòn mõi sau bao năm, đã đến với Dung. Nhưng nàng cũng không khỏi ngăn được xúc động khi phải bỏ lại đàng sau bao nhiêu bạn bè đã chia ngọt xẻ bùi trên bước đường tị-nạn. Dù sao thì những năm tháng sống lầm than cùng với bạn bè nơi biên giới nầy cũng đã là một phần đời của nàng. Hơn nữa, còn một mối tình miễn cưỡng bỏ lại sau lưng.

- "Làm sao mà quên được,

đời qua vút như tên,

Dăm ba hạnh phúc ngắn,

sao quên được mà quên ..."

Dung nhìn về hướng trại. Trại đã bị cháy rụi. Chỉ còn những hoang tàn và mất mát. Những mái tranh xiêu vẹo, nghiêng ngã, bốc khói. Nhưng trong tâm tưởng, Dung vẫn còn thấy những khúc phim của một thời đã sống nơi đây. Như mới ngày hôm qua đây thôi ...

o O o

... Danh đang nằm trên chiếc võng làm bằng bao đựng gạo của UNBRO. Anh vừa mới qua cơn sốt rét rừng. Đầu còn váng vất, mắt còn chao đảo. Miệng lưỡi đắng chát. Từ trên võng, Danh nhìn xuống Hưng đang ăn cơm với muối hột, rồi quay qua Dung bảo:

- Trông thấy anh Hưng ăn cơm ngon lành quá mà mình ăn không nổi.

Dung vỗ về:

- Thì anh ráng ăn miếng cháo em mới nấu cho lại sức đã.

Danh không trả lời, nhắm mắt lại, vẻ mệt mõi, lắc đầu ngao ngán.

Dung cố nén tiếng thở dài. Chờ cho Danh nằm nghỉ, Dung rón rén lấy ít gạo, bỏ vào bao ni-lông và lén đi ra "xầng-cách" (làng của người Miên) xin đổi lấy vài bọc đường cát nhỏ bằng nửa bàn tay. Hi vọng Danh sẽ ăn được cháo với số đường này. Ở trong tù Nong-Chan C3, không phải dễ dàng đi lại bên ngoài được, nhưng vì Dung phụ trách nấu cơm cho tù Việt-Nam nên có phần thoải mái hơn. Hơn nữa, bọn lính "Đờ Bê" (An-ninh) đã biết mặt nàng nên cũng ngó lơ để nàng đi lại. Trong đêm đầu tiên vừa từ bìa rừng Dung được áp tải vào C3 lúc 2 giờ sáng. Chưa kịp hoàn hồn, chưa kịp hỏi han bạn tù để tìm hiểu về đời sống trong trại như thế nào thì tên lính gác tù đã mở cửa, rọi đèn pin quanh nhà giam tìm kiếm. Sau lưng hắn, lố nhố một bọn Miên mình mẫy xăm vằn vện. Trong đó có tên trưởng "Đờ Bê". Y đảo mắt một vòng rồi giơ tay chỉ vào Dung, và ra hiệu bảo nàng đi:

- À ni! (Con nầy)

Dung luống cuống còn chưa biết ất giáp gì, thì bọn lính ào tới xốc nách nàng đi. Có vài tiếng thì thào của mấy người đàn bà bên cạnh căn dặn:

- Cẩn thận nghe cô!

Linh tính báo cho nàng biết có việc chẳng lành!

Ra tới ngoài, trong đêm rừng tối đen, muỗi bay như một đàn ong, đìều duy nhất Dung còn nhớ là tiếng lách cách của bọn lính Miên khóa cửa tù lại! Màn đêm đã tối, lại càng như đen thêm như thể đồng lõa với đám bất lương mọi rợ.

..........

5 giờ sáng. Vùng biên giới còn đang ngái ngủ. Chim chóc còn yên ấm trong tổ. Sương đêm rơi đẩm ướt lá cây rừng. Gió rừng chốc chốc lại thổi vi vút qua những thân cây trồng cách nhau nửa gang tay để làm vách nhà tù.

Dung được thả về. Đi không nổi. Bọn lính xốc nàng vào tù. Vừa qua cánh cửa là nàng quị xuống, gương mặt tái xanh, những sợi tóc dính bê bết, chằng chịt trên trán. Mấy người đàn bà chạy tới dìu Dung vào góc tối. Một vệt máu tươi kéo dài từ cửa vào tới chỗ Dung nằm, chiếc "xà rông" xốc xếch!

Số phận của Dung cũng là số phận của những cô gái tới sau. Niềm đau của những cây quế Việt-Nam đã bị những tên Mán tên Mường leo trèo làm trò mua vui! Ôi, thân phận của người dân vong quốc sau 30 tháng 4, 1975! Nếu không có cái ngày oan khiên ấy, những người phụ nữ như Dung đã hưởng một cuộc sống yên vui dưới mái gia đình, chớ có đâu phải dãi dầu mưa gió. Vì theo lối chiết tự của chữ Hán, chữ An (yên ổn) được kết hợp bởi bộ Miên nằm phía trên, tượng trưng cho mái nhà, che chở cho người đàn bà, tượng trưng bằng chữ Nữ bên dưới. Theo quan niệm của người xưa, một khi người nữ xa rời mái gia đình thì sẽ khó có được bình yên. Thế mà giờ đây người phụ nữ Việt-Nam lại phải băng rừng, lội suối, trèo non như thế nầy!

Khi thức dậy, không thấy Dung đâu, Danh mới nói với Hưng:

- Chắc em không sống nổi nếu cứ tiếp tục ở đây. Sốt gì mà sốt 2, 3 cử mỗi tháng như thế này. Em chờ MT vào là em xin đi. Tuy biết bỏ Dung lại là không phải, nhưng anh biểu em phải làm sao bây giờ. Anh Hưng biết không, trước khi đi, ở Châu-Đốc, em hứa với Dung là sẽ cùng đi định cư chung với nhau. Nhưng không ngờ tới đây tình trạng lại khó khăn như thế nầy. Cả nửa năm rồi, Hồng Thập Tự bị tụi Miên không cho vào thăm tị-nạn. Thuốc sốt rét để trị bịnh cho tị-nạn Việt-Nam thì Miên lấy hết để cho lính kháng chiến của chúng nó. Anh mới vào chưa bị bịnh như tụi em ở đây lâu, nên chưa nãn chí.

Hưng rán khuyên nhủ Danh:

- Danh phải suy nghĩ cho thật kỹ trước khi quyết định. Mình vượt biên đến đây là kể như đi được nửa đoạn đường rồi, hãy cố gắng thêm một tí. Mục đích mình vượt biên là để ra nước ngoài, sau nầy giúp đỡ gia đình, chứ đâu phải đi kháng chiến. Nếu muốn đi kháng chiến, thì cần gì phải lặn lội tới đây làm gì, mình có thể tìm đường dây ngay tại trong nước. Không phải là mình không yêu nước, nhưng mình có thể giúp đất nước bằng nhiều cách. Hơn nữa, Danh đã hứa hẹn với Dung rồi, bỏ cổ lại một mình trong trại thì tội nghiệp quá! Cổ nặng tình với ông lắm đó!

Danh nhắm mắt im lặng, không nói gì.

Hưng đành xây qua Hào hỏi có muốn uống nước không.

Hào cũng bịnh tiêu chảy cả tuần nay mà không có thuốc, vì như Danh đã nói, thuốc men đã bị bọn Miên tịch thu hết để lo cho quân lính. Hào cao lêu nghêu, bây giờ lại bị bịnh nên trông thật thảm não. Cặp mắt lờ đờ, làn môi nứt nẻ hơi khép để lộ hàm răng đã bị mất 2 cái răng cửa làm cho gương mặt của Hào thiếu hẳn sinh khí. Đuối sức quá, Hào mặc kệ cho số phận, chẳng buồn đi kiếm nước rửa ráy. Anh ta cứ nằm dài dưới đất, hai ống quần dài màu xanh lợt bị phân đen chảy dài xuống, ruồi nhặng bu đầy. Hôi không chịu được.

Hào vào tù trước Hưng, cùng thời với anh Bích chị 10 và cháu Sơn của Hưng, nhưng anh chị của Hưng vì có cháu nhỏ nên được ra bịnh viện lớn trước, rồi vào trại NW 82. Khi NW 82 đóng cửa, tị nạn Việt-Nam được đi định cư hết. Riêng Hào thì bị kẹt lại trong tù C3 cho tới bây giờ.

Trước đó, Hào có cho Hưng biết ba của Hào đang ở Mỹ. Có liên lạc nhưng không hiểu sao không thấy giấy tờ bảo lãnh. Lâu ngày Hào xuống tinh thần, tuyệt vọng vô cùng.

Vài hôm sau, anh em tù Việt-Nam đang đi đào giếng thì lính Miên ra lịnh trở về trại ngay lập tức. Anh em nhìn nhau lo sợ, không biết chuyện gì sẽ xãy ra.

Khi về tới cổng trại, tù Việt-Nam không được vào tù C3 ngay, mà lại được đưa tới một căn nhà khác. Trong đó thấy có đâu 3 hay 4 người Việt-Nam với một ít sách và tài liệu. Anh em được lịnh ngồi xổm thành hàng 3 dưới đất, chờ nghe mấy người Việt-Nam nói chuyện.

Một người đeo kính trắng, dáng dấp hơi thấp, bận áo trắng quần tây tự giới thiệu:

- Xin chào các anh em. Tôi là Đại Úy Lộc, làm việc trong Tổ chức XYZ...

Tiếp theo ông ta nói sơ về tình hình đất nước, cộng sản, thế giới, và về tổ chức của ông được chủ tịch M. lãnh đạo. Trong khi nói ông ta cho chuyền tay một số tài liệu và hình ảnh sinh hoạt trong chiến khu của tổ chức. Rồi kêu gọi anh em tham gia để giải phóng đất nước.

Ông ta còn nhấn mạnh rằng các anh em không tham gia tổ chức bây giờ thì cũng phải tham gia sau nầy, vì anh em không có cơ hội đi định cư đâu. Tổ chức XYZ của chúng tôi đã can thiệp với chính quyền Thái-Lan để giữ tị-nạn tại đây rồi!

Nghe tới đó, một số anh em rúng động bèn ghi tên tham gia. Danh và Hào ở trong số đó. Để anh em "lên tinh thần", ông Lộc còn nói những anh em ghi tên sẽ được phát mỗi người 300 bahts để "liên hoan" trước khi lên đường.

Nói xong, ông ta quay qua Hưng hỏi:

- Còn em thì sao?

Hưng ấp úng :

- Em cần thời gian để suy nghĩ đã.

Và ông bảo số anh em còn lại hãy về suy nghĩ và cho ông biết khi ông trở lại sau để đón tân binh.

Mọi người về tới trại, Dung khóc nức nở sau khi biết Danh quyết định đi kháng chiến:

- Anh nói anh thương tui, hứa sẽ đi định cư chung với nhau, vậy mà bây giờ anh nỡ lòng nào bỏ tui ở lại đây!!

Quả thật, những người ghi tên được phát tiền như đã hứa. Mấy anh em lấy đậu xanh nấu chè để khao những bạn tù còn ở lại. Nấu chè đậu xanh vì ở trong tù thì "đậu xanh làm chuẩn" giống như khi xưa ở Quân trường Thủ Đức thì "cá mối làm chuẩn".

Một tuần sau, gần tối, có một chiếc xe truck của Miên chạy vào trại, đậu trước văn phòng hành chánh. Nhân viên văn phòng của Miên chạy tới tù đọc tên những người được chuyển ra bịnh viện lớn. Dung và mấy người đàn bà, trẻ con nằm trong danh sách. Trước khi đi, Dung dặn dò Danh đủ điều và năn nĩ anh đừng đi Phục Quốc. Danh đành ư hữ cho Dung yên tâm. Hào cũng được đi vì bị bịnh nặng. Anh bận nguyên cái quần dính đầy phân leo lên xe, vẫy tay chào bạn tù còn ở lại.

Sau nầy mới biết, trong khi ở Bịnh viện lớn thì Hào nhận được giấy bảo lãnh của cha mình, nên anh ta đổi ý định không đi Phục Quốc nữa. Đến lúc họ vào để nhận những người đã ghi tên tham gia trước kia, thì Hào bỏ trốn trong cầu tiêu của trại. Nhóm người Phục Quốc vào tận cầu tiêu lôi Hào đẩy lên xe đưa đi! Từ đó không còn ai biết tin tức gì về Hào nữa!

Đêm hôm trước ngày lên đường, theo tâm trạng thông thường thì ai cũng lo lắng, không ít thì nhiều, nhưng có lẽ là rất nhiều, nên anh Đỗ Xuân Trường nhờ anh Musa người Chàm làm giúp một dây "cà tha" (bùa) để đeo quanh thắt lưng cho được yên tâm. Hưng có hỏi Trường thấy cảm giác gì không khi đeo "cà tha", Trường cho biết thấy hơi rùng mình một cái. Sau đó Trường có nhờ Hưng khi qua Mỹ được thì liên lạc với Dì Chi của Trường để bà biết số phận của anh. Sau nầy Hưng có liên lạc Dì Chi bằng thư nhưng không thấy hồi âm. Cùng đi trong số đó có Đỗ Bạch Thố là một thanh niên thấp, tánh tình chất phát hiền lành. Sau nầy cha mẹ, 3 người chị và 2 người anh rể cũng đến được Nong Samet, Nguyễn Tấn Khoẻ và đứa con trai tên Nguyễn Tấn Phát độ 6, 7 tuổi và người em vợ tên Phong (có điều là 2 anh rể, em vợ lại không thuận thảo với nhau tí nào, cứ cải nhau hoài trong tù), hai anh em anh Thuận ria mép, người anh thì đầu hói, trước kia đi Tâm Lý Chiến, có giọng hát khá hay.

Buổi chiều hôm sau, người của Tổ chức XYZ vào trại để đón lính mới. Họ luôn luôn chờ các Volags (Các tổ chức thiện nguyện như MSF, ICRC, ARC, CARE, COR ...) rời khỏi trại để trở về thị trấn Thái rồi, thì họ mới xuất hiện vào trại. Họ không muốn đối đầu với các tổ chức đó, nhất là ICRC, vì ICRC nắm danh sách, quân số tị-nạn. ICRC cần được biết rõ ràng lý do mỗi khi quân số tăng hoặc giảm. Nhóm của Danh đã chia tay các bạn tù để lên đường trong buổi chiều chập choạng hôm ấy. Đó là đợt tham gia kháng chiến đầu tiên nên ai cũng bịn rịn, hơn nữa bạn bè dư biết là một khi dấn thân vào lửa đạn thì may ít rủi nhiều. Hi vọng gặp lại nhau thật là mong manh!

Vùng biên giới lại đi vào mùa khô. Đây là mùa mà cộng sản Việt-Nam hoạt động mạnh. Chúng thường xua quân qua biên giới, tới tận lằn ranh của Thai-Lan để truy đuổi quân kháng chiến của Khmer đỏ, của Son Sann hay của Sihanouk. Mỗi phe chiếm cứ một vùng dọc biên giới Thai-Khmer, có khi sát cạnh nhau. Có một lần, một tù nhân bị giam trong nhà tù C3 Nong-Chan của Son Sann, sát bên nhà tù giam người Việt. Ban đêm anh ta trốn tù, nhảy qua một cái mương và thoát qua bên lãnh thổ của Sihanouk. Khoẻ re.

Mùa khô năm nay cũng không ngoài thông lệ ấy. Ban đêm Hưng áp tai xuống đất và nghe rõ tiếng xe tăng của VC đang di chuyển.

Có lần, bọn Miên đem chiến lợi phẩm về triển lãm dưới trụ cờ. Mìn, súng ống, đạn dược, lựu đạn. Có cả mấy xác chết nữa. Những xác nầy chỉ bận quần đùi, đầu tóc cắt ngắn. Được vài hôm, những cái xác ấy chương lên, ruồi nhặng bay vo ve như ong. Bọn Miên vào tù Việt-Nam trưng dụng nhân công đi chôn. Chúng chọn những tay lực lưỡng, nhưng bất chợt chúng trông thấy Hưng, tên chỉ huy kêu lên:

- À tút nú! (Thằng nhỏ đó!)

Mấy người xầm xì:

- Chắc tụi nó thấy mầy trắng nên nó ghét đó.

Ra đến nơi, ai nấy không chịu nỗi mùi hôi thối, nhưng đành phải nghiến răng xông vào làm việc. Muốn tránh cũng không được.

Thấy cái xác không to lắm nhưng không hiểu sao nó nặng ơi là nặng. 4 người lo 2 chân 2 tay mà vẫn cứ ì ạch vì cái đầu cứ oặt ẹo mãi. Một lần nữa sao quả tạ lại rơi vào Hưng. Bọn Miên xỉ tay bảo Hưng phải "take care" cái đầu của tử thi. Là học sinh, lần đầu tiên ra đời, phải chạm tay vào tử thi, Hưng thấy nó lạnh toát một cách kỳ dị. Không phải cái lạnh như nước đá, nhưng là cái lạnh ma quái, làm cho mình phải ớn xương sống! Cả 5 người hô 1, 2, 3 rồi đồng loạt nhấc lên. Bỗng nghe có tiếng "bực, bực, ộc, ộc ..." 5 người đưa mắt nhìn nhau. Thì ra gân cốt của xác chết bị đứt, và máu đông cục trong lồng ngực rơi ra khỏi vết thương xuyên từ phía trước ra sau lưng nên phát ra tiếng động như thế. Mấy cục máu tím bầm, trông như huyết heo, to bằng cái chén nhỏ rơi ra nằm trên đất.

Cả bọn cố hết sức mà vẫn không nhấc hổng cái xác chết lên được, nên cứ phải khiêng là đà trên ngọn cỏ. Tới nơi phải đào hố ngoài ruộng nước. Cái hố đào vội thành ra hơi nhỏ, vậy mà phải chôn tréo trả cả 2 cái xác vào một hố. Tay chân họ cứ thò ra trên mặt đất. Mấy anh em phải thu xếp cho tay chân tử thi xếp gọn vào trong hố, chứ không dám đứng trên xác mà dậm xuống như bọn VC đã làm khi đấu tố bà Cát Hanh Long trontg thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất!

Vừa chôn xong, thì nghe tiếng la to:

- Pà Rặng mo! (Pháp tới!)

Anh em nhìn ra đường thì thấy xe có cắm cờ Hồng Thập Tự đang lái về hướng trại tù. Tim mọi người như ngừng đập, vì vui mừng, đã hơn nửa năm rồi ICRC không được vào thăm tù. Như vậy có nghĩa là vẫn còn hi vọng thoát ra khỏi cái địa ngục nầy. Thế là bọn Miên ra lệnh cho tù phải gấp rút quay lại C3.

Từ đó tình hình chiến sự cứ gia tăng mãi lên. Tù Việt-Nam lo sợ, hễ gặp mấy người Miên là hỏi thăm tin tức. Tuy đây là lãnh thổ của Son Sann, nhưng trăm lần như một, mỗi khi được hỏi đến thì những người tù Miên đều bảo:

- Ọt ây tê! (Không sao đâu!)

Họ nói đừng lo, vì "Yuôn" (Người VN, ở đây họ ám chỉ Việt-Cọng) không địch lại nổi Tà Mok đâu, ổng giỏi lắm. Tà Mok là viên chỉ huy của Khmer Đỏ.

Những ngày sắp thất thủ, tù Việt-Nam bị khóa cứng, không được đi ra ngoài. Đêm cuối cùng lính Miên rút lui trước hỏa lực của VC. Nằm trong tù mà nghe bọn Miên vẫn cười giỡn trên đường thoái quân để di chuyển vào sát biên giới Thái Lan, bỏ lại đàng sau trại Nong-Chan và tù C3. Chiến tranh xem ra giống như một trò đùa ở vùng đất nầy! Đến gần sáng, thì căn cứ Nong-Chan bị đánh vỡ. Mạnh ai nấy chạy. Hỗn quan, hỗn quân. Tù C3 tự phá khóa dây kẽm gai và chạy trà trộn với quân và dân Miên. Cả một khoảng đồng trống đầy nắng và bụi bị dày xéo bởi hàng ngàn bàn chân của "bá tánh" Nong-Chan. Cảnh tượng chạy loạn ấy thật không khác câu chuyện Triệu Tử Long đoạt ấu chúa thời Tam Quốc bên Tàu.

"Trăm họ" tạm dừng chân ở O Bychon chừng 1 tuần rồi lại lên đường, vì chiến tranh vẫn đeo sát gót. Hưng vừa đi vừa nói chuyện với Francois, ICRC Delegate, trên đường đến căn lều tạm của ông già Lâm-Nê. Lần đầu tiên Hưng gặp ông. Đó là một người đàn ông tóc ngắn, cương nghị rắn rỏi, vẻ dày dạn nắng gió. Khát nước quá vì vừa mới chạy giặc tới, Hưng xin ông một ca nước, ông dịu dàng bảo:

- Uống đi con. Uống cho no đi.

Mấy ngày sau, đoàn người lại băng qua khoảng rừng thưa bị cháy loang lỗ. Lúc nầy Hồng Thập Tự đã có mặt lội rừng chung với dân để hướng dẫn mọi người đi vào Ang Sila, một khoảnh rừng nằm trong lãnh thổ Thái, mới được khai hoang, lấy chỗ cho dân Miên và VN tạm dựng lều trong khi chờ chiến tranh lắng dịu để tái ổn định.

Plastic xanh được phân phối để dân tạm cất lều trên khoảng đất mới. Lều ông già Nê được cất bên 2 gốc cây lớn để ông có thể giăng võng. Một hôm đang đứng trong lều của ông thì Hưng nghe có người chạy tới báo cáo với ông là nhóm người Phục Quốc muốn gặp ông để nói chuyện. Hưng lánh mặt. Sau một lúc nói chuyện thì họ cáo từ. Không biết nội dung câu chuyện như thế nào. Suốt thời gian còn lại ở Ang Sila không thấy họ tới nữa.

Vào cuối mùa khô, chiến sự trở nên yên lắng. Dân tị-nạn Việt-Nam được đưa về trại Nong Samet cất kế bên NW 82 ngày xưa. Tuy nói là ngày xưa, nhưng thực ra chỉ mới có mấy tháng kể từ ngày NW 82 được giải quyết đi định cư. Nỗi thống khổ làm cho con người ta cảm thấy thời gian như kéo dài lê thê! Nơi platform của NW 82 bây giờ chỉ còn lại rác rến, những cọc lều gãy nát, rải rác trên nền trại là những lon cá mòi nằm lăn lóc. Trông thật tiêu điều và buồn bã. Mới mấy tháng trước nơi nầy còn đông đúc, chen chúc những mãnh đời rách nát. Đông nhưng không vui! Dầu sao cảnh tượng trước mắt cũng làm dâng lên trong lòng người đến sau một nỗi buồn "hoài cổ" nếu có thể gọi như thế! Nhất là những người có thân nhân như Hưng đã sống ở NW 82. Rời khỏi nước chỉ cách nhau 4 tháng, mà 2 anh em định cư cách nhau 5, 6 năm.

Sau khi dân tị-nạn ổn định nơi trại mới nầy, một lần nữa Lực lượng Phục Quốc lại xuất hiện. Đêm hôm đó, họ đem cả máy phát điện, TV để chiếu phim về tổ chức của họ, về hoạt động trong các mật khu ... Lần đầu tiên dân tị-nạn được thấy ông chủ tịch, quấn khăn rằn, đọc diễn văn. Trông ông thật giống Hồ Chí Minh. Phải công nhận ông có dáng khắc khổ, giọng nói trầm ấm của một nhà lãnh đạo. Rất thuyết phục. Đồng thời họ cho chuyền tay những ấn bản của tổ chức, in trên bìa dày rất đẹp. Về khuya, sắp hết buổi vận động, họ cho thu hồi những quyển sách ấy. Sau khi kiểm điểm thấy thất thoát một ít sách. Thế là lính Thái đi cùng với họ ra sức lục soát, đe dọa dân trong trại để tìm cho ra. Nhưng phải tốn thời gian rất lâu mới tìm thấy được. Thì ra ai đó đã vất số sách ấy qua hàng rào ra đám cỏ mọc hoang bên ngoài trại.

Có một điều không biết đáng buồn hay đáng cười. Một ngày nọ, không hẹn mà nên, có 2 lực lượng phục quốc cùng xuất hiện: Lực lượng của anh Trần văn Bá và Tổ chức XYZ.

Hai bên va chạm dữ dội. Dân chúng bu đông nghẹt. Mấy ông cựu quân nhân thấy vậy lên tiếng:

- Mấy ông kêu gọi đi kháng chiến để cứu nước, mà chưa chi mới gặp nhau ở đây đã cãi cọ, chia rẽ như thế nầy thì còn ra thể thống gì nữa. Thử hỏi ai còn dám tin tưởng ở mấy ông!

Cuối cùng hai tổ chức tránh đụng độ tại trại nên thách thức nhau, hẹn ngày giờ "đối thọi" trên Bangkok.

Mãi sau nầy hay tin Trần văn Bá hi sinh trong quốc nội, mọi người mới xót thương cho anh. Một người trẻ đủ điều kiện sống một đời sống yên vui, hạnh phúc thế mà đã dám hi sinh tất cả cho non sông. Đến bây giờ thanh danh vẫn chưa hề bị vấy bẩn như những tổ chức khác!

Trong lần tuyển quân cuối cùng, họ thuyết phục được vài người đi. Số người đi ít hơn so với những lần trước là vì bây giờ không phải như lúc còn ở trong tay người Miên dân ta bị hãm hiếp, lao động, có khi còn bị đập đầu giết bỏ nữa. Vì đời sống lúc đó giống như địa ngục như vậy nên dân tị nạn mới tìm cách thoát ra, và giải pháp duy nhất là tham gia Kháng Chiến. Tham gia kháng chiến thì chưa biết đi tới đâu, nhưng ít ra trước mắt cũng ra được khỏi nơi chốn nhục nhằn nầy cái đã. Phải thẳng thắn mà nói, lúc đó lý tưởng chưa phải là động lực thực sự để anh em tị-nạn gia nhập. Tâm trạng nhắm mắt đưa chân nầy cũng giống như cái liều mạng của Bút Tre:

- "Hàng đầu không biết đi đâu,

Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi."

Còn bây giờ thì dân tị nạn đã được ICRC bảo vệ nên mọi người không còn sợ bị ép buộc phải tham gia tổ chức nữa, do đó số người gia nhập không đáng kể.

Mấy người nầy được đưa đi huấn luyện, không biết ở đâu, nhưng một thời gian sau được escort về trở lại thăm trại, có lẽ để tuyên truyền. Trong khi các chức sắc của tổ chức ngồi trên văn phòng trại để nói chuyện với Ban Đại diện trại thì các kháng chiến quân được tự do đi xuống các lều để thăm và nói chuyện với mọi người. Hưng và Dung có quen với một kháng chiến quân, nên 2 người bèn lân la tới hỏi thăm sức khoẻ, luôn tiện để Dung dò la tin tức về Danh. Trông anh ốm yếu chứ không khoẻ mạnh lắm. Chờ khi mọi người đi bớt, anh nầy mới nói nhỏ với Hưng:

- Anh Hưng đừng có đi nghe. Vô đó mới biết. Họ nói nghe hay vậy chớ tụi em ăn uống thiếu thốn lắm. Toàn ăn cá khô thôi, mà cá để lâu quá nên bị mục, ăn đắng ngét. Gạo cũng bị mục."

Rồi anh thì thào:

- Chị Dung đừng cho ai biết, em chỉ nói riêng với chị thôi. Chị đừng buồn. Anh Danh bị họ bắn chết rồi vì tìm đường đi trốn!

Dung khóc ràn rụa!

Tai vách mạch rừng! Có lẽ tổ chức biết được anh nầy đã tiết lộ những điều bất lợi cho tổ chức. Cho nên sau đó ít lâu, họ lại vào trại, vẫn dẫn theo anh kháng chiến quân đó. Lần nầy anh trông hồng hào, khỏe mạnh. Quân phục mới toanh được ủi hồ láng coóng. Vừa mới thấy Hưng, anh đã vui vẻ khoe:

- Anh biết không, tụi em sướng lắm. Sáng thức dậy ăn điểm tâm xong là vào lớp học tập. Sau đó nghỉ trưa. Chiều được chơi thể thao. Ông Thầy thương tụi em lắm. Lâu lâu cho tiền để tụi em tiêu vặt.

Hưng tò mò:

- Ông Thầy là ai vậy?

- Anh không biết sao, tụi em gọi chủ tịch M. là ông Thầy đó. Trời ơi, ổng thương tụi em lắm!

....

Đó lần cuối cùng dân tị-nạn được thấy anh kháng chiến quân ấy, và cũng là lần sau hết Dung được biết về cái chết bi thảm của người mình yêu!

Sau lần đó họ không còn vào hẳn trong trại nữa.

Nhưng mọi chuyện chưa phải là hết. Tổ chức ZYZ không bỏ cuộc một cách dễ dàng như thế!

Có một lần, có lẽ vì thấy cách thức mộ quân như trước không còn "ăn khách" nữa, nên lần này họ thay đổi "chiến thuật". Họ đút lót lính Task Forve 80 của Thái để bọn này vào Trại, sau khi các tổ chức thiện nguyện ra về thị trấn bên trong lãnh thổ Thái hết. Bọn Thái gặp ban đại diện, nói cần một số thanh niên khoẻ mạnh để đi đắp một đoạn đường bị hư, họ sẽ được trả lương bằng gạo và cá mòi hộp dẹp. Mỗi tháng UNBRO chở thực phẩm đến trại để nuôi dân tị-nạn bằng gạo, muối hột, đậu xanh, dầu ăn, cá khô hoặc cá mòi hộp cao. Tháng sau, họ lại cho dân "đổi món" bằng cá mòi, cá khô, dầu ăn, đậu xanh, muối hột, gạo. Nói đùa cho "đời bớt khổ" chứ quanh năm suốt tháng dân cứ phải theo một menu duy nhất. Sau nầy nhiều người tị nạn ra đến nước ngoài rồi, mỗi khi nghĩ đến cá mòi hộp là họ rùng mình. Món cá mòi hộp dẹp là xa xí phẩm, chỉ có dân Miên buôn bán lặt vặt hoặc "lục thum" (ông lớn) mới có khả năng rớ tới. Thế cho nên, nghe như vậy đám thanh niên liền phóng lên xe truck của lính Thái ngay lập tức. Bọn Thái chở họ ra tới ngã ba gần "tà nụp" liền quay đầu xe lại hướng về một chiếc xe van mở cửa đậu sẵn đó tự bao giờ. Một số người nhảy ra khỏi chiếc van đó, chạy tới bao vây đám thanh niên và định lùa họ vào chiếc van. Lúc ấy dân tị nạn mới nhận ra họ là những người Phục Quốc đã từng vào trại lúc trước, nên bỏ chạy tán loạn, mỗi người mỗi ngả, miễn sao thoát thân được thì thôi. Có người chạy sút cả dép, mất toi cả một gia tài của đời tị nạn. Bọn lính Thái khoanh tay cười ha hả! Khi về đến trại, họ thở không ra hơi. Vừa thở hào hển vừa tường thuật lại diễn tiến của sự việc cho ban đại diện và bà con nghe. Nhiều người vừa kể vừa cười ngặc nghẽo, y như vừa mới được đi dự một cuộc vui nào về.

o 0 o

Dung nghe có tiếng cô bạn đã ngồi trên xe buýt gọi. Nàng như vừa được đánh thức khỏi giấc mơ dài. Quay lại thấy cô bạn vẫy tay lia lịa, ra dấu xe sắp chuyển bánh.

Nàng xách vội chiếc xách tay nhỏ lên. Gia tài của cả một đời tị-nạn. Ngày rời xa đất nước, người dẫn đường không cho Dung đem gì theo, mà chỉ được đi tay không cho khỏi bị lộ. Nhưng lúc đó, trong hồn nàng chứa đầy ắp một niềm ước mơ tươi sáng cho tương lai. Còn bây giờ, ngày lên đường đi định cư, nàng có được một xách tay nhỏ mang theo, nhưng đắng cay thay, tâm hồn tội nghiệp của nàng đã trống vắng, vỡ nát tang thương! Dung đi vội về chiếc xe.

Xe bắt đầu lăn bánh. Cô gái ngoái cổ lại, cố thu vào tâm trí hình ảnh cuối cùng của vùng biên giới Thái-Miên, nơi nàng đã để lại đời con gái thơ ngây và cũng là nơi nàng đã chôn sâu mối tình trắc trở bi thương. Quang cảnh hoang tàn của trại lùi xa dần ... xa dần ... trong đám bụi mù đang bốc lên sau xe. Mắt nàng mờ đi. Vì bụi, hay vì nước mắt. Hay vì cả hai! Dung không biết nữa.

1 giờ đêm
Garden Grove, Nov. 21, 2015

November 22, 2015

Một người bạn trong tù Nong Chan C3: Đỗ Bạch Thố

Hưng highlight tên Đỗ Bạch Thố bên dưới. Đó là một người bạn trong tù Nong Chan C3 với mình, Hưng có đề cập trong truyện ngắn "Vào Nơi Gió Cát " .

*

Chiến-Dịch Đông-Tiến 2
Cuộc Ðông Tiến 2 (mật mã là data cộng 2). Khởi hành từ ngày 11/6. Ðiểm O là Oubon ngược về Mộc Tà Hản. Vượt sông Cửu Long tại điểm F này, băng vào tỉnh Saravan của Lào rồi vào Tây Nguyên.
Ðoàn quân Ðông Tiến xuất quân ngày 11/7/1987, đụng độ lần đầu với việt cộng ngày 16/7/87 khi vượt quốc lộ 13 (dự trù 11 giờ đêm vượt hết! Thực tế đến 5 giờ sáng mới xong). Chiều 17/7 đụng độ lần thứ 2. Kể từ đây liên tiếp đụng độ với vc cho đến ngày thứ 49.

Ngày 16/8 bộ chỉ huy của Quyết Ðoàn Ðặc Nhiệm bỏ trốn (đây là Quyết Ðoàn bảo vệ Tướng Hoàng Cơ Minh). Trong nhóm này có Lê Ðình Bảy là Quyết Ðoàn Trưởng. Sau sự kiện, vào buổi chiếu cùng ngày, vc đột ngột tăng tốc độ rượt đuổi và bắn phá. Các KCQ cho rằng Lê Ðình Bảy sau khi bị vc bắt đã khai có mặt của Tướng Minh trong đoàn (Bí danh của Tướng Minh là 234). 234 vào trong đoàn quân chỉ có QÐÐN biết. Chính KCQ Thạch Ba đi đón 234 từ căn cứ 81 về 85 lúc 5 giờ sáng 11/7/87. Khi Lê Ðình Bảy bị vc bắt có giao 30 lượng vàng. Án của nhân vật này là án đầu hàng phải chịu tù 7 năm, thực tế ở tù rất ngắn hạn.

Cơ quan tình báo Thái Lan chụp hình tất cả mọi người (??). Kể cả các đợt xâm nhập của Ủy Ban Kháng Quản vào các năm 85/86. Các UBKQ 85/86 đều xâm nhập vào lãnh thổ VN bằng giấy tờ do bộ Nội vụ vc cung cấp. Toàn bộ đều bị bắt tại Battambang. Bắt rất thong thả và nhẹ nhàng trên các chuyến xe chở khách du lịch. Người thì bị bắt nhưng thư từ viết ra ngoài vẫn báo rằng “hoàn thành công tác” để xin tiền trợ cấp hoạt động và cung cấp tin tức thất thiệt. Lê Phú Sơn là một thí dụ cụ thể.
Một trung đoàn vc đã mai phục sẳn tại các Point F (điểm đổ bộ), nơi đây đã được tình báo Thái Lan chỉ định. Các Point F này cuối cùng đã bị 234 chuyển dịch. Ðiều này, trong phiên điều tra của vc đối với các KCQ cũng rất thắc mắc. Ngay tại Lào, tình báo Thái mãi chiều 17/7 mới biết là có 234 trong đoàn....
Tại toà và các phiên điều tra, tất cả giấy tời tùy thân, tên tuổi, quê quán, nhiệm vụ, ngày nhập khu chiến, thăng cấp và các hình chụp...đều được trưng dẫn (theo lời xác nhận của các KCQ Thạch Ba, Ðinh văn Bé, Trần Ðế).

Ngày 16/8/87 Khưu Xuân Hưng mất tích. Nguyễn Hoàng Tiến chỉ huy tác chiến trung ương, Thạch Ba Dân Ðoàn Trưởng Dân Ðoàn Cận Vệ.
Nhóm người Lào dẫn đường đoàn quân xâm nhập Việt Nam theo ngã Tây Nguyên (giống với Ðông Tiến 1). Trên nguyên tắc chỉ 4 ngày là vào đến Tây Nguyên...Nhưng đoàn quân cứ lẩn quẩn trong Saravan mất hơn 1 tháng. Cuối cùng, ngày 26/7, nhóm 30 người Lào trốn mất. Một ngày sau, chiều 27/7 trận chiến nổ bùng với cường độ tàn bạo tối đa.
Tối 25/7, cả 3 Quyết Ðoàn 7683, 7684 và 7685 cùng Bộ chỉ huy dừng lại ở một vị trí chiến thuật vô cùng thuận lợi cho đối phương. Lúc này vì trời quá tối, lại quá mệt, Trương Ngọc Ny (cựu Trung úy Nhảy Dù) đã phạm phải lỗi bố trí quân nghiêm trọng. Anh đã cho đoàn quân dừng ngay dưới 1 ngọn đồi thấp mà không biết rằng những ngọn đồi bên cạnh lại dày đặc quân vc mai phục. Sáng ra khi vừa nhận kịp điểm bất lợi thì đã quá muộn! Hoàng Tiến đã anh dũng hy sinh thật can trường khi xô ngã Ðỗ Bạch Thố tránh một tầm đạn pháo cá nhân khác, anh bị hỏa tiển phóng lựu DTZ vỡ 1 phần sọ. Nữa tiếng sau thì từ trần không kịp trối trăn gì được. Anh chết vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày 26/7/87. KCQ Ðỗ Bạch Thố lên thay Hoàng Tiến. Trương Ngọc Ny hy sinh vào khoảng 5 hoặc 6 giờ sáng vào tháng 8/87 cùng ngày với Sỹ, trên đất Lào, đường mòn Hồ chí Minh.
Ðêm 25 , sáng 26/8, vc pháo mờ trời. Các KCQ hy sinh rất nhiều trong lúc này.
Ngày 28/8, 10 giờ sáng, Tướng Minh (tức 234) với KCQ Nguyễn Huy (tức 248), Trần Thiện Khải (tức Khánh), Hưng, Nguyễn Ðẩu đều tự sát dưới dòng suối. Tướng Minh (234) bắn bằng tay trái, súng Browning 3,2 mm, đạn trổ qua thái dương bên phải, KCQ Nguyễn Tấn Phát (nhỏ) kể “Ông Thầy (trong chiến khu các KCQ gọi Tướng Minh bằng Thầy) bắn tay trái vì tay phải bị thương đã thối thịt, treo lủng lẳng cả tuần rồi, đau lắm..., các anh khác bắn sau, đổ sấp lên ông Thầy, máu đỏ cả dòng suối”. Lời kể này có Châu Xương xen vào, Ðinh Văn Bé, Võ Kỳ Phát, và tổ chức Bảo Vệ Tù Chính Trị, cùng Nam (Trật Duột) cùng xác nhận lời Phát (nhỏ) đã kể. Vào lúc này Tướng Minh (234) đã đuổi Bạch Thố và Trần Ðế đi ngược dòng nước chảy. Chỉ còn Phát (nhỏ) núp lại tại một bụi tre, chứng kiến mọi tình tiết xảy ra dưới suối, kể cả lời nói cuối cùng của KCQ Võ Hoàng (cựu Trung úy Hải Quân) "Tôi không thể chết, tôi phải là nhân chứng cho sự hào hùng và bi thảm này", nói xong anh Hoàng bò lên vách suối, lên khỏi suối thì bị M79 nổ sát gò đất trước mặt làm nát cả đầu. Lúc này bộ đội vc tràn ngập chung quanh. Ðinh Văn Bé bị bắt ở một cánh quân khác, bị buộc dẫn đi tìm xác Tướng Minh. Lúc Tướng Minh chết, Ðinh Văn Bé bị trói cùng với Võ Kỳ Phát. Võ Kỳ Phát kể: "Sáng đâu chừng 10 giờ, tụi vc lại cởi dây trói cho Ðinh Văn Bé, dẫn Bé đi, khoảng 10 phút sau nghe tiếng súng bắn hướng mũi súng xuống đất. Ðâu chừng gần cả băng đạn nghe cả tiếng chúng (vc) nói vọng theo chiều gió: “ÐM chết rồi mà vẫn còn sáng quá cở”.
Ðinh Văn Bé kể: "Tôi bị dẫn để tìm ông Thầy. Khi đi nhận xác, lúc tôi bảo đúng ông Thầy, nó (vc) còn gằn lại 'đúng thật không'. Tôi gật đầu, tụi nó nhắm ngay xác ông Thầy và nổ súng nguyên băng. Sau nó bắt tụi tôi khiêng ổng đi. Tội nghiệp, khiêng ổng bằng đòn, đường đi, vừa mệt vừa đói vừa sợ...té lên té xuống... Ổng bị trói chân trói tay, thọc cây gậy qua rồi khiêng. Khi qua buôn Buột dân làng không cho qua, lại quá mệt...tụi nó quyết định chôn ổng. Mấy ngày sau tụi nó lại bắt chúng tôi đi đào lên để chụp hình, nghe đâu tấm hình trước bị hư. Khi đào ông Thầy lên thì bên phần thái dương mặt phải đã hư hết, tụi nó phải xẻo thịt ở bẹng (háng) để đắp lên..."

Sau đây là danh tánh của các Kháng Chiến Quân đã tử trận tại Nam Lào và Thái Lan gồm:

1/ Kháng Chiến Quân Huỳnh Trọng Hà, hy sinh năm 1986 tại Pleiku (Ðông Tiến I).
2/ Kháng Chiến Quân Lâm Thao, hy sinh năm 1986 tại Pleiku (Ðông Tiến I).
3/ Kháng Chiến Quân Huỳnh Văn Tiến (người về từ Ðan Mạch), hy sinh ngày 26/7/1987 lúc 7 giờ sáng tại quốc lộ 13 Nam Lào (Ðông Tiến II).
4/ Kháng Chiến Quân Trương Ngọc Ny (cựu Trung úy Nhảy Dù về từ Hoa Kỳ), hy sinh ngày 06/08/1987 tại quốc lộ 13 Nam Lào (Ðông Tiến II).
5/ Kháng Chiến Quân Võ Hoàng (cựu Trung úy Hải quân, nhà văn về từ Hoa Kỳ), hy sinh ngày 28/8/1987 khoảng 10 giờ 15 phút tại Saravan Nam Lào (Ðông Tiến II).
6/ Kháng Chiến Quân Nguyễn Huy, tự sát ngày 28/8/1987 lúc 10 giờ sáng tại Saranavan Nam Lào (Ðông Tiến II).
7/ Kháng Chiến Quân Trần Thiện Khải, hy sinh ngày 27/8/1987 lúc 8 giờ sáng (Ðông Tiến II).
8/ Kháng Chiến Quân Trần Việt Hướng (về từ Thái Lan), hy sinh ngày 26/8/1987 (Ðông Tiến II).
9/ Kháng Chiến Quân Long (về năm 1984 theo ngã Tân Gia Ba vào Thái), hy sinh tháng 7 năm 1987) (Ðông Tiến II).
10/ Kháng Chiến Quân Hội (về năm 1984 theo ngã Tân Gia Ba vào Thái), hy sinh năm 1986 (Ðông Tiến II).
11/ Kháng Chiến Quân Võ Sĩ Hùng (về từ Pháp), bị chết tại chiến khu năm 1989-90.
12/ Kháng Chiến Quân Ðặng Quốc Hiền (cựu Trung tá Nhảy Dù Lê Hồng về từ Hoa Kỳ), hy sinh đầu năm 1986 (Ðông Tiến II).
13/ Kháng Chiến Quân Trần Vi Thiện, hy sinh trong lao tù cs, trại A20 (Ðông Tiến II).
14/ Kháng Chiến Quân Trần Công, hy sinh tại nhà tù A20 (Ðông Tiến II).
15/ Kháng Chiến Quân Lưu Minh Hưng, hy sinh vào lúc 10 giờ sáng ngày 28/8/1987 tại Saranavan Nam Lào (Ðông Tiến II).
16/ Kháng Chiến Quân Ðẩu, hy sinh vào lúc 10 giờ sáng ngày 28/8/1987 tại Saranavan Nam Lào (Ðông Tiến II).
17/ Kháng Chiến Quân Ngô Chí Dũng (về từ Nhật Bản) bị mất tích.
18/ Kháng Chiến Quân Hoàng Cơ Minh (cựu Phó Ðề Ðốc Hải Quân VNCH), hy sinh lúc 10 giờ sáng ngày 28/8/1987 tại Saranavan Nam Lào (Ðông Tiến II).

Và hàng trăm KCQ vô danh khác của cả ba đợt Ðông Tiến đã anh dũng gục ngã trên đường xâm nhập vào Việt Nam để đấu tranh cho tự do của dân tộc. Nguyên nhân thất bại của 3 đợt Đông Tiến, đến nay (năm 2010) vẫn còn là ẩn số lớn.

Lời tường thuật và tổng hợp của cựu tù chính trị Phạm văn Thành cùng các Kháng chiến quân (đang bị việt cộng cầm tù) Nguyễn Tấn Phát (nhỏ), Võ Kỳ Phát (lớn), Châu Xương, Ðinh Văn Bé, Trần Ðế, Ðỗ Bạch Thố, Nam Trật Duột, Thạch Ba.

November 17, 2015

Mặt Trận Hoàng cơ Minh vào trại bắt lính.

Trại Nong Samet 1982
nơi xảy ra vụ "mặt trận" lừa bắt thanh niên vào "chiến khu"
(photo courtesy of Le Van Hung) 
Anh Lê Văn Hưng là nhân chứng sống trong trại tị nạn đường bộ trong thời gian Mặt Trận Hoàng cơ Minh (sau nầy đổi tên thành Việt Tân) vào trại bắt lính.

 (Trích từ truyện ngắn Vào Nơi Gió Cát của Hoài Cẩm Lê văn Hưng):

http://hclvh.blogspot.com/2008/02/vo-ni-gi-ct.html

 *

".... Đời sống tù ở biên-giới nầy quanh đi quẩn lại cũng chỉ chừng đó việc: đào giếng, đốn cây, chặt gai, cất nhà, đắp đường ... và trùm mền run bần-bật mỗi khi cơn sốt rét rừng ập đến hành-hạ người tù khốn-khổ! Họ đếm từng ngày trong sự chờ đợi vô-vọng!

Người vượt biên đường bộ bị khốn-đốn đến từ mọi phía. Đói khát, bệnh tật, chiến-tranh, chết chóc và bị lính Miên hay lính Thái hãm-hiếp là những giá mà họ phải trả trên đường đi đến Tự-Do. Trong những điều đó, có những tai-họa do người dị chủng gây ra, nhất là người Miên, vì họ tự xem là kẻ thù truyền kiếp của chúng ta sau những xung-đột lâu đời trong lịch-sử dựng nước và giữ nước của Việt-Nam. Tuy vậy, cũng còn những đe-dọa ở trại lại do chính những người đồng-bào của chúng ta đem đến!

Có lần, anh em đang đi lao-động bên ngoài, thì có lịnh phải về ngay, và thanh-niên phải tập-trung lại. Sau một lúc chờ đợi, một người đàn ông trung niên Việt-Nam mang kính cận, vóc dáng hơi thấp, xuất hiện, ông ta tự giới-thiệu:

-“Tôi là đại-úy L., thành-viên của tổ-chức A. Hôm nay xin đến gặp anh em để trình-bày cơ-cấu tổ-chức, đường lối hoạt-động, cương-lĩnh, mục-đích của tổ-chức. Sau khi nghe chúng tôi trình-bày, và xem các tài-liệu mà chúng tôi có mang theo đây, hi-vọng anh em thanh-niên sẽ cùng hợp-tác với tổ-chức của chúng tôi để sớm giải-phóng đất nước khỏi bàn tay thống-trị của Cộng-Sản.”

Nghe tới đó, anh em đang ngồi xỗm ngay hàng thẳng lối trên nền đất quay lại kín đáo nhìn nhau.

Trong lúc người tự xưng là đại-úy nói chuyện thì anh em tù được chuyền tay nhau những tập tài-liệu, hình ảnh ấn-loát rất đẹp nói về tổ-chức nầy. Vịnh để ý thấy vị lãnh-tụ là một ông già bận bà-ba đen, có quấn khăn rằn, dáng vẻ khắc-khổ, gương mặt xương xương nhưng đầy cương-nghị với chòm râu dưới cằm trông hao-hao Hồ-Chí-Minh. Tài-liệu còn đề-cập đến những chiến-dịch số 1, số 2, ... ở biên-thùy Đông-Dương.

Để kết-thúc buổi nói chuyện, viên đại-úy cho biết rằng các anh em tù không có cơ-hội đi định-cư đâu, vì họ đã can-thiệp với chính-quyền Thái và Khmer để giữ dân tị-nạn tại biên-giới. Cách duy-nhất để anh em ra khỏi trại tù nơi đây là gia-nhập kháng chiến quân mà thôi. Không gia-nhập trước thì cũng phải gia-nhập sau. Vấn-đề chỉ là thời-gian. Ông ta nói sẽ quay lại một ngày gần đây để đón anh em tân-binh, ông còn hứa rằng ai xin gia-nhập thì sẽ được biếu 300 bahts (Tiền Thái) để nấu chè “liên-hoan” trước khi lên đường và bảo-đãm vợ con được đưa lên Bangkok ở, con cái sẽ được đi học đàng-hoàng!

Trong các anh em tham-dự hôm đó, có người đã ở trại quá lâu, phần thì không được tin-tức hay giấy tờ bảo-lãnh, phần thì bị sốt rét, kiết-lỵ ... hành-hạ, nên có người đã liều đứng lên ghi tên. Khi về đến trại C.3, anh Danh đã bị người bạn gái ôm khóc:

-“Anh nói anh thương tui, tui mới bỏ hết để cùng đi với nhau tới đây, vậy mà bây-giờ anh nỡ bỏ tui một mình ở đây hay sao?”

Anh ta cũng khóc ràn-rụa, không nói được một lời với cô bạn. Sau cùng quay qua Vịnh phân-trần:

-“Em cũng muốn được đi định-cư lắm chớ anh, nhưng mà bây giờ em bịnh quá thế nầy thì làm sao? Không đi thì trước sau gì em cũng chết ở xó rừng nầy thôi!”

Bẵng đi một thời-gian, không nghe ai đả động gì về kháng-chiến nữa. Anh em lại chú tâm vào công-việc hàng ngày như trước để chờ đi định-cư. Lại đào giếng, lại cất nhà, lại đắp đường ...

Một hôm, vào lúc chạng-vạng, dân tị-nạn chuẩn-bị ăn tối, thì có một chiếc xe truck màu xanh nước biển do hai tên lính Thái lái, đến gặp ông già Lâm-Nê --viên trưởng trại người Khmer Krom-- để xin một số thanh-niên khỏe mạnh đi sửa đường nơi ngả 3. Họ hứa sẽ trả công bằng gạo và cá mòi hộp dẹp. Anh em thanh-niên tranh nhau lên xe. Chiếc xe quay đầu lao về phía “tà-nụp”, bụi đất cuốn tung lên phía sau. Khoảng một giờ sau, đám thanh-niên hớt-hơ hớt-hãi chạy bộ trở về, mồ-hôi mồ-kê nhễ-nhại. Gạo cá trả công đâu chẳng thấy, mà có người lại còn mất cả dép nữa! Dân-chúng xúm lại hỏi thì mới biết khi đổ quân tại “tà-nụp” xong, chiếc truck đậu chắn ngang con đường độc đạo dẫn về trại. Trong lúc đó, không biết từ đâu xuất-hiện một chiếc xe “van” và một số người được ông đại-úy L. cầm đầu. Chiếc “van” de lại, mở cửa ra và người của ông đại-úy nhảy xuống bao-vây để lùa đám thanh-niên lên xe “van.” Họ bỏ chạy tán loạn, mạnh ai nấy tìm đường thoát thân, trong khi hai tên lính Thái đứng khoanh tay trước ngực cười ngặt-nghẽo coi bộ thích-thú lắm!

Vài tháng sau, chiến-tranh bắt đầu leo thang. Có lẽ đây là thời-cơ thuận lợi cho việc tuyễn quân, vì tinh-thần dân tị-nạn bị giao-động và họ sẽ dễ-dàng gia-nhập kháng-chiến, nên đại-úy L. trở lại để tiếp-nhận lính mới. Một ngày trước hôm giao quân, đại-úy L. đến trại để cho mỗi tân-binh 300 bahts như đã hứa. Tối hôm đó, những người ấy nấu một nồi chè đãi các anh em còn ở lại trước khi chia tay. Có người còn cố nói đùa:

-“Chúng tôi đi trước, các anh đi sau. Hi-vọng sẽ gặp lại nhau trong chiến-khu một ngày gần đây!”

Đến sáng hôm sau, việc tuyễn quân gặp trở-ngại. Số là có anh Hào mấy tháng trước đã ghi tên vì chờ quá lâu mà không nhận được giấy bảo-lãnh của gia-đình bên Mỹ. Gần đây, anh nhận được hồ-sơ do cha anh gửi qua, và anh đã đổi ý, không muốn tham-gia kháng-chiến nữa. Khi đại-úy L. đến, anh trốn trong cầu xí của trại không chịu ra trình-diện. Ông L. cùng với lính Thái đã vào tận nơi bắt buộc anh phải lên xe.

Sau nầy, nghe đâu anh Danh đã bị bắn chết trong khi tìm cách trốn. Còn anh Hào thì bặt vô âm tín, không biết sống chết ra sao! Còn các anh em khác như anh D.B.Thố, anh D.X.Trường, ... bị Việt-Cộng bắt đưa về Việt-Nam. Người thì lãnh án 10 năm, người thì 20 năm, người thì chung thân ...! ......."

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes