October 03, 2008

Hồi Ký Của Ông Lê Tấn Lý - Trại Tị Nạn Nw 9

Trại Tị Nạn Nw 9

Đoàn sáu trăm người này do anh Vinh làm đại diện gọi là trại B. Khi đến trại NW 9 thì ở nơi đó chỉ là một rừng cây, có rải rác vài tấm lều ni lông xanh của lính Thái canh gác. Tại đó có ba trăm người tị nạn vừa ở Non Samet đến vào ba ngày trước. Đoàn ba trăm người này gọi là trại A, do anh PNB làm trưởng trại. Anh B. là cựu trung úy, rất giỏi Anh văn.

Khi chúng tôi đến nơi thì được anh B. và ba trăm người tị nạn đến trước ra chào đón. Họ cũng đã cất một số lều, nấu cơm nóng và cá hộp để đón chúng tôi. Sau đó, cứ mỗi ba người lại được phát một tấm vải ni lông màu xanh để trải ra ngủ tạm trên đất đầy cỏ và cây cối. Cũng đêm ấy, một con rắn bò qua tay cô Oanh. Cô này hốt hoảng la hét lên, thế là cả trại cũng hốt hoảng hét to theo.

Lúc đầu, ông George Verheil, nhân viên hội HTTQT đã chuyển lời của viên đại úy TháiLan có tên là Viroj để dằn mặt chúng tôi:

“Các bạn được ở tạm đây và được coi như là những người nhập cư bất hợp pháp. Cuộc sống của các bạn sẽ không có ai bảo đảm. Các bạn không được đi ra khỏi giao thông hào chống chiến xa ở trước trại, cũng không được đi ra khỏi vòng dây giới hạn làm vòng rào. Nếu ai cãi lệnh sẽ bị xử bắn ngay.”

Các binh lính Thái Lan thì đóng rải rác ngay chung quanh trại này. Từ tháng 4 năm 1980 đến tháng 6, năm 1980, không có phái đoàn nào tiếp đón chúng tôi. Đến tháng 6 năm 1980, viên đại úy Thái là Viroj cho biết là nếu đến ngày 31 tháng 7, năm 1980 mà không có phái đoàn nước nào nhận chúng tôi thì tất cả mọi người sẽ bị đuổi về lại biên giới Thái và Cambodia, chứ không được ở nơi đây nữa.

Ban đại diện và các thân hào, nhân sĩ bèn họp nhau quy tụ những người giỏi sinh ngữ để viết thư cho ba mươi bốn nơi trên thế giới để xin cầu cứu. Chúng tôi viết thư đến các chính quyền Thái Lan, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp và Anh, kể cả việc việt thư cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II ở La Mã, Ý và Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng.

Sau đó, chúng tôi họp tất cả khoảng ba ngàn người tị nạn trong trại NW 9, đọc cho họ nghe và xin thêm ý kiến. Rồi chúng tôi nhờ nhân viên hội HTTQT là ông Leon de Riedmatten chuyển thư đi.

Vì tuyệt vọng và lo sợ bị trả về biên giới rồi sẽ bị nhóm lính Para, Pol Pot hay Việt cộng bắn giết, hãm hiếp và bỏ tù, nên một số chúng tôi trong ban đại diện đã bàn với nhau để thống nhất một kế hoạch chung, chuẩn bị nếu người tị nạn bị trả về vùng biên giới sôi động.

(Lúc ấy, các người đàn ông và thanh niên chúng tôi sẽ trở về đầu quân cho cho quân Kháng Chiến chống Cộng Sản của người Cambodia. Sau khi được phát súng để chiến đấu, chúng tôi sẽ tìm đường vượt biên giới Thái, đi về hướng đông nam của đất Thái, lấy tàu bè của của dân Thái để vượt biển lần nữa đi đến Mã Lai hay Singapore. Lý do là vì lúc ấy đâu còn tiền để mua thuyền được. Có thể vào giờ cuối, chính quyền Thái vì lý do nhân đạo sẽ chỉ cứu vớt những gia đình có con nhỏ. Còn đám đàn ông, thanh niên như chúng tôi thì luôn chịu sự thiệt thòi.)

Sau đó một tháng thì có một phái đoàn của vị thứ trưởng bộ Ngoại Giao Mỹ đến thăm trại chúng tôi. Tất cả dân tị nạn trại NW 9 mừng rỡ vô cùng vì nghĩ rằng trại sắp được giải quyết. Khoảng hai tuần lễ sau thì có một danh sách gồm một trăm bốn mươi mốt người được phái đoàn Mỹ chấp nhận cho rời NW 9 để đến trại Panatnikhom ở sâu trong nội địa Thái, gần Bangkok.

Vào giờ chót, chính quyền Thái Lan gạt ra một số người để buộc họ ở lại, chỉ còn hơn một trăm người được tiếp tục đi. Trong số người bị gạt lại đó có tên ba cha con tôi vì chúng tôi không có trẻ con và phụ nữ.

Khi chúng tôi đến trại NW 9 thì nhân số vào khoảng chín trăm người. Nhưng khi chúng tôi rời trại thì nhân số lên đến ba ngàn người. Dân tị nạn đến rải rác hàng ngày và đều do xe của hội HTTQT chở đến từ các trại thuộc quyền kiểm soát của Para và Pol Pot. Mỗi ngày người tị nạn đến chừng vài ba chục người. Lúc ấy có tôi, ông C. và anh H. làm giấy tờ lý lịch (Tracing cards) cho những người mới đến.

Sau khi bị gạt tên trong danh sách, mãi đến hai tháng sau, gia đình tôi mới được đi tới trại Panatnikhom. Chúng tôi còn phải qua trại Galang ở Indonesia cho đến ngày 10 tháng 7, năm 1981 mới được đặt chân lên Oakland, San Francisco thuộc tiểu bang California.”

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes