March 26, 2008

Hồi Ký Tị Nạn

Hồi Ký Tị Nạn- Nguyễn Văn Thụy Viễn


Liên tiếp thất bại bảy lần bằng đi vượt biên đường thủy, nên tôi chọn đi bằng đường bộ. Như sóng cồn, phong trào đường bộ lúc ấy đang thịnh hành, nhiều người bàn tán, đi qua lại buôn bán; lại thêm nhiều công nhân viên nhà nước qua lại làm việc ở Cambodia. Vì thế, tôi nghĩ việc xâm nhập biên giới cũng đỡ phần nguy hiểm. Tôi bèn đánh bạo để thử thời vận, may ra có thể thành công.

Tôi không nhớ đã ra đi ngày nào theo Tây lịch, có lẽ 27 tháng 2, năm 1980, nhưng nhớ rõ lúc ấy là ngày mùng tám Tết, năm Canh Thân (1980). Sau khi đã tìm hiểu đường dây vượt biên, chúng tôi, Nhật và tôi, cùng với người dẫn đường dự định từ Sàigòn sẽ ra bến xe Lục tỉnh đi thẳng xuống tỉnh Châu Đốc.

Tuy nhiên, vì sự di chuyển khó khăn và vì sợ lộ, chúng tôi phải đi hai chặng xe. Từ Sàigòn đến Cần Thơ ở lại một đêm rồi hôm sau mới từ Cần Thơ đi Châu Đốc. Số người đi gồm anh Nhật là học trò của tôi, tôi và người dẫn đường.

Khi tới Châu Đốc, người dẫn đường tên Dũng đưa chúng tôi tới nhà người quen để ngủ đỡ rồi chờ đến đêm sẽ qua biên giới để đến tỉnh Tà Keo của địa giới Cambodia. Khoảng 3:00 giờ đêm, tên Dũng đưa hai chúng tôi vượt sông và đi bộ khoảng hai dặm dưới bóng đêm. Chúng tôi lầm lũi băng qua các cánh đồng để tìm đến tỉnh Tà Keo.

Tới nơi, chúng tôi phải nằm ở nhà người quen của tên Dũng hai ngày để hắn có thể móc nối xe đò đi Nam Vang. Trước khi lên xe đò, chúng tôi phải ăn mặc giả làm dân buôn: áo sơ mi rằn, quần đen, khăn choàng cà ma, một loại khăn thông dụng của người dân Miên.

Từ Tà Keo đi xe đến Nam Vang mất khoảng hai hay ba tiếng đồng hồ. Khi đến Nam Vang, anh chàng Dũng đòi chúng tôi đưa thêm tiền. Như đã quy định, mỗi đầu người chúng tôi sẽ trả bốn cây vàng. Từ Sàigòn đến Nam Vang, mỗi người sẽ giao một cây vàng cho người dẫn đường. Từ Nam Vang đến Sisophon, sẽ giao thêm một cây nữa.

Khi chúng tôi thành công, chúng tôi sẽ giao tín hiệu về Sàigòn thì lúc ấy, người nhà chúng tôi sẽ giao thêm hai cây cuối cùng. Như vậy mới chắc ăn. Thế mà nay hắn đã đòi chúng tôi giao hết. Vì thế, chúng tôi nhất định không chịu giao.

Trên đường đi từ Châu Đốc đến Nam Vang, tôi quan sát thấy Dũng không rành đường đi từ Nam Vang đến biên giới; vì thế chúng tôi sợ nên không giao hết. Thế là hắn bỏ rơi chúng tôi ngay tại chỗ và trốn đi.

Lúc ấy tâm trạng chúng tôi rất hoang mang: Nếu về thì không biết đường về, mà nếu đi lại không biết lối đi. Cũng may, lúc ấy ở Nam Vang có rất đông công nhân viên và dân buôn người Việt. Họ xài tiền Việt nam luôn, chỉ có nơi hẻo lánh mới dùng vàng để trao đổi và buôn bán.

Chúng tôi bèn đánh bạo ở lại đó hai ngày để đi vòng quanh, tìm hiểu và móc nối đường dây để mà đi tiếp. Nếu không móc nối được thì sẽ đi về lại Sàigòn, còn nếu tìm được đường khác thì sẽ đi tiếp.

Sau hai ngày, tôi có một nhận xét là có một số người dù đã cải trang vẫn có thể biết là họ đi vượt biên. Chỉ cần nhìn đôi mắt và dáng điệu lấm lét là biết ngay. Vì thế tôi đã đi theo họ để kiếm lối đi tiếp. Tôi để ý là hễ ăn xong thì cả bọn đều ra bờ sông Nam Vang, kế một cái chợ lớn và kế một bến xe vận tải để ngủ. Thế là hai chúng tôi cũng đi theo ngủ ké theo họ ở ngay các vỉa hè.

Sáng hôm sau, khoảng 3:00 giờ sáng, họ ơi ới gọi nhau cùng lên xe. Chúng tôi thấy họ leo lên xe thì cũng leo lên xe ngồi. Các tài xế và lơ xe của đoàn xe vận tải thì đã có sự toa rập với người vượt biên để đưa họ đi trốn và lấy tiền thù lao.

Khi xe đi từ Nam Vang ra ngoại ô độ mười cây số thì ngừng lại đến hai ngày và không đi tiếp nữa. Tôi đoán có lẽ đoạn đường phía trước đang có giao tranh nên họ sợ nguy hiểm. Lúc này mọi người đều đi xuống ăn uống và nghỉ ngơi.

Trong lúc đó, tôi bèn đi vòng các làng ven đường để quan sát sự sinh hoạt của người dân Cambodia. Họ bị lệ thuộc rất nhiều ở chính quyền Việt Nam. Người bộ đội Việt Nam rất có uy quyền, giống y như sự đô hộ của quân đội Pháp đối với nước Việt Nam ngày trước.

Trong hai ngày chờ đợi đó, người lơ xe liên lạc với chúng tôi để đòi tiền chuyên chở. Họ bảo là sẽ đưa chúng tôi đến một tỉnh giáp vùng Sisophon là tỉnh Battambang với giá sáu chỉ vàng cho một đầu người.

Chúng tôi lúc ấy không biết khoảng cách từ Battambang đến Sisophon là bao xa, nhưng chỉ biết càng đến gần biên giới là hy vọng càng cao. Vì thế, chúng tôi đánh liều đi đại. Sau khi năn nỉ, giá họ chịu lấy là bốn chỉ cho một đầu người.

Trong cuộc hành trình, khi đến các trạm không nguy hiểm thì chúng tôi vẫn ngồi yên trên xe. Xe chứa khoảng từ hai mươi đến ba mươi người. Những người vượt biên thì ngồi ở bên trong, còn dân địa phương buôn bán thì ngồi ở ngoài. Tới các trạm có lính Cambodia kiểm soát thì người lơ xe trao đổi tiền bạc và hàng hoá. Điều này cho thấy là họ cũng làm ăn chia chác với nhau cả.

Khi tới các trại có bộ đội Việt Nam canh gác thì người lơ xe không dám để người vượt biên ngồi trên xe. Họ dặn chúng tôi hãy xuống đi bộ hình chữ nhật, tức là đi vòng trong đường ruộng để tránh các trạm kiểm soát. Người tài xế xe vận tải ngừng xe cho chúng tôi xuống cách trạm cỡ một dặm và quá trạm một dặm để đón chúng tôi lên xe đi tiếp. Họ rất tử tế vì họ có thể bỏ rơi chúng tôi bất cứ lúc nào nhưng họ đã không bỏ rơi. Có khi họ phải đợi chúng tôi từ nửa tiếng đến một tiếng đồng hồ.

Tôi không biết đoạn đường từ Nam Vang đến Battambang dài bao nhiêu cây số, nhưng chỉ biết có khoảng một trăm trạm kiểm soát trên lộ trình ấy, vì cỡ một trăm thước là có một trạm kiểm soát. Từ Nam Vang đi Battambang phải mất ba ngày đường. Số lính người Miên kiểm soát ở các trại lại ít hơn số lính bộ đội người Việt.

Đường lộ rất xấu và hư hại rất nhiều. Có nhiều đoạn đường hầu như không có nhựa. Bụi đỏ bay mù mịt, xe cứ nhảy nhổm như muốn hất người ngồi rớt xuống đất.

Trên chuyến xe đó, rất hên là tôi gặp một bà người Miên gốc Việt Nam. Chồng bà là giáo viên người Miên. Bà ta hình như biết chúng tôi là dân vượt biên nên mở lời trước. Cứ đến mỗi trạm, thì xe ngừng để mọi người mua nước uống và đồ ăn. Chúng tôi không dám xuống vì sợ lộ, nên chỉ ngồi trên xe ăn bánh mì cầm hơi.

Thấy vậy, bà này cứ săn đón và mời chúng tôi mua đồ ăn rồi lần mò hỏi chuyện. Bà ta hỏi có phải chúng tôi là dân Việt Nam không, có phải chúng tôi có ý định vượt biên không, rồi bà hỏi đủ chi tiết về chúng tôi. Khi tiếp xúc, tôi nhận xét rằng bà này muốn giúp đỡ chứ không phải soi mói. Bà ta còn mời chúng tôi uống nước dừa Thốt Nốt. Đây là loại nước phổ thông nhất ở Cambodia, nước đựng ở trong một đốt tre. Thế là hai đứa chúng tôi có một đốt tre nước Thốt Nốt, rồi ăn bánh tét và bánh bò trắng.

Sau khi ăn và nghỉ ngơi, chúng tôi lại tiếp tục lên xe đi. Tôi có thú thật với ba ta về ý định vượt biên của chúng tôi. Tôi tả cảnh bị bỏ rơi và bị lừa. Nghe xong, bà ta tỏ ý thương hại và hứa sẽ đưa chúng tôi về nhà để bà kiếm đường giúp đỡ cho.

Sau khi xe ngừng tại bến xe ở Battambang. Chúng tôi theo bà này về nhà bà. Nhà bà ở cách bến xe độ hai cây số. Lúc ấy, vì tỉnh Battambang tương đối sôi động và đầy không khí chiến tranh nên bà không cho chúng tôi ra đường. Vì thế, chúng tôi chỉ quanh quẩn ở lại nhà bà. Bà ta lo cho chúng tôi ăn uống rất chu đáo.

Chồng bà ta cũng vui vẻ, mỗi khi ông ta hỏi thăm xã giao thì bà ta lại thông dịch lại. Bà ta hứa thêm là sẽ liên lạc với người em chồng để hắn ta dẫn chúng tôi vượt biên giới.

Thế là chúng tôi đành nằm chờ tại đó đến ba ngày vì người em chồng của bà chủ nhà đi buôn bán ở Nam Vang chưa về. Khi anh này về lại nhà, anh ta hỏi xem chúng tôi còn bao nhiêu tiền. Chúng tôi góp lại còn một lượng và một chỉ vàng.

Anh ta bèn giải thích là phải mua ít nhất là hai xe đạp cho hai chúng tôi để đạp xe đi tiếp. Nếu đi từng người thì không bị lộ, nhưng nếu chở đôi trên chiếc xe đạp thì rất dễ bị lộ. Mà với một lượng và một chỉ thì không đủ mua hai xe đạp. Nếu không đủ thì nên đi bộ. Chúng tôi bối rối nên đành chờ anh này quyết định thôi. Cuối cùng, anh ta đề nghị rằng anh và bạn anh sẽ dùng xe đạp chở hai chúng tôi đến tỉnh Sisophon rồi sau đó sẽ đi bộ qua biên giới.

Sáng sớm hôm sau, khoảng 4:00 giờ sáng, anh này chở tôi trên một xe đạp. Người bạn anh thì chở Nhật, cậu học trò của tôi, trên một chiếc xe đạp khác. Chúng tôi đi từ Battambang từ lúc bốn giờ sáng thì đến tỉnh Sisophon lúc 2:00 giờ trưa. Đoạn đường này tương đối an toàn cho chúng tôi.

Tại tỉnh Sisophon, chúng tôi mua đồ ăn và nước uống . Anh dẫn đường căn dặn rằng đêm nay, khi vượt biên giới sẽ rất gian khổ, vì thế phải ăn uống đầy đủ để chuẩn bị đi. Đoạn đường đi bộ sẽ dài khoảng ba mươi cây số. Khi tới trại sẽ có hội HTTQT cứu giúp. Anh còn cho biết rằng họ sẽ chở chúng tôi đi khoảng mười cây số nữa thì sẽ đi qua bờ đê vào biên giới Cambodia và Thái Lan. Cách bìa rừng biên giới, sẽ có một trạm kiểm soát. Đây cũng là trạm quyết định vì đã có nhiều người vượt biên bị bắt tại trạm đó.

Khoảng 4:00 giờ chiều hôm ấy, trời đã trở lành lạnh, chúng tôi lại ra đi. Thường thường thì người dẫn đường chở tôi đi trước. Nhưng hôm ấy không hiểu sao, bạn anh ta lại chở Nhật đi xe đạp lên trước, còn chúng tôi đi ở phía sau cách khoảng hai trăm thước.

Khi tới trại kiểm soát, nhóm lính bộ đội Việt Nam chạy ra đường chặn xe đạp chở Nhật lại. Chúng tôi vội ngừng ngay lại ở đàng xa và không dám đi tiếp nữa. Vì ở khá xa nên tôi không biết họ đã đối đáp ra sao. Chỉ thấy họ dùng báng súng đập lên người Nhật, rồi đá Nhật té lên té xuống, rớt xuống mặt đường. Họ trói và còng Nhật. Tôi không rõ có phải trói không nhưng tay Nhật bị bẻ quặt ra đàng sau và động tác trói đó rất lâu, có đến mười phút.

(Anh Nhật bị bắt giam ở Nam Vang nửa tháng, rồi bị đưa về nhốt ở trại giam Chí Hòa ở Sàigòn trên một năm. Cuối cùng anh ta lại trốn đi bằng đường biển và thành công. Hiện anh ta đang ở Texas, USA. Tuy nhiên, gia đình Nhật đã nhắn tin chửi tôi rất nhiều, vì nghĩ rằng tôi âm mưu hại Nhật bị bắt. Sau này, khi họ tỉnh ngộ, họ đã tìm đến xin lỗi tôi ở Mỹ.)

Sau đó, người dẫn đường đã bỏ xe đạp ở bên đường, rồi anh ta dẫn tôi vào một bụi rậm và dặn dò tôi ở lại đó, nhớ đừng đi ra. Anh ta sẽ quan sát đường để xem có nên đi tiếp không hay phải ngưng lại. Thế là anh ta băng đường đi sâu vào ruộng. Một lúc sau, không còn thấy bóng dáng anh ta đâu nữa.

Tôi ngồi chờ trong sự hồi hộp và nóng ruột. Mãi đến hai tiếng đồng hồ sau, anh ta trở về bụi rậm tìm tôi và dẫn tôi đi tiếp. Lúc ấy khoảng sáu giờ chiều, anh ta đi trước và dẫn xe đạp, còn tôi thì lò dò theo sau.

Chúng tôi đi sâu vào bìa rừng. Cỡ khoảng một lúc lâu, cách bìa rừng độ một trăm thước, tôi thấy nhiều đám cháy sáng rực, người dẫn đường bảo tôi ngồi cạnh đám lửa để lấy than đen bôi lên mặt mũi và tay chân tôi vì da tôi trắng quá, trông không giống người bản xứ.

Khi chúng tôi khởi sự đi tiếp thì trời đã tối mịt. Tôi không còn định được phương hướng nữa. Chúng tôi đi khoảng ba hay bốn tiếng trong rừng. Sau cùng vì quá kiệt sức, hai chúng tôi nằm đại dưới đất và ngủ giữa rừng.

Lúc ấy, vì mệt nên tôi ngủ rất ngon. Khi tôi tỉnh dậy thì mặt trời chói chang, ánh sáng gay gắt. Khi đó cũng khoảng 9:00 giờ hay 10:00 giờ sáng. Người dẫn đường bèn mở cơm và cá khô cho tôi ăn, rồi anh ta đem bình nước cho tôi uống. Ăn uống xong, anh ta lại bọc hết đồ ăn lại, đeo lên vai và chúng tôi tiếp tục đi nữa. Chúng tôi vượt các trạm kiểm soát, lên lại lề đường cái, rồi lại dùng đường ruộng, rồi lại lên lề đường. Dần dần, chúng tôi đến một chợ biên giới. Tại đây, người ta đi lại buôn bán rất nhiều. Ra khỏi chợ độ ba cây số, chúng tôi đến lại một bờ đê, rồi lại ra khỏi bờ đê để đến một vùng trái độn.

Nơi này rất nguy hiểm vì gồm có đủ lực lượng quân sự như Cộng sản Việt Nam, Thái Lan, Para Miên, Pol Pot... Anh dẫn đường bập bẹ nói tiếng Việt Nam cho tôi biết sự nguy hiểm của vùng đất này. Qua ngôn ngữ và sự diễn tả của anh, tôi được biết rằng vùng này thuộc quyền kiểm soát của lực lượng Khmer Đỏ, tức là Pol Pot. Họ có thể chém đầu người tị nạn Việt Nam bất cứ lúc nào.

Khi nghe xong, tôi mất bình tĩnh ngay vì biết rằng tính mạng mình có thể mất một cách dễ dàng. Tinh thần tôi căng thẳng. Cũng vì sợ hãi quá mà sau này tôi mới hối hận.Khi ấy, tôi thấy một con đường moon. Ở hai bên có những lực lượng Pol Pot dọc đường. Họ mặc đồng phục màu đen hay màu xanh da trời, đầu đội nón lá rộng vành. Người dẫn đường của tôi đi trước qua những trạm gác của Pol Pot khoảng độ vài trăm mét. Khi nhắm tình hình bất an thì anh ta về lại và cho biết tình hình không ổn, phải đi bọc vòng.

Chúng tôi đi bọc vòng qua được ba trạm. Người dẫn đường đạp xe đi trước, rồi đợi tôi vượt qua trạm gác để chở x echo tôi đi tiếp. Khi đến trạm kiểm soát thứ tư thì hắn ta đi trước, còn tôi đi vòng nhưng mắt vẫn hướng về con đường mòn để nhớ vị trí trạm gác.

Trong khu rừng rậm rạp, khi tôi đi xa khỏi đường mòn thì thấy bọn lính Pol Pot chạy về phía trước để chận đầu tôi và ngăn đường chạy ra của tôi. Thấy nguy hiểm, tôi vội vàng chạy ngược lại về hướng cũ. Thế là bọn chúng xả súng bắn liên tiếp.

Lúc ấy, tôi hoàn toàn mất bình tĩnh, tôi càng chạy thì chúng càng bắn. Hình như có ba đứa bắn liên hồi. Tôi cố chạy để tránh tầm đạn bằng cách chạy từ gốc cây này qua gốc cây khác. Có những lúc hình như tôi bị hoa mắt nên thấy các lằn đạn nổ tóe lửa trước đám cây trước mặt. Cứ như thế, tôi chạy cho đến khi không còn nghe tiếng súng nữa. Cuối cùng tôi lạc mất phương hướng. Khi tôi càng tìm lối ra thì càng lạc sâu vào rừng rậm khác.

Thế là tôi đành lang thang cả đêm trong rừng. Lúc ấy tôi mới định thần nhìn lại thì tất cả bình nước, cơm khô, cá khô, nón, khăn cà ma để hóa trang đều đã rớt hết sạch sành sanh. Trong người tôi chỉ còn sót một bộ đồ và đôi dép Bình Trị Thiên. Sau cùng vì quá mệt và đuối sức, tôi đánh một giấc ngủ dài để giải quyết sự mệt mỏi.

Hình như tôi đã ngủ trên mười hai tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy, tôi lại đi lòng vòng nhưng không tìm được lối ra. Tôi lại lạc trong rừng thêm một ngày nữa mà vẫn không tìm thấy lối đường mòn để đi ra. Cơn khát nóng bỏng cổ, tôi tưởng mình có thể chết được.

Đêm hôm sau, tôi lại ngủ trong rừng. Cái khát càng gia tăng cao độ. Tôi bèn lượm các chiếc lá mục nát rớt xuống đất đã lâu nên mục và ướt rồi nắm đám lá cây vắt chặt để kê vào miệng cho hơi nóng trong miệng bốc hơi, mong cho cơn khát dịu xuống để chận sự nóng bỏng cổ.

Trong lúc lang thang trong rừng, tôi cố moi óc để nhớ lại cách đây hai ngày, người dẫn đường chỉ mặt trời rồi ra dấu là khi mặt trời lặn thì mình sẽ tới bìa rừng. Từ đó, tôi cứ canh hướng mặt trời lặn để tìm lối ra con đường mòn. Tôi leo lên cây cỡ mười thước để tìm xem hướng mặt trời buổi sáng mọc ở đâu thì các cành cây phía sau hướng mặt trời sẽ có rêu xanh nhiều.

Sau khi quan sát, tôi quyết định đi theo hướng mặt trời lặn. Rốt cuộc tôi lần mò tìm được đường mòn vào lúc gần tối. Tôi suy nghĩ có lẽ mình mà đi ra đường vào buổi tối thì nguy hiểm vì có thể bị bọn cướp giết. Còn nếu đi ban ngày thì dân buôn đi lại nhiều nên đỡ nguy hiểm hơn. Suy đi tính lại rồi, tôi không dám ra vì trời quá tối. Thế là tôi lại ngủ.

Sáng hôm sau, tôi leo lên cây để quan sát phía đường mòn. Từng đoàn xe đạp đi lui tới tấp nập. Tôi đã quá chán nản nên bỏ ý định đi Thái Lan rồi. Vì thế tôi bắt đầu đi ra đường mòn để trở về Việt Nam. Vì muốn trở về nhà nên tôi không thèm trốn tránh bọn lính Pol Pot nữa. Lạ một điều là bọn nó chỉ ngó tôi chứ không hỏi han hay chận bắt tôi nữa. Tôi biết chắc là bọn chúng biết tôi là người Việt Nam vì lúc ấy đồ hoá trang trên người tôi đã rớt mất cả rồi.

Khi tôi đi ngược về phía bìa rừng thì thấy một đoàn xe bò đi ngược đường với tôi. Lúc ấy vì qúa khát nên tôi mất hết lòng tự trọng, tôi bèn chắp tay vái lạy bọn họ rồi ra dấu xin nước uống. Đoàn xe bò đầu tiên không cho tôi nước mà cứ lấm lét nhìn tôi. Sau này tôi mới hiểu lý do là vì họ đang chứa người vượt biên trên xe bò nên họ sợ. Những xe tiếp cũng tỉnh bơ, không cho tôi nước uống.

Sau cùng chỉ có xe cuối ngừng lại. Tôi lại lạy xin nước và ra dấu chỉ cái nhẫn vàng rằng tôi sẽ đưa cho họ nếu họ cho tôi nước uống. Người đi xe bò bèn cho tôi nước uống. Khi uống xong, tôi đưa vàng cho họ nhưng họ không lấy. Thấy họ quá tử tế, tôi sợ đường còn xa nên xin luôn cái bình nước. Anh này vẫn cho tôi cái bình mà không lấy một chút vàng nào của tôi.

Tôi cám ơn và lầm lũi đi. Hơn một tiếng đồng hồ sau, tôi lại gặp bờ đê. Nơi đây, tôi thấy có một nhóm người bán nước Thốt Nốt và bánh trái. Tôi bèn bỏ vàng ra mua đồ ăn và nước uống. Ăn uống xong, tôi tới bờ đê và ngủ thêm một giấc.

Trong giấc ngủ, tôi cảm thấy có một bàn tay đang lay tôi dậy. Khi định thần tỉnh giấc, tôi thấy rõ ràng là người dẫn đường đã lạc tôi từ năm hôm trước, nay anh ta đang ở trước mặt tôi để đánh thức tôi dậy. Tội nghiệp! anh đã đi tìm tôi khắp nơi nay mới gặp lại. Gặp được anh, tôi mừng qúa, tay bắt mặt mừng.

Sau đó, anh ta lại bắt tôi ngồi sau xe đạp và anh ta đạp tiếp. Anh ta an ủi tôi rằng nếu thoát ách bọn lính Pol Pot thì sẽ thoát luôn, còn qua bọn lính Para thì không sao vì anh ta là người làm kinh tài cho Para.

Lúc này, anh ta đạp xe chở tôi vượt các trạm kiểm soát của Pol Pot. Đến khi tới vùng kiểm soát của Para thì anh ta bảo tôi ngồi đợi ở góc bìa rừng để anh ta liên lạc với Para. Trước khi đi, anh ta không quên bảo tôi giao hết vàng để anh đưa cho Para. Nếu có vàng, bọn Para sẽ đối đãi tốt hơn. Thế là còn bao nhiêu, tôi bèn đưa hết cho anh ta đem đi.

Sau đó, không biết tại sao, tôi nghe có nhiều tiếng súng. Có lẽ lại đụng trận giao tranh giữa các phe phái. Lúc ấy, tôi đang ngồi ở bên lề của đường mòn, tôi sợ quá nên lại chạy sâu vào rừng để tránh sự di chuyển của đoàn quân. Khi chạy sâu độ ba trăm mét, tôi lại nghe từng loạt súng ở phía sau bắn tới. Tôi lại chạy ngược hướng đó. Chạy lòng vòng một quãng thì tôi bị bọn lính Para bắt giữ. Bọn chúng nghi ngờ tôi là Việt Cộng nên tra hỏi đủ thứ. Lúc đầu tôi lầm tưởng họ là lực lượng Thái Lan nhưng sau mới biết họ là lực lượng Para của Sihanouk.

Xui cho tôi là khi ấy, tôi mặc đồ của sinh viên học đường có cầu vai, vì thế, bọn họ tưởng tôi là ông lớn Cộng sản nên hỏi tía lia:” Lục thum? Lục thum?”.

Tôi lúc ấy đã sợ quá nên cuống quít gật đầu lia lịa, chẳng biết Lục thum là nghĩa gì mà cũng gật đầu. Thế là tôi bị bọn chúng đánh gần chết. Hai thằng thay nhau dùng báng súng đánh rồi đá và đạp tôi. Mình mẩy tôi đau đớn ê ẩm, máu me chảy đầm đìa, ướt đẫm cả áo quần. Sau đó, bọn chúng bắt tôi cởi hết quần áo để chúng lục xét. Lúc ấy, tôi chỉ còn mặc có cái quần xà lỏn mà thôi.

Cuối cùng, chúng bắt tôi cởi hết quần lót để chúng xét trong hậu môn tôi xem còn vàng hay không. Sau khi xét kỹ lưỡng, bọn chúng trói gộp tôi lại rồi chuyển tôi về doanh trại của chúng để giải quyết.



Tại trại của Para, bọn chúng hỏi tôi bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Lúc ấy, vốn liếng tiếng Anh của tôi quá kém. Tôi bèn cố gắng giải thích cho chúng rõ là tôi vốn là giáo sư Toán, vì không thích chế độ Cộng sản nên tôi muốn trốn đi Mỹ. Đến đây, tôi móc đồ ra lấy một giấy bảo lãnh của mẹ vợ tôi gửi từ Mỹ về, rồi tôi lấy giấy chứng nhận giáo sư có hình để chứng minh cho chúng biết rằng tôi không nói láo.

Khi xem xong giấy tờ chứng minh lý lịch của tôi, Para thay đổi hẳn thái độ và cách đối xử. Chúng trở nên tử tế và tốt hơn. Chúng hỏi tôi nếu dạy môn toán thì hãy vẽ một đường biểu diễn. Thế rồi một tên sĩ quan mang súng ngắn bảo một tên lính đi theo có mang máy truyền tin đưa giấy tờ cho tôi vẽ đường biểu diễn.

Tôi còn nhớ chúng bắt tôi giải một phương trình hữu tỳ. Lúc tôi vẽ xong, bọn chúng nhìn ngắm rồi tỏ ý tin tưởng tôi hơn truớc. Sau này tôi mới biết là bọn chúng là Para, còn tên sĩ quan kia là chỉ huy lớn nhất của vùng biên giới.

Vì tin tưởng rồi nên chúng kêu lính đem cơm và một hộp cá sốt cà chua ra cho tôi ăn. Đến 5 năm rồi, tôi mới lại được ăn món cá hộp này. Họ còn cho tôi một chai nước ngọt màu xanh loại lớn cỡ một lít. Tôi mừng quá, chỉ dám uống chút ít, còn lại để dành cho những ngày tới. Đây là bữa cơm qúy nhất và thịnh soạn nhất từ ngày tôi đi vượt biên.

Sau khi hoàn tất thủ tục, tên chỉ huy bảo một tên lính chở tôi đi sâu vào doanh trại bộ chỉ huy vì ở ngoài này nguy hiểm hơn. Tên lính đạp xe đưa tôi đi. Độ hai tiếng sau thì đến một trại rất lớn. Trại này có chợ, có nhà và lều xanh rải rác khắp nơi.

Khuôn viên trại rộng vô cùng, quanh vòng rào có các bồn nước bằng thiếc, có hàng rào ngăn nắp. Cuối cùng, tên lính dừng lại ở một căn nhà có một giếng sâu để cho tôi được tắm rửa. Tôi múc nước lên bằng thùng dầu bốn lít để tắm. Cả chục ngày chưa tắm nên lúc này, tôi rất mừng khi được tắm rửa mát mẻ và sạch sẽ.

Đang tắm, tôi nhìn ra đường thì thấy một xe Toyota có vẽ bảng hiệu Thập tự nhỏ. Tôi biết ngay là xe của hội HTTQT. Trên xe có người Âu Mỹ ngồi. Xe đi qua nhanh quá nên tôi không thể chạy theo. Tôi bèn nuôi hy vọng vì biết là xe hội HTTQT sẽ chạy qua đây nhiều lần.

Tắm xong, tôi bèn ngồi đợi cho quần áo khô và cũng để ngóng xe hội HTTQT. Khoảng bốn, năm giờ sau, tôi để ý và thấy xe hội trở lại đến vì bụi bay mù mịt. Khi thấy xe chạy xa cỡ năm trăm thước, tôi bèn chạy hối hả ra đường để chận đầu xe của hội lại. Xe ngừng trước mặt tôi độ một trăm thước rồi hai mươi thước, một người đàn ông người Pháp nhảy xuống xe, còn một người đàn bà Thụy Sĩ, bà Denyse Betchov ngồi trên xe.

Tôi bèn chạy tới gần họ rồi bập bẹ nói. Họ không hiểu tôi muốn nói gì. Vì thế, tôi bèn lôi hết giấy tờ bảo lãnh và giấy học tập của giáo sư ra để chỉ tên và hình của tôi cho họ xem. Cả hai vừa xem vừa gật gù rồi cho tôi lên xe chạy.

Lúc ấy, thằng lính Para đã chở tôi đi tắm, vừa chạy ra và đứng nhìn một cách tức tối. Hắn có thể bắn tôi nhưng hắn không dám. Tôi biết là Para có lẽ không giết tôi nhưng tôi vẫn cảm thấy không an toàn ở lại với họ. Còn tên lính Para hình như còn được lệnh để chở tôi đi đâu đó, nhưng tôi bỏ chạy theo hội. Vì thế, hắn nhìn theo xe có vẻ rất bực tức.

Xe của Hội đưa tôi đi lòng vòng, sau cùng họ đưa tôi đến một khu bệnh viện. Ở đây tôi phải khai lý lịch. Bà Denyse hứa với tôi là sẽ đến vào hai ngày sau để “bốc”chúng tôi đi. Thế là tôi phải ở lại khu nhà lá ở Non Chan. Tại đây đã có sẵn một số người tị nạn gồm một cựu Thiếu Tá Việt Nam Cộng Hòa, hai đại úy và một người đàn bà có hai con, và hai cô thiếu nữ.

Chúng tôi chen chúc ở trong dãy nhà có mái tranh và nằm ngủ ngay ở sàn đất. Lúc ấy, trong bọn có một tên làm ”ăng ten” cho bọn lính Para. Hắn biết tiếng Việt, có thể nói và hiểu tiếng Việt. Hắn nằm tại đây để quan sát xem ai còn vàng hay không để rồi báo cáo cho Para. Những người đi trước đều biết dã tâm của hắn, nhưng không dám báo động cho những người đi sau.

Khi tôi vừa nhập trại, hắn cũng mon men tới hỏi han và dò xét. Tôi bèn tả oán là hết tiền. Mà thật sự, tôi cũng đã trắng tay rồi. Tuy vậy ban chỉ huy của Para cũng kêu tôi lên để xét lại một lần nữa. Hai ngày sau, có một tốp người Tàu ở Việt nam đến. Họ ba hoa khoe là không mất tiền. Ngay chiều hôm đó, họ bị kêu lên xét và cướp hết tiền. Họ buồn rầu và hối hận vì đã lỡ dại khoe khoang.

Bà Denyse hứa đón chúng tôi sau hai ngày, nhưng mãi đến bốn ngày sau, bà ta mới đến đón. Bà ta cho biết đây là lần đón người tị nạn cuối cùng vì sau đó, biên giới sẽ đóng cửa, không chấp nhận người tị nạn đường bộ từ Việt Nam đến nữa. Ngày đóng cửa sẽ là 25, tháng 3, năm 1980.

Sau ngày này, trại Sikiew sẽ không nhận người tị nan, mà cả trại Khao Y Dang cũng không nhận người tị nạn nữa. Sau đó, bà Denyse gửi chúng tôi ở trại Non Makmun, gần biên giới Thái. Nơi này do lính Thái đóng giữ.

Cuộc sống của người tị nạn tại đây là cuộc sống của chủ nhân và đám nô lệ. Đồn lính được rào bằng kẽm gai. Họ không cho dân xâm nhập đồn lính. Họ cho dân ở vòng ngoài rồi rào kẽm gai lần nữa. Nếu có bị Cộng sản tấn công thì lũ người tị nạn ở vòng ngoài sẽ chết trước.

Lúc ấy có khoảng một trăm người tị nạn Việt ở trong đó. Mọi người phải ăn ở, tiêu tiểu tại chỗ, chỉ trong vòng rào giam mà thôi, không được đi ra ngoài.

Sau một tuần chúng tôi ở đó thì vấn đề vệ sinh trở nên trầm trọng vô cùng. Mùi hôi thối bay khủng khiếp, ruồi nhặng sinh sản mau lẹ vô cùng. Mỗi ngày chỉ có hai lần là chúng tôi được qua khu trại Thái Lan để múc nước từ giếng bơm tắm rửa và giặt giũ.

Lính Thái rất giới hạn về giờ giấc lấy nước, chỉ từ 9:00 giờ sáng đến 11:00 giờ sáng và từ 3:00 giờ đến 5:00 giờ chiều. Mỗi lần qua tắm chỉ được một người thôi. Như vậy cho dù một người tắm có mười lăm phút, thì cũng chỉ giải quyết bốn người trong một giờ, bốn giờ chỉ có mười sáu người. Thế là chỉ có một số ít được tắm.

Không thể kéo dài tình trạng đó, bà con tị nạn bèn bàn nhau là để cho các thanh niên nhịn tắm, và nên dành cho đàn bà con nít tắm rửa mà thôi. Vấn đề này cũng bất ổn nên sau đó, các thanh niên lực lưỡng sang trại lính Thái Lan xách nước đem về rồi phân phối cho các tổ xài. Sau này khi sống qua nhiều trại như Khao Y Dang, Sikiew và Bataan, tôi mới thấy là ở trại Non Makmun có chế độ ăn uống sướng nhất. Mỗi ngày cứ hai người là có một hộp cá Tuna tròn cỡ 8 ounces. Còn gạo thì nấu ăn tự do.

Tóm lại, từ khi rời Việt Nam đến khi đến trại Non Makmun là mười bốn ngày. Ở Non Chan có ba ngày, ở Non Makmun mười ngày, rồi tôi được chuyển giao qua trại Khao Y Dang ở nội địa Thái Lan.

Trại này nằm gần chân núi Khao Y Dang. Đây là trại định cư lớn nhất vùng Đông nam Á. Trại này vốn không phải dành cho dân tị nạn Việt mà là trại tạm cư của dân Cambodia. Họ ở tạm nơi đây để chờ các vị lãnh đạo cũ của Cambodia như Sihanouk, Sonn San... về để giải phóng đất nước khỏi tay Cộng sản Việt và Miên và đưa dân chúng về quê cũ. Trại này đặt dưới quyền kiểm soát của bộ Nội Vụ Thái Lan và Cao Ủy tị nạn Liên hiệp Quốc (UNHCR).

Dân số của trại này gồm 123 ngàn người. Đại đa số là người Miên. Tất cả có hai mươi ba khu (sections). Mỗi khu chứa năm ngàn người. Sở dĩ sau này họ phải chứa thêm người Việt nam vì trại Sikiew đóng cửa, biên giới Thái đóng cửa, nên nạn ứ đọng người tị nạn lên cao.

Số người tị nạn Việt Nam không thể lên trại Sikiew, cũng không thể về lại biên giới nên được chuyển giao đến trại Khao Y Dang. Người Việt tị nạn được dồn vào khu 13. Khu này chia làm hai phần. Một phần còn là người Miên, một phần là người Việt nam tị nạn. Số người Việt nam tị nạn khoảng 1,500 người. Mỗi khu có một ban đại diện độc lập, gồm một trưởng trại, một phó trưởng trại, một ủy viên phụ trách an ninh, một ủy viên phụ trách hành chánh, một trưởng ban ẩm thực.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes