November 17, 2008

Hồi ký tị nạn của ông Lê Tấn Lý - Trại Tù Ở Non Chan


Khi chúng tôi tới Non Chan là vào buổi trưa ngày 22, tháng 4, năm 1982. Từ xa, chúng tôi thấy những căn nhà lụp xụp làm bằng cỏ tranh, trên có che những tấm ni lông màu xanh da trời. Xa xa, tôi thấy một lá cờ của lính giải phóng Miên, có màu xanh, đỏ và một hình tháp chính giữa. Tôi vì quá mệt nên cũng không còn đủ sức mà nhìn rõ xem màu sắc và hình vẽ của lá cờ như thế nào.

Khi đến nơi, tôi nghĩ là mình đã đến vùng tự do rồi nên lòng mừng khấp khởi. Thế nhưng lại bị một bọn lính Para khám xét nữa để cướp đồ quý. Bọn chúng hỏi tôi bằng một tràng tiếng Miên. Tôi không hiểu mà chỉ ra dấu rằng tôi quá khát và cần nước uống. Nhưng thay vì cho tôi uống nước, chúng lại bắt chúng tôi cởi quần áo để chúng moi móc tìm mọi chỗ, kể cả chỗ kín trong người.

Lúc ấy tôi chỉ còn vỏn vẹn có một bộ đồ mặc trong người và một đôi dép râu quai bố (loại dép Bình Trị Thiên). Dù vậy, bọn Para cũng không tha vì chúng nghĩ rằng tôi có thể dấu vàng bạc ở đôi dép ấy. Chúng lấy luôn đôi dép râu của tôi và trao cho tôi một đôi dép Nhật khá tốt.

Sau này, tôi đã khốn khổ vì đôi dép ấy trong những tháng ngày dài sống thiếu thốn ở trại tù Non Chan và trại tị nạn NW 82. Đôi dép cũ mòn hư hao. Tôi đã phải tìm mọi cách để cột đôi quai dép lại cho có thể đi tạm được. Đi chân trần khổ lắm, vừa đau, vừa đạp gai, đạp miểng chai, sâu bọ hay phân người. Tôi cứ tiếc hùi hụi cho đôi dép râu bền chắc đã bị bọn Para lấy mất.

Bọn Para mới dữ dằn vô cùng. Chúng hạch hỏi đủ thứ, kể cả ngày sinh tháng đẻ và cả nơi sinh của chúng tôi để làm thủ tục giấy tờ. Bà chị tôi lúc ấy quá sức sợ hãi nên khai bậy bạ. Chị khai nhiều tuổi hơn tuổi thật. Chị khai lộn xộn hết mà từ đó, tôi không dám điều chỉnh lời khai nữa vì sợ chúng nghĩ rằng mình có ý man trá nên khai tầm bậy. Chính vì thế mà kẹt luôn cho đến khi khai để xin được bảo lãnh, tôi cũng phải khai như lời chị khai.

Làm thủ tục xong, bọn chúng lại giao chúng tôi cho một tên lính dắt đi đến một văn phòng khác ở rất xa. Chúng tôi đi mãi, băng qua một khu chợ. Ở đấy, người ta che các căn nhà lụp xụp bằng lớp cỏ tranh hay bằng tấm vải ni lông xanh.

Khi tới một văn phòng khác của Para, chúng tôi phải ngồi chờ rất lâu ở đó. Thế rồi lại một màn cởi quần áo để khám xét kỹ lưỡng nữa. Bao nhiêu nỗi tủi nhục và cực lòng làm chúng tôi đau đớn vô cùng. Thân phận mình còn bị bạc đãi và coi thường hơn một con chó hay con kiến nữa.

Sau đó, chúng dắt chúng tôi vào một trại tị nạn. Thoạt đầu, chúng tôi tưởng bở, lòng mừng rỡ vì ý nguyện đã thành tựu. Trại tị nạn đây rồi! Ôi ba chữ ” Trại tị nạn” sao nghe vui tai và hay ho đến thế. Nhưng hỡi ôi! khi đến nơi mà gọi là trại tị nạn thì đó chỉ là một nhà tù nhỏ làm bằng tranh, chung quanh đóng cột gỗ và có hàng rào đầy thép gai.

Nhìn vào trong nhà thì thấy rất nhiều người đứng lố nhố, đặc biệt là đàn ông và con nít đều ở trần. Mọi người đứng trong vòng rào kẽm gai nhìn ra. Trông ai cũng đen đúa như một đám mọi đen đói vì ai cũng ốm dơ xương ra. Tôi thấy mình chới với ngay:

”Trại tị nạn gì mà kỳ cục quá, khủng khiếp quá!”

Hình ảnh thực tế của trại tù Non Chan đập mạnh vào mắt tôi.

”Đây là trại tị nạn đó sao? Trại chỉ toàn kẽm gai và đám người bị tù túng, đói khổ như thế này! Thôi rồi, thiên đường của dân tị nạn đường bộ là đây sao?”

Mộng ước sụp đổ tan tành ngay lập tức. Chúng tôi bị xúc động về hình ảnh đau thương trước mắt. Chúng tôi không thể mở miệng mà hỏi han hay nói chuyện với ai cả, chỉ còn biết đứng ngây ra nhìn mà thôi. Sự thật phũ phàng quá! Bao nhiêu cực khổ dọc đường không làm cho chúng tôi chán ngán bằng hình ảnh cái trại tù Non Chan ấy.

Liền đó, tên lính mở dây xích khóa cửa tù để tống ba chúng tôi vào đó. Tống giam xong, hắn cẩn thận khóa cửa để đi về. Địa ngục là đây rồi! Lúc ấy, nhằm lúc bọn tù đàn ông đi làm lao động hết rồi, chỉ còn bọn tù đàn bà, con nít và một số đàn ông bịnh hoạn ở lại trại giam này mà thôi.

Khi chúng tôi bị tống vào trại, trong đó ai cũng nhìn chúng tôi bằng đôi mắt thương hại. Họ ở đó lâu qúa rồi, và họ đã nếm đủ mùi cực khổ rồi. Bây giờ chúng tôi cũng lại lao đầu vào chốn địa ngục trần gian ấy nên họ thương hại.

Lúc chúng tôi nhập trại thì trời đã quá trưanên ai cũng ăn cơm hết rồi. Theo lời họ kể thì cơm là do bọn tù đàn ông đi làm lao động khổ sai rồi để dành cơm đem về cho vợ con ở kẹt trong tù. Cơm chỉ ăn với muối trắng mà thôi.

Chúng tôi quá tuyệt vọng và mỏi mệt nên chẳng ăn được mà chỉ khát nước mà thôi. Một vài người đàn bà tốt bụng đã cho chúng tôi vài ngụm nước. Sau này tôi mới thấy rằng họ đã quá tốt với chúng tôi, vì nước trong tù rất hiếm và qúy còn hơn là vàng nữa.Tình đồng hương, đồng cảnh ngộ thật đáng ngợi khen. Ở trong tù không có nước, không có muối và không có đồ ăn. Mỗi bữa mọi người chỉ được ăn cháo do bọn lính Para phát cho mà thôi.

Uống vài ngụm cũng chưa đã khát, nên sau đó chúng tôi được các bà ấy rót nước cẩn thận ra ba lon sữa bò và trao cho ba chúng tôi. Hết thẩy mọi người ở đó đều nhìn chúng tôi với sự xót thương, nhưng không ai vội vàng kể cho chúng tôi những chuyện khổ cực trong tù. Có lẽ họ nghĩ rằng chúng tôi vừa mới đến nơi, kể ngay sợ chúng tôi đau khổ sớm.

Trong nhà tù ấy rất dơ dáy, toàn là đất bụi, chiếu thì rách te tua. Người ở trong tù đã quá quen với cảnh dơ bẩn đó, còn chúng tôi thì còn ngại dơ nên đứng lóng ngóng ở đó và không dám ngồi. Mọi người cứ mời chúng tôi ngồi mãi. Cuối cùng chúng tôi đành ngồi nhẹ xuống vì ngồi mạnh lại sợ dơ.

Sau đó chúng tôi mới hỏi thăm tình hình trong nhà tù và được biết rằng căn nhà tù này rất nhỏ, mỗi cạnh độ chừng bốn thước mà được ngăn làm hai: Một bên chứa người Miên hay lính Miên phạm pháp. Một bên chứa người Việt tị nạn. Số người Miên bị giam chiếm hai phần ba, còn số người Việt chiếm một phần ba dân số.

Trước đó, phiá giam người Việt tị nạn có đến bốn mươi hay năm mươi người. Lúc tôi đến thì có khoảng hai mươi hay ba mươi người. Mọi người chen chúc sống trong căn nhà chật hẹp. Khổ một nỗi là ngay trong phòng có một cầu tiêu, chiếm một phần tư diện tích căn phòng. Người ta bài tiết ngay ở đó, mà lại không có nước để dội. Vì thế, mùi hôi thối bay ra nồng nặc, lại thêm ruồi bọ nhiều như ong. Ruồi nhiều đến nỗi chúng bu vô cơm, cá khô và tất cả mọi thứ. Con nít đi tiêu chảy tung tóe đến nỗi phân dính đầy trên chiếu.

Tối đến, chúng tôi cũng vẫn phải ngủ trên chiếc chiếu có dính phân. Phòng vừa chật vừa hôi thối, người ta chen chúc như nêm cối. Lúc đầu, chúng tôi thấy phòng dơ, ruồi nhiều nên không dám ăn cơm nữa vì chưa ăn đã ớn và sợ đến tận cổ rồi. Cơm nước thì do bọn dân tù nấu ở một nhà bếp làm phía ngoài. Mấy ngày đầu chúng tôi mới đến thì bọn Para cho ăn vài bữa cơm. Sau thì toàn cho ăn toàn là cháo trắng và muối hột mà thôi.

Sau đó, bọn Para cho tôi nhập vào đám tù đàn ông để làm công tác nặng như đào giếng, làm đường, cưa cây xẻ gỗ, làm nhà, đào mìn hay gỡ mìn. Còn đàn bà thì làm những việc nhẹ chung quanh trại. Khổ một điều là đàn bà bị hãm hiếp thường xuyên. Ban ngày, bọn Para kéo đàn bà vào ngay văn phòng của chúng để hành lạc tập thể. Ban đêm lại còn kinh khủng hơn vì chúng lôi phụ nữ đi hãm hiếp từng đêm.

Bọn chỉ huy của Para thường mang danh là chống Cộng, là lực lượng giải phóng, nhưng thực chất, chúng chỉ là bọn thảo khấu, ăn cướp và hãm hiếp phụ nữ mà thôi. Chính những tên được gọi là ”Ông lớn”, hay ”Lục thum” là những tên tai quái nhất.

Ban đêm chúng cho người đem một mảnh giấy gọi hết cô này đến cô kia lên văn phòng cho ”Ông lớn điều tra”. Như vậy ai cũng hiểu là chuyện gì sẽ xảy ra cho những cô gái ấy rồi. Ở văn phòng các ”ông lớn” thường có sẵn bốn, năm tên lính Para ngồi chờ. Khi các cô trở về thường là đi hết nổi, có cô bại liệt hẳn và phải có người dắt nách hai bên.

Còn những tên lính ”tép riu” Para thì hay làm càn. Chúng kéo các cô vào cầu tiêu ngay trong phòng. Có khi chúng hãm hiếp các cô gái ngay trước mặt bọn tù tị nạn người Việt. Cả con nít cũng phải chứng kiến cảnh đốn mạt ấy. Hội Hồng Thập Tự Quốc tế (HTTQT)có can thiệp xin lãnh mọi người tị nạn, đặc biệt là xin cho các cô gái được dời đi đến các trại khác, nhưng lính Para cũng không tha cho họ ra đi.

Thường thường thì các cô gái đẹp mà không có chồng hay không có gia đình đi chung thì bị chúng giữ lại rất lâu để hành lạc. Tôi có quen hai cô gái tị nạn. Sau này một cô được chấp nhận cho tới Mỹ, còn một cô được đi Canada. Hai cô này bị hãm hiếp hàng đêm đến nỗi trở thành ngơ ngẩn nhưng may mà chưa điên. Đàn ông khỏe mạnh thì bị giữ lại ở trại tù rất lâu để làm lao công. Cơ hội đi thoát cũng rất là khó.

Gia đình tôi kể ra là may mắn nhất. Chúng tôi ở trại tù khoảng một tháng rồi được chuyển qua một khu khác gần nhà thương Non Chan. Tụi Para chơi bùa nhiều nên có đứa ngán, không dám hãm hiếp vợ người vì sợ bùa hành. Do đó những gia đình có vợ và con nhỏ thường dễ được đi nhanh hơn các trường hợp khác. Chúng tôi khai là vợ chồng có con nhỏ nên được hội HTTQT can thiệp mạnh và cho đi sớm.

Mỗi tuần, vào sáng thứ tư là ngày hội Hồng thập Tự Quốc tế tới. Ở trong tù, ai cũng mong đợi cho mau đến ngày thứ tư. Đến ngày ấy, không ai phải đi làm lao động cả mà chỉ ở nhà nằm chờ cho hội HTTQT đến lấy danh sách tên tuổi của người tị nạn. Lấy danh sách là một chuyện còn khi nào bọn Para Miên cho đi thì hội HTTQT mới có thể ”bốc” dân tù tị nạn đi được. Nếu bọn Para không cho dân tị nạn đi thì đành phải chờ cho dù mấy tháng, mấy năm vẫn phải chịu.

Như thế số phận dân tị nạn như cá nằm trong rọ, sống khắc khoải dưới sự đàn áp và cưỡng bức tàn bạo của bọn Para. Có nhiều người đã phải chờ cả hai năm. Có người bị giết chết cách tức tưởi nên chẳng bao giờ còn dịp gặp được hội HTTQT cả.

Những người tị nạn nào đã được gặp hội HTTQT thì vẫn tiếp tục đi làm. Còn những người khác vì lý do nào đó như gái đẹp, trai khỏe mạnh, hay tỏ ý chống cự lại bọn Para thì đến ngày hội HTTQT đến, bọn Para bắt họ đứng riêng, không cho gặp mặt nhân viên của hội.

Cũng có người bị bọn Para nghi là Cộng sản, gián điệp, không thành thật hay còn giấu diếm tiền bạc, vàng nên không được chúng cho gặp nhân viên hội HTTQT. Đã có hai người đến trước chúng tôi khoảng mấy tháng và ở trong trường hợp bị chúng tách riêng không cho gặp nhân viên hội HTTQT. Chúng giữ hai người này cả năm trường. Hai ông này rất sợ hãi vì không biết bị bọn chúng đập đầu giết chết lúc nào.

Một điều lạ là bọn Para Miên ghét Cộng sản Miên đã đành , nhưng chúng cũng rất ghét sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa của chế độ cũ. Các vị cựu sĩ quan như đại tá hay trung tá mà vượt biên đến đó cũng bị bọn chúng chúng hành hạ, đầy ải đến nỗi họ ăn ngủ không yên. Tinh thần họ bị khủng hoảng vô cùng. Vì thế tôi lấy làm thắc mắc, chẳng hiểu lý tưởng của bọn Para như thế nào nữa.

Ở trong tù mà không biết tiếng Miên thì thật là khổ. Như trường hợp của tôi: Hôm đó có một đám lính Para tới phòng tôi và nói một tràng tiếng Miên. Chúng tôi chẳng hiểu gì cả, may mà có một phụ nữ tị nạn biết tiếng Miên nên dịch ra tiếng Việt cho chúng tôi hiểu. Chúng bảo:

”Ai có gia đình thì ở lại phòng này, còn ai không có gia đình thì qua bên phòng kia ở với tù người Miên.“

Vì thế, chúng tôi yên trí ở lại phòng đó. Tối đến lại có một nhóm Para khác đến cũng nói một tràng tiếng Miên. Tôi cũng không biết chúng nói gì. Thế là một lần nữa, người đi qua, kẻ ở lại, còn chúng tôi ngơ ngác đứng xớ rớ. Liền đó, một thằng Para giận dữ đá ngay vào mặt tôi và nạt lớn. Sau đó, nó còn đá bồi vào ngực vào lưng tôi rồi kéo đầu tôi qua phía phòng bên kia.

Những người ở cùng phòng hoảng hốt hét to:

”Đi ra đi! Đi ra đi!”

Tôi hốt hoảng và chạy ”dọt” ra ngoài. Như vậy là đàn ông dù có gia đình hay không gia đình đều phải qua phòng đó. Thế là chúng muốn tách tất cả đàn ông ra một phòng riêng.

Tôi vội vàng chạy chúi đầu vào phòng của người Miên và không dám ngóc đầu lên nữa. Tối đó, tôi phải nằm trên một chỗ đất lồi lõm, không bằng phẳng mà ngủ. Vì vào phòng sau cùng, nên ai cũng dành chỗ tốt hơn, còn tôi chỉ có chỗ nằm tệ nhất thôi.

Đêm hôm đó, tôi đau lưng cả đêm, lại thêm bị tức ngực và đau mặt ê ẩm vì những cái đá của thằng lính Para độc ác. Dù đau và nằm không thoải mái, tôi cũng chịu trận vì hễ trở mình, lỡ đụng bọn tù Miên bên cạnh là chúng đạp lại và đánh tôi ngay. Thật là khổ ải, hết bị bọn này hành hạ lại đến bọn khác đánh đập. Ngay cả đến chút nước uống của mình, bọn tù Miên cũng cướp lấy, không cho chúng tôi uống.

Ban ngày, đàn ông tù tị nạn đi làm, được nấu cơm ăn bên ngoài. Ăn xong, bọn họ gói cơm và để dành nước đem về cho tù đàn bà và con nít ở nhà. Cứ chiều đến, những người tù ở nhà đứng bu bên cạnh hàng rào kẽm gai, ngóng mắt chờ mong những người tù nam về để xin cơm và nước mà sống qua ngày.

Vì sống trong cảnh khổ đau cùng cực nên chúng tôi thương yêu nhau như trong tình gia đình: chia cho nhau từng chén cơm và ngụm nước. Lúc ấy mới thấy thấm thía câu ca dao:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”

Khi đám tù đàn ông chúng tôi đi ra ngoài làm lao động, chúng tôi vẫn tiếp xúc với dân chúng Miên. Họ có vẻ thông cảm và thương hại chúng tôi. Hình như họ cũng bị ép buộc ở vùng đó. Họ cũng buôn bán cò con, lẻ tẻ như dân nghèo Việt nam. Họ bán ổi, xoài, kẹo và bánh. Đôi khi vì thấy chúng tôi quá cực khổ nên họ lén cho chúng tôi một trái xoài hay một cây kẹo.

Nhiều người Miên ở đấy biết tiếng Việt nhưng không dám nói tiếng Việt với chúng tôi vì họ sợ bọn Para ghét. Cho đến nay tôi vẫn còn thương một người lính Miên tên là Khíp. Mẹ anh ta là người Việt. Có lẽ vì thế mà anh thương bọn tù chúng tôi. Đôi lúc, anh ta cho chúng tôi ít nước uống hay dấm dúi cho con nít vài cái kẹo. Khíp không hề đánh dân tị nạn Việt mà còn giúp chúng tôi những thứ lặt vặt trong khả năng của anh ta nữa.

Có lần vì thấy bọn tù chúng tôi ở dơ, không có nước tắm nên anh Khíp xin cấp trên cho anh dẫn từng năm người đi tắm. Không hiểu anh này có biết tiếng Việt hay không, có thể anh ta biết nhưng vì sợ bị bọn Para kia kiếm chuyện nên không dám nói tiếng Việt với chúng tôi.

Các câu chuyện về lao động khổ sai:

Có nhiều trường hợp mà dân tị nạn phải đi gỡ mìn và chết oan vì mìn nổ. Một người bạn của tôi tên là Dũng. Dũng và người anh trai cùng đi vượt biên đường bộ và cùng bị tù ở Non Chan. Tại đây, có một phái đoàn Phục quốc người Việt đến chiêu mộ binh sĩ. Người anh của Dũng đã tình nguyện gia nhập đoàn quân phục quốc, còn Dũng thì ở lại, chịu cảnh làm lao động khổ sai.

Dũng còn trẻ là học sinh, cả đời không biết gì về súng đạn hay bom mìn gì cả. Một hôm Dũng đang làm lao động thì bọn Para kêu anh ta ngồi riêng ra một chỗ. Rồi bọn chúng cho Dũng ăn một nồi cơm nguội và cá khô. Điều này rất hiếm vì ở trong tù chỉ được ăn cháo trắng, đôi khi còn không có muối mà ăn chứ đừng nói đến chuyện ăn cá khô.

Khi Dũng ăn no nê xong, chúng còn cho Dũng ngồi nghỉ thật lâu và còn cho hút thuốc lá nữa. Dũng rất ngạc nhiên nên cứ thắc mắc mãi. Chừng một lát sau, mười tên lính Para Miên đội mười quả mìn từ đâu đến để trước mặt Dũng. Rồi thằng chỉ huy Para vừa nói vừa ra dấu cho Dũng cách thức tháo ngòi nổ. Hắn nói bằng tiếng Miên nên Dũng không hiểu mà chỉ biết nhìn theo cách hắn dạy để làm thôi.

Tên Para lấy một cái búa và một cái đục để ra dấu chỉ cho Dũng đục qủa mìn theo hình chữ thập. Phải đục thật cẩn thận và khéo léo. Đục xong thì cậy lên để tháo ngòi nổ. Sau đó rút chốt quả lựu đạn rồi nhét và qủa mìn. Cần nhất là làm nhẹ nhàng kẻo mìn nổ.

Sau khi nhắc đi nhắc lại nhiều lần, bọn lính Para chạy dạt ra xa hết vì sợ nổ. Thế là còn lại chỉ có Dũng với mười trái mìn. Nhát búa đầu tiên mà Dũng đóng vào quả mìn làm tim anh nhói lên vì sợ hãi. Anh sợ vì lỡ nó nổ thì anh ta chết tan xác ngay. Anh ta cố gắng đến tột độ nên làm xong quả mìn đầu tiên thì người Dũng ướt đẫm hết vì mồ hôi toát ra như tắm.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes