November 30, 2012

Ngày Phỏng Vấn - The Day

Mùa đông năm 1984, dân tị nạn ở Dongrek vừa nôn nao vừa lo lắng vì nhiều sự kiện xảy ra dồn dập. Họ lo lắng nhưng ai cũng có một tâm trang phấn khởi.

Họ phấn khởi vì từ hồi đầu tháng 11, dân tị nạn trại Dongrek xôn xao với những buổi sáng khi xe bus Thái vào đưa người đi phỏng vấn ở Ban Thai Samart gần Aranyaprathet.

Tân Tây Lan bắt đầu kêu tên phỏng vấn, rồi lần lượt Gia Nã Đại, Pháp, Úc, các nước Châu Âu...rồi tới Mỹ

Lúc đầu xe bus chỉ lưa thưa,1 chiếc sáng nay, 2 chiếc sáng mai. Người được đón đi phỏng vấn ở những nước châu âu hay Úc còn ít, nhưng khi Mỹ bắt đầu thì rộn ràng vô cùng. Từ tờ mờ sáng, hàng đoàn xe bus bốn, năm chiếc vô đưa hàng trăm người đi Ban Thai Samart mỗi ngày.

Ngày 22/12 thì trại Dongrek lại yên lặng trở lại. Những người ngoại quốc đã trở về nước của họ nghĩ lễ. Dân tị nạn trở lại tâm trạng bồn chồn chờ đợi, nhưng xôn xao bàn tán nhiều hơn. Vui thì ít mà lo âu thì nhiều. Vui vi đã được đi phỏng vấn, lo lắng vì vẫn chưa biết được nhận hay không. Và càng lo lắng khi mình chưa được gọi tên....

Tiếng đạn pháo xa xa từ phía Ampil và Nong Samet vẫn đêm đêm vọng về. Bộ đội Việt Nam đang tấn công ở hướng đó. Ai cũng lo lắng không biết khi nào sẽ tới lượt Dongrek. Làm dân tị nạn vùng biên giới, mùa khô là mùa chạy loạn. Bộ đội Việt Nam năm nào cũng tấn công vào dịp mùa khô này, vì lúc này họ có thể vận chuyển vũ khí quân lính dễ dàng, và xe tăng cũng có thể tham gia cuộc chiến

Mùa đông năm 1984 cũng thế, tin tức từ Hồng Thập Tự cho biết bộ đội Việt Nam đang tấn công khắp nơi dọc biên giới Thái Lan.

Nong Chan đã thất thủ hồi giửa tháng 11
Đầu tháng 12 làng Nam Yuen gần Lào đã bị tràn ngập
Giửa tháng 12 trại Sok Sann mãi tận phía nam phải di tản.

Chiến tranh đang đến, nhưng người tị nạn vẫn đêm đêm âm thầm đợi chờ. Họ chờ đợi đợt kêu tên lần tới sẽ có tên mình đi phỏng vấn. Họ chờ đợi tới một thiên đường rất nhỏ đâu đó rất gần bên kia biên giới, nơi những chuyến xe bus sẽ tới ngay trước cổng trại chở họ đến đó

Chuyến đi sẽ thật ngắn ngủi

Họ đi không cần một hành trang mang theo
Vì họ  sẽ lại trở về buổi chiều cùng ngày.
Đơn giản quá.
Nhưng sao thật mông lung
Thật mơ hồ như một giấc mơ

* * *
*
Tấm hình ghi lại quang cảnh xe bus vào đưa dân tị nạn đi phỏng vấn ở Ban Thai Samart bên trong lảnh thổ Thái. Sáng hôm nay có 2 chiếc, như vậy chắc hơn 50 người được JVA (Joint Volunteer Agency) gọi tên phỏng vấn hôm nay.
Đi phỏng vấn nước nào vậy nhỉ?

Photo courtesy of Vu Hoang Quan
Photo by Vu Hoang Quan



November 25, 2012

Phát Gạo- Scattered & Gleaning

UNBRO (United Nations Border Relief Operation), một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, có trách nhiệm cung cấp thức ăn và nước cho tất cả dân tị nạn vùng biên giới. UNBRO nuôi sống hàng trăm ngàn người tị nạn Khmer, Việt, Lào, Miến sống lây lất trong những trại tị nạn dọc biên giới này. Họ cho chở gạo, đậu,  dầu ăn, và cá hộp cho dân tị nạn Việt Nam (tị nạn Khmer có thêm cá khô và xá bấu, tức củ cải muối,  của Tàu viện trợ cho dân Khmer) bằng những xe tải thuê từ chính phủ Thái Lan.

Hình chụp lúc chuyển đậu trong bịch ny lông. Những nguời làm công việc này trong hình là nguời tị nạn Khmer Krom (người Việt gốc Khmer). Họ tình nguyện, nguời quăng nguời chụp, rổi chuyền tay nhau chuyển đậu vào nhà kho thực phẩm chờ tới lúc phân phát cho dân tị nạn.

Ảnh truớc chụp một bịch đậu bị rách làm vung vãi những hạt đậu ra ngòai. Ảnh kế chụp lại cảnh các bé gái đang kiên nhẩn nhặt lại từng hạt đậu rơi rải này tại Site 2 North, khỏang năm 1986  


Photo courtesy of Trinh Huy Chuong 
Photo by Trinh Huy Chuong






November 23, 2012

Nước Mưa - Helping Hand

Mùa mưa vùng  biên giới kéo dài từ khoảng tháng 4 tới tháng 12 mỗi năm. Mùa mưa núi rừng không gian ảm đạm, sương đêm lạnh lùng, lòng người buồn tênh

Những cơn mưa rào chợt đến rồi chợt đi
nhiều khi bất ngờ
không báo trước
như tiếng pháo từ xa xôi bất chợt vọng về.

Người tị nạn vùng biên giới không buồn lòng vì mùa mưa, vì thời gian này họ có thể sống an lành. Họ biết chắc bộ đội Việt Nam không bao giờ tấn công vùng biên giới vào mùa mưa. Họ cũng không ngại những cơn mưa rào bất chợt, vì nó đem tới những giọt nước trong sạch, quý báu hơn những xô nước xe bồn Thái chở tới mỗi ngày.

Hình ảnh người con trai nhỏ đang lăng xăng vội vả giúp cha đón những giọt nước mưa hứng từ mái nhà lá chảy xuống. Ảnh chụp tại trại tị nạn Site 2 North, khoảng năm 1986

Photo courtesy of Trinh Huy Chuong
Photo by Trinh Huy Chuong



November 22, 2012

Như Lễ Tạ Ơn - Dongrek ~1983

Một bửa ăn với tô dĩa nhựa thô sơ những ngày tị nạn vùng biên giới. Món ăn hôm nay  là bát canh "đại dương" và một lon cá hộp nhỏ xào lên thêm muối cho mặn, để cả gia đình ăn cho đủ bửa. 

Thật đạm bạc 
nhưng ấm cúng
tràn đầy hồng ân. 
 Mỗi bửa ăn no là một ngày Thanskgiving thửa ấy.

(Photo courtesy of Vu Hoang Quan)

From left: Dương, Lan (không thấy mặt,) Bửu, Bình, Quân, Đài -
Hình chụp khoảng cuối 1983 tại Dongrek, (vì Thánh Giá và hình Mẹ vẫn còn trong lều,
 nhà thờ chưa làm xong thời gian ấy)

November 19, 2012

Hớt Tóc Tị Nạn - "Barbershop At Site 2" -1986


Hình chụp một thanh niên đang hớt tóc cho một em trai tại trại tị nạn Việt Nam Site 2, khoảng cuối năm 1986.  Chổ hớt tóc là khoảng trống giửa những gian nhà tị nạn.  Có lẽ người thợ hớt tóc này hớt tóc cho các em miễn phí.

Photo courtesy of Trinh Huy Chuong
Photo by Trinh Huy Chuong


November 11, 2012

YCM club tại Dongrek

Hội Young Missionary Club đã đuợc hình thành tại Dongrek với mục đích chính là cùng nhau trau dồi anh văn. 

(Photo courtesy of Trinh Huy Chuong, chuongVNLR@gmail.com)

Anh Hoàng, Quân,  Lydia, Chương, Nam, Tôn, Cường

Hồi Ký Tị Nạn Của anh Trịnh Huy Chương

Chương OPD-Bệnh viện COERR
chuongVNLR@gmail.com
*

Năm thứ 30 Lưu Vong

Thay Lời Tựa: Nhớ về Cha Piere Ceyrac SJ (1914-2012)
”Chúng con Kính Lạy Cha, Nay Cha trở Về Cội Nguồn Vĩnh Cửu Trên Đó, Nhưng chúng con vẫn tin tưởng rằng Cha đang nhìn về chúng con một cách Bao dung và tiếp tục không ngừng  Quan phòng cho chúng con, gia đình chúng con, bạn bè và những người thân chúng con...Hôm nay khắp Năm Châu Bốn Bể....Cha vẫn luôn luôn là Người Cha già kính mến trong Tâm khảm của chúng con, xin Cha Nhân Từ thương xót và cứu giúp chúng con như những ngày tháng khốn cùng dọc theo biên địa Thái-Miên. Những đứa con của Cha ngày hôm nay  với cuộc sống vật chất tuy có thể tươm tất hơn hôm qua nhưng chúng con vẫn còn nhiều yếu đuối, sa ngã và bệnh tật....Lòng Cha thương xót bao dung, xin Cha không ngừng dìu dắt chúng con, và mọi ngượi... như hôm nay ,như hôm qua và mãi mãi.  Amen.”

Hôm 30 tháng 5 , 2012....Người Cha Già Kính Yêu của Những Bộ Nhân Việt Nam tại Trại tị nạn biên giới Thái-Miên nói riêng, và cả Nhân loại nói chung, đã giã từ chúng ta để trở về với Chúa, nơi mà Người từng cho là "Cội Nguồn Tôi nơi đó". Cha Pierre Ceyrac, một Tu sĩ thuộc dòng tên (SJ-Society Of Jesus), sinh ra trong một gia đình trung lưu có tiếng ở Pháp .  Nhưng ngay từ lúc còn trẻ Ngài đã từ bỏ cuộc sống sung sướng và quê hương mình để theo đuổi một lý tưởng Cao thương, Bác ái. Ngài mang một tấm lòng Nhân Ái, rộng lượng, hy sinh vi Nhân Ái, xa thân vì Nhân loại.... Với Ngài , tôn giáo là con người, rất đơn giản như vậy.  Tôi còn nhớ khi Ngài đến thăm Bệnh Viện trại tị nạn đường bộ Site 2 South vào năm 1986 (VNLR COERR Hospital), khi một Bệnh Nhân người Chàm có lẽ cố tình chất vất Ngài rằng Ngài có tin vào Đức Allah hay không ?(Allah là Đấng Thần Thánh của Người Hồi Giáo-lúc đó là dịp lễ ăn chay của người Chàm theo Đạo Hồi hy Ramadan), thú thật lúc đó tôi rất ngập ngừng và cố tình không dịch lại câu hỏi đó cho Ngài, và định chuyển sang một chủ đề khác.  Nhưng vì không có cách nào khác và không biết làm sao để xoay xở tình huống, buộc lòng tôi phải hỏi Ngài.  Sau khi nghe xong, Ngài mĩm cười , nụ cười của Ngài thật là Bao dung và cởi mở, Ngài nói " Allah is God as well as Jesuit and Budda , May God Bless you and be with you! Everything will be all right! " Ngài cầm lấy tay người bệnh và xoa trán người đó, một khoảng khắc trôi qua... Tôi nghĩ rằng Ngài đã chúc phúc cho người bệnh đó.

Tôi còn nhớ những ngày lạnh giá của miền Đông Bắc nước Thái , khi những cơn gió trái mùa bắt đầu thổi về dọc theo thung lũng của dãy núi Đongrek, mùa khô bắt đầu, luồng không khí khô và hanh của ban ngày,và rất lạnh về đêm... Cây bắt đầu rụng lá và khô cằn đi vì cái khí hậu khắc nghiệt đó, đối với những người tị nạn Việt Nam và người lánh nạn Campuchia, có nghĩa là sẽ có những trận tấn công càn quét của Cộng Sản Việt nam tronh những ngày sắp tới.... Chúng tôi, những người tị nạn , ăn không no, uống không sạch, tấm chăn của ICRC (Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế) phát cho không đủ ấm , bởi chiều dài không đủ che thậm chí cho một người có vóc nhỏ con như tôi! Hy vọng là thức ăn duy nhất đã nuôi sống chúng tôi ngày này qua tháng khác không những về mặt Tinh thần như người ta thường nghĩ mà ngay cả thể xác gầy còm còn lại kể từ sau Biến Cố Mất Nước 30 tháng tư ngày đó!!! Có các Bác, Các chú, các Anh các Chị, những người đã từng bị đày đọa trong những trại Cải tạo, và giờ đây lại bị đọa đày trong những xà-lim , trại giam của Miên đỏ , của Para , rồi đây tưởng chừng chính thiên nhiên cũng  thử thách từng số phận của mỗi người trong chúng tôi....

Mọi người hầu như ai cũng có cái cảm giác rằng lại thêm một lần chạy trốn Cộng sản nữa!! tương lại và định mệnh mà chúng tôi không thể quyết định cho chính mình,nay đành phó thác cho đấng quan phòng mà mọi người chúng ta ai ai cũng có, tiếng kinh lòng của mỗi người đều mang chung một lời nguyện đơn sơ mong sao ngày mai sẽ có tên đi gặp phái đoàn....tưởng đơn sơ nhưng phải cần một phép nhiệm mầu mới đem lại được!!! 

Tổng Chiến Dịch tấn công mùa khô 1984 của CSVN nhắm vào các căn cứ của quân kháng chiến Khmer tự do và các trại lánh nạn thường dân Khmer dọc theo Biên giới Campuchea-Thailand:

Những tiếng pháo đêm về càng gần, lũ trẻ thậm chí cũng hiểu ra rằng có một điều gì ghê gớm sắp sửa sẽ xảy ra, chúng âm thầm ngoan ngoãn đi ngũ sớm hơn mọi khi, còn người lớn, thì dù muốn dù không cũng phải ráng đè nén cái sợ hãi đó, rồi thâu đêm không ngũ được, tụ tập bên cái radio của ai đó để lắng nghe bản tin từ đài tiếng nói Hoa kỳ, anh quốc, Úc đại lợi.. với hy vọng thế giới ngoài đó đề cập về mình không , và trong lòng luôn khấn nguyện đấng bề trên che chở độ hộ vào lúc này!

Những chiếc xe bồn xì-tẹt chạy hối hả từ phía đồn thái vào trại lánh nạn của người Khmer trước rồi thì một hai chiếc đỗ lại cho trại tị nạn người Việt (Vietnamese Land Refugee Platform-lúc này thật ra chúng tôi chưa được công nhận là một trại tị nạn mà chỉ là một platform mà thôi!), những người tài xế thái đốc thúc những người tình nguyện phân phối nứoc bằng tiếng thái hãy rút nước càng nhay càng tốt, rồi họ nhanh chóng lao nhanh trở về bên kia biên giới, không ai nở một nụ cười, những khuôn mặt đầy lo âu nhưng dễ hiểu....chiến sự đang tới gần...Các nhân viên thiện nguyện nước ngoài (NGO: Non-govermental Oganization) cũng gấp rút công việc của mình và ra về sớm hơn mọi khi, những cuộc đàm thoại cũng nhanh chóng kết thúc với những lời chúc bình an cho nhau... với hy vọng sẽ gặp lại ngày mai!.  Những tín hiệu phát đi phát lại từ những chiếc máy Motorola portable của một y tá MSF (Medicins sans Frontieres) "Attention all stations, the situation in Dangrek Camps is now number 2, I repeat, the situation in Dangrek now is number 2,this is Alpha security.over" (giọng quen thuộc của thầy Bob Matt - người giữ liên lạc giữa các NGO và Task Force 80 cua Thái) cô y tá lanh tay vặn volume xuống để cố tình không làm cho mọi người thêm âu lo vì những tín hiệu đó, nhưng nét mặt cô ấy cũng đủ  diễn tả sự lo âu!!

Khoảng giữa trưa, những đám bụi đỏ cuối cùng tan dần ở phía đồn Thái sau khi những chiếc xe chở các NGO's vulunteers trở về Aranyaprathet, hoặc rút về Khao I dang, sớm hơn mọi ngày!.  Sinh hoạt trong trại vẫn cứ trôi qua như thường lệ, lũ trẻ túm nhau lại đùa giỡn trên sân banh giữa trại, người lớn thì lo chuẩn bị nhóm lửa chẻ cũi, gánh nước chuẩn bị cho bữa cơm chiều đạm bạc như thường lệ.... những cụm khói nhỏ đâu đó nhanh bay lên và tan vào thung lũng Phnom Dongrek.

Thế nhưng giữa lúc đó một chiếc xe hơi nhỏ màu trắng phủ đầy bụi đỏ đang lao nhanh và chạy thẳng vào trại VN....Lũ trẻ tản mát ra, và trố mắt nhìn về đằng đó, nơi chiếc xe vừa ngừng lại. Cửa xe mở ra, lũ trẻ reo hò và ùa lại như mừng đón Cha mẹ đi chợ về, không ai xa lạ bởi vì đó chính là Cha Pierre Ceyrac chỉ có Cha, duy nhất một mình Cha, không tài xế,không một người nào đi với Cha cả!! với nụ cười từ bi như mọi ngày,Ngài bị đám trẻ bu quanh, đứa thì đứng nhìn Cha trong khoảng cách ngập ngừng , đứa thì mạnh dạn nắm lấy tay cha, đúa thì nũng nịu lay lay tay Cha....hình như chúng muốn nói với Ngài, Xin Cha đừng bỏ chúng con nghe Cha...Ngài dịu dàng xoa đầu vài đứa, nói một vài điều gì đó, lấy một bao kẹo đã xé sẵng và trao cho chúng với hy vọng chúng sẽ buông thả Cha, quả thật vậy, được những cục kẹo ngon, lũ trẻ bắt đầu chia năm xẻ bảy,sung sướng, tung tăng... còn Cha nhanh nhanh khoác cái túi vải đi nhanh vào Nhà Ban đại diện trại nơi Bác Lâm Nê , và nhóm ban đại diện của trại đang đứng chờ Ngài.  

Tin Cha đến lan nhanh, bà con kẻ đứng xa người đứng gần, quây quần xung quanh hàng rào ban đại diện.   
Khác với mọi lần, chúng tôi không mong Cha mang thư từ của thân nhân mình gởi,hay những tin sốt dẻo về Phái đoàn nào sắp vào phỏng vấn và sẽ nhận bao nhiêu người, hay khi nào sẽ có danh sách của những người được phái đoàn chấp nhận v.v  và v.v , ( vì trước đó không lâu đã có một số bà con được phỏng vấn và hy vọng sẽ được chuyển đi PanatNikhom nay mai) nhưng lần này chúng tôi chỉ muốn thêm tin tức về tình hình chiến sự đang xảy ra , liệu chính quyền Thái và ICRC, UNHCR có cho chúng tôi di tản trước không? Sau này, chính Ngài kể lại, hôm đó vì quá lo lắng cho chúng tôi Ngài đã bất chấp lệnh giới nghiêm do TF80 (vì tình hình leo thang tới cấp 3)nhưng Ngài vẫn muốn vào trại rất sớm trước là để dâng  lễ và tiếp đến đem một số thư từ cho bà con VNLR, nhưng lính Thái Task Force 80 đã chận Ngài lại và làm khó dễ Ngài!. Lúc đó  Ngài đã không ngừng cầu nguyện làm sao vào được trại để chia sẽ, an ủi, động viên và cầu nguyện với chúng tôi.  Everything will be all right! ça va ça va!

Thật ra lần đó Ngài đã dấu một số thư từ cho đồng bào VNLR, một số tiền Ngài đã đổi sang tiềng Baht , một vài gói thuốc samit cho Bác Lâm Nê, và Ngài không quên mấy gói kẹo cho lũ trẻ..Ngài biết có nhiều người đang mong chờ thân nhân mình gởi những giấy tờ , hình ảnh để làm chứng từ khi gặp phái đoàn phỏng vấn.  Ngài đã làm một điều ngoại lệ, Ngài đã đút lót cho lính Thái mấy gói thuốc (có thể còn có một số tiền mặt nhưng Ngài không tiện nhắc đến) để họ dễ dàng cho xe Ngài qua biên giới....Với Ngài thuốc lá là người bạn đồng hành của mình, Ngài hút nhiều lắm!. Trong comportment xe của Ngài lúc nào cũng có ít nhất 5,6 gói Samit, 2,3 cái hộp quẹt gaz. Nhưng Ngài để lại tất cả cho những ai Ngài gặp trước khi trở về Aranyaprathet!

Cuối cùng thì DongRek cũng bị càng quét...khác với mọi khi, thường thì CSVN dùng chiến lược "tiền pháo hậu sung" nhanh chóng ồ ạt tấn công vào buổi sáng, lần này, vào lúc mọi người đang chuẩn bị cơm chiều, đâu đó có một số người may mắn có tên lên đừong định cư, theo dự định số đồng bào này sẽ chuyển đi PanatNikhom vào sáng ngày hôm sau.

Bóng tối xuống thật nhanh, bởi rặng núi che khuất những tia nắng cuối cùng, cái bóng của dãy núi như một bày tay khổng lồ đưa lên không trung như ngăn chặn những tia nắng cuối chiều...

Khoảng 5 hay 6 giờ chiều ,sau một loạt pháo kích hạng nặng vào khu vực trại Ampil gần Dongek, rồi CSVN chuyển nòng súng về phía trại Phnom Dangrek... tiếng rít xé bầu không khí của những trái pháo trong cự ly rất ngắn, tưởng chừng đã nổ ngay trên đầu chúng tôi nhưng chúng đã đi ngang trại rồi nổ đâu đó trên sường núi , những cột khoái đen tung lên, vài trái đã rơi vào sơn-cách (Khmer section), không rõ có bao nhiêu người đã thiệt mạng!  riêng Trại tị nạn Việt nam thêm một lần nữa được may mắn, không một trái pháo nào rớt vào! Phải chăng đồng bào mình được bề trên che chở??!!

Mọi người, trẻ lớn đều nín thở tự tìm kiếm một chỗ thấp ẩn núp,sau đó kẻ la người ó, kêu gọi nhau, đùm gánh, sát bên nhau, hoang mang, sợ hãi nhìn về phía ban đại diện để chờ lệnh..

Cảnh hoang tàn trong nhà thờ Dongrek sau ngày chạy loạn
 Cũng như mọi lần, Task force 80 của Thái không mở cửa biên giới ngay! Thậm chí họ còn bắn chỉ thiên ngăm dọa về phía những người lánh nạn Khmer, ngăn cản không cho bất cứ ai đến gần biên giới... Trại tị nạn Việt nam mình thì tương đối có trật tự và có tổ chức, mọi người đều tuân theo Ban đại diện.  Không một cử động khi chưa có lệnh từ trên, tuy có nhiều người vì quá sợ hãi, muốn theo giòng người lánh nạn Khmer để hy vọng được vào đất Thái sớm!.  Khoảng đến 7 giờ , trời đã sập tối, lúc này chúng tôi có thể nghe tiếng súng nhỏ nổ rất gần!.  Đây là dấu hiệu của những trận chạm súng giữa CSVN và lực lượng Khmer Tự do.... tiếng súng càng gần... hoang mang và sợ hãi càng tăng...Khoảng thêm 1 tiếng sau, trại VNLR được lệnh bỏ trại, kẻ bồng người bế, giúp nhau lần lượt nhanh ra phía đường cái đỏ trước mặt trại rồi đổ dọc theo chân núi, tiếng sâu vào bên kia đất Thái, phải thừa nhận rằng trại mình rất là đoàn kết vào lúc này, không ai nói ai, mọi người im lặng, người sau nhìn người trước cứ thế mà đi (cũng cần nói thêm vì không muốn bị back-flash và trách những hiểu lầm vốn đã có sẵng từ những người lánh nạn Khmer trong lúc loạn lạc này, nên chúng tôi ai ai đều phải giữ im lặng tuyệt đối vào lúc này, không dám nói tiếng việt),thỉnh thoảng có tiếng chửi thề đầy căm giận của một vài người Khmer nào đó, chúng tôi âm thầm, cùng giòng người xuyên qua biên giới lúc nào không hay... Gần nữa đêm, lực lượng đặc biệt Task Force 80 của Thái ra lệnh tất cả phải ngừng lại, lúc này mọi người bắt đàu lao xao , kẻ này gọi người kia, thỉnh thoảng có ai đó bật đèn pin (flash) lên để tìm kiếm gì đó, thì lập tức bị phản đối la ó! (vì cho rằng CSVN có thể thấy được và dội pháo vào? Rất có thể?).  Mọi người ai ai cũng thấm mệt và lo âu, đặt lưng vào sường núi, mắt nhìn lên trời cao, với những suy nghĩ mông lung.... Còn số bà con đã có tên đi ngày mai lúc này nghĩ gì!!??....chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa, giữa cái sống và chết rất gần ....Hy vọng ai đó trong số này sẽ chia sẻ cảm nghĩ và nỗi lòng vào lúc đó, xin ghi lại những giây phút đáng để đời này, cho con em mình nhìn vào đó mà cảm thông được con đường về đất hứa đầy gian truân của mình...Còn lại những người như tôi vào lúc đó, chưa hết nổi bàng hoàng, còn đang tự nghi vấn không biết mình đã thật sự thoát qua cái chết chưa! Lòng bàng hoàng, hoang mang, bơ vơ, trống trãi,lạc loài và tuyệt vọng...

Ban Đại diện trại vẫn tiếp tục làm việc vào lúc này, tập trung và cũng cố lại , điểm danh xem có ai bị mất tích hay không? Lính TF 80 được lệnh bảo vệ nhóm người Việt tị nạn một cách đặc biệt hơn lúc trước, VNLR được dời sâu và gần với đơn vị TF80 ngay đêm hôm đó.

Sao mai vẫn còn, trời chưa sáng hẳn, nhưng người ta đã nghe từ xa tiếng xe hướng về phía tập trung của trại, rồi ngừng hẳn đâu đó! thọat đầu cứ tưởng xe tanks của CSVN, nhưng không phải... Đây là những chiếc xe bus đúng theo đúng dự định vào nhận đón số đồng bào may mắn có tên lên đường đi Panatnikhom, giữa lúc này quả thật , không mường tượng được ,ban đại diện lập tức truyền tin xuống để tập trung bà con có tên lên đường, cuộc đưa tiễng nhanh chóng, đoàn người được lính Thái hộ tống xa dần sau những tàn cây ở khúc quanh đó... nước mắt giàn giụa của người đi kẻ ở lại, ngậm ngùi hẹn ngày tài ngộ nhưng không biết đến khi nào!!!

Đó là ngày 24 tháng giêng 1985- Site A được tạm thời hình thành.

Thì Ngài đã xuất hiện...làm lễ đơn sơ ngay giữa cánh rừng
Ngay ngày hôm sau,chúng tôi đang còn tuyệt vọng,hoang mang, bơ vơ ,lạc loài tưởng chừng như bị bỏ rơi...Thì Ngài đã xuất hiện, Cha Pierre Ceyrac thêm một lần nữa đem lại nụ cười đầy hy vọng cho trại.  Già, trẻ bé, lớn...tất cả ai cũng cảm thấy được an ủi nhờ sự có mặt của Ngài.  Một buổi lễ đơn sơ ngay giữa cánh rừng , nhắc lại mọi người đừng đánh mất hy vọng, phải giữ vững niềm tin, với Ngài "Everything will be allright!", hôm đó Ngài ở lại với chúng tôi thật lâu , gần chiều Ngài mới chịu ra về.

Ngày 5 tháng ba 1985

CSVN tiếp tục càn quét các trại dọc theo biên giới còn lại của những người Khmer Tự Do, trại Tatum, Green Hill lần lượt bị tấn công....trước đó các trại khác cũng bị tiêu diệt như trại San Ro, Ban Sangae (những trại này không có người Việt).  Trước tình hình đó, liên hội các tổ chức thiện nguyện phi chính phủ (inter-NGOs) , Chính quyền Thái, ICRC, UNBRO đã quyết định dời các trại lánh nạn của dân Khmer vào sâu hơn trong đất Thái.  Trại Site 2 được thành lập,là một trại lánh nạn của người Campuchia lớn nhất trong lịch sử. Site 2 được chia làm 2 trại lớn, site 2 North và Site 2 South, ngăn bởi một trục lộ chính và hàng rào kẽm gai. Ở giữa hai sites , có một đơn vị đặc nhiệm TF80 của Thái, thọat đầu trại VNLR ở site 2 North và cách section của người Khmer chỉ một bức rào bằng tre, nhưng sau 1 biến cố đẫm máu (1 trái lựu đạn đa quăng vào trong trại tị nạn VNLR, khiến 2 người chết và một số người bị thương- sự kiện này không được nhắc tới vì theo các tổ chức cứu trợ cho rằng đây chỉ là một "isolated incident" mà thôi!! cũng cần nói thêm rằng dân số trại
Một trong những người tị nạn bị thương trong vụ quăng lựu  đạn
vào trại Site 2 North.  Người này đang được cấp cứu tại chổ
(Photo courtesy of Vu Hoang Quan)
VNLR chỉ 1/1000 so với trại lánh nạn người Khmer, vã lại các tổ chức NGO cố tình sớm đưa vào dĩ vãng để tránh những xung đột có thể xảy ra giữa trại VNLR và người lánh nạn Campuchia), tôi còn nhớ lúc đó có một phóng viên của CBS (David) đã âm thầm nhờ tôi chụp lại những gí xảy ra trong trại (Anh Nhân làm ở OPD với tôi vào lúc đó, chắc còn nhớ!!)Không biết có ảnh hưởng gì không?? Nhưng chính qua biến cố này, ICRC đã quyết định dời trại VNLR qua Site 2 South ( Site 2 south thực ra là hiện thân của trại Nong Sa Met và trại NW82 vào ngững năm 1980-1982 . Tưởng cũng nên nói thêm những sự thật ở đây về những người lánh nạn Campuchea, họ đều mang tư tưởng giống nhau, chiến đấu giành lại đất nước Campuchea đã bị gần như diệt chủng bởi Khmer Rouge , rồi tới sự chiếm đóng của CSVN,song họ vẫn chia rẽ và hiềm khích lẫn nhau trong nội bộ, họ chia ra nhiều nhóm kháng chiến khác nhau : nhóm đầu tiên là Khmer Rouge (không được sự ủng hộ của quốc tế), nhóm thứ hai là nhóm thân cận của Vua Sihanouk, và nhóm thứ ba được dẫn đầu bởi Son San, tôi không có mục đích phân tách hay phê phán vào cục bộ của nguời Campuchea, nhưng chỉ muốn nêu ra một trong những nguyên nhân tại sao đồng bào VNLR trở thành mục tiêu thù ghét của một số người Khmer! Đồng bào VNLR chúng ta đến từ các trại khác nhau từ 3 nhóm nêu trên bởi tuỳ thuộc vào từng con đường lúc vượt biên qua chặn cuối cùng trước khi đến biên giới Thái-Miên, trừ những người may mắn, hay tùỳ vào người dẫn đường, một số được đến thẳng trại tiếp nhận tạm thời của ICRC, còn lại đa số bị các nhóm nói trên bắt và giam vào các xà-lim của họ.VNLR tất cả đều bị ngược đãi, mức độ tuỳ theo nhóm nào bắt mình, song tất cả VNLR đều là nạn nhân của sự tham lam (bởi lẽ khi VNLR vượt biên hầu hết có đem theo tiền bạc, nữ trang, nên trở thành những đối tượng béo bở cho họ), nạn nhân của sự hiểu lầm (bởi vì chúng ta là người Việt Nam, nhưng thiểu số của họ không hiểu rằng cũng như họ chúng ta phải đi tìm Tự do, và trốn tránh chế độ CS tham tàn ở VN, đáng tiếc là CSVN cũng đang chiếm đóng đất nước của họ, lòng oán thù đã che mất lý trí để phân biệt sai trái!! vị trí của VNLR thật là tiếng thoái lưỡng nang!!Hễ những lúc nào họ bị mát mát hay thương về người cũng như về vật là những lúc đó chúng tôi bị lãnh hứng do sự oán hờn nhất thời!)

Tại sao lại dời qua Site 2 south? ICRC và UNBRO, chính phủ Thái đều nhận ra nhóm nào tương đối dễ chịu với VNLR, có thể nói Nong Sa Met là một trại được gọi là friendly với VNLR, bởi trong quá khứ các trại NW 82, NW9 , rồi Nong Sa met Platform cũng từ đó mà ra,  Nong Sa met đã tạo điều kiện cho JRS (Jesuit Refugees Services)nói riêng và các tổ chức thiện nguyện khác nói chung vào hoạt động và giúp đỡ những người lánh nạn (Displaced persons) sớm nhất, do đó nhóm này được cho là thân thiện và cởi mở so với các trại khác (cho dù các trại khác đều dưới trướng của Son San, nhưng  những vị lãnh đạo của từng trại (War Lord) lại mang những ý tưởng và hoạt động khác nhau (different fractions, different land Lord), dựa vào những yếu tố này UNBRO, ICRC ,Joint inter-NGOs đã dời trại VNLR và xác nhập vào Site 2 South , nhưng lần này trại chúng ta đưọc ngăn cách rõ ràng qua các hàng rào kẽm gai và được áp sát vào đồn TF 80 (Task Force 8) và được bảo vệ trực tiếp bởi TF80 ,một bệnh viện VNLR được dựng lên ngay cổng vào của trại và sát bên đồn TF80 ngoài ra chúng ta còn được phép access trực tiềp va sử dụng hệ thống liên lạc của TF80 (Tele-communication giữa bệnh viện trại và Khao I Dang Hospital) trong trường hợp phải chuyển bệnh nhân vào đất Thái để chữa trị nhất là về đêm (trước đó chúng tôi phải buộc lòng di chuyển bệnh nhân qua bệnh viện của người Khmer, có những phức tạp đã xảy ra!!).  Đến đây chúng ta lại nhớ đến công sức và ý của Cha Piere Ceyrac ,các Cha,các nhân viên NGO những người đề nghị với Đức Giám Mục Bangkok, và qua Cardinal Conference 1986, COERR (Catholic Office for Emergency Relief and Refugees is a private non-profit organization, established by the Catholic Bishops Conference of Thailand (CBCT)), đồng ý thiết lập một Bệnh Viện cho người Việt tị nạn, do Người Việt tự chăm sóc qua sự hỗ trợ của các Bác sĩ, Y tá của COERR , ARC (American Refugee Committee) lo về phòng xét nghiệm, di chuyển bệnh nhân vẫn còn dưới sự giúp đỡ của ICRC (Ambulance), những dịch vụ y tế nhẹ như là Day Surgery, cateract removal,selective minor surgery thì được chuyển lên Khao I Dang qua sự sắp xếp của COERR.  Cha Pierre Ceyrac, theo tôi , là người có công lớn nhất lập ra Bệnh Viện này, và cũng là Vị Ân Nhân lớn nhất của nhữnh bệnh nhân được điều trị tại đây về vật chất lẫn tinh thần, Vì Bệnh Viện được nằm ngay truớc cổng vào của Trại ,cho nên trước khi ghé vào Cộng Đòan Công Giáo Emmanuel hay Ban Đại Diện Trại, Ngài luôn luôn ghé thăm Bệnh 
Ngài luôn luôn ghé thăm Bệnh nhân
(Photo courtesy of Trinh Huy Chuong)
Nhân và Anh em thiện nguyện ở đây trước, với chúng tôi, đây là những giây phút quý giá đáng nhớ, được trò chuyện với Ngài, được thấy  Ngài, hút một điếu thuốc với Ngài...chúng tôi cảm thấy như được ban hồng ân đặc biệt, một món quà tinh thần động viên chúng tôi, chúng tôi làm việc có lúc 24/24 mà cảm thấy không mệt mỏi... Nghĩa cử cao cả và lòng vị tha của Ngài đã giúp cho chúng tôi vượt qua những khó khăn nhất trong những lúc này.

Có một đêm nọ, trại bị một nhóm người vũ trang (không rõ là ai ?? Thái, Campuchia...?) vượt rào vào trại để cướp của hay hiếp dâm...Đêm đó chúng tôi đã nhanh chóng chạy thẳng vào đồn Thái TF80 để cầu cứu lính Thái phản ứng rất chậm chạp khi nghe báo như vậy thậm chí họ còn hoang mang hơn mình khi nghe nói nhóm người này có súng, cuối cùng một cuộc đấu súng xảy ra kịch liệt giữa lính Thái và nhóm cướp, trong đó có một người Việt Nam tử nạn!! (anh ta là bộ đội vượt biên, mà nguời ta còn gọi là Chú Cùi!) Anh đã bị  trúng đạn mà sau này sau khi nhận xét dựa vào vết đạn trúng vào người ai ai cũng kết luận rằng anh ấy trúng đạn từ phía sau nghĩa là lúc dẫn nhóm lính thái truy đuổi nhóm cướp, anh ta là người dẫn đầu, nên bị lính thái bắn trúng từ đàng sau!! chúng tôi đã liên lạc khẩn cấp Khao I Dang xin xe ambulance , 45 phút sau , Khao I Dang gởi ambulance vào, vì máu ra quá nhiều, mặc dù được chuyền nước biển vào 2 cánh tay,  anh ta đã tắt thớ giữa đường (sau khi ambulance qua khỏi làng Pra Taya một đoạn), tôi đã không cầm được nướt mắt mình!!! Tôi cảm thấy bất lực vô cùng!!

Theo luật thi thể nạn nhân phải tiếp tục đưa đến bệnh viện Khao I Dang .  Sáng hôm sau, sau khi làm báo cáo cho ICRC tại đây, vừa chuẩn bị ra xe để về lại trại, Cha Pierre đã đậu xe trước ICRC của Bệnh Viện, Ngài lại là người đầu tiên và duy nhất được thấy thi thể của nạn nhân.  Ngài đã Ban  phép lành cho anh ấy! Tôi xin Cha một điếu thuốc,đốt xong và cắm xuống miếng đất trước cổng bệnh viện như 1 nét hương cho người quá cố,Ngài không hỏi tôi làm gì, mà Ngài cũng tương tự làm theo... Ngài vỗ vai tôi chào tạm biệt.

Có lần tôi đã tâm sự với Cha Pierre nếu Ngài có trách móc tôi không, nếu tôi không tham dự những thánh lễ của Cha ở nhà thờ trại? Bởi vì từ hồi có bệnh viện trong trại, tôi đã xin ban đại diện cất một vài căn phòng nhỏ sau bệnh viện, để anh em chúng tôi có thể túc trực ở đó 24/24. Từ dạo đó tôi ít ghé lại nhà thờ hơn! tôi cũng bị một vài người trong công đoàn chỉ trích vì vắng mặt thường xuyên!! để cho lòng mình được thanh thảng,tôi đã hỏi Ngài như vậy.  Ngài hỏi lại tôi " Did you note that on the sign board in front of your hospital, there are two crosses on it, meaning that is the place where our Jesus be there, for everyone, don't worry keep up your good work, god bless you! you know"  Chính Ngài đã bồi bổ tinh thần cho tôi và cho tôi lòng nhiệt huyết kiên cường làm được những gì mà tôi có thể làm cho tôi cũng như cho người khác vào lúc cần nhất , mà giờ đây dù có muốn tôi vẫn không thể làm được!!! (Father! you inspired me!)

Chương tại Graduation Ceremony do Médecins Sans Frontières
 tổ chức tại trại Rythysen Khmer section.
Chương đã gặp cha Pierre dịp này
(Photo courtesy of Trinh Huy Chuong)
Lần đó, không hẹn mà gặp, lúc đó tôi được gởi ra ngoài bệnh viên ARC (American Refugee Commitee) của người Khmer để học khoá Tropical disease laboratory của MSF (Medicins Sans Frontieres) tổ chức và huấn luyện, ngày hôm đó trong dịp Graduation Ceremony . Tôi gặp được Ngài, Ngài là một trong những quan khách của buổi lễ, ngạc nhiên vì gặp được Cha ở giữa đám đông người Khmer, lòng tôi mừng không tả, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình hạnh phúc như lúc đó, bởi với tôi, tôi đã học được một cái ngành mà mình yêu thích, thứ hai vào lúc đó đang bơ vơ giữa chốn người,như một đứa trẻ mồ côi, thế mà Ngài lại có mặt ở đây để chứng kiến sự trưởng thành của mình, Cha là người thân của tôi duy nhất lúc này!! Phải chăng đây cũng là cái nghiệp của mình, mà sang Canada tôi đã theo đuổi học ngành Medical Laboratory, và cũng làm tại một bệnh viện cho đến hôm nay.  Phải chăng có một sự ngẫu nhiên hay một sắp đặt ở đây!!



Cha Pierre và những người tị nạn
Những ngày đầu tại Site A
Hay tin Ngài đã mất, tôi đã khóc... như hôm nào tôi cũng đã khóc khi Cha mình qua đời.  Tôi ước mong được gặp lại Ngài..nhưng không được nữa rồi!!!...có lẽ không phải ở thế gian này nữa ...mà hy vọng nơi, mà Ngài cho là cội nguồn của Ngài!!!  Tạm biệt Cha!!!

{...}Thiết nghĩ mỗi người chúng ta, ai rồi cũng sẽ có những giây phút lui về dĩ vãng...ngày đó nơi chúng ta không hẹn mà gặp, rồi ra đi tự nhắn nhủ với nhau sẽ có ngày gặp lại nhưng không biết khi nào...Rồi thời gian sẽ qua, cũng như Cha Pierre Ceyrac, một ngày nào đó , hy vọng cội nguồn của Ngài cũng sẽ là cuội nguồn của mình vậy!-Mong mỏi được tin bè bạn nay mỗi người một phương-Có dịp ghé qua blog này, say Hello! là mừng rồi!

Những chi tiết, tên tuổi trong đoạn hồi ký này là có thật, có thể mốc thời gian bị chênh lệch chút đỉnh, ai nhớ xin vui lòng đính chính.

Thân ái! 
Chương OPD-Bệnh viện COERR
chuongVNLR@gmail.com

November 10, 2012

Những Lần Gặp Gở Tị Nạn tại Montreal

(Photo courtesy of Trinh Huy Chuong, chuongVNLR@gmail.com)

Họp mặt tị nạn: Lan, Bình, Long, Quân, Chương, Dương, Quý- Montreal 1989

Cha Jean và Chương tại Montreal, Canada - Aug 1990

Cha Tom, Chương, và Quân tại Montreal, Canada- 1991



Chi (lều 57 Dongrek) và Chương tại Montreal

November 08, 2012

Cha André Lamothe- Một Vị Ân Nhân Của Người Tị Nạn Đường Bộ

*
* * *
*
*
Cha André Lamothe SJ
 Một Vị Ân Nhân Của Người Tị Nạn Đường Bộ

Cha không tới trại tị nạn đường bộ thường xuyên, nhưng cha André là vị ân nhân, từng bảo trợ giúp đở cho rất nhiều người tị nạn đường bộ người Khmer và Việt Nam, và nhất là các anh em bộ đội.
Cha đã phục vụ người tị nạn tại Bataan trước khi về lại Canada.
Ngài mất ngày 16, tháng 2, năm 2010 tại Richelieu, Quebec, Canada. Ngài hưởng thọ 70 tuổi.

(Photo courtesy of Trinh Huy Chuong, chuongVNLR@gmail.com)

1939-2010



Let your unfailing love surround us, 

LORD, for our hope is in you alone




Hình ảnh Site 2 (3) -1985/1986

(Photo courtesy of Trinh Huy Chuong, chuongVNLR@gmail.com)


Cha Tom, Tài, Hòa Cháy , Chương tại cổng chào Site 2 South

Dominque (COR Christian Outreach) và Chuơng tại Site 2

Anh Vũ, Chuơng, Soeur (không nhớ tên) Tâm, ???
Tại site 2 (?)

Mến, Thầy Jean-Marie Birsen, Chương, và thầy Enrique Figaredo tại Site 2 North-1986


Chương, Soeur (không nhớ tên), Lâm,??, Tâm.
Tại nhà thờ Site 2 South

November 05, 2012

Trịnh Huy Chương


Các bạn bè ở trại tị nạn biên giới chắc còn nhớ Chương (tự Chương Lùn) hăng say họat động, nhất là trong thời gian sau này tại Site 2.

Chương định cư tại Quebec, Canada năm 1988, sau một thời gian thật dài ở trại. Nhìn lại quãng thời gian dài đăng đẳng ấy biết bao nhiêu lo âu buồn phiền, nhưng Chương cùng những bạn bè nhiệt huyết đã dùng thời gian chờ đợi ở trại để làm việc giúp đở những người tị nạn, và đã ghi lại nhiều bức ảnh quý giá thời gian ấy.

Nhìn lại quãng thời gian ấy thật bồi hồi xúc động. Cảm ơn Chương đã gởi chia xẻ những tấm hình quý báu này nhé

Email Chương: chuongVNLR@gmail.com.


Chương chụp trước bệnh viện Việt Nam tại Site 2.
(OPD-COERR Hospital-Site 2)


Hình chụp lúc đi phỏng vấn ở Ban Thai Samart
Chắc ai cũng có một tấm hình như thế này. 


Giấy đi định cư Canada


Gia đình Chương hôm nay ở Quebec, Canada





Cà Phê Site 2

Vài quán cà phê trong trại tị nạn Site 2.
(Photo courtesy of Trinh Huy Chuong)

Quán cà phê Tư Râu tại Site 2
Chú Tư Râu là người có bộ râu mép ngồi ở khoảng giửa trong hình
Cô y tá người Thái Pee You, Anh Hưng, Chương , và các anh em làm tại bệnh viện
đang giải khát tại một quán cà phê trong trại Site 2-  May 1986

November 04, 2012

Thánh Lễ tại nhà thờ trại Dongrek -1983/1984

 Hình chụp những dịp các cha tới làm lễ tại Dongrek từ lúc mới về (9/1983) và những ngày sau đó trong năm 1984, không nhớ rỏ ngày tháng chính xác

(Photo courtesy of Trinh Huy Chuong and Pham Dinh Dai)

His Eminence Cardinal DO NASIMIENTO President of Caritas Interna~ 1984 

Lễ Thêm Sức (cầm đèn cầy) cho những nguời đã đuợc rửa tôi
Nhận ra Bác Đài, anh Hy (chồng chị Thủy), chú Lại ~1984

Rửa tội cho các tân tòng tại nhà thờ lều lúc mới tới Dongrek , khỏang cuồi năm 1983. 

Rửa tội cho các tân tòng tại nhà thờ lều lúc mới tới Dongrek , khỏang cuồi năm 1983.
Nhận ra Dương, Tùng, Tôn, Lại, Lan,??,?? Bác Đà


Cha Pierre và cha Lâm Sung mới tới trại sau này, khỏang cuối năm 1984.
Anh Đoàn và Đức giúp lễ

Không nhớ tên cha, dịp gì.
Có cành hoa mai, có lẽ khỏang tết Âm Lịch 3/1984.
Nhận ra anh Nhuận, and Đài trong hình

Không nhớ tên cha, dịp gì. Trong hình có bác Lâm Nê tham dự, nên có lẽ là dịp long trọng.
Cường, Đài, Nhuận đang đứng giúp lễ. Có cành hoa mai, có lẽ lễ tết Âm Lịch 3/1984
.

November 03, 2012

Thư Viện Tại Site 2

Giửa năm 1986, thư viện Emmanuel được hình thành. Phần lớn sách báo của thư  viện là do Quân hội Young Missionary Club xin đuợc từ Panatnikhom gởi về,  hoặc đuợc những nhân viên thiện nguyện đem tặng, hoặc của riêng những nguời tị nạn sẳn sàng đóng góp để chung vào thư viện  để cùng chia xẻ sách báo với nhau.

(Photo courtesy of Trinh Huy Chuong)

Khánh thành thư viện Emmanual Site 2
Có Cha Mark Roper SJ và Cha Pierre Ceyrac tham dự


Thư Viện Emmanuel Site 2 - July 1986

November 01, 2012

Gia đình Chương hôm nay

Gia đình Chương hôm nay
New Hampshire- Fall 2012

Hình ảnh các Cha tại Site 2 -1985/1986

(Photo courtesy of Trinh Huy Chuong)
Tại nhà thờ Site 2: Chương, cha Pierre, Yên, ??, cha Jean, Mến

Cha Tom và Cha Pierre dâng thánh lễ


Cha Tom và Cha Pierre, thầy Khởi đứng phía bên phải tấm hình


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes