April 30, 2012

30 tháng 04 năm 2012

30 tháng 04 năm 2012

April 25, 2012

Người tị nạn Chàm (hay Chăm, hay Chiêm Thành) -1984

Những người tị nạn Chàm (Chăm, hay Chiêm Thành)  trong trang phục cổ truyền tại trại Dongrek

(Photo courtesy of Pham Dinh Dai)



April 19, 2012

Mùa Đông Năm 1984

Mùa đông năm 1984, dân tị nạn ở Dongrek vừa nôn nao vừa lo lắng vì nhiều sự kiện xảy ra dồn dập. Họ  lo lắng nhưng ai cũng có một tâm trang phấn khởi.

Vì từ hồi đầu tháng 11, dân tị nạn trại Dongrek  xôn xao  với những buổi sáng  khi  xe bus Thái vào đưa người đi phỏng vấn ở Ban Thai Samart gần Aranyaprathet.

Tân Tây Lan bắt đầu, rồi lần lượt Gia Nã Đại, Pháp, Úc, các nước Châu Âu...rồi tới Mỹ

Lúc đầu xe bus chỉ lưa thưa,1 chiếc hôm nay, 2 chiếc sáng mai. Người được đón đi phỏng vấn ở những nước châu âu hay Úc còn ít, nhưng khi Mỹ bắt đầu thì rộn ràng vô cùng. Từ tờ mờ sáng, hàng đoàn xe bus vô đưa hàng trăm người đi Ban Thai Samart mỗi ngày.

Ngày 22/12 thì trại Dongrek lại yên lặng trở lại. Những người ngoại quốc đã  trở về nước của họ nghĩ lễ. Dân tị nạn trở lại tâm trạng bồn chồn chờ đợi, nhưng xôn xao bàn tán nhiều hơn. Vui thì ít mà lo âu thì nhiều. Vui vi đã được đi phỏng vấn, lo lắng vì vẫn chưa biết được nhận hay không.

Lo hơn nửa là tiếng đạn pháo xa xa từ phía Ampil và Nong Samet vọng về. Bộ đội Việt Nam đang tấn công ở hướng đó. Ai cũng lo lắng không biết khi nào sẽ tới lượt Dongrek. Làm dân tị nạn vùng biên giới, mùa khô là mùa chạy loạn. Bộ đội Việt Nam năm nào cũng tấn công vào dịp mùa khô này, vì lúc này họ có thể vận chuyển vũ khí quân lính dễ dàng, và xe tăng cũng có thể tham gia cuộc chiến

Mùa đông năm 1984 cũng thế, tin tức từ Hồng Thập Tự cho biết bộ đội Việt Nam bắt đầu tấn công khắp nơi dọc biên giới Thái Lan.

Nong Chan đã thất thủ hồi giửa tháng 11
Đầu tháng 12 làng Nam Yuen gần Lào đã bị tràn ngập
Giửa tháng 12 trại Sok Sann mãi tận phía nam phải di tản

Không ai tỏ vẻ ngạc nhiên vì lần nào cũng vậy, bộ đội tấn công thì lính Khmer chỉ chống cự qua loa, rồi sẽ chạy qua đất Thái lánh nạn, dân chúng cũng phải di tản theo, nên cảnh chạy loạn vào đất Thái sẽ là chuyện đương nhiên một khi bộ đội đánh vào bất kỳ chổ nào vùng biên giới này.

Bây giờ thì Nong Samet đang bị tấn công với xe tăng. Có người nói Ampil cũng đang bị tấn công. Người tị nạn từ Dongrek có thể nghe tiếng đạn pháo đì đùng từ hướng ấy vọng về.


Ngày 24/12,  Cha Pierre Ceyrac tới làm lễ Noel trong căn nhà thờ công giáo làm không khí trại tưng bừng hơn. Hình như ai cũng tạm quên những lo lắng buồn phiền cho số phận, tạm quên những tiếng đạn pháo vẫn đì đùng, để lắng nghe tiếng hát từ nhà thờ vọng vang

Đêm Thánh vô cùng
Giây phút tưng từng
Nhấp chén phiền
Vương phong trần
Ôi Thiên Chúa thương người đến quên mình
Bơ vơ chốn quê nhà...


Ngày lễ Noel tới rồi đi. Niềm vui qua mau, người tị nạn lại trở lại kiên nhẩn chờ đợi. Bỗng dưng sáng 27/12, một chiêc xe buýt nhỏ tới đậu ngay trước văn phòng trại Dongrek.

Người ta đổ xô ra sân banh đứng vây quanh chỉ chỏ,  xôn xao bàn tán. Thì ra đây là chiếc xe buýt của Thái vào đưa các thầy và cha công giáo lên Panatnikhom để làm thủ tục đi định cư.

Đây là lần đầu tiên người tị nạn đi định cư từ trại Dongrek công khai như vậy. Dân tị nạn túa ra bu quanh chiếc xe nhỏ. Người ta nhìn  chiếc xe mà thèm thuồng mơ ước. Người ta nhìn bóng dáng những người may mắn hôm ấy mà âm thầm ghen tị

Có nhiều người chỉ đứng xa xa, lặng lẻ nhìn cảnh chia tay đang diễn ra. Những giọt lệ long lanh chực trào ra trong khóe mắt

Họ không khóc vì phải tiễn người đi, mà họ đang thương hại cho chính mình. Họ cảm thấy bị bỏ rơi khi trại Dongrek đang phập phồng chờ đợi chiến tranh đến lùa họ về nơi vô định. Họ cảm thấy tội nghiệp cho số phận như bị quên lãng. Nhìn người may mắn ra đi mà tự nhiên thấy ao ước thiên đường Panat xa vời, thấy tủi cho thân phận mình vẫn còn long đong vùng biên giới, thấy ngậm ngùi như tiếng hát nào vẫn âm vang lời tâm sự

A vì sao tự nhiên tôi mơ màng
Khi nắng chiều ngã bóng, trời vào tối
A vì sao tự nhiên tôi ngậm ngùi
Thương cho mình vẫn xa nước trời.

Họ đứng ngẫn người nhìn bóng dáng chiếc xe chở người đi từ từ nhỏ dần trên con đường bụi mờ.

Nhỏ dần.
Rồi biến mất.

Nước mắt long lanh nhưng họ không khóc

Trong một bức thư từ địa ngục trại tị nạn gởi cho người bạn ở chốn thiên đường,  một người tị nạn đã viết "Ngày các thầy đi em không khóc - Em đứng tiển các thầy,  cho tới khi chỉ còn em với những lớp bụi mà chiếc xe và các thầy đã để lại."

(Photo courtesy of  Pham Dinh Dai)







April 16, 2012

Photo from DongRek Site II Chùa Phật Giáo Việtnam

April 12, 2012

Photos from DongRek Site II High Resolution
















Photo from DongRek Site II

Đây nơi nguyện cầu cho lòng ta bình yên nơi núi rừng biên giới.

April 11, 2012

Photos from DongRek Site II

April 09, 2012

Những Ngày Đầu ở Site A - 1/1985 (3)

Những hình ảnh này chụp ở Site A..
Ngày 24 tháng 1, 1984, bộ đội Việt Nam tấn công vào Dong Rek, người tị nạn Việt Nam tại vùng biên giới phải chạy loạn tới Site A nằm trong đất Thái Lan, cách biên giới khoảng vài cây số.

Những hình ảnh này ghi lại dịp cha Pierre Ceyrac tới thăm trại và cử hành thánh lễ tại nhà nguyện được che tạm thời vội vàng bằng những tấm bạt xanh

 (photo courtesy of  Pham Dinh Dai)

Cha Pierre Ceyrac chụp hình với dân tị nạn 
Phía sau là ngoài nhà nguyện che tạm bằng bạt ny lông xanh


Cha Pierre Ceyrac chụp hình với dân tị nạn 
Phía sau là ngoài nhà nguyện che tạm bằng bạt ny lông


Cha Pierre Ceyrac cử hành thánh lễ trong nhà nguyện che bằng bạt ny lông.
Anh Vũ  xung phong giúp lễ

Cha Pierre Ceyrac cử hành thánh lễ




Một thiện nguyện viên (không nhớ tên) cũng dự thánh lễ

April 03, 2012

Dongrek - January, 1985

Dongrek  - Cuối tháng 1, 1985 -
 Một nhân viên thiện nguyện trở lại trại Dongrek sau khi người việt tị nạn đã chạy loạn qua Site A ngày 25/1/1985. Anh ta đang  đứng trong nhà thờ công giáo đổ nát hoang tàn, xem xét khung bàn thờ bị rơi xuống. Bên tay trái tấm hình là một căn lều tị nạn hoang vắng. Lúc này trại Dongrek không còn ai


 (photo courtesy of  Đinh Quốc Tuấn)

**
*
 (Đăng lại bài viết của Lâm Quãng Nhân về sự kiện này)

Dongrek, Đêm Không Ngủ
Dongrek vẫn ngủ vùi, mặc dù t iếng pháo vẫn nghe rõ mồn một từ phía Ampil.

Ngày 7, tháng 1, năm 1985.
Buổi sáng hôm nay đầy sương mù. Mọi hoạt động đã bắt đầu. Trong khi các trận đánh của quân kháng chiến Khmer tự do và Cộng quân vẫn diễn ra một cách ác liệt. Nơi đó, cách Dongrek không quá ba cây số đường chim bay.
Dongrek đang lên cơn sốt từ mấy hôm nay. Mọi nguồn cung cấp từ biên giới Thái đều bị giới hạn. Các xe cứu thương của cơ quan MSD cũng như các xe nước đều bị giới hạn. Xe nước giảm xuống từ mùng 5 đến mùng 7 tháng 1 năm 1985. Tiếng thông báo từ chiếc loa của ban đại diện vang lên trong không gian. Hôm nay, chúng tôi không được phép ra khỏi trại vì dân Khmer sẽ biểu tình và tuần hành bên cạnh trại chúng tôi vì ngày 7 tháng 1 là ngày Quốc Khánh của bọn bù nhìn Hen Samrin.
Thế là chúng tôi, những người Việt nam vô tội lại nhận chịu những quả dưa thối, những hòn đá hay những lon cá được ném vào từ phía ngoài.
Khoảng 7:00 giờ sáng, khi mọi sinh hoạt gần bình thường, bất chợt, những tiếng dội xé không gian, cách trại chúng tôi không xa. Những xe nước hôm nay không vào. Chúng tôi hầu như bị cô lập hoàn toàn. Dongrek được nối với thế giới tự do bên ngoài chỉ bằng một cánh cổng mà chúng tôi thường gọi là ”công lôi”. Chỉ một vài chiếc xe của ICRC (HTTQT, chữ tắt của International Committee of Red Cross) được phép vào và xuất hiện trên đường sau khi đạn pháo đã ngừng hẳn. Đó cũng là một biểu tượng duy nhất của mối liên lạc bên ngoài.
Nước! Nước! Một nhu cầu cấp thiết ở một vùng cao nguyên không tìm ra một giọt nước này. Chúng tôi hoàn toàn không có nước dự trữ, vì trong tình trạng bình thường, mỗi đầu người chỉ có 9 lít nước cho mỗi ngày.
Chúng tôi vội vã ăn những hột cơm trong lo âu và sợ sệt, rồi sắp xếp lại đồ đạc để đề phòng những quả pháo sẽ bất chợt đến viếng thăm vào ban đêm trong dịp lễ Quốc Khánh của họ.
Đúng như dự đoán, khi mặt trời vừa khuất bên kia dãy núi Dongrek. Đêm đen dần, hàng loạt quả pháo lại nổ tung cách chúng tôi không xa. Chúng tôi phải nằm và phải bò, mặc dù chúng tôi chưa bao giờ bước chân đến quân trường.
Tiếng gọi nhau xen lẫn với tiếng rít của pháo nghe rợn người. Chúng tôi lại đổ xô lên nhau mà thoát ra cổng chính. Tất cả 4,473 người chen chúc ra bằng một cánh cổng rộng không quá năm thước. Người ta chen lấn và đè lên nhau để tìm lối thoát. Có kẻ đã phá rào để thoát ra, hòa chung với dân Khmer đang di tản bên ngoài. Mặc dù lính Thái vẫn chưa cho vào đất họ, chúng tôi đã phải dìu dắt nhau mà chạy vì nhiều cụ già, em bé, nhất là các phụ nữ đã té hay bị xây xát trong khi thoát ra khỏi trại.
Trại rộng khoảng gần một cây số vuông. Ngày trước phải chen chúc nhau mà ở. Bây giờ vắng lạnh, không một bóng người. Tất cả đã vào rừng hay vào sâu tận chân núi để ẩn nấp. Đồ vật văng tung tóe khắp nơi trong sân trại.
Cảnh màn trời chiếu đất lại tái diễn với chúng tôi. Trời đầy sương mù, bóng đêm như đe dọa và uy hiếp. Từng nhóm người tụ nhau lại trên sân cỏ, trên đá, dưới ánh trăng mờ nhạt. Những nét đau khổ, sợ hãi hiện rõ trên từng gương mặt. Chiến tranh là thế đấy!
Chúng tôi đã đánh đổi tất cả những gì yêu qúy nhất của một con người để tìm lấy một cảnh đời mới với hy vọng sẽ hưởng được chút ánh sáng của tự do. Nhưng trớ trêu thay, chiến tranh vẫn đuổi theo chúng tôi. Ngay cả khi chúng tôi đang đứng trước ngưỡng cửa tự do.
Liệu khi Cộng quân tấn công vào đây, chúng tôi có được phép di tản vào đất Thái hay một nơi nào an toàn khác không hay vẫn sống với nhóm dân Khmer đang rực lửa căm hờn và sẵn sàng hành hung chúng tôi? Ban ngày chúng tôi có thể bám víu vào Chúa thôi.
Những hình ảnh Cộng quân tràn ngập Dongrek, cảnh chết chóc hay những tấm plastic xanh dưới bầu trời rực lửa như đe dọa và uy hiếp chúng tôi. Mang tâm trạng hãi hùng, chúng tôi qua một đêm.

Sáng ngày 8 tháng 1, năm 1985.
Chúng tôi được phép về trại, mặc dù tiếng súng vẫn còn vang lên cách chúng tôi không xa. Với tư thế sẵn sàng, chúng tôi phải đương đầu với mối khó khăn khác: Nước, mỗi đầu người chỉ được hai lít để nấu nướng, uống và tắm giặt.
Sáng hôm nay, nơi được khách thăm viếng đông nhất sau đêm qua là OPD (Outpatient Department), các bệnh nhân đến. Kẻ nằm chờ, kẻ đứng đợi, đông như kiến. Nhưng thuốc men thì rất tiếc, không đủ để cung ứng.
Cứ với không khí căng thẳng đó, chúng tôi trải qua đến tối, thời điểm các đợt pháo thường viếng khu vực này. Chúng tôi vai gồng vai gánh cùng nhau ra sân banh, gần cổng chính để ngủ hầu chạy dễ dàng hơn.
Một số lính Para Miên, thuộc phe kháng chiến tự do của Sonn San không chính phủ, lúc bấy giờ được di chuyển vào vùng này. Lợi dụng tình hình khẩn trương đó, họ vào trại bắt phụ nữ hãm hiếp, cướp đoạt tài sản và hành hung một số người.
Sau lưng, Cộng quân đang đe dọa. Trước mặt cảnh hãm hiếp lại diễn ra. Chúng tôi là những người Việt Nam tị nạn, nào có tội tình gì đâu? Có chăng là cái tội ”Tìm tự do” thôi. Sao chúng tôi lại nhận chịu những cảnh thương tâm đến thế này. Suốt đêm không ai ngủ được. Sương mù vẫn dầy đặc và đạn pháo vẫn nổ không xa.
Ngày 9 tháng 1, năm 1985.
Sáng đến, khi ánh mặt trời đã xua tan đi bóng đêm cùng những lo âu và sợ hãi, chúng tôi thở phào như trút được gánh nặng. Mọi mệt mỏi hầu như tan biến, chỉ có những gia đình gặp điều bất hạnh thì còn đau khổ. Chúng tôi trở về nơi ở với những bước chân rã rời sau một đêm không ngủ.
Cứ thế, mỗi buổi chiều, chúng tôi lại di tản tạm ra sân banh để ngủ, nhất là các cô gái thì tình trạng rất căng thẳng. Biên giới vẫn đóng cửa. Nạn thiếu nước vẫn đe dọa. Bệnh hoạn mặc sức tung hoành. Đạn pháo và nạn hãm hiếp vẫn đe dọa hằng đêm. Mọi người phải sống với một tinh thần bịnh hoạn. Chúng tôi phải chịu đựng cảnh tượng này đến bao giờ?
Hơn hai năm nay, chúng tôi đã chịu đựng quá nhiều đau khổ, thế mà tương lai vẫn là một viễn tượng xa vời. Liệu khi Cộng quân tấn công vào Dongrek, chúng tôi có thoát khỏi các họng súng tàn ác của kẻ thù không?


 Nhà thờ Dongrek chụp một ngày sau khi Dongrek bị tấn công và dân tị nạn đã di tản tới Site A ngày 25/1/1985
(Photo courtesy: Anonymous)

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes