March 26, 2008

Sự Nguy Hiểm Khi Vượt Biên Tìm Tự Do Bằng Đường Bộ - Kim Hà

Trong cuộc hành trình tìm tự do, người tị nạn đường bộ đã chịu đựng trăm cay ngàn đắng. Họ bị bỏ
rơi để rồi chết tức tưởi, không một nấm mồ chôn thân. Họ đã bị giam cầm, hành hung, tra tấn, đánh đập, rồi bị bọn lính thổ phỉ cướp của dọc đường hay các lực lượng lính người Cambodia dùng bạo lực để cưỡng hiếp tập thể, và bị giết chết một cách oan ức và dã man tại vùng lãnh thổ xứ Cambodia và nơi các trại tị nạn nơi vùng biên giới Thái-Cambodia.
Khmer Đỏ hảm hiếp, giết dân tị nạn Việt Nam cách man rợ
Kể từ năm 1979, khi phong trào trốn qua biên giới Cambodia để buôn lậu rất thịnh hành thì hàng ngàn người tị nạn Việt nam đã trốn đi thoát để đến tị nạn tại vùng biên giới Thái và Cambodia. Nhưng cũng từ đấy, hàng ngàn thảm cảnh bi đát đã diễn ra từng ngày. Những câu chuyện nói về người Việt Nam chết trên đường tìm tự do đã, đang và sẽ tạo thành một giai đoạn lịch sử bi hùng và thống hận cho lịch sử và văn hoá thời đại của thế giới vàViệt nam sau này.
Trong ba mươi năm nay, thảm cảnh này đã được nói đến rất nhiều bằng sách báo, truyền thanh, truyền hình, bằng lời thư thống thiết. Tuy vậy, tệ nạn này tiếp diễn hàng ngày bởi các lực lượng Khmer Đỏ (Pol Pốt), lực lượng kháng chiến chống chính quyền Cộng sản Việt nam, thường được gọi là Para của các lãnh tụ Sihanouk, Son Sann hay Lon Nol.
Theo lời kể của các nhân chứng Việt nam còn sống sót tại Mỹ quốc thì người tị nạn đường bộ bị đối xử tàn tệ hơn những súc vật. Họ bị giết chết bằng đủ mọi cách dã man và mọi rợ:
Có người bị lính Para hay Pol Pot dùng búa đập vào đầu đến lòi óc. Có người bị chúng chặt đầu bằng ngọn mác hay chiếc rìu chặt củi. Người khác bị chúng buộc leo lên cây cao để rồi cả bọn chúng xúm lại rung cây cho nạn nhân rớt chết. Người nào sợ chạy trốn thì bị bọn đồ tể ấy lấy dao mổ bụng rồi móc buồng gan ra sào nấu để chúng ăn. Bộ mật của nạn nhân thì bị treo trên hàng rào gai thép để làm gương cho những người còn muốn chạy trốn.
Rất nhiều người khác thì bị bắn giết, thân xác họ bị vùi giập ở những hố cạn đào vội vàng ở một góc rừng hoang. Những người khác thì bị chúng dùng roi và gậy đánh cho đến chết chỉ vì đã chậm chân vác gạo đi theo sau mọi người.
Có những người thanh niên bị chúng bắt buộc phải đi gỡ mìn và đào hầm chông cho chúng. Nếu ai không có kinh nghiệm gỡ mìn thì bị mìn nổ chết banh xác. Nếu ai may mắn gỡ được một lần thì những lần sau thể nào cũng bị chết không toàn thân. Có người vì quá sợ nên sau đó đâm ra cuồng trí và hoá điên dại.
Nếu nạn nhân là phụ nữ thì còn bị nhiều tai họa hơn. Họ thường bị hãm hiếp tập thể bởi những quân lính Para hay Pol Pot mà tuổi chúng chỉ mới độ chừng mười ba hay mười bốn tuổi mà thôi. Những kẻ mặt người lòng thú này đã coi thân xác phụ nữ như một món trò chơi để giúp chúng tiêu khiển cho lấp đầy những giây phút thiếu vắng giống cái ở trong rừng hoang vu biên giới.
Trước khi hãm hiếp, chúng thường làm thủ tục chọc tức như mèo vờn chuột trước khi ăn thịt con mồi ngon lành ấy. Có cô gái bị chúng dùng súng nhắm bắn sớt qua hai tai để cho nạn nhân rú lên vì sợ hãi. Hễ nạn nhân càng khóc la thì bọn chúng càng cười sằng sặc và khả ố. Sau đó, chúng đè nạn nhân trên đất rồi căng hai tay và hai chân nạn nhân ra, chúng cấu xé, cắn nát rồi mới hành lạc tập thể. Chưa hết, chúng còn dùng roi đánh vào nhũ hoa, hay lấy đèn pin, vỏ chai Coca Cola hoặc báng súng để nhét một cách hung bạo vào cửa mình của nạn nhân.
Có những trường hợp vợ chồng cùng đi vượt biên với nhau. Trong khi bọn lính Para hay Pol Pot dùng bạo lực để cưỡng hiếp người vợ thì chúng hạ nhục người chồng bằng cách bắt ông ta quỳ xuống. Rồi sau đó, chúng trói gô ông lại, rồi để một cái mác nơi ót của ông ta để cảnh cáo cho ông biết là chúng sẽ chặt đầu ông nếu ông ta kháng cự hay chống đối.
Thế rồi, khoảng hai chục tên lính người Cambodia đã đua nhau hãm hiếp bà vợ và cười đùa một cách khả ố và bỉ ổi. Người chồng phải chứng kiến những tiếng la hét đau đớn của vợ mình cùng với cảnh vợ bị làm nhục. Nếu ông lên tiếng chửi rủa hay thóa mạ chúng thì chúng sẽ giết chết ông bằng mác hay bằng súng ngay.
Lại còn những trường hợp có những người phụ nữ đẹp, sau khi bị hãm hiếp còn bị giữ lại ở trong các làng Pol Pot hay trại Para để làm vợ hờ cho một trong những tên chỉ huy. Cô sẽ không bao giờ đến được bến bờ tự do và suốt đời làm nô lệ cho lãnh chúa của cô.
Có những cô khác kém may mắn hơn thì bị giam cầm và bị ”thẩm vấn” vào những buổi tối với hàng chục tên lính dã man. Chúng hãm hiếp cô liên tiếp cho đến khi cô kiệt lực mà bịnh rồi chết.
Những thanh niên khỏe mạnh và cường tráng thì bị giam giữ tại các làng và các khu trại để đi làm lao công tạp dịch cho chúng, chẳng hạn như phải đào hầm chống xe tăng, gỡ mìn, làm hố chông, đào cầu tiêu công cộng hay phải gỡ mìn dù rằng họ chẳng hề có kinh nghiệm gì cả. Các cậu phải đi tải gạo, họ phải khiêng từng bao gạo nặng và đi thật xa dưới cái nắng thiêu cháy của vùng nhiệt đới.
Nói chung, dù là bọn lính Pol Pot hay bọn lính Para thì chúng đều tỏ ra dã man, độc ác và vô nhân tạo như nhau. Chúng làm nhục người phụ nữ Việt Nam và xem họ như thú vật. Đa số phụ nữ Việt khi đã quyết định đi bằng đường bộ là họ đã thấy rõ và chấp nhận chuyện nguy hiểm trên đường đi rồi. Nhiều phụ nữ khôn khéo thì khi bị hãm hiếp, họ làm bộ thích một trong đám lính man rợ đó để được yên thân, khỏi bị cả bọn hành hạ nữa. Còn những người khác không biết thì bị tập thể hành hạ, có khi họ không còn sức để đi nổi nữa.
Lối hành hạ của Pol Pot và Para đều như nhau: bắt trói thúc ké nạn nhân, lên súng dọa bắn chết, bắt nạn nhân cởi quần áo rồi chổng mông lên cao để bọn chúng thò tay móc hậu môn và chỗ kín. Tay chúng kịch cợm nên khi chúng móc mạnh thì nạn nhân đau vô cùng.
Các người tị nạn bị xét đến cả trăm lần, bất cứ một đứa con nít Pol Pot hay Para mất dạy nào cũng có thể làm phiền mình được. Rồi sau đó, chúng mò xét cả quần áo, giày dép và các đồ vật dụng khác để moi vàng.
Cái dã man nhất của bọn Pol Pot là chúng bắt dân tị nạn Việt làm lao động khổ sai cho chúng. Về chế độ ăn uống thì chúng cho dân tị nạn ăn không đủ nên họ phải nấu cháo mà ăn cho đỡ đói.
Tại khu trại của Pol Pot có một vũng nước nhỏ, đồng bà otị nạn phải ăn uống, tắm giặt, nấu cơm cũng từ nước ở vũng lầy đó. Vào những ngày mưa thì nước từ các vùng có phân người cũng chảy luôn xuống vũng nước ấy. Nhưng người tị nạn vẫn phải uống nước ấy như thường vì không còn lựa chọn nào khác.
Những thảm trạng vừa kể trên đã làm đau lòng những người còn có lòng nhân đạo. Với tích cách là một người tị nạn đường bộ vào năm 1980, vừa là nạn nhân vừa là người chứng, chúng tôi đã không ngừng vận động để đưa tiếng kêu cứu của đồng bào tị nạn Việt nam đến thế giới tự do.
Trong suốt sáu năm dài (1980-1986), chúng tôi đã tìm kiếm, phỏng vấn và ghi lại những câu chuyện thương tâm của các người tị nạn Việt Nam, ở các trại tị nạn đường bộ khác nhau. Loạt bài này đã được đăng trên báo Tin Việt vào những năm 1984,1985 và 1986.
Viết xong vào năm 1986, sau đó tôi lại nhận được hàng trăm lá thư viết tay của dồng bào từ một số trại tị nạn gửi về. Từ đấy, tôi vẫn mong mỏi có dịp được xuất bản tác phẩm này vì nó là một chứng liệu hùng hồn nói lên nỗi cơ cực và niềm đau khổ của người tị nạn Việt nam. Họ đã hy sinh tất cả để đổi lấy tự do. Họ ra đi vì muốn tìm lại quyền làm người, không phải vì lý do kinh tế.
Ước vọng lớn nhất của chúng tôi là tác phẩm này có thể giúp cho các thế hệ con cháu hay những người ngoại quốc hiểu thật rõ về một giai đoạn lịch sử đặc biệt không tiền khoáng hậu của người Việt chúng ta trên đường đi tìm kiếm tự do và nhân quyền.
Trong cộng đồng của chúng ta, đã có nhiều tài liệu viết về thảm trạng của người tị nạn đường thủy, nhưng rất ít tài liệu viết về thảm trạng của người tị nạn đường bộ. Mong rằng những cố gắng của chúng tôi sẽ để lại một ít tài liệu lịch sử về người tị nạn đường bộ cho ngày sau.
Cuối tháng sáu 1996,việc cưỡng bách hồi hương đã kết thúc với việc Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) rút đi và cắt giảm toàn bộ sự giúp đỡ bằng vật chất và tinh thần. Chúng ta đã thấy nhiều người tị nạn can đảm mổ bụng tự thiêu, thắt cổ hay tự tử để phản đối sự đối xử tàn bạo và vô nhân đạo của một số các quốc gia vùng Đông Nam Á. Những cái chết bi thương nhưng oai hùng ấy là những bằng chứng hùng hồn cho thế giới thấy người Việt thà chết hơn là sống mất tự do.
Trong quá khứ, đã có hàng chục ngàn đồng bào bị ép lên máy bay hay tàu thủy để trở về cố hương cho dù tính mạng của họ có thể bị đe dọa. Thế giới đã ngoảnh mặt đi dù rằng các cộng đồng người Việt trên khắp thế giới đã tích cực tranh đấu chống lệnh cưỡng bách hồi hương. Người Việt Nam đã biểu tình đòi quyền sống cho đồng bào mình tại các tòa Đại sứ của các quốc gia liên hệ. Người Việt đã dến tòa Bạch Ốc để kêu cứu cho đồng bào mình.
Việc làm tốt đẹp của người Việt trên thế giới đã có kết qủa rực rỡ. Chính phủ và Giáo hội Thiên Chúa giáo Phi Luật Tân đã quyết định cho khoảng hai ngàn đồng bào tị nạn Việt nam được ở lại sinh sống tại đất nước của họ. Đây là một thắng lợi to lớn, không những cho người tị nạn mà còn cho tất cả người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Đoàn kết nhất trí, kiên trì tranh đấu, chúng ta đã thắng.
Đối với người ngoại cuộc, chúng ta đã chứng tỏ sức mạnh của sự đồng tâm và lòng nhân ái đối với đồng bào. Ngoài ra, việc làm tích cực của chúng ta còn mang một tầm vóc quan trọng khác: tạo dựng một tương lai tươi sáng cho dân tộc qua việc nuôi dưỡng những thiếu nhi trong số hai ngàn người tị nạn ấy.
Cho dù chương trình cứu giúp người tị nạn Việt nam không còn nữa nhưng vấn đề tị nạn sẽ không bao giờ chấm dứt. Nó đã bắt đầu từ ngàn xưa, tại mọi quốc gia. Điển hình là Thiên Chúa khi vừa lọt lòng mẹ đã là một người tị nạn đường bộ khi cha mẹ Ngài phải chạy trốn sự truy nã của một ông vua ích kỷ và độc ác. Những người hành hương (Pilgrims) tiên phong từ Anh quốc đến Mỹ quốc trên chiếc tàu Mayflower trong mấy thế kỷ trước đã là những người tị nạn đường thủy.
Trong ba mươi năm gần đây, ngoài những người tị nạn người Việt nam, Lào và Cambodia còn có người tị nạn đến từ lục địa Trung quốc,từ Cuba, Kuwait, Haiti, Rwanda và nhiều nơi khác trên thế giới. Vấn đề tị nạn chỉ chấm dứt được khi nào xã hội hết bất công, lòng tham bị diệt trừ, quyền làm người được tôn trọng, lòng nhân ái và sự công bằng được thể hiện từ gia đình dến quốc gia và thế giới.
Hai mươi năm sau khi hoàn tất thì tác phẩm Vượt Biên Đường Bộ Tìm Tự Do mới được ấn hành và ra mắt quý độc giả (1986-2006). Xin quý vị cùng chúng tôi thắp nén hương lòng cầu xin ơn siêu thoát cho các nạn nhân bất hạnh, và cho dân tộc Việt Nam của chúng ta được bình an.
Kim Hà
30/4/2006

3 comments:

Anonymous said...

Qua bài viết của bà Kim Hà, mặc dù đã hơn 30 năm ,tôi vẫn còn ấn tượng những câu chuyện vượt biên bằng đường bộ của các anh chị ,riêng tôi cảm thấy sống lại kí ức hồi thời ấy. Sự gian khổ , mất mát,hy sinh đễ đổi lại con đường tự do quã là không thễ tả nỗi, có những gia đình được may mắn và có những gia đình không may ,thân xác đã ở lại nơi xứ lạ quê người, dưới sự quản lý của các tên lính ác ôn khơ me đỏ và lính pa ra, bọn chúng đã bị đền tội các năm sau ấy, mặc dù thời gian đã trôi qua bao nhiêu năm nhưng ký ức của các anh chị tôi biết vẫn in hằng trong tâm trí, nay tôi có vài lời chia sẻ và tâm sự cùng các anh chị bị rơi vào hoàn cảnh những năm tháng ấy. Xin chia sẻ bài viết của bà KiM Hà và chúc gia đình bà nhiều sức khỏe.

Anonymous said...

Tinh co doc hoi ky vuot bien bang duong bo, toi that su rat xuc dong. Ban than toi di vuot bien bang duong bien, tung o trai Leam Sing- Chanthaburi, Panatnikhom- Chonburi, va Sikiew- Nakornratchasima. Toi thay rang vuot bien bang duong bien cung trai qua nhieu tham canh khong it. Toi co le kem may man hon cac anh chi, da song o Thai gan 17 nam, sau do moi di dinh cu. Co mot so anh chi muon den Thai de tim mo nguoi than da bo minh trong cac trai ty nan. Theo toi duoc biet, thi cac trai doc bien gioi Cambodia voi Thai da bi dep bo tu rat lau, hau het cac trai nay nhu Nong Chan, Nong Samet, Khao I Dang, Site 2, Dongrek, nam doc theo cac quan (district) Khok Sung, Aranyaprathet, va Tapraya, truoc kia thuoc tinh Prachinburi, sau nay Thailand da tach ra them 1 so tinh (new province), va cac quan noi tren nay thuoc tinh Sakaeow.

Anonymous said...

Bôn bui, gia đình tôi vượt biên bằng đường bộ 1980 từ Cháu Đoc-Namvang-BactamBang-Saciphon-TLan.... bị chết 1 đứa con và 1 đứa Cháu- do toán kích của VC/Vn bắn nhiều người trong toán và bắt Vợ con tôi trở lại Vn nếu khg bị thương . Đây là nhân chứng sống được bảo lãnh đi Mỹ.

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes