May 28, 2013

Trước Thềm Hội Ngộ: Những vị Ân nhân của Trại Tị Nạn Đường Bộ chưa bao giờ được nhắc đến...Cha Roger Gosselin

Cha Roger Gosselin, dòng Capucins
ooo + oooo

Cha Roger Gosselin
Trong bài viết trước về cha Blanchard, chúng tôi có nhắc đến cha Gosselin.

Hôm 13 tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với cha Gosselin. Cha kể cho chúng tôi biết thêm nhiều câu chuyện thú vị mà chúng tôi muốn chia sẻ với các anh chị em hôm nay.

Cha Gosselin bắt đầu có duyên với người tị nạn Việt Nam từ năm 1980, lúc đó còn là một thầy dòng Capucins, khi cha nhận chăm sóc cho vài em vị thành niên (non-accompanied minors) qua sự giới thiệu của tổ chức AMIE.

Nhân tiện đây, chúng tôi xin giới thiệu sơ qua về tổ chức AMIE, viết tắt của tiếng pháp Aide Internationale à l'enfance (tạm dịch là Tổ Chức Cứu Trợ Trẻ Em Quốc Tế). AMIE được thành lập tại tỉnh bang Québec năm 1969 bởi bác sĩ Marcel Roy va Pierre Richard. Những năm đầu, tổ chức này lo chăm sóc y tế cho các trẻ em tại các vùng nghèo và chiến tranh, đặc biệt tại Đông Nam Á.

Sau biến cố 1975 và làn sóng người vượt biên ồ ạt. Tổ chức AMIE đã nhận được sự chấp thuận của chính phủ Canada lúc bấy giờ để bảo trợ cho các em minors tại các trại tị nạn Việt Nam vùng Đông Nam Á. Theo chương trình này, AMIE đứng ra nhận bảo trợ các em minors, tìm các gia đình nhận nuôi dưỡng (foster family) các em cho đến khi trưởng thành.

Đáp lại lời kêu gọi của AMIE, hai cha Blanchard và Gosselin đã trở thành Foster family (gà trống nuôi con). Cha Gosselin cho chúng tôi biết, trong khoảng thời gian 1980-1990, đã nhận nuôi chừng 50 em minors. Được sự ủng hộ của bề trên dòng, cha Gosselin có được một khu gồm nhiều phòng, là một phần của tu viện dòng, để nuôi dưỡng các em. Cha kể các em rất thương yêu nhau, coi nhau như anh em ruột thịt, đùm bọc lẫn nhau. Ngày nay, nhiều em đã thành tài, lập gia đình.

Cha Gosselin cho biết thêm, trong số 50 em này, chỉ có một số ít ban đầu do AMIE giới thiệu. Sau khi cha Gosselin trở thành một đại diện chính thức của AMIE, cha Gosselin và cha Blanchard đã bảo lãnh trực tiếp các em minors từ các trại tị nạn. Có một số từ các trại Phanat Nikom và Site 2.

Hai cha đã đến thăm trại Site 2 ba lần (trong ba năm 1988-89-90) với cha Pierre Ceyrac và Jean Houlman. Không biết có anh chị em nào còn nhớ các chuyến viếng thăm trại của hai cha không. Cha Gosselin kể đã đi thăm hầu hết các trại tị nạn Việt Nam tại vùng Đông Nam Á, và theo cha nhận xét, trại biên giới là nơi khốn khổ và nguy hiểm nhất.

Cha kể cho chúng tôi nghe một mẫu chuyện nhỏ: trong một lần thăm trại Site 2, có một cô bé đã mang đến mời cha một chai nước ngọt và một ly đá lạnh. Cái ly thì cũ kỹ và dơ bẩn theo cái nhìn của một người phương tây. Còn trong cục đá thì có một con kiến vẫn còn đang nhúc nhích. Lúc đó, cha tự nhủ mình không thể từ chối lòng tốt của cô bé. Cha nghĩ có lẽ cô bé đã hy sinh chính phần nước mát của mình để cha giải khát trong cái nóng mùa hè. Cha đã nhận uống ly nước tuy dơ bẩn nhưng đầy ắp tình người. Trên đường về hôm ấy, cha bật khóc...

Cha Gosselin tâm sự với chúng tôi: người thầy dòng Capucins ngày trước, qua những năm tháng trải nghiệm với những người tị nạn Việt Nam, đã nghe được ơn kêu gọi của Thiên Chúa, dấn thân trên con đường mục vụ. Và một ngày năm 1999, thầy dòng Roger Gosselin đã thụ phong linh mục. Nhân đây, cha muốn gởi một lời cám ơn đến tất cả các anh chị em tị nạn Việt Nam đã giúp cha tiến thêm nữa trên bước đường tu hành của mình.

Và câu chuyện tị nạn của chúng ta, cha Gosselin gọi đó chính là Di Sản của chúng ta. Cha mong ước rằng, những gì chúng ta để lại cho con em chúng ta không phải là tiền bạc vật chất, mà chính là câu chuyện tị nạn của chúng ta. Và đó là Di Sản quý báu nhất mà chúng ta có thể để lại cho thế hệ sau.

Cám ơn cha Gosselin đã cho một lời chia sẻ quý giá này.


Hẹn gặp cha Roger Gosselin ngày Hội Ngộ.

(par Vu Hoang Quan)

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes