"Khoảng đời tị nạn tưởng đã quên sau bao năm, nhưng khi ngồi ôn chuyện cũ, có nhiều hình ảnh hiện lên rất rõ. Dù Sikew, Galang, hay bạn sống ở những trại tị nạn khác rải rác khắp Đông Nam Á, cũng là một thời qua với nhiều kỷ niệm. Cám ơn Face Book tạo cơ hội cùng nhau hồi tưởng về những tháng ngày long đong, lận đận. Giọt nước mắt mừng vui, đau khổ, hay tuyệt vọng. Có tên đi định cư hay rớt thanh lọc? biểu tình phản đối, tuyệt thực, bị trả về lại… "
Từ Khao I Đăng đến Sikew, 1980
Đầu năm 1980, nhóm người Việt vượt biên đường bộ đầu tiên đươc chuyển đến trại Sikew khoảng 600 người, một số từ các trại sát biên giới Thái Miên, số khác từ trại Arrange Pathet (trại tù lao công đào binh), đa số còn lại từ trại Khao I Đăng section 13. Tất cả được sắp xếp cho vào các Building 1,2 v à 3. Mỗi Building (B) có trưởng và phó Building do một số cựu quân nhân QL-VNCH được đồng bào bầu ra để đại diện người tị nạn tiếp xúc, liên lạc với người Thái trong mọi công việc về mặt đời sống.
Trại Sikew có lính gác, có trại trưởng và trại phó do quân nhân Thái đảm trách. Gặp 2 người này là phải đứng nghiêm, khoanh tay cúi đầu, cung kính chào: Savadi Khấp!”. Đã có nhiều người bị đánh, cá nhân mình cũng suýt bị ăn gậy vì thấy tên phó trại mà làm bộ ngơ ngác, không chào. Thấy nhóm tị nạn trông đen đủi và cô hồn quá nên trưởng trại cho tập họp, cảnh cáo ngay và cho biết đây cũng là một trại tù của lính Thái, nên kỷ luật rất nghiêm nhặt, áp dụng cho dân tị nạn giống như quân đội, vi phạm kỷ luật sẽ bị cạo trọc đầu, giam vô chuồng cọp, chuồng beo… tù vô thời hạn.
Người Thái giống việt cộng ở chỗ bắt sĩ quan, quân dân cán chính VNCH đi học tập cải tạo mút mùa mà không cho biết thời hạn phải tù bao lâu. Ở trại Sikew nếu bị tù thì chua lắm bởi dù phái đoàn có đến gọi tên lên phỏng vấn hay bạn có danh sách đi định cư thì cũng miễn đi, ở tù đã…
Trại Sikew sẽ có chào cờ ngày 2 lần sáng chiều, mọi người đều phải học thuộc và ca quốc ca Thái Lan, còn nhớ lúc đó anh Trần Thịnh* sau này là danh hề nổi tiếng hải ngoại cứ ca nhại “gà dây thung ta nấu cho thành xé phai,… đi đứng lang bang, 2 tay đút vô túi quần..”. làm bà con cứ bò lăn ra cười.
Sikew có 8 building lớn, ngoài 3 building đầu thì các building 4,5,6 dành riêng cho người tị nạn Lào gốc Việt, đến từ trại Nong Khai phía Đông Bắc Thái. Họ nói tiếng Thái (tiếng Lào và Thái xài chung ) và nói tiếng Việt rặt giọng Bắc nghe ngồ ngộ, nhưng dễ hiểu và hiền hòa. Nhìn chung thấy bảnh lắm, vì nước da họ trắng tuốt, quần áo tươm tất, sạch sẽ. Những cô gái Lào gốc Việt ai cũng khá đẹp, và thường quấn xà- rông cho tiện. Phe ta mới đến, nhào qua thăm hỏi tình hình thì họ cho biết người Việt ở Lào đi tị nạn dễ lắm, chỉ bơi qua một con sông là sang đất Thái, qua trại Nòng Khai, ở riết chán, thấy khổ thì lại lẻn bơi về. Nhưng sau này cao ủy chuyển về Sikew. Hỏi tới mới biết họ ở trại Sikew này, người ít nhất, sơ sơ cũng trên 1 năm, còn 3, 4 năm thì nhiều, được đi định cư thì phải là may mắn. Lý do: họ lý luận, đơn giản thôi, người Thái không cho phái đoàn các nước vào trại phỏng vấn?
Vì tị nạn ở trại càng lâu thì càng đẻ ra nhiều công ăn việc làm cho dân Thái. Tiền do cao ủy trả, điều này có lý khi nhìn vào trại Khao I Đăng, trại khá lớn mà người Thái cấm đào giếng và nước phải do họ cung cấp, bạn tính xem, nhiều trăm chuyến xe do công nhân Thái chở nước vào mỗi ngày ngày cho 5 chục ngàn người Kampuchia ròng rã trong nhiều năm…? Chiến tranh làm cho một số nước nghèo đi nhưng lại có lợi cho những quốc gia khác.
Trại Khao I Đăng, được biết chỉ được định nghĩa là nơi để “lánh nạn” chứ không phải là “tị nạn” nên không có phái đoàn đến trại phỏng vấn, bởi vậy khi chuyển trại, có một vài người Miên giả làm người Việt tỉnh queo, lên xe đi theo, sau này định cư thành công.
Khao I Đang có Section 13 mới xây thêm, dành riêng cho nhiều nhóm người Việt đầu tiên vượt biên bằng đường bộ. May là thời gian ở đây chỉ vài tuần ngắn ngủi. Cũng có thể do “trâu cột ghét trâu ăn” hay vì cộng sản Việt Nam đang xâm lăng Kampuchia? nên xảy ra vài đụng chạm nhỏ giữa Miên và Việt, nhờ vậy Cao ủy tị nạn phải di tản đám người Việt về trại Sikew gấp sợ có chuyện.
Nhìn chung thấy đường tương lai sao mù mịt quá! Ở Sikew khoảng vài tháng sau này mới thấy thấm thía hai chữ may mắn mà lúc mới tới không ai để ý. Khi có một gia đình người Lào Việt được đi Đức, loa phóng thanh reo:”Sau đây là danh sách những người… may mắn có tên được đi định cư ở đệ tam quốc gia”. Thôi thế thì cứ yên tâm sống đời tị nạn mà xem tình hình biến chuyển thế nào? Ai siêng chịu khó cắp sách đi học thêm sinh ngữ do các thày tị nạn tự nguyện đứng ra dạy và ráng giữ gìn sức khoẻ chờ thời! Nói giữ gìn sức khoẻ là vì góc trại Sikew cũng có nghĩa trang nhỏ, nơi đó có 12 người tị nạn vĩnh viễn chọn làm nơi an nghỉ!
Thời gian 1980, những người vượt biên đường bộ khá tuyệt vọng vì chưa được thế giới biết đến nhiều bằng những người Việt vượt biên đường biển hiện rầm rộ có mặt khắp nơi tại các nước láng giềng ngoài Thái như Indonesia, Malaysia, Philippine, Hong Kong…
Sikew có Building 8 (B8), rất đặc biệt vì nằm bên kia trại, cửa ra vào đều bị khóa, kiểm soát chặt chẽ, nội bất xuất, ngoại bất nhập, lính gác có súng. Người tị nạn là những cán binh, bộ đội, trong đó có nhiều người thuộc dân con cái “ngụy” tức phe ta chính gốc VNCH, nhà nghèo không tiền lo lót, bị bắt đi nghĩa vụ quân sự, nhân cơ hội vọt luôn qua Thái xin tị nạn. Những người này trước khi tới trại đều được đưa về Bang kok khai thác chán chê rồi mới đưa về Sikew, và có tin đồn họ sẽ vĩnh viễn ở lại đất Thái, phần nữa cũng không quốc gia nào dám nhận cho phe nón cối, dép râu đi định cư? Chuyện người ta đề phòng tình báo phản gián mà. Thiệt là thê thảm!
Lúc đó mình gặp lại đứa em trong xóm thuộc diện này, nay trở thành bộ đội vượt biên hiện nằm trong B8. Mừng quá vì nhà nó chỉ được báo cáo mất tích, mọi người ai cũng nghĩ nó bị tiêu rồi! Chú em bắn tiếng qua hàng rào kẽm gai nhờ mình tìm cách báo về Sài Gòn cho má biết là còn mạnh khỏe.
Nói về nhân vật của B8, bạn phải nghiêng mình thán phục, nhiều chuyện khôi hài, hồi hộp hay táo tợn và hào hùng. Nhớ có hiện tượng mà toàn trại Sikew ai cũng biết và cười. Các cụ B8 có lạc bước nơi đây, đọc xong xin đại xá..
B8 mặc dù là những người vượt biên tìm Tự Do nhưng đối với người Thái đầy nghi kỵ nên vẫn bị hăm he về chuyện không có ngày đi định cư. Đời sống trong trại tù túng, thiếu thốn không có tương lai kể khá bi đát. Cách hay nhất là viết thư gõ cửa các hội thiện nguyện khắp nơi tìm an ủi, hổ trợ hay sponsor. Kẻ có thân nhân thì nhờ báo chí hải ngoại tiếp tay đăng tìm giúp và có lẽ vụ tìm bạn bốn phương cũng bắt đầu từ đó.
Không biết ai khởi xướng nhưng chỉ thời gian ngắn sau trăm hoa nở rộ… tức là, trự nào ở B8 cũng có một vài người yêu khắp nơi trên thế giới để mà tâm tình, trò truyện, nhưng quan trọng nhứt là có thêm thu nhập tài chánh.
Trên mục kết bạn tâm thư báo Văn Nghệ Tiền Phong và báo Hồn Việt tại hải ngoại, California lúc nào cũng đăng tin rất nhiều các em gái trong trắng, ít tuổi đời, lạc bố mất mẹ trên đường vượt biên, hay goá phụ ngây thơ, nữ sinh Gia Long, Marie Curie, Trưng Vương,… nói chung nhan sắc mặn mà, trên trung bình, con nhà gia giáo, hiện độc thân, cô đơn lắm… đang mong chờ mòn mỏi các ân nhân phương xa ra tay cứu giúp, em nguyện sẽ nâng khăn sửa túi, đáp đền khi gặp lại. Thư từ liên lạc xin gửi về em tên…. Địa chỉ trại Sikiu Camp,…Building 8… Panat Nikhon, Ratchasima- Thailand.
Sau 1975 các đấng liền ông thoát được ra hải ngoại đi tìm các cô mà lấy làm vợ, con mắt đổ ghèn tìm hỏng ra nương nào! Mấy cô tiểu thư dù nhan sắc khiêm nhường, chỉ cần hơi trắng da dài tóc là trước ngõ vương tôn công tử đầy kẻ thập thò, tha hồ mà chọn. Úi chao! sao cái B8 – Sikew này tự dưng có lắm người đẹp thế! Thế là thư từ đáp ứng cứ nườm nượp thay phiên nhau đổ về.
Tình hình lúc ấy “nóng” quá, không ra tay sớm kẻ khác cuỗm mất, người khôn là người biết ra tay cứu vớt các em từ thủa bơ vơ!
Thùy Trang, 26 tuổi, 1 con, bị chồng ruồng bỏ. Hiền, thùy mỵ, đẹp xấu tùy người đối diện, vừa may mắn cùng con thoát được đến bờ tự do, không thân thuộc bảo lãnh. Hiện rất cô đơn, muốn yên phận để nuôi con trưởng thành. Tìm nơi nương tựa, chỉ dẫn Trang bước đầu nơi xứ người. Mong gặp đối tượng thành thật để tính chuyện lâu dài. Xin đừng đùa giỡn, Trang hứa sẽ hồi âm và gửi hình dù thư đến trễ. Thư về Thùy Trang, B8 – Sikiu.
Rồi sao? Người đẹp “trai” Thùy Trang, có ngày nhận cả 2 chục lá thơ gửi tới, tuyên bố ngon lành, anh nào không thực tế, nói toàn chuyện yêu đương tha thiết, lỉnh kỉnh là dẹp, thơ nào check có mấy choạc, tức là dưới trăm đô, cũng dẹp. Thiệt tình Đời tị nạn thành đời vương giả ít ra nơi mặt vật chất!
Màn đại bịp rộ khắp trời Sikiu. Cả nước B8, các đấng nam nhi chuyển giống qua gien “nữ”!
Hình ảnh để làm tin cho các anh yêu nơi phương trời xa xôi thì như phần trên đã nói về các cô gái Lào gốc Việt ở Building 4,5,6, họ giống lai giòng nên ai cũng “đép đẹp”, nói theo lối của họ. Tóm lại, duyên may đưa đẩy…Trai Sài Gòn gặp gái Viêng Chân như cá gặp nước, mê nhau như điếu đổ, dù B8 mỗi ngày chỉ có mấy trự được phép thay phiên nhau qua bên này đi chợ ở khu B4, và thời gian thì không nhiều, nhưng có cô nào mà không thích được chụp hình để các anh coi cho đỡ…nhớ! Thiệt là thiên thời địa lợi, hình các em gái Lào được các “cô” B8 dùng gởi đến quý anh giai bốn phương trời.
Dân hành nghề nhiếp ảnh thời ấy cứ là kiếm khối tiền!
Vượt biên một phút
Những người bộ đội tị nạn Việt Nam tại B8 thì mỗi người đều có một hoàn cảnh vượt thoát khac nhau. Câu chuyện có thật của Nguyễn Tấn X, cấp bậc binh nhất, diện Nghĩa Vụ Quân Sự, anh thuộc sư đoàn 5 ninh 8, trung đoàn 123, đại đội 3 (?) trực diện đêm ngày tại tuyến đầu với tàn quân Polpot trong rừng, ngay sát biên giới Thái.
Vì đóng quân án ngữ ngay bìa rừng cạnh biên giới nên ngày ngày lính biên phòng Thái và bộ đội Việt Nam đều nhìn thấy nhau. Cả hai bên đều canh chừng tàn quân Polpot ở trong rừng. Tuy không có giao tranh nhưng người Thái luôn đề phòng và bố trí lực lượng khá hùng hậu nơi này. Giữa hai đội quân khác màu áo chỉ khoảng hơn trăm thước là một bãi mìn dầy đặc như để phân ranh giới do cả hai bên thay phiên nhau thay đổi vị trí gài đặt mỗi buổi chiều.
Mỗi sáng, phía Thái có chào cờ thì bên này cũng tập họp để nghe chính trị viên đại đội cà kê huấn thị. Bữa kia có chuyện…
Như thường lệ buổi sáng thức dậy trời tờ mờ còn ngái ngủ ra tập họp, đồng chí X lợi dụng lúc mọi người còn đang uể oải, chưa vào hàng đầy đủ đã làm 1 cú lịch sử, đột ngột chạy băng qua bãi mìn trước mắt những người lính của cả 2 bên. Mọi người đều bất động, nín thở chờ mìn nổ, quên cả nằm xuống vì bất ngờ quá. Lúc chính trị viên đại đội phát giác la lên thì mọi người tỉnh hẳn và không tin chuyện xảy ra trước mắt: Hắn la lên: “Đồng chí X, trở lại ngay không tôi bắn…” Đã quá trễ, X cứ chạy, vừa chạy vừa giơ hai tay lên cao tỏ ý đầu hàng để lính Thái khỏi bắn ẩu. Lúc đó phía hàng quân Thái đang tập họp nhìn ra vấn đề ngay và họ lập tức điều động quân lính gờm súng chuẩn bị đáp ứng tình thế. Như một phép lạ, càng chạy càng nhanh.
Sau này anh cho biết cảm tưởng lúc đó chân như không còn chạm đất mà cũng không sợ đạp trúng phải mìn nữa, mọi chuyện đều phó mặc định mệnh an bày. Thời gian chưa đầy 1 phút mà rất dài, mọi người ai cũng nín thở nhìn theo chờ nghe tiếng mìn nổ, và rồi cuối cùng, mìn… không nổ. Anh đã thành công khi liều mạng chạy băng qua bãi mìn để đổi lấy sự Tự Do. Khi chạy đến phần đất Thái, viên sĩ quan Thái ra hiệu anh tiếp tục chạy xuyên qua hàng lính của họ và tự mình đứng chắn trước lối anh vừa qua…
Họ nhanh chóng khám xét anh rất nhanh và cho người áp tải đi vô sâu trong đất Thái. Phía bô đội tức tốc gởi người qua và đòi lính Thái phải giao trả về… “No way Jose!” Bạn ơi làm gì có chuyện này!
Đồng chí X được lên xe Jeep chở ra khỏi vùng hỏa tuyến và ngay chiều đó được chuyển về Bang kok. Khoảng tháng sau khi an ninh Thái điều tra với những thủ tục cần làm, họ chuyển anh về Building 8 Sikew. Như vậy, có thể nói cuộc vượt biên bằng chân vượt qua bãi mìn dầy đặc, đánh cược với tử thần đổi lấy Tự Do này thiệt vô tiền khoáng hậu. Thời gian giữa sống và chết chỉ trong khoảng chưa đầy 1 phút, quá nhanh, như vậy xứng đáng được ghi vào sách những kỷ lục lịch sử Guiness thế giới.
Anh cho biết thêm, trong vụ này thực ra có 2 người, kẻ đưa ra ý kiến vượt qua bãi mìn này lại là người bạn bộ đội gốc Bắc kỳ của đồng chí X. Họ trở thành thân nhau trong dịp anh X cứu anh Y thoát chết trong 1 trận giao tranh (đồng chí Y sau này cũng vượt thoát được khi bộ đội cộng sản đánh tràn qua đất Thái đuổi tàn quân Pôn Pốt khoảng giữa năm 1980).
Anh Y cho biết cả hai đã tính toán trước, chuẩn bị cuộc vượt biên liều mạng này lâu rồi và chỉ chờ dịp thuận tiện… Thường buổi chiều hôm trước nếu được giao nhiệm vụ gài mìn, lúc gài đặt phải lén đánh dấu và cố nhớ kỹ chỗ mình gài để biết mà tránh. Đó là bên này, chưa kể vùng mìn rác ở giữa, và mìn gài bên phía lính Thái thì sẽ tính toán theo sác xuất, quan sát, nhưng họ dĩ nhiên thường hay thay đổi… coi như đánh cuộc số mệnh.
Anh Y cho biết thêm người chính trị viên đại đội đã nhắm bắn anh X nhưng không hiểu sao cuối cùng lại không nổ súng? Anh suy đoán có lẽ hắn cũng hồi hộp không dám bắn thẳng vào anh X vì nếu trật, trúng lính Thái thì sẽ có đáp lễ và thành to chuyện ngay, có điều cả đại đội ai cũng biết tay đó bắn rất giỏi?
Anh Y cho biết đêm đó cá nhân anh nhận phiên gác khá xa, bàn giao trễ nên về tới chỉ kịp lúc thoáng thấy anh X đã chạy rồi.
Trại Sikew Được Phỏng Vấn
Quay trở lại nhóm 6 trăm người đến Sikew từ Khao I Đăng, khoảng đầu tháng hai 1980 được dồn vào các Building 1, 2 v à 3. Rất may mắn vì trong nhóm có người biết tin tức, địa điểm nơi quân nhân Hoa Kỳ mất tích (M.I.A. = missing in action) nên người Mỹ hầu như tuần nào cũng ghé vào trại để làm việc vài ngày. Nhờ vậy nên người Thái cũng phần nào e dè, bớt khắt khe hơn với tị nạn?
Ngoài ra nhóm đầu tiên đa số là dân Sài Gòn, khá nhiều sĩ quan mới học tập cải tạo về, có bác sĩ, giáo sư, luật sư, nhiều cô bác từng làm việc cho sở Mỹ… Trình độ tiếng tây tiếng u như gió. Quả thực là may mắn được ở chung với nhiều người giỏi, vì vậy nhóm 6 trăm chinh phục được nhiều giới chức, các cô chú còn nhờ cao ủy đi gõ cửa các tòa đại sứ giùm, đánh động phương tây giúp can thiệp định cư.
Cho đến khoảng tháng 8, 9 có tin trại Sikew cho phép các phái đoàn vào phỏng vấn sau nhiều đánh tiếng lên tới cả nhà vua Thái. Dân con côi cũng được phái đoàn Mỹ phỏng vấn theo diện “xì bông xô hốt rác” nếu kiên quyết chờ và không có thân nhân các nước khác. Lúc ấy thì “thung thướng” lắm. Thêm chuyện vui là giấy tờ xin phỏng vấn muốn khai sao thì khai, nên một số rút kinh nghiệm ở Việt Nam sợ đến tuổi phải đi lính sớm, hiên ngang rút tuổi xuống cho trẻ, có kẻ “kéo quá hóa co” bởi cái hại sau này là lúc qua Mỹ rồi rất khó khi làm đơn bảo lãnh gia đình đi đoàn tụ. Kỳ rồi quán phở ngoài Bolsa có một cựu Sikew xưa ở chung Building, râu đã dài tới rốn, người qua tuổi lãnh hưu trí từ lâu mà vẫn cứ phải bưng tô, đi cày tiếp bởi xưa hơi quá tay, rút tới mười tuổi lận! Cụ nức nở phân trần:”đời ai biết mà ngờ”.
Rời Thailand
Nhóm 6 trăm cuối cùng cũng được “may mắn” rời Sikew làm 3 đợt, mình đi đợt 2 tháng 1 năm 1981 đến trại Panat Nikhom, ở 1 ngày rồi lên trại Lumpini Transit Center, tại thủ đô Bangkok chuẩn bị ra phi trường qua Pulau Galang RPC tức Refugee Processing Center để học Anh ngữ và bước đầu hội nhập đời sống Hoa Kỳ. Đến trại này rủi mà lại vui vì không hiểu sao hồ sơ bị trục trặc nên phải ở lại hơn hai tháng đâm ra tối ngày lông nhông trốn ra Bankok chơi… Vì là trại chuyển tiếp đến và đi, tất cả người tị nạn bắt buộc phải ghé ngang trước khi rời khỏi xứ Thái. Điều kiện sinh hoạt trại Lumpini khá tốt về ăn uống và nước tắm. Ở đây gặp và kết thân được nhiều bạn đến từ các trại đường biển như Songkhla, Leamsing. Thường người nào bị kẹt lâu lắm cũng chỉ 1,2 tuần, với thâm niên gần 2 tháng mình trở thành trưởng trại, sắp học thuộc được tiếng Thái… “Nừng xoỏng xám xì ha hộc…đếm từ một tới mười thì lên đường.
Trại Transit Center thường có những vụ trả thù giữa những người tị nạn, tay người Việt kia gây nhiều bất công, ăn chặn tiền ăn bạc, hà hiếp đồng bào lúc có tí chức quyền nơi trại cũ, khi lên tới Lumpini này bị đồng hương tị nạn vác dao rượt chạy có cờ. Một ông cựu trưởng ban an ninh từ trại đường biển, khi lên đây phải đút lót tiền cho cảnh sát Thái xin được ở chung nơi trạm gác, không dám lò dò vào bên trong để mà lấy cơm về ăn hay đi tắm rửa, cứ vậy cho tới khi lên xe buýt ra phi trường.
Từ trại chuyển tiếp Lumpini lên máy bay qua Singapore, nhân tiện xin được thay mặt tất cả những người tị nạn đã đi qua trại Lumpini thời đó và sau này đã từng nhận được sự giúp đỡ về mặt thơ từ, để nói lời cám ơn chân thành đến Madame Simon Thúy. Một người Việt sinh sống nơi Bangkok, có chồng người Anh, làm trong lãnh sự quán Anh Quốc, ông qua đời vì tai nạn xe. Chị Thúy sống luôn tại Bankok nuôi con, và đã ngày ngày tình nguyện vào trại Lumpini giúp chuyển giao và nhận, cùng gửi thư tín đi khắp nơi qua địa chỉ nhà của chị cho đồng bào được yên tâm. Âm thầm hy sinh làm liên tục trong nhiều năm. Hy vọng Chị Thúy có dịp đọc được mấy lời này.
Galang 2, 1981
Đến Singapore, được tàu nhỏ đưa vô đảo Galang. Nhóm mình là những người đầu tiên được vào ở Galang 2, lúc đó mới vừa hoàn thành. Cứ bốn thanh niên được dồn vào 1 Barack mới toanh còn thơm phức mùi cây gỗ. Y như khách sạn dành riêng cho Summer Vacation để ngắm cảnh ở Mỹ, tệ lắm cũng được 3 sao dù không căn nào có cửa. Qua thời đi tới đâu cũng cả trăm mống chung một nhà. Ăn uống có đồ hộp, cao ủy phát trước vài ngày 1 lần, tuy thiếu chất tươi nhưng sao cũng được, có tiền thì có thể ra chợ ngoài Galang 1 mua thêm rau do bà con tị nạn tới trước trồng, nhưng tụi này mà có tiền thì tối ngày lại thích ra quán ngồi đấu láo cho vui. Nhớ lúc đó cơm cao ủy khi ăn lâu lâu nhai nghe cái “cộp” 1 phát thiếu điều gãy răng, lè ra mới thấy nguyên cái ghim bấm giấy (stapler) bằng sắt, mà vụ này bị hoài à? Cũng may là nhai trúng, chớ không thì chắc phải giải phẩu thay mấy cái bao tử mới??? Phòng vệ sinh sạch sẽ, có khu tắm tập thể nước bông sen. Ba vụ nước rất quan trọng nên bà con phê quá, tị nạn lúc đó thấy như thiên đàng, bụng nghĩ giá có phải ở lâu tí cũng OK. Các đấng chuyên tán phét ngoài quán cà phê thì cho rằng đây là nơi đặc biệt, chỉ dành riêng cho những tị nạn đã có vé vô Hoa Kỳ, đến để ăn ngủ, học Anh ngữ, hướng nghiệp rồi lên đường định cư…nên họ phải lo cho thật chu đáo, đầy đủ, ưu tiên hơn những nơi khác! RPC khác với những người chưa được phái đoàn tới phỏng vấn, oai lắm đấy. Nghe sao mà ớn quá! Vấn đề nước tắm nhớ kỹ lại thì hình như chỉ được tuần đầu, tuần sau thì tắm…khô vì sau một vài ngày thỏa thê mát mẻ ấy chả hiểu vì sao không bao giờ thấy nước chảy ra từ vòi sen nữa! tịt hẳn! họ chỉ biểu diễn lúc đầu để tính tiền cao ủy? cũng may gần đó có suối, chịu khó chờ thứ tự cũng không đến đỗi nào…
Vấn đề học Anh văn phải lấy test để phân chia trình độ cao thấp, lớp phải do các thày người Indonesia dạy, thày Việt chỉ được cho làm trợ giáo, không lương. Lớp học tiếng Anh của mình, gen thô mân (gentleman) lâu lâu thày giáo Inh đô dạy phang bừa thành “giăng tơ lơ măng” làm cả lớp có đứa xém phải khiêng lên bệnh viện vì chết sặc, cười…
Môt buổi tối đang chuẩn bị ngủ thì nghe có buớc chân rầm rầm chạy lên cầu thang, rồi 2 cô cậu chạy ào vào phòng như cơn gió, tiện tay vồ luôn cái chăn nơi cửa tụi này gấp lại dùng để chùi chân, trùm vô cho kín, giả bộ…đang ngủ ngon. Người nam đưa ngón tay trỏ lên miệng suỵt suỵt, ra dấu nói bà con giữ im lặng giùm…
Khoảng nửa phút sau có tiếng xe máy hung hãn rồ ga, ánh đèn pin nhá nhá, rồi tiếng tây tếng u, tiếng Indo, tiếng… Đan Mạch la hét loạn xạ ngầu, như chửi bới cay cú lắm. Lúc này nhận ra anh mới chạy vào phòng là người quen cùng trại bên Sikew, qua Galang từ trước hiện đang ở Galang 1. Anh cho biết mò từ ngoài đó vô thăm người yêu mới sang ở Galang 2. Cô cậu đang hú hí trên đồi thì an ninh Inđo đi xe ngang rọi đèn pin thấy và rồ ga lên đồi để bắt quả tang dám… hò hẹn trong giờ giới nghiêm. Chả hiểu sao, bữa đó trời không trăng! thiệt xui cho nó mà hên cho cậu mợ, lúc rượt theo thì đất đỏ gặp giời mưa mấy bữa trước vốn trơn trợt nên cu an ninh bị té xe khá nặng, trợt từ trên đồi xuống nên hai người mới thoát được. Chuyện tình Romeo + Juliet này dính như keo nhưng bị bên họ hàng của ổng ngoài Galang 1 phát giác, họ nhao lên phản đối quá xá, sau này khi định cư ở Mỹ thì mối nhân duyên mới chấm dứt bởi… vợ ổng từ Việt Nam lò dò dắt theo mấy đứa con qua đoàn tụ! Cái này gọi là Cali tình xù chớ Galang tình…không xù, nói theo kiểu bác Liêm, người rất nhiệt thành, hiện đứng ra thực hiện đặc san, tổ chức những buổi hội ngộ cho Thuyền nhân, Bộ nhân xưa.
Galang 2, 1981 về mặt tôn giáo cũng có linh mục làm lễ mỗi Chủ Nhật. Bà con Công giáo và kể cả người không công giáo cũng đến tham dự thánh lễ, ngồi đứng đầy trên đồi Golgotha, mọi người ai cũng sốt sắng lắm, đọc kinh rõ là to, chắc cầu cho mau đi định cư? Lúc đấy mình có quen 1 anh bạn làm giúp lễ, cách đây khoảng 2 năm, anh qua Cali chơi đi thăm con chiên ngoài… Phước Lộc Thọ tình cờ gặp. Anh cho biết hiện đang là 1 linh mục tuyên úy trong quân đội Hoa Kỳ. Ngài cho ít thông tin về những người quen xưa, đặc biệt nhất là tin về ông cha thời đầu tiên ở Galang 2 thường cử hành thánh lễ mỗi Chủ Nhật. Lúc cha qua Mỹ thì đã thôi chức linh mục và trở về đời thường. Cởi áo chùng thâm, mặc tuxedo lên xe bông đám cưới, âm thầm theo tiếng gọi con tim về nhà vợ, đến nay cũng đã có nhiều con lớn…
Tóm lại Galang với mình chỉ nhớ được chút ít vì ở không lâu, đâu khoảng 2,3 tháng gì đó là đi rồi. Thời gian ở đây ngắn ngủi quá, tình còn chưa có lấy chi xù hả các bác?
Galang tiễn người đi.
Tay kia rời trại đang vẫy tay chào từ dưới tàu, đi rồi còn dặn thợ chụp làm một “bô” kỷ niệm, chỉ khổ cho mấy thằng con bà sơ trên bờ vốn là chuyên viên vay mượn kinh niên phải trả tiền chụp hình cho him.
Từ Galang qua Singapore rồi qua Mỹ, cuộc sống mới bắt đầu với nhiều nỗ lực hòa nhập, những người bạn cũ ở gần đôi lúc vẫn tìm đến nhau, hay phone thăm hỏi nếu ở xa. Rồi thời gian thưa thớt dần vì xứ người khá bận rộn, cánh độc thân nơi ăn chốn ở hay thay đổi…Lâu lâu vẫn có tin về trại cũ do người đi sau may mắn được qua định cư kể lại. Thời gian những năm sau này trở nên thê thảm hơn khi các nước từ chối nhận thêm người tị nạn đến định cư, bắt đầu thanh lọc, ai rớt sẽ bị trả lại về Việt Nam. Đồng bào trong các trại tị nạn phản đối qua nhiều hình thức như biểu tình, tuyệt thực, kể cả liều thân, mổ bụng tự sát… Về B8, rất may mắn, vì trước đó, khoảng giữa năm 81, người đi tị nạn vào đất Thái bằng hai ngả đường biển và đường bộ ngày càng đông, tạo nhiều áp lực, người Thái và cao ủy tị nạn quyết định đóng cửa những trại tị nạn rải rác trên đất Thái và dồn hết về trại Sikew, nên phải giải tỏa, cứu xét cho những người ở quá lâu đi, có tin cho biết tất cả những người của B8 đều được phỏng vấn bởi các phái đoàn, riêng những bộ đội tị nạn cộng sản gốc miền Bắc nếu họ muốn đi theo diện nhân đạo sẽ được chính phủ Áo nhận tất cả. Cựu vượt biên đường bộ trại Sikew ở Mỹ báo tin cho nhau và chia xẻ sự vui mừng cho những anh em B8. Tạ ơn Trời Phật.
Tuy nhiên, trong niềm vui vẫn thấy lòng se thắt… Một số người trong B8 đã đi theo tiếng gọi non sông, lên đường trở về đất mẹ….
Phần cuối
“Old solders will never die, they just fades away… “
General Douglas MacAthur
Một buổi chiều tại thành phố Westminster – California, khoảng thời gian 1982 – 1984..? Trời u ám buồn, người bạn cũ từ trại Sikeu rủ tới Biên Thùy Quán trên đường Westminster, cho biết có sinh hoạt đặc biệt. Khi đến thấy trong quán có khoảng hơn 2 chục ngưòi đang thì thào nói chuyện, ai cũng đăm chiêu. Trên vách tường treo một lá cờ Việt Nam Cộng Hoà, dưới bàn có một chén nhỏ đựng gạo cắm những cây nhang nghi ngút khói. Không khí như lắng đọng khi được biết đây là buổi tưởng niệm cho một số chiến sĩ phục quốc bị cộng sản sát hại khi trở về lại Việt Nam chiến đấu. Người may mắn thoát được trong trận phục kích đã liên lạc báo tin sang Hoa Kỳ. Đau lòng thay, một trong số những người hy sinh có trưởng Building 8 của trại Sikew thời đó, anh Vũ Đình Khoa.
Anh Khoa dáng người tầm thước, mặt vuông, cằm bạnh, vẻ quả cảm, toát ra phong cách hào hùng nhưng lại rất yêu văn nghệ, khi nói chuyện niềm nở, thu hút. Nên biết, phải uy tín thế nào mới được bầu làm trưởng B8, một Building với những tay cựu binh sừng sỏ nam bắc, đội đá vá trời và coi lính Thái chả ra quái gì! Trưởng trại Sikew cũng biết như vậy nên cần người như anh để mà yên tâm về B8. Đặc biệt, anh đi khắp nơi trong trại mà không cần phải phép tắc gì, ai gặp cũng đều phải e dè, nể vì, kể cả trưởng và phó trại. Đó là hình ảnh cựu Trung úy Trinh sát, gốc Võ Bị Đà Lạt. Anh Khoa lâu lâu ghé qua lều gần mình thăm bạn, đốt điếu thuốc, chia sẻ dăm ba kinh nghiệm hành quân bắt sống việt cộng. Nghe ké những chuyện kể khó quên trong đời của anh rất thú vị.
Được biết, nhóm của anh bị phục kích, trận chiến không cân xứng lực lượng, hỏa lực của khoảng hơn trung đội chọi với cả tiểu đoàn có xe tăng nằm chờ sẵn. Anh Khoa bị thương ngay từ đầu, nhưng cương quyết ở lại để cầm chân cho một vị yếu nhân chỉ huy cùng người cận vệ vượt thoát… Khi kể lại câu truyện này trên Face Book thì nhận được thêm tin nhắn của một cựu B8 dấu tên, cho biết nguyên văn như sau… “Xin lỗi anh, mình đường đột lộ diện để bổ túc thêm info về anh Khoa của tụi mình B8, Vũ Đình Khoa from Đà lạt đã gãy cánh ở Hạ Lào cùng với người bạn thân đồng sanh tử là Nguyễn văn Lộc trong chiến dịch mở đường cho Võ Đại Tôn nhưng có một người cùng đi với hai người trên được định cư tại Canada tên là Trương Quang Vịnh*. Dĩ vãng thì buồn nhưng có những người can đảm như anh nhắc lại thì mình phải đối diện. Rất là cám ơn anh những chuyện bên lề về Sikew và B8, anh kể hoàn toàn chính xác vì nhóm chúng tôi là những người bộ đội vào trại đầu tiên tháng 5 – 1979 sau nhiều tháng ở Bangkok làm việc với Bộ Quốc phòng Thái và CIA – USA…”
Ai cũng nghĩ các anh yên ổn định cư ở một đệ tam quốc gia, nào ngờ! Những người trai thế hệ, được hun đúc bởi hồn thiêng sông núi, người quân nhân ưu tú của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Với lý tưởng Tự Do cho đồng bào, quê hương Việt Nam, đã từ bỏ tất cả, từ chối tương lai tươi sáng trước mắt để anh dũng trở về cầm súng chiến đấu và hy sinh. Thật cảm động và hào hùng. Nhân ngày tháng Tư lại đến, chúng ta cùng nhau dành đôi chút thời gian, thắp nén hương lòng, tưởng niệm đến các anh nói riêng, và tất cả những người quân dân cán chính đã hy sinh vì hai chữ Tự Do.
*
Khoảng đời tị nạn tưởng đã quên sau bao năm, nhưng khi ngồi ôn chuyện cũ, có nhiều hình ảnh hiện lên rất rõ. Dù Sikew, Galang, hay bạn sống ở những trại tị nạn khác rải rác khắp Đông Nam Á, cũng là một thời qua với nhiều kỷ niệm. Cám ơn Face Book tạo cơ hội cùng nhau hồi tưởng về những tháng ngày long đong, lận đận. Giọt nước mắt mừng vui, đau khổ, hay tuyệt vọng. Có tên đi định cư hay rớt thanh lọc? biểu tình phản đối, tuyệt thực, bị trả về lại…
Hiện đã có đặc san Galang Một Thủa, 40 năm Thuyền Nhân Viễn Xứ,… kế hoạch tổ chức hội ngộ do một số anh chị hy sinh đứng ra làm việc để dù chân trời góc bể, cựu trại tị nạn cũ qua đó sẽ có dịp tìm đến được với nhau, chia sẻ, kể lại những chuyện vui buồn ngày xưa. Mong rằng trong sâu xa hơn, sẽ không bao giờ quên nguồn gốc mình là người tị nạn cộng sản vì hoàn cảnh phải bỏ nước ra đi, và luôn nghĩ về quê hương, nơi đồng bào chúng ta vẫn chưa thực sự có Tự Do, Dân Chủ.
Ghi chú:
– Một số tên nhân vật đã được thay đổi*
– Thời gian làm phai mờ nhiều chi tiết, mong các bạn ở cùng thời bổ túc nếu có sai sót
04/ 2015 (Mùa Quốc Hận)
PRPC Maps
-
PRPC Maps, from " ICMC Orientation Packet for Local Hire Album.
Courtesy of Emmanuel Jesus Villanueva
7 years ago
0 comments:
Post a Comment