May 03, 2013

Trước Thềm Hội Ngộ: Những vị Ân nhân của Trại Tị Nạn Đường Bộ chưa bao giờ được nhắc đến....Sơ Andrée LeBlanc, Nữ Tu dòng Thánh Giá, Montréal, Québec, Canada

Lời Giới Thiệu: Để tỏ lòng biết ơn đến các vị ân nhân của Trại tị nạn đường bộ VNLR, anh em trong nhóm Blog đã dành một số thời gian gặp gỡ những vị ân nhân mà xưa nay ít có ai biết hay nhắc nhở đến, cũng để nhằm giới thiệu đến Gia đình tị nạn đường bộ chúng ta , để giúp mọi người ít ngỡ ngàng khi đón tiếp các vị quý khách này trong ngày Họp mặt...trong loạt bài tạm gọi phóng sự trước lề Hội Ngộ này, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu những vị ân nhân đó, ngoài ra bè bạn nào biết những ai đã từng gíúp đỡ chúng ta trong chuỗi ngày khó khăn, xin vui lòng hoặc gởi bài vở, hay hình ảnh...cho blog, chúng ta sẽ cùng nhau tôn vinh các vị ân nhân này: cho lòng mình được thanh thản, cho con cháu chúng ta biết được nghĩa tình "Uống Nước Nhớ Nguồn" của các thế hệ trước và noi gương.. Xin cảm ơn.
Ân nhân trại tị nạn đường bộ Việt Nam
Sơ Andrée Leblanc
(par Joseph Vũ Hoàng Quân)
Sơ Leblanc là một nữ tu dòng Thánh Giá tại tỉnh bang Québec (Congrégation de Sainte Croix, gọi ngắn gọn CSC).  Dòng Thánh Giá có ba cộng đồng: các nữ tu, các thầy dòng và các linh mục.
Năm  1979, cảm xúc trước những hoàn cảnh khó khăn và tình trạng vô vọng của những người tị nạn khắp nơi trên thế giới, và với sự hỗ trợ của các bề trên dòng, một số các nữ tu, thầy dòng và linh mục đã đứng ra thành lập Ủy Ban Cứu Trợ Người Tị Nạn dòng Thánh Giá (Carrefour D’Aide Aux Réfugiés Sainte Croix). Sơ Leblanc là một trong những người đồng sáng lập ra Ủy Ban. Có ba người đại diện đồng giữ trách nhiệm điều hành Uỷ Ban: sơ Adrienne Milot, thầy dòng Paul-Émile Lemieux và linh mục Robert Morin. Cả ba vị nay đã qua đời. Năm 1983, sơ Leblanc trở thành thư ký thường trực của Uỷ Ban và đảm nhận trách nhiệm này mãi cho đến năm 1997 khi nhà dòng chính thức ngừng hoạt động của Uỷ Ban.

Sơ Andrée LeBlanc với nụ cười khả ái nhân từ trong lần gặp gỡ

Những năm đầu, ủy ban nhận bảo trợ cho những người tị nạn qua trung gian của Sở Di Trú Canada trong chương trình nhận tị nạn nhân đạo của chính phủ. Đến năm 1983, Ủy Ban quyết định lập ra chương trình bảo lãnh tị nạn riêng của mình, chủ yếu tập trung vào những người tị nạn vùng Đông Nam Á, đặc biệt là tị nạn Việt Nam. Theo số liệu sơ Leblanc cho biết, Ủy Ban đã bảo lãnh tổng cộng 1016 người tị nạn từ nhiều quốc gia trên thế giới. Một con số không nhỏ.
Riêng với người tị nạn Việt Nam, vì thời gian đã qua lâu rồi, sơ Leblanc không thể xác định con số chính xác bao nhiêu người đã được nhà dòng Sainte Croix bảo lãnh. Theo sự phỏng đoán, con số chắc chắn là trên vài trăm người.
Đến năm 1985, lần đầu tiên sơ Leblanc được nghe kể về trại tị nạn đường bộ Dongrek và hoàn cảnh sống khó khăn, nhất là những nguy hiểm vùng biên giới. Ngay lập tức, sơ đã trình bày và thuyết phục nhà dòng Sainte Croix tập trung chương trình bảo lãnh cho người tị nạn đường bộ Việt Nam. Kể từ đó, bắt đầu chiến dịch bảo lãnh cho anh chị em trại Dongrek.
Năm 1986, khi thấy nhiều hồ sơ bảo lãnh bị đình trệ, sơ Leblanc đã đích thân sang Đông Nam Á để can thiệp trực tiếp. Mang theo khoảng 90 hồ sơ bảo lãnh, sơ Leblanc đến Bangkok, Thái Lan. Sơ đã gặp gỡ và làm việc với ông Alain Theault, tùy viên đặc trách di trú của tòa đại sứ Canada tại Bangkok, và ông Jean Delarue, đại diện sở di trú tỉnh bang Quebec.
Cũng trong chuyến đi này, sơ Leblanc đã ghé thăm trại chuyển tiếp Phanat Nikom. Tại đây, sơ Leblanc đã gặp gỡ và làm việc với cha Thomas Dunleavy. Tưởng cũng nên nhắc lại, vào thời điểm đó, nhà dòng Sainte Croix đã hợp tác với cha Thomas. Lúc này, cha Thomas đang ráo riết vận động đặc biệt cho những anh em Bộ Đội. Những anh em này hầu như không có cơ hội được đi định cư tại Hoa Kỳ hay một quốc gia nào khác một khi họ bị sở Di Trú Hoa Kỳ từ chối. Khi biết được có chút hy vọng cho những anh em này đi định cư tại Quebec và các nhà dòng tại đây đang quan tâm đặc biệt đến trại tị nạn đường bộ, cha Thomas đã vận động với nhà dòng Maryknoll của ngài ở NewYork. Dòng Maryknoll đã ủng hộ tài chánh cho dòng Sainte Croix để tiếp tục và mở rộng  chiến dịch bảo trợ tị nạn đường bộ. 
Nhận lời mời của sở di trú Canada, sơ Leblanc đã tháp tùng các viên chức Sở Di trú Canada đến Aranyaprathet <Ban Thai Sa Mat> để trải nghiệm và chứng kiến tận mắt mình một ngày phỏng vấn định cư cho những người tị nạn đường bộ VN. Đây cũng là lần đầu tiên sơ Leblanc được gần gũi với những người tị nạn VN từ trại Site 2-Dongrek, mặc dù không được vào thăm trại. Trong số những anh chị em tị nạn được phái đoàn Canada phỏng vấn ngày hôm đó, có một số hồ sơ của nhà dòng Sainte Croix bảo lãnh. Đến cuối ngày, trưởng phái đoàn phỏng vấn cho sơ Leblanc biết là toàn bộ số anh chị em được phỏng vấn trong ngày đã được phái đoàn chấp nhận đi định cư Quebec. Sơ kể lại cho chúng tôi nghe mẩu chuyện nhỏ này với một chút hóm hỉnh. Chắc là cái viá của sơ hôm ấy mang may mắn đến cho mấy anh chị em tị nạn. Cám ơn sơ Leblanc.
Sơ Andrée đang tâm sự đôi lúc ngập ngừng cố tình ngăn những giòng nước mắt
của mình khi nhắc đến những  tình cảnh của Trại tị nạn mà Sơ đã ghé thăm...




Vì không xin được giấy phép vào thăm trại Site 2-Dongrek, sơ Leblanc đã đi thăm trại Khao-I-Dang. Kể lại cho chúng tôi nghe về cuộc viếng thăm trại, sơ Leblanc đã bật khóc khi nhớ lại những hình ảnh khốn khổ cùng cực của trại tị nạn biên giới. Sơ tâm sự với chúng tôi cái cảm xúc bất lực của mình trước những đau thương của đồng loại, những con người mong chờ sự săn sóc và quan tâm của thế giới.
Chuyến đi Thái Lan của sơ Leblanc, ngoài việc giúp giải quyết một số hồ sơ của nhà dòng bị đình trệ, sự can thiệp và vận động trực tiếp của sơ với giới chức Sở Di Trú ở Bangkok đã góp phần rất lớn tạo sự dễ dàng cho nhiều hồ sơ bảo lãnh khác nằm trong chiến dịch bảo lãnh sang Quebec lúc bấy giờ. Chúng tôi muốn nhấn mạnh điểm này để anh chị em tị nạn đường bộ chúng ta cảm nhận được sự đóng góp rất lớn lao của sơ Leblanc.
Với các anh chị em đã được bảo lãnh đến định cư tại Quebec nầy, rất ít người đã gặp gỡ hoặc đã nghe nói về sơ Leblanc. Trong công việc thư ký thường trực của Uỷ Ban, sơ luôn tập trung tinh thần và năng lực vào việc lập hồ sơ bảo lãnh, gởi hồ sơ đến sở Di Trú, liên lạc với các toà Đại Sứ…chúng ta có thể tưởng tượng công việc lập hồ sơ và ký bảo lãnh cho trên 1000 người tị nạn. Cũng chính vì vậy mà sơ Leblanc không có thời gian gặp gỡ và tiếp xúc nhiều với anh chị em tị nạn khi chúng ta đặt chân đến đây. 
Sơ Leblanc tâm sự với chúng tôi, quãng thời gian làm việc và gần gũi với những anh em tị nạn đã giúp sơ cảm nhận được sự can trường và sức sống mãnh liệt của những người tị nạn. Chính điều đó đã không ngừng động viên nhà dòng và Ủy Ban tiếp tục sứ mạng của mình.
Nhân dịp ngày Hội Ngộ tị nạn đường bộ, sơ muốn chia sẻ với các anh chị em tị nạn một điều: Sức sống luôn vượt thắng tất cả. Ngày nào chúng ta còn giữ được niềm tin và hy vọng, cuộc đời luôn cho ta cơ hội và phương tiện để tiến tới.
Hôm nay, chúng tôi xin kể lại đây câu chuyện về người nữ tu dòng Thánh Giá này để các anh chị em tị nạn ghi nhớ lòng yêu thương và những công ơn của Sơ Andrée Leblanc.


Xin gởi đến sơ Andrée Leblanc một lời cám ơn chân thành
và một lời chúc sức khoẻ
Hẹn gặp sơ tại buổi Hội Ngộ 22-06-2013
 
Chương , Sơ Andrée và Quân....trước lề hội ngộ....
< Personal note: Chính Chương đã được Ủy Ban Cứu Trợ Người Tị Nạn dòng Thánh Giá (Carrefour D’Aide Aux Réfugiés Sainte Croix) bảo trợ, và vinh dự thay, chính Sơ Andrée là người ký giấy bảo trợ cho Chương,  Chương và nhiều anh chị em khác nữa được xem như là "con bà phước" hay "diện mồ côi"... âu đây cũng là một diễm phúc và hồng ân. >

Dưới đây là một bài báo nói đến Ủy Ban Cứu Trợ Người Tị Nạn dòng Thánh Giá (Carrefour D’Aide Aux Réfugiés Sainte Croix)...Các Soeurs dòng Thánh Giá...



Kỳ sau: Cha Pierre Blanchard <nay thành Monsignor Pierre Blanchard, thuộc giáo phận Montréal, Côte des Neiges>, Cha Rogers Gosselin, Pierre Dufour...and more...

2 comments:

A friend of VN Refugees said...

A heart-felt and deep sympathy story, those people must have somethings very special inside of them to make the differences....to break all barriers and obstacles and approaching as even closer than our relatives...They are admirable!!! Thank you for sharing the story...BTW, It is hard to find those stories here in this country where materialism and selfishness are heavier than conscience...too sad!!

Anonymous said...

Thank you Sister LeBlanc. You are one of our savior, but we did not know about you until now...merci, merci....

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes