November 24, 2007

Cuộc Hành Trình Gian Khổ - Lê Văn Hưng

Bài viết của anh Lê Văn Hưng (Làm ở OPD tại trại Dangrek). Bài viết đả được đăng trên báo TinViệt tại California vào những năm 1984-1985.

Non Samet ngày 28, tháng 7, 1983.

Khởi hành từ Sàigòn vào sáng sớm, Lê đáp xe đò tại xa cảng miền Tây để đi Châu Đốc. Xế chiều thì đến nơi. Đoạn đường đi cũng khá vất vả: nhiều ổ gà và nắng nôi... Trọ một đêm tại nhà một người quen của người dẫn đường. Chiều hôm sau đi đò ngang qua Tân Châu rồi đi xe lôi đến bến đò Tân Châu.

Từ đây, đò nhỏ sẽ đưa khách ra đò máy neo giữa sông. Đến gần đêm đò mở máy đi về hướng Nam Vang sau khi chất đầy hàng hóa. Đò đã vượt nhiều trạm xét để tránh né sự kiểm soát nguy hiểm. Lê chỉ biết là mình đã vào lãnh thổ Miên khi nghe người lính xuống xét đò nói bằng tiếng Miên trong đêm tối.

Khoảng 10:00 giờ sáng hôm sau thì đò tiến vào địa phận Nam Vang. Từ xa đã thấy mái ngói đỏ của Thành ông vua, tức là dinh của Hoàng tử Sihanouk xưa kia. Trong suốt cuộc hành trình trên sông, Lê phải vấn khăn mà người Miên gọi là Kroma hay kàma để che mặt và nằm co quắp lại cho giống một đứa trẻ hầu cho công an chìm không nhận diện được.

Bốn người dẫn đường và Lê đi xe lôi qua cầu Sàigòn, tên một cầu lớn ở Nam Vang, về ở nhà một người quen của các người dẫn đường khoảng năm ngày để chờ đường xá êm và chờ có xe để đi Battambang. Đường đi Battambang cũng hư nát nhiều chỗ, nên xe chạy bị xóc, đi hết một ngày tròn mới đến nơi.

Tại bến xe, bọn Công an chìm của Miên đầy rẫy nên rất dễ bị bắt. Phải lên xe, xuống xe, nói chung là phải hành động thật ăn khớp với dấu hiệu của người dẫn đường. Tiếng Việt trong lúc ấy thật nguy hiểm, khi tối cần thiết mới dùng đến mà phải nói thật nhỏ, thật kín đáo. Còn tất cả phương tiện thông tin là ánh mắt và dấu hiệu bằng tay. Cứ như là một phim trinh thám.

Xuống khỏi xe đò, len lỏi trong đám đông rồi phóng lên một xe lôi thật nhanh, đi về nhà một người quen của các người dẫn đường. Chờ đến tối mới về nhà của họ ở sâu trong rẫy.

Trong khi chờ đợi, Lê xin chủ nhà đi tắm cấp tốc để tẩy đi cả kí lô đất bụi và mồ hôi bám trên người. Tối đến, mẹ của người dẫn đường, độ 70 tuổi, ra dẫn Lê về nhà họ. Vì đường đi mất an ninh, Lê phải ở đó cả nửa tháng. Thật bực bội! Ăn rồi phải bó chân trong một căn buồng cỡ ba thước vuông trên nhà sàn cất theo lối người Miên. Khi muốn tắm và đại tiện thì phải chờ đến tối mới được xuống nhà sàn và ra ngoài, nhưng phải thật lẹ!

Đến ngày đi, cả nhà thức dậy sớm, lo hóa trang cho Lê bằng cách bôi lọ nồi lên mặt cho đen bớt, rồi họ chỉ cho Lê cách vấn khăn cho đúng và cách xức bùa. Xong Lê lội ruộng ra bến xe Battambang cùng với bà cụ 70 tuổi và hai người cháu của bà.

Cuộc mạo hiểm đến giai đoạn này gay go hơn trước. Thường thì người tị nạn bị bắt ở đây. Đi xe đò từ Battambang đến Swai, Sisophon. Tới bến xe Swai, đi xe ngựa, vào một con đường núi, có nhà dân rải rác hai bên đường.

Theo chương trình, bọn người dẫn Lê có hẹn với một người đánh xe bò khác tại khúc đường rầy, nên cả bọn vào một quán nước nhỏ bên lề đường để chơ đợi. Người dân chung quanh nhìn Lê một cách tò mò, soi mói đến rợn tóc gáy! Thật không ổn, người cháu trai bèn dẫn Lê vào một bụi rậm trong ruộng, bảo ngồi nấp ở đó, chờ y trở lại. Nếu y muốn bỏ rơi Lê lúc đó thì thật dễ như trở bàn tay!

Ngồi đó khá lâu mà không thấy y trở lại, Lê bắt đầu lo. Bất chợt một người đàn ông từ xa rẽ bụi rậm tiến ngay lại nơi Lê nấp. Y bảo Lê đứng dậy và theo y. Thế là xong! chắc về Chí Hòa quá(Chí Hòa là nhà tù ở Sàigòn, Việt Nam). Nhưng về đến nhà, y bảo Lê nằm trên bộ ván ngựa và ngủ đi. Còn y sẽ đi canh bắt người dẫn đường và giao họ cho công an vì những người này, theo y, đã bỏ rơi Lê. Đứa con gái của y, trông cũng dễ thương và nhí nhảnh, nhưng khá lễ phép, cười trấn an Lê và ra dấu bảo không sao đâu.

Khoảng một tiếng sau, người đàn ông ấy dẫn các người dẫn đường về. Hai bên bàn bạc với nhau bằng tiếng Miên. Người đàn ông ấy là người Chàm, ông ta bằng lòng che dấu Lê, chờ đến tối Lê sẽ lên đường.

Theo sự thỏa thuận từ trước, Lê chỉ đưa tín hiệu về khi nào tới trại và chụp hình gửi về kèm với tín hiệu để gia đình Lê đưa tiền. Nhưng tới đây, người cháu trai của bà cụ 70 tuổi phân trần, nài nỉ Lê viết tín hiệu, và nói lần trước gia đình người anh của Lê cũng đưa tín hiệu tại một làng Miên chứ chưa tới trại tị nạn. Quan trọng là tin tưởng nhau và uy tín của lần trước đủ để bảo đảm cho lần này. Sau khi cân nhắc lợi hại và kèm theo một chút liều, Lê đành viết tín hiệu.

Người cháu trai ấy bảo Lê sẽ đi theo hai người Khmer khác, còn y sẽ đạp xe đạp theo một đường khác công khai, vì y biết tiếng Miên. Y nói là vào sáng hôm sau, Lê sẽ vào trại người Miên ở một ngày, hôm sau y sẽ thuê người dẫn Lê đến trại người Việt. Tại đó, Lê sẽ được phát quần áo, bàn chải đánh răng và khăn.

Đến tối, trời mưa lất phất, Lê theo hai người thanh niên Khmer khác lần mò xuống ruộng nước. Khi thì Lê phải bương theo đám cỏ gai và cây mắc cở. Chân tay bị đâm nát bấy, có lúc phải bị dính lùng bùng trong ấy rất lâu mới gỡ ra được. Khi thì Lê phải lội qua nơi nước sâu qúa đầu, Lê lại không biết bơi, phải bám vào một cái thùng bằng nhựa để cố gắng bám theo hai người Khmer ấy.

Trong đoạn đường lội nước đó, Lê uống nước sình khá nhiều và bị đỉa đeo cũng dữ. Lê không quen đi trên bờ ruộng trơn trợt. Hơn nữa, đêm tối đen như mực, tay giơ lên không thấy, nên Lê té lên té xuống nơi ruộng sình lầy hàng trăm lần. Hai ống quyển bị va vào các ụ mối nhỏ trên bờ ruộng đau đến tê tái.

Có lúc Lê phải lội qua những cánh đồng cỏ ngập nước, cỏ ba khía bén như dao cạo đã cứa nát các kẽ ngón chân. Các bắp thịt ở háng và hông đã rã rời, không còn tính dẻo dai nữa, cho nên cử động rất khó khăn. Có lúc Lê phải đi ngang như cua, có lúc đi giống một người què, có lúc không cất nổi chân lên một độ cao chỉ mười phân. Lê bị vướng vào cỏ, té nhào xuống, không muốn ngồi dậy nữa.

Chàng cứ thế mà nằm dụi xuống dưới lớp bùn, nếu không có sự thúc hối của hai tên dẫn đường. Bộ não không còn làm việc, chỉ còn một ý tưởng duy nhất trong đầu là: ”Gắng đi tới!”

Đêm thì mù mịt, không biết bao giờ mới sáng. Nhưng không hiểu lúc ấy Lê mong sáng để làm gì? Vấn đề không phải là sáng hay tối, mà là chấm hết con đường. Trong khi ruộng nước bao la, đi hoài không thấy hết. Xỉu lên xỉu xuống cả trăm lần, hai tên dẫn đường có khi phải xốc nách Lê mà lôi đi.

Sức đã kiệt! Nhiều lúc trên đường đi, Lê không dám nghĩ rằng mình có thể vượt qua sự thử thách kinh khủng này, rằng mình có thể đi hết con đường tị nạn. Hai tên dẫn đường đi rất nhanh, cứ bỏ xa Lê hàng chục thước trong đêm tối. Lâu lâu, Lê phải ngồi thụp xuống, căng mắt ra để cố phân biệt hai bóng đen mờ, nhấp nhô của hai tên dẫn đường với các bóng cây in trên nền trời mờ mờ xám.

Quan sát thái độ ấy của hai tên Khmer, một ý nghĩ đến với Lê lần thứ hai làm tim chàng co thắt lại:

”Cứ cái đà này thì chúng sẽ bỏ rơi mình!”

Khuya hôm ấy, tôi được dẫn vào một làng của người Khmer Đỏ. Trong làng tối đen như mực. Người ta di chuyển trong làng đều phải dùng đèn pin. Mỗi khi có ánh đèn pin lóe lên là tôi sợ điếng hồn vì ngỡ rằng công an hay bộ đội Miên bắt mình.

Cũng tại làng ấy, tôi gặp được chiếc xe bò đã chở gia đình tôi. Lòng mừng thầm vì tôi nghĩ rằng mình sẽ được leo lên xe bò đi tiếp thay vì phải đi bộ. Ai ngờ xe bò lại đi tiếp về phía trước, còn tôi phải lẽo đẽo theo sau và giữ khoảng cách độ mười thước.

Tới một trạm gác, có một tên lính Miên chận xe bò lại và nói một tràng tiếng Miên. Lập tức, chiếc xe bò phải ngừng lại. Nhanh như cắt, tên dẫn đường kéo tôi đi tách ngay qua đường khác liền. Tôi sợ run lên vì nghĩ rằng chị và cháu tôi có thể bị phát hiện và bị giam giữ tại đó rồi. Trời thương nên tôi không ngồi trên xe bò ấy.

Dù đi lối khác để tránh sự dòm ngó, nhưng tôi luôn phải chạy theo người dẫn đường. Chúng tôi đi lạc vào một bãi gò mồ ma. Nơi này có đầy phân và nước tiểu. Mỗi bước đi là đạp lên phân. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc làm tôi muốn ói. Tuy vậy chúng tôi không còn cách chọn lựa nào khác an toàn và tốt hơn cả.

Chúng tôi cứ lần mò mãi trong đêm đen như những người mù. Cuối cùng, tôi được dắt vào một nhà sàn có lầu cao. Hình như đó là nhà của một nhân viên cao cấp Khmer Đỏ, có liên hệ bà con với bọn dẫn đường. Sau đó, họ lấy mì sợi cho tôi ăn để lấy lại sức. Nhưng tôi vì mỏi mệt quá lại căng thẳng đầu óc nên ăn không nổi, mà chỉ xin uống thuốc thôi.

Cũng tại ngôi nhà này, tôi gặp lại chị và cháu tôi. Cả hai người đang nằm sẵn từ hồi nào rồi. Thì ra lúc xe bò chận lại thì bọn lính chỉ hỏi han qua loa rồi cho đi qua chứ không bắt lại. Cả ba chúng tôi mừng rỡ vì được đoàn tụ, còn sống sót mà nhìn thấy nhau là vui rồi.

Thế rồi, chị em tôi bảo nhau đi ngủ cho đủ sức mà đi tiếp nữa. Còn bọn người Miên trong nhà thì nói chuyện nho nhỏ vì nơi này nguy hiểm, đó thuộc vùng kiểm soát của Khmer Đỏ. Nếu bị lộ thì mất đầu như chơi.

Nơi đây, chúng tôi cũng gặp lại người đẫn đường đã đưa chúng tôi từ Sàigòn đến Nam Vang và Battambang. Anh ta nói tiếng Việt với chúng tôi rằng:

-Bây giờ đã đến nơi an toàn rồi. Coi như anh chị đã thành công rồi. Vậy xin anh chị hãy viết mật mã cho tôi về Sàigòn lãnh số vàng còn lại. Vì khi ở trại tị nạn, chúng tôi không dám đến đó để lãnh tiền. Ở đó có Hội Thiện Quốc Tế, ai mà dám đòi tiền nong và mật mã?

Chị em tôi bàn tính thiệt hơn. Đây đâu đã phải là trại tị nạn mà chỉ mới là vùng của Khmer Đỏ kiểm soát. Mình sống chết chưa biết lúc nào, làm sao mà dám viết thư về nhà để giao tiền hết cho họ?

Tuy nhiên, sau khi thảo luận, chị em tôi đều đồng ý viết đúng nội dung mật hiệu mà chúng tôi đã thỏa thuận với người nhà ở Việt nam để họ có thể về lấy tiền. Chúng tôi nghĩ:

”Mình cứ lấy lòng ngay thẳng mà đối với họ rồi Ơn Trên sẽ giúp đỡ và che chở cho mình.”

Vì thế, tôi liền viết mật hiệu vào tờ giấy như sau:

”Anh, B., Sơn đã khỏi bịnh.”

Anh là tên của chị tôi, B. là tên của tôi, còn Sơn là tên của cháu tôi. Nếu tôi viết mật hiệu có nội dung khác như:

”Ba chị em tôi đã đến Mỹ,”

Thì làm sao hắn biết được? Mà về đến Việt Nam thì người nhà tôi dứt khoát không bao giờ giao tiền cả vì hai mật hiệu hoàn toàn khác biệt.

Sau khi giao mật hiệu cho anh ta, gia đình tôi ngủ đỡ độ chừng một, hai tiếng đồng hồ cho đỡ mệt. Đến lờ mờ sáng thì bọn họ đánh thức chúng tôi dậy đi tiếp. Anh dẫn đường kia đã đi về hướng Việt Nam để lãnh tiền. Từ đó trở đi, chúng tôi chỉ đi với bọn dẫn đường khác mà thôi.

Lần này cả ba chúng tôi phải đi bộ băng qua các khu gò mồ mả. Đi một lúc lâu, cháu nhỏ của tôi mệt quá nên đi không nổi nữa. Người dẫn đuờng phải cõng nó mà đi tiếp. Chúng tôi băng đồi mà đi mãi. Khi đến một khu rừng âm u vắng vẻ, chúng tôi cùng người dẫn đuờng đứng tại đó để chờ xe bò.

Chờ thật lâu mà xe bò không thấy tới, chúng tôi bồn chồn nóng ruột vô cùng. Người dẫn đường cũng lo âu không kém. Hắn nhìn tới nhìn lui, chép miệng và nói một tràng tiếng Miên. Tôi đoán rằng anh ta bực mình nên phàn nàn về việc chiếc xe bò đã đi lạc hướng rồi. Những phút chờ đợi dài lê thê. Rốt cục, chúng tôi nghe tiếng xe bò lọc cọc đi tới.

Khi xe bò đến nơi, người đánh xe bò vẫn là người cũ, nhưng người ngồi trên xe bò phiá sau lại là người lạ. Người đánh xe bò dừng xe lại rồi trả tiền cho người lạ kia. Chúng tôi đoán chừng anh ta dẫn dường cho anh chủ xe bò đi lọt qua các trạm gác. Anh nọ nhận tiền là đi ngay, bóng anh mất hút về phía đường khác.

Đến bấy giờ, ba chúng tôi lại được ngồi trên xe bò cùng với chủ xe và anh dẫn đường để đi tiếp. Lần này xe bò đi vào rừng chứ không còn cảnh đồi hay ruộng nữa. Xe đi băng rừng mãi cho đến khoảng 9:00 giờ sáng. Tiếng chim hót thật hay lạ lùng và làm vui tai người nghe. Rừng thật yên tĩnh hoang vu, không một bóng người, không có cả tiếng động, ngoài tiếng xe bò đi lọc cọc và tiếng chim ríu rít hót líu lo.

Cảnh rừng thật đẹp và hùng vĩ nhưng tôi chẳng còn lòng dạ đâu mà thưởng thức cảnh đẹp nữa, chỉ toàn thấy hồi hộp và lo âu. Đi thật lâu trong khu rừng vắng mà không thấy động tĩnh gì, nên chúng tôi tạm yên tâm.Trong khi đó, anh dẫn đường chỉ tay về phía trước và nói:

”Thái Lan, Thái Lan!”

Chúng tôi mừng vì nghĩ là chắc sắp tới nơi an toàn rồi, có lẽ trại tị nạn chỉ còn vài bước nữa thôi. Thình lình, từ trong đám bụi cây, có ba người lính bộ đội Việt Nam, đầu đội ba chiếc nón cối nhảy xổ ra đột ngột làm cho chúng tôi giật nẩy mình.

“Ôi thôi, bộ đội Việt Nam rồi!”

Chúng tôi rụng rời tay chân, lòng thầm nghĩ:

”Thế là hết, đã đến nơi mà gặp bộ đội thì đời tàn rồi. Tiền đã hết, làm gì có mà hối lộ cho họ nữa chứ? Họ lại bắt mình về Việt Nam rồi. Ôi! Uổng cho công sức, uổng cho tiền bạc đã mất đi. Thế là mất tất cả rồi! Không còn gì nữa hết rồi!”

Chúng tôi tuyệt vọng và sợ hãi đến tột độ. Ba người bộ đội hỏi chúng tôi bằng giọng Bắc nặng và quê của những người Bắc vào miền Nam sau năm 1975, chứ không phải những giọng Bắc của những người Bắc di cư năm 1954:

-Mấy người đi đâu?

Bọn người Miên đứng im lặng không trả lời đã đành, còn chúng tôi cũng im lặng luôn, giả bộ là người Miên, không hiểu tiếng Việt. Lính bộ đội hỏi tiếp:

-Rõ ràng mấy người vượt biên mà. Người Việt Nam sao không trả lời?

Thôi, lộ tẩy rồi! còn gì nữa mà giả bộ không hiểu. Chúng tôi bắt buộc phải trả lời:

-Bọn tôi là người Việt Nam.

Họ hỏi tiếp:

- Mấy người đi đâu thế?

-Bọn tôi định đi Thái Lan thăm người bà con.

-Vượt biên chứ Thái Lan, Thái liếc gì! Xuống! Xuống xe hết!

Chúng tôi ngán ngẩm, vội bước xuống xe hết. Họ lại hỏi:

-Tại sao đi vượt biên?

Chị tôi khóc lóc thảm thiết và trả lời:

-Dạ tại khổ quá nên chúng tôi phải đi.

-Biết khổ sao còn đi? Bây giờ có tiền không? Không tiền là không đi đâu hết!

Thế là bọn họ tách chúng tôi ra hai nhóm để lục xét. Họ bắt chúng tôi cởi quần áo ra để họ lục soát kỹ xem có vàng bạc hay tiền nong gì không. Sau đó họ định hãm hiếp chị tôi ngay tại đó. Chị tôi sợ run rồi khóc nức nở. Vừa khóc, chị vừa năn nỉ và van xin thật lâu:

-Các anh cũng đáng tuổi em của tui, xin làm ơn tha cho tui đi.

Cuối cùng, họ tha cho chị. Họ xét rất kỹ mà chẳng kiếm được cái gì, vì còn gì nữa đâu mà họ lấy? Rốt cuộc, họ giật hai mẩu bánh mì trên tay cháu tôi. Hai mẩu bánh mì này là do quà của anh dẫn đường cho cháu tôi. Bọn họ bảo:

-Chắc là có dấu đồ trong bánh mì rồi. Có phải dấu đồ trong bánh mì không?

Tôi nghĩ chắc họ ở đây cũng thèm bánh mì nên mới lấy bánh mì của cháu tôi để mà ăn. Thế rồi họ cứ kéo dài việc lục soát. Chúng tôi sợ càng kéo dài càng nguy hiểm vì lỡ đồng bọn họ kéo tới thêm nữa thì còn khó mà thoát hơn. Lúc ấy, tôi chợt nhớ ra là trong cổ tôi còn có một tượng Phật bằng ngà bọc vàng tây. Tôi đeo tượng Phật để mong được Phật độ trì và che chở. Tôi dùng sợi dây tròn trắng mà binh lính thường đeo thẻ số quân để đeo tượng vào cổ. Cũng may là bọn Miên cướp đường lúc trước đã xét lục mà chưa tìm ra. Tượng đeo trên cổ, lẫn vào cổ áo mà chúng đã không thấy, kể cũng là lạ thật! Bọn lính cố dùng dằng tìm kiếm đồ quý hay tiền vàng trong quần áo chúng tôi hoặc để cho chúng tôi sợ hãi và sốt ruột mà thòi đồ quý ra cho họ.

Tôi bèn năn nỉ:

-Xin các anh cho chúng tôi đi, bao nhiêu vàng tôi đã giao cho bọn dẫn đường. Còn tiền bạc và đồ qúy giá thì bọn Miên cướp đường lần trước đã lấy hết. Không tin mấy anh hỏi bọn dẫn đường này mà xem.

Nhóm bộ đội nạt lớn:

-Mấy thằng Mán rừng đó làm sao mà hỏi nó được? Nó có biết tiếng Việt gì đâu mà hỏi?

Tuy nói thế nhưng bọn họ cũng tới nạt hỏi bọn người Miên dẫn đường. Họ chỉ lắc đầu quầy quậy chứ chẳng chịu hối lộ tiền cho nhóm bộ đội Việt Nam kia. Tôi thầm nghĩ:

“Mình phải tìm cách đi chứ kéo dài mãi thì chết.”

Thế là tôi nói:

-Tôi còn tượng Phật này, các anh lấy đỡ rồi cho tôi đi!

Vừa nói, tôi vừa tháo gỡ tượng Phật giao cho mấy anh bộ đội để họ cho đi. Cầm tượng Phật xong, họ liền hất hàm ra lệnh:

-Thôi đi đi! Mấy người sao mà gan vậy? Đường này toàn gài mìn hết cả rồi! Bây giờ anh chỉ bọn Miên đi đường bên trái kia kìa. Nếu đi đường bên phải là tiêu luôn đó nghe!

Tôi trả lời:

-Mấy anh làm ơn nói hộ với nhóm người Miên cho họ hiểu, chứ tôi đâu có biết tiếng Miên mà nói với họ?

Bọn họ liền nói một tràng tiếng Miên với những người dẫn đường và chỉ trỏ các lối đi an toàn cho chúng tôi đi. Khi đó, chúng tôi mừng quá vì đã thoát nạn nên vội leo lên xe bò ngay. Xe vừa chuyển bánh thì ba người bộ đội dặn vói:

-Đằng trước còn nhiều trạm bộ đội Việt Nam nữa. Nếu họ có chận hỏi thì làm bộ giả người Miên, nhớ đừng trả lời. Hễ trả lời là chết đó! Thôi đi lẹ lên!

Tôi thầm nghĩ:

”Làm sao mà giả người Miên được? Họ nhìn là biết ngay mình là người Việt. Dấu làm sao được? Từ khuôn mặt đến dáng điệu, nhìn là biết liền.”

Chúng tôi cám ơn họ rối rít rồi đi tiếp. Xe băng rừng và đi độ thêm một hai tiếng đồng hồ gì đó thì chúng tôi gặp một đám lính mặc đồ rằn ri, có mang súng ống đầy đủ. Chúng tôi thoạt đầu mừng quá vì nghĩ rằng chắc đây là:

”Quân ta đây rồi! Đồ quân phục của lính Dù, lính Biệt Động Quân đây mà! Ôi, màu áo quen thuộc, thân thương của quân ta đây!”

Nhưng lúc đến gần, chúng tôi mới biết là lính dù Người Miên. Chúng có cái tên quen thuộc là Para. Chúng là lính của quân đội giải phóng Miên. Bọn chúng xúm lại, kéo chúng tôi khỏi xe bò để dắt vào lùm cây mà xét và cướp của lần nữa. Mặt mũi của bọn Para ra này thật dữ dằn và hung tợn. Thằng nào cũng xâm hình tượng Phật nhỏ đầy mặt, đầy cổ và đầy người. Chúng còn đeo tượng Phật và bùa đỏ đầy trên cổ.

Bọn Para trao đổi lời lẽ với những người đi xe bò dẫn đường và muốn đuổi họ đi. Nhưng bọn họ không đi mà cứ đứng nấn ná đợi chúng tôi. Bọn Para thì cứ xua tay đuổi bọn kia đi để chúng dễ bề xét người và cướp của trên người của chúng tôi.

Chúng chia nhỏ toán quân và dò xét quanh vùng. Một vài tên lính Para biết tiếng Việt lõm bõm, chúng bèn hỏi chúng tôi với giọng lơ lớ và sai văn phạm, nghe thấy thật buồn cười:

-Có gặp bộ đội Việt Nam không? Bộ đội Việt Nam đông không? Họ có những súng gì?

Rồi chúng lại tiếp tục xét người chúng tôi. Chúng tôi lại phải bị lột quần áo và đứng tơ hơ. Tụi này khám rất kỹ, kể cả hậu môn và chỗ kín chúng cũng không bỏ qua. Lại một thằng Para Miên lấy súng lục kê cạnh tai tôi và hỏi gằn:

-Bộ đội Việt Nam phải không? Bộ đội hay nhân dân Việt nam?

Tôi sợ quá, run cầm cập mà trả lời:

-Tôi là dân Việt Nam đi vượt biên, chứ không phải bộ đội Việt Nam.

Hắn hỏi gằn đi gằn lại:

-Thiệt không? Nói láo bị bắn chết ngay! Khai thiệt đi, nhanh lên!

Cứ thế, nó dọa nạt tôi đủ thứ. Lúc ấy, trong túi quần tôi còn một cái dụng cụ ngoáy tai bằng bạc mà tôi giữ làm kỷ niệm đã lâu. Thằng Para này đòi lấy, tôi cũng đưa luôn. Tiếc gì nữa mà giữ lại? Cháu nhỏ của tôi còn một tượng Phật bằng bạc, chúng nó cũng đoạt lấy luôn.

Tìm tòi mãi mà chẳng có gì đáng giá, chúng bèn ra lệnh cho chúng tôi mặc quần áo lại mà đi tiếp với toán quân của chúng. Đi một chập, chúng tôi gặp lại chiếc xe bò cũ, bọn Para lại trao đổi, mặc cả và trả giá gì đó với bọn đi xe bò. Cuối cùng chúng lại đuổi bọn xe bò đi.

Thế là từ đấy, chúng tôi không còn gặp lại chiếc xe bò đó nữa. Trong lòng lo lắng và sợ hãi, chúng tôi chỉ sợ bọn người rừng rú này làm bậy và hãm hiếp chị tôi. Nhưng Trời thương, chúng không hãm hiếp.

Khi đến một nơi tiền đồn, có giao thông hào và đồn phòng thủ, chúng bèn giao chúng tôi cho một toán quân ở nơi đó và bảo đưa chúng tôi đến Non Chan. Bọn lính sau này gặp một xe bò chở nước, chúng nhảy lên xe bò ngồi và cho phép cháu nhỏ của tôi leo lên xe theo. Tay chúng lăm lăm ghìm súng chỉ vào người chúng tôi như muốn sẵn sàng nả đạn vào gia đình tôi.

Trong lúc đó, chị tôi và tôi phải chạy bộ theo dấu xe bò mà đi. Vừa mệt, vừa sợ lạc mất đứa cháu, vừa khát khô cổ nhưng chúng tôi vẫn phải bương bả chạy theo xe bò mà đi. Cơn nắng lên cao, cơn đói khát, nỗi sợ hãi làm chúng tôi mệt đến có thể ngất xỉu ngay tại đó.

Ôi! đường đến với tự do sao quá khổ sở, đầy gian nan thử thách và đầy nguy hiểm như thế này? Chúng tôi lần mò đi để tìm đến vùng Non Chan. Một bước ngoặt của đoạn đời mới đầy tủi nhục và đau thương bắt đầu từ đây!

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes