September 28, 2017

Phỏng Vấn Vượt Biên Đường Bộ Qua Ngả Nam Vang

Nguyễn Văn Yên

"Lính Pol Pot giết chết gia đình dòng họ của tôi tất cả là 30 người. Lúc vượt biên đi qua thành phố Kompong Chang, nơi chôn nhau cắt rún của tôi, tôi đau lòng không kể xiết vì về đến nơi cha mẹ anh em mình bị giết mà không được đốt một nén nhang. Trước kia anh tôi làm tổ trưởng thời Lonnol nên bị tụi nó trói vào cây Thốt Lốt khứa cổ cho đến chết. Tôi lại vừa được tin vợ tôi ở Việt Nam cho hay con tôi đau nặng thổ huyết. Bây giờ ngồi đâu tôi cũng thấy hình ảnh gia đình tôi bị thảm sát. Con tôi đang bị ra máu."

Với khuôn mặt ốm đen và đôi mắt lạc thần, anh Nguyễn Văn Yên cho biết như trên. Anh Yên cũng như anh Đỗ Minh Thao đều là người sinh trưởng ở Cao Miên. Hai anh đã di cư về Việt Nam lúc Việt kiều bị "cáp duồn" thời Lonnol. Nay hai anh lại kẻ trước người sau đều vượt biên đường bộ qua ngả Cao Miên sang Thái Lan và đến Mỹ tháng 11-81. Nhờ sự quen biết lúc người viết bài còn ở Nam Vang, nên anh Yên và anh Thao đã dành cho Đuốc Từ Bi một buổi phỏng vấn đặc biệt.

NHIỀU NGẢ ĐI
Anh Thao cho biết anh phải giả làm con buôn để lên xuống Nam Vang nhiều lần cho rành ngõ ngách trước khi anh quyết định vượt biên. Theo anh thì có nhiều con đường để trốn lên Nam Vang. Con đường thứ nhất là con đường sông, qua ngả sông Me-Kong (Cửu Long), khi đi ngả này anh phải ăn ngủ trên ghe suốt 25 tiếng đồng hồ mới đến cầu Saigon (Chiếc cầu nối liền ngoại ô và thủ đô Nam Vang). Anh cho biết người Việt Nam lên xuống buôn bán lậu theo đường sông Châu Đốc - Nam Vang này. Họ chở ổi, cóc, chôm chôm và cam lên Nam Vang và chở về nhiều ve chai, xăng v.v...Theo anh thì bộ đội cộng sản đi tuần thường xuyên dọc theo bờ sông này để bắt thanh niên Việt Nam.

Ngả thứ hai lên Nam Vang là từ Hà Tiên lên chợ trời Lục Son rồi đi Vũng Trách. Con đường cuối cùng để đi Nam Vang là đường đi từ Tây Ninh qua Svay Riêng lên Phú Lương rồi đi thẳng lên cầu Saigon. Anh Thao cho biết anh bị chận bắt nhiều lần nhưng nhờ biết nói tiếng Miên và lo lót tiền cho lính Miên nên thoát được. Theo anh thì có khi phải đưa cho họ mỗi lần 10 đồng hoặc 20 đồng tiền Miên. Được biết một đồng tiền Miên đổi được hai đồng rưỡi tiền Việt mới, tức 2.500 đồng tiền cũ. Về phương tiện di chuyển anh Thao cho biết khi đi đường bộ anh phải đi bằng xe đò, hay xe hàng hoặc "xe đạp ôm". Anh nói "Khi đi dọc đường tôi thấy cảnh vật thật tiêu điều. Nhà cửa thì sập, cây cối cháy hết, xác xe hư cháy nằm dài theo đường. Ở Phú Lương gần Nam Vang cũng giống như những tỉnh khác, dân phải che chòi ở dọc theo đường lộ. Thật là thảm!"

Riêng anh Yên, sau khi bị toán dẫn đường bộ bỏ rơi tại tỉnh Pong Cham, anh phải lội bộ trở về Tây Ninh. Anh cho biết cộng sản Việt Nam kiểm soát rất chặt chẽ, nhưng nhờ anh nói tiếng Miên giỏi, và ăn mặc giống hệt như người Miên, lúc nào cũng quấn khăn choàng tắm sọc ca rô đen nên anh thoát được. Anh nói:

"Lần thứ hai tôi theo tổ chức con buôn. Tôi đi từ Tây Ninh lên Kompong Chàm rồi lên Nam Vang. Tiền Miên và tiền Việt không được ưa chuộng bằng vàng, nên mỗi người đi phải đem theo một sợi giây vàng một lượng cho chắc ăn. Mỗi lần ăn uống hay đi xe phải cắt một khúc. Một bữa ăn giá năm phân vàng. Ăn xong chủ tiệm cắt của mình một khúc vàng đem cân. Riêng tiền vượt biên thì mỗi người đóng cho con buôn bốn cây. Anh bạn đi với tôi không biết tiếng Miên nên phải giả câm cho đến khi vào trại Thái Lan."

THÀNH PHỐ MA

"Thật tôi không biết dùng lời lẽ nào để diễn tả. Nam Vang bây giờ như một thành phố ma! Nhà cửa đổ nát đầy vết đạn. Đường phố thật vắng vẻ, xe cộ hư bỏ đầy đường. Các công viên bây giờ rác rến hôi hám. Tôi chỉ thấy Việt Cộng đi nghêu ngao ngoài đường chớ không thấy dân Miên". Anh Yên lắc đầu buồn bã cho biết như trên khi được hỏi cảm tưởng khi trở lại thành phố Phnom Penh. Anh Thao cho biết thêm:

"Nhà thờ Chánh Tòa không còn một miếng ngói. Nhà thờ Trái Tim, nhà thờ Russeykeo, nhà thờ Xóm Biển không còn gì hết. Nóc chùa Tháp thì bị gẫy, còn chiếc cầu bắt qua Chrui-Chang War cũng bị gẫy ngang."

Cũng nên giải thích thêm nhà thờ Chánh Tòa rất lớn như nhà thờ Đức Bà tại Saigon. Các nhà thờ Trái Tim, Russeykeo và Xóm Biển là những nơi mà Việt kiều mình thường lui tới và sinh sống chung quanh. Còn Chùa Tháp là nơi linh thiêng, người dân Miên nhất là các cặp trai gái thường đưa nhau đến đó để thề nguyện. Trước kia khi chính phủ Cao Miên chuẩn bị cất chiếc cầu nối liền thành phố Cao Miên (Nơi trường Bà Phước Providence) và đảo Chrui-Chang War thì đã có lời tiên đoán được loan truyền. Đó là nước Miên sẽ có chiến tranh rất lớn khi nào thành phố Phnom Penh nói liền với đảo Chrui Chang War. Quả nhiên như vậy.

Anh Thao cho biết hiện tại xứ Miên không sản xuất nên hàng lậu ở Thái Lan qua rất nhiều như vải, đồng hồ, thuốc lá v.v...Anh cho biết cộng sản ra lịnh: Nếu một người Miên đánh bộ đội sẽ bị bắn bỏ. Anh nói:

Những người Miên chạy "xe đạp ôm" nói với tôi: "Họ mong sao cho thái tử Sihanouk về lắm. Họ nói Heng Samrin có vỏ mà không có ruột. Toàn là bộ đội ra lịnh không hà."

ĐƯỜNG QUA BIÊN GIỚI

Cũng như anh Yên, anh Thao lội bộ băng qua ruộng đồng, rừng rậm để đi từ Nam Vang qua biên giới Thái Lan. Anh Yên nói:

"Ruộng nương của họ khô cạn không ai cày cấy. Tỉnh Battambang trước kia có táo, nhãn, cam rất ngon và nhiều, nay cây cỏ khô héo, không ai săn sóc gì cả."

Theo anh Thao thì lính của Heng Samrin trẻ, có người chỉ 12, 13 tuổi, anh nói:

"Có đứa lùn hơn cây M-16. Tụi nó ăn hối lộ dữ lắm. Tôi thấy một xe hàng chở hai phuy xăng lậu. Lính của Heng Samrin lấy 500 đồng tiền Miên. Tôi cũng có gặp một đại đội Việt Cộng. Có cả súng phòng không, xe tăng đại pháo nữa."

Anh Thao cho biết anh phải vượt rất nhiều đoạn đường cực kỳ nguy hiểm mới đến được đất Thái. Từ Battambang anh đi đến Sisophon và theo anh từ đó qua biên giới có hai con đường là đường đi Prờ Cắt và đường đi Lờ Mít. Nếu đi ngả Prờ Cắt thì đoạn đầu sẽ gặp lính Heng Samrin và bộ đội Cộng sản. Họ sẽ lấy hết vàng, tiền, có khi nhốt luôn. Nếu qua đoạn này sẽ gặp lính Pol Pot. Khi đến gần biên giới sẽ gặp lính Para cướp bóc hãm hiếp rất thảm khốc (Para là lính cũ của Lon Nol, vô kỷ luật). Anh kể tiếp:

"Đường đi Lờ Mít dài 40 cây số có lính Heng Samrin gác dọc đường ăn hối lộ. Khi đến xã Lô Mít lính Miên sẽ chỉa súng hỏi: "Duôn hay Khmer? (Là Việt hay Miên)". Nếu không nói được tiếng Miên sẽ bị bắt ngay. Qua xã nầy phải đi vào rừng và sẽ gặp bộ đội, một người lấy tiền một người quỳ cầm súng để hờm bắn nếu có ai chạy. Qua chặng nầy mới nửa cây số sẽ gặp lính ra cướp giựt một lần. Họ bắt lột hết quần áo, họ móc lỗ tai, hậu môn. Đàn bà bị hãm hiếp mà la bị họ giết ngay."

Anh Thao cho biết sau đó anh đến chợ trời Nông Chan, nằm giữa Thái Lan và Cao Miên. Tại đây có Hội Hồng Thập Tự phát gạo và thức ăn cho dân Miên. Anh qua đến làng Xiêm của Thái Lan và cuối cùng sau khi đi bộ khoảng ba giờ anh đến làng Miên tên Chùm Num Thmey 007. Tại đây anh có đến xem một cái giếng nơi đó trước đây xác người Việt Nam bị giết bỏ vào rất nhiều. Anh cho biết Hội Hồng Thập Tự mang gạo vào làng này để đổi dân tỵ nạn và nhờ vậy anh được đưa vào trại tỵ nạn NW9.

Phê bình về sự độc ác của các nhóm quân Miên, anh Yên nói:

"Nếu gặp Khmer Tự Do thì hên hơn cả. Hên có nghĩa là chỉ bị cướp bóc, hãm hiếp đánh đập dã man. Còn nếu gặp Pol Pot thì kể như chết.

Anh Yên đã bị Khmer Tự Do, tức quân đội cũ của Sihanouk, bắt nhốt một tuần lễ lao động phá rừng, anh nói:

"Khi bị nhốt tôi thấy họ tập dợt như ở quân trường, họ có súng M-16, AK, M-79, B-40. Lính của họ ăn mặc như Biệt kích Dù, mang giầy Mỹ. Họ ăn xả ớt, muối khô, thỉnh thoảng có đồ hộp. Phải công nhận họ có tinh thần lo kháng chiến lắm.

ĐIỀM LẠ TRƯỚC CHIẾN TRANH

Năm 1970, sau khi tướng Lonnol lật đổ chính quyền Sihanouk, Việt kiều sinh sống tại nước Miên bị giết rất nhiều nên đã tản cư về Việt Nam. Trong khoảng thời gian nầy, người viết bài có dịp tiếp xúc phỏng vấn rất nhiều người để viết cho nhật báo Chính Luận. Theo các Việt kiều này thì có nhiều điềm lạ đã xảy ra trước khi ông Sihanouk xuất ngoại và mất ngôi vua. Các điềm này cũng được anh Yên và anh Thao mục kích hoặc nghe thấy khi còn ở xứ Miên.

Điềm thứ nhất là con "Bạch Tượng" của ông Sihanouk ở bên hông thành vua bỗng nhiên dậm chân la hét suốt ba ngày, ba đêm, nước mắt chảy tuôn tuôn. Cũng nên biết trước khi xuất ngoại ông có từ giã và vuốt ve nó thì nước mắt nó chảy hai hàng, đầu nó cọ vào người ông ra chiều buồn bã lắm. Trước đó hai năm có một lần voi trong thành bị sút chuồng rượt dân chúng chạy tán loạn. Nhiều người cho rằng đó là điềm không tốt có thể xảy ra chiến tranh.

TÁC GIẢ XIN MỞ MỘT DẤU NGOẶC:

"Trên thực tế, quan điểm chung của các nhà phân tích tình hình Đông Dương, các chiến lược gia quân sự, đều cho rằng chính ông Hoàng "tráo trở" Sihanouk là thủ phạm đã đưa nước Cam Bốt vào tình trạng tan nát điêu tàn hiện nay. Ngoài miệng ông nói trung lập, nhưng ông thông đồng với Hà Nội, chứa chấp các đại đơn vị và hậu cứ của quân đội cộng sản trên đất Miên. Hà Nội lợi dụng đất Miên làm hậu cứ, tự do đánh thọc vào sau lưng miền Nam Việt Nam, rồi lại rút về dưỡng quân trên đất Miên và tăng cường tiềm năng để phát động các chiến dịch khác, dần dần đi tới các cao điểm An Lộc, Phước Long và chót hết thôn tính miền Nam Việt Nam. Các tướng lãnh nổi danh ở chiến trường Đông Dương như Đại tướng Salan, Đại tướng Westmoreland đều nói giống nhau rằng "Khi địch nắm được hậu cứ Cao Miên thì chúng có cái thế chủ động rất mạnh đối với chiến trường miền Nam Việt Nam..."

Chính Sihanouk đã cho Hà Nội cái sức mạnh đó, đưa đến kết quả là cả Cao Miên lẫn Việt Nam đều bị Cộng sản thôn tính.

Điềm thứ hai xảy ra trước thành vua. Một hôm có người đàn ông leo lên cột cờ, ai gọi ông cũng không xuống. Lính Miên có đem vòi rồng xịt ông cũng không rớt. Đến trưa, ông tuột xuống và ngơ ngẩn không biết gì cả. Nhiều người cho rằng đó là một "Lục Tà" vì xứ Miên có nhiều "Ông lên Bà xuống". Lính Miên ập lại đánh cho một trận nhừ tử.

Điềm thứ ba lạ lùng nhứt xảy ra tại nhà mát nổi trước thành vua. Hôm đó ông già lo việc dọn dẹp nhà nổi đang quét cách hành lang, bỗng nhiên ông ta quăng chổi chạy lên bờ. Người ta bu lại xem thì thấy có hai con sấu bạch nổi lên nằm song song, gác mỏ lên các bậc thang sát mặt nước. Cách một bữa sau lại nổi một lần nửa rồi đi mất luôn. Mấy ngày nay dân chúng đi xem đông như có đua ghe hay thủy lục vậy. Từ đó tại xứ Miên bắt đầu có giết chóc, chiến tranh.

Nhân dịp này anh Thao và anh Yên cũng nhắc lại là trước đó hiện tượng sao chổi với chiếc đuôi hướng về phía nước Miên. Người viết bài cũng nhớ lại những lời truyền khẩu khi còn sống ở xứ Miên trước năm 1963. Các vị sư sãi xứ Miên kể lại rằng trong kinh Miên có nói: "Sau này chiến tranh sẽ xẩy ra tại xứ Miên, thây trôi đầy sông, trước thành vua máu ngập tới bụng ông Bồ (voi) và những người sống sót ngồi không giáp cây lâm vồ".

Nếu lời tiên đoán trên hoàn toàn đúng thì phải chăng sự chết chóc ở xứ Miên sẽ còn thảm khốc hơn nữa?

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes