April 21, 2008

Nguoi Y Si KCQ Viet Nam

NGƯỜI Y SĨ KCQ VIỆT NAM

DD-2nd G

LTG: Thắp nén hương lòng tưởng nhớ người trí thức, BS Nguyễn Hữu Nhiều. Một người không quen biết, hay cùng trại tị nạn hoặc là chiến hữu…

Sáng sớm đến sở làm thì nhận được e-mail của anh Phạm Hoàng Tùng (PHT), tác giả cuốn hồi ký kháng chiến: "Hành Trình Người Đi Cứu Nước". Anh nhắn là vào website: "ttnbg.blogger.com", để xem chân dung của Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều được đăng trên mạng như đã nói qua trong hồi ký của anh. Ngày nhận được e-mail rơi trùng vào Thứ Sáu ngày 29, tháng 2 năm 2008. Không biết đây là ngày vui hay là ngày buồn? Vì năm nay là Năm Nhuận chỉ đến mỗi chu kỳ 4 năm một lần.

Sài Gòn Nhỏ, tuần báo phát hành ở Nam California có đăng một bài viết của Luật Sư Hoàng Duy Hùng ở Texas, USA vào năm 2000? Ông ta lên tiếng đả kích Đảng Việt Tân đã bưng bít che dấu sự thật hơn 13 năm (1987 - 2000) về cái chết của ông Hoàng Cơ Minh và ban lãnh đạo Mặt Trận đã bỏ mình trong chiến dịch Đông Tiến II vào những ngày cuối tháng 8 năm 1987. Bài viết được đăng hai hay ba kỳ phát hành. Nội dung nói rõ chi tiết ẩn khúc theo lời tường thuật của vài cựu kháng chiến quân đã vượt thoát ra hải ngoại. Trong bài viết của ông có đề cập đến cái chết bí mật của Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều. Đoạn văn ngắn gọn "shock" người như sau: "Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều, vị bác sĩ duy nhất của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh (MT HCM) bị tử hình ở khu chiến"! Vị luật sư này không nêu ra lý do và giải thích trong bài viết của ông. Người đọc lúc đó có nhiều suy nghĩ và thắc mắc là tại sao lại xảy ra sự việc đau thương đến cho một vị trí thức đã tình nguyện dấn thân gia nhập mặt trận từ trại tị nạn Dongrek Camp,Thái Lan vào đầu năm 1985?

Vào thời điểm bài viết của Luật Sư Hùng được đăng trên mặt báo Việt Ngữ ở hải ngoại. Có rất nhiều độc giả và đồng hương đóng góp yểm trợ tài chánh cho MT còn quan tâm đến hiện tình đất nước, muốn tìm hiểu sự thực về MT HCM và số phận của những KCQ VN bấy giờ ra sao? Chẳng ai được biết và cũng chẳng có bài viết nào nói về họ. Tin tức lu mờ chôn theo dòng thời gian, ngay cả ở những quốc gia tự do bậc nhất về mặt báo chí như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại hay Úc Đại Lợi.

Sự thật bí mật về MT HCM có lẽ được phơi bày phần nào trong cuốn hồi ký kháng chiến của tác giả PHT(cựu KCQ VN) được xuất bản vào đầu năm 2006. Trong cuốn hồi ký này độc giả được biết thêm chi tiết liên quan đến số phận và cái chết hẩm hiu của BS Nguyễn Hữu Nhiều. Anh PHT tường thuật thời gian huy hoàng của BS Nhiều lúc mới gia nhập mặt trận, lẫn tháng ngày bị thất sủng. Ông để lộ vẻ bất mãn đến ban lãnh đạo MT và tìm đường chạy trốn với hy vọng trở lại trại tị nạn biên giới. Nơi đó không biết người vợ và các con của ông có còn lưu trú nữa không? Hay là đã lên đường đi định cư ở một đệ tam quốc gia và làm lại cuộc đời mới không có ông trong đời?

Cũng có lẽ MT hứa hẹn với BS Nhiều là sẽ cất nhắc ông vào chức vụ Bộ Trưởng bộ Y Tế của chính phủ Việt Nam do ông Hoàng Cơ Minh lãnh đạo sau này? Nếu như đất nước giành lại được từ tay người CSVN? Đâu có người trí thức nào đến được trại tị nạn cùng với vợ con mà lại đi trở vào rừng rú không có hứa hẹn ngày mai? Tương lai của người bác sĩ y khoa là đến những quốc gia tự do và lấy lại bằng cấp. Đi làm cho nhà thương thêm vài năm và mở một phòng mạch khám bịnh sau này. Đời sống tuy không phong vương giàu có nhưng cũng đủ để liệt vào giai cấp middle- class ở xứ người. Đời người sung sướng bên vợ đẹp và con khôn? Ai nào ngờ lại rơi vào tình trạng bi thảm như vậy?

Cho nên có mấy cựu sĩ quan cấp lớn của QLVNCH hay các bậc trí thức khác khi đến được trại tị nạn trong thập niên 1980 lại đi tham gia kháng chiến. Vì đi kháng chiến phải chịu khổ và nhiều hy sinh. Chỉ có người trí thức duy nhất, BS Nguyễn Hữu Nhiều là khác biệt với các người cùng giai cấp. Ông không màng vinh hoa phú quý đang chờ đợi ông ở ngưỡng của chân trời mới. Một viên ngọc quý đáng lẽ phải được trọng dụng đúng vị thế, mới hữu sự? Ai lại trở thành người gác rừng? Rồi mang ra tử hình để làm gương cho những KCQ khác nếu ai còn có ý đồ bỏ trốn khỏi khu chiến?

Rời Dongrek, Anh ra đi vì lý tưởng

Tìm về lại Dongrek, sao thật xa xôi ?

Từ ngày ông bị giết chết nơi rừng thiêng nước độc ở biên thùy Thái Lào. Địa danh không rõ ràng. Không một nấm mồ hay chứng tích có thể tìm kiếm dễ dàng được. Đến nay chắc cũng đã hơn 23 năm rồi? Không biết vợ con của ông có bao giờ có ý nghĩ đi tìm hài cốt của ông không? Những người con của ông giờ đã khôn lớn và thành tài? Có lẽ họ sẽ không tìm được tất cả xương cốt của người thân mình. Nhưng ít ra họ có thể làm vong linh người cha quá cố được siêu thoát và an nghỉ ngàn thu dưới suối vàng. Nếu có thành ý như vậy thì hay biết mấy?

Nhân bài viết đây, xin thắp nén hương lòng cầu cho tâm linh của vị bác sĩ KCQ VN duy nhất (xin miễn đề cao MT) về cõi vĩnh hằng hay nước trời. Cũng dâng lời cầu nguyện đến tất cả các KCQ VN bất hạnh đã, "Vị quốc vong thân" (không được truy điệu bởi MT), nay không một ai còn nhắc nhở tới trong lịch sử cận đại sau năm 1975?

Hình dung trong giấc mơ, vong hồn BS Nguyễn Hữu Nhiều trổi dậy và tìm về lại trại tị nạn Dongrek Camp cho dù trại đã đóng cửa lâu rồi. Nghe văng vẳng trong làn gió rừng ngút ngàn có tiếng oan hồn ai oán hát một bản nhạc tiếc thương với cung trầm buồn tỉ tê đứt đoạn không hoàn nguyên văn lời, giống như hình hài của ông vậy…

Ánh đèn vàng hiu hắt

Khói trầm hương ngây ngất

Anh nằm đó sao không cười không nói!

Anh ra đi như mây bay trên trời

Đời này đầy những thương đau

Anh ra đi bến phương nào …

Và nơi đó biết anh nghĩ gì?

(ghi theo trí nhớ)

2 comments:

ttnbg said...

Những anh em KCQ đả bỏ mình trong rừng rú hoang vu xa thẳm đó , tử hình hay tử trận, có lẻ đả chẳng có được một nén hương hay ngọn đèn tưởng nhớ đâu anh DD nhỉ
Những trại tị nạn bây giờ đả trở lại rừng rú hoang vu. Vong hồn anh em KCQ dù có trổi dậy trơ về cũng không đuợc nửa. CHắc họ thấy hoang lạnh lắm... Dầu sao thì họ cũng được những người như anh tưởng nhớ. Mong vong hồn anh em KCQ thấy một chút ấm cúng với những dòng chử của anh.

Anonymous said...

Xin hat tang cac KCQ da hy sinh:
..............
Ra biên khu trong một chiều sương âm u,
Âm thầm chen khói mụ
Bao oan khiên đang về đây hú với gió
Là hồn người Nam nhớ thù
Khi ra đi đã quyết chí nuôi căm hờn
Muôn lời thiêng còn vang.
Hồn quật cường còn mong đến phút chiến thắng,
Sầu hận đời lấp tan.

Gươm anh linh đã bao lần vấy máu
Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình
Rừng trầm phai sắc
Thấp thoáng tàn canh
Hỡi người chiến sĩ vô danh!
...............

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes