Lời Giới Thiệu
Giáo sư Trịnh xuân Đính, tác giả cuốn Hồi Ký “VỀ MỘT CUỘC RA ĐI”, là nhân viên Ban Giảng
Huấn tại trường Đại Học Luật Sàigòn, một đồng nghiệp của tôi, cho đến khi Việt Nam Cộng
Hoà rơi vào tay Cộng sản năm 1975. Trong những năm phục vụ tại Trường này, GS Đính là
người rất tận tụy trợ giúp tôi trong công tác chấn chỉnh lại một số hoạt động của Trường, nhất
là sắp xếp lại để các kỳ thi của Trường đạt được mức nghiêm chỉnh như vào thời kỳ Trường
được chuyển giao từ tay người Pháp sang Việt Nam.
GS Đính và gia đình không may bị kẹt lại tại Sàigòn và sống dưới chế độ cộng sản cho đến khi
“vượt biên” thành công vào năm 1981. Đây là lần chạy trốn chế độ cộng sản Việt nam lần thứ
hai, lần này bằng đường bộ qua Cao Miên tới Bát tam Băng, để từ đó băng qua rừng tới biên
giới Thái Miên, với hi vọng tới được trại tị nạn dành cho các “ bộ nhân” nằm sát biên giới. Lần
thứ nhất, cách đó mấy năm, tác giả cùng toàn thể gia đình đã “ vượt biển” qua ngả Vàm Láng,
Tiền Giang. Thuyền bị hư máy, cả gia đình bị bắt, bị công an biên phòng cướp hết tài sản và
còn bị tù ở Mỹ Tho.
Cuốn hồi ký “VỀ MỘT CUỘC RA ĐI” chủ yếu là mô tả chi tiết cuộc trốn chạy khỏi chế độ cộng
sản đang ngự trị trên đất nước thân yêu của tác giả, và đồng thời trong đó có rất nhiều chi tiết
giúp cho độc giả hiểu được vì sao tác giả và gia đình quyết định bỏ nước trốn đi, kể cả nếu phải
trả gía bằng mạng sống của chính mình và của người thân trong gia đình mình.
Thực vậy, sự thực thi ý thức hệ Mác Lênin và các biện pháp Stalinist với đầy đủ tính cách tàn
bạo của nó đã đưa dân chúng Miền nam sống xuống hàng thú vật. Chính sách bần cùng hoá
nhân dân để đạt “công bằng xã hội” kiểu công sản đã tê liệt hóa con người. Chính sách kiểm
soát dân chúng về phương diện dân quyền làm cho con người nghẹt thở. Đời sống của dân
chúng nói chung, và trí thức nói riêng mà tác giả là một hình ảnh; nữ sinh làm điếm đề kiếm
sống; đời sống của trẻ em như con của tác giả; xã hội băng hoại, đạo đức suy đồi v.v. được
mô tả nhiều trong cuốn tài liệu này. Một Hai Học mưu mô, lừa đảo để kiếm tiền; một Hạnh, học
trò cũ, lừa Thày là Biên và bạn của Thày trong kế hoạch làm ăn buôn bán, rồi bỏ trốn đi mất. Họ
là mẫu người của thời đại do chế độ xã hội chủ nghĩa tạo ra. Mọi người sống trong xã hội chủ
nghĩa phải luôn tìm mưu kế hoặc để lừa đảo hoặc để tự vệ.
Sự khốn khổ dưới chế độ cộng sản phải lên tới mức cùng cực, nên con người mới phải quyết
định liều mình vượt mọi hiểm nguy để chạy trốn, dù “bị bắt, bị lạc, đói khát, dẫm mìn mà chết”.
Còn gì thương tâm hơn, khi tác giả dặn dò người con trai 12 tuổi cùng trốn đi với bố: “ Tôi bảo
cháu rằng nếu cháu bị bắt mà tôi không bị, thì tôi vẫn tiếp tục đi, và ngược lại nếu tôi bị bắt mà
cháu không bị, thì cháu vẫn phải tiếp tục đi, không thể chờ nhau được. Còn nếu cả hai cùng bị
bắt, thì không được nhận bố con. Một người có thể dẫm phải mìn mà chết, người kia vẫn cứ
phải đi tiếp”. Trước khi ra đi, tác giả cũng như mọi người đều biết trước rằng chín phần chết,
chỉ có một phần sống, nghĩa là sẵn sàng tiến vào cái chết, tìm thấy sự sống. Như vậy sự ngược
đãi của chế độ đối với công dân của mình phải ở mức độ ghê gớm lắm, con người mới chấp
nhận cách lựa chọn này.
Hai cuộc hành trình đầy gian nan và nguy hiểm trong công cuộc tìm kiếm tự do phải được diển
tả là đi tìm sự sống trong cái chết. Nhiều lần đã gần kề đến cái chết, rồi lại được cứu sống như
lúc bị bắt khi trốn tránh chế độ bằng đường biển trên sông Tiền Giang trong đó cảnh công an
biên phòng Việt cộng bắn người, cướp đoạt tài sản của những kẻ vuợt biển; cảnh tác gỉa trốn,
nằm dưới hầm thuyền trên chất đầy thơm từ Châu Đốc đi Nam Vang, rồi những cảnh gian nan,
nguy hiểm, cực khổ đi từ Nam Vang đến Bát Tam Băng, rồi đến chặng đường tới biên giới Thái
Miên bị lính Khmer bắt, rồi liều mình chạy trốn, bị đuổi và bị bắn theo, thoát nạn, rồi lại tìm
đường vượt qua biên giới lần thứ hai; cảnh lạc trong rừng, đi đi, lại lại xung quanh một ngọn
đồi gần biên giới Thái. Đi một hồi lâu, rồi lại trở về địa điểm cũ.
Độc giả cũng có thể tưởng tượng được nỗi lòng của một người chạy trốn chế độ, để lại vợ và
con tại Sài gòn, chỉ mang theo một đứa con trai mới 12 tuổi và đứa con bị lạc mất. Và chỉ có
một mình tới được trại tị nạn ở Thái Lan.
Những mâu thuẫn nội tâm của tác giả được mô tả trong rất nhiều trường hợp khi phải đối phó
với những việc hàng ngày xảy ra. Trước khi vượt biển ( trốn đi lần I) tác giả sợ bị tù. Khi bị bắt
và bị giam ở Mỹ Tho, tác gỉa cầu xin, mong mỏi được chuộc mạng để ra khỏi cảnh khổ sở khi ở
tù VC. Nhưng sau khi ra tù, nỗi thất vọng chán trướng dâng lên vì phải chứng kiến những sự
thật trước mắt, tác giả lại muốn vào tù. Sau khi trải qua bao gian nguy và chết hụt như khi bị
đuổi và bị bắn theo sau vì trốn khỏi tay bọn lính Khmer vào lúc bị bắt ở gần biên giới, như bị đi
lạc trong rừng, và cuối cùng tới được biên giới Thái Lan. Sau khi đã vào được trại tị nạn, tác
giả lại thấy hối hận, muốn trở về sống với gia đình.
Cuốn hồi ký kể lại rất nhiều chi tiết mâu thuẫn như vậy.… Đây là tâm trạng mà tác giả gọi là
“nghịch thường”.
Tác giả gặp được nhiều may mắn: thoát chết nhiều lần qua hai chuyến chạy trốn. Và cuối cùng
gia đình được đoàn tụ đầy đủ. Dù phải vất vả lập nghiệp lúc đầu, tác giả cũng đã thành công
trong nghề nghiệp: đứng đầu một cơ sở giáo dục công lập tại California. Các cháu học hành
giỏi, và có địa vị trong xã hội tại xứ tạm dung. Nhất là cháu trai đi lạc dù lúc đó mới 12 tuổi lặn
lội tìm được đường về nhà một cách trót lọt, từ Xi xô Phôn, một thị trấn Miên, gần biên giới
Thái, trong tay cháu không có một đồng xu. Và nay cháu đã có gia đình và có địa vị đáng kể.
Trên đường tìm tự do, tác giả gặp được một số người có lòng tốt, nhưng không phải tại xã hội
chủ nghĩa Việt nam. Một cô Liên và một cô Dung buôn bán vùng biên giới Thái Miên rộng lượng
giúp đỡ khi tác giả chạy trở lại Xi Xô Phôn, một đồng xu dính túi không có, ngôn ngữ không
biết, và lạc người dẫn đường. Rồi một anh Lon, người Miên, dẫn đường, trung thành và tận tuỵ
dù có một người em bị bắn chết trong chuyến dẫn đường này. Những con người ấy chỉ có thể
được tìm thấy ở một xã hội tự do.
Đây là một tập tài liệu sống có giá trị rất cao. Tác giả kể lại một cách chi tiết những gì tác giả
trông thấy, nghe thấy, trải qua, những ý nghĩ khi sống dưới chế độ cộng sản, khi vượt qua
những cuộc hành trình gian khổ, suýt đổi mạng của mình và của cả gia đình để mua lấy tư do.
Một tác phẩm có giá trị đích thực nói lên một thực trạng đau thương của dân tộc do Hồ chí Minh
và các đồng chí của ông ta mang lại. Tác phẩm này cần được lưu trữ trong tủ sách mọi gia
đình, để luôn nhớ đến những gì Việt Cộng làm cho dân tộc, và cũng để cho hậu thế hiểu được
vết nhơ này.
Stanford ngày 22 tháng 11 năm 2003
Nguyễn văn Canh
PRPC Maps
-
PRPC Maps, from " ICMC Orientation Packet for Local Hire Album.
Courtesy of Emmanuel Jesus Villanueva
7 years ago
0 comments:
Post a Comment