June 01, 2009

Cuộc Hành Trình Vượt Biên Từ Sàigòn Đến Thái Lan - 4

Phần 4: Những Ngày Chờ Đợi tại Nam Vang
Trần Chí Thành

Suốt trong ba ngày nằm chờ đợi tại nhà của một bà Miên gốc Việt, chúng tôi không được xuất đầu lộ diện. Bà chủ nhà phải tiếp tế đồ ăn cho chúng tôi như cơm, thức ăn, cà phê sữa đá. Xóm của bà ta qúa nhỏ nên cả xóm đồn ầm lên là bà chủ nhà chứa ba người Việt Nam.
Thế là tối hôm ấy, lúc bảy giờ tối, lính du kích ấp đã phát giác ra chúng tôi. Họ bắt chúng tôi ra trụ sở ấp. Ôi, thế là đời mình tàn rồi, sự nghiệp tiêu ma hết rồi! Chúng tôi sợ đến nỗi run rẩy như bầy cừu non trước nanh vuốt cọp dữ.
Họ hỏi chúng tôi đủ thứ, nhưng vì ngôn ngữ bất đồng nên họ không thể lấy khẩu cung để làm báo cáo mà gửi lên cấp huyện được. Họ nói lõm bõm tiếng Việt rằng:
"Dzun tâu Xiêm" (Việt Nam đi Thái).
Sau đó, họ bắt chúng tôi chờ ở đấy. Chừng mười lăm phút sau, họ trở lại và đem theo một người Bộ đội Cộng Sản người Việt, nói giọng miền Bắc. Anh bộ đội tự giới thiệu mình là một sĩ quan thiếu úy. Cho đến giờ này, tôi không hiểu có phải là phép lạ, vì tình đồng hương hay vì sự thương hại trước sự run rẩy của chúng tôi mà anh Bộ đội Việt Nam ấy nói:
-Nếu các anh đã biết lỗi thì nên quay về vì người Miên ở đây đã kết tội các anh là những người vượt biên "Tâu Xiêm". Tội vượt biên có thể bị bắt giam ít nhất là sáu tháng.
Nói xong, anh ta ra mệnh lệnh cho toán lính Miên (Lúc đó, Bộ đội Cộng Sản Việt Nam có uy quyền đối với lính Miên) là hãy để cho chúng tôi tự do và rồi ngày mai chúng tôi sẽ quay trở về Việt Nam.
Tuy thế, viên trưởng ban xã ấp người Miên vẫn không tha cho chúng tôi. Hắn đặt ngay chiếc ghế bố trước nhà bà Miên để canh chừng chúng tôi phòng khi chúng tôi lén lút trốn đi.
Đêm hôm ấy, chúng tôi lòng rối như tơ vò, phần thì mừng hú hồn vì được giải thoát mà không ngờ trước, phần thì trằn trọc và lo sợ vì người Miên kia nằm canh gác ngay bên ngoài. Còn người dẫn đường thì sợ hãi quá nên không dám đến liên lạc nữa. Chúng tôi qúa sức sợ vì mình đang bị giam lỏng. Dù chúng tôi bảo rằng qua Miên để thăm bà con, nhưng họ vẫn biết ngay là chúng tôi đi vượt biên nên vẫn theo dõi và dò xét.
Sáng hôm sau, chúng tôi ra chợ, đến ngồi tại quán cà phê và gặp lại người dẫn đường. Anh này ngồi ở góc bàn phía xa, anh viết tay trên bàn chữ " Năm N". Chúng tôi về suy nghĩ và bàn luận chắc có lẽ là điểm hẹn, nhưng mình không biết tiếng Miên thì làm sao mà đi được. Chúng tôi thắc mắc mãi mà không biết câu giải đáp. Cảnh tù giam lỏng làm cho chúng tôi thấy ngột ngạt và khổ sở.
Thình lình lúc sáu giờ chiều hôm ấy, bà Miên trở về và ra dấu cho chúng tôi trốn đi bằng cửa sau. Vừa trốn ra khỏi cửa, chúng tôi đã thấy người dẫn đường đứng sẵn và ra hiệu cho chúng tôi chạy thật lẹ. Thế là chúng tôi cắm đầu chạy thục mạng về phía anh ta.
Tới nơi, chúng tôi thấy ba người đạp xe đạp thồ đang chờ sẵn. Thế là cả ba anh em tôi nhào lên xe. Ba anh đạp xe thồ đạp thật mau. Chúng tôi lại tẩu thoát lần nữa. Đi lòng vòng một hồi lâu thì chúng tôi được chở tới một công trường bên cạnh nhà ga.
Nơi sân ga, có rất đông người Miên nằm, ngồi la liệt để chờ đợi xe lửa đến. Họ trải chiếu rồi bạ đâu nằm đó. Cũng tại đây, tôi gặp lại nhóm ba người bạn kia. Thế là sáu người lại gặp nhau. Cẩn thận một chút, chúng tôi ngồi thụp xuống, và cố gắng trà trộn trong đám người dân Miên để mong khỏi bị lộ.
Bất thình lình, người bạn tôi nhìn ra và bắt gặp một người đang lái xe Vespa Sprint vòng quanh công trường, mắt ngó dáo dác như đang tìm bắt một người nào đó. Chúng tôi đồng loạt ngó ra và hoảng hốt khi nhận ra đó chính là tên trưởng ban xã ấp người Miên đã rình rập chúng tôi. Chắc hẳn hắn đã khám phá ra rằng chúng tôi đã trốn thoát nên giờ này hắn đi tìm để bắt lại.
Nhanh như một mũi tên bắn, chúng tôi vội nằm thụp xuống và bò đi theo người dẫn đường để đào tẩu lần thứ hai. Thật giống như tình tiết éo le trong một câu chuyện mạo hiểm phiêu lưu hay phim gián điệp. Chúng tôi bò đi và phóng thật mau vào một con đường nhỏ ở gần đó rồi đi bộ rải rác hai bên vệ đường theo dấu người dẫn đường.
Cũng may, lúc đó trời vừa sập tối nên không ai để ý. Chúng tôi cứ lếch thếch đi theo người dẫn đường mãi đến khi rã rời hai đầu gối. Lúc này, ai cũng đi như lết qua khắp các nẻo đường của thành phố Nam Vang để mong đánh lạc hướng tên trưởng ban xã ấp kia. Cứ thề mà đi lòng vòng mãi gần khắp các nẻo đường.
Cuối cùng khi biết chắc chắn là người kia đã không thể theo dõi được nữa thì người dẫn đường đưa chúng tôi vào ngủ trên những sạp hàng của người Miên ở giữa chợ. Những sạp bán thịt cá ban ngày nên tối đến mùi hôi thối bay lên. Không còn có sự lựa chọn nữa nên bọn tôi đành leo lên các sạp hàng để ngủ. Đêm hôm đó thật hãi hùng, tôi thiếp đi và ngủ quên bên cạnh tiếng những con chuột tranh ăn kêu chí chóe, tiếng dế gáy và tiếng côn trùng kêu rỉ rả suốt đêm.

Sáng hôm sau, 27 tháng 4 năm 1980, chúng tôi thức dậy sớm, trước khi buổi chợ họp nhóm. Theo quy ước, chúng tôi phân tán đi lang thang trong chợ để chờ đến mười giờ sáng thì tập trung ở cổng chính của ngôi chợ này. Lại một lần nữa, chúng tôi phải trà trộn trong đám người Miên, giả dạng đi ngắm hàng hóa hoặc mua bán. Tuy vậy, chúng tôi vẫn phải đề cao cảnh giác vì mình có thể bị phát hiện bất cứ lúc nào và bị nguy hiểm bất cứ ở đâu, nếu có người nào chận lại hỏi mình vài câu tiếng Miên.
Khoảng mười giờ sáng, chúng tôi tập trung tại cổng chính của chợ để đi bộ theo người dẫn đường tới nhà ga. Khoảng 11:00 giờ trưa, chúng tôi được luồn dưới một cổng nhỏ vào ga. Có lẽ người dẫn đường đã mua bằng vé chợ đen để vào nhà ga. Đúng 12:00 giờ trưa, chúng tôi leo lên xe lửa để đi từ Nam Vang đến thành phố Battambang.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes