April 19, 2012

Mùa Đông Năm 1984

Mùa đông năm 1984, dân tị nạn ở Dongrek vừa nôn nao vừa lo lắng vì nhiều sự kiện xảy ra dồn dập. Họ  lo lắng nhưng ai cũng có một tâm trang phấn khởi.

Vì từ hồi đầu tháng 11, dân tị nạn trại Dongrek  xôn xao  với những buổi sáng  khi  xe bus Thái vào đưa người đi phỏng vấn ở Ban Thai Samart gần Aranyaprathet.

Tân Tây Lan bắt đầu, rồi lần lượt Gia Nã Đại, Pháp, Úc, các nước Châu Âu...rồi tới Mỹ

Lúc đầu xe bus chỉ lưa thưa,1 chiếc hôm nay, 2 chiếc sáng mai. Người được đón đi phỏng vấn ở những nước châu âu hay Úc còn ít, nhưng khi Mỹ bắt đầu thì rộn ràng vô cùng. Từ tờ mờ sáng, hàng đoàn xe bus vô đưa hàng trăm người đi Ban Thai Samart mỗi ngày.

Ngày 22/12 thì trại Dongrek lại yên lặng trở lại. Những người ngoại quốc đã  trở về nước của họ nghĩ lễ. Dân tị nạn trở lại tâm trạng bồn chồn chờ đợi, nhưng xôn xao bàn tán nhiều hơn. Vui thì ít mà lo âu thì nhiều. Vui vi đã được đi phỏng vấn, lo lắng vì vẫn chưa biết được nhận hay không.

Lo hơn nửa là tiếng đạn pháo xa xa từ phía Ampil và Nong Samet vọng về. Bộ đội Việt Nam đang tấn công ở hướng đó. Ai cũng lo lắng không biết khi nào sẽ tới lượt Dongrek. Làm dân tị nạn vùng biên giới, mùa khô là mùa chạy loạn. Bộ đội Việt Nam năm nào cũng tấn công vào dịp mùa khô này, vì lúc này họ có thể vận chuyển vũ khí quân lính dễ dàng, và xe tăng cũng có thể tham gia cuộc chiến

Mùa đông năm 1984 cũng thế, tin tức từ Hồng Thập Tự cho biết bộ đội Việt Nam bắt đầu tấn công khắp nơi dọc biên giới Thái Lan.

Nong Chan đã thất thủ hồi giửa tháng 11
Đầu tháng 12 làng Nam Yuen gần Lào đã bị tràn ngập
Giửa tháng 12 trại Sok Sann mãi tận phía nam phải di tản

Không ai tỏ vẻ ngạc nhiên vì lần nào cũng vậy, bộ đội tấn công thì lính Khmer chỉ chống cự qua loa, rồi sẽ chạy qua đất Thái lánh nạn, dân chúng cũng phải di tản theo, nên cảnh chạy loạn vào đất Thái sẽ là chuyện đương nhiên một khi bộ đội đánh vào bất kỳ chổ nào vùng biên giới này.

Bây giờ thì Nong Samet đang bị tấn công với xe tăng. Có người nói Ampil cũng đang bị tấn công. Người tị nạn từ Dongrek có thể nghe tiếng đạn pháo đì đùng từ hướng ấy vọng về.


Ngày 24/12,  Cha Pierre Ceyrac tới làm lễ Noel trong căn nhà thờ công giáo làm không khí trại tưng bừng hơn. Hình như ai cũng tạm quên những lo lắng buồn phiền cho số phận, tạm quên những tiếng đạn pháo vẫn đì đùng, để lắng nghe tiếng hát từ nhà thờ vọng vang

Đêm Thánh vô cùng
Giây phút tưng từng
Nhấp chén phiền
Vương phong trần
Ôi Thiên Chúa thương người đến quên mình
Bơ vơ chốn quê nhà...


Ngày lễ Noel tới rồi đi. Niềm vui qua mau, người tị nạn lại trở lại kiên nhẩn chờ đợi. Bỗng dưng sáng 27/12, một chiêc xe buýt nhỏ tới đậu ngay trước văn phòng trại Dongrek.

Người ta đổ xô ra sân banh đứng vây quanh chỉ chỏ,  xôn xao bàn tán. Thì ra đây là chiếc xe buýt của Thái vào đưa các thầy và cha công giáo lên Panatnikhom để làm thủ tục đi định cư.

Đây là lần đầu tiên người tị nạn đi định cư từ trại Dongrek công khai như vậy. Dân tị nạn túa ra bu quanh chiếc xe nhỏ. Người ta nhìn  chiếc xe mà thèm thuồng mơ ước. Người ta nhìn bóng dáng những người may mắn hôm ấy mà âm thầm ghen tị

Có nhiều người chỉ đứng xa xa, lặng lẻ nhìn cảnh chia tay đang diễn ra. Những giọt lệ long lanh chực trào ra trong khóe mắt

Họ không khóc vì phải tiễn người đi, mà họ đang thương hại cho chính mình. Họ cảm thấy bị bỏ rơi khi trại Dongrek đang phập phồng chờ đợi chiến tranh đến lùa họ về nơi vô định. Họ cảm thấy tội nghiệp cho số phận như bị quên lãng. Nhìn người may mắn ra đi mà tự nhiên thấy ao ước thiên đường Panat xa vời, thấy tủi cho thân phận mình vẫn còn long đong vùng biên giới, thấy ngậm ngùi như tiếng hát nào vẫn âm vang lời tâm sự

A vì sao tự nhiên tôi mơ màng
Khi nắng chiều ngã bóng, trời vào tối
A vì sao tự nhiên tôi ngậm ngùi
Thương cho mình vẫn xa nước trời.

Họ đứng ngẫn người nhìn bóng dáng chiếc xe chở người đi từ từ nhỏ dần trên con đường bụi mờ.

Nhỏ dần.
Rồi biến mất.

Nước mắt long lanh nhưng họ không khóc

Trong một bức thư từ địa ngục trại tị nạn gởi cho người bạn ở chốn thiên đường,  một người tị nạn đã viết "Ngày các thầy đi em không khóc - Em đứng tiển các thầy,  cho tới khi chỉ còn em với những lớp bụi mà chiếc xe và các thầy đã để lại."

(Photo courtesy of  Pham Dinh Dai)







0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes